Mười sáu
Tác giả: J.M. COETZEE
- Cô ấy đến với tôi y như ông đến với tôi vậy – bà Costello nói – Một người đàn bà của bóng đêm, một người đàn bà trong bóng đêm. Tiếp tục câu chuyện như thế này, trong tai tôi có những lời nói, theo kiểu cổ thì chúng ta được một thiên thần vời đến một cuộc đấu ngang tài ngang sức. Bởi vậy không, tôi không hề biết cô ta, cô Marianna của ông sống ở đâu. Tôi thu xếp mọi việc với cô ấy qua điện thoại. Nếu ông muốn cô ấy lặp lại cuộc thăm viến, tôi có thể cho ông số điện thoại của cô ấy.
Lặp lại cuộc thăm viếng. Đấy không phải điều ông muốn. Có lẽ là một lúc nào đó trong tương lai, nhưng không phải lúc này. Điều ông muốn bây giờ là biết chắc câu chuyện ông có mặt là thật: người đàn bà vào nhà ông, chính là người ông nhìn thấy trong thang máy, tên thực của cô ta là Marianna, cô ta thực sự sống với người mẹ gù, cô ta bị chồng bỏ trong cơn hoạn nạn, vân vân. Điều ông muốn là một lời bảo đảm rằng ông không bị bịp.
Vì có một câu chuyện khác mà ông thấy quá là bịa đặt. Trong chuyện này mụ Costello đi tìm Marianna mông to, gọi khác đi là Natasha, hay Tanya từ Moldavia qua Dubai và Nicosia trên Danh bạ điện thoại. Mụ sẽ hướng dẫn cô ả vào cuộc chơi:
- Em rể tôi ấy mà, cô cần phải biết là tính nết kỳ cục lắm – mụ sẽ nói với cô ả - Nhưng gã đàn ông nào chẳng có chút lập dị, và nếu muốn là đàn bà tìm ra ngay cách giúp mà thôi. Tính lập dị chủ yếu của em rể tôi là không thích nhìn thấy người đàn bà mình hò hẹn. Cậu ấy thích tưởng tượng, thích sống ở trên mây. Có thời cậu ấy chết mê chết mệt một nữ diễn viên tên là Marianna. Thế là cậu ta muốn cô xuất hiện là cô diễn viên Marianna kia, mặc trang phục hoặc các đồ biểu diễn tôi sẽ cung cấp. Đấy là vai diễn của cô, và cậu ta sẽ trả tiền cho vai đó. Cô hiểu không?
- Hiểu rồi – cô Natasha hoặc Tanya nói – Nhưng gọi ra ngoài phải thêm tiền đấy.
- Gọi ra ngoài phải thêm tiền – Costello đồng ý – tôi sẽ nhắc cậu ấy. Lời cuối cùng này. Phải tử tế với cậu ấy. Cậu ấy mới bị mất một chân trong tai nạn giao thông và chưa quen với việc đó.
Có lẽ đấy mới là câucn thực, thêm bớt chi tiết chỗ này chỗ nọ đàng sau cuộc thăm viếng của cái cô gọi là Marianna? Cặp kính đen không che giấu sự thực cô ta mù, mà che giấu thực tế là cô ta không hề mù? Khi cô ta run rẩy, có lẽ căng thẳng thì ít mà cố nén tiếng cười khúc khích nhiều hơn vì người đàn ông băng quanh đầu bằng chiếc bít tất cứ mò mẫm dưới quần áo lót của cô ta? Chúng ta đã bước qua ngưỡng. Bây giờ chúng ta có thể làm tới những chuyện hay ho to tát hơn. Một thằng hề mới trịnh trọng làm sao! Trong taxi, chắc cô ả phải cười nôn ruột suốt trên đường về nhà.
Marianna là Marianna hay Marianna là Natasha? Đấy là điều ông cần khám phá đầu tiên. Đấy là điều ông phải ép được Costello nói ra. Chỉ khi nào có câu trả lời ông mới có thể đặt câu hỏi sâu hơn: người đàn bà ấy là ai có thực sự quan trọng gì? nếu ông bị bịp thì có sao đâu?
- Bà đối xử với tôi như một con rối – ông phàn nàn – Bà đối với mọi người như một con rối. Bà bịa ra những câu chuyện và bắt chúng tôi tham gia cuộc chơi với bà. Bà nên mở một nhà hát múa rối hoặc một vườn thú. Ở đó ắt hẳn có nhiều con thú già để bán, hiện giờ chúng lỗi mốt rồi. Mua một con, nhốt chúng tôi vào chuồng rồi đặt tên ctf cho chúng. Paul Rayment: amis inflix. Marianna Popova: pseudocacea (di trú). Vân vân và vân vân. Từng dãy từng dãy chuồng chứa những người đến với bà trong sự nghiệp viết văn và dối trá của bà. Bà có thể thu tiền vào cửa. Bà có thể kiếm sống bằng cách đó. Ngày nghỉ cuối tuần, các bậc cha mẹ có thể đưa con đến trố mắt ngắm nhìn và ném lạc rang cho chúng tôi. Dễ dàng hơn viết những quyển sách chẳng ai buồn đọc.
Ông ngừng lại, đợi bà cắn câu. Bà im lặng.
- Có điều tôi không hiểu – ông nói tiếp. Lúc bắt đầu tràng đả kích này ông chưa cáu, lúc này ông cũng chưa tức giận, nhưng chắc chắn là ông rất vui lòng – có điều tôi không hiểu là thấy tôi tối dạ, không phản ứng nhanh với kế hoạch của bà mà sao bà cứ nhất quyết chọn tôi. Hãy tha cho tôi, tôi xin bà, cứ mặc kệ tôi sống cuộc đời tôi. Để thay thế, bà cứ viết về cô Marianna mù của bà đi. Cô ta có tiềm năng hơn tôi nhiều. Tôi không phải là nhân vật của bà, bà Costello ạ. Mất một chân không phải là nét đặc trưng cho một bi kịch. Mất một chân không phải hài kịch cũng chẳng phải bi kịch mà chỉ là sự không may thôi.
- Đừng chua chát thế, Paul. Bỏ ông, tiếp nhận Marianna, có khi được, có khi không. Ai mà biết được người nào trôi giạt đến đâu.
- Tôi không chua chát.
- Đương nhiên là có. Tôi nghe thấy thế trong giọng nói của ông. Ông đang cay đắng, và ai mà trách ông được, sau những chuyện đã xảy ra với ông.
Ông nhặt đôi nạng.
- Tôi không cần sự thông cảm của bà – ông nói cộc lốc – Giờ tôi phải đi đây. Tôi không biết bao giờ về. Khi nào bà đi, cứ khoá cửa lại.
- Nếu tôi đi, nhất định tôi sẽ khoá cửa. Nhưng tôi không nghĩ sẽ làm việc đó. Tôi chưa nói với ông tôi thèm tắm nước nóng biết chừng nào. Tôi sẽ tự thưởng cho mình như thế, nếu ông không phiền. Vậy mới đáng công chứ.
Đây không phải lần đầu tiên bà Costello từ chối giải thích. Nhưng lần thoái thác cuối cùng của bà vừa chọc tức vừa quấy rầy ông. Có khi được, có khi không. Sự chú ý đến ông là tạm thời? biết đâu Marianna là người bị chọn nhiều hơn là ông? Gạt hình ảnh mờ ảo mà thực tế ông chẳng nhớ gì sang một bên, những cuộc gặp của hai người lần đầu trong thang máy, lần thứ hai trên đây, những tình tiết nào trong tiểu sử không phải của Paul Rayment cũng chẳng phải của Marianna Popova? Lẽ tất nhiên có chẳng rằng ông là nhân vật ngẫu nhiên trong đời cô Marianna này hoặc của bất cứ người nào ông đi ngang qua, chỉ như Marianna hoặc bất kỳ ai ngang qua đời ông. Nhưng ông cũng là một nhân vật lịch sử trong một cảm xúc cơ bản hơn: là người mà ánh sáng chiếu lên quá ngắn ngủi trước khi qua đời? những gì diễn ra giữa ông và Marianna hoá ra chỉ là một trong nhiều cuộc tìm kiếm tình yêu của Marianna? Hoặc có thể cái bà Costello ấy viết hai truyện cùng một lúc, những câu chuyện vê các nhân vật khốn khổ vì mất mát (một người mất thị lực, người kia bị cắt cụt) và họ phải học cách để sống; như một thí nghiệm, thậm chí như một loại truyện cười có nghề, bà ta dàn xếp cho đường số mệnh của họ giao cắt nhau? Ông không có kinh nghiệm về các nhà tiểu thuyết, cách họ làm việc nhưng có vẻ như đáng ngờ.
Trong thư viện công cộng, mã số A823.914. Ông tìm thấy một hàng sách của Elizabeth Costello: Cuộc thử thách nảy lửa, Ngôi nhà trên phố Eccles, có vài quyển đã sờn, Đến các hòn đảo thân thiện, Bản tango với ông Dunban, Cội nguồn thời gian, Lễ độ; có cả bộ màu xanh sẫm khá trang nghiêm tựa đề: Người tình chung thuỷ, mục đích và cấu trúc trong các tiểu thuyết của Elizabeth Costello. Ông lướt qua bảng chú dẫn. Không nói đến một Marianna hoặc một Marijana, không có mục nào về sự mù loà.
Ông giở qua quyển Ngôi nhà trên phố Eccles. Leopold Bloom. Hugh Boyland. Marion Bloom . Bà ta bị làm sao thế nhỉ? hay bà ta không hư cấu nổi các nhân vật của riêng mình?
Ông đổi sách, rút quyển Cuộc thử thách nảy lửa đọc hú hoạ.
Cậu lăn plasticine trong lòng bàn tay cho đến lúc nó ấm và mềm, rồi véo thành những hình con vật bé xíu: chim chóc, mèo, chó có đôi tai vểnh. Cậu xếp các con vật này thành hình bán nguyệt trên mặt bàn, uốn cổ chúng ra sau như thể chúng đang tru, sủa hoặc kêu ộp ộp với mặt trăng.
Plasticine đã cũ, để trong cái bít tất hồi Giáng sinh. Các miếng plasticine màu đỏ gạch, xanh lá, xanh da trời chảy lẫn vào nhau, lúc này thành màu đỏ tía. Cậu tự hỏi, vì sao màu sáng thành màu tối, còn màu tối không bao giờ thành màu sáng? Làm thế nào cho màu tía nhạt bớt và lại xuất hiện màu đỏ, xanh da trời, xanh lá cây lần nữa, giống như gà con chui ra khỏi vỏ?
Vì sao, vì sao? vì sao bà ta hỏi rồi sau đó không có câu trả lời? câu trả lời hết sức đơn giản: màu đỏ, màu xanh da trời và xanh lá cây sẽ không bao giờ trở lại vì entropy, nó không thể đảo ngược, không thể huỷ bỏ và điều khiển toàn vũ trụ. Ngay cả một người thuộc giới văn chương cũng nên biết điều đó, kể cả một cây bút nữ. Từ nhiều thứ khác nhau thành đồng nhất và không bao giờ trở lại nữa. Từ con gà con chiêm chiếp đến mụ gà mái già chết trong cát bụi.
Ông giở đến giữa quyển sách . Cô không thể ở lại với người đàn ông lúc nào cũng mệt mỏi. Thật khó mà kiềm chế được sự nhàm chán của cô. Cô chỉ nằm duỗi cạnh anh ta trên chiếc giường quá quen thuộc, cảm nhận sự mệt nhọc toát ra từ anh ta và nhấn chìm cô trong một ngọn triều không màu sắc, không mùi vị và trì trệ. Cô phải chạy trốn! Ngay bây giờ!
Một Marion nhưng không phải Marianna. Trong chừng ông đọc được, không có hành động bịt mắt không có người cụt. Ông gập mạnh quyển Cuộc thử thách nảy lửa. Ông sẽ không tự phơi bày với thứ khí không màu sắc, không mùi vị, trì trệ tỏa ra từ các trang sách. Sao trên đời này Elizabeth Costello lại trở thành một tác giả được ưa chuộng, dù sự nổi tiếng là thứ bà ta thích?
Trên bìa sách có một bức ảnh: một Elizabeth trẻ hơn, mặc áo gió, đứng dựa vào một thứ thiết bị trên du thuyền. Mắt bà ta nheo lại vì ngược sáng, da rám nắng sẫm màu. Một nữ thủy thủ? Nếu có từ ấy, chắc nữ thuỷ thủ phải là một nàng tiên cá, một con cá ngựa, tóm lại thuộc loại cá. Không đẹp, nhưng hồi trẻ bà ta dễ coi hơn tuổi trung niên. Dù sao, bà ta vẫn có một vẻ xấu xí thậm chí trống rỗng. Không thuộc loại của ông. Có lẽ không thuộc loại của bất cứ người đàn ông nào.
Các tác giả đương đại trên thế giới, trong phần tham khảo của thư viện có tiểu sử ngắn của bà kèm bức ảnh trên thuyền. Sinh ở Melbourne, Australia, 1928. Sống nhiều năm ở Châu Âu. Quyển sách đầu tay ra đời năm 1957. Danh sách các giải thưởng. Tiểu sử không có ý tóm tắt. Hai lần lấy chồng. có một con trai và một con gái.
Bảy mươi hai tuổi! Già đến thế sao! Bà ta đang làm gì, đang ngủ trên ghế công viên? Đầu óc bà ta từ đầu không minh mẫn? hay bà ta gàn gàn? Có thể giải thích mọi việc như thế được không nhỉ? phải đưa con trai và con gái vào ảnh chứ? mà theo dõi họ có phải là việc của ông không? Xin đến ngay. Mẹ các vị đến ở nhà tôi, một người hoàn toàn xa lạ, và không chịu đi. Tôi đành bó tay. Hãy đưa bà ấy đi, chữa trị cho bà, làm bất cứ việc gì miễn là tôi được trả lại tự do.
Ông trở về căn hộ. Costello không còn ở đó, nhưng cuốn sổ ghi chép của bà ta vẫn để trên bàn nước. Rất có thể bà ta cố tình để lại. Nếu ông xem trộm một cái là bà ta lại thắng lần nữa. Vậy đấy.
Bà ta viết bằng thứ mực đen đậm, chữ thảo viết to, thoải mái, mỗi dòng chỉ vài chữ. Ông giở mục gần nhất. Đen tối và đen tối, ông đọc. Tất cả bọn họ đi trong bóng tối, trời không trăng không sao.
Ông lật trở lại.
Quỳ trên cái xác, ông đọc. Tụng kinh, chữ này được gạch dưới. Lắc lư tới lui, cứng nhắc bên thành giường, bàn tay cô áp vào tai, mắt cô mở to, không chớp, như thể cô sợ bỏ lỡ khoảnh khắc linh hồn rời bỏ thân xác, giống luồng khí bắn vọt ra và xuyên qua các lớp không khí, hết lớp này đến lớp khác, qua tầng bình lưu và xa hơn nữa. Bên ngoài cửa sổ, nắng đẹp, chim hót líu lo như thường lệ. Cô bị nhốt chặttrg nhịp điệu thương tiếc như một vận động viên chạy đường trường. Một cuộc chạy marathon của niềm thương tiếc. Nếu không có ai đến an ủi, cô sẽ như thế suốt ngày. Cô vẫn chưa động chạm đến anh ta ("anh ta" là xác của anh). Cớ sao không? Sợ da thịt lạnh lẽo ư? Rốt cuộc, nỗi sợ này còn mạnh hơn cả tình yêu? Hay có thể, đắm chìm trong tiếc thương, lòng cô đã trở nên sắt đá, không cố giữ anh lại. Cô đã nói lời chia tay, chia tay với anh mãi mãi. Vĩnh biệt, Chúa sẽ ở bên anh. Rồi tiếp đến trang: Đen tối đen tối đen tối.
Nếu ông đọc lại cho đủ, sẽ biết người đàn bà đang thương khóc kia là ai, xác kia là của ai. Nhưng sự tò mò tinh quái của ông đã tan biến. Ông không còn muốn biết thêm cái gì nữa, lối viết này có một cái gì đó khiếm nhã, mực đen đậm ngả nghiêng lộn xộn, tràn qua cả lề, một cái gì đó bất kính, khiêu khích, để lộ ra thứ không thuộc về ánh sáng ban ngày.
Toàn bộ cuốn sổ là như thế: khiêu khích, lăng nhục sự khuôn phép lễ nghi. Ông thận trọng giở lại tờ đầu. Mất một lúc lâu ông không thể ráp các mục lại với nhau. Bà ta viết như thể vội vàng ghi lại câu chuyện nghe lỏm được, cô đọng những đoạn tường thuật, cắt ngắn đối thoại, sốt ruột nhảy từ cảnh này sang cảnh tiếp theo. Nhưng có một đoạn đập vào mắt ông: một chân xanh, một chân đỏ. Ljuba? Chỉ có thể là Ljuba. Như hề, màu sắc như điên. Ở Đức, những con bò nâu đốm thường là bò điên hoặc gàn gàn, hay nhảy bổ lên phía mặt trăng. Còn con chó nhỏ thì cười. Mang đến một chu cún lai xinh xắn, lúc nào cũng vẫy đuôi rối rít, sủa ăng ẳng, háo hức lấy lòng? Phản ứng của P.R. "Có thể tôi là một thằng khốn nhưng chắc chắn chưa đến mức này!"
Ông gấp cuốn sổ đánh tách. Nếu tai ông không nóng rực lên là tốt. Đây là điều ông sợ: bà ta biết hết, từng li từng tí. Mụ già khốn kiếp! Lúc nào ông cũng ngỡ ông làm chủ bản thân, ai ngờ ông như con chuột ở trong lồng, lao theo đường này lối nọ, càu nhàu, với một mụ đàn bà trời đánh thánh vật khống chế ông, quan sát ông, lắng nghe ông, ghi chép tỉ mỉ tiến triển của ông.
Hoặc còn tệ hại hơn, tệ ghê gớm, thảm hại, là trí tuệ bị đe doạ uốn cong? Có thể coi nó là thứ hiện tại ông chỉ gọi được là "mặt khác"? có phải đấy là điều đã xảy ra với ông; có phải nó cũng xảy ra với những người khác?
Ông rón rén ngồi vào cái ghế bành. Nếu đây không phải là khoảnh khắc quan trọng, thì là cái gì? điều bí mật lớn lao nhất trong các điều bí mật vừa lộ ra với ông. Không ngờ gì nữa, có một cõi đời thứ hai tồn tại sát cạnh cõi đời thứ nhất. Con người chạy bình bịch trong không khoảng thời gian nhất định ở cõi đời thứ nhất, rồi Thần chết hiện lên dưới cải vỏ là Wayne Blight hoặc bất cứ ai như hắn. Ngay lập tức, thời gian ngừng lại vĩnh viễn, con người rơi xuống một cái hố tối tăm. Rồi, hấp! Con người xuất hiện ở cõi đời thứ hai giống hệt cái thứ nhất, thời gian lại tiếp tục và bao giờ hoạt động trở lại – bay trong không khí như một con mèo, đám đông người tò mò đứng xem, xe cấp cứu, bệnh viện, bác sĩ Hanse, vân vân – trừ một điều, hiện giờ Elizabeth Costello hoặc một người như bà ta đè đầu cưỡi cổ ông.
Bỏ cách một quãng, từ chữ C-H – Ó trong cuốn sổ đến cuộc sống sau cái chết. Một sự phỏng đoán hung dữ. Có lẽ ông sai. Nhiều khả năng ông sai. Nhưng dù ông đúng hay sai, dù cái sự do dự nhất mà ông gọi là "mặt khác" có thực hay chỉ là ảo tưởng, tính ngữ đầu tiên chợt đến trong đầu ông, hiện ra từng chữ một đàng sau mí mắt do một cái máy chữ trên thiên đường đánh ra là đáng thương. Nếu chết chẳng là gì ngoài một trò bịp bợm, biết đâu cũng hay ho như trò chơi chữ, nếu cái chết chỉ là tiếng nấc đúng lúc sau đó sự sống tiếp tục như trước kia, thì sao phải rối rít om sòm? Liệu con người có được khước từ sự bất tử này, định mệnh đáng thương này? tôi muốn cuộc đời cũ của tôi trở lại, cái cuộc đời đã chấm dứt trên đường phố Magill.
Ông mệt lử, đầu óc quay cuồng, vừa nhắm mắt là chìm ngay vào giấc ngủ. Nhưng ông không muốn nằm trơ ra ở đây, phơi bày lộ liễu khi mụ Costello trở về. Ông bắt đầu nhận ra một đặc tính của bà ta, xảo quyệt hơn cả chó sói, sự hiện diện của bà ta chỉ làm ông căng thẳng và không tin cậy tí nào. Ông hình dung quá dễ dàng bà ta lảng vảng từ phòng này sang phòng kia trong bóng tối, hít hít, lùng sục, rình mò.
Ông vẫn ngồi trong ghế bành và thấy hơi run. Đứng trước ông không phải cái bà Costello cáo già mà là Marijana Jokić trùm khăn màu đỏ, người phụ nữ bằng cách nào đó (trong giây lát ông không thể nhớ ra vì soa, đầu óc ông quá mụ mẫm) là căn nguyên, nguồn gốc của mọi chuyện rắc rối này.
- Ông Rayment, ông ổn chứ?
- Marijana! Vâng, tất nhiên. Đương nhiên là tôi ổn – nhưng không đúng vậy. Ông không khoẻ. Miệng ông hôi hám, lưng ông cứng đờ, và ông không thích bị giật mình – Mây giờ rồi?
Marijana phớt lờ câu hỏi. Chị đặt một cái phong bì lên bàn nước cạnh ông.
- Séc của ông – chị nói – Anh ấy bảo trả lại, chúng tôi không nhận tiền của ông. Chồng tôi ấy mà. Nhà tôi nói anh ấy không nhận tiền của người đàn ông khác.
Tiền. Drago. Một kiểu suy nghĩ khác hẳn. Ông trầm tĩnh lại.
- Thế Drago thì sao? – ông nói – Việc học của Drago thì sao?
- Nhà tôi bảo Drago có thể đi học như cũ, không cần vào trường nội trú.
Cô bé Ljuba đang mút ngón tay cái, lơ đãng sờ vào váy mẹ. Mụ Costello kín đáo lướt vào phòng, đàng sau cô bé. Bà ta đã vào nhà trong lúc ông đang ngủ?
- Chị có muốn tôi nói chuyện với anh ấy không? – ông nói.
Marijana lắc đầu mạnh mẽ. Chị không thể tưởng tượng nổi bất cứ việc gì tệ hơn, ngu xuẩn hơn.
- Thôi được, vậy chúng ta sẽ nghĩ xem nên làm gì tiếp theo. Có lẽ bà Costello muốn có vài lời khuyên.
- Chào Ljuba – Elizabeth Costello nói – ta là bạn của mẹ cháu, cháu cứ gọi ta là Elizabeth hoặc là bà Elizabeth. Rất tiếc đã nghe được chuyện của cô Marijana, nhưng tôi mới biết chuyện nên tôi nghĩ là không nên can thiệp.
Lúc nào bà chẳng can thiệp, ông nghĩ, cay cú. Tại sao bà lại ở đây, nếu không định xen vào?
Thở dài gần như khóc, Marijana gieo mình xuống chiếc sofa. Chị che mắt, lúc này nước mắt đang mấp mé. Ljuba đến cạnh mẹ.
- Thằng bé giỏi giang như thế - chị nói – Khá như thế - chị chợt nức nở - Nó muốn đi lắm chứ.
Trong cuộc đời khác, ông trẻ và còn nguyên vẹn hơi thở thơm tâm hồn, ông sẽ ôm Marijana vào trong vòng tay, hôn để lau nước mắt cho chị. Hãy tha thứ cho anh, tha thứ cho anh ông sẽ nói. Anh đã không chung thuỷ với em, anh không hiểu vì sao! Chuyện ấy chỉ xảy ra có một lần và không bao giờ xảy ra nữa! Hãy tiếp nhận tình yêu của anh, anh sẽ chăm sóc em cho đến ngày nhắm mắt, anh xin thề.
Cặp mắt đen láy của con bé nhìn xoáy vào ông. Ông đã làm gì mẹ cháu? Hình như nó hỏi. Tất cả là lỗi của ông!
- Chúng ta còn nhiều thời gian – ông nói, giọng chắc chắn nhất – Còn một tuần lễ nữa mới hết hạn nộp đơn cho năm sau. Tôi sẽ bảo đảm khoản học phí, tôi sẽ nhờ luật sư của tôi viết một thư bảo lãnh cho họ, hình như việc đó không được làm trực tiếp .tôi sẽ nói chuyện với chồng chị, khi nào anh ấy đã dịu. Tôi tin chắc chị có thể đưa cháu nó đi, chị và Drago với nhau.
Marijana nhún vai tuyệt vọng. Chị nói gì đó với con mà ông không hiểu, cô bé lon ton ra khỏi phòng rồi trở lại, cầm một nắm khăn giấy. Marijana hỉ mũi ầm ĩ. Nước mắt, nước mũi nhầy nhụa, khía cạnh ít lãng mạn nhất của nỗi buồn tận cùng. Giống như tận cùng hoạt động tình dục là những vết bẩn và mùi.
Chị có nhận ra chuyện gì đã diễn ra đã đây, trên chiếc sofa chị ngồi? chị có thể cảm thấy không?
- Hoặc là – ông nói tiếp – nếu trở thành vấn đề danh dự, nếu chồng chị không muốn nhận tiền của người đàn ông khác, có lẽ chúng ta sẽ thuyết phục bà Costello viết séc, làm người trung gian cho việc làm chính đáng này.
Đây là lần đầu tiên ông quyết định khử mụ Costello. Ông cảm thấy trào dâng cảm giác đắc thắng.
Bà Costello lắc đầu .
- Tôi không tin có thể can thiệp được – bà nói – Thêm nữa trong thực tế có nhiều khó khăn nhất định, nên tôi không thích dính vào thì hơn.
- Như thế nào? ông nói.
- Nên tôi không thích dính vào thì hơn – bà ta nhắc lại.
- Tôi chẳng thấy có gì khó khăn – ông nói – Tôi viết một cái séc cho bà và bà viết séc lại cho nhà trường. Chẳng có gì đơn giản hơn. Nếu bà không làm việc đó, nếu bà từ chối, như bà nói là can thiệp, xin bà đi ngay cho . Đi đi và để mặc chúng tôi.
Ông hy vọng sự chua cay của ông làm bà ta bối rối . Nhưng bà ta chẳng bối rối chút nào.
- Để mặc các người ? – bà ta nói khẽ, khẽ đến nỗi chỉ có ông nghe thấy – Nếu tôi để mặc các người, - cái nhìn của bà ta lướt qua Marijana – Nếu tôi để mặc hai người lại với nhau, ông sẽ ra sao đây?
Marijana đứng dậy, xì mũi lần nữa và nhét gọn chiếc khăn vào ống tay áo.
- Chúng tôi phải đi đây - chị nói kiên quyết.
- Giúp tôi đứng dậy, Marijana – ông nói – nhờ chị.
Ở đầu cầu thang, ngoài tầm nghe của mụ Costello, chị quay sang ông.
- Elizabeth là bạn tốt của ông?
- Tốt ư? Không .tôi không nghĩ thế. Không phải là bạn tốt, cũng không phải là bạn thân. Tôi chưa bao giờ để mắt đến bà ta, mãi đến gần đây. Thực ra, bà ta không phải là bạn gì hết. Elizabeth là nhà văn chuyên nghiêp. Bà ta viết truyện, tiểu thuyết. Hiện tại, bà ta đang săn lùng các nhân vật để đưa vào cuốn sách dự định viết. Hình như bà ta rất hy vọng vào tôi. Tiếp theo là đến chị. Nhưng tôi không thích. Chính vì thế bà ta quấy rầy tôi. Cố làm cho tôi thích hợp
Bà ta đang cố khống chế cuộc sống của tôi. Đấy là câu ông muốn nói. Nhưng lôi kéo Marijana trong tình cảnh của chị lúc này dường như không ngay thẳng. Hãy cứu tôi với.
Marijana tặng ông nụ cười yếu ớt. Dù nước mắt đã cạn, song mắt chị vẫn đỏ, mũi chị sưng phồng. Buổi sáng rực rỡ từ trời cao tàn nhẫn chiếu thẳng vào chị, da chị thô không trang điểm, răng chị đổi màu. Người đàn bà này là ai, ông nghĩ, mình đang thương mến ai thế này? một điều bí ẩn, tất cả đều là huyền bí. Ông cầm tay chị.
- Tôi sẽ ủng hộ chị - ông nói – Tôi sẽ giúp đỡ chị, tôi xin hứa. Tôi sẽ giúp Drago.
- Mẹ ơi – con bé rên rỉ.
Marijana rút tay ra.
- Mẹ con tôi phải đi thôi – chị nói và ra đi.