- 9 -
Tác giả: Hans Speidel
ĐẤY LÀ TÌNH HÌNH CHUNG KHI HITLER, RỐT cuộc, nhượng bộ các lời cầu khẩn liên tục của các Thống chế Von Rundstedt và Rommel, và đích thân đến miền Tây để tỉm hiểu tại chỗ tình hình mặt trận và trong trường hợp cần thiết, lấy các quyết định chiến lược ở đấy.
Trong đêm 16 tháng sáu, một cú điện thoại được gọi đến làm chúng tôi ngạc nhiên: hai vị Thống chế cũng như các tham mưu trưởng của họ phải có mặt lúc 9 giờ ngày 17 tại vị trí chiến đấu gần Margival, phía bắc Soissons, để báo cáo cho Fuhrer biết về tình hình. Như vậy thống chế Rommel phải đi 200 cây số về hậu tuyến, trong lúc ông chỉ mới từ mặt trận trở về lúc 3 giờ sáng sau một vòng thanh sát mặt trận lâu 21 tiếng đồng hồ trong vùng Cotentin. Tình trạng cấp bách đã không cho phép thực hiện một biện pháp đặc biệt nào để chuẩn bị cho cuộc tiếp xúc này.
Tổng hành dinh của Fuhrer “W II” được xây cất từ năm 1940 trên một địa danh lịch sử. Cách đó không xa, giao điểm ngã tư Laffaux là một địa điểm, mà trong cuộc Thế chiến thứ nhất, mặt trận chạy vòng từ hướng Đông Tây hướng lên phía Bắc. Từ điểm này con đường Chemin des Dames trải dài, gây ra các cuộc tranh chấp hết sức gay go giữa khoảng hai cuộc Thế chiến, về phía đông, giữa sông Aisne và con kinh nối liền sông Oise với sông Aisne. Tổng hành dinh nằm cách 8 cây số, theo hướng đông bắc Soissons, trong một hầm sâu dưới đất, có một đường sắt đi xuyên qua để hướng về Laon, phía bên kia cửa hầm, trong đó chiếc xe lửa đặc biệt của Fuhrer trú ẩn. Đại bản doanh gồm có các căn hầm bê tông cốt sắt, rộng rãi và được ngụy trang khéo léo. Nhô cao lên một chút là một phòng ăn, từ đó người ta có thể ngắm nhìn cảnh vật xinh đẹp ở xa cho đến nóc nhà thờ Soissons. Hầm trú ẩn của Fuhrer gồm có, dưới mặt đất, một phòng làm việc rộng lớn, một phòng ngủ có phòng tắm, phòng dành cho sĩ quan tùy viên, và các phòng được bảo vệ chống các cuộc không tập được xây cất đặc biệt để làm việc và nghỉ ngơi. Tổng hành dinh này được thiết lập như là một vị trí chiến đấu trong mục đích đánh chiếm Anh quốc năm 1940, nhưng cho đến ngày 17 tháng sáu, nó chưa hề được sử dụng. Đội cảm tử SS luôn luôn theo sát Fuhrer, đã khóa chặt bản doanh này trong khi có cuộc tiếp xúc và đảm bảo an ninh cho toàn diện khu vực.
Hitler cùng với tướng Jodl và đoàn tùy tùng đã đến từ sáng sớm ngày 17 tháng sáu. Ông sử dụng xe bọc thép và khởi hành từ Metz, nơi mà ông từ Berchtesgaden đến bằng phi cơ. Ông có vẻ bơ phờ và mệt mỏi vì thiếu ngủ. Vẻ bối rối nóng nảy, tay ông luôn luôn nhấc kính ra rồi lại mang vào, và cầm lên đặt xuống các cây viết chì đủ màu. Chỉ một mình ông ngồi, lưng còm trên một chiếc ghế đẩu; các vị thống chế thì đứng xung quanh. Sức mạnh sáng tạo ngày xưa của ông có vẻ đã tàn lụi. Sau vài câu chào hỏi ngắn ngủi và lạnh lùng, rồi bằng một giọng chua chát ông lớn tiếng biểu lộ nỗi bất bình của ông về sự thành công của cuộc đổ bộ của Đồng minh tìm kiếm các lỗi lầm của các bớ (bộ?) chỉ huy địa phương. Ông hạ lệnh phải tử thủ pháo đài Cherbourg.
Sau vài lời mở đầu ngắn ngủi, Von Rundstedt nhường lời cho Rommel trong tư cách là Tư lệnh mặt trận nơi xảy ra cuộc đánh chiếm.
Với một sự thẳng thắn hoàn toàn, Thống chế nhấn mạnh đến điểm then chốt của vấn đề phòng thủ: trước ngày 6 tháng sáu, ông đã nói trước và từ đó nhiều lần lập đi lập lại là không thể nào chiến đấu chống lại ưu thế mãnh liệt của kẻ thù trên bộ, trên biển và trên không. Hệ thống thám báo trên không và trên biển của chúng ta đã bị thất bại hoàn toàn, dưới sự che chở mạnh mẽ của các cuộc không tập và hải pháo, địch quân đã thành công trong việc đổ bộ từ biển và từ trên không, dọc theo các bờ biển được tổ chức lỏng lẻo yếu kém, và chiếm Calvados cũng như bán đảo Cotentin. Các sư đoàn tham chiến dọc theo bờ biển không bị đánh “bất ngờ lúc đang ngủ say” như là các tin tình báo mà Bộ Tổng tư lệnh Quân lực đã mua được bằng tiền mặt, trái lại, các lực lượng ấy đã chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng trong các điểm tựa yếu kém. Các bộ chỉ huy và các đơn vị đã nêu gương hy sinh siêu việt trong một trận chiến không cân bằng. Suy luận về tình hình chiến thuật trong vùng Cotentin và so sánh các lực lượng tương ứng của hai bên, Rommel tiên đoán với sự chính xác chỉ xê xích một ngày, thời gian Cherbourg thất thủ, và đòi hỏi một chiến thuật thích nghi.
Tiếp theo đó, cuộc thảo luận xoay qua vấn đề các “pháo đài” theo kiểu Hitler, nghĩa là các thành phố và các điểm tựa được cung cấp thêm điểm phòng thủ và tăng cường mạnh được chọn lựa bất ngờ. Rommel phủ nhận tính cách hữu hiệu của các pháo đài ấy. Ông chống lại sự hy sinh nhân mạng và vật liệu kiểu ấy. Nhưng vô ích, trong cuộc đổ bộ xâm chiếm và trong các cuộc hành quân tiếp theo đó, Ymuiden, đảo Walcheren, Dunkerque, Calais, mũi Gris-Nez, Boulogne, Dieppe, Le Havre, Cherbourg, Saint-Malo, Brest, Lorient, Saint-Nazaire, La Pallice, Royan và cửa sông Gironde được tuyên bố là các “Pháo đài”; khoảng 200.000 người và vô số chiến cụ quí báu bất động hóa trong các “pháo đài” ấy. Đối phương chẳng hề lo âu gì về các “pháo đài” ấy cả. Họ chẳng bao giờ sử dụng lực lượng quan trọng đi đánh chiếm. Các pháo đài đã lọt vào tay đối phương, rất nhiều trong số đó chỉ mất vào tháng 5 năm 1945, sau khi Đức đầu hàng vô điều kiện, quân đội tại đấy bị bắt giữ cả. Vậy là Hitler đã không hiểu biết thêm được gì cả sau các kinh nghiệm tại Stalingrad, tại Tunis, tại Crimée, tại Tarnopol và tại các nơi khác.
Sau đó Rommel trình bày dự định của đối phương như ông đã nghiệm thấy: Đột nhập từ vùng Caen và Bayeux cũng như từ bán đảo Cotentin về phía nam và hướng về Paris, với một cuộc hành quân phụ đới từ Avranches để cô lập hóa vùng Bretagne.
Binh đoàn XXI của Eiseinhower, hành sử quyền chỉ huy thống nhất trên các lực lượng Anh Mỹ đã đổ bộ từ 22 đến 25 sư đoàn thiết giáp, cực kỳ cơ động, gồm 11 đến 13 sư đoàn Anh và từ 10 đến 12 sư đoàn Mỹ. Cuộc đổ quân ào ạt từ 2 đến 3 sư đoàn mỗi tuần vẫn đang được tiếp diễn. Trên tỷ lệ quan sát được giữa ba lực lượng, không ai còn có thể tin tưởng vào một cuộc phòng thủ thắng lợi nữa, các hậu quả đều còn vô định trên toàn thể khu vực phía Tây, càng bất định hơn nữa vì cả phòng tuyến sông Seine lẫn các điểm tựa ở hậu tuyến đều chưa được tổ chức xong. Bộ Tổng tư lệnh đối phương rất có thể, trước tiên, có vẻ chậm chạp nặng nề; nhưng sự thành công, với sự vững chắc của phương pháp và ưu thế trong mọi lãnh vực, chỉ đảm bảo thêm cho thành quả tương lai.
Rommel không tin có cuộc đổ bộ thứ hai tại bắc sông Seine. Một lần nữa, ông đòi hỏi được quyền tự do hoàn toàn trong các cuộc hành quân tại miền Tây, đòi hỏi tung các đơn vị thiết kỵ hạng nhất cũng như không và hải lục vào vòng chiến. Về phương diện chiến thuật, biện pháp cấp bách nhất theo ông, là ra chỉ thị nhằm tung ra một mũi dùi tấn công khẩn cấp vào lộ quân 1 Hoa kỳ cho đến bờ biển phía Tây bán đảo Cotentin và di tản mặt trận Caen về sau sông Orne. Rommel được thống chế Von Rundstedi hậu thuẫn.
Nhưng, bất kể sự lượng định tình hình ấy và bất kể lực lượng càng ngày càng giảm thiểu, Hitler không chịu tin vào thực tại. Với một sự pha trộn kỳ lạ giữa tình trạng điên khùng và trực giác sai lạc, ông ta tiên tri, trong một loạt danh từ bất tận và dưới hình thức tự kỷ ám thị, hiệu quả quyết định vũ khí V[1] vốn đã bắt đầu tham chiến nhằm vào lãnh thổ Anh quốc từ ngày 16 tháng 6. Ông ta ngưng cuộc họp và đích thân đọc cho đại diện báo chí một thông cáo về sự tham chiến đầu tiên của vũ khí V để được loan trên báo chí và đài phát thanh. Cuộc tiếp xúc này được bắt đầu với niềm hy vọng lớn lao của hai vị Thống chế đã bị cắt ngang thành một cuộc độc thoại lộn xộn của Fuhrer.
Lúc đó các Thống chế đòi hỏi đem vũ khí V, sử dụng vào các vùng đầu cầu.
Viên tướng lãnh vũ khí V, tướng Heinemann lập tức được triệu đến. Ông ta phải thừa nhận sự sai lạc không tính trước được của các hoả tiễn ấy - tầm sai có thể lên đến từ 15 đến 18 cây số - và các nguy hiểm của chúng đối với các đạo binh Đức. Trong điều kiện kỹ thuật hiện tại không thể nào nhắm một cách chính xác vũ khí này vào quân đội thù nghịch trên lục địa. Về vấn đề sử dụng chúng để tiêu diệt các hải cảng phía Nam Anh quốc, nơi đảm bảo sự vận chuyển binh sĩ và vật liệu cho lực lượng xâm chiếm, Hitler đã chống lại việc này với các lý do là cần nhắm vào Luân đôn và bắt buộc Anh quốc phải đi tới hoà bình.
Khi các vị thống chế nhấn mạnh một lần nữa vào sự sa sút của không lực Đức, Hitler đáp rằng ông đã bị dối lừa bởi "Bộ tư lệnh và các kỹ thuật gia của Không quân Đức". Nhiều kiểu máy bay khác nhau lần lượt được chế tạo mà không đi đến một kết quả thực tiễn nào.
Hitler tỏ vẻ ngờ vực trước các lời giải thích cảm động của Rommel về tính cách hữu hiệu của vũ khí địch, Thống chế kết thúc bằng cách gằn giọng nhấn mạnh rằng cho đến nay không một giới chức cao cấp nào thân cận của Hitler hay của Bộ tổng tư lệnh tối cao của Lục quân, Không quân hay Hải quân, đến mặt trận để đích thân tìm hiểu tình hình và hiệu quả của vũ khí địch. Bộ Tổng tư lệnh làm việc trong văn phòng; các sự phán đoán về tình hình mặt trận hoàn toàn sai lầm. Rommel nói thêm: "Ngài đòi hỏi chúng tôi tin tưởng, nhưng người ta không tin tưởng vào chúng tôi!". Trước lời trách móc đấy, mặt Hitler đổi sắc nhưng vẫn giữ im lặng.
Đại tướng Jodl lúc đó mới hỏi các đơn vị mới nào của bộ binh, hải và không quân phải được gọi đến và lúc nào. Hitler lại bắt đầu nói về sự tham chiến ồ ạt của các "phi cơ phản lực săn giặc" để bẻ gẫy ưu thế không quân địch tại mặt trận cũng như trên lãnh thổ Đức. Ông ta lưu ý sự sử dụng gia tăng không ngừng vũ khí V. Ông ta cho rằng tình hình ở phía Đông và Đông nam rất vững ổn. Ông ta chìm đắm trong bài diễn văn khoa trương về sự sụp đổ sắp đến của Anh quốc tiếp theo sự tham chiến của vũ khí V và của máy bay phản lực.
Nhưng khi có tin một phi đội địch đang bay đến gần, cuộc tiếp xúc được kết thúc dưới hầm bê tông của Fuhrer, hai vị thống chế, các tham mưu trưởng của họ và tướng Schmundt nhóm lại với nhau, Rommel lợi dụng cơ hội để đưa ra một bài trần thuyết dữ dội về tình hình quân sự và chính trị Đức quốc. Ông tiên liệu sự sụp đổ của mặt trận trước quân xâm chiếm, sự chọc thủng phòng tuyến không thể tránh được về phía Đức, sự sụp đổ mặt trận Ý - La mã đã bị mất từ ngày 4 tháng 6. Ông cũng phát biểu sự nghi ngờ về tính cách vững chắc của trận tuyến miền Đông. Về mặt ngoại giao, ông nêu ra sự cô lập hoàn toàn của Đức quốc, vốn trái ngược với lời tuyên truyền, chỉ có thể đưa tới sự yếu kém nguy hại. Ông kết thúc bằng cách van nài chấm dứt chiến tranh. Sau nhiều lần đánh trống lảng, Hitler ngắt lời ông: "Đừng nên lo đến các vấn đề tiếp theo sau cuộc chiến tranh, nên coi chừng phòng tuyến đang bị xâm chiếm của ông thì hơn".
Đại tướng Jodl khai ngày 6 tháng 6 năm 1946 từ Nuremberg "Nhiều tướng lĩnh trong đó có Rommel và Von Rundstedt đã không ngừng toan tính giải thích cho Hitler tình hình nguy kịch của Đức, ông ta chẳng bao giờ nghe họ".
Hai vị Thống chế nhấn mạnh đến sự cần thiết tuyệt đối phải giải quyết riêng biệt tình trạng nước Pháp, trước hết bằng cách chấm dứt hành động của Sauckel và chế độ độc tài của cảnh sát mật, Hitler cũng gạt bỏ các đề nghị ấy.
Hố ngăn cách giữa Hitler và Rommel càng sâu thêm. Sự nghi ngờ và ngay cả sự ghét bỏ của Fuhrer có vẻ gia tăng thêm nữa.
Cuộc tiếp xúc đã kéo dài từ 9 giờ đến 16 giờ, và chỉ bị gián đoạn bởi một bữa cơm thanh đạm trong đó Hitler ngốn một đĩa đầy ắp gồm cơm và rau mà ông ta đã bắt nếm trước. Trước chỗ ngồi của ông cả một hàng thuốc viên được sắp ngay ngắn và ông lần lượt uống hết viên này đến viên khác. Sau ghế ông, 2 quân nhân SS canh chừng.
Trước khi khởi hành, tuỳ viên của Hitler, tướng Schmundt, bị xúc động bởi các nhận xét của Rommel về sự thiếu sót trong việc tiếp xúc của Bộ Tổng tư lệnh với các mặt trận, đã giao cho Tham mưu trưởng của Binh đoàn B tổ chức một cuộc kinh lý của Hitler vào ngày 19 tháng 6, hướng về phía La Roche-Guyon hay về một điểm khác và triệu tập về đấy tư lệnh các đơn vị khác nhau tại mặt trận để báo cáo riêng cho Hitler. Các biện pháp lập tức được quyết định. Trên đường từ Soissons trở về La Roche-Guyon, tư lệnh quân sự tại Pháp, tướng Stulpnagel được báo cho biết các cuộc tiếp xúc đã diễn ra với sự hiện diện của Hitler. Nhưng khi viên tham mưu trưởng của binh đoàn B gọi điện thoại vào sáng ngày 18 cho tướng Blumentritt tại Saint-Germain để ấn định thời biểu cho cuộc viếng thăm mặt trận của Fuhrer, thì được biết sự kiện bất ngờ là, ngay trong đêm 17 rạng sáng ngày 18 tháng 6, Hitler đã trở về Berchlesgaden. Lý do của cuộc khởi hành hấp tấp này là ngày 17 một hoả tiễn V đã rơi xuống tổng hành dinh của Fuhrer, ít lâu sau khi hai vị thống chế lên đường trở ra mặt trận. Thật vậy, vì bị trục trặc trong bộ phận định hướng, nhiều hoả tiễn V, được phóng đi từ các căn cứ cận duyên, đã hướng về hướng Đông, tuy nhiên cũng đã không gây ra sự thiệt hại trầm trọng nào. Một hoả tiễn đã rơi cạnh hầm bê tông của Fuhrer nhưng không nổ và không gây ra hậu quả nào về vật chất và nhân mạng.
Trong thực tế, hiệu năng của loại hoả tiễn "tuyệt diệu" này, hoả tiễn V1 vẫn không có gì đáng kể so với các cố gắng và chi phí đã tiêu tốn vào đó. Điểm này được xác nhận bởi các tin tức tình báo và bởi cung từ của tù binh Anh quốc bị bắt.
Riêng về phần cuộc hội kiến với Fuhrer, các kết quả quân sự, chính trị và nhân đạo đều rất là thê thảm.... Các lời hứa hẹn của Hitler về vấn đề gửi lực lượng trừ bị và trước hết là không lực không bao giờ được thực hiện, trái hẳn với các lời tuyên bố đầy đảm bảo của Fuhrer. Ngày 17 tháng 6, đạo quân trung ương Nga sô mở cuộc tấn công, mặt trận sụp đổ đó đây trên trục lộ Smolensk-Minsk. Lực lượng Nga sô lan tràn sau cuộc tấn công một cách tự do vào các phòng tuyến Đức, tất cả lực lượng tổng trù bị cơ hữu của bộ chỉ huy tối cao quân lực Đức, trước hết là "đạo quân thay thế" được đổ dồn về phía Đông toan tính trám chỗ đê vỡ. Sau cùng, không thể nào nhận được các chỉ thị chính xác của Bộ chỉ huy tối cả quân lực Đức.
Tại Normandie, lộ quân thứ II Anh quốc, vào cuối tháng 6, tỏ vẻ đang tập trung lực lượng nhằm một cuộc tấn công vào Caen, để chọc thủng phòng tuyến phòng thủ về hướng Ba lê và như vậy, để nắm được sự tự do chiến lược. Mức tiêu thụ nhân lực trong các đơn vị Đức mỗi ngày một gia tăng. Nguyên nhân trước hết là vì các cuộc pháo kích được phi cơ hướng dẫn, của các giàn hải pháo chính yếu trên các tầu chiến địch, con số hải pháo này lên đến hơn 300 trong hạm đội Đồng minh, và vì các cuộc không tập liên miên. Ngày 17 tháng 6 Hitler từ chối không cho di tản vùng đầu cầu tại sông Orne về Caen mà các tướng lĩnh đã đề nghị lên ông, chính tại đấy các đơn vị ưu tú nhất của quân lực Đức đã phải hy sinh một cách khốc liệt. Để ngăn chặn mối nguy hiểm đe doạ Caen trong viễn cảnh một cuộc thanh toán rộng lớn cứ điểm này, người ta đã cho gọi từ Hung gia lợi về quân đoàn 2 thiết kỵ SS (dưới quyền chỉ huy tướng Obergruppenfuher SS Bittrich), nhưng sự tiêu diệt hệ thống thiết lộ đã bắt buộc đưa từng phần của đơn vị này về phía Đông Ba lê và bắt buộc các nhóm lẻ tẻ ấy tìm gặp nhau theo từng chặng đường bộ. Đơn vị mới được đặt dưới quyền của đạo quân thiết kỵ miền Tây mới được đưa tham chiến trở lại. Đạo quân này với các lực lượng phối hợp của 3 quân đoàn thiết lỵ (quân đoàn 1 và 3 thiết kỵ SS và quân đoàn 47 thiết kỵ) có nhiệm vụ phải thọc sâu vào mạng sườn và hậu quân của các lực lượng địch quân đang chiến đấu gần Caen, phải cắt ngang lực lượng của Anh quốc không cho rút về bờ biển và tiêu diệt nó. Nhưng biến chuyển mãnh liệt của tình hình và hiệu năng vũ khí địch không cho phép cuộc tấn công này tiến triển đến tầm mức cao độ để đạt mục tiêu chính yếu. Người ta đã không thành công trong việc thay thế các sư đoàn bộ binh cho các sư đoàn thuộc quân đoàn 1 thiết kỵ SS và quân đoàn 47 thiết kỵ. Lý do là, vì các cuộc không tập của địch, các sư đoàn bộ binh không tiến lên hoả tuyến kịp thời. Mặt khác thành phần nhân sự, trang bị và hệ thống chỉ huy của các sư đoàn ấy không cho phép chống cự lâu dài với một đối phương cực kỳ cơ động, được thiết giáp bảo vệ mạnh mẽ, lực lượng thiết giáp này dưới sự che chở của một hoả lực đủ loại vũ khí, có thể với tốc độ chớp nhoáng, đổi phương vị của trọng tâm cuộc chiến đấu của họ một cách dễ dàng.
Cuộc tấn công của quân đoàn 2 thiết kỵ SS - sư đoàn 9 và 10 thiết kỵ SS sau cùng cũng chỉ có thể được tung ra với một sự hỗ trợ yếu kém của sư đoàn khác. Từ 29 đến 30 tháng 6, đơn vị ấy bị đóng đinh tại chỗ bởi hoả lực tập trung của các thiết giáp địch, của pháo binh hạng nặng thuộc các cỡ lớn nhất, của hải pháo và của không lực địch. Nếu cuộc tấn công này không đạt được mục tiêu định đã định, ít ra nó cũng làm cho tình hình địa phương được củng cố ổn định. Lúc đó, Hitler trách các sư đoàn là thiếu sáng kiến, kinh nghiệm và sức mạnh. Điều này rất là bất công, các đơn vị ấy đã làm tất cả những gì có thể làm được.
Sự tiêu hao cũng đã biểu lộ theo một nhịp độ hãi hùng nơi các đơn vị mới được đưa ra tham chiến.
Thật vậy, bộ tư lệnh có ý định đưa ra các sư đoàn bộ binh thay các sư đoàn thiết giáp để có thể tung các sư đoàn cơ giới này vào các cuộc hành quân di động càng nhiều càng tốt trên tầm mức 5555555555555555 thực hiện tại Berchlesgaden. Một lần nữa, Rommel trình bầy quan điểm riêng của ông: bởi các lý do đã ghi nhận trước đây, ông cho rằng ít có dấu hiệu rõ ràng thuận lợi cho việc loại bỏ Hitler bằng một cuộc mưu sát và vẫn chủ trương bắt Hitler để đưa ra xét xử trước một toà án Đức. Ông giao cho đại tá Finckh sửa soạn tại tổng hành dinh và trong nội địa Đức quốc, sự phối hợp cực kỳ cần thiết, tất cả các biện pháp cần thi hành và yêu cầu báo cho ông biết kết quả trong thời hạn ngắn nhất. Mặt khác ông ước tính rằng vấn đề có tính cách quyết định này cũng được thảo luận cùng lúc tại nhiều nơi. Theo ông, cần phải ấn định thời điểm nổi dậy, với sự chính xác đầy đủ, để đảm bảo cho công cuộc chuẩn bị được tỉ mỉ và do đó, đảm bảo được sự thành công. Chính ông có ý định đích thân đến gặp Hitler để đưa ra các yêu cầu bó buộc dưới hình thức một tối hậu thư.
Chính các binh sĩ ngoài mặt trận cũng bắt đầu xầm xì. Tư lệnh sư đoàn 116 thiết giáp, tướng Schwerin, đã gửi một bản nhận định liên quan đến tình hình quân sự và chính trị. Nhân danh các binh sĩ thuộc quyền, ông đòi hỏi chấm dứt chiến tranh và thay đổi chế độ Quốc xã. Sư đoàn thiết giáp của ông, ông nói sẵn sàng can thiệp chống lại nội thù. Đấy cũng là trường hợp đối với sư đoàn 2 thiết giáp dưới quyền của tướng von Luttvitz.
Các thống chế Von Runsdtedt và Rommel trong các cuộc tiếp xúc liên tiếp đã hoàn toàn đồng ý với nhau về nhận định rằng tình hình đã chuyển qua thế thảm hoạ không những chỉ ở miền Tây mà còn trên tất cả mọi mặt trận. Họ lại khẩn khoản xin yết kiến Hitler. Ngày 28 tháng 6 hai vị thống chế nhận được lệnh khẩn cấp về Berchlesgaden báo cáo tình hình, đến nỗi họ phải trải qua suốt một đêm dùng xe hơi đi ngang qua vùng Bavière, vì lẽ họ bị cấm sử dụng đường hàng không. Hai vị thống chế đã đến Berchlesgaden vào trưa 29 tháng 6, nhưng lại phải chờ đợi đến tối mới được Hitler tiếp kiến. Cuộc đàm luận đã xẩy ra ngay giữa một số đông tham dự. Hitler không trả lời một yêu cầu nào do hai vị tư lệnh nêu ra, nhất là khi hai vị khẩn nài hãy chấm dứt chiến tranh vì biến chuyển của tình hình tổng quát. Hitler lại lảng tránh bằng cách tuyên bố sự can thiệp của vũ khí tuyệt diệu mới. Cứ theo lời của Fuhrer, các vũ khí ấy chắc chắn sẽ mang lại chiến thắng sau cùng và toàn diện. Mặc dù các điều mong ước của họ được bày tỏ nhiều lần, Hitler vẫn không chịu nói thẳng với hai vị thống chế. Ông ta không mời họ ăn cơm và thình lình mời họ rút lui. Rommel trình bầy vấn đề thêm một lần nữa với thống chế Keitel:
"Tình hình sa sút mau lẹ, một chiến thắng toàn diện mà Hitler đã nói đến ngay ngày hôm nay, là chuyện phi lý. Trái lại phải phòng ngừa sự thảm bại toàn diện. Do đó, bằng tất cả mọi phương tiện, từ bỏ những lợi lộc đã thủ đắc được và mọi mơ tưởng, cần phải chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến tại Miền Tây và giữ mặt trận phía đông. Vấn đề là giữ cho Đức quốc khỏi tình trạng hỗn loạn, và trước hết, khỏi bị hủy diệt toàn diện vì chiến tranh Không quân.”
Keitel hứa sẽ trình bày vấn đề lại cho Hitler, sau cùng ông nói lớn, vẻ nhẫn nại: “Tôi cũng vậy, tôi biết không còn có thể làm gì được nữa cả!” Lời tuyên bố này có vẻ thú vị đặc biệt, vì lẽ sau ngày 20 tháng 7[2], khi các bạn cũ của ông đã bị kết án và bị đuổi ra khỏi quân đội, hình như Keitel đã trình bày tình hình một cách khác hẳn.
Các vị Thống chế trở về Bộ chỉ huy của mình tay không, lòng ray rứt vì những nỗi âu lo.
Trong thời gian đó, Lộ quân VII bị mất vị tư lệnh. Vào buổi sáng ngày 29 tháng 6, đại tướng Dollmann, người đã tận tụy đêm ngày không biết mệt, đã bị gục ngã vì chứng tắt huyết. Hitler đã cất chức ông, nhưng tin ấy đã không bao giờ đến được với ông. Rommel đề nghị thay ông bằng một nhân vật đặc biệt nhất của quân đội, tướng pháo binh Erich Marcks, có thể sử dụng được ngay lập tức và hiểu rõ tình hình. Nhưng Hitler đã từ chối vì lý do chính trị: thật vậy trước đây Marcks là chánh văn phòng của tướng Von Schleicher, và Fuhrer thì nghi ngờ ông này rất nhiều. Marcks đã hy sinh ngoài mặt trận ba tuần lễ sau đó.
Không có một cuộc tiếp xúc nào với Rommel, Tướng Hausser, tư lệnh quân đoàn II thiết kỵ SS, được chỉ định làm người kế vị Dollmann. Ông này, ngay lúc được chỉ định vào chức vụ mới, đã phải rời bỏ ngay Bộ chỉ huy Quân đoàn thiết kỵ của mình trong lúc mà ông đang phải điều khiển cuộc phản công chọc thùng phòng tuyến của địch trước thành phố Caen.
Hausser xuất thân từ quân đội và từ Bộ Tổng tham mưu, nhưng ông đã quay rất nhanh về phía SS: Đấy là một quân nhân đầy hăng hái và đởm lược, nhưng về phương diện chính trị, quả thật là con người hai mặt như thần Janus. Sự bổ nhiệm ông ta - ông ta trẻ hơn bất cứ tướng lãnh nào khác trong quân vụ và lại càng trẻ hơn tướng tư lệnh đạo quân thiết giáp tại Miền Tây – đã được đón nhận với những cảm nghĩ ngờ tin lẫn lộn.
Hai ngày sau khi từ cuộc hội kiến với Fuhrer trở về, Von Rundstedt bị bứng khỏi chức vụ tư lệnh mặt trận Miền Tây “vì lý do sức khỏe”. Hitler đã không có can đảm lẫn sự lịch thiệp để đích thân công bố biện pháp này với viên Thống chế kỳ cựu nhất; ông phái viên đệ nhị tùy viên, Trung tá Borgmann, đến gặp ông với một bức thư và những lá cây sồi của chiếc huy chương thập tự sắt, tại Saint-Germain. Ngày 4 tháng 7, Rundstedt đến từ biệt Rommel tại La Roche-Guyon; ông không giấu Rommel nỗi vui mừng khỏi bị bắt buộc sống qua, phải thấy thảm họa trong một chức vụ tư lệnh. Ngày 5 tháng 7, tư lệnh đạo quân thiết giáp Miền Tây, tướng Geyr Von Schweppenburg bị cất chức không một lời báo trước và được tướng thiết giáp Heinz Eberbach thay thế. Đạo quân thiết giáp Miền Tây được đổi danh hiệu lại là Lộ quân V thiết kỵ.
Tướng Von Geyr bị quy trách nhiệm về sự thất bại của cuộc phản công của Quân đoàn II thiết kỵ SS. Qua điện thoại, Hitler trách cứ thái độ chủ bại ngày càng gia tăng của ông. Trong thực tế, sau cuộc tấn công không thành ấy, Von Geyr đã công bố một bản nhận định hết sức rõ ràng về tình hình, trong đó ông đề nghị di tản chiến thuật khỏi Caen và khu vực phía Tây sông Orne, sau hết ông đòi hỏi được tự do trong việc điều động các đơn vị thuộc quyền. Bản báo cáo ấy được kết thúc như sau: “Phải chọn lựa giữa sự sửa sai chiến lược phòng thủ cứng nhắc mà hậu quả là để cho đối phương hoàn toàn chủ động, với chiến trận mềm dẻo ít ra cũng gồm có tính cách chủ động này”. Theo ý kiến của Tư lệnh đạo quân thiết giáp, chiến thuật mềm dẻo này không những chỉ là sự điều quân dễ dàng mà còn là một quyết định quyết liệt nhất.
Thống chế Rommel chuyển nguyên văn báo cáo này, hoàn toàn chấp nhận nội dung và một lần nữa, đòi hỏi được tự do hành động. Khi tin cộng sự viên của mình bị cất chức đến tai ông, Thống chế can thiệp hết mình để giữ lại, nhưng đã bị Keitel từ chối thô bạo.
Người kế nhiệm tướng Von Geyr, tướng thiết giáp Eberbach, là một quân nhân tốt, nắm vững hoàn toàn loại khí cụ chiến tranh này. Cá tánh, tác phong, tư tưởng chính trị của ông, đã tạo cho người chỉ huy ấy một nhân cách đặc biệt quí báu.
Riêng đối với chức vụ Tổng tư lệnh mặt trận Miền Tây, trái với điều mong đợi của các Bộ tham mưu, và của các đơn vị, người được chỉ định không phải là thống chế Rommel, vị chỉ huy biết quá rõ về mặt trận này, mà là thống chế Von Kluge…
Mối nghi ngờ của Hitler đối với Rommel gia tăng không ngừng.
Gunther Von Kluge xuất thân từ binh chủng pháo binh; ông ta đã leo qua tất cả mọi cấp bậc thuộc Bộ tham mưu. Trong chiến dịch tấn công Miền Tây năm 1940, ông là tư lệnh Đệ IV Lộ quân và được bao phủ bởi hào quang chiến thắng trong chức vụ ấy. Chính trong Lộ quân này mà Rommel đã thực hiện đợt tiến quân thời danh của “sư đoàn ma quái” của ông cho đến tận bở biển. Trong tư cách là tư lệnh Binh đoàn Miền Trung, tại mặt trận miền Đông, Von Kluge nổi danh là bậc thầy của tài xoay trở, và đã chứng tỏ tinh thần táo bạo đặc biệt. Ông là một người khách quan, nhiệt tâm, nhậm lẹ, can đảm cá nhân, nghiêm khắc đối với cả chính mình, nhưng lại là người sẵn sàng lên mặt. Binh sĩ gọi ông là “thánh Hans”. Không vị nể bất cứ ai, ông luôn luôn đòi hỏi thuộc cấp làm việc ngày đêm. Vẻ nhìn lạnh lẽo, trong một nét mặt như được tạc bằng nét mác, che dấu các xúc cảm mà ông không dám thừa nhận. Trong các cuộc chuyện trò, ông cho thấy óc thưởng ngoạn thiên nhiên rất mạnh mẽ, và sự thích thú linh hoạt đối với các vấn đề quân sự cũng như lịch sử hiện đại. Tuy chống đối Hitler, ông cảm thấy bị liên kết không ngừng với nhà độc tài, có lẽ là do ảnh hưởng của các cảm nghĩ gây ra bởi các vinh dự đặc biệt và các tặng phẩm từ tay Hitler trao cho.
Ông đã được binh phục sau một tai nạn xe hơi vào mùa đông 1943 – 1944 khi chiếc xe của ông bị lật nhào trên con đường từ Minsk đi Smolensk. Ông đã bày tỏ cảm nghĩ lạnh lùng và đầy năng lực. Ông đã trải qua hơn 15 ngày tại Berchtesgaden. Tại đó, Hitler chuẩn bị giao sứ mạng mới cho ông và thuyết phục ông rằng những biến chuyển của tình hình miền Tây là do lỗi lầm và sự suy kém của Bộ chỉ huy cũng như quân sĩ gây ra. Ông xuất hiện ngay từ ngày 5 tháng bảy tại bản doanh của Binh đoàn B. Sau một cái chào lạnh nhạt trong phòng hội tại La Roche-Guyon, Von Kluge đã nói gần như sau đây: “Việc giải nhiệm Thống chế Von Rundstedt là dấu hiệu rõ rệt của sự bất bình của Hitler về vấn đề chỉ huy tại Miền Tây; Rommel cũng không được Fuhrer tin cậy hoàn toàn nữa. Tại Bộ Tổng tham mưu người ta có cảm tưởng rằng Rommel, như ở Phi châu, đã để cho ưu thế của vũ khí đối phương ảnh hưởng quá nhiều đến nỗi nghiêng dần về phía bi quan quá đáng. Mặt khác càng ngày Rommel càng chứng tỏ chủ nghĩa cá nhân quá độ; ông ta đã không thi hành một cách trung thực các mệnh lệnh của Hitler.” Von Kluge kết luận bằng các lời sau: “Ông Thống chế Rommel, kể từ ngày hôm nay, phải triệt để tuân lệnh: đó là điều tôi khuyên ông.” Lời trách cứ này kéo theo một cuộc tranh luận chua chát giữa hai vị Thống chế. Một lần nữa Rommel trình bày bằng cách nhấn mạnh đến tình hình chung, ông nhấn mạnh đến sự cần thiết phải rút ra từ đó các hậu quả. Ông cao giọng biện minh chống lại những lời kết tội bất công của Hitler và của Tổng tư lệnh Quân lực.
Trong cuộc tranh luận sôi nổi ấy, Von Kluge yêu cầu viên tham mưu trưởng vốn tham dự cuộc tiếp xúc từ đầu, rút lui ra ngoài.
Rommel yêu cầu Tân Tổng tư lệnh mặt trận Miền Tây, bằng lời nói và bằng văn thư, rút lại những lời phán đoán vội vã và báo cho Tổng tư lệnh Quân lực rõ tình hình. Ông còn ấn định cho Von Kluge cả một thời hạn để làm việc đó. Ông yêu cầu vị Tổng tư lệnh chỉ nên phán đoán về tình hình quân sự, về hệ thống chỉ huy và về quân sĩ sau khi cuộc họp với các tư lệnh quân khu và sau khi có kinh nghiệm cá nhân về tình hình.
Những nứt rạn sâu xa từ cuộc tiếp xúc ấy, trong đó Von Kluge không muốn biết tình hình tổng quát. Rommel đau đớn ê chề. Ông đã tưởng tượng, không phải là không có lý, nhờ tin mật báo rằng Von Kluge, từ nhiều năm qua, có tiếp xúc với các lực lượng chống đối tại Đức, hẳn là phải thiên về hạnh phúc và sự giải phóng dân tộc hơn. Thế mà ông ta lại xuất hiện như là phát ngôn nhân của Hitler, và không hề có một sự hiểu biết nào về mặt trận tại địa phương; ông đã nói một cách mù quáng theo giọng điệu thuần túy nhất của Berchtesgaden.
Lúc đó, theo một lộ trình ấn định từ trước, Von Kluge mới đi thăm mặt trận trong hai ngày, kể từ ngày 6 tháng 7, khởi hành từ bản doanh của Binh đoàn B. Ông tiếp xúc với tất cả các cấp chỉ huy và binh sĩ nào có thể gặp được. Và ông đã thay đổi ý kiến. Ông bị bó buộc phải thừa nhận các biểu thị không chối cãi được của sự kiện thực tế, sự đồng tình toàn diện của tất cả các cấp chỉ huy, và sau một thời gian để cho các câu nói của Hitler làm cho mê hoặc, ông phải thừa nhận sức mạnh của luận lý.
Ông đã rút lại tất cả các lời chỉ trích và xin lỗi Rommel bằng cách nói rằng ông đã bị Hitler và Keitel lừa dối. Ông nói thêm rằng, mặc dầu với bao nhiêu tin tình báo, phúc trình, điện đàm và báo cáo, Fuhrer không muốn thấy tình hình một cách trung thực, rằng ông ta sống trong thế giới mơ mộng và dục vọng của mình, và rằng, khi cơn mộng đã bị tan vỡ ông ta bèn tìm kiếm con vật tế thần: đó là tóm lược tất cả tinh túy của kinh nghiệm của Von Kluge về mặt trận miền Tây.
Ngày 9 tháng 7 năm 1944, Tiến sĩ Von Hofacker, Trung tá trừ bị được Tư lệnh lực lượng tại Pháp, Tướng Von Stulpnagel phái đến La Roche-Guyon. Đấy là con trai của một tướng lãnh cùng tên, mà trong trận Đệ I Thế chiến đã nắm giữ chức vụ chỉ huy quan trọng, và dưới sự lãnh đạo của ông, Rommel đã nhận được huy chương danh dự sau cuộc xung phong chiếm Monte-Matajur tại Ý. Đi theo ông còn có một người thân tín của Stulpnagel là bác sĩ Max Horst. Hofacker là anh em họ với Đại tá của Bộ Tổng tham mưu, Bá tước Klaus von Stauffenberg, chính ông này cũng đã thông báo là sẽ thay mặt đại tướng Beck đến thăm bản doanh của binh đoàn B. Nhưng cuộc mưu sát ngày 20 tháng 7 đã không cho phép ông thực hiện được ý định.
Casar Von Hofacker là một bộ óc chính trị tuyệt diệu, một nhân vật rất nhiệt tâm, và cùng lúc có sức mạnh thuyết phục hiếm có. Trong thời bình, ông giữ một chức vụ cao cấp trong kỹ nghệ thép tại Berlin; từ nhiều năm qua, ông là cộng sự viên thân tín nhất của Karl Heinrich von Stulpnagel. Ông đến để tìm kiếm một kết luận dứt khoát về vấn đề tình hình mặt trận, cho Beck và Stauffenberg.
Mặt khác ông có mang theo một tài liệu được soạn thảo cẩn thận trình bày quan điểm của ông và của Tư lệnh lực lượng tại Pháp về sự cần thiết phải có một hành động mau lẹ và dứt khoát. Để kết luận, ông đưa ra một lời kêu gọi nhiệt liệt nhân danh tất cả lực lượng đối kháng gởi cho Thống chế Rommel, và khẩn cầu ông chấm dứt chiến tranh tại Miền Tây càng sớm càng tốt. Trong thực tế, đó là một lời kêu gọi nổi dậy. Ông được gợi ý từ quan điểm của các lực lượng chống đối tại Berlin – theo đó thì Đồng minh không bao giờ chịu thương thuyết với Hitler hoặc một trong các thuộc hạ của ông ta như Goering, Himmler và Ribbentrop, và các nhân vật này phải biến đi cùng lúc với hệ thống cai trị. Họ nhấn mạnh – cũng như Rommel, khi ông ấn định các nguyên tắc thương thuyết – đến ý tưởng chấm dứt lập tức cuộc không tập của địch, điều này sẽ mang lại hậu quả như là một sự giải thoát tinh thần và kinh tế bên trong xứ sở. Von Hofacker hỏi mặt trận phòng thủ trước quân xâm chiếm còn đứng vững một cách chính xác được bao lâu nữa: câu trả lời là tất cả còn tùy thuộc vào quyết định của giới lãnh đạo tại Berlin. Rommel còn tuyên bố rõ ràng hơn nữa: “Tối đa là từ 15 ngày đến 3 tuần lễ; sau đó còn phải tùy mũi dùi xâm nhập của địch; bởi vì chúng ta không còn có gì để ngăn cản đối phương nữa.”
Sau khi hội họp với Tổng tư lệnh mặt trận Miền Tây, Von Hofacker phải trở về Berlin để báo cho tướng Beck và các lãnh tụ chống đối khác biết tình hình, sau cùng, để kết hợp tất cả các biện pháp cách mạng. Ông sẽ trở lại gặp Rommel sau ngày 15 tháng bảy.
Khả năng kỹ thuật vượt qua phòng tuyến của đại biểu toàn quyền để thương thuyết một cuộc ngưng bắn địa phương đã được thí nghiệm thử ở sư đoàn 2 thiết giáp qua trung gian của tướng Luttwitz. Thật vậy, viên tư lệnh Đồng minh đã dùng máy vô tuyến đề nghị trao đổi nữ nhân viên thuộc các cơ sở y tế và thông tin Đức đã bị Đồng minh bắt giữ khi chiếm Cherbourg, để lấy các quân nhân Đồng minh bị thương nặng: việc trao đổi này sẽ được thực hiện tại một địa điểm do Đồng minh ấn định. Hành động nhân đạo này đã được thực hiện trong một cuộc ngưng bắn tạm 2 giờ. Tuy nhiên việc ấy đã làm cho Hitler nổi giận điên cuồng và gia tăng sự ngờ vực.
Ngày 12 tháng 7, Thống chế Von Kluge trở lại Roche-Guyon, Bản phúc trình gởi cho ông về tình hình chiến lược và chiến thuật và các vấn đề rút ra từ tình hình đó, đã tạo nên một sự đồng tình toàn diện giữa hai vị Tổng tư lệnh. Một lần nữa, Von Kluge muốn được biết dứt khoát về vấn đề thời gian chống cự của mặt trận trong tình trạng lực lượng giảm dần và thiếu thốn tất cả các lực lượng trừ bị. Rommel liền đặt câu hỏi cho tất cả các tư lệnh Quân đoàn và đa số các tướng lãnh chỉ huy. Ông đề nghị báo cho Hitler biết kết quả cuộc điều tra và đính kèm vào đó một tối hậu thư thực sự. Ông trình bày một kế hoạch trong trường hợp, ai cũng thấy sẽ xảy ra, là Hitler gạt bỏ tối hậu thư ấy. Ông báo cho Von Kluge biết sứ mạng của Trung tá Hofacker mà khi từ Berlin trở lại, ông sẽ được thông báo cho biết. Mặt khác, Bộ Tổng tham mưu phải cung cấp cho ông tin tức về tình hình mặt trận Miền Đông và tình hình tại Tổng hành dinh của Fuhrer trong vài ngày tới.
Von Kluge trước tiên giữ thái độ dè dặt, nhưng chấp thuận trên toàn bộ lập luận của Rommel. Quyết định của ông tùy thuộc kết quả của bản vấn-đề-lục gửi cho các giới chỉ huy tại mặt trận. Rommel giao cho tôi nhiệm vụ liên lạc thông báo cho tướng Stulpnagel tin tức về tình hình, về ý định của ông và về các cuộc nói chuyện với Von Kluge. Bằng mọi cách tôi phải nhấn mạnh rằng Thống chế đã sẵn sàng hành động, ngay cả trong trường hợp Von Kluge không thể quyết định hợp tác. Tôi đến Paris rất trễ trong đêm 13 tháng 7 để thực hiện sứ mạng. Von Stulpnagel vừa nhận được tin lãnh tụ xã hội chống đối bị bắt tại Berlin: điều này có thể bắt buộc chúng tôi hành động gấp. Ông ta đề nghị chờ Hofacker trở về. Ông còn nói là công cuộc chuẩn bị trong khu vực của ông đã hoàn tất.
Trong những ngày 13, 14, 15 tháng 7, Rommel đi thăm mặt trận. Ông tiếp xúc với các sĩ quan chỉ huy mọi cấp, nhất là với các tư lệnh nhóm SS, Sepp Dietrch và Hausser, mà các phúc trình về tình hình đặc biệt có tính cách bi quan. Cả hai đều chứng tỏ cực kỳ ngay thẳng. Trong trường hợp có sáng kiến gì tại Miền Tây, vậy là Rommel không còn sợ gặp phải khó khăn về phía lực lượng SS nữa. Tướng Tư lệnh Quân đoàn I SS, Tư lệnh tương lai của Lộ quân V thiết giáp, chính là vị trưởng nhóm SS Sepp Dietrich. Trong một cuộc viếng thăm bản doanh Binh đoàn B ông đã bày tỏ với Rommel cũng như với tôi nỗi bất bình của ông về bộ chỉ huy tối cao và đòi hỏi có thể áp dụng sáng kiến cá nhân trong trường hợp có sự tan vỡ của phòng tuyến. Các đơn vị SS tham chiến, can trường nắm trong tay vị tư lệnh của họ, và phải thẳng thắn thừa nhận rằng họ được tách biệt rõ ràng với các phương pháp của cảnh sát mật vụ.
Mặt khác, Tư lệnh lực lượng SS tin rằng sắp có thể tách rời dễ dàng khỏi tổ chức cảnh sát mật vụ này tại Paris và tại Pháp.
Từ mặt trận trở về, Rommel đắm mình trong các suy tư và trong những xúc động sâu xa. Các cuộc chuyện trò của ông với các chiến binh ở tuyến đầu đã xác nhận và bổ túc các phúc trình của các tư lệnh và tướng lãnh. Đâu đâu quân sĩ cũng hỏi Thống chế với sự âu lo rằng liệu một sáng kiến táo bạo được thực hiện vào phút chót bởi các vị chỉ huy quân sự có thay đổi được tình hình không. Lần nào Thống chế cũng trả lời là, theo ông, tình hình sẽ thay đổi. Ông trở về với sự chính xác đầy tính cách an ủi theo đó quân sĩ và cấp chỉ huy, tại tất cả các hệ cấp, đều đặt lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của ông.
Nhưng Rommel không còn khả năng nào để giải thích cho Hitler được nữa. Thay vì cung cấp yểm trợ như đã hứa, ông chỉ nhận được từ Hitler toàn sự hắt hủi và ác ý. Chủ nghĩa tài tử tiếp tục hoành hành ở đó, tại Haute-Bavière và Đông Phổ. Một lần nữa, Rommel gởi cho Hitler một lời báo động, nhưng lần này dưới hình thức rõ ràng và dữ dội của một tối hậu thư. Ngày 15 tháng bảy, ông gởi cho Hitler một văn thư dài 3 trang đánh máy hỏa tốc qua trung gian của Tổng tư lệnh Miền Tây. Trong bức thư đó ông diễn tả ý tưởng bằng các câu sau[3]:
“Tình hình mặt trận Normandie ngày càng trở lên khó khăn hơn, và có khuynh hướng đưa đến một nguy cơ nghiêm trọng. Vì tính cách khốc liệt của trận chiến, vì vật liệu chiến tranh đặc biệt mạnh mẽ mà địch tung vào trận chiến, nhất là về pháo binh và thiết giáp, vì sự hữu hiệu của không quân địch, chủ nhân ông tuyệt đối của chiến trường, tổn thất của ta đã lên cao đến nỗi sức mạnh chiến đấu của các sư đoàn giảm sút mau lẹ. Lực lượng tăng cường từ bên trong chỉ được đưa đến theo kiểu nhỏ giọt và họ chỉ đến được mặt trận sau một vài tuần vì gặp khó khăn chuyển vận. Trước tổn thất 97.000 người (trong đó có 2.360 sĩ quan gồm 28 tướng lãnh, 354 chỉ huy trưởng đơn vị), nghĩa là trung bình từ 2.500 đến 3.000 người mỗi ngày, chúng tôi chỉ được tăng phái có 6.000 người. Tương tự như vậy, tổn thất về mặt dụng cụ chiến tranh cũng lên cao đặc biệt và cho đến hôm nay chỉ được bù trừ theo một tỷ lệ rất thấp, ví dụ 17 chiến xa trên số tổn thất 225 chiếc.
Các sư đoàn tân lập đưa ra tiền tuyến không được huấn luyện để chiến đấu, chúng được trang bị rất yếu kém về mặt trọng pháo, vũ khí chống chiến xa và vũ khí cận chiến chống thiết giáp. Như thế, chúng không thể nào có khả năng đẩy lui các cuộc tấn công của địch có tính cách qui mô, được tung ra sau một đợt pháo kích liên tục nhiều giờ và sau các cuộc không tập mạnh mẽ. Diễn tiến của trận chiến chứng tỏ rằng, vì sức mạnh của vật liệu chiến tranh của đối phương, đơn vị can đảm nhất cũng chỉ có thể bị đánh tan nát tả tơi.
Riêng vấn đề gởi quân tăng viện, vì sự tàn phá hệ thống thiết lộ, vì tình trạng mất an ninh của đường bộ cho đến 150 cây số sau hỏa tuyến do sự can thiệp của không lực địch, cho nên tình trạng bấp bênh đến nỗi chỉ có thể đưa ra mặt trận những thành phần tối cần thiết. Trước hết, đâu đâu chúng tôi cũng phải cực kỳ dè xẻn đạn pháo binh và súng cối. Không còn có thể nào đưa đến mặt trận Normandie các lực lượng mới xứng đáng với danh từ ấy nữa. Ngược lại, quân số mới và vô số dụng cụ chiến tranh đã ào ạt dồn đến đêm ngày cho mặt trận phía bên kia đối phương, tăng viện của địch không bị không quân của ta chặn đứng, áp lực của địch gia tăng cường độ không ngừng. Trong các điều kiện đó, ta phải phòng là không bao lâu nữa – từ 15 ngày đến 3 tuần lễ - quân địch sẽ thành công trong việc chọc thủng phòng tuyến quá mỏng của ta, nhất là tại khu vực trách nhiệm của Lộ quân VII, và thâm nhập vào lãnh thổ Pháp quốc. Hậu quả sẽ không thể nào lường được.
Khắp nơi quân sĩ đã chiến đấu một cách anh hùng, nhưng cuộc chiến đấu không đều này đưa gần đến chỗ kết thúc…”
Thống chế kết thúc bằng câu sau đây do chính tay ông viết:
“Tôi bắt buộc khẩn thiết kính xin Ngài giải quyết ngay tình thế đó. Trong tư cách là Tổng Tư lệnh Binh đoàn, tôi cảm thấy có bổn phận phải trình rõ ràng lên Ngài điều đó – Rommel, feldmarschall.”
Danh từ “hậu quả chính trị” không được đề cập đến: “hậu quả” có nghĩa là tất cả; danh từ “chính trị” sẽ tác động như là một miếng giẻ tẩm màu đỏ bôi lên mặt Hitler. Nó có thể tạo ra thay vì là các suy tư phải chăng, những cơn giận dữ nổ bùng vô ích, và các chỉ thị phát sinh từ cơn tức giận điên cuồng, tất cả những điều đó đều gây thiệt hại cho quân sĩ. Von Kluge chia xẻ phần trình bày và tối hậu thư của Rommel (bản chính của phúc trình này với các lời ghi chú bên lề của Thống chế đã được tiêu hủy trong cuộc bắt giữ về sau viên tham mưu trưởng của Binh đoàn B.)
Lần cuối cùng Rommel đã gửi lời khuyến cáo 555555555555555 nhìn vào khoảng không gian mênh mông đầy tinh tú bất diệt.
Nhưng tất cả những ai cùng chia xẻ các tư tưởng như thế, trong những ngày ấy, phải nhận thấy rằng sức mạnh vạn năng của những bàn tay bí ẩn, từ đó số phận con người dựa vào, vẫn đi con đường của nó: hành động giải thoát, đã không xảy ra.
Tình hình trong vùng Caen mỗi giờ một thêm nguy kịch, các đợt xâm nhập thật sâu của địch chỉ được trám lại một cách khó nhọc với giá của vô số gương hy sinh anh hùng; cuộc thâm nhập quyết định của Đồng minh vào khu vực rộng lớn của Paris, sắp sửa xảy ra.
Ngày 17 tháng 7 Rommel đến thăm một trong các tâm điểm khốc liệt nhất của trận chiến để đích thân chỉ huy quân sĩ, và nâng cao năng lực đã kiệt quệ. Ông đã tiết lộ cho một vài tư lệnh ưu tú, bức tối hậu thư của ông gửi cho Hitler mà không giấu họ các hậu quả mai hậu, nhưng, được nhắc nhở bởi viên tham mưu trưởng, ông muốn rút lui sớm hơn thường lệ. Chính trong một cuộc chiến đấu địa phương đang lâm vào cảnh nguy cấp, mà ông muốn can thiệp vào. Ông còn đến cạnh tướng Tư lệnh Quân đoàn I thiết kỵ SS Sepp Dietrich mà ông tìm thấy tại bản doanh của ông ta; ông chỉ lên đường trở về vào lúc 16 giờ. Trên con đường từ Livarot đi Vimoutiers, lúc gần đến nông trại Montgomery, các phi cơ khu trục oanh tạc trông thấy chiếc xe đơn độc của thống chế, vì ông luôn luôn di chuyển mà không cần hộ tống. Họ không ngờ rằng mình đang săn đuổi người quân nhân ưu tú nhất tại mặt trận Miền Tây, con người chứa đựng hy vọng cứu rỗi duy nhất của Đức quốc. Trước khi ông kịp đến chỗ nấp dưới các cành của một cây bạch dương gãy đổ, những tia lửa đạn lóe ra trên xe ông, do ba phi cơ địch bay sát mặt đất phóng ra. Người tài xế trúng đạn chết ngay, Thống chế bị thương nặng đến nỗi thoạt tiên người ta tưởng ông đã chết. Thật ra, Rommel đã bị loại trừ vào giờ phút mà quân đội và dân tộc Đức đang cần đến ông nhất. Tất cả những người sau ông muốn tìm kiếm một thế giới mới tốt đẹp hơn, đều đau đớn cảm thấy thiếu mất điểm tựa duy nhất của họ. “Vố nặng giáng lên ông (Rommel) ngày 17 tháng 7 năm 1944, trên con đường Livarot, đã làm cho kế hoạch mất một người duy nhất có thể mang trên vai sức mạnh kinh khủng của chiến tranh bên ngoài và cuộc nội chiến, một người duy nhất có đủ sức mạnh nội tâm để đương đầu với tính cách sinh động hãi hùng của kẻ xâm lăng. Điều đó như là một triệu chứng tất nhiên”.
Thật thế, đó là một điềm báo trước.
Chú thích:
[1] Đọc "Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler - Bản dịch Người Sông Kiên và Lê thị Duyên - Sông Kiên xuất bản.
[2] Đọc: “Những trận đánh lịch sử của Hitler”. Bản dịch Người Sông Kiên - Lê thị Duyên. Sông Kiên xuất bản.
[3] Đọc: “Những trận đánh lịch sử của Hitler”. Bản dịch Người Sông Kiên - Lê thị Duyên. Sông Kiên xuất bản lần thứ 3