Đấng cứu thế
Tác giả: Khuyết Danh
Ô tô từ từ giảm tốc độ làm bốc lên một đám bụi mờ. Đó là một chiếc xe cũ kỹ, lúc phanh kéo theo hàng tràng tiếng ken két, loảng xoảng. Khi cái bản nhạc han gỉ đó ngừng hẳn, người lái xe quay đầu lại và cất giọng khàn khàn:
- Đến rồi đấy, thưa ông. Tôi không muốn đi xa hơn vào cái nơi đáng ghét này đâu!
- Cám ơn anh, Adanbéctô! - Tôi xiết chặt bàn tay chai ráp của anh ta và mở cửa xe. - Không có anh thì tôi chẳng biết sẽ ra sao nữa. Anh giúp tôi nhiều quá. - Rồi tôi nhảy xuống xe, chân giẫm vào lớp bụi âm ấm…
Trước mặt tôi là một thung lũng rộng. Không gian thoáng đãng cho phép phóng tầm nhìn đến hàng chục km. Phía trước, một vùng cây xanh lạ lẫm nổi bật giữa thảo nguyên hoang vắng. Cạnh đó, hai cánh cửa sổ mục nát mở toang, trông thật côi cút. Và cũng chẳng có hàng rào hay tý gì giống tường ngăn cả.
- Tạm biệt! - Adanbéctô kêu to và vẫy tay chào.
Tôi cũng chào lại anh như vậy. Chiếc xe Volksvagen màu kaki loang lổ lao về hướng cũ, đem theo cả chàng trai ngăm đen tránh xa “nơi đáng ghét” này.
Không gian trở nên yên tĩnh. Rồi một trong hai cánh cửa bị gió thổi kêu cọt kẹt, đu đưa, quay về phía tôi. Tôi đọc được trên đó hàng chữa đã phai màu:
Khu bảo tồn sinh thái
Trung tâm nghiên cứu khoa học “Đấng cứu thế”
Tôi bước qua cửa, đi về phía cánh rừng nhỏ. Con đường dài dằng dặc. Để đỡ sốt ruột, tôi bắt đầu nhẩm tính xem có thể quăng bớt thứ gì đi cho túi xách đỡ nặng. Có thể vứt đi thật nhiều thứ và càng đi, cái danh sách đó càng dài thêm.
Con đường lẩn vào bụi rậm và biến mất. Ngay trên thảo nguyên cũng phải khó khăn lắm mới nhận ra nó bởi có quá ít người qua lại, mà ô tô thì rõ ràng là ở đây chẳng ai dùng cho nên chỉ có một lối mòn nhỏ chạy qua rừng.
Dần dần, bao quanh tôi là những bụi dứa sợi và xương rồng bà. Cái loài cây này phù hợp với điều kiện địa phương ở đây, nơi đất có muối và thiếu nước nặng nề.
- Kỳ thật! - Tôi nghĩ. - Ai lại nảy ra ý đồ xây dựng ơ đây một khu vườn cấm nhỉ?
Tuy vậy, đi chưa đầy một cây số, bức tranh bắt đầu thay đổi. Đầu tiên xuất hiện các loại cây bách tán tra ẩm và tre vẩy rồng, rồi tiếp đó thậm chí có cả cây ăn quả. Những cây lê tàu với những chùm hoa sặc sỡ trên cao trông thật vui mắt. Đây quả là một thành tựu: phải là một nhà chuyên môn thật sự mới trồng nổi những loài cây ấy.
Càng đi sâu vào khu rừng lỳ lạ này nỗi ngạc nhiên trong tôi càng tăng. Không còn các bụi dứa sợi nữa mà là những cây mộc lan và cây cọ nhỏ với tán lá xoè hình cánh quạt mọc đầy xung quanh. Không khí thơm mùi hồi cay cay ẩm ướt. Kinh ngạc nhất ở đây là có các loại cây cối thuộc những vùng khí hậu hoàn toàn khác nhau!
Nhìn quanh, tôi xãc định được ngay rằng cây cối ở đây sống rất thoải mái, kể cả những loài vốn vẫn còn được nuông chiều bằng những miền đất trù phú. Không hiểu ở trung tâm “Đấng cứu thế” này người ta làm thế nào để được như vậy?
- Thành tựu của các cán bộ Trung tâm “Đấng cứu thế” làm óc tưởng tượng của bạn phải ngạc nhiên. Khi bạn nhìn thấy bên cạnh cây bạch quả là cây bá hương cao lớn của Bắc Phi cùng với cây nho, cạnh cây khuynh diệp khổng lồ là cây Carelia và cây mộc lan, bạn thật muốn thốt lên: “Không thể có như vậy được!” Chẳng lẽ đã đến lúc khi bước chân vào mảnh vườn của mình chúng ta có thể chiêm ngưỡng sự nở hoa của những cây bách tán lẫn các cây chà là hay sao?”. Trong óc tôi những dòng chữ ấy lướt qua. Những câu văn dập khuôn báo chí là điều không thể thiếu được do nghề nghiệp của tôi.
Tôi chuyển túi xách sang tay kia và lại cất bước. Con đường mòn nhỏ kéo dài, thẳng tắp đến ngạc nhiên chứ không ngoắt ngoéo như thường thấy ở những đường rừng khác. Nó phủ đầy lớp cỏ cứng, dày và thấp, kêu lên ken két dưới đế giày.
Phía bên phải lại hiện ra nhóm xương rồng bà, những cây đã làm cho các chủ trại ở Ôxtralia không yên sau khi chiếm được các đồng cỏ rộng lớn, ở đây xương rồng mọc thành từng bụi riêng, mỗi cây cao hơn đầu người nhiều. Nhe những chiếc gai nhọn tua tủa, trong cánh rừng này trông chúng thật giống các sứ giả từ vũ trụ tới. Tóm lại, những gì nhìn thấy ở đây đều tạo cho ta cảm giác phải liên tưởng tới một vườn bách thảo.
- Giáo sư Cơvaxmu đã gây được một vườn bách thảo ngay giữa sa mạc. Chỉ cần một bước là các bạn có thể từ thế giới của vẻ đẹp và sự hài hoà rơi ngay vào một vùng quê đầy ánh trăng. Khó có thể đoán trước được các công trình sử dụng đất cằn cỗi của ngài Cơvaxmu sẽ mở ra những triển vọng như thế nào đối ngành nông nghiệp… - Trong ý thức của tôi lại thấp thoáng những dòng chữ quá nhàm mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ tránh được.
- Lạ thật - tôi nghĩ - Sao Adanbectô lại ghét nơi này nhỉ? Tại sao người ta lại gọi cái quần thể thực vật này là “ vườn quỷ “? Lẽ ra phải đưa mọi người đến đây tham quan và nhờ vậy thu tiền mới đúng!
Phải rất khó khăn mới thuyết phục được chàng trai địa phương ấy đưa tôi đến trung tâm “ Đấng cứu thế”. Nhưng lái xe vào địa phận của khu vườn cấm thì anh ta dứt khoát từ chối. Qua nét mặt anh, tôi hiểu đằng sau lời từ chối còn có một cái gì đó lớn hơn lòng ác cảm thông thường. Chẳng lẽ những cây cối quen thuộc này, những cây bách tán, khuynh diệp này lại làm cho họ sợ hay sao…
Dòng suy nghĩ của tôi bỗng bị đứt quãng.
Tôi đang bước đều đều, dường như không có gì xảy ra cả, nhưng gáy bỗng nóng bỏng lên bởi cái nhìn rất chăm chú của ai đó. Trong đời tôi chưa bao giờ cảm thấy cái nhìn của bất kỳ ai, nhưng bây giờ trong tôi tất cả như bị căng ra giống dây cung. Mất tự chủ, tôi dừng lại và quay ngoắt về phía sau. Giữa những hàng cây xương rồng gần nhất, hai con mắt từ trong bóng tối đang nấp rình theo dõi tôi.
- Ê! - Tôi gọi to không phải bằng giọng của mình nữa. - Ai đấy?
Cặp mắt vẫn không nhúc nhích.
- Kẻ tội phạm lạnh lùng nhằm vào nạn nhân không có gì chống đỡ, và ngón tay nhẹ nhàng đặt lên cò súng cây cạc bin”…
- Ai nấp ở kia đấy? - Bằng cách quát to, tôi muốn tự trấn tĩnh nhưng kết quả lại ngược lại. Giọng tôi vang lên không mạnh mẽ chút nào mà lại côi cút trong cánh rừng lạ lùng này. Sau đó tôi làm một động tác giả như định bước tới gần bụi cây xương rồng. Thế là từ sau bụi cây xương rồng một sinh vật lao vút đi. Tôi còn kịp nhận ra đó là một con khỉ.
Khỉ ư?!
Chiếc túi sách như tự trượt khỏi tay tôi rơi xuống vệ cỏ. Quả là một điều không thể tin được nếu như mắt tôi còn nhìn đúng. Mà tôi lại quá quen tin tưởng vào mắt mình. Thậm chí tôi vẫn còn hay tự hào về sự tinh nhậy của cặp mắt “ phóng sự “ của tôi nữa.
Con khỉ không to lắm, giống như thuộc loài khỉ makaki nhưng không thể xác định chính xác được. Nó lao nhanh lên cây sồi và trốn kín trong vòm lá dày đặc. Còn tôi đứng sững, há hốc miệng vì kinh ngạc.
Thôi được, tôi còn có thể tin là trong điều kiện khí hậu lục địa của địa phương và đất đai quá khô cằn, bằng phương pháp nào đó chưa ai biết đế, giáo sư Cơvaxmu đã trồng và nuôi lớn những cây cối lạ lùng kia. Nhưng còn khỉ! Đó thật là một điều quá đáng! Không ai và không có gì có thể buộc tôi tin được rằng những dân cư của miền Bắc phi này lại có thể sống tự do một cách bình thường ở đây được.
Nhưng tôi không đủ thời gian để suy nghĩ lâu về việc đó. Việc lý giải về sự thích nghi của loài khỉ trong tình huống hiện tại đã bị cắt đứt bởi những tiếng sủa từ xa vọng lại. Đàn chó sủa như một giàn đồng ca, trong đó có thể đoán đến hơn chục con.
Nói chung tôi không thú vị gì lắm với việc gặp gỡ một đàn chó hoang trong rừng, bởi vậy tôi vội rảo bước về phía trước, hy vọng nhanh chóng tới được Trung tâm nghiên cứu khoa học. Trong lúc vội vàng tôi không chú ý gì tới cây cối xung quanh nữa, mặc dù đôi lúc lại gặp những cây rất lạ.
Chó sủa mỗi lúc một to hơn. Rất tiếc là không thể xác định được nó xuất phát từ hướng nào, chỉ biết rằng tiếng sủa ngày càng tới gần.
Đàn chó hiện ra từ khu rừng, khi phía trước tôi thấp thoáng một toà nhà thấp dài. Lũ chó đuổi kịp tôi một cách dễ dàng. Do biết thói quen của loài bốn chân này là sẵn sàng tấn công những sinh vật đang chạy nên tôi đứng khựng lại, nghe rõ tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực.
- Cái chết của nhà báo trẻ trong khu vườn sinh thái đặc biệt thuộc Trung tâm nghiên cứu của giáo sư Kennet Cơvaxmu rõ ràng là do tính cẩu thả của nhân viên ở đây vì họ cho rằng không thể có người lạ mặt xuất hiện ở khu vườn sinh thái được… - Trong óc tôi lại phảng phất những câu phóng sự vô nghĩa.
- Không thể được - ngay lúc đó tôi tự ngăts lời mình - Mình không định chết! Dù sao đây cũng chỉ là những con chó, mà chó thì, theo như mình biết, không bao giờ trở thành chó hoang hoàn toàn, ngay cả khi bị rơi vào cả một bấy sói. Có nghĩa là chẳng bao giờ chúng tự dưng tấn công người cả. Tất nhiên, nếu như người ta không huấn luyện chúng đặc biệt để làm việc đó!
Đàn chó vây quanh tôi. Đó là những con chó thường đủ loại, trong đó có hai con nổi bật hơn bởi vẻ ngoài quý phái và tính lầm lì là con chó đen lông xù và con becgiê Đức ngực rộng với vẻ mặt cau có. Vẫn giữ im lặng và rất chăm chú, con chó đen và con becgiê tiến lại gần tôi, đẩy tôi lúc đó đang đứng đờ người ra, đi về phía toà nhà vừa nhìn thấy.
- Hỡi mọi người! - Tôi muốn kêu lên một cách thất vọng. - Các người đâu cả rồi? Đừng để một nhà báo trẻ phải chết khi chưa viết xong bài báo giật gân nhất trong đời mình”
Trong thâm tâm tôi ngầm nguyền rủa thủ trưởng của tôi, người đã phát hiện cho tôi cái đề tài này. Là một người cao lớn, tóc bạc, gần như một ông già, trong toà soạn ông thường bị gọi đùa là “ ông thỏ con “bởi cặp mắt lúc nào cũng mọng đỏ và thói quen giật giật môi trên mỗi khi có điều gì cần suy nghĩ.
- Cái tên Kennet Cơvaxmu có gợi cho cậu điều gì không? - Ông ta hỏi - Giáo sư Kennet Cơvaxmu ấy mà?
- Giáo sư thuộc ngành nào ạ? - Tôi tò mò hỏi.
- Điều này cậu cũng cần phải tìm hiểu. - Ông thỏ con “ tháo đôi kính to tướng gọng sừng khỏi mắt và chằm chằm nhìn tôi với cái nhìn cận thị - Nghe đây, Becni, ông giáo sư này đã quẳng hẳn một viện gì đó ở Phloriđa, một viện lớn và quan trọng, để đến với một khu vườn cấm xa vắng. Khoảng mười năm trước chúng ta có một tài liệu của ông ta - Ở đó người ta đã đồng hoá được cây ươm thuỷ tùng trên đất solonsac (đất có muối). Người đó nghe có vẻ kỳ quặc đến mức chẳng ai coi điều đó là nghiêm túc cả. Thế đấy, - ông ta giật giật môi mấy lần. - Hôm qua tôi phát hiện trong sổ tay mấy dòng ghi chép về vấn đề này. Tôi cho rằng cậu đi đến đó thì cũng hay đấy!
- Ở đó còn có thể có cái gì hay hơn nữa ạ? - Tôi hỏi để phòng xa.
- Cũng theo mẩu tin đó thì giáo sư Cơvaxma luôn bị ám ảnh bởi ý đò xây dựng một “vườn sinh thái đặc biệt” gì đó mà sẽ làm mẫu thu nhỏ của mối quan hệ giữa tất cả các khâu của môi trường sinh vật. Thôi, cậu sẽ tìm hiểu kỹ tại chỗ nhé…
Cái mũi lạnh của con chó đen dụi vào lòng bàn tay tôi. Tôi vẫn tiếp tục bước. Khi đó nó cắn nhẹ cánh tay tôi. Cử chỉ đó tôi ngầm hiểu rằng: “Đủ rồi, dừng lại!”. Không muốn kích động một cách vô ích đội bảo vệ bốn chân này, tôi đứng ngay lại. Bầy chó ngay lúc đó tản ra xung quanh trên bãi cỏ. Con chó đen sủa to lên hai tiếng và tất cả lũ chó đều quay mặt về phía toà nhà. Tôi cũng bắt chước nhìn về phía đó. “Thánh đường khoa học” của khu vườn cấm sinh thái “Đấng cứu thế” trông hao hao như một pháo đài. Đó là một toà nhà thấp lè tè, tường màu trắng xám với những cửa sổ giống như lỗ châu mai. Trung tâm này tạo ra một cảm giác khá u ám.
Chiếc túi sách trĩu nặng tay tôi. Tôi nghĩ, hay là đặt túi xuống đất, nhưng rồi không dám liều - Chắc chắn lũ chó yêu mến này không thích gì khi người lạ có những động tác thừa. Tôi biết khá rõ về loài chó nên phải cẩn thận bởi thói quen bỉ ổi của chúng là không cắn mà chỉ rứt từng mảng thịt của nạn nhân làm tôi kinh tởm vô cùng.
Im ắng hoàn toàn. Trên trời, không cao lắm, có hai con cò bay qua. Xa xa dưới ánh mặt trời một con chim kền kền đơn độc bay liệng. Tôi đã không còn ngạc nhiên về điều gì được nữa. Chỉ còn chờ đợi, không biết bao giờ sẽ xuất hiện một người nào đó trong số nhân viên của “ Đấng cứu thế.
- Khỉ thật - tôi nghĩ - Kể ra Adanbectô cũng phần nào có lý khi tránh xa cái chỗ này đấy chứ!
Toà nhà của trung tâm không lớn lắm - chỉ dài khoảng năm mươi mét là cùng. Suốt chiều dài nổi bật những hàng gạch đỏ xây theo lối cổ. Bên trên mái hiên là hai chiếc ăng ten dài, được nối với một dây dẫn. Ngoài ra chẳng có gì đáng chú ý nữa. Tôi nhìn lướt dọc bức tường xám xịt, những chiếc cửa sổ có song sất cùng một kiểu.
Có lẽ thú vị nhất là lối vào đen ngòm, cái mái che lớn và khoảng sân rộng phía trước. Rõ ràng lối vào này dành để dỡ hàng từ các xe ô tô tải. Vậy những chiếc xe đó biến đi đâu cả rồi? Và nói chung tại sao lại không có một người nào cả? Dù sao thì bây giờ vẫn còn đang giờ làm việc, chưa đến giờ ăn chưa kia mà.
Cuối cùng thì cánh cửa của lối vào ấy cũng hé mở. Trên ngưỡng cửa hé ra một người đàn ông, khoảng gần sáu mươi tuổi, trông khá khô khan và nhanh nhẹn, da mặt còn chưa nhăn nheo, cặp mắt rất linh hoạt. Một tay ông ta vẫn nắm lấy tay cầm nơi cánh cửa, dường như sắp đóng sập cửa lại đến nơi. Còn tay kia dấu đằng sau, rõ ràng là có cầm vật gì đó. Ăn mặc cũng giản đơn, chiếc áo ngắn bằng vải bạt và chiếc quần đen, hai ống quần nhét trong giày ủng. Nói chung điều này không làm tôi ngạc nhiên chút nào. Tôi đã không nhầm khi nhận ra đó là một nhà bác học qua cách nhìn lạ lùng của ông ta. Hình như ông ta vừa mới ngủ dậy.
- Anh là ai? - Người vừa mở cửa cất giọng rè rè. Đó là một giọng nam cao không có chút ngữ điệu nào.
Tôi quá mừng vì cuối cùng cũng đã thấy được một con người nên quên mất mọi sự, cất bước tiến vè phía ông ta.
Con chó đen ngoạm ngay vào chân tôi khá đau để cảnh cáo.
- Này anh bạn, nhè nhè thôi! - người đàn ông nọ nói to có vẻ đe doạ và làm động tác như sắp biến vào trong toà nhà.
Tôi ngạc nhiên quá. đàn chó dang vây quanh tôi, vậy mà ông ta lại định bỏ đi, bỏ tôi lại một mình với lũ chó hay sao?
- Này ông - tôi kêu to - Ông hãy ra lệnh cho lũ chó của ông thả tôi ra đi.
Con chó đen vẫn tiếp tục giữ chặt chân tôi.
- Anh là ai và đến đây có việc gì?
- Tôi là nhà báo Báo ảnh ra hàng tuần “ Những sự kiện quan trọng nhất”. Hãy giải thoát tôi khỏi đám lâu la của ông đi!
Ông già vẫn không mảy may để ý đến lời khẩn cầu của tôi.
- Anh có mang theo giấy tờ chứ?
Tôi gật đầu.
- Quẳng lại đây!
Tôi cho rằng tốt nhất nên làm theo yêu cầu của ông ta nên móc từ túi áo trong ra tấm thẻ có dòng chữ mạ vàng “ Báo chí “ và ném về phía người lạ mặt. Tấm thẻ nhà báo bay theo một hình cung trong không khí rồi rơi xuống bãi cỏ, cách bậc lên xuống của lối vào chừng một mét. Tôi cố ý làm vậy để ông già phải rời cánh cửa để tôi có thể nhìn sâu vào phía trong cũng như xem ông ta dấu cái gì ở tay kia.
- Đích! - Người lạ mặt gọi.
Một con chó lông đốm, cỡ trung bình, tách ra khỏi đàn lao về phía tấm thẻ. Nó ngoạm lấy thẻ nhà báo của tôi và chạy về phía ông chủ.
- Cám ơn, Đích! - Ông ta xoa đầu con chó và chăm chăm đọc tấm thẻ.
- Anh là Phơ-ren-xit Becni à?
- Vâng - Tôi trả lời cộc lốc - Có thể bây giờ thì ông giúp tôi chứ?
Lão già nhìn tôi rất lâu rồi càu nhàu:
- Thả anh ta ra. Cứ để anh ấy vào - Rồi ông ta quay người lại và biến vào sau cánh cửa.
Đàn chó nhốn nháo. Con chó đen nhả mõm ra và chạy biến đi. Những con khác cũng chạy theo. Tôi đổi tay cầm cặp, co duỗi bàn tay đã mỏi nhừ và chân tê cứng. Tuy nhiên, không phải cảm giác đau xâm chiếm tôi mà là lòng khâm phục sự cảm thông giữa bầy chó với ông chủ của chúng. “Thế mới là dạy thú chứ! - Tôi thầm ca tụng và tiến về phía cánh cửa mở.
Bên trong nhà sáng nhờ nhờ. Qua một hành lang hẹp, tôi bước vào một phòng khá rộng kê nhiều ghế bành lớn. Một chiếc tivi màu được kê cao, trên màn ảnh thấy hình ảnh nhiều người, không có tiếng nói kèm theo.
Ông già ngồi quay lưng về phía tôi. Ông ta có cái đầu dài, nhỏ với đôi tai mỏng ép sát vào đầu. Tóc đã bạc, cắt ngắn đâm tua tủa lên như lông nhím.
- Ngài là Kennet Cơvaxmu? - Tôi hỏi một cách không chắn chắn lắm.
- Ngồi xuống đi, chàng trai. - Không hiểu sao ông ta nói có vẻ hơi khó chịu. - Anh đến đây làm gì?
- Thật là một câu hỏi không chuẩn đối với một nhà báo, ngài không thấy thế sao? Sau sự đón tiếp như vậy mà dù có thiện ý đến mấy cũng không thể gọi là sự đón tiếp với lòng mến khách…
- Becni! - Ông ta gay ất lời tôi. - Cách đây ít lâu có một số tù nhân địa phương vừa trốn trại. Vì vậy tôi phải cảnh giác.
- Xin lỗi ngài, nhưng chẳng ai báo trước cho tôi về việ ấy cả.
- Lại còn thế nữa! Làm cho dân chúng để làm gì kia chứ? Vả lại rồi người ta sẽ tóm được bọn chạy trốn thôi. Ai đưa anh đến đây?
- Adanbectô, - Tôi ngạc nhiên trả lời - Nhưng ngài cần biết điiêù đó để làm gì ạ?
- Thế là rõ. Nghĩa là chàng trai đó còn chưa sợ phải đi đến nơi này, - giáo sư lẩm bẩm. Ông ta gõ ngón tay vào tay dựa của chiếc ghế bành. Tôi chú ý đến đôi bàn tay của ông ta. Đó là hai bàn tay mảnh mai, khá đẹp như tay một nghệ sĩ pianô. Những ngón tay trắng muốt, hai ngón quấn băng dính.
- Thưa giáo sư, - tôi hỏi - thế còn cán bộ khoa học và nhân viên của trạm đâu hết cả ạ? Dọc đường tôi không gặp ai cả.
- Hôm nay là ngày nghỉ. Có lẽ họ vào thành phố rồi. Tất cả cùng đi ô tô.
- Ngày nghỉ vào thứ tư ư?
- Đúng thế! - Bỗng nhiên Cơvaxmu quát lên, vẫn không thèm quy về phía tôi. - Vào thứ tư đấy! Nếu như mấy tháng liền cố gắng làm việc không nghỉ ngơi chút nào thì khi xong việc anh có thể nghỉ ngơi vào bất kỳ ngày nào - thư tư, thứ sáu, thứ hai!
Trong khi ông ta quát tháo, tôi nghĩ lại rằng rõ ràng mình không thấy dấu vết nào của xe ô tô mới đi khỏi. Có nghĩa là có một người nói dối! Hoặc là ông giáo sư này, hoặc là Adanbectô, người đã khẳng định là chỉ có một lối duy nhất đến trạm “ Đấng cứu thế”. Không hiểu sao tôi thấy tin Adanbectô hơn. Hơn nữa tôi được biết rằng thông thường không bao giờ tất cả nhân viên của một khu vườn cấm lại vắng mặt cùng một lúc cả.
Chuyến đi này rõ ràng bắt đầu mang tính chất trinh thám và tôi cảm thấy sờ sợ. Chắc là ở trạm “ Đáng cứu thế “ này có chuyện gì đó đã xảy ra. Chuyện gì đó rất nghiêm trọng. Và đúng là Cơvaxmu muốn dấu tôi chuyện đó. Không được đâu! Tôi cảm thấy tài đánh hơi của mình không đánh lừa tôi và trước mặt, trong cái sự yên tĩnh đục ngầu kia đang có một con cá lớn. Nó sẽ phải cắn câu của tôi!
- Sao anh lại im thế? - Nhà bác học hỏi căng thẳng.
- Thôi được - tôi chợt nghĩ - ta sẽ thử dùng lỗ mãng để trị lỗ mãng vậy. Hơn nữa ở đây lại không có lũ chó kia.
- Tôi có thể lấy lại thẻ nhà báo chứ?
- Xin mời, ở trên giá sách ngoài hành lang ấy. Tôi tưởng anh đã trông thấy nó rồi.
Thầm chửi đổng trong óc, tôi đứng lên đi lấy lại giấy tờ. Sau khoảng năm phút lục lọi ở hành lang, tôi vừa quay trở lại phòng vừa căm phẫn vì cái trò đánh lừa ú tim trẻ con này.
- Thưa giáo sư, - tôi kêu từ đằng xa - Ngài thật không biết ngượng! Trả ngay cho tôi.
Trong phòng chẳng có một ai. Chiếc ghế bành trước đây mấy phút Cơvaxmu còn ngồi trên đó bây giờ trống không. Không tin vào mắt mình, tôi quay đi quay lại nhìn tứ phía - chẳng có ai cả! Một phút sau tôi nhận ra là chiếc túi sách của tôi đã biến mất cùng với ngài giáo sư - Phát hiện đó làm tôi bàng hoàng đến mức tôi ngồi phịch xuống ghế và chết lặng đi.
-… Những kẻ trốn tù sau khi xâm nhập vào lãnh thổ của khu vườn cấm sinh thái, lợi dụng khu đó ở xa vùng dân cư, đã trấn áp một cách dã man các cán bộ khoa học và nhân viên của trại. Sào huyệt được dựng nên ở trạm “Đấng cứu thế “ đã trở thành nơi trú ẩn của chúng… - Những câu đó lướt qua trong óc tôi. Có cảm giác như một người nào khác viết nên những dòng chữ ấy và đem in vào ý thức của tôi.
Đây chẳng phải là ông Cơvaxmu nào cả - tôi bỗng nghĩ -, sao mình không nghĩ ngay như vậy nhỉ! Không phải vô tình mà hắn cứ thập thò trong bóng tối khi đứng bên cánh cửa đã mở. Rồi sau đó, khi ngồi trên ghế bành thì lại cứ quay lưng lại. Lại còn cái đầu húi cua lởm chởm nữa”…
Tình thế trở nên khó chịu. Nếu đấy đúng là bọn trốn tù thì hẳn phải có mấy đứa. Chắc bây giờ chúng đang theo dõi sát tôi, đã đặt tôi vào điểm ngắm rồi. Một nhà báo đối với chúng có nghĩa lý gì đâu. Nhưng nếu thế chúns diễn cái trò vờ vĩnh vừa rồi làm gì?
Tôi đứng lên và cố ý quay trở ra phía cửa. Nhưng ngay lúc đó ý định của tôi tan thành mây khói.
Thế còn chó! Lũ chó không thể tiếp nhận bọn tội phạm làm ông chủ của mình được.
Tôi lại ngồi xuống và thở dài rõ to. Những ý nghĩ luẩn quẩn cứ đeo đẳng trong óc tôi.
Nhưng tại sao ông giáo sư lại xách túi của mình đi nhỉ? Ông ta sợ ai, ông ta coi mình là ai mới được chứ?
Có tiếng bước chân lệt sệt, vội vàng.
- Becni! Anh ở đâu vậy? - Cuối cùng ông giáo sư hiện ra trước cửa và chằm chằm nhìn tôi.
- Cái túi đâu, - tôi khẽ hỏi - cả thẻ nhà báo nữa?
- Thế nào, chẳng lẽ anh chưa tìm thấy thẻ sao? Ra đây, tôi sẽ chỉ cho. Còn đồ đạc của anh tôi mạn phép đưa lên phòng dành cho anh đêm nay rồi. Tôi cứ tưởng là anh đi sau tôi.
Ông ta loẹt xoẹt bước qua tôi về phía hành lang. Tôi liền đi theo. Tấm thẻ nhà báo nằm ngay ngắn trên giá sách. Nó nằm lù lù trước mắt. Tôi xin thề rằng vài phút trước không có nó ở chỗ ấy.
- Đấy, thẻ của anh kia kìa!
Tôi cầm lấy tấm thẻ và không xem xét gì đút ngay vào túi.
- Còn bây giờ, nếu anh muốn, tôi có thể cho anh xem phòng ngủ của anh đêm nay. Hôm nay tôi sẽ dành cho anh một ít thời gian, còn ngày mai thì… Xin lỗi, nhưng ngày mai tôi bận cả ngày. Cho nên sáng ra xin mời anh về.
Ông ta quay ngoắt lại, đi qua căn phòng có nhiều ghế bành mà không hề quay đầu lại, dường như tin chắc rằng tôi phải đồng ý.
Tôi chẳng còn biết phải làm gì nữa ngoài việc đi theo ông già. Cần phải làm dịu tình hình và cố bắt chuyện với con người lạ lùng này bởi dù thế nào tôi cũng phải hoàn thành bài phóng sự. Hơn nữa bài báo đó hứa hẹn sẽ rất giật gân.
Đi qua hai dãy hành lang tối om với vô số cửa hai bên nữa, giáo sư rẽ sang phải và bước lên cầu thang. Lên đến tầng hai, ông ta dừng lại trước cánh cửa thứ ba và đẩy cửa ra.
- Anh hãy thu xếp ở đây! - Cơvaxmu nói và đưa tay chỉ căn phòng. Tạm thời tôi xuống dưới nhà một lúc. Sau khoảng hai mươi phút nữa, khi xong việc, tôi có thể trả lời các câu hỏi của anh. Còn anh tự xuống lấy nhé.
- Tìm ngài ở đâu ạ?
- Ở phòng lớn, nơi chúng ta ngồi lúc đầu ấy. - Giáo sư nhìn thẳng vào mắt tôi. Trong cái nhìn ấy có cái gì đó vừa đòi hỏi vừa tò mò, cái gì đó khó chịu.
- Vâng, - Tôi nói - có nghĩa là sau hai mươi phút nữa.
Trong phòng có một chiếc tủ đứng. Một chiếc giường một khá thấp, phía trước giường là chiếc tủ con, cạnh đó là bàn làm việc. Các cánh cửa sổ đều mở ; gió nhè nhẹ làm màn che cửa sổ rung rinh.
Sau khi tin chắc rằng cửa ra vào đã đóng chặt, tôi ném chiếc túi sách lên bàn, mở khoá cặp và kiểm tra mọi thứ.
Đồ đạc vẫn nằm nguyên như cũ: quần áo lót, bên phải là máy ảnh và phim, rồi đến khăn mặt, dao cạo râu, bàn chải đánh răng v. v… Nhưng trong cái trật tự ấy của tôi có cái gì đó là lạ. Như vậy là Cơvaxmu đã lục lọi chiếc túi. Có thể hình dung việc xảy ra quá rõ ràng: ngài giáo sư sau khi trình bày trò đánh lừa tôi về thẻ nhà báo, trong khi tôi loay hoay tìm thẻ, đã mang túi sách của tôi lên gác và kiểm tra đồ đạc đựng trong đó. Và ông ta trở xuống bằng đường khác và sau khi tin chắc rằng tôi không còn trong hành lang đã đặt thẻ nhà báo lên giá sách. Một mặt tôi không thể gây sự với ông ta được - vì là do tôi không nhìn thấy tấm thẻ. Mặt khác tôi không nghĩ ra được là phải theo ông ta lên gác. Có thể nói đó là một giả thuyết có căn cứ. Nhưng còn một lẽ khác rõ ràng hơn và có vẻ hợp với sự thật hơn: Không hiểu sao ngài giáo sư lại đề phòng tôi, ăn nói lập lờ và dò xét tôi.
Tôi đặt máy ảnh và phim lên mặt tủ con. ít nhất những thứ này cũng cần đến trong hôm nay: tấm ảnh của vị giáo sư ấm đầu này hẳn sẽ nổi bật trên trang bìa tạp chí “ Những sự kiện quan trọng nhất “ với nền ảnh là toàn bộ những điều kỳ lạ về thực vật và động vật.
Tôi liếc nhìn đồng hồ - còn vài phút nữa mới đến giờ hẹn - và nhìn qua cửa sổ. Ngay trước mặt tôi là vòm lá khổng lồ của cây tuyết tùng. Nhìn ngoài cây có vẻ đã già. Chỉ với thời gian ngắn từ khi có trạm “Đấng cứu thế “ thì nó không thể lớn như thế được. Có nghĩa là từ trước khi Cơvaxmu và cán bộ của ông ta đến, ở đây người ta cũng trồng cây lạ hay sao? Hay là khi đưa về đây trồng thì nó đã là cây khá lớn rồi? Đã đến giờ!
Tôi giấu máy ghi âm vào túi áo ngực phía trong, đeo máy ảnh vào cổ và ra khỏi phòng.
Đói quá. Hình như suốt từ sáng sớm chẳng kịp ăn miếng gì cả. Trước hết vội đến chỗ Adanbectô. Lúc lên đường lại ngại mở túi lấy bánh. Dọc đường đến trạm “Đấng cứu thế “ và nhất là sau khi găp gỡ với bầy chó thì tôi chẳng còn thì giờ đâu mà ăn nữa. Liệu Cơvaxmu có mời mình món gì không nhỉ? Hay ông ta hoàn toàn xa lạ với lòng mến khách thông thường?
Ngài giáo sư vẫn ngồi trong chiếc ghế nọ. Trước mặt ông ta màn ảnh tivi vẫn bật sáng mà không hề có tiếng nói. Mặc dù tôi bước vào phòng nhẹ như mèo, ông ta vẫn cảm thấy tôi đã đến.
- Ngồi xuống đi, nhà báo! - Ông ta nói không chút nhiệt tình nào.
Tôi ngồi xuống, gần như sát cạnh ông ta và đặt máy ảnh xuống chiếc ghế bên cạnh. Tôi không muốn mở đầu câu chuyện. Tôi rất muốn được nghe Cơvaxmu vào đề như thế nào.
- Chàng trai này, - ông ta cất tiếng - anh cho phép tôi gọi anh như vậy chứ, bởi tôi đáng tuổi bố anh cơ! - Rồi cũng chẳng đợi tôi có đồng ý hay không ông ta nói tiếp - cho phép tôi được mời anh cùng xem tivi. Khi bạn sống trong cái chốn thâm sơn cùng cốc như thế nàythì có thể nói tivi là sợi chỉ mỏng manh duy nhất nối liền bạn với nền văn minh đấy…
Thật may là tôi vừa kịp bật máy ghi âm và hình như làm động tác đó khá kín đáo. Bây giờ thì tôi nhẩm tính một cách khổ sở là làm sao cho khuynh hướng xem cái tivi ' câm “ này của ông già sẽ gây ấn thật mạnh trong bài phóng sự sắp tới.
Trên màn ảnh, hình ảnh mộ đám đông nhốn nháo. Không hiểu sao quần áo mặt mũi họ đều một màu xám ngoét. Came truyền hình lướt qua đoàn người, xe cộ, những ngôi nhà khổng lồ, không có âm thanh kèm theo, mọi hình ảnh trông đều vô nghĩa. Thỉnh thoảng người ta lại quay cận cảnh một số người nào đó và cặp môi họ mấp máy, nhưng những cặp mắt lại trống rỗng và không sinh động, bởi vậy chẳng hiểu là họ đang nói về điều gì. Người, người, người.
- Thưa giáo sư, - tôi thận trọng hỏi - nhưng tại sao lại không có tiếng ạ?
- Tiếng làm hỏng tất cả, chàng trai ạ. Không có âm thanh kèm theo thì hình ảnh trên màn tivi là cả một bài ca. Một bài ca tinh tế, nguyên vẹn, sâu sắc. Âm thanh làm méo mó nhận thức đi, làm biến đổi sự chú ý của con người từ cái rõ ràng sang cái có thể hoặc mong muốn.
- Xin lỗi - tôi đứng lên - nhưng không có âm thanh thì mọi thứ cứ như không có nghĩa lý gì.
- Chính thế đấy. - Cơvaxmu sinh động hẳn lên và quay về phía tôi. - Dù sao thì anh cũng vừa đúng lại vừa không đúng.
Lần đầu tiên khuôn mặt ông ta ở sát gần tôi đến thế, và ngay lập tức tôi đã mô tả được nét mặt của nhà bác học, bởi tôi biết rằng cái cảm giác đầu tiên về một con người bao giờ cũng đúng và chính xác.
- Nét mặt của giáo sư Kennet Cơvaxmu cho thấy ông là một người có nguyên tắc bên trong nghiêm khắc. Chỉ cần nhìn thấy những đường nét rõ ràng, những nếp nhăn trên vầng trán rộng, hai hàng lông mày thẳng và đôi môi mím chặt như gọng kìm là bạn có thể thấy ngay ở ông một con người có ý chí mạnh mẽ ; Tất nhiên ý chí đó gắn bó chặt chẽ với một tài năng kiệt xuất và một tinh thần lao động bền bỉ. Tuy nhiên tóc hai bên thái dương bạc trắng cho thấy rằng con đường dẫn đến đích của giáo sư Cơvaxmu không phải được trải hoa hồng hay phủ đầy vòng nguyệt quế. Nhưng cặp mắt - cặp mắt màu xanh nhạt long sòng sọc - nói lên một cách rõ ràng nhất rằng tất cả còn nằm ở phía trước, mục đích đã đuợc định sẵn và không có gì có thể cản trở con đường đạt tới mục đích đó!”…
- Cái chữ “ vô nghĩa “ ấy ở nền văn minh của chúng ta mang hai nghĩa - giáo sư giải thích - chẳng hạn đối với tôi tất cả những gì anh thấy trên màn ảnh từ lâu đã trở nên trống rỗng. Nhưng cái “ vô nghĩa ' của anh thì đó lại là khía cạnh ngược của ý nghĩa, đó là sự thiếu một thông tin nào đó. Trong trường hợp cụ thể này thì đó là thiếu âm thanh. Anh hiểu tôi chứ?
Lúc này Cơvaxmu dịu giọng hơn khi nãy và tôi lấy làm ngạc nhiên sao ông ta lại có thể có nhiều sắc thái giong nói đến như vậy. Thậm chí tôi còn ngờ rằng trước kia ông ta có phải là một danh ca hay nhà tuyên truyền chuyên nghiệp không?
- Tôi hiểu ạ, - tôi gật đầu - nhưng điều này buộc tôi phải hỏi lại ngài một câu: vậy ngài cho cái “ vô nghĩa “ theo ý ngài là như thế nào? Và liệu có liên quan gì đến vấn đề ngài từ bỏ thế giới, sống ẩn dật một cách có ý thức trong khu vườn cấm cô quạnh này?
Trên màn ảnh lại xuất hiện một khuôn mặt câm với đôi môi mấp máy. Trông khuôn mặt ấy giống như một con cá vừa bị lôi ra khỏi nước. Đó là một người phụ nữ chừng ba lăm tuổi, biết đưa đẩy cặp mắt không kém phần đỏng đảnh dễ thương của mình.
Tôi nhìn ngài giáo sư đang im lặng tìm câu trả lời, ông chăm chú nhìn màn ảnh, nhìn người phụ nữ trên tivi và tôi bỗng hiểu ra rằng ông không chỉ từ bỏ thế giới ông đang sống mà còn từ bỏ một cái gì đó lón hơn thế nữa.
- Nói cách khác, anh muốn hỏi là có phải tôi bỏ đến nơi hẻo lánh này bởi cho rằng thế giớicủa chúng ta mất trí cả rồi phải không?
- Vâng.
Cơvaxmu ném một cái nhìn như xoáy vào mặt tôivà cau mày làm hai hàng lông mày dính liền vào nhau thành một vệt.
- Biết làm sao được, có lẽ chúng ta cũng đạt đến được điều này rồi! - Rồi ông đứng lên - Này nhà báo, thế sổ và bút của anh đâu?
- Tôi có trí nhớ đặc biệt ạ - Tôi trả lời, ngạc nhiên vì câu hỏi của giáo sư - tôi đã quen tin tưởng vào trí nhớ hơn là tin vào bút với giấy.
- Thế càng tốt. Như vậy, nếu anh cho phép tôi sẽ đặt câu hỏi thay anh nhé. Nếu tôi có nhầm lẫn điều gì thì anh bảo tôi có được không?
- Được ạ.
Ông ta kéo dép lệt sệt trước mặt tôi bước về phía bức tường. Đến bây giờ tôi mới nhìn thấy trên tường có những bức tranh khắc gỗ cực đẹp, khắc hình những con thú gì đó, vì ngồi xa nên nhìn không rõ. Rõ ràng là lúc nãy do chán nản quá nên tôi không quan sát cả căn phòng này.
- Trước hết nói về khu vườn sinh thái. Có lẽ nó làm anh tò mò hơn cả. Tôi xin nói ngay rằng đó không phải mục đích chính công việc của tôi. Khu rừng này, nếu như có thể gọi như vậy, chỉ là hiệu ứng phụ của phát minh của tôi. Anh có hiểu chút ít về môn thực vật học chứ?
Tôi gật đầu.
- Như thế, anh sẽ dễ hiểu tôi hơn. Thật là một điều cực kỳ hấp dẫn khi cố tạo ra được một quần thể thực vật trong đó bao gồm đại diện của hầu hết tất cả các loài…
- Có thể được, - Cơvaxmu cười chua chát - có thể được. Trên thế gian này mọi điều đều có thể được. Tôi sẽ không đi sâu vào việc tranh luận mang tính triết học về phát minh của tôi. Tuy nhiên để anh hiểu rõ hơn cội nguồn của những gì đang xảy ra trong trung tâm “Đấng cứu thế “, tôi sẽ cố gắng một cách tối đa để anh nắm được tình hình. Thế đấy, chàng trai ạ, chắc anh biết vi-rut là gì chứ?
Toi gật đầu đồng ý.
- Dù sao tôi cũng nhắc lại để anh rõ rằng vi-rut theo cách hiểu hiện đại là một dơn vị thông tin cực kỳ nhỏ được mã hoá, được thiên nhiên dùng để chuyển cho các vật thể sống, nghĩa là cho động vật và thực vật, những tư liệu về sự thích nghi.
- Hãy khoan đã - Tôi ngạc nhiên nghi ngờ - thế chẳng lẽ vi-rut không phải là một vật thể nhỏ xíu gây bệnh sao?
- Không bao giờ! Vi-rut không phải một là thể và không là vật thể gây bệnh. Những bệnh đáng sợ nhất do vi-rut gây ra là bệnh viêm tuỷ xám và viêm não, mà những bệnh này chỉ đánh bại những người tàn tật thôi, chứ trong số một trăm ngàn người chúng chẳng làm chết nổi một người. Đó là nói về xác suất. Cho nên có thể mạnh dạn coi tất cả các bệnh do vi-rut là thuộc loại rối loạn hệ thống miễn dịch. Vi-rut - đó không phải là phần tử lạ đối với cơ thể sống. Chúng là một bộ phận hữu cơ và cần thiết của môi trường sống mà thiếu chúng không thể có sự thichs nghi, không có hệ thống miễn dịch và nói chung không thể có sự tiến hoá.
- Tiến hoá ư?
- Đúng, nhưng ta sẽ nói về điều này sau. Còn bây giờ anh chỉ cần hiểu rằng trong thiên nhiên, vi-rut là sự đa dạng của các mã sinh học, có thể được bất kỳ cơ thể nào sử dụng toàn bộ hay từng phần trong bất kỳ mối liên kết nào, nhằm bất kỳ mục đích gì.
- Tóm lại, - Tôi hơi nhổm người lên ngắt lời giáo sư - có thể gọi vi-rut là thông tin phụ nằm rải rác trong môi trường phải không ạ?
- Đúng thế, là thông tin có thể được bất kỳ cơ thể sống nào sử dụng không có ngoại lệ nào.
- Nhưng như vậy sẽ xảy ra vấn đề: những vi-rut ấy từ đâu ra?
- Từ đâu ra là thế nào? - Cơvaxmu ngẩn người ra - Chúng ta tự nuôi chúng chứ còn đâu ra nữa. Anh phải hiểu rằng bất kỳ vi-rut nào cũng có khả năng biến đổi một tế bào làm cho tế bào đó sẽ sản xuất ra hàng nghìn vi-rut tương tự, giống như môt nhà máy sống vậy.
- Vâng, nhưng từ đầu thế nào cơ ạ? Virut có nhiều loại khác nhau, có nghĩa là chúng cũng dễ bị đột biến chứ ạ?
Giáo sư vẫn đi đi lại lại trong phòng và lúc này đang ở ngay sau lưng tôi.
- Chàng trai này, - ông ta nói bằng giọng khá nhẹ nhàng hơn lúc nãy - liệu anh có đói không đấy?
Trong ngữ điệu câu hỏi của ông ta có thể thấy sự cảm thông và thân thiện nhưng đối với tôi, một người đang cảnh giác, thì nó vẫn có vẻ đáng ngờ thế nào ấy.
- Nói chung thì tôi chưa ăn sáng…
- Thế đấy, mà bây giờ đã đến giờ ăn tối rồi. Chúng ta đi ăn chút gì đã nhé.
Tôi thấy thật lạ lùng cái cách ông ta chuyển sang đề tài khác ngay khi câu chuyện đang sôi nổi nhất, nhưng đành phải tuân theo ý muốn của giáo sư thôi. Có thể đây sẽ là cơ hội làm cho mình có được chút cảm tình gì với ông ta.
- Mọi thứ của tôi ở đây đều theo kiểu của người sống cô độc - Cơvaxmu vừa cười vừa bảo tôi - Chỉ có nước quả và bánh xan-uych thôi. Nếu anh muốn ăn canh thì xin anh tự nấu lấy. Tôi có khối gói súp khô đấy!
- Tôi đã quen rồi ạ.
- Thế thì đi nào! - Giáo sư bước ra khỏi phòng trước và lúc này tôi nhận thấy ông ta kéo dép ít lệt sệt hơn hẳn lúc trước. Không lẽ cuộc nói chuyện vừa rồi đã làm tăng trường lực của ông ta? Tất nhiên rồi! Chẳng có nhà bác học nào lại không bị kích động khi đề tài của cuộc tranh luận lại chính là điều mà ông ta đã dành cả những năm tháng tốt đẹp nhất cho nó, nếu không nói là dành cả cuộc đời.
Rất lạ là những điều ông ta vừa nói về vi-rut lại không làm tôi ngạc nhiên mấy, ừ thì vi-rut vẫn là vi-rut. Trong công việc của mình tôi thường xuyên phải tiếp xúc với những ý tưởng kỳ quái nhất và những người kỳ quặc nhất cho nên khả năng ngạc nhiên cứ giảm dần đi.
Qua một cửa lớn chúng tôi bước vào phòng ăn, mặc dù tên gọi ấy không mô tả được đúng lắm căn phòng này, ở đây ngoài dụng cụ nhà bếp như tủ lạnh và bếp điện còn có một bàn thí nghiệm hoá học với những cái giá đỡ ba chân, những cái đế đặt các ống nghiệm, các bình to nhỏ và nhiều lọ thuỷ tinh. Khắp nơi đêu thấy thức ăn thừa.
Cơvaxmu mở cánh tủ lạnh màu trắng tuyết một cách thành thạo và lôi ra một khúc gòi cùng một mẩu pho mát. Ông ta đặt những thứ đó lên bàn và lấy thêm hai chai nước Pepsi để cạnh. Ông thò tay vào tủ lạnh và lôi ra một số miếng bánh mì trắng, vỗ vỗ vào đó và lắc đầu - có lẽ bánh mì đã cứng quá mất rồi.
- Không sao - ông ta nói, dường như có ý thanh minh - bây giờ chúng ta sẽ chuẩn bị bữa tiệc.
Giáo sư vẩy nước vào các mẩu bánh mì rồi đặt chúng vào lò sấy. Trong khi đó tôi cắt hết khúc giò và phomat - tất cả đều không còn tươi nữa ; phomat cứng như đá làm lưỡi dao cứ trượt đi, còn giò thì đã khô lại và trở nên có màu xám nhưng mùi vẫn tốt và rõ ràng là còn ăn được. Bữa ăn không chuẩn bị trước này làm tôi có cảm tưởng rằng nếu người ta thực sự vẫn ăn ở đây và ăn như chúng tôi bây giờ thì không thể nói rằng ở trung tâm “Đấng cứu thế “ có điều kiện làm việc tốt được. Nói chung, đây cũng thể hiện lòng nhiệt tình khoa học của tuổi trẻ…
- Thơm quá! - Giáo sư nói bằng giọng ngọt ngào - Mùi bánh mì nướng là một trong những phát minh lớn nhất của con người! - Ông ta hít ngửi ầm ĩ, cánh mũi rung rung, dường như quá trình ngửi của ông ta thường gắn liền với hoạt động của bắp thịt ở mũi vậy.
- Không - tôi nghĩ - chắc họ phải có nhà ăn và bếp tử tế hơn, còn ở đây chỉ là nơi lót dạ trong thời gian làm việc để khỏi phải đi xa thôi.
Cơvaxmu mở cả hai chai Pepsi một cách rất kịch và lôi những mẩu bánh mì đã nướng vàng ra. Tôi khéo léo đặt lên mỗi khoanh bánh mì một miếng giò và một miếng phomat rồi chúng tôi mỗi người cầm lên một khoanh bánh còn nánh đến bỏng cả ngón tay vừa nháy mắt vừa mỉm cười thông cảm với nhau vừa thổi làn khói của bữa tiệc cả hai chúng tôi bắt đầu ăn. Mỗi người được ba khoanh bánh. Không thể nói là đã no nhưng dù sao dạ dày cũng nằng nặng một chút và bụng cũng đỡ sôi.
- Nói chung thì - Cơvaxmu lúng búng nói, miệng còn đầy ắp - chúng tôi vẫn ăn ở nhà ăn trong khu nhà ở kia. Còn đây chỉ là… - Ông ta khoát tay một cách không rõ ràng.
Để trả lời tôi chỉ ậm ừ trong họng vì những mẩu bánh mì nóng trong miệng không cho phép mở miệng.
Khi chúng tôi ăn xong, giáo sư đẩy mạnh cái chai sang một bên rồi đứng dậy. Động tác đó cho tôi hiểu là giờ nghỉ ăn cơm đã hết và không nhất thiết phải rửa chén bát. Tôi cũng đứng lên theo ông ta.
Trong khi trở lại phòng lớn, Cơvaxmu hơi cau mày nhìn xuống phiá dưới chân ông ta.
Cái đầu húi cua của ông để lộ làn da màu hồng, hai tay thọc sâu trong túi quần màu đen. Cảm giác không tin tưởng và không tự chủ bỗng nhiên lại quay trở lại trong tôi và tôi bỗng rùng mình.
- Các anh viết cái gì? - Cơvaxmu khẽ hỏi
- Tôi ấy ạ?
- Không, không phải anh. Tạp chí cơ.
- Viết về đủ mọi thứ. Trong đó có cả về sinh thái học, về bảo vệ môi trường. Ngài chưa đọc bao giờ ạ?
- Chưa - Không hiểu sao ông ta bỗng ngẩng nhìn tôi và đôi mắt cứng rắn của ông ta cứ xoáy vào mặt tôi. - Tôi chẳng có lúc nào để đọc cả. Như vậy là, - ông ta cắn môi - cả về bảo vệ môi trường?
- Vâng.
- Anh hãy nói cho tôi biết anh đánh giá như thế nào về tình hình bảo vệ môi trường hiện nay?
- Theo tôi - Tôi nói - Nếu muốn cũng có thể làm việc gì đó để bảo vệ…
- Đừng có nói kiểu lạc quan một cách vô tư như vậy! Cứ nói thẳng đi! Nói thẳng hơn và mạnh dạn hơn xem nào!
Tôi hơi ngập ngừng.
- Thiên nhiên hoang dã cần đươc tập trung vào các khu vườn cấm hoặc các vườn bách thú.
- Chớ động tới vườn bách thú, đó đâu phải là thiên nhiên! - Giáo sư nóng nảy quát lên - Thế còn sau đó, sau đó phải làm gì nữa?
- Thiên nhiên, theo tôi, đây chỉ là quan điểm của riêng tôi cần được thay đỏi về chiều sâu…
- Nào! Nào!
- Cần được có nhân tính…
- Mạnh dạn lên nào! - Trong giọng nói của Cơvaxmu lọ rõ vẻ đồng tình.
- Sẽ chỉ còn lại những loài nào có lợi cho chúng ta hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp, hoặc những loài có khả năng thích nghi.
- Tuyệt! - Giáo sư thốt lên và dè dặt mỉm cười - Và ta tiếp tục nhé - Thế những điều ấy liệu khi nài mới có thể xảy ra?
- Theo tôi, - tôi hồ hởi nói tiếp - cũng phải còn vài ba thế kỷ nữa. Tôi không đồng ý…
- Thế đấy! - Ông ta ngắt lời tôi - Nhầm to rồi. Rất nhầm! Không đâu anh bạn trẻ ạ, nếu như anh muốn biết thiên nhiên còn phải trong tình trạng hoang dã, nghĩa là trong tình trạng hiện tại bao lâu nữa thì tôi có thể nói cho anh một cách khá rõ đấy. - Ông ta ngừng nói và nhìn tôi dò hỏi, tưởng như đợi tôi trả lời vậy.
- Bao lâu nữa ạ? - Tôi hỏi với giọng cam chịu.
- Tối đa là năm mươi năm.
Tôi ngạc nhiên mở to mắt và cười thầm - rõ ràng bố già hơi quá lời rồi.
- Thế tối thiểu thì sao ạ?
- Điều này thì tuỳ anh thôi! - Cơvaxmu trả lời tôi một cách xỏ xiên.
- Nghĩa là sao ạ?
- Là thế nào cũng được cả. Miễn là người ta cho phép bấm nút.
- Nút nào vậy?
- Thì tôi cũng chả biết nút nào nữa. Nút đỏ, mà cũng có thể là nút đen. Một cái nút mang tính người hoàn toàn, ấn một cái thế là mọi sự đều sẵn sàng! Đấy thiên nhiên dành cho anh đấy… - Ông ta bỗng thoáng buồn và lại cụp mắt xuống.
- Ông già lẩm cẩm mất rồi - tôi chợt nghĩ - ông ta tin chắc là chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra”
- Chắc anh cho tôi là một kẻ kỳ lạ quá mức? - Cơvaxmu hỏi, giọng ngọt xớt - Nhưng từ đây, từ chốn thâm sơn cùng cốc này không hiểu sao tôi nhìn thấy mọi việc rõ ràng hơn.
Tôi gật đầu thông cảm.
- Chỉ có một lối thoát thôi, - ông ta sôi nổi - Một lối thoát duy nhất.
Nếu như trong tôi còn khả năng để ngạc nhiên thì chắc tôi đã rất quan tâm đến câu nói đó của giáo sư. Nhưng ngày hôm nay đã quá nhiều điều bí ẩn xảy ra rồi. Bây giờ thì tôi chỉ còn nghĩ đến chuyện thiết kế bài phóng sự cách nào cho đạt nhất mà thôi! Boõng nhiên trí nhớ lại quay về với câu chuyện vi-rut lúc nãy.
- Thưa giáo sư, - tôi lịch sự hỏi - thực tình tôi không hiểu lắm về việc vi-rut có liên quan như thế nào đến mọi điều tôi thấy trong khu vừon sinh thái này?
Giáo sư bước lên trước và dừng lại chỗ bức tường, lưng quay về phía tôi. Đây không phải à lần đầu tiên mỗi khi bắt đầu câu chuyện là ông ta lại bước lên trước và quay lưng lại, có lẽ đó là một thói quen của ông.
- Chúng ta hãy để bệnh tật sang một bên - ông ta mệt mỏi nói - và chỉ nói đến peristansia của vi-rut thôi.
- Gì cơ ạ?
- Peristansia là chứng cứ của việc vi-rut có tồn tại lâu trong cơ thể. Người ta đã chứng minh được rằng sự có mặt của vi-rut loại này hay loại khác trong cơ thể bao giờ cũng gây nên tính miễn dịch đối với một bệnh cụ thể.