watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Anh Hùng Xạ Điêu-Hồi 20(b) - tác giả Kim Dung Kim Dung

Kim Dung

Hồi 20(b)

Tác giả: Kim Dung

Quách Tĩnh chợt thấy vui vẻ nghĩ thầm:
- Phen này Lão Độc vật nhất định mắc lừa rồi.
Lại xoay chuyển ý nghĩ một lúc, nói:
- Âu Dương Phong võ học cao thâm, lại cơ cảnh giảo hoạt, đệ tử viết bậy viết bạ nhất định bị y nhìn ra thì làm thế nào?
Hồng Thất công nói:
- Ngươi nên viết giống thật nhưng lại không phải, ba câu thật thì chen hai câu giả vào gặp những chỗ bí quyết luyện công, thì cứ tăng tăng giảm giảm cho y, trong kinh nói hít thở tám lần thì ngươi sửa thành sáu hay mười lần, Lão Độc vật có khôn ngoan hơn cũng quyết không nhìn ra được đâu. Ta thà bảy ngày bảy đêm không uống rượu không ăn cơm để được thấy Lão Độc vật luyện giả kinh ra sao.
Nói tới đó bất giác cười sằng sặc. Quách Tĩnh cười nói:
- Nếu y theo giả kinh để luyện công không những hao phí thời giờ, vất vả không công, chỉ sợ cơ thể còn bị hại.
Hồng Thất công cười nói:
- Ngươi cứ mau nghĩ cách sửa đổi cho tốt, chỉ cần y hơi nghi ngờ một chút thì đại sự không thành đâu.
Lại nói:
- Mấy trang đầu của quyển kinh này vợ Hoàng Dược Sư đã viết qua, thằng tiểu súc sinh Âu Dương Khắc kia đã học thuộc lòng trên đảo Đào Hoa thì không thể sửa được, nhưng cứ lén lén viết sai đi mấy chữ, chắc thằng tiểu súc sinh ấy cũng không nhìn ra đâu.
Quách Tĩnh nhớ lại kinh văn trong chân kinh, tính toán những chỗ có thể đổi trắng thay đen, đảo lộn sai đúng, chỗ nào có thể sửa tĩnh thành động, đổi trên thành dưới, nhưng cũng không phải là y phải tự làm văn chương, chỉ là theo yếu quyết của sư phụ dạy, đem kinh văn đảo lộn một phen mà thôi, trong kinh nói:
- Lòng bàn tay hướng lên trên thì y nghĩ có thể sửa thành: Lòng bàn chân hướng lên trời. Chân đạp xuống đất thì sửa thành: Tay ấn xuống đất, cũng không hề gì, trong kinh nói: Khí tụ ở Đan điền. thì rất có thể sửa thành Khí tụ ở ngực.
Nghĩ tới chỗ đắc ý bất giác thở phào ra một hơi, tự nhủ:
- Việc đùa cợt người ta thế này thì Dung nhi và Chu đại ca đều rất thích thú, chỉ tiếc một người thì sinh ly, một người thì tử biệt, Dung nhi còn có thể có ngày đoàn tụ, chứ Chu đại ca thì vĩnh viễn không nghe được trò đùa này của mình rồi.
Sáng sớm hôm sau, Hồng Thất công lớn tiếng nói với Âu Dương Khắc:
- Lão khiếu hóa võ công tự thành một nhà, cho dù Cửu âm chân kinh vứt ngay trước mặt cũng không thèm liếc mắt một cái. Chỉ có đồ rùa đen không ra gì, công phu không ra sao mới nhất định muốn ăn trộm bằng được chân kim chân ngân gì đó, về nói với lão chú chó má của ngươi, chân kinh thì sẽ viết cho y, y cứ về đóng cửa khổ luyện, luyện xong thì qua đây đánh nhau với lão khiếu hóa, chân kinh tự nhiên là hay nhưng ta nhất định không thèm ghé mắt vào, xem y được chân kinh rồi có thể đánh nổi lão khiếu hóa không. Y khổ luyện võ công trong Cửu âm chân kinh, công phu bản môn tự nhiên sẽ bỏ phế, thêm một bớt một, rốt lại lại không vẫn ngang tài ngang sức với lão khiếu hóa sao? Cái đó gọi là cởi quần đánh rắm, làm chuyện thừa thãi.
Âu Dương Phong đứng cạnh cửa khoang nghe mấy câu ấy rất rõ, trong lòng cả mừng, nghĩ thầm:
- Lão ăn mày trước nay vốn tự phụ, quả nhiên không sai, chính vì thế mới chịu đưa kinh văn cho mình, nếu không thì với tính khí thà chết không chịu khuất của y thì rắn tuy độc, bụng tuy đói cũng không dễ ép y vào khuôn phép đâu.
Âu Dương Khắc nói:
- Hồng bá phụ nói câu ấy sai rồi? Võ công của gia thúc đã đạt tới hóa cảnh, Hồng bá phụ bản lãnh như thế còn không thắng được gia thúc một chiêu nửa thức, thì người còn cần gì phải học Cửu âm chân kinh? Gia thúc thường nói với tiểu diệt rằng người rất ngờ Cửu âm chân kinh chỉ có hư danh, thêu dệt lừa người, nếu không tại sao Vương Trùng Dương năm xưa lấy được Cửu âm chân kinh vẫn không thấy có võ công gì thật rõ ràng là kinh thế hãi tục? Gia thúc phát nguyện là muốn nêu rõ những điều lừa dối bịa đặt trong Cửu âm chân kinh, chỉ ra cho những kẻ sĩ học võ trong thiên hạ cùng biết bộ chân kinh ấy là hữu danh vô thực, sai lầm rất nhiều. Như vậy không phải là một hành động tốt đẹp tạo phúc cho võ lâm sao?
Hồng Thất công hô hô cười rộ, nói:
- Thằng mù nhà ngươi thổi da trâu làm gì! Tĩnh nhi, chép kinh văn cho y xem đi. Nếu Lão Độc vật có thể chỉ ra những chỗ sai lầm trong Cửu âm chân kinh thì lão khiếu hóa sẽ dập đầu trước mặt y.
Quách Tĩnh vâng dạ bước ra. Âu Dương Khắc đưa y vào khoang lớn, lấy ra giấy bút, tự mình mài mực, hầu y viết kinh.
Quách Tĩnh học chữ chỉ được vài năm, thư pháp vô cùng vụng về, lại phải nghĩ cách sửa đổi văn tự trong kinh nên viết rất chậm, thỉnh thoảng có chữ không biết viết thế nào phải nhờ Âu Dương Khắc chỉ giúp, đến giờ Ngọ chỉ mới viết được gần một phần tư. Âu Dương Phong thủy chung không hề bước ra, Quách Tĩnh viết được trang nào, Âu Dương Khắc lại cầm trang ấy ra đưa cho chú.
Âu Dương Phong thấy mỗi đoạn văn nghĩa đều không dễ mà giải thích, nhưng lời lẽ trong kinh văn cổ phác, đoán là có ý nghĩa sâu xa, sau này về đến Tây Vực sẽ từ từ tham cứu, với sự thông minh tài trí của mình ắt có thể suy đoán hiểu rõ tất cả, tâm nguyện mấy mươi năm một sớm được đền bù, bất giác trong lòng cực kỳ vui vẻ. Y thấy Quách Tĩnh đầu óc ngu tối, chữ viết còn xiêu xiêu vẹo vẹo, mười phần vụng về, tự nhiên không thể chế tạo được lời văn sâu sắc như vậy, lại nghe cháu nói có rất nhiều chữ Quách Tĩnh chỉ biết âm đọc chứ không biết mặt chữ, còn phải nhờ y chỉ cho, vậy thì rõ ràng là chân kinh không còn nghi ngờ gì nữa. Đời nào nghĩ tới gã tiểu tử ngu ngốc ấy được sư phụ dặn dò, lại đem phần lớn kinh văn chép ra nếu không xáo trộn thêm bớt thì là sửa đổi bậy bạ, còn như đoạn quái văn bằng Phạn ngừ ở quyển đầu kinh văn, Quách tĩnh lại càng đảo lộn chẳng còn ra chương pháp gì nữa. Quách Tĩnh không ngừng kéo bút chép tới lúc trời tối quyển hạ kinh văn đã chép được quá nửa. Âu Dương Phong không dám để y về khoang, sợ Hồng Thất công đột nhiên đổi ý, gây ra khó khăn, cho dù quá nửa bộ kinh đã cầm trong tay cũng tàn khuyết không trọn vẹn, vì vậy bày biện thức ăn thịnh soạn, giữ Quách Tĩnh ở lại viết tiếp.
Hồng Thất công chờ đến cuối giờ Tuất đầu giờ Hợi không thấy Quách Tĩnh về rất không yên tâm, sợ việc ngụy tạo kinh văn đã bị Âu Dương Phong phát giác, gã đệ tử ngu ngốc của mình sẽ phải chịu khổ, lúc ấy xà trận trên sạp thuyền đã triệt thoái, y rón rén bước ra cửa khoang, thấy hai tên xà nô đứng ở cạnh cửa coi chừng.
Hồng Thất công vung tay đánh gió về bên trái một chưởng, ào một tiếng, chưởng phong lay động dây buồm. Hai tên xà nô cùng đưa mắt nhìn về phía có tiếng động, Hồng Thất công đã sớm vòng qua bên phải lướt ra. Thân pháp của y mau lẹ thế nào, đúng là người không hay quỷ không biết, đã ra tới mạn thuyền bên phải.
Cửa sổ trong khoang lớn thấp thoáng có ánh đèn hắt ra, Hồng Thất công tới nhìn nhìn qua cửa sổ thấy Quách Tĩnh đang bò trên bàn viết, hai cô gái áo trắng ở bên cạnh pha trà đốt hương, mài mực rọc giấy, phục vụ vô cùng chu đáo.
Hồng Thất công yên tâm, chợt nghe mùi rượu thơm sực mũi, chăn chú nhìn vào, thấy trước mặt Quách Tĩnh có để một chén Trần tửu màu hổ phách xanh biếc như yên chi, mùi thơm sực nức. Hồng Thất công mắng thầm:
- Lão Độc vật chỉ chạy theo thế lợi, đồ đệ mình viết kinh cho y thì y đem rượu quý khoản đãi cho lão khiếu hóa uống thứ rượu tầm thường.
Y là kẻ tham ăn đệ nhất trong thiên hạ, bợm rượu vô song giữa thế gian, đã thấy rượu ngon như thế, không uống được thì đời nào chịu thôi? Tự nhủ “Rượu quý của Lão Độc vật ắt chứa trong khoang dưới hầm, mình cứ xuống uống cho sướng rồi đái vào thùng rượu một bãi cho Lão Độc vật y biết được sự lợi hại của lão khiếu hóa ta. Cho dù vì thế mà thằng đồ đệ ngốc của mình phải chịu cảnh cháy thành vạ lây, uống nhầm nước tiểu của lão khiếu hóa thì cũng không chết được.
Nghĩ tới đó y bất giác đắc ý mỉm cười. Trộm rượu trộm thức ăn vốn là bản lĩnh trên tay của y, năm xưa y ở trên rường ngự trù trong hoàng cung tại Lâm An liền ba tháng, tất cả những thức ăn thức uống của hoàng đế đều bị y nếm trước. Trong hoàng cung canh gác nghiêm ngặt tới mức nào mà y còn ung dung ra vào như chỗ không người, thì xuống thuyền trộm rượu uống quả có gì đáng nói. Lúc ấy y rón rén bước ra phía sau sạp thuyền, nhìn thấy bốn phía không có ai, nhẹ nhàng mở nắp hầm lên chui tọt xuống dưới, đặt mảnh ván trở về chỗ cũ, hít hít mấy cái, đã ngửi thấy mùi rượu từ chỗ nào bốc lên.
Trong hầm khoang toàn một màn đen tối om, y theo mùi thức ăn mò mẫm bước vào khoang chứa lương thực, đánh hỏa tập lên, quả thấy ở góc vách có sáu bảy cái thùng gỗ lớn. Hồng Thất công cả mừng tìm một cái bát mẻ, thổi tắt hỏa tập bỏ vào bọc rồi mới bước tới trước thùng, giơ tay lay lay thấy rất nặng, trong thùng chứa rất đầy. Y tay trái mò nút gỗ trên thùng, tay phải sờ vào đã sắp giật được ra, chợt nghe tiếng bước chân vang lên, có hai người tới ngoài khoang hầm.
Hai người này cước bộ nhẹ nhàng mau lẹ, Hồng Thất công biết nếu không phải chú cháu Âu Dương thì người khác không có được công phu như thế, nghĩ thầm:
- Hai người bọn họ trong đêm tối thế này mà mò xuống hầm khoang, ắt có quỷ kế, quá nửa là hạ độc vào thức ăn để hại người.
Lúc ấy lập tức co người lại sau dãy thùng gỗ, cuộn thành một khối tròn. Chỉ nghe nắp hầm nhè nhẹ mở ra, ánh lửa chớp lên, hai người bước vào.
Hồng Thất công nghe thấy hai người bước tới trước thùng gỗ thì dừng lại, nghĩ thầm:
- Họ muốn hạ độc vào rượu à?
Chỉ nghe Âu Dương Phong nói:
- Dầu củi lưu huỳnh ở các nơi trên thuyền, ngươi đã sắp xếp đủ chưa?
Âu Dương Khắc cười nói:
- Đều đầy đủ rồi, chỉ cần châm lửa một cái thì chiếc thuyền lớn này trong chớp mắt sẽ trở thành tro than, lần này có thể nướng chín lão ăn mày thối tha kia rồi.
Hồng Thất công giật nảy mình:
- Họ muốn đốt thuyền à?
Chỉ nghe Âu Dương Phong lại nói:
- Chúng ta chờ thêm lúc nữa, đợi thằng tiểu tử họ Quách kia ngủ say, ngươi xuống thuyền con trước, ngàn vạn lần phải cẩn thận đừng để lão ăn mày biết, lúc ấy ta sẽ tới châm lửa.
Âu Dương Khắc nói:
- Vậy đám tỳ thiếp và xà nô thì an bài thế nào?
Âu Dương Phong lạnh lùng nói:
- Lão ăn mày thối tha là đại sư võ học một đời cũng phải có người tuẫn táng mới hợp với thân phận của y.
Hai người nói nên lập tức trở ra động thủ, mở nắp thùng ra, Hồng Thất công chỉ thấy mùi dầu xông vào mũi, té ra trong thùng đựng dầu rái, dầu cải. Chú cháu Âu Dương lại trút từng bao từng bao lưu huỳnh trong rương gỗ ra, dùng thìa gỗ gạt gạt trên mặt, bọc bằng thuốc cháy chậm cũng đổ cả ra. Qua hồi lâu, dầu trong khoang hầm đã tưới khắp nơi, hai người xoay lưng bước đi, chỉ nghe Âu Dương Khắc cười nói:
- Thúc thúc, qua một giờ nữa thằng tiểu tử họ Quách này sẽ chôn thân dưới biển, người biết Cửu âm chân kinh trên đời chỉ còn một mình lão nhân gia người thôi.
Âu Dương Phong nói:
- Không, hai người chứ. Chẳng lẽ ta lại không truyền cho ngươi sao?
Âu Dương Khắc cả mừng, xoay tay nhấc tấm ván nắp hầm lên.
Hồng Thất công vừa giận vừa sợ, nghĩ thầm nếu không phải trời xui đất khiến cho mình xuống hầm trộm rượu thì làm sao biết được độc kế của hai người này?
Lửa đỏ bùng lên thì làm sao mà thoát được kiếp nạn?
Nghe tiếng hai người đã đi xa, cũng quay về khoang mình, thấy Quách Tĩnh đã nằm ngủ trên giường, đang định gọi y dậy bàn cách đối phó, chợt nghe có một tiếng động ngoài cửa, biết Âu Dương Phong tới xem mình đã ngủ say chưa, bèn lớn tiếng nói:
- Rượu ngon ơi là rượu ngon! Đem thêm mười bầu lại đây!
Âu Dương Phong sửng sốt, nghĩ thầm lão ăn mày còn đang uống rượu, chợt nghe Hồng Thất công nói tiếp:
- Lão Độc vật, ta với ngươi lại đánh nhau một ngàn chiêu để phân cao thấp. Ồ, ồ, tiểu tử giỏi, đi đi!
Âu Dương Phong đứng hồi lâu, nghe y ăn nói lung tung, trước sau không mạch lạc, mới biết là y nói mơ, nghĩ thầm:
- Lão ăn mày thối tha sắp chết tới nơi mà còn nằm mơ thấy uống rượu, đánh nhau.
Hồng Thất Công lảm nhảm một hồi lại nghiêng tai lắng nghe động tĩnh ngoài khoang, Âu Dương Phong khinh công tuy cao, nhưng bước chân đi về phía mạn thuyền bên trái vẫn bị y nghe thấy. Y ghé sát vào tai Quách Tĩnh, khẽ vỗ vai y, hạ giọng nói:
- Tĩnh nhi!
Quách Tĩnh giật mình thức dậy, ờ một tiếng, Hồng Thất công nói:
- Ngươi theo ta mà làm, đừng hỏi lý do, bây giờ phải rón rén ra khỏi đây ngay, đừng để ai nhìn thấy.
Quách Tĩnh vươn vai ngồi dậy. Hồng Thất công khe khẽ đẩy cửa khoang, kéo tay áo Quách Tĩnh chạy về mạn phải thuyền. Y sợ bị Âu Dương Phong phát giác, không dám tới thẳng phía sau, tay trái nắm cứng mép thuyền, tay phải vẫy Quách Tĩnh một cái thân hình treo phía ngoài thuyền. Quách Tĩnh ngạc nhiên nhưng không dám lên tiếng hỏi, cũng treo người giống hệt như y. Hồng Thất công mười ngón tay bấu vào mạn thuyền từ từ nhích người lên, chăm chú nhìn Quách Tĩnh, chỉ sợ mạn thuyền trơn trượt, y tuột tay rơi xuống biển sẽ gây ra tiếng động lớn.
Mạn thuyền vốn sơn dầu sáng bóng, huống chi một là vốn ẩm ướt, hai là nghiêng vào trong, ba là bị sóng gió vỗ đập mài mòn chỗ lồi chỗ lõm, di động như thế quả thật không phải dễ. May là Quách Tĩnh từng theo Mã Ngọc đêm ngày lên xuống dốc núi dựng đứng, gần đây công phu lại tiến bộ rất nhiều, thủ trảo bấu vào mạn thuyền như móc sắt cắm vào gỗ, có khi chọc hẳn vào những lỗ hở khe nứt trên mạn thuyền, nghiễm nhiên yên ổn xuống tới dưới. Hồng Thất công nửa người chìm dưới nước, từ từ lần ra sau lái, Quách Tĩnh vội theo sau.
Hồng Thất công tới chỗ bánh lái quả thấy phía sau có một chiếc thuyền nhỏ buộc chặt vào thuyền lớn, nói với Quách Tĩnh:
- Lên đi!
Rồi buông tay một cái thân hình đã rời khỏi thuyền lớn. Chiếc thuyền này đi rất mau, xông thẳng về phía trước, Hồng Thất công đã kéo chiếc xuồng qua cạnh thuyền, lật người nhảy lên không một tiếng động, đợi Quách Tĩnh lên rồi liền nói:
- Cắt dây đi.
Quách Tĩnh rút chuỷ thủ cứa một nhát cắt đứt dây buộc, chiếc xuồng nhỏ lập tức xoay mấy vòng trên mặt biển. Hồng Thất công giữ vững mái chèo, chỉ thấy chiếc thuyền lớn dần dần đi sâu vào bóng tối phía trước. Đột nhiên trên đuôi thuyền lớn lóe lên ánh lửa, Âu Dương Phong tay cầm đèn rú lớn một tiếng, phát hiện chiếc xuồng nhỏ không còn nữa, tiếng rú vừa phẫn nộ vừa hoảng sợ. Hồng Thất công vận khí vào đan điền cất tiếng cười rộ.
Chợt từ bên phải có một chiếc thuyền nhẹ lướt sóng lao tới vô cùng mau lẹ cặp vào mạn thuyền lớn. Hồng Thất công ngạc nhiên nói:
- Hừ, lại là thuyền nào nữa đây?.
Câu nói chưa dứt, chỉ thấy trên không có hai con bạch điêu sà xuống, bay vòng vòng trên cột buồm chính của thuyền lớn. Trong chiếc thuyền nhẹ có một bóng trắng chớp lên, đã nhảy lên thuyền lớn. Dưới ánh sao thoáng nhìn thấy trên đầu người áo trắng ấy buộc một cái vòng vàng chớp chớp, Quách Tĩnh hạ giọng la hoảng:
- Dung nhi!
Người trong chiếc thuyền ấy chính là Hoàng Dung. Nàng sắp rời đảo Đào Hoa thì thấy con tiểu hồng mã trong rừng phi tới, chợt nghĩ lại:
- Trên biển thì ngựa vô dụng, đôi bạch điêu này thì có thể giúp mình tìm Tĩnh ca ca.
Lúc ấy bèn chúm môi huýt sáo gọi đôi điêu. Mắt chim điêu rất tinh, bay lại cực nhanh, trên biển rộng mênh mông, rõ ràng dễ phát hiện ra thuyền Quách Tĩnh ngồi. Hoàng Dung nhìn thấy ở chân đôi bạch điêu có mảnh vải khắc hai chữ:
- Có nạn:
Vừa sợ vừa mừng, cưỡi thuyền sai chim điêu bay trên cao dẫn đường, ra sức giương buồm đi mau, nhưng rốt lại vẫn chậm mất một bước, Hồng Thất công và Quách Tĩnh đã rời khỏi thuyền.
Nàng trong lòng áy náy không quên hai chữ: Có nạn, chỉ sợ chậm một bước thì không cứu kịp, nhìn thấy đôi điêu vòng vòng trên cột buồm, không chờ hai thuyền cặp vào nhau, chỉ thấy khoảng cách không xa, tiện tay rút ngọn Nga mi cương thích, tung người nhảy lên thuyền lớn, đúng lúc Âu Dương Khắc đang như con kiến trong chảo nóng chạy vòng vòng. Hoàng Dung quát:
- Quách Tĩnh đâu? Ngươi làm gì y rồi?
Âu Dương Phong đã châm lửa dưới khoang hầm, lại phát hiện ra chiếc xuồng nhỏ buộc sau đuôi thuyền không còn bóng dáng đâu nữa, bất giác luôn miệng kêu trời kêu đất, chỉ nghe tiếng cười của Hồng Thất công từ xa văng vẳng đưa tới, đang nghĩ lần này hại người không được lại trở thành hại mình, đang hoảng hốt không biết làm sao, chợt thấy chiếc thuyền nhẹ của Hoàng Dung, vội sấn ra quát:
- Mau xuống thuyền này?
Nào ngờ đám thuyền phu câm trên thuyền nhẹ đều là bọn gian ác, lúc Hoàng Dung còn trên thuyền, bị nàng uy hiếp không dám không nghe lời, vừa thấy nàng rời thuyền, chính là cơ hội trời cho, lập tức quay bánh lái giương buồm, chạy tít ra xa.
Hồng Thất công và Quách Tĩnh thấy Hoàng Dung nhảy lên thuyền lớn, đúng lúc ấy sau thuyền ngọn lửa đã bùng lên. Quách Tĩnh còn chưa hiểu, la hoảng:
- Cháy, cháy!
Hồng Thất công nói:
- Không sai, lão Độc vật phóng hỏa đốt thuyền, muốn đốt chết hai thầy trò ta đấy Quách Tĩnh ngẩn người, vội nói:
- Mau tới cứu Hoàng Dung.
Hồng Thất công nói:
- Chèo vào gần đi.
Quách Tĩnh ra sức khua mái chèo.
Chiếc thuyền lớn quay bánh lái đuổi theo chiếc thuyền nhẹ, cũng đã gần chiếc xuồng, đám đàn ông đàn bà trên sạp thuyền hoảng sợ chạy cuống cuồng, một tràng tiếng gào thét sợ hãi vang lên. Hồng Thất công cao giọng quát:
- Dung nhi, ta và Tĩnh nhi đều ở đây nhảy xuống bơi qua đây, nhảy xuống bơi qua đây!
Trên biển lớn sóng gió rất mạnh, lại đang giữa đêm khuya, bơi dưới biển vốn rất nguy hiểm, nhưng Hồng Thất công biết Hoàng Dung thủy tính rất thành thạo, đang lúc khẩn cấp không thể không mạo hiểm như thế.
Hoàng Dung nghe tiếng sư phụ, trong lòng cả mừng, không đếm xỉa gì tới chú cháu Âu Dương, quay người chạy ra mạn thuyền, tung người nhảy thẳng xuống biển. Đột nhiên thấy cổ tay bị nắm chặt, thân hình vốn đã rơi xuống lại bị kéo mạnh trở lên, Hoàng Dung cả kinh quay nhìn, chỉ thấy người nắm cổ tay mình chính là Âu Dương Phong, bèn kêu lớn:
- Buông ta ra?
Tay trái vung quyền đánh tới Âu Dương Phong ra tay như chớp, lại quờ một cái nắm luôn. Y nhìn thấy chiếc thuyền nhẹ đã lướt ra xa, đuổi theo cũng không kịp, mà thuyền lớn thì lửa đỏ ngất trời, trên mặt thuyền buồm bay phần phật, cuốn thành một vòng, trong chớp mắt sẽ phải chìm, thấy cứu tinh duy nhất chính là chiếc xuồng nhỏ mà Hồng Thất công đang chiếm, bèn cao giọng quát:
- Lão ăn mày thối tha, Hoàng cô nương đang ở chỗ ta, ngươi nhìn thấy chưa?.
Giơ cao hai tay nhấc bổng Hoàng Dung lên không.
Lúc ấy lửa trên thuyền lớn đã soi đỏ mặt nước. Hồng Thất công và Quách Tĩnh nhìn thấy rất rõ, Hồng Thất công tửc giận nói:
- Y lấy đó uy hiếp, muốn lên xuồng nhỏ của chúng ta, hừ! Ta đi cướp Dung nhi về.
Quách Tĩnh thấy thuyền lớn cháy rần rật, nói:
- Con cũng đi.
Hồng Thất công nói:
- Không, ngươi giữ chiếc xuồng nhỏ này, đừng để Lão Độc vật cướp mất.
Quách Tĩnh ứng tiếng nói:
- Dạ!
Rồi dùng sức khua mái chèo, lúc ấy chiếc thuyền lớn đã đứng yên, không bao lâu thì chiếc xuồng con đã tới bên cạnh. Hồng Thất công hai chân đạp mạnh vào đầu xuồng vọt lên nhảy xổ về phía trước, tay trái vươn ra, cắm năm ngón tay vào mạn thuyền, mượn lực lật người nhảy lên sạp thuyền lớn.
Âu Dương Phong nắm chặt hai cổ tay Hoàng Dung, cười nanh ác nói:
- Lão ăn mày thối tha, ngươi định làm gì?
Hồng Thất công chửi:
- Lại đây, ta đánh nhau với ngươi một ngàn chiêu. Rồi vù vù vù ba chưởng chém tới Âu Dương Phong. Âu Dương Phong kéo người Hoàng Dung ra đỡ, Hồng Thất công đành thu chiêu. Âu Dương Phong tiện tay điểm vào huyệt đạo bên sườn Hoàng Dung một cái nàng lập tức thân hình nhũn ra không động đậy gì được. Hồng Thất công quát:
- Lão Độc vật có biết xấu hổ không, mau thả y thị xuống xuồng, ta và ngươi quyết một phen thắng phụ.
Lúc ấy Âu Dương Phong đâu dễ dàng thả người, nhưng thấy cháu bị lửa ép không ngừng lui lại, bèn nhấc Hoàng Dung ném qua y, kêu lên:
- Các ngươi xuống xuồng con trước đi.
Âu Dương Khắc đón lấy Hoàng Dung, thấy Quách Tĩnh đang đứng thủ trên chiếc xuồng con phía dưới, nghĩ thầm:
- Chiếc xuồng con này quả rất nhỏ, mình trong tay lại ôm thêm một người, nhảy xuống phen này chiếc xuồng nhất định sẽ lật.
Bèn rút một sợi dây to trên cột buồm, tay trái ôm chặt Hoàng Dung tay phải kéo kéo sợi dây tuột xuống chiếc xuồng con.
Quách Tĩnh thấy Hoàng Dung rơi xuống xuồng, trong lòng rất được an ủi, nhưng không biết nàng đã bị điểm huyệt, chỉ thấy trong ánh lứa sáng rực sư phụ và Âu Dương Phong đánh nhau vô cùng kịch liệt, lo lắng cho sự an nguy của sư phụ, cũng không kịp hỏi han Hoàng Dung, chỉ ngẩng đầu ngưng thần xem hai người đánh nhau.
Hồng Thất công và Âu Dương Phong đều thi triển võ công thượng thặng, trong đám lửa đỏ vừa liên tiếp né tránh cánh buồm cột buồm dây thừng liên tiếp rơi xuống vừa hóa giải chiêu số của đối phương. Lúc ấy Hồng Thất công chiếm được thượng phong, y từng lội dưới nước để lên xuồng con nên toàn thân ướt đẫm, không như Âu Dương Phong áo quần tóc tai dễ bị lửa táp. Hai người võ công vốn khó phân cao thấp, một bên đã chiếm tiện nghi là ở vào thế thượng phong. Âu Dương Phong không bao lâu râu tóc đều cháy trụi, vạt áo bén lứa, bị ép lùi dần từng bước vào khoang thuyền cháy rừng rực, muốn nhảy xuống biển nhưng bị Hồng Thất công xông lên ép không thể rảnh chân một bước, nếu nhảy bừa xuống biển ắt phải trúng đòn, quyền thế chưởng phong của Hồng Thất công lợi hại tới mức nào, chỉ cần trúng phải một đòn ắt bị thương không nhẹ, y ra sức chiết giải, trong lòng thầm tính kế thoát thân.
Hồng Thất công nắm chắc phần thắng, càng đánh càng đắc ý, đột nhiên sực nghĩ:
- Nếu ta đẩy y vào đám lửa, kết liễu tính mạng y thì chẳng còn gì là thú vị. Y đã được bộ Cửu âm giả kinh của Tĩnh nhi, nếu không tu tập một phen thì có chết cũng không cam tâm, vậy không để y mắc lừa lần này sao?
Lúc ấy bèn hô hô cười rộ, nói:
- Lão Độc vật, hôm nay ta tha cho ngươi, lên xuồng đi.
Âu Dương Phong cặp quái nhãn đảo một vòng, phi thân nhảy xuống biển, Hồng Thất công đang định nhảy xuống, nhợt nghe Âu Dương Phong nói:
- Khoan đã bây giờ ta đang ướt, chúng ta hãy công bằng quyết thắng phụ một phen.
Rồi nắm cái mỏ neo treo cạnh mạn thuyền mượn lực nhảy lên lại đáp:
- Xuống sạp thuyền.
Hồng Thất công nói:
- Hay lắm, hay lắm. Hôm nay đơn đả độc đấu thế này quả thật rất thú vị.
Quyền qua chưởng lại, hai người càng đấu càng hung dữ.
Quách Tĩnh nói:
- Dung nhi, cô xem Tây độc hung dữ thật.
Hoàng Dung bị điểm huyệt không lên tiếng được. Quách tĩnh lại nói:
- Ta đi mời sư phụ xuống có được không? Chiếc thuyền kia trong chớp mắt sẽ chìm thôi.
Hoàng Dung vẫn không đáp:
- Quách Tĩnh quay nhìn thấy Âu Dương Khắc vẫn đang giữ chặt cổ tay nàng, trong lòng sôi giận quát lớn:
- Buông ra.
Âu Dương Khắc đâu dễ nắm được cổ tay Hoàng Dung, há chịu buông ra, cười nói:
- Ngươi mà động đậy ta sẽ đập vỡ đầu cô ta ra.
Quách Tĩnh không kịp suy nghĩ, vung mái chèo quét qua. Âu Dương Khắc cúi đầu tránh khỏi. Quách Tĩnh song chưởng cùng phát, vù vù hai tiếng đánh thẳng vào giữa mặt y. Âu Dương lắc đành buông tay Hoàng Dung, nghiêng đầu tránh qua hai chưởng. Quách Tĩnh song chưởng lại một trên một dưới, cắm đầu cắm cổ lăn xả vào đánh, Âu Dương Khắc thấy trên chiếc xuồng con không thể triển khai thủ cước, địch nhân lại cứ liên tiếp tấn công, lập tức đứng lại, quyền thứ nhất ra chiêu Linh xà quyền, cánh tay quét ngang ra. Quách Tĩnh vươn tay trái đỡ gạt, Âu Dương Khắc cánh tay chợt cong lại đánh thẳng lên một quyền trúng giữa trán Quách Tĩnh. Phát quyền này cực kỳ trầm trọng. Quách Tĩnh mắt nổ đom đóm, nhưng nghĩ Dung nhi mỗi phút đều gặp nguy hiểm, quyết phải mau ra sát thủ, nhìn thấy quyền thứ hai của y đánh tới vẫn giơ tay trái lên đỡ. Âu Dương Khắc vẫn theo bài cũ, cánh tay vẫn cong lại một cái đánh lên, Quách Tĩnh đầu ngửa về phía sau, tay phải đẩy mạnh ra phía trước. Vốn là y lui về phía sau, không thể đồng thời thi triển thế công, nhưng y được Chu Bá Thông truyền thụ, hai tay có thể chia nhau đánh đỡ, tay trái đỡ, tay phải đánh, đồng thời ra chiêu. Âu Dương Khắc vừa khéo đứng gần hai tay của y, bị y rút tay trái lại đẩy tay phải ra, lúc ấy quá gấp, chát một tiếng, xương tay lập tức gãy lìa.
Võ nghệ của Âu Dương Khắc vốn không kém bọn Mã Ngọc Vương Xứ Nhất, sa Thông Thiên, bất kể về công lực hay chiêu số cũng đều cao hơn Quách Tĩnh rất nhiều, chỉ là công phu hai tay chia ra đánh đỡ của Quách Tĩnh là phép đánh kỳ lạ chưa từng thấy trong võ học, nên hai lần động thủ đều bị Quách Tĩnh dùng chiêu số kỳ lạ ấy đánh bị thương. Y vừa khuỵu xuống đầu xuồng, Quách Tĩnh đã không màng tới y sống chết ra sao, vội đỡ Hoàng Dung lên, thấy nàng thân hình mềm nhũn không động đậy được, lập tức giải khai huyệt đạo cho nàng. May là lúc Âu Dương Phong điểm huyệt nàng thì Hồng Thất công đang ra chiêu công kích, Âu Dương Phong dùng toàn lực đề phòng nên không dám vận nội công lên ngón tay điểm huyệt, nếu không với thủ pháp điểm huyệt độc môn của Tây độc thì Quách Tĩnh không sao giải khai được. Hoàng Dung kêu lên:
- Mau qua giúp sư phụ!
Quách Tĩnh ngẩng đầu nhìn lên thuyền lớn, chỉ thấy sư phụ và Âu Dương Phong đang lui tới qua lại trong đám lửa đỏ đánh nhau kịch liệt, tiếng gỗ ván cháy răng rắc hòa với tiếng quyền phong chưởng thanh của hai người càng thêm đáng sợ, chợt nghe một tiếng rắc rắc lớn vang dội, sống thuyền bị cháy gãy làm hai đoạn, phần đuôi thuyền bị sóng xô vài lần dần chìm dần xuống biển, tạo ra một vũng xoáy lớn. Nhìn thấy phần còn lại của thuyền lớn cũng đang chìm xuống, Quách Tĩnh nhấc mái chèo lên hết sức chèo chiếc thuyền nhỏ tới gần, định nhảy lên đánh giúp.
Hồng Thất công rơi xuống nước trước, lúc ấy quần áo quá nửa đã bị lửa táp cháy sém, Âu Dương Phong thì trên người nước chảy ròng ròng, lần này Tây độc lại chiếm được thượng phong với Bắc cái. Hồng Thất công ra sức giao chiến không nhường một ly đột nhiên một thanh nẹp buồm cháy từ trên không rơi xuống, hai người vội nhảy ra phía sau tránh né. Nhánh cột buồm ấy ngăn cách hai người, bốc cháy rừng rực.
Âu Dương Phong xà trượng rung lên đánh qua phía trên thanh nẹp buồm.
Hồng Thất công cũng rút trúc bổng trên lưng ra đánh trả một chiêu. Hai người lúc đầu tay không đánh nhau, đến lúc ấy đều dùng binh khí, thoắt đánh thoắt đỡ lại càng hung dữ. Quách Tĩnh ra sức chèo tới, trong lòng lo lắng cho sự an nguy của sư phụ nhưng nhìn thấy gia số thần diệu trên khí giới của hai người, lại bất giác xuất thần khen ngợi không thôi.
Trong võ học có câu:
- Luyện đao trăm ngày, luyện thương ngàn ngày, luyện kiếm muôn ngày.
Kiếm pháp vốn rất khó đạt tới mức tinh thông. Những kẻ sĩ học võ công phu đạt tới mức tuyệt đỉnh đều rất tinh thông kiếm thuật, lúc ấy ai cũng có tuyệt chiêu riêng nhưng không khỏi khó chia ranh giới. Hai mươi năm trước luận kiếm ở Hoa sơn, Hồng Thất công và Âu Dương Phong đều rất khâm phục võ học của ba người kia, biết nếu dựa vào kiếm thuật thì khó thắng được họ nên từ đó trở đi đều bỏ không dùng kiếm nữa. Hồng Thất công đổi dùng ngọn trúc bổng mang theo bên mình, đây là vật mà bang chủ Cái bang các đời truyền lại cho nhau, chất trúc dẻo dai, dài hơn trường kiếm khoảng một thước. Y luyện tập công phu ngoại gia, võ công toàn theo đường lối cương mãnh, loại binh khí này lại trong cương có nhu nên dùng tới thì oai lực càng tăng.
Ngọn xà trượng của Âu Dương Phong bao hàm cả lộ số bổng pháp, côn pháp, trượng pháp, chiêu số phức tạp không cần phải nói, đầu trượng chạm một cái đầu người đang nhe răng cười, mặt mũi nanh ác, hai hàng răng sắc trong miệng đều có tẩm độc lúc múa lên trông như quỷ dữ tìm người ăn thịt, chỉ cần ấn lên một cái chốt trên cán trượng thì chất độc và ám khí trong đầu người sẽ bắn mau ra. Càng lợi hại hơn là trên cán trượng có hai con rắn xanh lên xuống, chờn vờn co duỗi khiến người ta rất khó đề phòng.
Hai người bổng trượng chạm nhau, ai cũng thi triển tuyệt chiêu. Âu Dương Phong tuy về binh khí thì chiếm phần tiện nghi nhưng Hồng Thất công là người đứng đầu Cái bang trong thiên hạ, tự nhiên là hảo thủ đánh rắn, ngọn trúc bổng múa lên đánh ra, ngoài việc tấn công đối phương còn nhân sơ hở đánh vào chỗ yếu hại của hai con rắn độc trên cán trượng. Âu Dương Phong xà trượng vung mau để đối phương không thể đánh trúng, đoán rằng với thân thủ của Hồng Thất công thì ám khí trên đầu trượng cũng chẳng làm gì được y chẳng bằng đừng phát ra để tránh bị chê cười. Hồng Thất công còn có một đường Đả cẩu bổng pháp được gọi là bảo vật trấn bang của Cái bang, biến hóa tinh diệu, nghĩ thầm hiện chưa bị rơi vào thế hạ phong thì cũng chẳng cần giở mấy phần bản lĩnh giữ nhà ấy ra để y nhìn được chỗ tinh yếu, năm sau trong lần luận kiếm ở Hoa sơn lần thứ hai không còn chiếm được cái lợi bất ngờ.
Quách Tĩnh đứng ở đầu xuồng, mấy lần muốn vọt qua giúp sư phụ, nhưng hai người càng đánh càng kịch liệt, mà công lực của mình còn kém họ quá xa, quyết không thể nào vào gần được, lòng như lửa đốt nhưng không biết làm sao.
Anh Hùng Xạ Điêu
Hồi 1(a)
Hồi 1(b)
Hồi 2(a)
Hồi 2(b)
Hồi 3(a)
Hồi 3(b)
Hồi 4(a)
Hồi 4(b)
Hồi 5(a)
Hồi 5(b)
Hồi 6(a)
Hồi 6(b)
Hồi 7(a)
Hồi 7(b)
Hồi 8(a)
Hồi 8(b)
Hồi 9(a)
Hồi 9(b)
Hồi 10()
Hồi 11(a)
Hồi 11(b)
Hồi 12(a)
Hồi 12(b)
Hồi 13(a)
Hồi 13(b)
Hồi 14(a)
Hồi 14(b)
Hồi 15(a)
Hồi 15(b)
Hồi 16(a)
Hồi 16(b)
Hồi 17(a)
Hồi 17(b)
Hồi 18(a)
Hồi 18(b)
Hồi 19(a)
Hồi 19(b)
Hồi 20(a)
Hồi 20(b)
Hồi 21(a)
Hồi 21(b)
Hồi 22(a)
Hồi 22(b)
Hồi 23(a)
Hồi 23(b)
Hồi 24(a)
Hồi 24(b)
Hồi 25(a)
Hồi 25(b)
Hồi 26(a)
Hồi 26(b)
Hồi 27(a)
Hồi 27(b)
Hồi 28(a)
Hồi 28(b)
Hồi 29(a)
Hồi 29(b)
Hồi 30(a)
Hồi 30(b)
Hồi 31(a)
Hồi 31(b)
Hồi 32(a)
Hồi 32(b)
Hồi 33()
Hồi 34(a)
Hồi 34(b)
Hồi 35(a)
Hồi 35(b)
Hồi 36(a)
Hồi 36(b)
Hồi 37(a)
Hồi 37(b)
Hồi 38(a)
Hồi 38(b)
Hồi 39(a)
Hồi 39(b)
Hồi 40(a)
Hồi 40(b)