Người học trò cũ của thầy Thân
Tác giả: Khuyết Danh
Mùa mưa năm ấy thật khắc nghiệt. Mưa tầm tã hết ngày này qua ngày khác. Sông suối đầy ắp. Nước lũ bao vây chúng tôi hàng tháng trời. Không đi cõng gạo được, khẩu phần ăn cứ rút xuống dần, đến bữa mỗi người chỉ nhận được một mẩu sắn luộc. Khổ nhất là khi có người ốm nặng, không cáng đi bệnh viện được.
Bộ phận của tôi, mọi người đi công tác cả, chỉ còn hai người: Thân đang ốm và tôi là lính mới vào chiến trường. Hai đứa mắc võng hai bên một bếp lửa râm rỉ cháy ngày đêm, dưới một mái lá sơ sài chỗ nào cũng dột. Trời mưa lạnh, ướt át, bụng lại đói, chúng tôi gần như suốt ngày nằm co ro trong võng. Ngủ chán lại thức dậy, nếu không hí hoáy nhật kí lại tán chuyện tầm phào để quên cái thèm ăn và khuây nỗi nhớ nhà.
Thân người miền Bắc, tôi là dân tập kết quay về. Nhưng hai đứa có nhiều cái giống nhau: cùng tuổi thân, đều đã có vợ và con gái đầu lòng, cả hai bên đều là giáo viên văn. Thân vào chiến trường trước tôi mấy năm. Tạng người Thân vốn không khoẻ lại trải qua cảnh cực khổ, thiếu thốn, anh ốm đau luôn, khi tôi vào thì trông anh đã suy sụp lắm, cư vài ngày lại lên cơn. Nhưng bên trong thân hình gầy yếu và tiều tuỵ ấy, là một quả tim nhân hậu và một cái đầu đầy mộng tưởng. Những khi nói về mình, thân thương nhắc lại câu tôi nghe đã quen tai "nếu còn sống đến ngày ấy, mình sẽ..."
Một đêm lạnh giá không ngủ được, tôi nằm chờ trời sáng. Bỗng có tiếng Thân hỏi sang:
- Thức đấy chứ?
- Thức.
- Mình cho cậu xem cái này vừa nói Thân vừa chồm người dựa sang một tờ giấy nhỏ - Cậu chỉ cần đọc câu đầu, rồi mình kể cho nghe.
Tôi bấm đèn bin đọc:
"Ôđetxa, ngày...
Thầy kính mến,
Chắc thầy ngạc nhiên lắm khi nhận được thư này của em. Em vừa sang đây được ba hôm, và đây là những dòng chữa đầu tiên em viết trên đất bạn để gửi về tổ quốc. Hôm tiễn em ra ga mẹ em cứ dặn đi dặn lại: sang bên ấy thế nào con cũng phải đánh thư về cho thầy ngay, không có thầy thì con không có được như ngày nay đâu. Rồi mẹ em khóc..."
Tôi liếc nhanh xuống cuối thư:
"Học trò cũ của thầy
Ninh Thị Vữa".
Tôi vừa tắt đèn bin thì Thân kể:
"Em Vữa này là một trong học sinh giỏi của lớp mình vừa dạy văn vừa chủ nhiệm, khổ nỗi nhà quá nghèo, lại gặp nạn - bố làm thợ xây, một viên gạch bê tông rơi từ trên cao xuống, đập nát cả bàn chân, phải nằm bệnh viện suốt mấy tháng. Mẹ làm cấp dưỡng ở trường sư phạm tỉnh. Sau Vữa lại còn hai đứa em. Thấy cảnh nhà khốn khó quá, em quyết định nghỉ học, xin làm phụ nề để giúp mẹ. Mình nhớ mãi hôm ấy. Cuối buổi học là giờ trả bài tập làm văn của mình. Bài của Vữa được điểm cao, được đọc cho cả lớp nghe. Khi tan lớp học sinh ra về cả, mình thấy Vữa vẫn ngồi lại, vẻ mặt rất buồn khổ. Mình bước xuống hỏi, em cắn môi một lát rồi đứng dậy chỉ nói được hai tiếng "thưa thầy" lại ngồi thụp xuống gục đầu trên bàn khóc nứa nở, hai chiếc đuôi sam cứ rung lên bần bật trên vai áo. Mình đã hiểu hoàn cảnh của Vữa nên đứng đợi cho em đỡ xúc động để tìm lời an ủi. Nhưng bỗng nhiên em đứng bật dậy, chìa vội cho mình lá đơn xin thôi học rồi ôm sách vở chạy vù ra khỏi lớp.
Đêm đó mình không ngủ được. Thương và tiếc cho nó quá. Hôm sau mình đến nhà. Mẹ Vữa thấy mình đến vội nói ngay: Cảnh nhà em nó "hoàn cảnh" quá, không nói thì thầy cũng đã hiểu cả rồi. Nói thực bụng thì gia đình em chưa có ý định cho cháu thôi học. Nhưng nó thấy cảnh nhà túng bấn quá, lại không muốn cho hai đứa em nó học hành dở dang nên cứ nằng nặc bảo mẹ phải ký vào đơn. Nên rồi cũng chiều cháu. Mình biết tuy ngoài miệng bà nói vậy nhưng thực bụng thực bụng cũng muốn cho Vữa nghỉ học để phụ giúp bà, nhà cực quá, nó lại là con gái học chi cho cao. Nên mình nói đại ý: cái khó của gia đình là tạm thời, tương lai con cái là quan trọng. Vữa lại học rất tốt, rất có triển vọng, vả lại cũng chẳng còn bao lâu nữa là hết cấp III. Rất thông cảm với khó khăn của gia đình, vợ chồng chúng tôi cũng chẳng dư giả gì nhưng còn đỡ hơn hai bác, chúng tôi xin được giành ra mỗi tháng mười đồng (*) để giúp thêm cho Vữa học hết cấp III. Nếu hai bác ngại thì coi là tôi cho vay, sau này em Vữa trả lại cũng được.
Nghe mình nói thế, mẹ Vữa lặng đi một lúc rồi rưng rưng nước mắt nói: Xin hết sức cảm ơn thầy cô và cũng không dám phiền đến thầy, thôi thì rau cháo qua ngày, chúng em cố gắng động viên cháu tiếp tục đi học.
Và bây giờ thì ... như cậu thấy đấy. Cậu không thể tưởng tượng nổi khi nhận được thư Vừa, biết nó được đi học nước ngoài, mình sung sướng đến mức nào đâu. Con bé này triển vọng lắm. Mình tin những đưa trẻ như vậy sau này sẽ rất khá. Nếu mình còn sống đến ngày ấy, mình sẽ..."
Đang nói sôi nổi bỗng nhiên Thân dừng lại. Và dừng lại rất lâu. Tôi hiểu là Thân đang xúc động. Một lúc sau, anh mới nói chậm rãi, giọng buồn buồn.
- Bác này, chẳng may mình đi theo thằng Nghĩa, mà cậu còn sống cậu cố ghé thăm vợ con mình, xem con cún nhà mình có được học đến nơi đến chốn không. Và nhớ hỏi thăm Vữa.
Nghĩa là một cán bộ trong cơ quan vừa hy sinh tháng trước trong một chuyến đi công tác xuống các tỉnh. Không hiểu sao, gần đây Thân cứ nhắc đến Nghĩa như một nỗi ám ảnh.
Và thật đau đớn, điều mà Thân gửi gắm cho tôi đã trở thành lời trăng trối một cái chế hình như được linh tính báo trước. Chỉ sau đó dăm hôm, sau một đêm vật vã, quằn quại với cơn sốt ác tính, Thân đã vĩnh biệt chúng tôi. Cả cơ quan Ban Giáo dục khu 5 lúc đó còn ở nhà không đầy 10 người. Chúng tôi xúm lại sửa soạn cho Thân. Trời rất lạnh. Trong ba lô của Thân có bao nhiêu áo quần chúng tôi lấy ra mặc cả vào cho anh rồi gói anh vào tấm võng dù. Trời vừa tạnh mưa, chúng tôi khiêng Thân ra bìa rừng. Nhưng vừa đào huyệt xong, mưa lại xối xả, chúng tôi phải vừa tát nước dưới huyệt lên, vừa mai táng Thân trong đất nhão.
Sau ngày giải phóng, nhân những chuyến công tác ra Bắc tôi tranh thủ lên thăm gia đình Thân mấy lần. Nhưng lần nào cũng vội vội vàng vàng chẳng hỏi han gì được nhiều. Mãi đến chuyến thăm vừa rồi sau khi đã nghỉ hưu, tôi mới biết cô học trò cũ của Thân. Vừa nghe tôi nói đến cô Ninh Thị Vữa, vợ Thân nói ngay, giọng không ra vui cũng chẳng ra buồn:
- Ối dào, cô ấy giờ thì khác lắm. Chồng cũng học ở Nga về, mấy năm nay bỏ nhà nước buôn hàng Tây, giàu sụ. Nhà vừa lên tầng. Còn cô ấy vẫn dạy toán ở trường cấp III thị xã, cái trường ngày trước, anh Thân nhà tôi dạy và cô ấy học đấy. Dạy ở trường để có cái chân biên chế thôi. Chủ yếu là cô dạy thêm ở nhà. Được cái, cô dạy cũng khá nên học sinh học rất đông, kiếm lắm!
Nói xong chị dẫn tôi ra cổng chỉ ngôi nhà mới xây bên kia hồ. Tôi vừa đi bộ đến nhà Vữa, vừa miên man nghĩ lại những ngày cuối cùng của Thân với những tình cảm tốt đẹp của anh về người học trò cũ. Tự nhiên bước chân tôi trở nên hối hả, lòng ham hở như mình mang một món quà quý đến cho một người mà chắc khi nhận được, họ sẽ vui sướng lắm.
Tôi đến nhà Vữa đúng lúc cua học thêm sắp tan. Đứng ngoài cửa sổ, tôi nghe tiếng cô giáo vang lên the thé, trong tiếng ồn ào của học sinh vào cuối buổi học.
- Xin mời ba em ... (tôi không nghe rõ tên) ở lại gặp tôi!.
Khi học sinh đã ra khỏi lớp, tôi liếc nhìn vào thấy hai em trai, một em gái đến đứng trước mặt cô, đầu hơi cúi vẻ tội lỗi. Tôi ý tứ quay mặt ra đường nhưng áp sát lưng vào của sổ lắng nghe xem việc gì đang diễn ra.
- Sao đó? Hôm nay đầu tháng sau rồi mà tiền học tháng trước các vị vẫn chưa nộp? Riêng cô này thì nợ cả hai tháng rồi...
Hai em trai nói gì đó tôi không nghe rõ. Riêng em gái thì giọng van vỉ:
- Xin cô thông cảm, mẹ em tháng trước bị xe tông, lâu nay phải nghỉ chợ ...
- Thôi thôi thôi! Tôi chẳng hơi đâu nghe đủ thứ lý do lý trấu của các vị cuối tuần này không nộp tiền học thì tuần sau nghỉ, để chỗ cho khác ngồi. Thế nhá!
Ngay sau đó, nghe tiếng gót giày nện mạnh lên sàn, tôi vội quay lại nhìn qua cửa sổ, chỉ kịp nhìn thấy tấm lưng của cô giáo sau rèm cửa. Còn ba em học sinh thì tiu nghỉu, tủi cực bước ra. Tôi chú ý đến em nữ sinh đi sau, tóc em chẳng tết đuôi sam nhưng không hiểu sao tôi cứ tin là nó rất giống hình dáng của bé Vữa tội nghiệp trong tâm tưởng của Thân trên 20 năm về trước.
Như bị tạt nước bẩn vào mặt, tôi bỏ ý định vào gặp người học trò cũ của Thân, tôi thắp ba nén hương lên bàn thờ để tạ lỗi với bạn. Từ trong khung ảnh, Thân nhìn tôi, đôi mắt hiền từ phảng phất một chút lãng mạn, vẻ mặt vẫn bình thản như không hề tin vào chuyện vừa xảy ra có thật.