- 4 -
Tác giả: Hans Speidel
NGÀY 1 THÁNG 4 NĂM 1944, Ở OBERSALZBERG, Tham mưu trưởng Binh đoàn B, vừa mới được bổ nhiệm, tự thấy mình phải đặt câu hỏi tìm biết coi rốt cuộc Đồng minh tây phương có mưu định mở một cuộc xâm lược quy mô không. Tư lệnh Binh đoàn B, Thống chế Rommel cùng với Bộ tham mưu của ông chưa bao giờ ngờ rằng mình đang phải chờ đợi một cuộc đánh chiếm lớn lao có tính cách một cuộc tấn công quyết định về chung cuộc của chiến tranh.
Ở Anh, có chừng 75 tổ hợp quân sự có sức mạnh ngang với một sư đoàn. Theo ý kiến của Binh đoàn, thì trong số đó có 65 đơn vị gồm các sĩ quan và binh sĩ hiện dịch sau một thời gian huấn luyện kéo dài trong nhiều năm, có thể tham dự ngay một cuộc đổ bộ. Đó là từ 40 đến 45 sư đoàn Anh và từ 20 đến 25 sư đoàn Hoa Kỳ. Tất cả những đơn vị nầy đã được cơ giới hóa đầy đủ (sư đoàn thiết giáp). Ngoài ra, còn có thêm 7 sư đoàn không vận. Dưới quyền tổng chỉ huy của Đại tướng Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower, những lực lượng ấy gồm: Binh đoàn XII của tướng Omar N. Bradley, với đệ I lộ quân của tướng Courtney H. Hodges và đệ III lộ quân của tướng George S. Patton, và binh đoàn XXI Anh cát lợi của thống chế Sir Bernard L. Montgomery, với đệ I lộ quân Gia nã đại của tướng H. D. G. Crerar và đệ II lộ quân Anh cát lợi của tướng Miles C. Dempsey
Nếu những nghi ngờ còn có thể tồn tại đối với khả năng của một cuộc đánh chiếm, thì sau những tin tức đưa về hồi tháng 3 năm 1941, những nghi ngờ ấy đã bị tiêu tan. Những đạo quân tinh nhuệ của Anh và của Mỹ (sư đoàn 1 và 7 thiết giáp, sư đoàn 1 không vận, sư đoàn 51 Bộ binh Anh, sư đoàn 1 và 9 Bộ binh Mỹ), một đạo quân đặc biệt về đổ bộ và phương tiện chuyên chở đầy đủ, đã được chuyển từ Địa Trung Hải và miền Nam nước Ý đến Anh Quốc.
Trung tâm của cuộc chiến được chuyển từ khu vực Địa Trung Hải về Anh Quốc. Ý đại lợi trở thành mặt trận phụ thuộc.
Vũ khí và đồ trang bị của các sư đoàn quân Đồng minh thật đáng chú ý, nó không thiếu một thứ gì thuộc loại kỹ thuật tối tân vừa mới sáng chế: những hải cảng nhân tạo giúp cho những đoàn quân đổ bộ khỏi bị lệ thuộc vào những Hải cảng thường trực đã được tổ chức từ trước. Những bãi đáp ghép bằng những tấm sắt cuộn lại được đã biến những cánh đồng cỏ thành sân bay chỉ trong vòng ít ngày. Một ống dẫn dầu chuyển vận đầy đủ nhiên liệu ra ngoài biển Manche (biển nằm giữa Anh và Pháp) để giải quyết vấn đề tiếp tế căn bản. Những bộ phận tiền chế của những cây cầu bằng sắt cho phép đoàn quân vượt các sông ngòi và chướng ngại một cách mau lẹ và chắc chắn.
Những chiến hạm của Hoa Kỳ và Hoàng gia Anh được tập trung tại các hải cảng và các vịnh thuộc quần đảo Anh. Sức chuyên chở của những tàu biển có thể chuyển vận được 20 sư đoàn một lượt. Nhờ sắp đặt những khoảng cách ngắn của các bến đỗ quân và việc phòng không hữu hiệu, người ta có thể tin cậy vào một sự hoạt động lanh lẹ của những chuyến tàu chạy tới chạy lui.
Không lực Đồng minh với 17.000 phi cơ ứng chiến, đủ sức mạnh thực hiện cùng một lúc một trận không tập nhằm vào hậu phương của Đức và trên lãnh thổ Đức, đồng thời phối hợp với một cuộc đổ bộ đại quy mô.
Ngoài ra Đồng minh còn có một màng lưới tình báo giăng sẵn trong thời bình, nay được tăng cường đúng mức và được giúp đỡ tại Pháp bởi phong trào kháng chiến Pháp. Phong trào này xuất hiện từ mùa đông năm 1943 – 1944, thực ra chỉ hoạt động được ở mạn Bắc sông Loire với vai trò yếu ớt. Cho tới mùa xuân năm 1944, họ chưa hề có được những hoạt động phá hoại nào với tầm mức rộng lớn.
Tất cả những triệu chứng của một cuộc đánh chiếm rộng lớn đã thấy hiện rõ sau sự tăng gia cường độ không tập vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1944 và được Bộ tham mưu của Binh đoàn B ghi chép kỹ càng và theo dõi trên bản đồ chiến trận.
Những chuyến bay thám thính, những trận ném bom ‘du kích’, những cuộc tấn công bất thần của hải quân đối phương, công việc gài mìn, với thủy lôi, những hoạt động phá hoại của các phong trào kháng chiến: tất cả những triệu chứng này tập trung trong vùng giữa sông Somme và đường giao thông Saint-Malo-Orleans.
Tuy nhiên, một sự nhận xét chính xác về tiềm lực của đối phương thực ra rất khó khăn vì Binh đoàn nhận được những tài liệu cần thiết sau khi những tài liệu này đã được ‘tu chỉnh’ bởi nhiều giới chức thẩm quyền: Tư lệnh mặt trận Miền Tây, Bộ Tư lệnh tối cao của quân đội, Cơ quan đặc trách về quân đội ngoại quốc của mặt trận Miền Tây, Bộ chỉ huy tối cao của Ban hành quân Lục quân (Wehrmacht). Sự liên lạc trực tiếp giữa Binh đoàn và Cơ quan tình báo quân sự Abwehr – cơ quan có nhiệm vụ cung cấp cho bộ Tư lệnh tối cao của quân lực những tin tức về đối phương – bị ngăn cấm tuyệt đối theo một ‘ lệnh căn bản’ của tư lệnh mặt trận Miền Tây. Vì vậy Binh đoàn không có trong tay một chút dữ kiện nào về sự hoạt động của phong trào kháng chiến Pháp và sự liên kết giữa phong trào này với Đồng minh trong trường hợp xảy ra một cuộc đổ bộ; họ chỉ nhận được tin tức do một cấp khác chuyển tới. Bộ Tư lệnh Binh đoàn không có một sĩ quan chuyên môn nào của Abwehr trong Bộ tham mưu cả.
Những tài liệu trong lãnh vực chính trị cũng như quân sự phải đi tới theo đường quanh co. Thống chế Rommel không được chính thức biết rõ sự phát triển của các cuộc hành quân tại Ý và mặt trận Miền Đông. Ông ta chỉ có bổn phận và quyền được giữ sự ‘ liên lạc chặt chẽ’ hàng ngày. Sau hết, đường dây điện thoại và những phương tiện truyền tin khác chỉ được sử dụng với sự thận trọng tối đa.
Về sau này, sự thiếu sót tin tức đã cảm thấy rõ ràng khi giả thuyết về một cuộc đổ bộ thứ hai được đặt ra. Đồng thời, trong lĩnh vực kỹ thuật của nhiều loại khí giới, Binh đoàn cũng không được Bộ Tư Lệnh tối cao cho biết, hoặc về sự tiến bộ của loại hỏa tiễn V [1] mà người ta vẫn đang mong đợi, hoặc về sự hoàn thành loại bom hạch tâm, hoặc về những phương tiện trợ chiến mà Hải quân đã dùng, hay về những khu trục cơ phản lực.
Một khi những lực lượng của cuộc tiến quân ba mặt giáp công đã được chuẩn bị sẵn sàng ở Anh vào cuối tháng tư, thì điều quan trọng là làm sao đoán biết được thời gian khởi diễn của nó. Những hạn chế di chuyển tại các thành phố bên Anh, sự tham dự của lực lượng địa phương quân (Home Guard). Những lời phàn nàn chỉ trích phát xuất từ nền kinh tế Anh, và nhất là sự tăng gia cường độ không tập, cho thấy trước một chuyển động đột khởi của cuộc chiến. Nó chỉ còn chờ hoàn cảnh khí tượng. Theo luận cứ của Hải Quân chiến đấu, Tư lệnh Lục quân Đức ấn định ngày 18 tháng 5 như là ngày ‘chắc chắn có thể’ mở đầu cuộc đổ bộ. Nhưng rồi cái ngày được chú ý ấy qua đi không có chuyện gì đột biến nên Hải đoàn mặt trận miền Tây chỉ phải đón nhận cuộc tấn công vào tháng 8
Về phần Thống chế Rommel thì hàng ngày ông chờ đợi cuộc đổ bộ khai diễn: bởi vậy ông chuẩn bị quân lính của ông; ông tận dụng thời gian một cách thích thú cho những sự chuẩn bị về chính trị, về chiến lược và sự kiện toàn lực lượng phòng bị của binh đoàn ông.
Ông đã nhiều lần đề nghị được mở một cuộc tấn công để thăm dò nơi tập trung lực lượng địch và để gây hỗn loạn cho hàng ngũ địch. Dự án nầy đáng lẽ phải được thực hiện nhờ những cuộc tấn công của tiềm thủy đĩnh nhắm vào các hải cảng địch và nhờ ở những thủy lôi tự động loại mới, nhưng đã bị Hitler ngăn cản, trong khi sự tổ chức những cuộc không tập vào vùng tập trung quân đội và khí cụ của địch nhờ ở loại hỏa tiễn V1 cũng thường xuyên bị trì hoãn.
Theo ý kiến của Thống chế Rommel hồi tháng 4 năm 1944 thì những vùng đổ bộ có thể là ở cửa sông Somme, sông Bresle, sông Arques và sông Seine với những bến như Abbeville, Le Havre, bờ biển Calvados và quân cảng Cherbourg thuộc bán đảo Colentin. Ông cho rằng một cuộc tấn công chớp nhoáng một hải cảng lớn lao là điều can hệ đối với mạng sống của đoàn quân tấn công. Nhưng ông không thể ngờ tới tầm quan trọng của một ‘hải cảng nhân tạo’, tỷ như các hải cảng được dựng lên bất thần để sử dụng trong hồi tháng 6 tại bờ biển Calvados.
Ưu thế về không quân của Đồng minh đã được công nhận trong mọi trường hợp.
Dầu vậy, hải quân vẫn từ chối không chấp nhận những khả năng của cuộc đổ bộ trong vùng cửa sông Seine và dọc theo vịnh Calvados. Người ta cho rằng cuộc đổ bộ của lực lượng địch dọc theo bờ biển này không thể nào có được vì có những lớp đá ngầm cản trở. Bởi vậy những công sự tăng cường phòng thủ phần này của vùng Normandie không có gì đáng chú ý lắm.
Khi những nguồn tin về địch quân xác nhận sự quan trọng của vùng biển Normandie, nơi sẽ xảy ra cuộc đổ bộ, thống chế Rommel, vào đầu tháng 5 đã yêu cầu được đặt dưới quyền sử dụng của ông Quân đoàn III phòng không hiện đóng rải rác tại miền Trung và miền Bắc nước Pháp: với 4 trung đoàn phòng không và hai mươi bốn đội cao xạ tối tân D.C.A., quân đoàn này có một hỏa lực đáng kể trong việc phòng thủ chống phi cơ và thiết giáp tại vùng đất giữa hai con sông Orne và Vire miền Normandie. Thống chế Goering, tư lệnh không quân, đã từ chối.
Cuối tháng 5, hải quân phái đến vùng cửa sông Vire một vài pháo hạm nhỏ, đấy là những chiếc tàu tuần duyên võ trang đại bác, thường không có khu vực trách nhiệm.
Trong khi Hitler trông mong một cuộc đổ bộ của địch quân trên phòng tuyến biển Manche (chỗ mũi Gris-Nez) thì thống chế Rommel, qua những cảm nghĩ của ông về địch tình hồi đầu tháng 5, lại không tin hẳn như vậy. Theo ông, mặc dù có sự tiếp cận của căn cứ phát xuất, địch quân sẽ không đưa đầu vào một chỗ mà sự phòng thủ của đối phương được coi là mạnh nhứt. Tại vùng biển Bretagne cũng vậy, bất chấp những điều kiện thuận lợi về bến đổ bộ, theo ý ông, khó có thể xảy ra cuộc đổ bộ, căn cứ vào khả năng hành quân yếu kém của đối phương sau đó dù cho cuộc đổ bộ có thành công phần nào đi nữa.
Giả thuyết của Bộ Tổng tư lệnh Quân lực, theo đó địch quân sẽ có thể đổ bộ bằng những lực lượng khá quan trọng dọc theo bờ biển Bỉ và cửa con sông Escaut, cũng chỉ được vị Tư lệnh Binh đoàn đón nhận một cách dè dặt. Những mưu toan như vậy của địch quân, ông cho rằng nó đối nghịch với lý lẽ của sự tập trung, tại các hải cảng phía Nam và trong vùng xứ Galles phía tây nước Anh, một khối lượng tàu chuyên chở quân đổ bộ. Đồng thời, tấm bảng theo dõi hoạt động của Không quân địch cũng trái ngược với cách nhận xét như vậy.
Theo ý kiến của Thống chế Rommel, thì nhiều cuộc đổ bộ từng đợt, đồng loạt hoặc liên tiếp, có thể xảy ra trong khu vực liên hệ có tính cách chiến lược; cũng còn phải kể tới khả năng của một kế hoạch 'điệu hổ ly sơn'. Dưới mắt ông thì vùng bờ biển giữa sông Somme và vịnh Saint-Malo sẽ là vùng bị nguy hiểm.
Ngoài khu vực mà Bộ tư lệnh Binh đoàn phòng bị, người ta còn báo tin rằng địch quân có ý định đánh chiếm hai bên bờ sông Gironde và vùng bờ biển Địa trung hải. Dầu vậy, người ta cũng gạt bỏ ý nghĩ về một cuộc đổ bộ tại vùng Bordeaux vì cho là không thể thực hiện được. Còn về cuộc đánh chiếm tại vùng bờ biển Địa trung hải với những cuộc hành quân tiếp nối trên hai bờ sông Rhône để làm lung lay phòng tuyến Đại tây dương, người ta đặt xuống hàng thứ yếu qua những nghiên cứu chiến lược.
Về sự diễn tiến tiếp sau những cuộc hành quân của Đồng minh, Rommel suy đoán như sau: Cuộc đổ bộ thực hiện xong dù ở Bắc hay Nam ngạn sông Seine (kèm theo cuộc hành quân khóa chặt vùng Bretagne), mục tiêu thứ nhất của địch là khu vực rộng lớn của Ba lê. Từ đó, tất cả những lực lượng tập họp lại, họ tấn công thẳng vào lãnh thổ Đức. Thống chế Rommel cho rằng cuộc đánh chiếm vùng địa bàn Ba lê có tính cách quyết định bởi những lý do chính trị, chiến lược và tâm lý.
Chú thích:
[1] Đọc "Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler" - Bản dịch Người sông Kiên và Lê thị Duyên - Sông Kiên xuất bản