Những phụ nữ nổi tiếng đứng đầu các nhà nước trong lịch sử thế giới
Tác giả: Khuyết Danh
Hatshepsut-nữ hoàng Ai Cập - thế kỷ 15 trước Công nguyên
Hatshepsut là nhân vật chính trị đầy quyền lực ở Ai Cập trước khi bà tiếp nhận tước hiệu Pharaoh. Bà đã tạo nên một triều đại bình ổn và phát triển thương mại và nghệ thuật. Ðền thờ bà rất đẹp hiện đang tọa lạc tại Deir el-Bahri, phía Tây Thebes.
Nefertiti -nữ hoàng Ai Cập - thế kỷ 14 trước Công nguyên
Nefertiti là người vợ đầu quyền uy của Akhenaton, bà tôn thờ một tôn giáo mới trong đó chỉ thờ một vị thần là Aten. Sau đó bà lại bác bỏ tôn giáo này và quay lại hỗ trợ một người anh cùng thờ thần mặt trời Amon. Vẻ đẹp bất tử của bà vẫn tồn tại trong các tác phẩm điêu khắc cực kỳ tinh tế của thời kỳ đó.
Sammuramat-nữ hoàng Asyria - thế kỷ 9 trước Công nguyên
Sammuramat là chủ đề của nhiều huyền thoại về ảnh hưởng quyền lực của bà trong các vai trò hoàng hậu cũng như mẫu hậu. Rõ ràng lịch sử cho thấy bà đã tháp tùng cùng chồng tham gia chinh chiến và mở rộng tầm kiểm soát của đế chế Babylonia đến các lãnh thổ xa xôi, thực hiện thủy lợi cho vùng đồng bằng giữa hai dòng sông Tigris và Eupharates và khôi phục vẻ đẹp đang phai nhạt của thủ đô của bà, đó là thành Babylon.
Cleopatra - nữ hoàng Ai Cập - năm 69-30 trước Công nguyên
Cleopatra là nhà cai trị đầy tham vọng cuối cùng của triều đại Macedonia thuộc Ai Cập cổ đại. Trong nổ lực đấu tranh giành ngôi vua và giữ cho đất nước an bình, bà đã tìm kiếm sự ủng hộ của Julius Caesar và sinh hạ cho ông ta một đứa con trai. Có thời gian bà đã sống tại La Mã. Sau đó, bà lại nhận được sự che chở của La Mã qua một chuyện tình với tướng Mark Anthony và lại có 3 đứa con với ông này. Do thiếu nguồn tài trợ cho các chiến dịch quân sự, cả Cleopatra và Anthony đều bị đánh bại trong cuộc chiến chống lại Octavia vào năm 31 trước Công nguyên. Một sự thật ít người biết đến là Cleopatra có học vấn rất cao và một trí thông minh tuyệt vời, bà đã từng theo học và nghiên cứu các môn triết học và quan hệ quốc tế.
Eleanor of Aquitaine - 1122-1202 - nữ hoàng Anh và Pháp
Eleanor là một trong những nhân vật có thế lực nhất thế kỷ thứ 12. Lập gia đình với vua Pháp là Louis VII lúc vừa tròn 15 tuổi nhưng sau đó lại bà ly dị ông ta để kết hôn với ông vua tương lai của nước Anh là Henry II. Và bà đã cùng vua Henry II sinh hạ được 8 người con. Hai trong số đó là vua sau này của nước Anh. Trong suốt cuộc đời, bà đã nắm quyền kiểm soát rất nhiều vùng đất mênh mông ở miền Nam nước Pháp nhưng bà cũng rất tài tình trong việc trông nom cuộc sống của các con, các cháu.
Joan of Arc - 1412-31 - thủ lĩnh quân đội Pháp
Sinh ra trong một gia đình nông dân, Joan of Arc đã trở thành một nữ anh hùng của nước Pháp khi đứng đầu quân đội của vua Charles VII chống lại quân Anh và vây hãm xứ Orleans. Bị bắt giữ bởi người Burgundy và người Anh đòi tiền chuộc, bà đã bị đưa ra tòa vì tội dùng yêu thuật và gian lận. Cuối cùng bà chỉ bị kết tội đã mặc quần áo đàn ông, chống lại nhà thờ và bị thiêu sống. Truyền thuyết về bà càng ngày càng lan truyền và bà được phong thánh năm 1920.
Isabella I of Castile - 1451-1504 - nữ hoàng Tây Ban Nha
Khi Isabella kết hôn với vua Ferdinand of Aragon vào năm 1469, bà và chồng đã cùng nhau cai trị toàn lãnh thổ Tây Ban Nha. Họ đã cai trị đất nước một cách độc lập. Tuy nhiên, Isabella đã khởi xướng một chương trình cải cách nhằm làm giảm bớt quyền lực của giới quí tộc thường gây rối; tổ chức mới bộ máy chính quyền và khuyến khích dân chúng học hành. Là người sùng đạo, bà đã giúp xây dựng một Toà án dị giáo tại Andalusia và đã trục xuất hơn 170.000 người Do Thái ra khỏi Tây Ban Nha. Cùng với vua Ferdinand, bà đã chinh phục Granada, lãnh thổ cuối cùng của người Moor và cuối cùng thì họ cũng bị trục xuất khỏi lãnh thổ Tây Ban Nha
Catherine de Medici - 1519-1589 - Nữ hoàng nước Pháp
Catherine de Medici sinh ra trong dòng họ Mecidi đầy thế lực tại thành Florence nước Ý. Năm 1533 Catherine de Mecidi kết hôn trong một cuộc hôn nhân mang tính chính trị với Henri, quận công xứ Orleans, người về sau trở thành vua nước Pháp năm 1547. Là hoàng hậu, bà rất có ảnh hưởng trong việc truyền bá văn hóa Ý đến nước Pháp như nghệ thuật sân khấu và ẩm thực. Sau cái chết của chồng, bà giành được quyền lực chính trị trong tay với tư cách là nhiếp chính vương (bà có mười người con). Là một phụ nữ đầy tham vọng, bà tham gia tích cực vào các mưu đồ chính trị trong chốn cung đình và luôn luôn cố gắng mở rộng uy quyền của hoàng gia. Ðầu tiên, Catherine cố gắng hòa giải sự mâu thuẩn giữa các giáo phái Tin lành và Thiên chúa của nước Pháp vì sự bất đồng bạo loạn đã đe dọa đến sự thống nhất nước Pháp. Nhưng do cuộc tàn sát đẫm máu vào năm 1570 của người theo đạo Tin lành (cuộc tàn sát thánh Bartholomew), nền hòa bình này đã bị tan vỡ và bà Catherine bị đỗ trách nhiệm là đã cho phép sự kiện xảy ra.
Mary - Nữ hoàng xứ Scotland - 1542-1587
Bà Mary có một cuộc đời đầy sóng gió và biến cố. Bà trở thành nữ hoàng xứ Scotland khi mới vừa tròn sáu ngày tuổi. Lên 5 tuổi, bà được đưa sang Pháp để được nuôi dạy trong hoàng gia Pháp và cuối cùng bà kết hôn với vua Francis II và ông này lại mất vào năm sau đó. Là quả phụ, Mary trở lại Scotland, nơi bà đã dính líu vào hàng loạt những chuyện tình thiếu khôn ngoan về chính trị và việc tiếp tục theo đạo Thiên chúa trong một đất nước đa số là đạo Tin lành đã gây ra nhiều rắc rối và nhiều cuộc nổi loạn chống lại bà. Buộc phải chạy tị nạn qua nước Anh, bà lại phải đương đầu với những nỗi sợ hãi của Nữ hoàng Elizabeth I, người đã xem bà là một đối thủ nguy hiểm cho ngôi vua. Elizabeth I đã tống giam Mary suốt 19 năm trời. Dưới sự theo dõi chặc chẽ, bà bị qui là có liên quan đến hàng loạt các âm mưu chống lại nữ hoàng Elizabeth I và cuối cùng bị kết án tử hình
Elizabeth I - 1533-1603 - nữ hoàng nước Anh
Bà Elizabeth có một tuổi thơ giữa những âm mưu chính trị. Người ta vẫn cho rằng lẽ ra Elizabeth sẽ không bao giờ trở thành nữ hoàng. Thế nhưng bà đã làm được điều đó và khi trở thành nữ hoàng bà đã dành thời gian để vỗ về các tín đồ thiên chúa giáo bằng những đạo luật khoan hồng, khuyến khích cải cách bộ máy chính quyền, củng cố đồng bạc và đẩy mạnh nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Bà có trình độ học vấn rất cao vì thế bà đã biến triều đình trở thành một trung tâm tri thức. Quan hệ ngoại giao của Elizabeth đã gặp rất nhiều khó khăn. Luôn luôn bị thúc ép thành lập những liên minh chính trị, về mặt ngoại giao, bà tỏ vẻ quan tâm nhưng cuối cùng thì bà luôn luôn từ chối không thực hiện được. Thành công lớn nhất của bà là việc đánh bại quân xâm lược Armada của Tây Ban Nha năm 1588 trong vùng biển ngoài bờ Tây Anh quốc . Những thất bại nặng nề nhất của bà là việc đàn áp các cuộc nổi dậy ở Ireland và những cuộc trường chinh. Trong suốt 45 năm trị vì đầy ý nghĩa, Elizabeth đã làm nước Anh trở thành một cường quốc châu Âu với sức mạnh thương mại và đã trở thành một nơi gặt hái được thành quả trí tuệ to lớn. Công bằng mà nói " thời đại Elizabeth" là một trong những kỷ nguyên sáng chói nhất của nước Anh.
Amina - 1560-1610 - nữ hoàng Nigeria
Nữ hoàng Amina đứng đầu một nhà nước đô thị gọi là Hausa người Nigeria thuộc Zaria. Người ta cho rằng người Hausa thuộc chế độ mẫu hệ ở thời đó vì phụ nữ xứ này trở thành hoàng hậu thì không phải là hiếm. Là một nhà lãnh đạo quân đội vĩ đại, Amina biến toàn bộ các nhà nước đô thị Hausa nằm dưới quĩ đạo của mình và bà khuyến khích họ xây dựng các bức tường phòng thủ khổng lồ bằng đất. Bà cũng mở ra những con đường giao thương xuống phía Nam và làm cho nền kinh tế của Zaria giàu lên bằng vàng, nô lệ và hạt cola
Mbade Nzinga - 1582-1663 - Nữ hoàng xứ Angola
Nzinga (còn gọi là Jinga) là nữ hoàng tài ba của hai vương quốc Ndonga và Matamba. Bà được mọi người trọng nể nhờ bà kiên quyết chống lại quân Bồ Ðào Nha khi họ tăng cường chiếm lĩnh tất cả vùng lãnh thổ hiện nay gọi là Angola. Thường xuyên bị họ dồn về Ðông, bà Nzinga đã tổ chức một đội quân du kích hùng hậu để chinh phục nước Matamba và thành lập một liên minh để kiểm soát các tuyến đường buôn bán nô lệ. Thậm chí bà đã liên minh với người Hà Lan để giúp ngăn chặn bước tiến của quân Bồ Ðào Nha. Sau hàng loạt những bước lùi mang tính quyết định, Bà đã đàm phán được một hiệp định hòa bình với người Bồ Ðào Nha nhưng vẫn từ chối cống nộp.
Catherine Ðại đế - 1729-96 - nữ hoàng nước Nga
Là phụ nữ cực kỳ thông minh và đầy tham vọng, năm 1744 Catherine từ nước Ðức đến Nga để kết hôn với đại công tước Peter lúc ấy 16 tuổi. Do ông không được quần chúng yêu mến, bà đã hạ bệ và bố trí giết ông chết và tự tuyên bố mình là nhà cai trị duy nhất của nước Nga. Tự cho mình là người trị vì với những tư tưởng khai sáng, bà ủng hộ các ý tưởng cấp tiến như cải cách luật pháp, giáo dục, cải cách bộ máy hành chính cấp tỉnh và huyện. Nhưng bà cai trị như một vua chuyên quyền và việc đàn áp người Ba lan yêu nước đã dẫn tới việc nước này chia tách và chiếm xứ Crimea và một số vùng của bờ Biển Ðen từ tay Thổ Nhĩ Kỳ.
Victoria - 1819-1901 - nữ hoàng nước Anh
Nữ hoàng Victoria là triều đại dài nhất trong lịch sử nước Anh. Gọi là thời đại Victoria bởi vì lúc đó nước Anh đạt đến đỉnh cao cường thịnh về thực dân. Nữ hoàng Victoria đã trở thành biểu tượng của chính sách bành trướng quốc tế kiểu Anh. Bà cương quyết tham gia vào các quyết định của chính phủ và hậu thuẩn mạnh mẽ các vị bộ trưởng mà bà yêu thích. Bà rất tự hào với vai trò làm vợ, làm mẹ và có đến chín người con. Sau cái chết của người chồng yêu quí Albert, bà bước vào một giai đoạn buồn khổ sâu sắc, không xuất hiện trước công chúng trong vòng ba năm trời. Nhưng trong những năm sau đó, bà lại được công chúng mến mộ, đặc biệt là các cuộc kỷ niệm quốc khánh năm 1887 và 1897
Liliuokalani -1838-1917 - nữ vương cuối cùng của Hawaii
Triều đại của Nữ vương Liliuokalani rất ngắn ngủi và đầy giông tố. Nhờ vào kế vị ngai vàng, bà phải giải quyết một nền kinh tế trì trệ và một hiến pháp do người Mỹ áp đặt lên người dân Hawai để làm bất lực chế độ quân chủ xứ này. Bà Liliuokalani quyết tâm đưa Hawaii thoát ra khỏi sự kiềm kẹp của Mỹ. Bà đưa ra một hiến pháp mới dẫn đến một sự đối đầu giữa bà và người Mỹ. Và bà Liliuokalani đã bị Mỹ hạ bệ rồi họ thiết lập một chính quyền lâm thời. Nữ hoàng bị bỏ tù do bị cáo buộc xúi giục các cuộc bạo loạn dù rằng chưa có vụ nào thực sự xảy ra
Golda Meir - 1898-1978 - nữ Thủ tướng Israel
Bà Golda Meir sinh ra tại Ukraine và có sinh sống một thời gian ngắn tại Mỹ. Bà di cư đến Israel năm 1921. Bà hoạt động trong phong trào công đoàn và nhờ đó đã đạt được những chức vụ cao trong guồng máy chính trị bao gồm các sứ mệnh ngoại giao đến nước ngoài. Khi Israel trở thành một nhà nước độc lập thì bà trúng cử vào Knesset (Quốc hội ) và lần lượt bà trở thành Bộ trưởng Bộ Lao động và Bộ trưởng Ngoại giao - bà còn là người phụ nữ duy nhất có mặt trong chính quyền Công đảng Israel. Năm 1969, bà đắc cử Thủ tướng và đây chính là một chiến công chính trị của một phụ nữ Israel lúc bấy giờ. Bà là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, cứng rắn và hùng mạnh nhưng chính sách quốc phòng của bà đã bị chỉ trích sau khi Israel dường như không được chuẩn bị trước cho cuộc chiến Yom Kippur năm 1973. Và bà đã rút lui khỏi đời sống chính trị sôi động khi Công đảng bị mất quyền do hậu quả của cuộc chiến tranh đó
Indira Gandhi - 1917-1984 - nữ Thủ Tướng Ấn Độ
Là con gái của ông Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, nên hoạt động chính trị luôn luôn là một phần thế giới của bà. Indira Gandhi tham gia vào Ðảng Quốc đại của cha bà năm 1938 và bà bị người Anh bỏ tù một thời gian ngắn do tội ủng hộ nền độc lập của Ấn Độ Anh. Sau cái chết của cha, bà được đắc cử vào Quốc hội, thay thế vị trí của cha và bà trở thành Thủ tướng năm 1966. Sau đó, bà tiếp tục tiến hành nhiều chính sách của cha như cải cách ruộng đất và quốc hữu hóa hệ thống ngân hàng. Nhưng Ấn Độ phải chịu đựng nhiều vấn đề về kinh tế trong thời gian bà cầm quyền. Nhiều cuộc bạo loạn đã xảy ra khiến bà công bố luật về tình trạng khẩn cấp. Các đối thủ chính trị của bà bị bỏ tù và báo chí bị kiểm duyệt. Năm 1977 bà bị thất bại trong cuộc tuyển cử và thậm chí phải đối mặt với những cáo buộc tham nhũng. Sau khi bị truất khỏi Quốc hội và bị bỏ tù một thời gian ngắn, bà tổ chức lại Ðảng của bà và bà tái đắc cử Thủ tướng Ấn Ðộ năm 1980. Năm 1984 bà chết thê thảm dưới tay một sát thủ người Sikh khi trả đũa các hành động bạo lực của bà khi bà tìm cách chấm dứt tình trạng rối loạn ở đền Sikh linh thiêng
Magaret Thatcher -1925 - nữ Thủ tướng Anh
Margaret Thatcher là vị nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Anh và là Thủ tướng Anh đầu tiên đắc cử 3 nhiệm kỳ liên tiếp trong thế kỷ 20. Là một luật sư, bà tham gia Quốc hội Anh đầu tiên vào năm 1959 và giữ nhiều chức vụ của các bộ. Năm 1974, bà đắc cử lãnh đạo Ðảng Bảo thủ và đã đưa Ðảng giành chiến thắng vào cuộc bầu cử năm 1979. Tán thành những tư tưởng bảo thủ dựa trên kinh doanh tự do, bà ủng hộ cắt giảm chi phí công cộng, giới hạn nguồn cung tiền tệ và tăng lãi suất. Các chương trình tư nhân hoá của bà đã dẫn tới các cuộc phản đối của công đoàn, các lộn xộn lao động và tỉo lệ thất nghiệp cao. Bà được phong danh hiệu "Người đàn bà sắt" vì đã có những nguyên tắc cứng rắn chống lại Liên Xô cũ và việc bà can thiệp quân sự nhanh chóng khi quân Achentina đánh chiếm đảo Falkland. Năm 1990 bà từ chức Thủ tướng mặc dù bà vẫn là nghị sĩ Quốc hội Anh đến năm 1992.
Nữ hoàng Sondok - Hàn Quốc
Cha nàng là Vua của vương quốc Silla, xuất hiện ở phía Nam nước Hàn trong những năm từ 250 - 350 sau Công nguyên, và vào cuối thế kỷ thứ 7, ông mong muốn thống nhất toàn bộ bán đảo Triều Tiên. Vì chẳng có con trai nối ngôi, vua cha bèn truyền ngôi lại cho con gái là Sondok, và quyết định này chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả vì một số lý do. Một là phụ nữ trong thời kỳ này có mức độ ảnh hưởng nhất định như đóng vai trò cố vấn, nhiếp chính... Trong toàn vương quốc, phụ nữ thường là chủ hộ bởi vì chế độ mẫu hệ từ lâu đã tồn tại song song với chế độ phụ hệ. Khuôn mẫu Nho giáo, thường đặt vai trò của người phụ nữ trong gia đình vào hàng thứ yếu, không ảnh hưởng mấy đến đất nước Hàn Quốc mãi cho đến thế kỷ thứ 15. Tại vương quốc Silla, địa vị của người phụ nữ được coi trọng
Bên cạnh đó, cũng còn những lý do khác khiến vua trị vì xứ Silla chọn Sondok làm người kế vị ngai vàng. Khi vừa mới chào đời, Sondok đã chứng tỏ là một cô gái thông minh nhanh nhẹn. Có một giai thoại kề rằng có một lần nhà vua nhận được một hộp đựng các hạt mẫu đơn từ Trung Quốc kèm theo một bức họa vẽ hình dáng hoa nở của những hạt này. Nhìn vào bức tranh, tiểu công chúa Son**d khi đó mới được 7 tuổi nhận xét rằng hoa trong bức tranh xinh đẹp nhưng đây là loài hoa không hay lắm bởi không có mùi hương. "Vì nếu có một bông hoa như thế, bướm và ong sẽ bay xung quanh nụ hoa trong bức tranh". Những quan sát của bà về hoa mẫu đơn đẹp nhưng thiếu mùi hương qủa không sai và điều đó chỉ là một trong nhiều minh chứng về khả năng thông minh và cai trị đất nước của bà
Vào năm 634, Sondok chính thức lên ngôi trị trị vì vương quốc Silla mãi đến năm 647. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong số 3 người phụ nữ tài hoa đã cai trị vương quốc này và tiếp ngay sau đó vương quốc bị phân ly bởi cuộc nổi loại của một người anh họ tên là Chindok, người đã tiếp tục trị vì vương quốc đến năm 654.
Nữ hoàng Sondok luôn lo nghĩ vì triều đại của bà đầy bạo loạn và các cuộc xung đột tại nước láng giềng Paekche. Tuy nhiên với tư chất thông minh, bà đã cố gắng đoàn kết thống nhất vương quốc trong suốt 14 năm trị vì; mở rộng mối quan hệ với Trung Quốc, gởi các sĩ phu du học tại nước này hồi đó. Bà cũng rất sùng đạo Phật và chính bà là người chủ trì và hoàn thành các đền chùa trong nước. Bà đã cho xây dựng Tháp Mặt Trăng và các vì sao được coi là đài khí tượng đầu tiên của vùng Viễn Ðông. Hiện nay, tháp này vẫn còn tại Kyongju, cố đô của vương quốc Silla, Hàn Quốc.
Hình ảnh lãnh tụ đáng tôn vinh của bà càng được củng cố thêm bởi truyền thống cổ xưa của giáo thuyết Shaman ngự trị tại nước Hàn thời bấy giờ cũng như còn tồn tại ở một số dân tộc khác nhau. Cho đến thời Sondok, thuật ngữ Shaman được dùng để chỉ phụ nữ. Những phụ nữ gọi là Shaman đều có quyền lực lớn và được công nhận là nhân vật trung gian giữa các vị thần và người phàm. Một số họ đóng vai trò chủ trì các buổi tế lễ của vương quốc, tuy nhiên phần lớn họ đều thuộc gia đình những nữ tu mà vai trò mang tính thừa kế. Qua việc nắm giữ phần hồn, các nữ tu Shaman thực hiện việc chữa trị tâm linh và xua đuổi tà ma; nói rõ những nguyên nhân dẫn đến bất hòa gia đình và tư vấn cách giải quyết; lựa chọn ngày lành tháng tốt cho đám cưới, đám ma; thực hiện các nghi lễ để đảm bảo sự thịnh vượng liên tục trong cộng đồng dân tộc và chữa trị cho những ai bị tổn thương về tinh thần và thể xác. Với tư cách là nhà chiêm tinh của vương quốc, các nữ tu dòng Shaman có quyền lực vô song. Truyền thuyết lịch sử kể rằng Nữ hòang Sondok cũng được mọi người sùng kính về khả năng đoán trước tương lai. Liệu có phải điều này chính là nguyên nhân chính ngoài các khả năng khác xác định tài lãnh đạo của bà ? Nếu qủa như vậy thì đấy chính là một trong những thí dụ điển hình về tài năng đã giúp giới phụ nữ nắm được vai trò lãnh đạo như nam giới.
Soghaghtani Beki - (Mông Cổ)
Vào năm 1227 sau Công nguyên, Chinggis Khan (Genghis Khan), " Vị chúa tể của các miền đất được đại dương bao phủ" băng hà. Tuy nhiên vấn đề là ai sẽ là người kế vị ngai vàng ? Chinggis từ giã cõi đời để lại 4 đứa con trai của người vợ cả, Borte, tuy nhiên ông chẳng hề có hệ thống kế vị theo trình tự. Bởi vì trong vương quốc người ta biết rằng ông rất yêu quí Ogodei nên vị hoàng tử này đã trở người đầu tiên tiếp nhận danh hiệu đại đế Mông Cổ đó
Việc Ogodei mất vào năm 1241 đã mở đầu cho một cuộc đấu tranh giành quyền lực thực sự trong hòang tộc. Cuộc đấu tranh đó diễn ra giữa các hòang phi của vua, người nào cũng muốn đưa ra ứng cử viên của mình. Việc nữ giới Mông Cổ nắm quyền bính là chuyện bình thường. Người vợ của những tộc trưởng thường là người đầu tiên hưởng địa vị cao trong xã hội và thường xuyên tham gia giải quyết các công việc của bộ tộc
Người vợ cả của Ogodei là Toregene có mưu đồ giành ngôi báu cho con trai của mình là Guyuk. Vào năm 1246, Guyuk lên ngôi hòang đế tuy nhiên ông đã chết chỉ sau 2 năm trị vì vương quốc. Vợ của ông là Oghul Qamish, trở thành nhiếp chính cho cả 3 người con còn nhỏ của mình, thế nhưng trên thực tế, bà đã là nhiếp chính vương trông coi tòan bộ công việc trong vương quốc. Chính vì các con của bà qúa nhỏ cho nên bà chọn một ứng cử viên khác cho danh hiệu đại đế là người cháu trai Shiramon. Với quyết định này, dòng họ Ogodei đã đổ vỡ và phải chờ cho đến cho đến khi xuất hiện một nhân vật khôn ngoan bản lĩnh hơn cả Oghul Qamish. Ðó chính là Sorghaghtani Beki, vợ góa của Tolui là một trong những hoàng tử của đại đế Chinggis
Sorghaghtani Beki đã giành được quyền lực tối thượng. Bà chính là con dâu của đại đế Chinggis. Hơn nữa bà còn là một nhà chính trị nhiệt thành và chính bà vạch ra rằng những vị đại đế Mông cổ trong tương lai phải là con cháu trực hệ của Chinggis trong đó Shiramon không phải như vậy. Giới qúy tộc nhanh chóng đứng về phe Sorghaghtani Beki chống lại Oghul và cuối cùng thì người con cả của Sorghaghtani Beki là Mongke đã giành được chiến thắng. Ông lên ngôi đại đế vào năm 1251, tiếp nối đế chế Mông cổ theo dòng Tolui. Chính vì yếu tố này, bà Sorghaghtani được xem là " linh hồn dẫn dắt dòng Tolui"
Mongke là vị đại đế Mông Cổ cuối cùng nắm quyền kiểm soát toàn bộ đế chế Mông Cổ vĩ đại. Chỉ 8 năm sau khi ông mất, một người con khác của Sorghaghtani Beki là Khubilai Khan trở thành đại đế Mông Cổ . Và cũng chính ông đã tấn công nước Trung Hoa thời phong kiến và cuối cùng đánh chiếm toàn bộ, thiết lập ách độ hộ của đế chế Mông Cổ tại đây (1272 - 1368). Một người con trai khác của Sorghaghtani Beki cũng có tầm ảnh hưởng không kém là Hulagu đã được giao trọng trách đem quân đánh chiếm các nước Ba Tư, Baghdad và vùng Trung Ðông. Vào năm 1253, ông đã thiết lập ách đô hộ của Mông Cổ trên đất nước Ba Tư và một số nơi khác tại Trung Ðông.
Trong suốt những năm con cái của bà cai trị đất nước, tầm ảnh hưởng và việc giáo dục của Sorghaghtani Beki đối với các con rất lớn. Bà bắt buộc các con trai phải nhận được sự huấn luyện đầy đủ và các kỹ năng xông pha trận mạc và kiến thức điều hành cần thiết để cai trị đế chế Mông Cổ. Mặc dù chính bản thân bà thất học nhưng bà đã tạo cho các con của mình một nền học vấn vững chắc. Bà đã nêu một thí dụ điển hình cho các con thấy là sẽ đạt được những kết quả tốt khi bà hỗ trợ nông dân không phải người Mông Cổ thay vì bóc lột họ trong các lãnh thổ bà cai quản. Cho rằng những gì người con trai của bà - Khubilai Khan cần có để cai trị đất nước Trung Hoa, bà đã giới thiệu cho Khubilai tìm hiểu nghiên cứu về những ý niệm trong tư tưởng Nho giáo của đất nước này
Cũng nhờ bà mà các con của bà được nổi tiếng với các chính sách khoan hồng và rộng lượng đối với các vấn đề tôn giáo. Sorghaghtani Beki là người theo đạo Cơ đốc dòng Nestoria và bà vẫn luôn bảo trợ cho các nền tôn giáo khác nhau du nhập từ nước ngoài. Ðiển hình là bà đã dùng tiền của để bố thí cho những người theo đạo Hồi. Những người theo đạo Phật và Nho giáo cũng được bà hỗ trợ. Trong khi Khubilai Khan đang cai trị Trung Quốc, chính nhờ vào lòng tin vào đạo cơ đốc của mẹ mình đã giúp ông giúp đỡ cộng đồng đạo Cơ đốc theo dòng Nestoria nhỏ bé ở đó. Ông cũng đã tuyển dụng nhiều người theo đạo Hồi vào làm việc trong bộ máy chính quyền của mình và do ảnh hưởng của vợ ông là Chabi, ông đã tranh thủ được thiện cảm từ gia đình hoàng tộc Song của nước này thay vì giết hoặc không tín nhiệm họ
Hulagu đã chính thức lập gia đình với Doquez-khatum, một công chúa theo đạo dòng Nestoria, tức cùng họ đạo với mẹ ông. Khi Hulagu cướp phá Baghdad, chính Doquez-khatum đã xin ông khoan dung tha mạng cho tất cả những người theo Cơ đốc giáo. Anh trai của Hulagu là đại đế Mongke đã tỏ ý hài lòng với hành động độ lượng này của cô em dâu . Ông đã nói với Hulagu:" Chú cần tham khảo ý kiến của vợ trong các công việc". Ðể làm hài lòng vợ, Hulagu đã ủng hộ đạo Cơ đốc và dưới thời ông vô số nhà thờ đã được dựng lên
Những thế hệ sau này của đất nước Ba Tư dưới triều đại của đại đế Ilkhanate, một số người phụ nữ Hòang gia không chỉ đóng vai trò tích cực trong việc ra quyết định mà đôi khi chính họ còn trực tiếp cai trị vương quốc. Tên tuổi của bà Sorghaghtani, người mẹ của các vị đại đế Mông cổ, được một sử gia người Ba Tư mô tả như sau:" Bà là một con người cực kỳ thông minh và tài năng và là đỉnh tháp cao nhất trên tất cả phụ nữ của thế giới".