Mười năm
Tác giả: J.M. COETZEE
Marijana gọi điện. Chị chưa nói, ông đã biết chị sẽ nói gì: rằng chị xin lỗi, nhưng hôm nay chị không đến được. Con gái chị có chuyện. Không, không phải Ljuba, mà là Blanka.
- Tôi có thể giúp gì được không? – ông hỏi.
- Không, không ai giúp được – chị thở dài – Ngày mai nhất định tôi sẽ đến, OK?
- Con gái cô ta gặp rắc rối – Elizabeth Costello trầm ngâm – Tôi tự hỏi loại rắc rôi nào đây. Song, trong cái rủi nào cũng có cái may. Người phụ nữ tôi nhắc đến, Marianna ấy, cô mù ấy ,cái cô mà ông không tài nào bứt khỏi tâm trí ấy, đúng không? đừng lờ đi như thế, Paul, tôi đi guốc trong bụng ông còn gì. Tình cờ làm sao, cuối ngày hôm nay Marianna rảnh. Cô ấy đang không biết làm gì đây. Hãy đến hiệu cà phê ở góc phố, hình như tên hiệu là Alfredo thì phải, vào lúc năm giờ chiều, tôi sẽ đưa cô ấy đến với ông. Nhớ ăn mặc cho tề chỉnh, dù cô ấy không nhìn thấy. Tôi sẽ đưa cô ấy đến, rồi chào tạm biệt. Đừng hỏi tôi làm những việc này ra sao, đây không phải trò quỷ thuật, tôi chỉ làm thế thôi.
Costello đi vắng suốt buổi chiều. Lúc bốn rưỡi, ông sắp ra khỏi nhà thì bà ta xuất hiện, thở không ra hơi.
- Thay đổi kế hoạch rồi – bà nói – Marianna đã đợi ở dưới nhà. Cô ấy không thích đến Alfredo. Cô ấy là thế đấy – Bà ta khịt mũi – Khó tính lắm. Tôi có thể dùng bếp của ông không?
Bà mang từ trong bếp ra một cái bát đựng thứ gì trông như kem.
- Chỉ là bột mì nhào với nước thôi. Để đắp lên mắt ông. Đừng sợ, không làm ông bị thương đâu. Vì sao ông phải bôi cái này? Vì Marianna không muốn ông nhìn thấy cô ấy. Cô ấy cứ khăng khăng đòi vậy. Lại đây nào, cúi xuống. Giữ nguyên thế. Đừng chớp mắt. Giữ nguyên chỗ, mỗi mắt một cái lá chanh. Giữ lá đúng chỗ, tôi đã hứa buộc cái tất nylon mới giặt lên đầu ông. Ông có thể tuột nó ra bất cứ khi nào ông muốn. Nhưng tôi không khuyên thế đâu, thực sự không.
Thế. Xong rồi. Tôi xin lỗi vì sự việc lại phức tạp đến thế, nhưng chúng ta là người mà, mỗi người rắc rối một kiểu, chẳng ai giống ai. Bây giờ ông ngồi xuống và đợi nhé, tôi đi đón Marianna của ông. Ông đã cảm thấy sẵn sàng chưa? Ông thấy đủ sức chưa? Rồi chứ? tốt. Nhớ phải trả tiền cho cô ấy. Dàn xếp như thế rồi, có thể cô ấy mới giữ được lòng tự trọng. Một thế giới nháo nhào, phải không? nhưng lại là thứ chúng ta có.
Ngay sau khi dẫn cô ấy lên, tôi sẽ lẻn đi cho hai người hiểu nhau tốt hơn. Tôi sẽ không quay lại cho đến ngày mai hoặc ngày kia. Tạm biệt. Ông đừng lo cho tôi. Tôi là một mụ già dai ngoách đấy.
Bà ta ra đi. Ông đứng quay mặt ra cửa, dựa vào cái khung. Có tiếng thì thầm vọng từ dưới cầu thang. Then cửa kêu lách cách lần nữa.
- Tôi đây – ông nói vào bóng tối. Mặc dù không tin, ông vẫn thấy tim mình đập thình thịch.
Một tiếng lướt nhẹ, sột soạt. Mùi lá cây ướt trên mặt ông át mọi mùi khác. Một sức ép lên cái khung, ông cảm thấy qua bàn tay.
- Mắt tôi bị bịt kín rồi – ông nói – Tôi chưa quen là người mù, xin thứ lỗi cho tôi.
Một bàn tay nhỏ nhắn, nhẹ nhàng sờ lên mặt ông và để nguyên đấy. Cái quỷ gì thế này, ông nghĩ và lật bàn tay lại, hôn lên đó. Hãy để chúng ta chơi trò này đến cùng.
Những ngón tay dò dẫm nơi ông, móng tay cắt gọn. Qua tấm màn lá chanh, ông thoáng ngửi tuy mùi tóc dày và xoăn. Những ngón tay lướt theo đường cằm ông, chúng đi qua cái bịt mắt, lùa vào tóc ông.
- Hãy cho tôi nghe thấy tiếng cô – ông nói.
Cô ta hắng giọng, và nghe thấy âm sắc cao, trong trẻo, ông biết ngay không phải là Marijana Jokić, nó nhẹ hơn, như một sinh linh của không khí hơn.
- Nếu cô hát, chắc là hay hơn hết thảy – ông nói – chúng ta đang ở trên sân khấu, với cảm xúc nhất định dù chẳng có ai xem.
Dù chẳng có ai xem. Nhưng từ sau gáy, ông cảm thấy chắc chắn rằng họ đang bị quan sát.
- Đây là cái gì? – tiếng nói nhẹ nhàng cất lên, và ông cảm thấy cái khung lắc lư còn nhẹ hơn. Giọng nói không phải là người Úc, cũng không phải người Anh. Croatia ư? Một người Croatia nữa? Chắc là không, dân Croatia không dày đặc như thế trên mặt đất. Vả lại, cả một dây người Croatia, hết người nọ đến người kia còn có ý nghĩa gì?
- Đây là cái khung nhôm, nói đơn giản là khung tập đi. Tôi bị mất một chân. Tôi thấy dùng khung đỡ mệt hơn dùng nạng – rồi ông chợt thấy cái khung có thể là một chướng ngại – để tôi đặt nó sang một bên – Ông để cái khung sang bên và hạ mình xuống sofa – Cô ngồi xuống cạnh tôi nhé, đây là chiếc sofa, trước mặt cô độ một, hai bước. Tôi e là không giúp cô được, vì cái bịt mắt mà người bạn chung của chúng ta là bà Costello đã làm cho tôi đeo. Bà ta nghĩ ra nhiều thứ lắm, bà Costello ấy.
Ông đổ lỗi cho bà Costello vì cái bịt mắt giống như ông đã đổ lỗi cho bà nhiều thứ khác nữa, nhưng ông sẽ không bỏ nó đi, sẽ không chịu nhìn bằng cái nhìn trần trụi.
Với một tiếng sột soạt (liệu cô ta có đeo một thứ tạo nhiều tiếng động như thế không?) người phụ nữ ngồi xuống cạnh ông, đúng hơn là ngồi lên bàn tay ông. Trong giây lát, cho đến lúc cô nhấc người lên và ông rút tay ra, bàn tay ông nằm dưới mông cô theo cách thông tục nhất. Cô không phải là một phụ nữ to lớn nhưng dẫu sao, bộ mông cô cũng to, mềm mại và ấm áp. Nhưng người mù thường lơ đễnh, họ không đi, không chạy, không đạp xe. Mọi sinh lực bị nhốt chặt không lối thoát. Cô ta bồn chồn cũng không có gì lạ. Cũng không có gì lại khi cô sẵn sàng đến thăm một người đàn ông xa lạ ở một mình.
Lúc này bàn tay ông đã tự do, ông có thể sờ vào cô như cô đã đụng chạm ông. Nhưng đấy có phải là điều ông muốn không? ông có muốn thăm dò mắt cô hoặc những chỗ gần đó không? ông có muốn – biết dùng từ gì nhỉ? – làm cô kinh hoàng không? sự kinh hoàng làm ruột gan con người vặn xoắn, làm người ta yếu đi, xanh xao và run rẩy. Con người có thể sợ hãi vì những gì không thể nhìn thấy nhưng được đầu ngón tay cho biết, kể cả đầu ngón tay của một người mới tập như ông trong miền đất mù loà?
Ông ngập ngừng duỗi bàn tay ra. Ông gặp một cai gì đó cưng cứng, quả bóng, đồ trang sức rẻ tiền, những quả mọng đính vào bộ áo bó chẽn. Chắc đó là cổ áo hoặc vạt áo trên của cô. Cao hơn một chút là cằm cô. Cái cằm rắn chắc và nhọn, rồi đến một quai hàm ngắn , rồi mái tíc mà ông cảm thấy là đen, cũng như nước da cô hình như ngăm ngăm, rồi đến một thứ cưng cứng, một cái gọng kính. Cô ta đeo kính, cặp kính uốn cong trên gò má, có lẽ là cặp kính đen cô đeo trong thang máy.
- Bà Costello bảo tôi tên cô là Marianna.
- Vâng, Marianna.
Ông nói Marianna, cô cũng nói Marianna nhưng không giống nhau. "Marianna" của ông vẫn mang âm hưởng "Marijana", nặng hơn, rắn rỏi hơn của cô. Có thể nói "Marianna" của cô là chất lỏng, óng ánh như bạc, không linh động như thuỷ ngân mà giống nước đang chảy, giống dòng suối cuồn cuộn hơn. Đây có giống người mù không: cân nhắc từng từ, giọng nói của người khác, dò dẫm tìm đương lượng âm thanh quá kỹ lưỡng (dòng suối cuồn cuộn) như một nhà thơ tồi?
- Không phải là Marianna trong tiếng Pháp?
- Không.
Không, không phải người Pháp. Thật đáng tiếc. Nước Pháp là một cái gì đó chung, giống như một tấm chăn phủ lên cả đôi.
Thứ bột mì nhão hiệu quả lạ thường. Mặc dù con ngươi mở rộng hết cỡ, ông vẫn chìm trong thế giới đen tối mịt mùng. Costello lấy đâu ra ý tưởng này? trong sách? Một công thức truyền từ thời xưa?
Những ngón tay ông vẫn mắc trong mớ tóc quăn của cô, ông kéo cô đến gần và cô sát lại. Mặt cô ép vào mặt ông, cả cặp kính đen, tuy vậy cô giơ hai nắm tay lên, giữ cho ngực cô cách xa ông.
- Cảm ơn cô đã đến chơi – ông nói – Bà Costello đã nói đến những phiền muộn hiện nay của cô, tôi rất tiếc.
Cô không nói gì. Ông cảm thấy một cơn run chạy khắp người cô.
- Không cần thế đâu – ông nói và không biết nói gì tiếp theo. Cái gì là cần, và cái gì không cần? phải làm một việc gì đó với sự là đàn ông và đàn bà của họ, phải làm một cái gì đó mềm dẻo, theo thuật ngữ đàn bà của Costello là sự thèm muốn. Nhưng giữa họ, một người đàn ông với một người đàn bà vận dụng lòng thèm muốn là một vực sâu thực sự mở toang toác – ông lại nói – chúng ta không cần phải trung thành với kịch bản nào hết. Chúng ta là người tự do mà.
Cô vẫn run, run rẩy và lo sợ như một cô gái.
- Hãy đến với tôi – ông nói, và cô ngoan ngoãn xích lại gần hơn. Chắc phải khó khăn cho cô. Ông phải giúp cô, và họ gắn vào nhau.
Những sợi dây, quả và đồ trang sức ở cổ cô té ra chỉ là đồ trang trí. Bộ váy áo có khóakéo ở đàng lưng, mở tuột xuống tận eo. Những ngón tay ông chậm rãi và vụng về. Giá như cô vui lòng ngồi lên bàn tay ông lâu hơn, các ngón tay ông sẽ ấm lên. Hơi ấm của xác thịt. Chiếc áo lót cấu tạo vững vàng, loại áo ông hình dung cho Carmelite mặc. Vú to, mông nở, những thứ còn lại mảnh khảnh. Marianna. Bà Costello nói người này không lo lắng cho ông mà lo cho ích lợi của riêng mình. Vì cơn khát trong cô không thể dịu. Bộ mặt cô, bộ mặt bị tàn phá của cô mà ông đã được dặn trước là không được nhìn và có lẽ không được chạm vào, vì nó sẽ biến ông hoá đá.
- Tôi đề nghị chúng ta không nên nói nhiều – ông nói – Dù sao thì đây là một hoàn cảnh mà tôi nên đề chọn vì những lý do thực tế. Kể từ ngày bị tai nạn, tôi không trải qua những việc như thế này. Tôi cần được giúp đỡ chút ít.
- Tôi biết. Bà Costello đã nói với tôi.
- Bà Costello không biết hết đâu. Bà ấy không thể biết những thứ mà chính tôi cũng không biết.
- Phải.
Phải? phải là phải thế nào?
Ông nghi hoặc đã từng chụp ảnh cho người đàn bà này một mình. Nếu có, ông đã không quên cô. Có lẽ cô ta ở trong một nhóm nào đó, trong những ngày ông đến thăm các trường để chụp tập thể, chứ không chụp lẻ. Hình ảnh duy nhất ông có về cô chỉ trong thang máy và lúc này những ngón tay ông cho biết. Với cô, chắc ông là một mớ dữ liệu rối bòng bong: bàn tay ông lạnh, da ông thô nháp, giọng ông khàn khàn, và một mùi không mấy dễ chịu ùa vào lỗ mũi quá nhạy cảm của cô. Thế đã đủ cho cô xây dựng hình ảnh một người đàn ông? Đó là hình ảnh của người cô sẵn sàng hiến mình ? vì sao cô đồng ý đến ,dù không nhìn thấy? giống như một thí nghiệm cổ xưa trong sinh học, lai các loài khác nhau xem chúng có hợp không, cáo với cá voi, dế với khỉ đuôi sóc.
- Tiền của cô đây – ông nói – tôi để ở mép bàn, trong phong bì. Bốn trăm rưởi đô la. Thế có được không?
Ông cảm thấy cô gật đầu.
Một phút trôi qua. Không xảy ra gì nữa. Người đàn ông một chân và người đàn bà cởi một phần chiếc áo để làm gì? vì tiếng lách cách của màn trập máy ảnh Gothic kiểu Úc chăng? Matilda và anh chàng của cô mòn mỏi vì nhảy valse suốt đời, các bộ phận trên thân thể họ rơi xuống, long ra, quay mặt vào nhà nhiếp ảnh lần cuối.
Cơn rùng mình của người đàn bà không dừng lại, ông thề là nó cũng ảnh hưởng đến ông: cơn run nhẹ của bàn tay có thể do tuổi tác, nhưng thực ra còn vì cí khác, vì sợ hoặc đề phòng (nhưng vì cái gì?)
Nếu họ tiếp tục hành động mà ông phải trả tiền và cô ta nhận tiền, ắt là cô ta phải vượt qua được sự lúng túng hiện giờ và bước tiếp. Cô ta đã được bảo trước về cái chân què của ông. Ông thấy mình khó mà giang chân một người phụ nữ, nên tốt nhất là cô ta giang chân ra cho ông. Trong lúc cô đang dàn xếp việc chuyển trạng thái đó, ông sẽ có nhiều khó khăn riêng thuộc loại khác hẳn. Có lẽ người mù phát triển trực giác về vẻ đẹp dựa trên hành động sờ mó. Tuy nhiên, trong vương quốc không nhìn thấy được, ông vẫn mò mẫm theo cách của mình. Với ông, đẹp mà không nhìn thấy gì thì không đẹp. Lúc đứng trong thang máy, ông chú ý đến bà già nhiều hơn đến cô, trong trí nhớ của ông, cô chỉ là những đường nét lờ mờ. Ngoài cái mũ rộng vành, cặp kính đen, đường cong của khuôn mặt, ông cố thêm vào bộ ngực to, bộ mông nở, mềm lạ thường, giống như khối chất lỏng trong những quả cầu bằng lụa, ông không thể làm cho các phân dính kết vào nhau. Làm sao ông biết chắc chúng thuộc cùng một người đàn bà?
Ông thử kéo nhẹ người đàn bà vào ông. Dù không cưỡng lại, song cô ngoảnh mặt đi, hoặc vì không muốn miễn cưỡng đưa môi ra hoặc không muốn cho ông có cơ hội bỏ cặp kính đen và phơi phần bên dưới ra, vì nơi bị cắt xén dễ làm cánh đàn ông buồn nôn.
Cô mất hẳn khả năng nhìn bao lâu rồi? ông có thể hỏi một cách ý tứ không? Rồi ông có thể lịch sự hỏi tiếp câu nữa: từ khi việc đó xảy ra, cô có yêu không? Kinh nghiệm có dạy cô rằng cặp mắt bị huỷ hoại của cô sẽ huỷ diệt sự thèm muốn của đàn ông không?
Thần tình yêu. Vì sao cái nhìn của người đẹp lại triệu được thần tình yêu vào đời? vì sao lại có cảnh niềm ham muốn bị kìm hãm ghê gớm đến thế? Làm tình với người đẹp làm ta phấn chấn, làm con người chúng ta khoẻ khoắn hơn, kìm hãm bệnh tật, sự tổn thương, lạnh lùng, làm ta hoàn thiện hơn. Còn bao câu hỏi nữa chứ! Vì sao bà Costello lại đưa hai người đối với với nhau: không phải một vở hài kịch thông tục giữa một người đàn ông và một người đàn bà mất các bộ phận thân thể đang cố hết sức khoá chặt lấy nhau, và côt để khi hoạt động tình dục trục trặc, họ có thể tiến hành một lớp triết học, nằm trong tay nhau thuyết lý về vẻ đẹp, tình yêu và lòng hào hiệp?
Bằng cách này hay cách khác, giữa mọi thứ đó: sự khó chịu, bối rối , tránh né, suy đoán, về phần ông chẳng nói gì đến ý định nới lỏng cái cà vạt bắt đầu làm ông nghẹt thở (sao trên đời cứ phải thắt cà vạt nhỉ?) dù sao chăng nữa không hẳn vì vụng về, cũng chẳng phải vì bẽn lẽn, họ cứ đờ người ra, cố lao vào hành động cụ thể mà dù muốn hay không họ cũng đã thoả thuận, một hành động không hẳn là làm tình, tuy nhiên vẫn là một hoạt động tình dục, không kể vùng hông bị cụt đè lên một bàn tay và những cặp mắt đáng nguyền rủa nhìn nhau, còn có thể nói mọi việc diễn ra từ đầu đến cuối là tự nhiên.
Điều ông băn khoăn nhất trong lời Costello miêu tả về Marianna là sự thèm khát cuồng nhiệt trong cơ thể cô. Ông chưa bao giờ thích những động tác thái quá, khiếm nhã và hoang dại, những tiếng lẩm bẩm, gào thét hoặc hò reo. Nhưng hình như Marianna biết thế nên nén mình. Dù trong lòng xảy ra bất cứ chuyện gì, cô vẫn giữ được bình tĩnh, và như họ thoả thuận, cô nhanh chóng làm cho mọi việc ít nhiều hợp với khuôn phép. Gợi ý duy nhất của ông là sự thèm muốn mãnh liệt thuộc dạng bất thường sẽ không đem lại hào hứng dễ chịu cho xác thịt cô, dẫu trong lòng cô hoặc có thể trong tim cô đang bừng bừng ngọn lửa dục vọng.
Dù chiếc sofa không thiết kế cho việc làm tình cũng như cho tình trạng thản nhiên đầy tính triết học kiểu đó, và dù không có chăn phủ, họ sớm cảm thấy lạnh, họ cũng chẳng nghĩ đến việc dò dẫm tìm một cái giường hợp thức trong căn phòng ngủ hợp thức.
- Marianna – ông thử gọi tên cô theo cách của ông, nói rõ hai chữ "n" – Tôi biết đấy là tên cô, nhưng mọi người gọi cô như thế nào? cô không dùng tên khác sao?
- Marianna. Thế thôi. Như vậy đấy.
- Vậy được – ông nói – Marianna à, bà Costello nói trước kia chúng ta đã gặp nhau. Khi nào vậy?
- Lâu lắm rồi. Ông chụp ảnh cho tôi. Hôm ấy là sinh nhật tôi. Ông không nhớ ư?
- Tôi không nhớ và không thể nhớ ra vì tôi không biết cô giống ai. Mà cô cũng chẳng nhớ ra tôi đâu vì cô không biết tôi ra sao. Cuộc chụp ảnh ấy diễn ra ở đâu nhỉ?
- Trong phòng chụp ảnh của ông.
- Thế cái phòng chụp ấy ở đâu?
Cô ta im lặng.
- Lâu lắm rồi – cuối cùng cô ta nói – Tôi không thể nhớ ra.
- Mặt khác, gần đây đường đi của chúng ta lại bắt chéo nhau khá nhiều. Chúng ta vào cùng thang máy ở bệnh viện Royal. Một cái thang máy. Bà Costello có nói đến việc đó không?
- Có
- Bà ấy có nói gì nữa không?
- Chỉ nói ông đang lẻ loi.
- Lẻ loi. Hay thật. Bà Costello là bạn thân của cô?
- Không, không thân.
- Vậy thì là gì?
Một lúc im lặng. Ông vuốt ve cô qua lớp quần áo từ trên xuống dưới, đùi, lườn, ngực cô. Thích thú biết bao và bất ngờ biết bao, lại có một tấm thân đàn bà suồng sã cận kề, cho dù không nhìn thấy người đàn bà đó!
- Bà ấy gợi ý cô đến phải không? – ông nói – Bà ấy gợi ý cho tôi đấy.
Ông cảm thấy cô chầm chậm lắc đầu từ bên này sang bên kia.
- Cô có thấy bà ấy định ghép chúng ta thành một đôi không? Có lẽ để bà ta giải trí? Người què dẫn người mù chẳng hạn?
Lời nhận xét có vẻ nhẹ nhàng, nhưng ông cảm thấy cô ta cứng người lại. Ông nghe thấy đôi môi cô tách ra, nghe thấy tiếng cô nuốt khan, rồi bất ngờ cô bật khóc.
- Tôi xin lỗi – ông nói. Ông với tay sờ lên một bên má cô. Má cô ướt đẫm. Cuối cùng thì cô ta cũng xé rách ngấn lệ bên trái, ông nghĩ – Tôi thành thực xin lỗi. Nhưng chúng ta đều là người lớn, sao chúng ta lại để người khác sai khiến đời mình? Tôi tự hỏi như thế.
Cô thở hổn hển có thể tưởng là tiếng cười, và sau tiếng cười là tiếng thổn thức. Cô ngồi cạnh ông, trần nửa người, thoải mái nức nở, lắc đầu từ bên này sang bên kia. Lúc này là lúc bỏ cái bịt mắt ra, lau sạch thứ nhớp nháp, nhìn ngắm cô ra sao. Nhưng ông không làm. Ông đợi. Ông lần lữa. Ông trì hoãn.
Cô hỉ mũi vào chiếc khăn giấy hình như luôn mang theo và hắng giọng.
- Tôi tưởng – cô nói – ông muốn cuộc gặp này.
- Đừng nhầm lẫn. Dù sao chăng nữa, ý tưởng này là của bà bạn Elizabeth Costello của chúng ta. Là người thúc đẩy đầu tiên. Bà ấy chỉ dẫn và chúng ta làm theo. Dù chẳng có ai nhìn thấy chúng ta vâng lời.
Nhìn thấy. Dùng từ không chuẩn, nhưng ông cứ nói ra. Lúc này chắc cô cũng phải dùng từ ấy với những người nói "nhìn thấy" khi chúng còn nghĩa khác nữa.
- Trừ khi – ông nói tiếp – bà ấy ở trong phòng này, đang quan sát và kiểm tra.
- Không – Marianna nói – không có ai ở đấy hết.
Không có ai ở đây. Là người mù nên nhạy cảm với các sinh vật khó thấy hơn, ắt là cô nói đúng. Tuy nhiên, một cảm giác không buông tha ông là ông rất cần thõng tay xuống, những ngón tay ông sẽ chạm vào Elizabeth Costello duỗi dài trên thảm như một con chó rình mò và chờ đợi .
- Bà bạn của chúng ta chủ trương việc này – ông lơ đãng vẫy tay – vì trong mắt bà ấy, nó tượng trưng cho việc bước qua ngưỡng cửa. Bà ấy quan niệm rằng cho đến khi tôi phải bước qua một ngưỡng cửa nào đó, tôi vẫn còn trong tình trạng lấp lửng, không thể phát triển được. Đấy là giả thuyết của bà ấy đem thử cho trường hợp của tôi. Thế nào bà ấy chẳng có một giả thuyết nào đó dành cho cô.
Đang nói, ông đã biết mình nói dối. Ông chưa từng nghe Elizabeth Costello dùng từ "phát triển". Phát triển là trong các quyển sách kỹ năng tự thân. Có trời mới biết Elizabeth Costello thực sự muốn gì với ông, với bà ta hoặc với Marianna, có trời mới biết cái học thuyết về cuộc đời, tình yêu của bà ta là cái gì, có trời mới biết tiếp theo sẽ diễn ra sự gì.
- Đàng nào thì đã bước qua ngưỡng cửa ấy rồi, bây giờ chúng ta tự do tiến lên những việc cao hơn và hay ho hơn.
Ông cứ nói, cố làm cho tình trạng ngượng ngập này thoải mái hơn, cố làm người đàn bà khổ sở vì buồn chán này vui lên, sau khi hạ mình giao cấu với một người xa lạ. Trong bóng tối bao phủ quanh ông, vẫn không từ bỏ hy vọng tạo nên chân dung cô, ông giơ tay sờ mặt cô lần nữa,, và hành động này càng nhấn chìm ông vào bóng tối mịt mùng. Mọi sự đùa nghịch tan biến trong ông. Vì sao, vì sao ông lại tin vào cái mụ Costello để làm trò lố lăng này, ông thấy mình thiếu suy nghĩ hoặc là ngớ ngẩn. Người đàn bà bất hạnh, mù loà và tội nghiệp này sẽ làm gì giữa những thứ bao quanh ít niềm nở trong lúc người cố vấn dày dạn kinh nghiệm của mình rủ lòng thương quay lại và giải thoát cho cô. Costello thực sự tuổi nrg ít phút gần giụ thân thể đó đủ kích động như luồng khí lan toả đầy kín một đêm ròng? Bà ta tin rằng có thể đẩy hai con người xa lạ vào với nhau ,chẳng ai còn trẻ, một người già hẳn hoi, già và lạnh lùng, rồi muốn họ cư xử như Romeo và Juliet ư? Ấu trĩ làm sao! Mà bà ta cũng là một nhà văn có tiếng đấy! Lại còn thứ bột nhão khỉ nợ này nữa, dù bà ta thề thốt là không hại gì, nó bắt đầu khô làm mắt ông tấy lên: sao bà ta có thể tưởng tượng ra làm ông mù loà bằng bột mì nhào nước sẽ biến đổi được tính cách của ông, làm ông thành một người đàn ông mới mẻ? mù loà là điều bất lợi đơn thuần và ngớ ngẩn. Một người không nhìn thấy được là người kém cỏi hơn, y như người có một chân là người kém hơn, chứ không phải là người đàn ông mới mẻ. Người đàn bà tội nghiệp mà Costello dẫn đến cho ông cũng là một phụ nữ kém hơn cô ta trước đây. Hai con người kém cỏi, thua thiệt , ngượng ngùng, làm sao bà ta lại hình dung một đóm lửa thiêng sẽ loé lên giữa họ, hoặc chẳng có gì hết?
Còn người đàn bà ngồi cạnh ông, mỗi lúc một lạnh lùng hơn, cô ta nghĩ gì nhỉ? hẳn cô ta cho đây là một chuyện tầm phào, nặng nề khi bị thuyết phục đến gõ cửa nhà một người đàn ông xa lạ và hiến mình cho ông ta! Chỉ trong trường hợp của ông mới có lời mở đầu dài dòng cho cuộc gặp đáng thương này, lời mở đầu kéo dài đủ trở lại quá khứ, đủ viết nên một quyển sách bắt đầu từ Wayne Blight và Paul Rayment rỡi nhà trong một buổi sáng mùa đông tiền định, người nọ chưa hề biết đến sự tồn tại của người kia, còn trong trường hợp của Marianna chắc màn dạo đầu từ chỗ nhiễm khuẩn hoặc bị vệt đen của mặt trời hoặc tướng di truyền xấu hoặc bị kim đâm hoặc bất cứ cái gì đổ cho ta bị mù, cứ thế từng bước một đến cuộc gặp gỡ với một bà già khéo nói (còn khéo hơn nếu bạn chỉ để giọng nói ấy thoáng qua) kể cho cô nghe bà ta có cách làm nguội cơn thèm khát dữ dội của cô, chỉ cần cô lên một chiếc taxi đến hiệu cà phê Alfredo ở Bắc Adelaide, rồi tại đây, tôi để vào trong tay cô, đừng căng thẳng, người đàn ông ấy rất vô hại, chỉ mỗi tội lẻ loi, ông ta sẽ đối xử với cô như một gái gọi và trả tiền cho cô theo giá, tôi sẽ loanh quanh dưới tầng trệt trông chừng cho cô, nếu như cô chỉ cất tiếng muốn đi dù không thể nhìn thấy một tia bực bội trong mắt.
Một thí nghiệm, chẳng qua chỉ là một thí nghiệm không đi đến đâu về văn chương sinh học mà thôi. Dế với khỉ đuôi sóc. Cả hai người bọn họ đều cảm thấy thế, ông theo cách của ông, còn cô theo cách của cô!
- Tôi phải đi thôi – người đàn bà, con khỉ đuôi sóc trong thí nghiệm, nói – Taxi đang đợi tôi.
- Nếu cô muốn thế - ông nói – Sao cô biết có taxi?
- Bà Costello đã đặt trước.
- Bà Costello?
- Vâng, bà Costello.
- Làm sao bà ấy biết lúc nào cô cần taxi?
Cô nhún vai.
- Ra vậy. Bà Costello chăm chút cô mà. Tôi sẽ trả tiền xe cho cô nhé?
- Không, không cần. Đã tính cả vào đấy rồi.
- Vậy cho tôi gửi lời chào bà Costello nhé. Cô đi xuống cẩn thận. Nhỡ cầu thang bị trơn.
Ông ngồi im lặng, dằn lòng, trong lúc cô mặc quần áo. Tuy vậy, khi cánh cửa vừa khép lại sau lưng cô, ông đã giật phắt cái bịt và cào vào mắt. Nhưng bột nhão đã đóng cứng lại. Nếu xé quá mạnh ông sẽ bị mất lông mi. Ông nguyền rủa: ông phải thấm đầy nước cho mềm.