Hai mươi tám
Tác giả: J.M. COETZEE
- Bà không nghĩ là nên đi khám bệnh hay sao? – ông nói với bà Costello.
Bà ta lắc đầu.
- Không sao đâu. Chỉ là một cơn cảm lạnh. Rồi sẽ khỏi thôi.
Nghe chừng không giống cảm lạnh chút nào. Chứng ho khó chịu, như thể muốn bật phổi ra ngoài, mỗi lần ho là kèm theo cả một lớp đờm đọng sâu tít trong cổ họng.
- Chắc bà nhiễm lạnh khi ngủ dưới bụi cây – ông nói. Bà nhìn lại, không hiểu.
- Bà chẳng nói đã ngủ dưới bụi cây trong công viên đấy thôi?
- Ừ nhỉ.
- Tôi khuyên dùng dầu khuynh diệp – ông nói – Một thìa dầu khuynh diệp hoà vào xoong nước sôi. Bà hít khói. Nó có tác dụng kỳ diệu cho cuống phổi.
- Dầu khuynh diệp! – bà nói – Nhiều năm nay tôi chưa nghe về dầu khuynh diệp. Ngày nay người ta dùng ống hít. Tôi có một cái trong túi. Hoàn toàn vô dụng. Tôi hay dùng dầu cao Friar nhưng không tìm thấy trong các cửa hàng.
- Bà có thể mua trong các cửa hành ở thôn quê. Bà có thể mua ở Adelaide.
- Thế ư. Như những người bạn Mỹ của chúng tôi nói, thì có lẽ thế.
Ông sẽ mua dầu khuynh diệp cho bà. Ông sẽ đun sôi một xoong nước. Ông sẽ lùng các hiệu thuốc xem có dầu cao Friar không. Chỉ cần bà yêu cầu. Nhưng bà không yêu cầu.
Họ ngồi trên ban công, giữa họ là chai vang. Trời tối, gió thổi mạnh. Nếu bà ốm thật, ở trong nhà sẽ tốt hơn. Nhưng bà không giấu giếm sự chán ghét căn hộ - "cửa hiệu tang lễ Bavarian của ông", hôm qua bà gọi thế và ông chẳng phải người cai quản bà.
- Drago không nhắn nhe gì à? Không có tin gì của nhà Jokić sao? – bà hỏi.
- Chẳng có tin tức gì. Tôi đã viết một bức thư và gửi bưu điện.
- Một bức thư! Lại thư nữa! Cái trò này là gì vậy, đánh cờ qua bưu điện chắc? hai ngày là thư đến tay Marijana, hai ngày cho cô ta trả lời: chúng ta sẽ chết vì buồn chán trước khi có lời giải. Thời buổi này không phải là tiểu thuyết bằng thư nữa, Paul. Hãy đến và gặp cô ấy! Đe doạ cô ấy! Cãi lộn thực sự! Dậm chân (tôi nói ẩn dụ)! La hét! Nói "tôi sẽ không chịu bị đối xử như thế này nữa!" đấy là cách những người bình thường hành xử, những người như Marijana và Miroslav. Đời không phải là cuộc trao đổi những thư từ ngoại giao. Trái lại, đời là một vở kịch, đời là hành động, hành động và đam mê! Chắc là với nguồn gốc Pháp, ông thừa biết điều đó. Hãy lịch sự nếu ông muốn, lịch thiệp chẳng hại gì, nhưng đừng phung phí sự đam mê. Hãy nghĩ đến nhà hát Pháp. Nghĩ đến Racine. Ông không thể Pháp hơn Racine. Racine không viết về những người lom khom trong góc nhà, mưu mô và tính toán. Racine nói đến sự đối mặt, ngọn triều khổng lồ này đấu với ngọn triều khác.
Bà ta phát sốt chăng? Cái gì dẫn đến sự bùng nổ này?
- Nếu trên thế giới này có dầu cao Friar – ông nói – thì có nơi vẫn có những bức thư lỗi thời. Chí ít thì một bức thư có vẻ không đạt, bà có thể xé bỏ và viết lại. Không như lời nói. Không giống cơn đam mê, không thể huỷ bỏ. Bà và mọi người nên hiểu điều đó.
- Tôi ư?
- Phải, chính bà. Chắc chắn bà không viết nguệch ngoạc thứ đầu tiên đến trong đầu và gửi đến nhà xuất bản. Chắc bà phải đợi đến khi suy ngẫm kỹ càng. Chắc bà phải duyệt lại. Không phải toàn bộ những gì viết ra đều là suy nghĩ lần thứ nhất, lần thứ hai, thứ ba và hơn nữa sao?
- Đúng vậy, viết lách là thế, suy nghĩ lần thứ hai đến sức mạnh vô cùng. Nhưng ông là ai mà thuyết giảng về ý nghĩ thứ hai với tôi? nếu ông là người thực tế với tính cách như rùa của ông, nếu ông đợi ý nghĩ thứ hai đến, và nếu ông không tuyên bố một cách ngu xuẩn và khăng khăng sự say mê của ông với người đàn bà quét dọn kia, chúng ta sẽ không lâm vào tình cảnh đáng buồn này, cả ông và tôi. Ông có thể vui vẻ sắp xếp lại căn hộ xinh xắn của ông, đợi người phụ nữ đeo kính đen đến thăm, còn tôi có thể trở về Melbourne. Nhưng bây giờ đã quá muộn mất rồi. Chẳng còn gì cho chúng ta ngoài việc nắm chặt dây cương và đợi xem vận rủi đưa chúng ta đến đâu.
- Tại sao bà gọi tôi là rùa?
- Vì bao năm nay ông hít hít không khí trước khi thò đầu ra ngoài. Vì mỗi bước may mắn đều đòi hỏi sự cố gắng như thế. Tôi không yêu cầu ông thành một con rùa, Paul ạ. Tôi chỉ lập luận rằng ông đang hướng vào nội tâm, và thấy ông không thể tìm ra ý nghĩa trong phạm vi tính cách như rùa của ông, trong vòng đủ thứ đam mê kiểu rùa của ông, liệu có nên giục ông xông tới tán tỉnh Marijana, nếu ông thực sự có ý tán tỉnh cô ấy.
Paul, hãy nhớ rằng đây chính là niềm đam mê làm thế giới vận động. Ông không phải là người mù chữ, ông phải biết điều đó chứ. Khi thiếu vắng niềm đam mê, thế giới trống rỗng và không có hình thù gì hết. Hãy nghĩ đến Don Quixote, Don Quixote không phải là người đàn ông ngồi trong ghế xích đu than khóc sự đần độn của xứ Mancha. Người ấy ấp cái chậu lên đầu rồi leo lên lưng con lừa già trung thành và lao vào cuộc hành trình vì những chiến tích vĩ đại. Emma Rouault, Emma Bovary ra ngoài mua những bộ quần áo hấp dẫn dù chưa biết lấy tiền đâu để trả. Chúng ta chỉ sống có một lần, Alonso nói, Emma nói, vì thế hãy thử xem! Hãy thử đi, Paul. Xem ông có thể chịu đựng được những gì.
- Xem tôi chị được những gì để bà đưa tôi vào một quyển sách .
- Để có người nào đó, ở đâu đó có thể đưa vào một quyển sách . Để ai đó có thể muốn đưa ông vào sách. Người nào đó chứ không chỉ có tôi. Để xem ông có xứng đáng đưa vào sách không. Cạnh Alonso, Emma, trở thành nhân vật chính, Paul ạ. Sống như một người anh hùng. Đấy là thứ các tác giả kinh điển dạy tôi. Trở thành nhân vật chính. Nếu không thì sống để làm gì?
Tiến tới đi, làm gì đi chứ. Làm bất cứ việc gì. Hãy làm cho tôi ngạc nhiên. Mỗi ngày cuộc sống của ông càng lặp đi lặp lại, hạn chế và u ám hơn, có lẽ vì ông không rời căn hộ đáng nguyền rủa này? Hãy cân nhắc xem, lúc này ở đâu đó trong rừng rậm bang Maharashtra, một con hổ đang mở to cặp mắt màu hổ phách, nó chẳng nghĩ đến ông đâu! Nó chẳng quan tâm đến ông hoặc bất cứ một cư dân nào khác ở Coniston Terrace này. Ông đi dạo lần cuối cùng dưới bầu trời đầy sao từ bao giờ? Ông mất một chân, tôi biết, và đi lại chẳng phải chuyện đùa, nhưng sau một độ tuổi nhất định chúng ta đều như mất một chân, nhiều hay ít mà thôi. Ông mất một chân chỉ là một dấu hiệu, một biểu tượng hoặc một triệu chứng, có lẽ tôi chưa bao giờ nhớ rõ từ nào, của tuổi ngày càng già, già lão và không thú vị. Đấy có phải là điểm đáng phàn nàn không? Hãy nghe đây!
Tôi, là cái thứ chẳng ai quan tâm hoặc biết đến
Bạn bè từ bỏ tôi như một kỷ niệm đã quên
Tôi là người tự tiêu huỷ những nỗi thống khổ của mình
Ông có biết những dòng này của ai không? John Clare đấy. Hãy đề phòng Paul ạ. Biết đâu ông chẳng có kết cục như John Clare, lẻ loi tiêu huỷ những nỗi thống khổ của riêng ông. Ông có thể tin chắc là chẳng còn ai màng đến ông nữa đâu.
Ông chẳng bao giờ biết với cái bà Costello này khi nào ông được đối xử đứng đắn, khi nào ông bị chế giễu. Ông có thể đối phó với thứ tiếng Anh được gọi là Anh-Úc này. Giọng Ireland mới gây cho ông lắm thứ rắc rối, nhất là ở Australia. Ông có thể nhìn thấy người muốn đưa ông và Marijana, người đàn ông cụt chân và người phụ nữ Balkan linh hoạt, vào một vở hài kịch. Nhưng mặc dù mọi vở hài kịch mang tính chế nhạo của bà ta trong đầu ông vẫn không phải là Costello, mà cái cản trở chính là thứ ông gọi là yếu tố Ireland.
- Có lẽ chúng ta nên vào trong nhà – ông nói.
- Không cần. Bầu trời đầy sao…rồi gì nữa nhỉ?
- Tôi không biết.
- Bầu trời đầy sao, cái gì đó cái gì đó. Ông có nghĩ vì sao tôi cứ bị một người đàn ông như ông, thờ ơ đến thế, không liều lĩnh đến thế ám không? ông có thể giải thích không? nó truyền vào tiếng Anh, làm ông thành người không đủ tự tin trong thứ ngôn ngữ không phải của ông?
Từ khi ông nhắc đến quá khứ của ông ở Pháp, tôi thường dỏng tai lắng nghe. Và ông nói đúng, ông nói tiếng Anh, chắc là ông suy nghĩ bằng tiếng Anh, có khi ông còn ngủ mơ bằng tiếng Anh, song tiếng Anh không phải là ngôn ngữ thực sự của ông. Tôi có thể nói tiếng Anh là một thứ nguỵ trang, một cái mặt nạ cho ông, là một phần sở thích chui vào mai rùa của ông. Khi ông nói, tôi thề là có thể nghe tyz từ đã được chọn lọc, từ nọ tiếp từ kia trong cái hộp đựng từ ông luôn mang theo và đưa vào đúng chỗ. Đấy không phải là tiếng mẹ đẻ, thứ tiếng của người sinh ra đã có.
- Tiếng mẹ đẻ nói thế nào?
- Từ trái tim. Lời lẽ vọt ra và ông ca hát, ngâm nga cùng với chúng. Nói như thế đấy.
- Tôi hiểu. Bà đang gợi ý tôi trở về Pháp? Bà gợi ý tôi nên hát bài Frère Jacques?
- Đừng giễu tôi, Paul. Tôi không nói gì đến việc về Pháp. Ông mất liên lạc với Pháp từ lâu rồi. Tôi chỉ bảo ông nói tiếng Anh như một người nước ngoài.
- Tôi nói tiếng Anh như người nước ngoài vì tôi chính là người nước ngoài. Bản chất tôi là người nước ngoài và sẽ là người nước ngoài suốt đời. Tôi chẳng thấy vì sao tôi phải xin lỗi cả. Nếu không có người nước ngoài thì cũng không có người bản xứ.
- Một người nước ngoài về bản chất? không, không đúng, đừng đổ cho bản chất của ông. Ông có bản chất tốt tuyệt vời, chỉ hơi kém phát triển một chút. Không, càng lắng nghe ông nói tôi càng tin rằng điều then chốt trong tính cách của ông là cách nói của ông.
Ông nói như sách. Chắc ngày xưa có thời ông là một cậu bé xanh xao, hạnh kiểm tốt – tôi có thể nhìn thấy ông – đọc sách hết sức chăm chỉ. Và ông vẫn như thế.
- Tôi vẫn như thế? Xanh xao? Hạnh kiểm tốt? kém phát triển?
- Một cậu bé sợ mở miệng kể những chuyện cười. Tôi có một đề xuất thế này, Paul. Khoá cửa căn hộ của ông lại, tạm biệt Adelaide. Adelaide quá giống một bãi tha ma. Nơi đây chẳng có sinh khí gì dành cho ông. Hãy ra đi và sống với tôi ở Carlton. Tôi sẽ dạy ông ngôn ngữ. Tôi sẽ dạy ông nói bằng cả trái tim ra sao. Mỗi ngày một hoặc hai giờ, mỗi tuần sáu buổi , ngày thứ Bảy chúng ta có thể nghỉ ngơi. Thậm chí tôi có thể nấu ăn cho ông. Không thành thạo như Marijana, nhưng cũng được. Sau bữa tối, tinh thần ông phấn chấn, ông có thể kể cho tôi nghe thêm nhiều chuyện trong kho báu của ông, rồi sau đó tôi sẽ kể lại cho ông dưới dạng đã trau chuốt, hoàn thiện đến nỗi ông khó mà nhận ra. Còn gì nữa nhỉ? Không có những khoái lạc dữ dội, ông sẽ nhẹ người khi nghe thấy thế. Ông sẽ trong sạch như thiên thần. Tôi sẽ chăm sóc ông mọi mặt, đáp lại, ông sẽ học cách chăm sóc tôi. Khi cái ngày ấn định ấy đến, ông có thể là người vuốt mắt cho tôi, nhét bông vào lỗ mũi tôi và đọc lời cầu nguyện cho tôi. Hoặc ngược lại, nếu tôi chết sau ông. Ông thấy mọi chuyện thế nào?
- Nghe cứ như là một cuộc kết hôn.
- Đúng thế. Là một loại kết hôn. Một cuộc hôn nhân có thoả thuận. Paul và Elizabeth, Elizabeth và Paul. Những người bạn đồng hành. Hoặc nếu Carlton không hấp dẫn ông, chúng ta có thể mua một cái xe cắm trại và đi một vòng khắp lục địa ngắm cảnh. Thậm chí chúng ta có thể bay đến Pháp. Được không? ông sẽ chỉ cho tôi những nơi cũ của ông, Galeries Lafayette, Tarascon, dãy Pyrenees. Những lựa chọn vô tận. Ông nói xem, thế nào hả?
Bà ta có thể là người Ailen, nhưng có vẻ chân thành hoặc khá chân thành. Giờ đến lượt ông.
Ông đứng dậy, đứng dựa vào bàn trước mặt bà. Ông có thể nào làm cho giọng nói của mình ví von, dù chỉ một lần? ông nhắm mắt lại, đầu óc trống rỗng, đợi cho lời lẽ đến.
- Sao lại là tôi, Elizabeth? – từ ngữ kéo đến – Tại sao lại là tôi , trong vô sức người ở thế gian này?
Lại những từ ngữ cũ kỹ, bài hát cũ kỹ đáng thất vọng. Ông không thể vượt qua được chúng. Cho đến khi nào ông có giải đáp cho câu hỏi của ông, bất cứ thứ gì đang ca hát trong tim ông đều tắc nghẽn.
Elizabeth Costello im lặng.
- Tôi là đồ bỏ đi, Elizabeth ạ, là cứt sắt. Tôi không thể cứu vãn. Tôi là kẻ vô ích, vô giá trị đối với bà, với tất cả mọi người. Quá lu mờ, quá sợ hãi, quá lạnh lùng. Vì sao bà chọn tôi? Vì sao bà lại có ý tưởng có thể làm được điều gì đó cho tôi? Sao bà ở lại cùng tôi? Nói đi!
Bà nói.
- Ông đã làm cho tôi như tôi làm cho ông, Paul. Làm gì cho hiện tại, hoặc ông muốn tôi nói rành rọt?
- Nói rành rọt đến mức một thằng đần khốn khổ như tôi có thể hiểu được.
Bà hắng giọng.
- Với tôi chỉ có một mình Paul Rayment và tôi dành cho ông. Sức mạnh của ông là dẫn dắt, của tôi là đi theo, của ông là hành động, của tôi là viết lách. Gì nữa?
- Không, thế là đủ. Giờ để tôi hỏi thẳng bà, bà Costello: bà có thực không?
- Tôi có thực không ư? Tôi ăn, tôi ngủ, tôi khổ sở, tôi đi vệ sinh. Tôi bị nhiễm lạnh. Lẽ tất nhiên là tôi có thực. Thực như ông vậy.
- Xin bà nghiêm túc lấy một lần. Hãy trả lời tôi, tôi còn sống hay tôi đã chết? có chuyện gì xảy ra trên đường Magill mà tôi chưa hiểu?
- Tôi là bóng ma được chỉ định đón mừng ông đến cõi âm, ông định hỏi thế chứ gì? không, ông cứ yên trí đi, tôi là một sinh vật có hai chân chẳng khác gì ông. Một mụ già viết nguệch ngoạc hết trang này đến trang khác, ngày này đến ngày khác, khốn khổ khốn nạn mà chẳng biết vì sao. Nếu có một người chỉ huy – tôi không cho là có – thì người đó cầm roi bắt tôi dừng lại, chứ không phải là ông. Không được uể oải, Elizabeth Costello trẻ tuổi! Người đó nói và vút cho tôi một roi. Giờ thì làm tiếp công việc đi! Không, đây là câu chuyện rất thông thường, thực sự thông thường, chỉ có ba chiều, chiều dài, chiều rộng và chiều cao, giống y như cuộc sống bình thường và lời tôi đề nghị với ông cũng hết sức bình thường. Hãy về Melbourne với tôi, về với ngôi nhà cũ xinh đẹp của tôi ở Carlton. Ông sẽ thích thành phố ấy, nó có nhiều lâu đài. Hãy quên Jokić phu nhân đi, ông sẽ chẳng được chút may mắn nào với chị ta đâu. Hãy nắm lấy cơ hội với tôi. Tôi sẽ là bản sao tốt nhất của ông, bản sao của ông đến ngày cuối cùng. Chúng ta sẽ chia sẻ với nhau từng mẩu bánh mì trong lúc còn răng. Ông nói gì nào?
- Tôi nói từ cái hộp đựng từ ngữ luôn mang theo bên mình hay nói từ trái tim?
- Chà chà, ông bắt luôn lời của tôi, ông nhanh gớm! Từ trái tim, Paul ạ, dù chỉ một lần thôi.
Ông quan sát miệng bà lúc bà nói, đây là thói quen của ông: người khác nhìn vào mắt, còn ông nhìn vào miệng. Không có khoái lạc dữ dội, bà ta đã nói thế. Nhưng ngay lúc này ông không thể không hình dung hôn cái miệng kia thì sẽ ra sao, cái miệng khô khốc, đôi môi teo quắt và môi trên hơi trễ xuống. Cuộc hôn nhân có thoả thuận kia có cả những cái hôn không? Ông cụp mắt xuống, nếu ít lịch thiệp hơn ông đã run cả người.
Bà ta nhìn thấy hết. Bà không cao hơn , nhưng nhìn thấy.
- Tôi đánh cược rằng khi còn bé, ông không thích mẹ ông hôn ông – bà nhẹ nhàng nói – Đúng không? Ông chúi người xuống để bà cụ hôn phớt lên trán, chỉ thế thôi? Với người cha dượng Hà Lan của ông cũng thế? ngay từ buổi ban đầu, ông đã muốn là một người bình thường, người bình thường theo cách của riêng ông, tự lập, không nợ nần ai. Họ - mẹ ông và người chồng mới của bà – hơi thở của họ, mùi của họ, những cái vuốt ve của họ làm ông ghét cay ghét đắng. Làm sao ông có thể mong người như Marijana Jokić trên đời lại yêu một người đàn ông ác cảm với cơ thể đến thế?
- Tôi không hề ác cảm với cơ thể - ông lạnh lùng phản bác. Câu ông muốn thêm vào nhưng không nói ra là: tôi chỉ ác cảm với sự xấu xí. – bà tưởng cuộc sống liên tục từ khi ở trên đường Magill, bị xâm phạm thân thể ngày tiếp ngày?đây là bằng chứng tin cậy của tôi vào thân thể và tôi không làm được gì cho bản thân, nên tôi vẫn ở đây.
Vừa nói, ông đã thấy rõ ràng điều người đàn bà ám chỉ cái hộp đựng từ. Làm gì được cho bản thân! Ông nghĩ, giả dối làm sao! Thiếu chân thành làm sao! Giống y như lời thú tội mà mụ ta hướng mình vào! Cùng lúc ấy ông nghĩ: Nếu chiều hôm ấy chúng ta có thêm dăm phút nữa, nếu Ljuba không lảng vảng rình mò như một con chó săn, hẳn Marijana đã hôn mình. Mình chắc việc ấy sẽ đến, mình cảm thấy sâu sắc. Nàng đã cúi xuống chạm nhẹ môi vào vai mình. Mọi sự sẽ tốt đẹp, mình sẽ ôm nàng vào lòng, nàng và mình sẽ nằm bên nhau, ngực áp ngực, trong vòng tay nhau, thở cùng một nhịp.
- Paul ạ, ông không chịu thừa nhận rằng – người đàn bà vẫn nói – kể từ ngày tôi xuất hiện trên ngưỡng cửa nhà ông cho đến bây giờ, tôi vẫn giữ được sự hài hước quá tốt? không một lời nguyền rủa, không lừa đảo, thay vào đó là nhiều câu đùa và những lời ngon ngọt. Vậy tôi hỏi ông: ông cho bản chất của tôi là gì?
Ông nín lặng. Tâm trí ông đang ở đâu đâu. Ông chẳng quan tâm bản chất của Elizabeth Costello là gì.
- Về bản chất, tôi là một mụ già hay càu nhàu, Paul ạ, và hay nổi những cơn thịnh nộ khủng khiếp. Thực ra là hơi nham hiểm. Chỉ vì tôi đã nguyền rằng sẽ đỡ gánh nặng ông đang phải mang. Nhưng đấy là một trận chiến, hãy tin tôi đi. Nhiều lần tôi đã phải kiềm chế để không nổi cáu. Ông tưởng những gì tôi nó về ông – ông chậm như rùa, và vô cùng khó chiều – là tồi tệ nhất sao? Còn nhiều nữa kia, ông tin tôi đi. Chúng ta gọi là gì khi có người biết những điều tệ hại nhất của chúng ta, những điều xấu xa nhất và xúc phạm nhất, đã không lộ ra mà còn im đi, tiếp tục khuyến khích và tạo thành những chuyện cười nho nhỏ? Chúng ta gọi là cảm giác ưa thích. Ông tìm đâu ra sự ưa thích ấy trong cái thế giới này, ở giai đoạn cuối cùng này, hở ông già xấu xí kia? Phải, tôi đã quen với từ đó, xấu xí. Cả hai chúng ta đều xấu, Paul ạ, đều già và xấu. Vậy mà chúng ta vẫn muốn ôm trong vòng tay cái đẹp của toàn thế giới. Mơ ước ấy, sự khao khát ấy sẽ không bao giờ tàn trong chúng ta. Nhưng cái đẹp của toàn thế giới không muốn có bất cứ người nào trong chúng ta. Vì thế chúng tôi phải giảm bớt đi, giảm thật nhiều. Thực ra, chúng ta phải chấp nhận thứ hàng giảm giá hoặc càng thèm khát hơn. Vì thế khi người mẹ đỡ đầu ân cần xua chúng ta khỏi môi trường buồn tẻ xung quanh, khỏi sự vô vọng, khỏi cảnh thảm bại, khỏi những giấc mơ không hiện thực của chúng ta, chúng ta nên suy nghĩ chín chắn về việc từ chối.
Tôi sẽ cho ông một ngày, hai mươi tư giờ để nghĩ lại, Paul ạ. Nếu ông từ chối, nếu ông cứ khăng khăng giữ cái kiểu lề mề hiện nay, tôi sẽ cho ông thấy tôi có khả năng gì, tôi sẽ cho ông thấy tôi có thể phun phì phì ra sao.
Đồng hồ của ông chỉ 3:15. Ba giờ nữa là bình minh. Ông sẽ giết ba tiếng đồng hồ này ra sao đây?
Có ánh đèn trong phòng khách. Elzabeth Costello nằm ngủ trên cái bàn bà ta kéo thêm vào, đầu bà đặt lên cánh tay trên một đống giấy tờ.
Ông định bỏ mặc bà ta một mình hoàn toàn. Việc cuối cùng ông muốn làm đánh thức bà ta và nghe thêm những lời cay chua của bà ta. Ông chán những lời châm chọc ấy lắm rồi. Đến nửa thời gian ông cảm thấy như một con gấu già khốn khổ ở Colosseum, không biết quay đường nào. Cái chết của hàng ngàn vết chém.
Tuy vậy.
Tuy vậy, hết sức nhẹ nhàng, ông nhấc bà lên và luồn cái gối vào dưới đầu bà.
Trong truyện thần thoại, đây là lúc mụ phù thuỷ hôi hám biến thành nàng công chúa xinh đẹp. Nhưng hiển nhiên đây không phải chuyện thần tiên. Kể từ cái bắt tay thăm dò khi họ gặp nhau, ông và Elizabeth Costello không hề tiếp xúc thân xác. Tóc bà ta xơ xác, thiếu hẳn sự đàn hồi. Dưới tóc là sọ, trong đó là những hoạt động mà ông không muốn biết đến .
Nếu một đứa trẻ là đối tượng quan tâm của ông – ví dụ như Ljuba hoặc Drago điển trai, xáo trá, làm ông đau lòng – ông có thể gọi hành động này là dịu dàng. Nhưng trong trường hợp người đàn bà này thì không phải là dịu dàng. Nó chỉ là thứ mà một người già làm cho một người già khác dễ chịu. Là sự nhân đạo.
Có lẽ Elizabeth Costello muốn được yêu thương như mọi người khác. Và cũng như những người khác đối mặt với giai đoạn cuối cùng, day dứt vì cảm giác đánh mất đi cái gì đó. Đấy có phải là điều bà nhìn thấy trong lòng ông: là bất cứ thứ gì bà đã mất? đó là câu trả lời cho câu hỏi cứ trở đi trở lại với ông? Nếu thế thật nực cười. Làm sao ông có thể mất đi một phần khi cả cuộc đời ông đang mất? người đàn ông bị ném qua mạn tàu! Mất tích trong biển động ở một bến bờ xa lạ.
Ông đã đọc trong thư viện về hai đứa con nhà Costello ở nơi xa nào đó, những đứa con bà ta không nhắc đến, chắc vì chúng không yêu bà hoặc yêu không đủ độ. Có lẽ chúng cũng giống ông, chán phè những lời nói chua cay của Elizabeth Costello. Ông không trách cứ gì chúng. Nếu ông có người mẹ như bà, ông cũng sẽ giữ một khoảng cách nhất định.
Ở Melbourne trong một ngôi nhà vắng vẻ, mọi thứ đều trơ trọi, bắt đầu những ngày cuối cùng đói khát yêu thương của bà với người bà muốn giải khuây nhưng lại là một người đàn ông trong tình trạng khốn khổ khác, chuyên chụp ảnh chân dung đã nghỉ hưu, một người hoàn toàn xa lạ đã trải qua ngón đòn số phận và cũng cần tình thương. Nếu có một người, một lời giải thích nhân đạo về tính cách của bà, ắt là phải thế. Gần như ngẫu nhiên, bà tấn công ông như một con ong đậu lên bông hoa hay một con côn trùng sà xuống con giun, rồi vì những phương cách khó hiểu rắc rối như mê cung, nói khác đi như đống giấy tờ trên bàn, làm chùn lại ý muốn thăm dò, nhu cầu được yêu thương và trò chuyện cho mạch lạc.
Ông liếc nhìn vào thứ bà đang viết. Viết bằng chữ đậm (EC nghĩ) một tiếu thuyết gia Autralia là một định mệnh! Con người có những gì chảy trong huyết quản? dưới những từ này là một đường gạch chéo hết trang, hung hãn. Rồi: Ăn xong họ chơi bài. Trong khi chơi, sự khác biệt của họ càng lộ rõ. Blanka thắng. Một đầu óc hẹp hòi, mãnh liệt. Drago chơi bài không giỏi, quá lơ đễnh, quá tự tin. Marijana mỉm cười, thư thái, hãnh diện vì các con. PR cố dùng trò chơi để làm thân với Blanka, nhưng cô ta chùn lại. Sự chê bai lạnh lẽo của cô ta.
Một bữa ăn tối rồi sau đó là chơi bài. PR và Blanka. Cuối cùng họ cóthành một gia đình không, ông lãnh đạm và những người nhà Jokić sôi nổi? còn bà Costello đầu óc lúc nào cũng lắm mưu mô ở đâu?
Nhà văn tồi đang ngủ, còn nhân vật lảng vảng tìm tòi những thứ mình quan tâm. Một trò đùa, nhưng không ai nhận ra sự thật.
Mái đầu bận rộn của nhà văn tựa lên gối. Nếu ông lắng nghe chăm chú, sẽ nghe thấy tiếng nấc từ ngực bà khi không khí hít vào, thở ra. Ông tắt đèn. Dường như ông là người đi ngủ sớm và thức giấc khi trời còn tối, còn bà thuộc loại thức khuya, thêu dệt những điều tưởng tượng trong bóng đêm. Làm sao họ có thể gây dựng gia đình cùng nhau?