watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hitler Và Trận Đánh Normandie-- 6 - - tác giả Hans Speidel Hans Speidel

Hans Speidel

- 6 -

Tác giả: Hans Speidel

Buổi chiều ngày 15 tháng 4 năm 1944, lần đầu tiên khi nghe vị tân Tham mưu trưởng trình bày cảm tưởng của ông lúc ở Tổng hành dinh Fuhrer và về tình hình mặt trận Miền Đông, Thống chế Rommel khai triển thêm những nguyên tắc của ông về chiến lược và về chính trị.


Mặt trận Crimée đã thất thủ, phòng tuyến vùng đông Lỗ ma ni bị bẻ gập. Sự lớn mạnh của tiềm lực Nga đã tạo được những tiến bộ đáng kể sau những vụ chuyển giao vũ khí, quân trang, quân dụng của Anh-Mỹ chiếu theo điều khoản trong hiệp ước cho vay; sự kiện này cho phép đoán trước được những trận đánh quyết định của Nga vào mùa hè. Do “lệnh nguyên tắc” số 1 ngày 13 tháng 1 năm 1940, Hitler đã từ chối không cho cung cấp mọi tin tức về tình hình chung ngay cả cho các vị Tư lệnh các mặt trận. Chính nhờ ở những nguồn tin trung lập, đặc biệt là báo chí Thụy sĩ, và nhờ ở đài phát thanh ngoại quốc, mà Binh đoàn có thể phác họa được một ý niệm về các kết quả của các cuộc hội nghị chính trị của phe Đồng minh và về ảnh hưởng bất thần của những cuộc hội nghị ấy, những kinh nghiệm chiến thuật của Rommel dựa vào cái thế bôn tập của “Sư đoàn Ma quái” của ông (Sư đoàn VII thiết giáp) ở phương Tây[1] và chiến trường Bắc Phi. Hồi tháng 5 và tháng 6 năm 1940, trong cương vị Tư lệnh sư đoàn, Rommel đã vượt sông Meuse ở Dinant, phá vỡ phòng tuyến tăng cường của liên quân Pháp-Bỉ, và là người đầu tiên tiến đến bờ biển Manche rồi bờ biển Đại tây dương. Năm 1941, ông đã ổn định được tình hình Bắc-phi bằng những lực lượng nhỏ yếu của Đức và chuyển sang một cuộc tấn công thắng lợi vẻ vang. Ông chưa thể đúc kết được những kinh nghiệm của ông tại mặt trận Miền Đông nhưng ông đang lưu tâm tổng hợp nó lại và khai thác nó.


Tư tưởng quân sự và chính trị của ông chú trọng vào những biến cố mùa hè năm 1942. Hồi ấy, một cánh quân Đức-Ý tại Phi Châu sau khi chiếm xong Tobrouk, đang ở cách Alexandrie - Le Caire không đầy 100 cây số. Cánh quân này sửa soạn mở mũi dùi về phía kinh Suez và sông Nil để cắt đứt một huyết mạch tiếp tế của Đế quốc Anh.


Lúc ấy, Thống chế yêu cầu bồi dưỡng cho cuộc tấn công vì lực lượng của nó suy giảm một cách đáng sợ, ông đã đòi hỏi rằng vấn đề an ninh của các đường giao thông dành cho việc tiếp viện phải được những lực lượng hải quân không chiến sung mãn của Ý tham gia bảo vệ. Những lực lượng này đã không tới, Hải và Không quân Ý, vì sự thụ động của họ đã vô tình tiếp tay cho quân Đồng minh. Khi Hitler tuyên bố: “Tôi tin tưởng ở Mussolini hơn là ở những tướng lĩnh Đức”, Rommel liền mời ông ta tới để ông ta có một cảm tưởng riêng về chuyện này.


Nhưng, kể từ 1941, Hitler đã không thăm mặt trận nữa. Lộ quân thiết giáp Anh của Montgomery vô cùng hùng hậu hơn quân Đức, xuất trận trong cái thế được bảo đảm tiếp tế, mở cuộc phản công. Nó được yểm trợ bằng một lực lượng không quân mạnh mẽ, một lực lượng mà vào trong thời kỳ này đã phối hợp với hải quân Anh ngăn chặn mọi đường tiếp tế của Đức. Khi Rommel, vì lương tâm trách nhiệm yêu cầu được rút lui khỏi El Alamein, thì Hitler liền gửi cho ông bản công điện chấn động như sau: “Tấn công Le Caire; thắng trận hoặc chết.”


Nhưng Rommel không hề nao núng, hạ lệnh rút lui để cứu vớt những toán quân đã được trao phó cho ông. Thống chế đã nhìn thấy bị đòi hỏi quá nhiều về “những sứ mạng chinh phục hoàn cầu”; những phương tiện đã được hứa hẹn lại không đến tay ông. Ở mặt trận Phi châu, ông ghi nhận được hai kinh nghiệm: một sự kính trọng sâu xa đối với quân lực Anh quốc mà ông xem như một lực lượng quốc tế và sự kinh khi đối với nước bạn Ý đại lợi của mình. Những đoàn quân Anh và quân các nước thuộc địa Anh, theo nhận xét của ông, rất có giá trị về phương diện chỉ huy, kỹ thuật và khả năng tác chiến: khí cụ của họ hơn hẳn Đức kể cả về lượng cũng như về phẩm: ông cũng rất nể phục lực lượng của Hoa kỳ.


Về phần “người bạn Ý”, Rommel đã tỏ ra đề phòng khi có dịp, bằng lời nói cũng như trên giấy tờ và đã rất nhiều lần. Những điều dị nghịch của ông không phải chỉ căn cứ trên đường lối ngoại giao và quân sự của Ý – một đường lối đã đưa đến chỗ thúc đẩy Đức đi vào cuộc phiêu lưu tại miền Ba nhĩ cán- mà còn căn cứ trên sự hiểu biết chính xác về nền tảng chính trị, quân sự, tinh thần và kinh tế của Ý nữa.


Bởi những suy luận như vậy, Thống chế đã đi tới chỗ tương khắc với Adolf Hitler và Bộ Tư lệnh tối cao quân lực: Hitler và bộ Tư lệnh tối cao, trái lại, đã tỏ ra khinh thường, diễu cợt kẻ địch Anh và khen đồng minh Ý hết mình. Sự tương khắc ấy càng tăng thêm kể từ mùa đông 1942 – 1943, khi Hitler đề nghị rút bỏ mặt trận Phi châu và gừi quân sang mặt trận Miền Đông, nghĩa là di chuyển trọng tâm của cuộc chiến trên một điểm chính yếu và rời bỏ chiến trường phụ.


***
Đối với vấn đề nước Pháp, Thống chế đã đề cập tới một cách cần thiết ngay từ khi còn ở Phi châu. Những cuộc thương nghị của bộ Tư lệnh tối cao Quân lực và Bộ Ngoại giao Đức với Đô đốc Darlan và tướng Huntziger hồi mùa đông 1940-1941 và trong năm 1941, nhắm mục đích bảo vệ hậu phương của quân Đức tại Phi châu. Nếu những cuộc thương nghị này không đi tới một kết quả nào thì lỗi đó do bởi những đòi hỏi quá đáng của Hitler, đòi hỏi những điều kiện mà nước Pháp không thể nào thực hiện được. Một đường lối sáng suốt của Đức, bất chấp những yêu sách của Mussolini, có lẽ đã thỏa hiệp được với Pháp để lôi kéo Maroc, Algerie, Tunisie vào trong một hệ thống an ninh Âu-Phi. Nhưng, ít ngày sau vụ El Alomein, các lực lượng Mỹ đổ bộ lên vùng Bắc Phi thuộc Pháp; sự kháng cự của Pháp ngừng lại và sự hòa nhập vào Đoàn quân Phi châu đã xảy ra ngay sau đó.


Thời gian lưu lại trên đất Pháp đã giúp cho Erwin Rommel có thể điều nghiên được xứ sở và dân chúng Pháp. Ông thích phong cảnh nước Pháp; ông có cảm tình chân thật và nồng nhiệt với dân tộc Pháp; theo ý ông thì thật là khó chịu khi duy trì một quy chế đình chiến suốt bốn năm trường, và như vậy, là làm giảm uy tín của chính phủ của Thống chế Pétain một cách có tổ chức về phương diện đối nội cũng như đối ngoại.


Ông tin tưởng ở sứ mạng nước Pháp và ông chủ trương, với mục tiêu cần thiết, hòa giải với Pháp khi đã có hòa bình cũng như không thể đối xử với người Pháp như những kẻ thù. Trong cuộc họp ở Margival ngày 17 tháng 6, ông trình bày ý kiến của ông đối với chính sách chính thức đối với Pháp và nhắc Hitler hãy coi chừng sự thống trị của cơ quan Mật vụ và những phương thức của chương trình Sauckel.


Đây là sự nhận xét của Thống chế Rommel ngày 15 tháng 4 năm 1944 về tình hình quân sự: ở mặt trận Miền Tây, cuộc đánh chiếm của Đồng minh sẽ xảy ra chắc chắn, và có lẽ khó lòng ngăn chặn được nó với những lực lượng đang bố trí. Ở mặt trận Miền Đông, người ta phải phòng trước cuộc tổng tấn công của Hồng quân vào khoảng giữa năm; ở Ý cuộc tấn công của Đống minh sẽ thằng lợi từ từ, liên tục tiến về hướng Bắc và tỉa dần lực lượng Đức. Vì đã biết rõ chiến trường tại Ý, hiểu rõ hoàn cảnh chiến lược, Rommel đề nghị bỏ rơi miền Trung và Nam Ý, chấp nhận một cuộc rút lui về trấn giữ vị trí từ Pise đến Florence và tới Ravenne, nhưng Tổng Tư lệnh tối cao quân lực không nghe lời cứ giữ nguyên vị trí cũ. Thành thử các bờ biển Ý chỉ được phòng thủ yếu ớt và là một mục tiêu dễ dàng cho cuộc đánh chiếm của địch.


Tình hình chính trị còn tuyệt vọng hơn tình hình quân sự. Nước Đức chiến đấu đơn độc: nước Ý đã trở thành đối thủ của Đức; nền độc tài bù nhìn của Mussolini ở miền Bắc Ý không có quyền hành gì ở những nơi khác. Những tin tức từ Phần Lan, Lỗ ma ni, Bảo gia Lợi đưa về, cho thấy sự rối ren và bấp bênh của chính quyền và dân chúng những nơi đó. Không bao giờ người ta lại bắt tay với một kẻ thù duy nhất để loại trừ kẻ thù kia. Đường lối đối ngoại của Đức thiếu sự sáng suốt và tính chất hoạt động cũng như đường lối chiến tranh.


***
Trong những cuộc trò chuyện tại nơi Thống chế Rommel, một số ý kiến của bác sĩ Goerdeler, nguyên thị trưởng Leipzig, được nhắc tới. Những ý kiến này chuyển tới cho Rommel ngày 11 tháng 4 tại Freydenstadt, qua sự trung gian của ông thị trưởng là bác sĩ Strolin. Cuối năm 1943, Goerdeler đã thỉnh cầu Strolin bắt liên lạc với Thống chế. Làm sao thuyết phục được Thống chế thấy rõ sự cần thiết phải dẹp bỏ Hitler và chế độ của ông ta nếu muốn cứu nước Đức và Âu châu. Thị trưởng Stuttgart, đã từ lâu vẫn coi Rommel như một người cương nghị và sáng suốt, rất tha thiết với vấn đề trên, ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc với Thống chế hồi tháng 2 năm 1944. Họ đã thảo luận với nhau về những hoạt động hợp pháp khả dĩ thay đổi được chế độ và chấm dứt chiến tranh. Về khía cạnh quân sự, biểu đồ kế hoạch được bổ túc bằng những tin tức do Đại tướng Beck và tướng pháo binh Wagner đưa tới.
Tất cả đều đồng ý là phải tìm ngay ra những lối thoát và phương tiện để chấm dứt chiến tranh trước khi sự tan rã rõ rệt làm cho mọi cuộc đàm phán không thể thực hiện được, Rommel, với bản tính trầm tĩnh nhưng không hề giấu giếm sự kỳ quái của Hitler trên phương diện quân sự cũng như chính trị, sự khinh thường hoàn toàn đối với nhận thức về Âu châu và tình nhân loại thực sự của Hitler.


Chính lúc ấy mà hàng loạt những cuộc hội họp thiết yếu đã diễn ra.


Tư lệnh khu vực Bỉ và vùng bắc nước Pháp, tướng Bộ binh Alexander von Falkenhausen, người “hùng” của Đệ I Thế chiến, là một trong những nhân vật đáng chú ý của mặt trận Miền Tây và của quân đội về phương diện trí thức và nhân đạo. Thống chế Rommel đã từng là phụ tá của ông, khi von Falkenhausen điều khiển trường Bộ binh Dresde. Ông kính trọng con người khôn ngoan này. Trước Đệ I Thế chiến, Falkenhansen là tùy viên quân sự tại Nhật; năm 1934 ông trở thành cố vấn quân sự cho thống chế Tưởng giới Thạch và kế tiếp chức vụ của các tướng von Seekt và Welzell.


Ông hiểu rõ dân tộc Anh cũng như các dân tộc ở Viễn đông. Với bao nhiêu khó khăn trở ngại, ông đã có ý chống lại những huấn thị của Hitler liên quan tới Bỉ và miền Bắc nước Pháp và cố gắng cai trị những vùng đất ấy với tư cách con người có phẩm giá. Nhưng ngày 15 tháng 7 năm 1944 ông bị thay thế bởi Khu trưởng Hành chánh (gauleiter) Grobe, và bị bắt giữ sau ngày 20 tháng 7 năm 1944. Von Falkenhausen thấy rằng cái cơ hội thành công của một cuộc đảo chánh đã qua rồi; nhưng dù sao đi nữa, cũng phải triệt để thực hiện sự toan tính đảo chánh để chấm dứt chiến tranh và cứu Tổ quốc ra khỏi sự khổ ải triền miền.


Tư lệnh tại Pháp, tướng Bộ binh Karl Heinrich von Stulpnagel, cũng chia sẻ quan điểm của bạn đồng liêu ông tại Bỉ. Ông đã đẩy mạnh tới mức tối đa, trong lý thuyết cũng như trong thực hành, những sự chuẩn bị cho một cuộc thay đổi tình thế. Karl Heinrich von Stulpnagel là một nhân vật hào hùng; ông có tài thao lược của con nhà tướng và tài chuyên môn. Đại tướng Beck, nguyên Tổng tham mưu trưởng, đã chọn ông làm cộng sự viên trong cuộc soạn thảo tập quân kỷ dưới tựa đề: Tác Phong Quân Đội. Tài mẫn tiệp của ông về chính trị đã được tận dụng trông công việc này. Ở ông, khả năng quân sự lão luyện và sự suy luận vững chắc được bổ túc bởi một ý thức tinh tế, thăng bằng. Ngoài ra, ông còn có một trình độ triết học và tài ngoại giao mà ông đã chứng tỏ được khi giữ chức vụ Trưởng khối đặc trách các vấn đề Quân đội Ngoại quốc trong Bộ Tổng tham mưu và khi làm chủ tịch Ủy ban Đình chiến. Ông là một người Đức và một người Âu hoàn toàn theo nghĩa của tiếng đó. Những tình cảm cao thượng của ông về đạo đức đã làm cho ông thấy mình là một nạn nhân thường trực của tính chất vô luân trong chính sách của Hitler. Ngay từ hồi ông cùng với Rommel làm giáo sư trường Võ bị Dresde do Falkenhausen điều khiển, ông đã tỏ ra rất ăn ý với ông Falkenhausen.


Sau những câu chuyện có tính cách chuẩn bị của ông tham mưu trưởng ngày 15 tháng 5 năm 1944, trong một ngôi biệt thự tại Mareil-Marly, gần Saint-Germain, một cuộc họp giữa Rommel và Stulpnagel đi sâu vào vấn đề hơn. Hai người trù liệu những biện pháp chấm dứt chiến tranh tại Miền Tây và tiêu diệt chế độ Quốc xã. Sau khi kiểm điểm qua tình hình chính trị và quân sự, họ ấn định chi tiết của công việc chuẩn bị. Hai vị chỉ huy trưởng khẩn thiết trình bày những nỗi lo ngại về quân sự và chính trị của mình với vị Tổng tư lệnh mặt trận Miền Tây, Thống chế Von Rundstedt. Họ đã được Thống chế lắng nghe với vẻ ân cần. Vào tháng năm, vị tướng Bộ Tổng tham mưu quân lực, tướng pháo binh Edouard Wagner, có nhiệm vụ liên lạc, phối hợp hoạt động của Miền Tây với các sự thiết bị của Tổng tư lệnh Quân đội, đến lô cốt chỉ huy của Binh đoàn. Thống chế Rommel phản đối các kế hoạch và dự định ám sát: Ông không muốn làm cho Hitler biến thành một vị tuẫn thánh. Kế hoạch của ông gồm việc dùng các đơn vị thiết giáp chắc chắn để bắt sống Hitler và sau đó đưa ông ta ra tòa án Đức để xét xử về các tội ác mà ông ta đã phạm phải đối với dân tộc của ông ta và đối với Nhân loại: Dân đã chọn ông ta vậy thì dân sẽ xét xử ông ta.


Gần như mỗi ngày, những nhân vật quan trọng của chế độ đều đến để tỏ bày tự do những ý kiến của mình trong vùng du địa của Bộ tham mưu của Rommel, xa tầm móng vuốt của cơ quan Gestapo và để tìm các phương sách thoát khỏi một tình thế ngày càng trở nên tuyệt vọng. Trong số những nhân vật đó có bác sĩ Dorpmuller, quốc vụ khanh và chỉ huy trưởng Hành chánh Hambourg Kauffmann.


Nhiều tin tức từ mọi từng lớp dân chúng đưa về cũng xác nhận quan điểm đó và bảy tỏ sự tín nhiệm sâu xa đối với Rommel về phương diện nhân phẩm và tư cách quân nhân của ông.


Trong những ngày đầu tháng 5, Ernst Junger, lúc ấy là Đại úy trong bộ tham mưu của vị tư lệnh tại Pháp, mang tới bức giác thư hòa bình, trong đó có một vài điểm ông đã nghiên cứu từ hồi mùa đông 1941-1942. Rommel rất quan tâm tới những ý kiến của Ernst Junger, đặc biệt là tới cái nhận thức về người Hoa Kỳ tại Âu châu, một nhận thức dạt dào một tư tưởng nhân bản Ki tô giáo. Thống chế trù liệu sẽ quảng bá thật rộng rãi tài liệu lịch sử và nhân đạo ấy khi có cơ hội thuận tiện. Trong thời kỳ của Tín ngưỡng Tân ước nầy, lời kêu gọi của Junger gây một sức mạnh gần như thần thoại và đã tìm được những cơ quan nhận chịu sự quảng bá của ông.


Đồng thời bác sĩ Strolin, thị trưởng Stuttgart, theo lời mời của bác sĩ Goerdeler, ngày 14 tháng 4, cũng đã giải bày cùng Thống chế ước muốn có một cuộc họp với Nam tước Constanlin Von Neurath, cựu Ngoại trưởng, cuộc họp mà trong đó cái kinh nghiệm lão thành về ngoại giao của ông cựu Ngoại trưởng sẽ có thể rất hữu ích.


Rommel nhìn thấy ở Neurath một nhà ngoại giao kỳ cựu, chỉ với bản chất quý phái của ông ta thôi, cũng đủ là người đối nghịch với chế độ Quốc Xã. Ngoài ra, Thống chế còn tìm được ở ông ta một con người cùng quê hương xứ sở Souabe[2] với Thống chế. Con trai của Neurath đã ở trong bộ Tham mưu của Thống chế rất lâu tại mặt trận Phi châu. Nhưng một sự xê dịch của Rommel đi tìm gặp Neurath và Strolin khó lòng tránh khỏi con mắt của Mật vụ. Vì vậy cho nên Rommel đã ủy cho tôi lo sự liên lạc với hai nhân vật ấy.


Buổi tối tiếp xúc diễn ra ngày 27 tháng 5 năm 1944 tại Freudenstadt. Mục tiêu của nó nhằm trao đổi những nhận xét giữa mặt trận miền Tây và mẫu quốc. Tôi bắt đầu bằng công việc xác định tình hình quân sự trước cuộc đánh chiếm của Đồng minh. Nhân danh Thống chế tôi đòi hỏi phải nghiên cứu kế hoạch tại Đức để cứu đất nước thoát khỏi tai họa diệt vong. Von Neurath phác họa một biểu đồ về tình hình ngoại giao từ ngày 4 tháng 2 năm 1938, ngày mà ông và Đại tướng Von Fritsch bị giải nhiệm. Ông nhắc lại sự kiêu hãnh của những lời ông đã báo động trước cho Hitler. Bác sĩ Strolin chú trọng tới vấn đề thuộc về trung ương, về cá nhân Hitler và tán đồng ý kiến cho rằng ngoại quốc không muốn điều đình với Hitler dù với giá nào. Chỉ có truất phế Hitler đi mới có thể tạo được một đường lối xây dựng mới. Nhưng phải hành động gấp rút, trước cuộc đánh chiếm của Đồng minh. Vì vậy sự giữ vững phòng tuyến là điều kiện trước tiên cho mọi kế hoạch. Theo ý kiến của bác sĩ Strolin thì Thống chế Rommel là người duy nhất đảm trách được đường hướng chung, không những vì ông là người được dân Đức ưa mến bởi lòng liêm khiết và bởi ông là một tướng lãnh, mà vì ông còn được cả nước ngoài khâm phục bởi tinh thần cao thượng khi cầm quân.


Vì vậy, hai nhân vật trên yêu cầu tôi chuyển lời mời Thống chế hãy sẵn sàng đứng ra cứu vãn nước Đức, hoặc với cương vị tư lệnh Lục quân, hoặc Quốc trưởng lâm thời. Dĩ nhiên Đại tướng Beck và bác sĩ Goerdeler đều là những nhân vật thiết yếu, đủ khả năng đóng vai trò trọng đại của cuộc cách mạng này, nhưng trong những bước đầu khó khăn, phải có một nhân vật có uy tín đối với dân chúng và quân đội như Thống chế.


Hơn nữa, người ta dự liệu những khả năng đàm phán với phe Đồng minh tây phương: nhờ Tòa thánh La mã, nhờ ông Samuel Hoare, Đại sứ Anh tại Madrid, và nhờ Thụy sĩ. Những cuộc thăm dò đã được đưa ra tại La mã, Madrid và Lisbonne, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả gì.
Mười ngày sau, Strolin chuyển tới một bản báo cáo về tình hình ngoại giao và những thuận lợi của nó do Von Neurath thảo; những thuận lợi về ngoại giao quả thực còn quá hạn chế.


Người ta thảo luận kỹ càng việc trừ khử Hitler. Trái với ý kiến Thống chế, như ta đã thấy, chỉ muốn bắt Hitler và đưa ra xét xử tại một tòa án Đức, Strolin bàn rộng về quan điểm của Goerdeler và Beck chủ trương một vụ trừ khử khẩn thiết.


Theo họ, Hitler còn sống tức là còn có một mầm mống nguy hiểm về một cuộc tranh chấp chính trị.


Những công việc chuẩn bị cho vấn đề tuyên truyền trong nước và ở các mặt trận cũng đã được phác họa với những nét đại cương.


Cuộc hội ý lần thứ hai đã bàn thêm về sự liên hệ giữa những điểm khác biệt của cuộc kháng cự và đã ấn định một đường dây tin tức gửi đến đồn chỉ huy của Rommel: đường dây nầy tỏ ra chắc chắn và không bị khám phá.


Thống chế chấp thuận nội dung của những cuộc thảo luận ấy, ông báo tin cho Von Neurath và Strolin biết rằng những biện pháp chuẩn bị đã được thực hiện và bản thân ông, không có tham vọng cá nhân, sẵn sàng tham gia tích cực.


Một mưu tính của Mỹ muốn bắt liên lạc với Rommel, nhưng ông không hề hay biết, và chuyện đó chỉ được phát giác ra sau khi chiến tranh chấm dứt. Ngày 19 tháng 5 năm 1944, Đại tá Smart của Mỹ đáp phi cơ tới Vienne và đã tuyên bố trong một cuộc hỏi cung rằng ông ta muốn liên lạc với Thống chế để chấm dứt chiến tranh. Biên bản hỏi cung được ghi chép trong trại tù binh giam các sĩ quan tại Oberursel – Taunus, có ba bản gửi cho Hermann Goering, Goebbels và Bộ Không quân Đức. Rommel không được thông báo: đây cũng lại là một thí dụ về những phương pháp xếp đặt một đường lối chính trị có tính cách “sứ quân” và sự thiếu phối hợp giữa ba bộ Tự lệnh của các binh chủng.
***
Vì vậy trong những tuần lễ trước cuộc đánh chiếm của Đồng minh ý kiến của hầu hết mọi người đều bao quanh vấn đề cứu vớt nền Cộng hòa Đức. Chỉ có ai, đứng trước những giờ khắc vụt biến, trong giai đoạn quyết liệt của vận mệnh, bị bắt buộc phải phấn đấu để đưa ra những quyết định liên quan đến mạng sống nhiều người, đến tình hình chính trị và quân sự mà tầm mức của những quyết định ấy vượt xa khỏi tầm vóc của dân tộc Đức, thì người ấy mới có thể đo lường được sự bối rối trong lương tri các vị Tư lệnh quân sự cùng một hoàn cảnh suy tư như vậy. Những vấn đề mà một ông Hoàng Homburg, một ông Louis Ferdinand và một ông York phải giải quyết cũng có một tầm mức gần giống như những vấn đề của các vị tư lệnh quân sự dưới thời Hitler. Thống chế Rommel cũng giống như Nã phá luân, trong giai đoạn quyết định của lịch sử, phải đáp ứng những đòi hỏi đặt ra cho một kẻ sĩ phu quyền cao tước trọng, và hơn nữa ngoài một tư tưởng quân sự, còn phải đưa ra được một tư tưởng chính trị. Thống chế không phải là một ông tướng võ biền đầu óc hẹp hòi chỉ biết vâng lời như một kẻ thuộc hạ thấp kém, như Schlieffen đã mô tả; ông cũng không phải là một thứ “chuyên viên” để cho Hitler, giống như Robespierre, có thể phán bảo rằng: “Chỉ nhìn thẳng đằng trước là kẻ thù và phía đằng sau là sợi dây để treo cổ hắn ta!”. Ta cũng cần thêm vào đó cái luân lý của một Moltke, một nhân vật mà trong giờ phút cuối cùng đã đặt tình nhân loại lên trên nhiệm vụ người lính và đặt Con người lên trên Nguyên tắc. Trong các buổi đàm luận trong công viên, Rommel thích trích dẫn với sự châm biếm chua cay, các câu được viết trong cuốn Mein Kampf của Hitler, những câu mà Hitler đã làm cho ý nghĩa hoàn toàn trái ngược trong suốt tiến trình tiến hóa của ông: “Khi một dân tộc bị dắt dẫn đến chỗ diệt vong do bởi các kế sách của một chính quyền gồm những kẻ tiếm đoạt, sự nổi loạn của mỗi người công dân không những chỉ là một quyền, mà là một bổn phận… Quyền của con người phá vỡ quyền của Nhà nước”. Và: “Một lãnh tụ khôn ngoan phải chăm sóc không những đừng để cho cả dân tộc lao đầu vào vực thẳm một cách anh hùng mà phải bảo toàn khối dân tộc ấy. Mọi con đường đưa đến mục tiêu ấy đều đã được vạch ra và sự thiếu sót trong các đường hướng ấy phải được xem như là hành vi trọng tội và xâm hại đến lương tâm.”


Rommel chủ trương rằng, đối với cấp chỉ huy, sự tuân phục phải tìm kiếm các giới hạn của nó trong cảm nghĩ về trách nhiệm đối với Số phận của Dân tộc tại một điểm mà lương tri con người ra lệnh nổi loạn.
Chắc chắn ông hiểu rõ sự khác biệt giữa sự bất tuân phục đối với Thượng đế và sự bất tuân phục đối với con người. Trong lợi ích của chính dân tộc, ông cần phải đảm nhận nhiều trách nhiệm đặc biệt nếu các phương tiện khác không còn nữa. Lại một lần nữa, trong một buổi thuyết trình có bài viết sẵn, ông toan tính cải hóa cách nhìn của Hitler theo lối trên để giúp ông ta quay đầu trở lại. Nhưng lời kêu gọi cuối cùng ấy cũng không đáp ứng cũng như tất cả các lần trước, lúc đó ông tự coi là được giải thệ. Bây giờ ông có bổn phận hành động, dầu cho bổn phận ấy có vẻ như được hành sử để chống lại Tổ quốc. Vả chăng đối với ông, thật rõ ràng rằng, đối với một hành động như vậy, và đối với trách nhiệm siêu hình ấy chỉ có vị Tư lệnh Tối cao là có thể có đủ tư cách để dấn thân vào chứ không phải là một binh sĩ hay một sĩ quan đơn độc, không thể nào có được một cái nhìn sâu rộng. Rommel chịu gánh lấy trách nhiệm về một quyết định cá nhân và gạt bỏ trách nhiệm đơn thuần của một kẻ chấp hành bị Hitler bó buộc. Ông muốn tiết kiệm cho Tổ quốc và cho thế giới những sự hy sinh đẫm máu, bảo vệ cho những thành phố đẹp đẽ nhất và những khu vực đồng quê trù phú của quê hương ông, khỏi bị mất và khỏi bị tiêu diệt. Trong một tình thế như vậy, không bao giờ để cho cuộc chiến xảy ra trên đất Đức; một quyết định như thế sẽ không thể nào bị sửa đổi được ngay cả bởi các điều kiện gay go nhất của một đối thủ không chịu buông tha. “May cho một dân tộc, một hôm Talleyrand nói, tìm được một người biết tạo dựng hòa bình, khi mà người lãnh đạo của ông ta không còn được chấp nhận ngay cả như một người cầm cờ trắng.”


Rommel biết rất rõ ràng rằng thái độ đầy sáng tạo ấy có thể đòi hỏi sự hy sinh chính bản thân của ông, và cũng có thể cung cấp duyên cớ cho một “câu chuyện truyền kỳ về hành động đâm sau lưng” khác. Vả lại, không bao giờ ông sợ hãi sự hy sinh cá nhân mình!


Cũng công khai như Rommel, Von Falkenhausen và Von Stulpnagel đã thông báo các cuộc đàm luận và tư tưởng của họ cho vị Tổng tư lệnh mặt trận Miền Tây, Thống chế Von Rundstedt.


Các sự liên lạc giữa Rommel với Rundstedt và vị Tham mưu trưởng của Thống chế là tướng Blumentritt, được đặt trong sự tín nhiệm lẫn nhau.
Rommel tôn kính Rundstedt là một quân nhân đầy kinh nghiệm của lò đào tạo xưa cũ, là môn đồ quan trọng của Schlieffen. Họ đồng ý với nhau trong các suy luận về toàn bộ chiến lược và chính trị tổng quát. Von Rundstedt là một chiến lược gia có hạng nắm chắc trong tay dụng cụ quân sự. Nhưng trong những năm cuối ấy của cuộc đời ông, có thể là vì tuổi tác đã khá cao nên ông thiếu sự phấn khởi sáng tạo, sự minh bạch trong cảm nghĩ về trách nhiệm đối với dân tộc. Càng ngày người ta càng chú ý nơi ông, sự uể oải nhọc mệt và thái độ chịu đựng chua chát. Chắc chắn là ông khinh thường Hitler, sau các cuộc hội đàm thân mật với Hitler, ông chỉ còn gọi Hitler, bắt chước theo Hindenburg, là “Chú cai người Bohême”.


Trong các cuộc hội kiến mà mục đích là để trình bày các nhu cầu chung với hiện diện của Hitler, ông tuyên bố với Rommel: “Ông còn trẻ, dân tộc biết ông và yêu mến ông. Hành động là việc của ông!”.


Chính như thế Von Rundstedt tự làm lu mờ, không những chỉ trong vai trò của một tướng soái mà còn trong vai trò một nhân vật đúng vào lúc ông phải hoàn toàn dấn thân. Tiếp theo sau sự bất động ngày càng gia tăng của ông, ông trở nên một nhân vật ít được biết đến tại mặt trận Miền Tây, trong khi đó Rommel, nhờ tính khí của một lãnh tụ rõ rệt, tác động bằng cá nhân mình lên hàng ngũ binh sĩ, đã dấn thân không hề ngần ngại.


Ngày 4 tháng 7 năm 1944, vào buổi chiều, Thống chế Von Rundstedt tuyên bố với Rommel rằng ông sẽ không bao giờ đảm nhận chức vụ Tổng tư lệnh nữa. Vậy là khó mà giải thích thái độ về sau của ông: sự tham gia của ông vào cái gọi là tòa án danh dự, sau ngày 20 tháng 7; và tòa án này, do sự tẩy chay của các bạn ông trong quân đội, đã sáng tạo ra các điều kiện tiên quyết để đưa họ ra kết tội trước Tòa án Nhân dân, sự đảm nhiệm một chức vụ Tân Tổng tư lệnh tối ngày 4 tháng 9 năm 1944 và cuối cùng sự đại diện cho Hitler trong tang lễ của Erdwin Rommel đã bị bức tử ngày 17 tháng 10, tại Ulm, nơi mà định mệnh đã lại cho ông, thêm một lần nữa, cơ hội để nói, như Marc Antoine[3] , ông vẫn ở trong “trạng thái thụ động về mặt tinh thần”.


Kết quả của tất cả các cuộc thương nghị được ghi dưới hình thức một lịch trình điều động, trước hết lệ thuộc vào sự hợp tác của tướng Von Stulpnagel: ở phía Tây, thiết lập những điều kiện cần thiết cho một cuộc đình chiến với các tướng Eisenhower và Montgomery, không có sự tham dự của Hitler. Đối với các cuộc thương thuyết, Rommel đã tiên liệu các nhân vật sau: các tướng Stulpnagel, Geyr Von Schweppenburg, Hans Speidel, Gerd Von Schwerin, phó Đô đốc Friedrich Ruge, trung tá trừ bị bác sĩ Casar Von Hofacker. Thống chế đã dự trù các điều kiện sau đây cho một cuộc ngưng bắn:


Triệt thoái khỏi lãnh thổ các quốc gia bị chiếm đóng tại miền Tây, rút lui quân lực đóng ở miền Tây hiện đang ở sau bức tường phía tây, trao lại guồng máy cai trị các quốc gia bị chiếm đóng cho Đồng minh. Đình chỉ tức khắc chiến tranh bằng các cuộc không tập trên lãnh thổ Đức quốc! Cuộc đình chiến – chứ không phải là một cuộc đầu hàng vô điều kiện – phải được nối tiếp bằng các cuộc thương nghị nhằm mục tiêu một nền hòa bình đạt được trật tự chứ không phải trong tình trạng hỗn loạn. Thống chế Rommel vẫn đinh ninh là phe Đồng minh sẽ không bao giờ để cho cơ may như thế trôi qua.


Kêu gọi dân tộc Đức trên tất cả các đài phát thanh tại miền Tây: giải thích công khai tất cả về tình hình chính trị và quân sự thật sự và các nguyên nhân đưa đến tình hình đó, mà không nói đến tội ác do Hitler đã phạm phải trong tư cách người lãnh đạo quốc gia.


Các đơn vị quân đội sẽ được thông báo cho biết tính cách cần thiết của các biện pháp nhằm mục tiêu tránh thảm họa.


Tại Đức , bắt giữ Adolf Hitler để đưa ra xét xử trước một tòa án Đức, thi hành bởi các lực lượng chống đối của Bộ Tổng tư lệnh tối cao, hoặc bởi các đơn vị thiết kỵ mà người ta sẽ triệu dụng. Rommel có ý nghĩ là không nên trừ khử Hitler bằng một cuộc mưu sát, nhưng để cho các thẩm phán Đức kết án ông ta. Hủy diệt chế độ độc tài bạo lực quốc xã. Nắm quyền lâm thời tại Đức bởi các lực lượng đề kháng thuộc mọi tầng lớp và kết hợp dân chúng dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Beck, cựu thị trưởng bác sĩ Goerdeler, cựu Tổng thống nội vụ và chủ tịch nghiệp đoàn Leuschner.


Cá nhân Thống chế Rommel không ước muốn nắm giữ vai trò lãnh đạo quốc gia nhưng ông sẵn sàng nắm giữ quyền Tổng tư lệnh Quân đội hay Tổng tư lệnh Lục quân.


Không có một chế độ độc tài quân nhân nào cả. Hòa giải nội bộ và một mặt trận thống nhất. Chuẩn bị cho một nền hòa bình lâu dài trong khung cảnh một “Hiệp chủng quốc Âu châu”. Hợp tác với tất cả những người có thiện chí.


Ở miền Đông, tiếp tục chiến đấu nhờ sự chiếm đóng một mặt trận Miền Đông thu ngắn trên một phòng tuyến chạy dài ngang qua từ cửa sông Danube, dãy núi Carpathes, Lemberg, sông Vistule, Mémel. Di tản chiến thuật lập tức ra khỏi Courlande và các khu vực phòng thủ tăng cường khác.


Công cuộc chuẩn bị phải được đẩy mạnh bằng cách nào mà người ta có thể hành động trước khi cuộc đổ bộ của Đồng minh vào Âu-châu. Và điều kiện tiên quyết cho các cuộc thương thuyết sắp đến là sự hiện hữu của một mặt trận Miền Tây thật vững chắc. Đây là niềm ưu tư chính yếu của tất cả mọi người.



Chú thích:
[1] Đọc: “Rommel, con cáo già của sa mạc” Bản dịch Người Sông Kiên và Lê thị Duyên, Sông Kiên xuất bản.
[2] Souabe tiếng Đức là Schuaben, cựu công quốc (duché) của Đức, ngày nay là một đơn vị Hành Chánh ở miền Tây Nam Bavière – thủ đô: Augsbourg.

[3] Marc Antoine: tướng La Mã, người tình của Cleopatre, nữ hoàng Ai Cập
Hitler Và Trận Đánh Normandie
Lời Nói Đầu
- 1 -
- 2 -
- 3 -
- 4 -
- 5 -
- 6 -
- 7 -
- 8 -
- 9 -
- 10 -
- 11 -
- 12 -
- 13 -
- 14 -
- 15 -