- 3 -
Tác giả: Hans Speidel
TÌNH HÌNH QUÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ BỊ LUNG LAY làm cho cơ cấu tổ chức của Quân lực Đức – cơ cấu nội bộ – phải chịu đựng nhiều biến đổi sâu rộng.
Ngày 2 tháng 8 năm 1934, Hitler đảm trách quyền chỉ huy tối cao và xác định sự nhập cuộc của ông trong bức thư ngày 20 tháng 8 năm 1934 gửi cho Đại tướng Von Blomberg:
“Hôm nay, sau khi đạo luật mùng 2 tháng 8 được phê chuẩn, tôi muốn tỏ bày cùng Đại tướng và nhờ Đại tướng tỏ bày cùng Quân đội những lời cảm ơn của tôi đối với lời tuyên thệ trung thành mà Đại tướng đã dành cho tôi trong cương vị Quốc trưởng và Tổng Tư Lệnh Tối cao của Quân lực. Cũng như những sĩ quan và binh lính đang phục vụ tân Quốc gia “nơi chính bản thân tôi ”, tôi sẽ luôn luôn tự coi như bổn phận tối thượng để hành động nhằm bảo vệ và giữ vững uy thế bất khả xâm phạm của Quân đội. Như thế tôi sẽ làm trọn lời di chúc của cố Thống chế Hindenburg; tôi sẽ trung thành với ý nguyện của chính tôi là đặt Quân đội vào trong lòng Dân tộc và chỉ có Quân đội mới được quyền võ trang . Adolf Hitler, Fuhrer và Reichskanzler.”
Lời tuyên thệ nầy, mà Hitler cũng đã từng thề trước Quốc trưởng Von Hindenburg, được ông ta giữ cho tới ngày 4 tháng 2 năm 1938; cho tới ngày nầy ông vẫn từ chối không đưa chính trị vào quân đội. Kể cả những năm đầu nắm quyền bính, ông cũng tự kềm chế không phán xét về những vấn đề quân sự.
Âm mưu chiếm quyền của lực lượng bán quân sự S.A bị phá vỡ bởi những biến cố ngày 30 tháng 6 năm 1934. Nhưng đến năm 1937, Heinrich Himmler, lãnh tụ SS, nhờ sự võ trang các đơn vị SS, đã tạo ra được cái thế “lưỡng đầu chế” giữa Quân đội và lực lượng Waffen SS, đồng thời đưa yêu sách cho Bộ Tổng tư lệnh về các vấn đề chính trị và quân sự của lực lượng SS. Như vậy là Hitler đã chối bỏ lời hứa “chỉ có quân đội mới được quyền võ trang”.
Tổ chức Waffen SS được thừa nhận với những ưu thế của một đội vệ binh, nó được hứa hẹn trở thành quân đội tương lai trong thời bình. Nhân số của cái Quốc gia trong Quốc gia, quân đội trong Quân đội nầy đã đếm được tới 700.000 người khi chiến tranh vừa kết liễu.
Cái ưu thế của quân đội theo truyền thống lịch sử đã bị chấm dứt ngày 4 tháng 2 năm 1938 bằng một âm mưu bôi lọ Đại tướng Nam tước Von Fritsch và vào thời kỳ Hitler nắm quyền Tổng tư lệnh tối cao quân lực. Tiếp theo đó là một thái độ thụ động rất nguy hiểm của một số chỉ huy trưởng quân sự.
Những tướng lãnh nầy – cũng như những nhân vật ngoài đời sống dân sự - thường là những con cưng của chế độ trong thời kỳ vàng son của họ. Họ đâu có nhìn thấy những gì sẽ đập vào lưng họ sau nầy. Bằng một thủ đoạn khéo léo và thận trọng, người ta lạm dụng dần dần những đức tính truyền thống của Quân đội. Chỉ riêng có tướng Beck là đã từng đôi ba phen tranh đấu, và đặc biệt nhất là vào năm 1938, ông không sợ liên lụy tới tính mạng và địa vị, dám chống đối lại những sự vận động thầm kín tai hại của một vị Quốc trưởng độc đoán và bao biện. Các thắng lợi đoạt được trong lãnh vực chính trị đối ngoại tại Munich (Hội nghị Munich họp vào tháng 9 năm 1938 gồm các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Ý, quyết định về vấn đề đất đai giữa Tiệp khắc và Thụy điển), nhờ phe Đồng minh, đã làm Đại tướng Beck và người kế vị ông là tướng Halder phải bó tay.
Với đà chuyển động của chiến tranh, nhất là từ năm 1944, Hitler cố gắng biến Quân đội thành một “tổ chức chính trị”. Sức mạnh của Quân đội nầy trước đây dựa vào sự vững chắc của các thành viên trong mục tiêu hoạt động bất vụ lợi đối với Tổ quốc. Nhưng hiện giờ thì đa số các tướng lãnh chỉ huy đã bắt đầu thừa nhận uy thế của Hitler, nhất là sau những kinh nghiệm chiến trường tại Ba lan, Na uy, Pháp và vùng Balkans. Sự suy tôn Hitler là “đại nguyên soái của mọi thời đại” phát xuất từ đó. Hitler và Goebbels biết khéo léo động viên tâm lý quần chúng và chủ trương tiến tới chế độ “quân phiệt cách mạng”. Đến nỗi rằng, một nhóm sĩ quan, say sưa giấc mộng làm người hùng Nã phá Luân đã trở thành “công chức”, trong khi ngày xưa trong Quân đội, quan niệm của Washington đã nắm giữ phần ưu thắng: “Chỉ những tay anh hùng mã thượng mới xứng đáng vào hàng sĩ quan!”
Tuy nhiên, một số đông sĩ quan các cấp thấp nhất là khối sĩ quan tham mưu, đã kín đáo chống lại sự nhiễm độc chính trị của Quân đội; theo ý họ thì chính trị trong Quân đội chỉ có thể đưa đến chỗ cắt đứt những dây liên lạc thân tín từng thắt chặt tình đoàn kết giữa cấp chỉ huy và binh lính. Họ cũng không tán thành việc Hitler nắm quyền chỉ huy Quân đội. Chúng ta hãy thêm vào trong vấn đề nầy sự độc đoán, bản năng thống trị của chính Hitler. Ác hại thay, tính khí đặc biệt ấy không phải chỉ xuất hiện trong các mệnh lệnh ban cho các ủy viên và cho Bộ chỉ huy mà ngay trong lãnh vực điều hành quân pháp nữa. Mùa Đông năm 1943-1944, mọi người ngạc nhiên vì sự nhồi nhét vào trong Quân đội một lớp sĩ quan chỉ huy thuộc thành phần đảng viên Quốc xã (N.S.F.O). Đây là những cấp chỉ huy chính trị mặc quân phục, tương tự như những Chính ủy của Hồng quân Nga sô. Như vậy là Hitler muốn bắt chước Nga chứ không theo kinh nghiệm của Lazare Carnot – người đã muốn, lúc thành lập quân đội cách mạng Pháp trong thời kỳ nhân dân vùng dậy , tách biệt mọi chính trị khỏi cơ cấu chỉ huy trong quân đội.
Lôi kéo quân đội vào trong mê hồn trận của các phe phái, tiêu diệt sự trung thành và niềm tin đối với truyền thống cũ bằng chế độ ủy viên Quốc Xã, đào xới tới cội rễ quyền lực của Quân đội, Hitler đã đập nát cơ cấu nội bộ và uy tín đối ngoại của quân đội. Những sĩ quan “lập trường bấp bênh” đều bị giải ngũ. Người ta chối bỏ nguyên tắc mà từ thời vua Fréđêric-le-Grand đã áp dụng ngay trong lãnh vực quân sự là bảo đảm tự do của những nhân vật có trách nhiệm. Kết cuộc, người ta thấy một người như Heinrich Himmler đã trở thành Tư lệnh của một Binh đoàn. Kiến thức, khả năng quân sự, nhất là lương tri của một trách nhiệm tinh thần trước Thượng đế và Dân tộc Đức bắt đầu bị biến dạng.
Những cấp chỉ huy đã từng cố gắng biểu lộ nhân phẩm trong một quan niệm nhân bản cao cả, nay nói chẳng ai nghe. Những đức tính trong vùng hào quang của thời Ludwig Beck đã bị loại bỏ.
Những cấp chỉ huy thuộc mọi đẳng cấp, giống như trong quân đội các nước đương thời trước kia, chia ra làm ba nhóm:
- Những người quân nhân tận tụy, nhắm mắt vâng lời, tính tình dung dị, bạ cả tin.
- Những người lính đảng phái đầy tham vọng, xu thời.
- Những người lính có lương tri phụng sự tình yêu Tổ quốc.
Chúng ta sẽ phân tích ở đoạn dưới trạng thái tinh thần và kiến thức của ba nhóm nầy theo quan điểm xã hội và tâm lý. Ở đây, chúng ta chỉ nói qua về nhóm thứ ba.
Trước chiến tranh, một đám sĩ quan khá đông đảo, phần đông là ở Bộ Tổng tham mưu, đã không chấp nhận đường lối đối nội và đối ngoại của Adolf Hitler. Sau nhiều lần cúi mặt làm thinh trước những tội lỗi (thí dụ làm thinh trong vụ ám sát hai tướng Von Schleicher và Von Bredow ngày 30 tháng 6 năm 1934) họ đã có ý định can thiệp vào hồi năm 1938.
Nhưng khi hai tướng Nam tước Fritsch và Beck bị khai trừ, thì chẳng còn có gì để gọi là một sự phản đối: một ý chí tự giác, sức mạnh và khả năng. Đến cuối năm 1937 sang đầu năm 1938 dân chúng và Quân đội cũng đồng ý về những yêu sách mà Hitler đã đề ra, mà trong lãnh vực đối ngoại – những yêu sách ấy đã có thể giải quyết được trong tinh thần hòa bình. Thắng lợi hiển nhiên của Hitler tại Hội nghị Munich được tiếp nối bằng bản Hiệp ước giao hảo với Pháp ký ngày 6 tháng 12 năm 1938. Ít ai ngờ đến những sự phát triển bên trong cũng như bên ngoài của sự tham nhũng và lòng đạo đức giả, và có ý nghi ngờ Hitler không giữ lời hứa và muốn chiến tranh.
Trong thời gian chiến tranh, vấn đề trở nên khó khăn lạ lùng đối với các cấp chỉ huy quân sự. Trong đại đa số trường hợp, những người lính ngoài mặt trận đã chiến đấu dũng cảm; thật là bất công và vụng về khi muốn chối bỏ sự kính trọng đối với người lính Đức – sự kính trọng mà người lính ở các nước văn minh, ngay cả nước thù địch, luôn luôn được hưởng. Sự phê phán của lịch sử thường vượt qua những lời chê bai nhất thời của một kẻ địch đã bại trận. Chưa ai từng nghĩ rằng mình muốn lôi cổ những tên lính của những phe phái từng chém giết nhau trong chiến tranh tôn giáo hồi thế kỷ XVI và XVII ra xử trước tòa. Không ai kết tội các viên Thống chế và sĩ quan của Nã phá Luân – đúng ra là của nước Pháp – dù rằng bản thân Nã phá Luân đã bị coi như kẻ xâm lăng và bị ô danh một thời vì tội đó. Những cuộc hành hình tập thể do Quận công Albe chủ trương vào năm 1568 và tư cách của những xứ Bắc Mỹ sau cuộc chiến tranh Nam-Bắc chỉ là những trường hợp ngoại lệ.
Một thành phần sĩ quan vốn dĩ được đào tạo nhằm phục vụ một hình thức chế độ quân chủ, không hề nghĩ đến việc ngẩng đầu lên chỉ trích việc lãnh đạo Quốc gia, cũng như được chuẩn bị cho một ý tưởng theo đó một cuộc đảo chánh có thể trở nên cần thiết. Điều nầy tạo cho họ một sức mạnh, khi mà vị quân vương tự cảm thấy mình nhận trách nhiệm trước Thượng đế để nắm quyền chỉ huy Quân đội nhưng đó lại là một nhược điểm, từ ngày mà một kẻ vô thần nắm giữ vận mạng của quân lực Đức.
Từ năm 1920 trở đi, khối sĩ quan của Reighswehr (tổ chức Quốc phòng Đức từ 1919 tới 1935) đã được đặt một cách cố ý ngoài vòng chính trị: thái độ nầy đã biểu lộ trước những yêu sách của cơ cấu chính trị cũng như trước nhu cầu về an ninh của các nhân vật lãnh đạo. Nhưng sự né tránh chính trị nầy thường không đề cập tới sự phân biệt rõ ràng giữa chính trị đảng phái và chính trị thuần túy. Vì những kinh nghiệm cần thiết không thể tập họp được nên ta không thể rút ra ở đó một sự nhân xét xác đáng.
Dĩ nhiên, các cấp lãnh đạo tối cao trong thời kỳ chiến tranh không thể đi từ sự phục tùng đối với Thượng đế đến ý thức và sự phục tùng đối với những con người trần tục. Nhưng tình trạng mập mờ nầy ở Đức không phải chỉ có giới hạn. “Một sự từ khước phục tùng” và sự sửa soạn một cuộc đảo chánh đòi hỏi ở cấp lãnh đạo tối cao – và chỉ cấp lãnh đạo nầy thôi – một cái nhìn sâu rộng đặc biệt, một sự can đảm hiển nhiên.
Quyết định ấy đáng lẽ ra có thể thực hiện dễ dàng đối với những phần tử ưu tú trong giới lãnh đạo ấy, nếu họ đã không bị bó buộc phải đầu hàng vô điều kiện ở Casablanca: đó đúng là một sự trở ngại khó đo lường đứng về phương diện tâm lý đối với những kẻ cầm súng chiến đấu.