watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hitler Và Trận Đánh Normandie-- 2 - - tác giả Hans Speidel Hans Speidel

Hans Speidel

- 2 -

Tác giả: Hans Speidel

TÌNH HÌNH QUÂN SỰ CŨNG ĐEN TỐI NHƯ TÌNH hình chính trị. Thời kỳ vàng son đã chấm dứt sau những chiến thắng liên tiếp thực hiện được nhờ một Bộ chỉ huy hoàn toàn quân sự trong năm 1939 tại Ba lan, năm 1940 tại Pháp với những mục tiêu rõ rệt.


Ở phía Tây, một bộ phận của hải-lục-không quân Đức, sút kém cả về lượng cũng như về phẩm, đang làm mồi cho cuộc tấn công của phe Đồng minh, phía sau “bức tường thành” mới mẻ trải dài trên Đại tây dương.


Mặt trận Phi châu và Địa trung hải đã thất bại hoàn toàn. Bằng một cuộc tiến quân đúng phương pháp, địch thủ đẩy phòng tuyến của quân Đức-Ý tại miền trung nước Ý lùi dần về phía Bắc.


Ở phía Đông, Hitler đã bắt đầu tiến quân, nhưng không chọn hẳn một trục tấn công mà chỉ xua ba Binh đoàn của ông tiến thẳng đến ba mục tiêu: vùng Ukraine gồm khu kỹ nghệ Stalino và Kharkov, Mạc tư khoa và Leningrad. Cuộc tấn công ngưng lại nửa chừng trong khi chưa đạt được mục tiêu nào, dù là mục tiêu ở giữa hay ở mặt Bắc.


Năm 1942, Hitler hạ lệnh mang một cánh quân nhỏ đánh tràn ra vùng hạ lưu sông Don và từ đó đánh thẳng tới Caucase, chiếm lấy trục giao thông Poti-Bakou, để rồi từ vùng sông Don thượng tiến sang sông Volga đến Stalingrad. Như vậy là trái với binh thư của Clausewitz, vì Hitler đã chiếm đất trong khi công việc phải làm là tiêu diệt lực lượng địch. Địch quân đã khéo léo lẩn tránh. Tham mưu trưởng quân đội, đại tướng Halder, bị cất chức vào tháng chín năm 1942.


Sau những thất bại chiến lược của năm 1942, và trong cuộc thư hùng đang diễn ra ở Stalingrad, Hitler điều động quân đội các nước liên minh lập ra một hàng rào phòng ngự phía sườn cho quân của ông dọc theo sông Don; những cánh quân tiếp viện nầy, yếu kém về võ trang cũng như khả năng tác chiến gồm có: đệ I lộ quân Lỗ, đệ VIII lộ quân Ý, đệ II lộ quân Hung. Sứ mạng giao phó không thể thực hiện được vì sự tổ chức ô hợp của họ và vì mùa Đông bên Nga quá lạnh. Số phận Stalingrad đã được an bài. Nó liên hệ với thái độ cố chấp và óc thiển cận của Hitler khi ông ta trở chiều, quay sang mục tiêu chính trị và tuyên truyền. Tư lệnh lộ quân thứ VI không sao xoay sở được để gỡ khỏi thế bí dù trong thời gian đáng lẽ ông ta có thể trông cậy vào những cánh quân tiếp viện.


Năm 1943, sau cuộc phản công có hiệu quả tại thị trấn Kharkov và Bjelgorod, vào tháng Ba, Hitler mở cuộc tấn công mùa hè lấy tên là “Cuộc hành quân Citadelle ”, khởi đi từ vùng Bjelgorod và Orel, dùng kế “dụ địch” và bẻ gãy từ trong trứng nước cuộc tấn công của địch.
Cuộc hành quân nầy chỉ có thể có viễn tưởng thành công nếu nó được thực hiện phối hợp kịp thời với cuộc hành quân Kharkov-Bjelgorod tháng ba năm 1943 – một cuộc phản công cuối cùng gặt hái thành quả. Thất bại của “cuộc hành quân Citadelle” đã phân định một giai đoạn quân sự như sau:
Cuộc phản công của quân Nga bắt đầu chuyển động. Nó chỉ ngưng lại trong những khoảng thời gian ngắn để chỉnh đốn lại hàng ngũ và tiếp tế lương thực, súng đạn. Nó lớn mạnh cho tới năm 1945, ngày Đức Quốc Xã sụp đổ.


Hitler gọi cuộc hành quân của Nga là “cuộc chiến tranh tiêu hao ” đối với Liên bang Sô viết. Tưởng không cần phải nhắc tới cái ưu thế về tiềm lực tổng quát của Nga trong thời kỳ ấy.


Theo lệnh của Hitler, phòng tuyến sông Dnieper không được củng cố, lấy cớ rằng “quân đội sẽ giật lùi về phía sau, không chịu giữ vững tiền tuyến”. Chính vì vậy, người ta tha hồ bàn tán về thái độ mất tin tưởng và hằn học của ông đối với những người lính ngoài mặt trận. Bất cần những đề nghị do Bộ Tổng tham mưu liên tiếp trình lên, Hitler không vạch ra một kế hoạch dài hạn nào. Ông không chấp nhận bất cứ một sự sửa soạn nào cho những con đường thoái quân. Những con đường thoái quân đã không được nghĩ tới ngay từ mùa đông đầu tiên tại Nga cuối năm 1941, đầu năm 1942. Cũng vẫn là những lý do tâm lý của Hitler đã giải thích tại sao những con đường thoái quân không được tạo dựng tại mặt trận Miền Tây.


Tháng giêng năm 1944, khi hai Quân đoàn quân Đức bị vây hãm gần Tscherkassy, và khi việc xin rút lui trình lên Bộ chỉ huy tối cao, Hitler hạ lệnh phải giữ vững vị trí; ông ta tưởng rằng sau nầy có thể mở một cuộc hành quân phát xuất từ trục Tscherkassy-Korsoun, chiếm lấy thành phố Kiev, “cắt đứt phòng tuyến của Nga”. Sở dĩ trong vùng “Tscherkassy dầu sôi lửa bỏng” nầy không xảy ra một trận tiêu diệt chiến là vì bộ chỉ huy chiến trường, sau nhiều ngày tranh đấu với Hitler và Bộ tư lệnh tối cao, đã tự ý mở đường tháo lui trước khi được lệnh. Nhờ vậy trong số 54 ngàn quân sĩ Đức, 35 ngàn người đã được cứu thoát.


Mùa xuân năm 1944, lộ quân thứ XVII đang trú đóng ở bán đảo Crimée lâm vào tình trạng hấp hối. Nếu kịp thời di tản khỏi bán đảo nầy có lẽ họ đã được cứu sống. Ngày mùng 1 tháng giêng năm 1944, Hitler vẫn còn tin rằng mình có thể giữ vững vùng đầu cầu ở Sébastopol mặc dù nó đã bị thu hẹp. Ông ta coi biện pháp nầy là biện pháp cần thiết bởi vì ông vừa thực hiện được một đòn tâm lý chiến tại Thổ nhĩ Kỳ. Lộ quân thứ VI chùn lại, tả tơi xơ xác vì phải mở đường máu rút lui từ Odessa về biên thùy Lỗ ma ni. Lộ quân thứ VIII dưới quyền điều khiển của tướng Bộ binh Otto Woehler còn chiến đấu cầm cự giữa khoảng hai con sông Bug và Dnieste; đây là tấm gương dũng cảm của “con sư tử bị thương”. Đối phương, với một lực lượng hùng mạnh gấp bội, lăm le tràn ngập cạnh sườn phía Bắc cánh quân của tướng Otto Woehler và bao vây đệ I lộ quân thiết giáp đang bị tách rời.


Chủ trương rút lui đúng lúc khỏi vùng Bessarabie và việc chuẩn bị tuyến phòng ngự dọc theo sông Pruth dùng dãy núi Carpathes làm trục, lại được đề nghị lên Hitler, coi như một giải pháp trung dung, giải pháp nầy dành cho Hitler tất cả sự tự do để quyết định tối hậu về chiến lược. Nhưng đề nghị nầy đã bị bác bỏ.


Các Thống chế Von Klest và Von Manstein chỉ huy Binh đoàn A và Binh đoàn trấn giữ Miền Nam, bị thay thế vào ngày 31 tháng ba bởi hai tướng tân thăng, Tướng Schôrner và Thống chế Model.


Một sự yên tĩnh giả tạo diễn ra trước phòng tuyến của hai Binh đoàn đóng ở mặt bắc và ở giữa; hai cánh quân nầy độc lập về phương diện tác chiến. Những tin tức liên quan tới sự sửa soạn một cuộc tấn công quy mô của quân Nga đối đầu với Binh đoàn đóng ở giữa được cấp báo về Tổng hành dinh của Fuhrer.


Ngày 1 tháng giêng, Adolf Hitler đã nhìn thấy, hay đúng ra là không muốn nhìn thấy vấn đề cốt yếu của mặt trận miền Đông, nghĩa là, không muốn nhìn thấy việc chiếm đóng giải đất bằng phẳng của Nga có thể bị thất bại – một sự thất bại căn bản trong chủ trương của ông nhằm khai thác kho lương thực và nguyên liệu Trung Âu.


Tình trạng căng thẳng trong giới quân sự cao cấp nhất đã trở thành hiển nhiên dưới mắt mọi người khi tướng Zeitler, tham mưu trưởng quân lực cùng với các cộng sự viên bỏ phòng họp ở Obersalzberg bước ra, giữa lúc Đại tướng Jodl và tướng Warlimont bắt đầu phúc trình về cái mà người ta gọi là “những khu vực hành quân OKW” - Na uy, Phần lan, Tây Âu, Địa trung hải, Balkans.


Lối chỉ huy của Bộ tư lệnh tối cao quân lực theo kiểu “lưỡng đầu chế” nầy đã phát xuất ngay từ trong tư tưởng của Hitler. Tướng Jodl tham mưu trưởng chiến lược nằm trong Bộ tư lệnh tối cao quân lực, dưới sự điều khiển trực tiếp của Hitler, nắm trọn quyền chỉ huy các cuộc hành quân trên khắp các chiến trường; chỉ riêng có mặt trận Miền Đông là dành cho Đại tướng Zeitler, Tham mưu trưởng quân lực lo liệu theo phận sự của ông. Ông ta thiết lập một bộ phận giống như một “bộ Tư lệnh tối cao mặt trận Miền Đông”, thâu nhận một số quyền hành ít hơn quyền hành của những tướng Hindenburg và Ludendorff trong trận Thế chiến thứ nhất. Sự chia quyền trong Bộ Tư lệnh tối cao không phải chỉ gây nên những đụng chạm hàng ngày mà còn tác hại tới đường lối chỉ huy chung trên các mặt trận. Điều tai hại nầy xuất hiện rõ ràng nhất trong thời kỳ quân Sô viết tấn công cánh quân ở mặt trận giữa, vào mùa Hè, kể từ ngày 20 tháng 6 năm 1944.


Những nhận thức và yêu sách của Thủy sư Đô Đốc Doenitz và Thống chế không quân Goering thường khi mâu thuẫn nhau, càng làm cho tình hình của Bộ tư lệnh thêm phức tạp.


Từ mùa xuân năm 1943, trong một cuộc trắc nghiệm luôn luôn tăng trưởng, tình trạng hải chiến biểu lộ tính chất vô hiệu của chiến tranh dưới đáy biển – một cuộc chiến tranh kéo theo những thiệt hại nặng nề, khó hàn gắn.


Vết thương rớm máu của Không quân trong cuộc tấn công nước Anh cũng chưa sao chữa trị được.


Bởi vậy, mùa Xuân năm 1944, tình hình quân sự cho thấy rất ít hy vọng. Tuy nhiên, mặt trận Miền Tây, Miền Nam và Miền Đông vẫn còn dai dẳng. Giai đoạn tan rã về quân sự chưa tới.
Hitler Và Trận Đánh Normandie
Lời Nói Đầu
- 1 -
- 2 -
- 3 -
- 4 -
- 5 -
- 6 -
- 7 -
- 8 -
- 9 -
- 10 -
- 11 -
- 12 -
- 13 -
- 14 -
- 15 -