Hai
Tác giả: J.M. COETZEE
Ông được chuyển đi, lắc lư từ bên này sang bên kia. Nhiều giọng nói vọng đến từ nơi xa xăm, tiếng huyên náo tăng thêm rồi hoà thành một nhịp điệu riêng. Chuyện gì diễn ra vậy? Nếu mở mắt ra, ắt ông sẽ biết. Nhưng ông không thể làm thế được. Một cái gì đó đang đến với ông. Mỗi lần một chữ cái, cọc cọc cọc, một bức điện đang được đánh máy trên màn hình màu hồng rung rinh như nước mỗi lần ông chớp mắt, và có lẽ nó hoàn toàn ở bên trong mí mắt ông. E-R-T-Y, các chữ cái viết, rồi đến F-R-I-V-O-L, rồi run rẩy, rồi E, tiếp đến là Q-W-E-R-T-Y, cứ thế, mãi mãi.
Frivole. Một thứ giống như sự hoảng hốt lan khắp người ông. Một tiếng rên từ lục phủ ngũ tạng lớn dần và nổ tung khỏi cổ.
- Đau lắm à? – có tiếng nói – Nằm im – Một mũi tiêm. Ngay lập tức cơn đau, rồi nỗi kinh hoàng và ý thức mất hẳn.
Ông tỉnh lại trong bầu không khí im lìm như một cái kén. Ông thử ngồi dậy nhưng không được, dường như người ông bị đóng chặt trong một lớp bê tông. Xung quanh ông toàn một màu trắng đơn điệu: trần nhà trắng, khăn trải giường trắng, đèn trắng; rồi một màu trắng sần sạn như kem đánh răng cũ bọc kín tâm trí, làm cho ông không thể nghĩ ngợi đến nơi đến chốn và mỗi lúc một thất vọng.
- Chuyện này là gì? – ông nói to hay hét lên, ý muốn nói Các người đã làm gì tôi? Hoặc Tôi đang ở đâu thế này? Thậm chí là Cái nghiệp chướng gì đã rơi lên đầu tôi thế?
Một phụ nữ trẻ mặc đồ trắng không biết từ chỗ nào xuất hiện, đứng lại chăm chú theo dõi ông. Thoát khỏi tình trạng mụ mẫm, ông cố hỏi. Quá muộn rồi! Cô ta mỉm cười và vỗ nhẹ lên cánh tay ông, an ủi, rồi bỏ đi làm ông thấy lạ vì cô ta nghe thấy nhưng không cảm thấy.
Nghiêm trọng lắm sao? Nếu có thời gian hỏi một câu duy nhất thì đấy là câu nên hỏi, dù ông không muốn nhấn mạnh ý nghĩa của từ nghiêm trọng. Nhưng thôi thúc hơn câu hỏi về bệnh tình nặng nhẹ, hơn cả câu thầm hỏi chính xác đã xảy ra sự gì hại ông ở cái nơi chết tiệt ấy trên đường phố Magill, là cần phải về nhà, đóng cửa lại, ngồi xuống giữa môi trường quen thuộc để hoàn hồn.
Ông cố sờ chân phải, cái chân lúc này có dấu hiệu mơ hồ là không hoạt động được, nhưng bàn tay ông không cựa nổi, cứ ì ra.
Quần áo của tôi, có lẽ đấy là một câu mở đầu vô duyên. Quần áo của tôi đâu? Quần áo của tôi đâu, và tình trạng của tôi có nặng lắm không?
Người phụ nữ trẻ lướt trở lại trong tầm nhìn.
- Quần áo – cố gắng lắm lắm ông mới nói được, ông nhướn lông mày cao hết sức để ra dấu khẩn thiết.
- Ông đừng lo – người phụ nữ trẻ nói và lại mỉm cười lần nữa, nụ cười của một thiên thần ban phúc lành – Moi thứ ổn cả, được chăm sóc chu đáo. Bác sĩ sẽ đến với ông ngay bây giờ - Chưa đầy một phút, vị bác sĩ đã hiện ra bằng xương bằng thịt ngay cạnh cô y tá và thì thầm vào tai cô.
- Paul? – người bác sĩ trẻ gọi – Ông có nghe thấy tôi không? Tôi gọi tên ông đúng không, Paul Rayment?
- Đúng – ông cẩn thận nói.
- Chúc một ngày tốt lành, ông Paul. Ngay lúc này ông sẽ thấy hơi mờ ảo. Vì ông vừa tiêm một liều morphine. Chúng tôi sắp tiến hành phẫu thuật. Ông đã bị một đòn mạnh làm một chân ông bị hỏng, và tôi không biết ông nhớ được bao nhiêu. Chúng tôi sẽ xem có thể cứu được chừng nào.
Ông lại nhướn cong lông mày:
- Cứu? – ông cố nói.
- Cứu cái chân ông – bác sĩ nhắc lại – Chúng tôi sẽ phải cắt bỏ, nhưng sẽ cố cứu vãn hết mức.
Lúc này chắc chắn trên mặt ông xảy ra cái gì đó, vì viên bác sĩ trẻ làm một việc sửng sốt. Anh ta đưa tay sờ lên má ông, rồi cứ để bàn tay ở nguyên đó, xoa vuốt mái đầu Paul. Một người phụ nữ một có thể làm như thế, một người phụ nữ giàu lòng yêu thương. Cử chỉ ấy làm Paul bối rối nhưng không thể giằng ra một cách lịch sự.
- Ông có tin tôi trong việc này không? – người bác sĩ hỏi.
Paul chớp chớp mắt, lặng đi.
- Tốt – anh ta ngừng – chúng ta không còn lựa chọn, ông Paul ạ. Đây không phải là một trong những tình thế chúng ta được lựa chọn. Ông có hiểu không? Ông bằng lòng không? Tôi sẽ không buộc ông phải ký vào dòng chấm chấm, nhưng chúng tôi phải được ông đồng ý. Chúng tôi sẽ cố cứu vãn hết mức có thể, nhưng ông đã bị một đòn nặng và bị hư hại nhiều, ví dụ lúc này tôi chưa thể nói có cứu được đầu gối ông không. Đầu gối bị dập nát khá nhiều, cả xương ống chân cũng thế.
Dường như biết là điều cần nói đã nói ra, dường như những lời khủng khiếp đã làm Paul tỉnh khỏi giấc ngủ không yên, chân phải ông đau buốt dữ dội. Ông nghe thấy mình thở hổn hển, rồi tiếng mạch đập thình thịch trong tai.
- Phải – người bác sĩ trẻ nói và vỗ nhẹ lên má Paul – Đến lúc rồi.
Ông thức giấc, thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Đầu óc ông sáng sủa, ông đúng là mình (phấn khởi thật! Ông nghĩ), dù vẫn còn lơ mơ dễ chịu, ông có thể ngủ trở lại bất cứ lúc nào. Cái chân bị va đập cảm thấy to kềnh càng nhưng không còn đau nữa.
Cánh cửa mở và một nữ y tá xuất hiện, một bộ mặt mới, tươi tắn.
- Ông thấy khá hơn chưa? – cô nói, rồi nói nhanh – Ông đừng cố nói. Lát nữa bác sĩ Hansen sẽ nói chuyện. Trong lúc này có một việc cần làm. Vì thế tôi đề nghị ông thư giãn trong khi…
Việc cô ta cần làm trong lúc ông thư giãn là cắm ống thông tiểu. Đây là một việc bẩn thỉu, và ông mừng vì một người lạ làm cho ông. Đây là việc phải đến! – Ông tự nhiếc mình – Đây là việc phải đến, giá mình để ý một chút trong lúc lang thang! Còn chiếc xe đạp nữa chứ, không biết nó ra sao rồi? rồi bây giờ mình đi mua sắm ra sao đây? Chỉ tại mình đi đường Magill! Ông nguyền rủa đường phố Magill, dù ông đã đạp xe trên đường Magill nhiều năm nay mà có bị sao đâu.
Khi anh chàng bác sĩ Hansen – như anh ta tự giới thiệu – tới, việc đầu tiên là tóm tắt nhanh trường hợp của Paul, nhắc nhở ông về tốc độ, rồi những tin tức cụ thể về cái chân ông. Cả tin tốt lẫn không tốt.
Trước hết , là đánh giá tình trạng chung, cân nhắc có thể làm được gì với thân thể con người khi bị ô tô lao vào với tốc độ cao, Paul có thể mừng vì không nghiêm trọng. Trái lại, ông có thể coi mình là may mắn, được phù hộ. Vụ đụng xe làm ông chấn thương, nhưng ông thoát chết nhờ đội mũ bảo hiểm. Sẽ còn tiếp tục kiểm tra, nhưng không có dấu hiệu chảy máu bên trong. Còn chiếc ô tô, những chỉ số ban đầu cho thấy không bị hư hại. Ông bị mất máu, nhưng có thể tiếp bù. Nếu ông băn khoăn vì bị cứng hàm, thì hàm không bị vỡ mà chỉ thâm tím. Những vết xây xước trên lưng và cánh tay nhìn thì khiếp nhưng sẽ lành trong vòng một hoặc hai tuần lễ.
Giờ nói đến cái chân bị đâm, anh ta (bác sĩ Hansen) và các đồng nghiệp không thể cứu được đầu gối. Họ đã thảo luận kỹ lưỡng, và một quyết định được nhất trí. Cú va chạm trực tiếp vào đầu gối, nơi hợp thành xương quay, khớp bị vỡ tan và xoắn lại. Nếu bệnh nhân trẻ hơn, có thể tái tạo nhưng phải tiến hành hàng loạt phẫu thuật, cuộc nọ tiếp cuộc kia kéo dài hơn một năm, thậm chí đến hai năm mà tỉ lệ thành công dưới 50%, vì thế nhìn chung, cân nhắc đến tuổi tác của ông, quyết định sáng suốt nhất là cắt bỏ đến trên đầu gối, để lại xương đủ dài để lắp ghép. Anh ta (bác sĩ Hansen) hy vọng ông (Paul Rayment) chấp thuận quyết định sáng suốt này.
- Tôi chắc ông có nhiều câu hỏi – Hansen kết luận – và tôi sẵn lòng trả lời, nhưng có lẽ không phải bây giờ, tốt hơn hết là đến sáng, sau khi ông đã ngủ được chút ít.
- Lắp ghép – Paul nói, lại một từ khó khăn, tuy nhiên lúc này ông đã hiểu hàm ông không bị vỡ, chỉ bị thâm tím và ông đỡ lúng túng với những từ khó.
- Lắp ghép. Chân tay giả. Khi vết mổ lành, chúng tôi sẽ tiến hành lắp ghép cho vừa khít. Khoảng bốn tuần lễ, có khi sớm hơn. Chẳng mấy chốc ông sẽ đi lại được. Đi được cả xe đạp, nếu ông thích. Sau một thời gian luyện tập. Ông còn hỏi gì nữa không?
Ông lắc đầu. Sao anh không hỏi tôi trước? ông muốn nói thế, nhưng nếu thốt ra lời ông sẽ không kìm được, sẽ gào lên mất thôi.
- Tôi sẽ nói chuyện với ông vào buổi sáng – bác sĩ Hansen nói – Ông đừng thất vọng!
Tuy nhiên thế vẫn chưa hết. Vẫn chưa phải hết chuyện. Trước tiên là sự nhiêu khê, rồi tiếp đến là chấp nhận sự nhiêu khê ấy. Có nhiều giấy tờ được ký trước khi để ông lại một mình, và những giấy tờ ấy chứng tỏ sự khó khăn đáng sửng sốt.
Ví dụ, về gia đình chẳng hạn. Gia đình ông ở đâu, lúc cần báo tin cho ai? Còn bảo hiểm nữa chứ. Nơi nào bảo hiểm cho ông? Hợp đồng bảo hiểm thanh toán những khoản gì?
Bảo hiểm không thành vấn đề. Ông được bảo hiểm hoàn toàn, trong ví của ông có thẻ chứng minh điều đó, ông sẽ chẳng là gì nếu không cẩn thận (nhưng ví của ông, quần áo của ông đâu?). Gia đình là chuyện ít minh bạch hơn. Gia đình ông có những ai? Trả lời sao cho đúng đây? Ông có một chị gái. Bà đã mất từ mười hai năm trước, nhưng vẫn sống trong lòng ông, cùng với ông; cũng như ông có mẹ, bà cụ không sống trong lòng ông hoặc cùng ông, mà đang đợi lời gọi của các thiên thần trong mảnh đất của cụ ở nghĩa trang Ballarat. Cha ông còn đợi xa hơn, trong nghĩa trang tận Pau, ông rất ít khi thăm nom. Cả ba người ấy có phải là gia đình ông không? Những người ấy đang sống cuộc đời của mình, còn ông thì đã sin hra nhưng chưa chết, ông muốn nói thế với bất cứ ai hỏi. Ông mang họ theo cùng ông, vì hy vọng những người ấy sinh ra và chăm sóc ông.
Ông có thể xác định rõ ràng hơn về việc không có vợ và con cái. Tất nhiên ông đã từng kết hôn một lần, nhưng người bạn đời ấy đã không còn là của ông nữa. Bà ta đã trốn khỏi ông, trốn biệt. Bà ta đã xoay đủ mẹo để ông không bắt được, như vậy đấy: bà đã trốn vào cuộc đời riêng của mình. Bởi vậy, vì những mục đích thực tế, và chắc chắn vì mục tiêu của bản khai, ông là người không kết hôn, độc thân, cô đơn, lẻ loi.
Gia đình: KHÔNG, ông viết bằng chữ in, cô y tá theo dõi các câu hỏi khác, rồi ký vào bản khai, cả hai tờ.
- Ngày tháng? – ông hỏi cô y tá.
- Mồng hai tháng Bảy – cô trả lời. Ông ghi ngày tháng. Chức năng vận động, không bị ảnh hưởng.
Ông uống thuốc để dịu cơn đau và ngủ, nhưng ông không ngủ được. Những thứ này – cái giường lạ này, căn phòng trơ trụi này, mùi thuốc kháng sinh và mùi nước tiểu khăn khẳn – rõ ràng không phải giấc mơ, mà là thực, thực hoàn toàn. Nếu cả ngày hôm nay cũng như mọi ngày, nếu thời gian vẫn còn ý nghĩa nào đó thì phải có cảm giác của giấc mơ. Chắc chắn là cái này, lần đầu tiên ông kiểm tra dưới tấm đắp, cái thứ quái gở quấn bó trắng tinh dính vào hông ông dứt khoát không phải chuyện nằm mơ. Còn một việc nữa, cái việc mà anh chàng thanh niên đeo kính sáng loá rồ dại nói với vẻ nhiệt tình đến thế, khi nào mới xuất hiện? trong thời của ông, không thể nhìn thấy một sự lắp ghép trần trụi. Hình ảnh đến trong đầu ông là một cái ống cứng đơ đơ có ngạnh ở đầu giống như cây lao móc và những cái giác hút cao su trên ba cái chân bé xíu. Đây là sản phẩm của Chủ nghĩa Siêu thực. Là cái trò của Dali .
Ông với bàn tay (lần đầu tiên ông nhận ra ba ngón giữa bị buộc vào nhau) và ấn vào cái vật trong lớp trắng toát. Chẳng có cảm giác gì. Giống như một khúc gỗ. Chỉ là một giấc mơ, ông tự nhủ và chìm vào giấc ngủ sâu nhất.
- Hôm nay chúng tôi sẽ để ông tập đi – bác sĩ trẻ Hansen nói – Chiều nay. Không đi dài đâu, chỉ vài bước để ông cảm nhận thôi. Elaine và tôi sẽ có mặt ở đây để đỡ một tay – Anh ta gật đầu với cô y tá. Y tá Elaine – Elaine, cô đã bàn với Khoa Chỉnh hình chưa?
- Tôi không muốn đi hôm nay – Paul nói. Ông đã học được cách nói chuyện qua hàm răng nghiến chặt. Không chỉ vì hàm ông thâm tím, mà một bên răng hàm bị lung lay, ông không thể nhai được – Tôi không muốn vội. Tôi không muốn lắp chân giả.
- Thế cũng được – bác sĩ Hansen nói – chúng tôi không nói đến việc lắp chân giả, việc đó để sau, đây chỉ là phục hồi, bước đầu của phục hồi thôi. Nhưng chúng ta có thể bắt đầu vào ngày mai hay ngày kia. Chỉ để ông thấy mất một chân chưa phải là tận thế.
- Để tôi nói lại lần nữa : tôi không muốn lắp chân giả.
Bác sĩ Hansen và nữ y tá Elaine nhìn nhau.
- Nếu ông không muốn lắp chân giả, vậy ông thích gì hơn?
- Tôi thích tự chăm sóc bản thân.
- Thế thì hết chuyện, chúng tôi không giục ông đâu, tôi hứa. Bây giờ tôi có thể nói về cái chân của ông được không? Tôi có thể nói với ông về cách chăm sóc nó chứ?
Chăm sóc chân mình ư? Ông giận điên lên, họ không nhìn thấy nó sao? Mày đã gây mê cho tao rồi cắt phăng chân tao và ném vào túi rác để ai đó nhặt rồi quăng vào lửa. Sao mày còn đứng đó nói đến việc chăm sóc chân tao?
- Chúng tôi đã đắp phần cơ còn lại phủ kín đầu xương – bác sĩ Hansen nói và khum hai bàn tay ra hiệu – rồi khâu lại. Khi vết mổ lành, chúng tôi hy vọng bắp thịt tạo thành trời cái đệm phủ lên xương. Trong vài ngày tới, khi vết thương hồi phục và rời giường bệnh, ông sẽ có chiều hướng bị phù nề và sưng. Chúng tôi cần làm vài việc. Cũng có khi bắp thịt co rút vào hông như thế này – Anh ta đứng xoay lệch sang một bên, nhô phần đàng sau ra – chúng tôi sẽ phải kéo căng ra. Động tác đó rất quan trọng. Elaine sẽ hướng dẫn ông vài bài kéo căng và giúp ông nếu ông cần.
Nữ y tá Elaine gật đầu.
- Kẻ nào đã làm tôi ra nông nỗi này? – ông nói. Ông không thể nói to vì không mở được hàm, nhưng thế lại tiện cho ông, thích hợp với cơn thịnh nộ làm ông nghiến chặt răng – Kẻ nào đã đâm phải tôi? – Những giọt nước ứ lên trong mắt ông.
Đêm đêm dường như như vô tận. Lúc ông quá nóng, lúc lại quá lạnh; cái chân bị bọc kín, ngứa ngáy và không sao với tới được. Nếu nín thở, ông có thể nghe thấy tiếng da thịt bị hành hạ của ông bò như một bóng ma lúc nó cố khít lại với nhau. Bên ngoài cửa sổ bịt kín, một con dế gáy đều đều. Khi giấc ngủ đến đột ngột và ngắn ngủi, dường như phần thuốc mê còn lại trào ra từ phổi lan toả khắp người ông.
Ngày cũng như đêm, thời gian kéo dài lê thê. Có một chiếc ti vi để đối diện với giường, nhưng ông chẳng thích thú gì những loại tin tức mà ti vi hoặc tạp chí cung cấp kiểu như Ai là ai. Hội chợ phù hoa. Nhà & vườn Australia. Ông nhìn đăm đăm vào mặt đồng hồ, ghi nhớ vị trí các kim. Rồi nhắm mắt lại, ông cố nghĩ đến những thứ khác – hơi thở của ông, bà nội ông ngồi bên bàn bếp vặt lông gà, những con ong giữa các bông hoa, mọi thứ. Ông mở mắt. Bàn tay ông không cựa quậy. Cứ như chúng phải rẽ đường qua lớp keo.
Đồng hồ đứng yên, còn thời gian thì không. Ngay cả khi nằm đây, ông vẫn cảm thấy thời gian hoạt động trên người ông như bệnh tật làm hao mòn sức khoẻ, giống như vôi đổ lên xác chết. Thời gian gặm nhấm ông, tàn phá từng tế bào tạo nên con người ông. Các tế bào của ông tắt dần như những ngọn đèn.
Những viên thuốc cách nhau sáu tiếng một làm dịu cơn đau dữ dội đã là tốt, thỉnh thoảng làm ông ngủ được còn tốt hơn, nhưng chúng cũng làm tâm trí ông lộn xộn, vừa hốt hoảng vừa sợ hãi những giấc mơ, vì thế ông ngần ngại không muốn uống. Đau đớn cũng chẳng sao, ông tự nhủ, chỉ là một tín hiệu cảnh báo của thân thể lên não. Đau đớn là thực tế, chẳng khác gì một phim chụp X-quang là thứ có thật. Nhưng lẽ tất nhiên ông lầm. Sự đau đớn là có thực, không cần ấn mạnh mới làm ông tin, không phải ấn tí nào, chỉ nhoáng một, hai cái, sau đó ông nhanh chóng dẹp được những giấc mơ xấu.
Có người chuyền vào phòng ông, một người đàn ông lớn tuổi hơn ông, vừa phẫu thuật hông. Ông ta nằm suốt ngày, mắt nhắm nghiền. Thỉnh thoảng, hai cô y tá kéo rèm quanh giường ông ta và làm các nhu cầu cho thân thể ông ta.
Hai người không còn trẻ nữa, hai anh già trên chung một con thuyền. Các nữ y tá rất tử tế, họ ân cần và vui vẻ, nhưng ông phát hiện ra dưới vẻ nhanh nhẹn của họ sự thờ ơ với số phận của ông và người bạn đồng hành – ông không hề nhầm, ông đã nhìn thấy quá nhiều thứ trong quá khứ. Ông cũng cảm thấy sự thờ ơ ấy dưới sự quan tâm ân cần của viên bác sĩ trẻ Hansen. Hình như những người trẻ tuổi này dửng dưng một cách vô ý thức, như thể muốn cho các bệnh nhân biết rằng họ chẳng để lại gì cho đám đông nên chẳng cần tính đến.
Trẻ thế mà nhẫn tâm thế! Ông gào lên với mình. Sao mình lại rơi vào tay bọn họ kia chứ? tốt hơn hết là để người già trông nom người già, người hấp hối trông nom người hấp hối! Là người lẻ loi trên cõi đời này mới khốn nạn làm sao!
Họ nói đến tương lai của ông, họ làm tình làm tội ông vì những bài tập chuẩn bị cho cái tương lai ấy, họ đuổi ông ra khỏi giường, nhưng với ông, hoàn toàn không có tương lai, cánh cửa tương lai đã đóng và khoá lại rồi. Nếu có cách đặt dấu chấm hết cho mình bằng một hành động thuần tuý tinh thần, ông sẽ chấm dứt ngay lập tức, không phải khó nhọc thêm nữa. Tâm trí ông đầy chuyện về những con người tự kết liễu đời mình – thanh toán các hoá đơn chu đáo, viết thư tuyệt mệnh, đốt hết thư tình cũ, rồi khi mọi thứ đã đâu vào đấy, mặc bộ quần áo ngày Chủ nhật đẹp nhất và nuốt hết chỗ thuốc ngủ tích cóp cho dịp này, nằm trên chiếc giường gọn gàng ngăn nắp và tạo nên những nét đặc trưng để quên lãng. Tất thảy bọn họ đều là những nhân vật không được tán dương khen ngợi. Mình tự giải quyết mà không để lại rắc rối nào. Vấn đề duy nhất họ cần quan tâm là cái xác họ để lại, cái đống da thịt ấy sau một, hai ngày sẽ bắt đầu có mùi hôi thối. Nếu có thể, và nếu được phép, họ sẽ gọi một chiếc taxi đưa đến lò hoả táng, nằm trước cánh cửa tử, nuốt hết liều thuốc ngủ, rồi trước khi mất hết ý thức, ấn nút đẩy họ vào lửa rồi ra ở đầu kia chẳng còn gì ngoài một xẻng tro gần như không trọng lượng.
Ông tin rằng ông sẽ tự kết liễu nếu có thể, ngay bây giờ. Đồng thời, ông biết ông sẽ không làm như thế. Đây chỉ là vì đau đớn, vì những đêm không ngủ dài lê thê trong bệnh viện, nơi bị sỉ nhục mà không chỗ ẩn náu, thoát khỏi cái nhìn trừng trừng tàn nhẫn của lứa trẻ, làm ông ước ao được chết.
Với ông, những hàm ý là người độc thân, cô đơn và lẻ loi khi về nhà là mỉa mai nhất vào cuối tuần lễ thứ hai lưu lại ở cái miền trắng tuyền này.
- Ông không có gia đình sao? – Janet, cô y tá trực đêm nói, cô tự cho phép mình đùa cợt ông – Ông không có bạn bè ư? – cô hếch mũi lúc nói, như thể đây là một trò cười và ông đang lợi dụng mọi người.
- Tôi có nhiều bạn như tôi mong ước – ông đáp – Tôi không phải là Robinson Crusoe. Nhưng tôi không muốn gặp bất cứ ai.
- Gặp gỡ bạn bè sẽ làm ông khá hơn – cô ta nói – Họ sẽ làm ông vui lên. Tôi chắc thế.
- Cảm ơn cô, tôi sẽ tiếp khách khi tôi thích.
Ông vốn không phải là người nóng nảy, nhưng ở nơi này ông tự cho phép mình cáu kỉnh, càu nhàu, giận dữ vì hình như thế mới làm cho những người trông nom ông để mặc ông một mình. Bề ngoài thế thôi, nhưng ông ấy không đến nỗi tồi, ông hình dung Janet cam đoan với các bạn đồng nghiệp. Cái lão già tởm lợm! Ông tưởng tượng ra các bạn đồng nghiệp của cô khịt mũi đáp lại, nhạo báng.
Ông biết đikèm với mong muốn mình sẽ khá lên là niềm khao khát hiển nhiên với những phụ nữ trẻ này, vì ở các bệnh nhân nam giới, bất kể tuổi tác chừng nào, cũng sẽ xuất hiện những khao khát này vào những lúc phiền phức, phải làm chúng dịu lại nhanh chóng và kiên quyết hết mức.
Thực ra ông không hề có những thèm muốn ấy. Trái tim ông trong trắng như một đứa trẻ. Lẽ tất nhiên, trái tim trong trắng làm ông trở nên vô tích sự giữa đám nữ y tá, và ông cũng không muốn như thế. Một lão dê già dâm đãng là một phần của cuộc chơi, một cuộc chơi mà ông không muốn tham gia.
Nếu ông không liên hệ với bạn bè, chỉ vì ông không muốn giơ mặt ra trong tình trạng mới mẻ, què cụt và nhục nhã. Nhưng tất nhiên, bằng cách này hay cách khác, mọi người cũng nghe nói đến chuyện đã xảy ra. Họ gửi lời chúc chóng khoẻ, có người còn đích thân gọi điện. Trên điện thoại, dễ bịa ra một câu chuyện. Chỉ bị một chân thôi ông cay đắng nói , hy vọng giữ được tình trạng mập mờ. Tôi sẽ phải đi nạng trong một thời gian, rồi sau đó đi một chân giả. Chính sự đóng kịch ấy càng khó che giấu hơn, vì ông ghét cay ghét đắng cái vật trì độn mà từ nay ông phải kéo lê cùng ông, cảm nghĩ đó hiển hiện quá rõ ràng trên mặt ông.
Từ khi xảy ra chuyện rủi ro trên đường Magill đến nay, ông không cư xử tử tế, không có khả năng đối phó với tình hình, rõ ràng là với ông, việc a thật vất vả. Một cơ hội vàng biến ông thành tấm gương về một người vui vẻ chấp nhận những ngón đòn cay đắng của số phận, nhưng ông từ chối. Kẻ nào đã làm việc này với tôi? Mỗi khi nhớ lại ông đã hét lên với bác sĩ trẻ Hansen, tuy khá thạo việc nhưng cũng khá tầm thường, tưởng ông định nói Ai đã lái xe đâm vào tôi? Nhưng thực ra nghĩa là Kẻ nào đã láo xược cắt nghiến chân tôi đi? Ông rất ngượng. Ông chẳng phải người đầu tiên trên đời bị một tai nạn khó chịu, cũng chẳng phải ông già đầu tiên thấy mình trong bệnh viện bị những người trẻ tuổi chăm sóc cẩn thận nhưng vô cùng dửng dưng. Một chân bị mất, mất một chân là gì trong viễn cảnh rộng lớn hơn? trong viễn cảnh rộng hơn, mất một chân chẳng gì hơn là diễn tập cho việc mất hết mọi thứ. Ông quát vào mặt ai trong cái ngày ông đến đây? Ông định đổ tội cho ai?
Margaret McCord đến thăm ông. Gia đình McCord là bạn thân nhất của ông ở Adelaide, Margaret bối rối khi biết tin quá muộn và phẫn nộ chính đáng với kẻ nào đã làm ông ra nông nỗi này.
- Em hy vọng là anh sẽ kiện – bà nói.
- Tôi không có ý định kiện cáo – ông đáp – Quá nhiều cơ hội cho một vở hài kịch. Tôi muốn trả lại chân tôi, nếu không thì…Tôi để việc này cho nhân viên bảo hiểm.
- Anh nhầm rồi – bà ta nói – người lái xe ẩu phải được một bài học. Em tin rằng họ sẽ lắp chân giả cho anh. Bây giờ người ta làm chân tay giả khéo lắm, anh sẽ sớm đi xe đạp được thôi.
- Tôi không nghĩ thế - ông đáp – Thế là một phần đời tôi chấm dứt.
Margaret lắc đầu:
- Thật đáng tiếc! Đáng tiếc thật
Sau này ông ngẫm nghĩ, bà nói năng mới ngọt ngào làm sao. Tội nghiệp Paul, anh đang trải qua cảnh khó khăn biết chừng nào! Đấy là điều bà muốn nói và bà biết ông hiểu ý bà. Cuối cùng thì tất cả chúng ta đều phải qua một cái gì đó thuộc loại này, ông muốn nhắc bà.
Ông ngạc nhiên vì cả bệnh viện nhanh chóng chăm lo đến việc lắp ráp chân ông ("Tuyệt vời!" bác sĩ Hansen dùng một ngón tay móng được cắt sửa trau chuốt thăm khám đoạn chân còn lại. "Liền rất đẹp. Ông sẽ trở lại là mình thôi") và trả lời câu hỏi ông sẽ đôi phó ra sao khi lại về với cuộc đời.
Sớm sủa một cách sỗ sàng, hay là ông thấy thế, một nhân viên xã hội, bà Putt hoặc Putz đến ngay.
- Ông vẫn còn trẻ vậy, ông Rayment, à Paul – bà ta nói, cung cách vui vẻ đúng kiểu được huấn luyện khi giao dịch với người già – Ông muốn giữ nguyên tình trạng độc lập, lẽ tất nhiên là rất tốt, nhưng trong một thời gian ông cần được chăm sóc, chăm sóc đặc biệt, và chúng tôi có thể thu xếp được. Trong tương lai xa hơn, ngay cả khi ông đi lại được, ông vẫn cần có người đỡ đần một tay, mua bán, nấu ăn và giặt giũ, v..v..Ở đấy không có ai ư?
Ông lắc đầu, thầm nghĩ thế là hết.
- Không, không có ai – ông nói, đầy ngụ ý và ông tin bà Putz hiểu, rằng không có người nào quan niệm đấy là bổn phận của người theo đạo Khổng, tận tuỵ chăm sóc các nhu cầu của ông, nấu ăn hoặc giặt giũ cho ông.
Điều ông thú vị trong câu hỏi là lộ ra tình trạng của ông theo quan sát của bà Putts, ắt hẳn bà đã trao đổi thẳng thắn với các nhân viên y tế, thẳng thắn và thực tế về việc cấp phát cho ông. Từ các cuộc thảo luận thiết thực này, rõ ràng là bà đã rút ra kết luận rằng trong tương lai xa hơn ông sẽ là người không được đỡ đần một tay.
Trong tầm nhìn của ông về một tương lai xa hơn, cái tầm nhìn ông rập theo trong những lúc bình tĩnh, cái tôi tàn tật của ông (từ ngữ ấy khắc nghiệt, nhưng vì sao phải lập lờ nước đôi?) đàng nào cũng cần sự trợ giúp của cái nạng hoặc vài sự trợ giúp khác để được cuộc đời chấp nhận, có lẽ chậm chạp hơn trước kia, nhưng chậm hay nhanh phỏng còn ý nghĩa gì hơn nữa? Nhưng đấy không phải là cách nhìn của họ. Trong mắt họ, hình như ông không phải loại người cụt làm chủ được tình trạng mới mẻ , đã thay đổi của mình và nói chung là đối phó được, mà là loại kém cỏi, loại người nếu thiếu sự trợ giúp chuyên nghiệp sẽ chết dấm chết dúi trong một cơ sở từ thiện dành cho người già và ốm yếu.
Nếu bà Putts sẵn lòng nói thẳng với ông, ông sẽ thẳng thắn với bà. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều đến việc đương đầu, ông sẽ nói với bà. Tôi đã chuẩn bị từ lâu, dẫu cho điều xấu nhất đến rất xấu, tôi cũng sẽ có khả năng tự chăm sóc bản thân. Nhưng luật chơi khắt khe không cho người nào trong số họ được thẳng thắn. Ví dụ, nếu ông nói với bà Putts về nơi cất giấu Somnex ở ngăn tủ trong buồng tắm ở nhà ông, có lẽ bà cảm thấy bị luật chơi ràng buộc và sẽ khuyên ông tự vệ.
Ông thở dài.
- Theo quan điểm của bà, một quan điểm chuyên môn thuần tuý, bà gợi ý tiếp theo nên làm gì, thưa bà Putts, Dorianne? – ông nói.
- Ông cần người chăm nom, đấy là điều chắc chắn – bà Putts nói – tốt nhất là một điều dưỡng viên riêng, có kinh nghiệm chăm sóc người yếu. Lẽ tất nhiên ông không phải là người yếu đuối. Nhưng cho đến khi ông đi lại được, chúng ta không nên ứng xử liều lĩnh.
- Không, không nên – ông nói.
Chăm sóc người yếu. Chăm sóc người yếu. Ông không bao giờ cho mình là người yếu đuối, cho đến lúc ông thấy phim chụp X- quang. Ông khó mà tin rằng xương bánh chè trên phim kia có thể giữ cho ông đứng thẳng, ông có thể ngã lăn kềnh nếu chúng gãy đánh tách. Người càng cao càng yếu. Quá cao vốn là điểm mạnh của ông. Tôi chưa bao giờ phẫu thuật cho một người đàn ông cao như thế, có đôi chân dài như thế , bác sĩ Hansen nói. Lúc đó ông đã xúc động vì câu nói hớ của anh ta.
- Liệu hãng bảo hiểm của ông có chi khoản chăm sóc người yếu không, Paul? – bà Putts nói.
Một nữ điều dưỡng, lại thêm một nữ điều dưỡng nữa. Một người đàn bà đội mũ trắng nhỏ xíu, đi giày nhẹ lăng xăng trong căn hộ của ông, gọi to bằng giọng vui vẻ, Đến lúc uống thuốc rồi, ông R.!
- Không, tôi cho là hãng bảo hiểm sẽ không chi khoản đó – ông đáp.
- Vậy thì ông sẽ được ngân sách chi khoản này – bà Putts nói.