Chương kết
Tác giả: Lê văn thảo
Đám tang Ba Hoàng cử hành vào mười giờ sáng, chôn ở nghĩa trang thành phố. Đoàn xe đưa tang dài dằng dặc, đủ thứ xe lớn xe nhỏ, đi thật chậm, không phải để cho long trọng mà vì đường sá chật chội. Nhưng thoát ra khỏi nội thành xe chạy bon bon trên đường xa lộ rộng thênh thang. Gió đồng mát rượi khiến Hương tỉnh hẳn. Hương đi chung xe với vợ con Ba Hoàng, ngồi phía trước chỗ ngồi quen thuộc của Hương khi đi chung xe với Ba Hoàng. Anh lái xe trẻ tuổi quen mặt mấy lần nói với Hương điều gì đó nhưng gió thổi ù ù bên tai Hương không nghe được.
Suốt mấy ngày rày Hương mệt đừ người, do phải thường xuyên túc trực ở bệnh viện cùng với vợ Ba Hoàng lo toan mọi việc. Rồi lại bị hai đứa con Ba Hoàng quấy rầy nữa. Chúng đã lớn rồi, một đứa mười lăm, một đứa mười ba, con gái như vậy đã lớn, vậy mà chúng cứ như hai đứa con nít. Chúng cứ khóc và nói rằng sao ba chúng mập khỏe như vậy mà phải chết. Chúng thấy nhiều người trước khi chết thường ốm o gầy mòn, như chúng vừa mới thấy lúc vào bệnh viện thăm ba chúng. ở từng dưới chỗ dành cho bệnh nhân ít tiền, có một gian phòng rộng giường kê sát vào nhau, hai người nằm chung một giường, người nuôi bệnh nằm dưới sàn hoặc ngoài hành lang, người bệnh ai nấy đều ốm nhom nằm thở khò khè, vậy rồi nghe tiếng kẻng leng keng họ bật dậy đi lãnh cơm lãnh thuốc la lối xô đẩy nhau, rồi lại trở về giường nằm thở khò khè nữa. Họ như nằm đó lâu lắm rồi, một năm hai năm, có người như cả đời nằm ở đó, vậy sao họ không chết?
Sau cơn tai biến ban đầu Ba Hoàng trở lại bình thường, như không có chuyện gì xảy ra, nhưng bác sĩ trưởng khoa đã kêu vợ Ba Hoàng nói riêng gì đó, thế là tình thế trở nên nghiêm trọng. Có thể nói đám tang đã bắt đầu từ đó. Vợ Ba Hoàng gọi Hương đến báo lại mọi điều bác sĩ trưởng khoa đã nói nhưng Hương như không nghe gì hết. Tất cả tối sầm lại trước mặt Hương, những giọt nước mắt không kềm được tuôn rơi lã chã. Vậy là giờ đây Hương chỉ còn một mình trơ trọi trên đời. Vợ Ba Hoàng ngồi kế bên cũng bật khóc theo. Họ đang ngồi trong phòng bệnh, Ba Hoàng nằm kế bên vẫn mập mạp trắng trẻo, mắt mở lớn nhưng không nói được gì cả vì có đủ thứ máy móc úp chụp lên người.
Nhưng Hương không khóc lâu. Vì có Ba Hoàng nằm đó. Và vì Hương biết mình là con của mẹ mình, không thể không có giòng máu mạnh mẽ trong người. Hương ngồi sát vào vợ Ba Hoàng, cảm thấy từ nay mình sẽ gắn bó với người đàn bà này hơn. Vẫn như trước hai người thay nhau ở lại chăm sóc Ba Hoàng. Hương thường đến buổi chiều sau khi xong việc ở tòa soạn, đôi khi ngủ lại tối. Phòng có kê thêm giường nhưng Hương ít khi ngủ ở đó, thường ngồi đọc sách bên giường Ba Hoàng rồi qua nằm chợt mắt một chút bên phòng các cô hộ lý. Ba Hoàng thường cứ nằm yên trên giường không biết thức hay ngủ, như đang chìm đắm vào một thế giới riêng tư nào đó.
Một buổi chiều Sáu Hải đến thăm Ba Hoàng, lúc Hương đang ngồi đọc sách ngoài hành lang. Lâu rồi Hương không gặp ông ta. Sáu Hải ngồi lại bên ngoài một lúc với Hương vẻ tự nhiên thoải mái:
- Thiên phóng sự của cô sắp xong chưa? Cô viết dài quá đọc mỏi cả mắt!
- Thì chú đừng đọc - Hương đáp.
- Có người viết phải có người đọc chớ - Sáu Hải cười nói - Với lại đâu phải tôi bỏ tiền ra in.
- Chú phải in, chú đã hứa rồi mà - Hương cũng cười nói - Nhưng cháu cũng định kết thúc rồi, chỉ còn đợi tòa nhà của chú xây lại thôi.
- Đúng là như vậy - Sáu Hải nói - Nhân tiện đây tôi nói với cô chuyện này.
- Chú thì lúc nào cũng "nhân tiện" cả.
- Tôi là người mần ăn mà. Về chuyện tôi tính tìm cho cô một căn nhà, cô tính sao?
- Cháu có nhà rồi.
- Đó là nhà của nhà nước. Đây là tôi mua cho cô một căn nhà cô đứng tên hẳn hoi.
- Kiểu như nhà tình nghĩa vậy hả?
- Cô muốn gọi sao cũng được. Nhưng chuyện này không dính líu gì tới những bài báo của cô. Chuyện tòa nhà đã xong rồi chính cô cũng nói như thế. Đây là vì tình thân với mẹ cô ngày xưa thôi. Và với anh Ba Hoàng bây giờ nữa - Sáu Hải ngưng một chút, nhăn mặt như để lấy sức nói tiếp - Cô đừng ngại, căn nhà không nhiều tiền lắm đâu, và tôi cũng có thể tìm trong khoảng chi nào đó trong việc xây dựng mà không phải móc tiền của mình ra. Nghĩa là không phải của nhà nước, cũng không phải của riêng tôi.
- Vậy là của ai?
- Của trời đất, cô cứ coi như thế. Cô là con của mẹ cô, giờ cô mồ côi mồ chút cả đất nước này phải lo cho cô. Cô nhận đi cho tôi yên lòng. Cô cứ suy nghĩ không cần phải trả lời bây giờ. Thôi tôi vào thăm anh Ba Hoàng đây.
Hương đứng dậy mở cửa cho Sáu Hải vào rồi cùng theo vào. Ba Hoàng vẫn nằm thẳng người mắt mở lớn nhìn lên trần nhà. Trời mát, Hương không vặn máy lạnh mở hết cửa sổ ra, Ba Hoàng nằm trên giường có thể nhìn thấy vườn cây râm mát bên ngoài. Hôm nay không có máy móc nào úp chụp lên người nên trông Ba Hoàng có vẻ thoải mái.
- Sức khỏe thế nào, anh Ba? - Sáu Hải cúi xuống với Ba Hoàng hỏi. Ba Hoàng làm thinh.
Hương kéo ghế cho Sáu Hải.
- Chú ngồi đây.
- Cô ngồi đâu?
- Được rồi chú à, cháu đứng đây mà.
Ba Hoàng cựa mình như muốn thay đổi thế nằm rồi ngước nhìn lên Sáu Hải với ánh mắt lạnh lẽo:
- Công việc thế nào?
- Tốt thôi anh à. Anh cứ yên tâm dưỡng bệnh đi.
- Tôi không yên tâm về điều gì? - Ba Hoàng bỗng lên cơn bực dọc - Cậu cứ làm việc đi, đó là việc của cậu. Hay không làm cũng được.
- Anh rán dưỡng bệnh cho thật khỏe.
- Tôi không bệnh, tôi chỉ có sắp chết thôi - Ba Hoàng càng lúc càng thêm gay gắt - Không sống được thì tôi chết, tôi không được phép như vậy sao?
- Anh thấy trong người thế nào - Sáu Hải vẫn kiên trì.
- Cậu khám bệnh cho tôi à? Thôi cậu về đi, việc của cậu là ở ngoài kia chớ không phải ở đây.
- Vài ngày nữa tôi sẽ ghé coi anh có dặn gì không.
Nhưng Sáu Hải không kịp ghé. Đêm hôm đó Hương chỉ định ghé qua thăm Ba Hoàng thôi nhưng thấy vợ Ba Hoàng ngồi ngủ gục trên ghế Hương liều dìu bà lên giường ngồi thay vào chỗ đó. Đèn sáng, Hương giở sách ra đọc. Nhưng chỉ được mấy trang Hương cũng ngủ gà ngủ gật. Trong cơn mơ màng Hương thấy lại cảnh đứa nhỏ bị cột chân vào cọc chèo trên chiếc xuồng lênh đênh trên đồng nước, không biết đó là Hương hay mẹ Hương. Tất cả đều mông lung, mờ ảo, nhưng cảm giác nồng ấm thì rất rõ. Về khuya trời trở lạnh Hương ngồi co lại, mấy lần thức giấc nhìn sang Ba Hoàng rồi lại chìm vào giấc ngủ càng lúc càng mê mệt.
Cho đến gần sáng Hương chợt nghe tiếng gọi:
- Hương đó hả con? Rót cho chú ly nước.
Hương trở dậy rót nước nhưng Ba Hoàng khoát tay nói:
- Thôi chú hết khát rồi. Chú ngủ lâu lắm rồi hả?
- Chú nằm nhắm mắt không biết thức hay ngủ.
- Chú cứ mơ mơ màng màng. Nhưng chú thấy đỡ lắm rồi, người cứ nhẹ tênh. Nhưng đầu thì nặng trịch.
- Chú đừng nghĩ ngợi làm gì.
- Chú không nghĩ ngợi gì cả. Chú chỉ đang cố nhớ lại lúc mình còn nhỏ. Con người ta ai cũng vậy đoạn đầu đoạn cuối của cuộc đời cố mà gặp lại nhau. Chú nhớ lại hồi chú bốn, năm tuổi ngồi vọc cát trên bãi sông... Nhưng không phải rồi, đó là hình ảnh của cháu chớ đâu phải của chú, phải không?
- Chú uống nước đi!
- Chú cũng là một đứa con lưu lạc cháu à. Chú không biết mình sanh ra từ đâu, nhưng chú may mắn được một gia đình giàu có nuôi nấng học hành đến nơi đến chốn. Rồi chú được người hướng dẫn đi làm cách mạng. Rồi chú gặp được mẹ cháu. Nói chung mọi chuyện chú đều gặp may mắn cả, đường đời của chú thật trơn tru. Giờ đây chú nhớ lại rất rõ hôm đầu tiên chú gặp mẹ cháu, trong một đống ngói, không hiểu sao chú làm quen được với mẹ cháu...
- Chú kể chuyện đó cho cháu nghe rồi.
- Nhưng chú muốn nói với cháu như thế này: mẹ cháu từ trong một đống ngói đi vào thành phố, đi vào cuộc chiến đấu...
- Chú ngủ thêm chút nữa đi!
- Được, chú ngủ đây.
Ba Hoàng nhắm mắt. Hương tắt bớt đèn rồi trở lại ngồi ở ghế giở tiếp trang sách, nhưng chỉ chút sau đã ríu mắt lại. Hương ngủ không biết bao lâu, ngoẹo đầu trên thành ghế, cho đến lúc choàng tỉnh dậy vì tiếng kêu thét của vợ Ba Hoàng. Từ lúc nào vợ Ba Hoàng thức dậy phát hiện Ba Hoàng đã chết. Từ đó tới sáng vợ Ba Hoàng chỉ có ôm lấy chồng, mọi việc một mình Hương làm hết: chạy đi báo bác sĩ trực, gọi điện thoại về nhà, về cơ quan Ba Hoàng, và khi mọi người kéo đến Hương cắt đặt công việc như người con cả trong gia đình.
Thật ra Ba Hoàng chưa chết hẳn ngay lúc đó, các bác sĩ đã hồi sinh ông bằng thứ máy móc gì đó. Ba Hoàng sống thêm được vài ngày, gọi là đời sống thực vật, cho đến khi người ta gỡ máy móc ra Hương và vợ Ba Hoàng đã bình tĩnh trở lại cùng lo việc tẩn liệm chôn cất. Thi hài Ba Hoàng được quàng tại nhà, khách viếng đông đến nỗi Hương phải trốn lên lầu, rồi phải chạy xuống vì vợ Ba Hoàng muốn Hương cùng đứng chịu tang với hai đứa nhỏ. Hương không nhận lời cũng không từ chối, thành ra việc chịu tang cứ khi có khi không.
Nghĩa trang trong vườn cao su, lối đi vào thẳng tắp, xe chạy nối đuôi nhau nhích từng chút một, gần tới nơi khách viếng xuống xe đi bộ chuyện vãn rì rầm với nhau. Hương đi tuốt phía sau không nhìn thấy gì hết, nhưng lúc làm lễ hạ huyệt vợ Ba Hoàng kêu Hương lên trên để chụp hình chung với gia đình. Hương đứng im phắc nhìn chăm chăm vào một chỗ nào đó dưới lỗ huyệt, và khi người ta cào đất đắp lại Hương cũng nhìn như thế.
Mọi người tản ra, Hương cũng vẫn đi sau cùng. Chợt có người chen đi đến bên Hương. Lan. Không biết ai đưa cô ta đến đây. Hương ngó dáo dác không nhìn thấy ai cả. Hương quay lại cau mặt hỏi:
- Em đến với ai vậy?
Lan không đáp, thở hào hển, như chạy từ ngoài đường vào đây vậy. Vẻ mặt cô ta đăm chiêu, nghiêm nghị. Bỗng chốc Hương thấy Lan lớn hẳn lên, không còn là cô gái nhỏ nông nổi nữa. Vườn cao su thật râm mát. Hương kéo Lan cùng đi, dịu giọng hỏi:
- Em tìm chị có chuyện gì hả?
- Mai em đi làm rồi chị à - Lan nói, ngẩng cao đầu lên.
- Làm gì? ở đâu? - Hương ngạc nhiên - Chị đang lo việc làm cho em mà?
- Thì em làm chỗ đó thôi.
- ở chỗ hãng dệt hả? Nhưng ai báo cho em? Địa chỉ liên lạc chị để chỗ chị mà?
- Em đến thẳng chỗ đó. Em nhờ anh út Mặt Mâm đưa em đi. Tại em nóng ruột quá. Em đến gặp ông trưởng phòng, ông ta nói hồ sơ cũng vừa làm xong, định gọi điện cho chị. Em định nhờ chị nhưng thấy chị bận quá. Anh út Mặt Mâm lại rảnh. Thôi em tự lo được rồi chị à. Em đi làm rảnh rỗi em sẽ đến thăm chị. Chừng nào chị chưa lấy chồng em sẽ đến. Thôi em đi đây.
Lan quay ngoắt bỏ đi. Hương đưa mắt nhìn theo tìm kiếm út Mặt Mâm đang nút chỗ nào đó trong vườn cao su. Nhưng không nhìn thấy gì cả.
Hương ra tới chỗ đậu xe đã thấy vợ con Ba Hoàng ngồi trên xe rồi. Vợ Ba Hoàng nói:
- Về nhà đi Hương à, bữa nay cháu ở lại với mẹ con cô.
Hương nói:
- Bữa nay cháu bận, mai cháu sẽ đến. Cháu phải ra sân bay bây giờ.
Hôm nay là ngày Tân bay về Mỹ. Hương không định tiễn Tân, nhưng coi đồng hồ lại thấy đúng giờ Tân ra sân bay. Hương đến sân bay thấy Tân đứng đợi bên ngoài, như tin chắc là Hương đến. Hương đi thẳng vào làm ra vẻ tự nhiên:
- Em tưởng không kịp. Hình như giờ bay dời lại phải không?
- Không - Tân đáp, như đang thở gấp.
- Còn lâu không?
- Còn lâu. Anh làm thủ tục xong hết rồi. Mình tìm chỗ uống nước đi - Họ đi lên lầu, trên đường đi Tân nói - Anh không hay chuyện chú Ba Hoàng, cho đến hồi hôm nghe cáo phó trên đài. Sao em không báo cho anh biết?
- Em quên.
Hương mặc cho Tân chọn bàn, kêu thức uống, cô cứ đứng yên đưa mắt ngó dáo dác khiến Tân phải ngạc nhiên:
- Em tìm ai hả?
- Không...
- Hay em đi tiễn người khác - Tân cười nói - Có đúng em đi tiễn người khác không?
- Thôi mà.
Họ chọn chiếc bàn sát bên ngoài, có thể nhìn thấy qua cửa kiếng mấy chiếc máy bay trắng toát nằm lồ lộ dưới đường băng. Hương nhìn xuống sân bay rồi nhìn quanh phòng với ánh mắt ngạc nhiên, lạ lẩm. Hương thường vào đây - đi tiễn người quen, gặp ban giám đốc để viết bài - nhưng Hương không thể nào quen được cảnh sân bay như thế này. Sao mà nhộn nhịp quá như thế này! Và họ từ đâu tới, và họ đi đâu, những người khách lên xuống nhộn nhịp ấy? Mới mấy tiếng hồ trước họ còn ở bên kia bán cầu giờ đã ở đây rồi sao? Làm sao họ quen được? Và người ở đây ra đi nữa, họ cười cười nói nói thế kia rồi mấy tiếng đồng hồ sau đã ở một xứ sở xa lạ đầy tuyết phủ, mọi lá cây cọng cỏ đều khác. Làm sao họ sống được?
- Thiên phóng sự của em sắp xong chưa? - Tân hỏi, ngồi tì tay vào bàn nhìn vào mắt Hương - Hay anh còn phải đón đọc nó ở bên Mỹ.
- Xong rồi - Hương đáp - Em chỉ còn viết chương cuối cùng này thôi, từ nghĩa trang tới sân bay này.
- Không có anh trong đó chớ?
- Có đấy.
- Về Mỹ, anh sẽ viết thư cho em, được chớ?
- Anh cứ viết.
- Chừng anh quyết định về ở luôn đây, anh sẽ hỏi cưới em được chớ?
- Anh cứ hỏi.
Im lặng một lúc rồi Hương hỏi sang chuyện khác:
- Công việc của anh thế nào?
- Xong rồi. Anh chỉ làm công việc thăm dò thôi.
- Vậy có xây nhà không?
- Có đấy, nhưng ngoài bãi lầy thôi.
Im lặng một lúc nữa rồi Hương nói:
- Em quên mua quà lưu niệm cho anh.
- Có rồi, anh mang theo thiên phóng sự của em nè.
- Đó là chuyện riêng của mẹ em.
- Em đã đăng báo rồi không còn là chuyện riêng của em nữa.
Lần này im lặng kéo dài đến nỗi Hương phải hối:
- Anh coi tới giờ chưa kẻo trễ.
Tân cười:
- Em đừng lo, họ sẽ bắt anh lên máy bay, anh mua vé rồi không thoát được đâu.
Hương rời bàn đứng dậy đi đến áp sát mặt vào cửa kiếng nhìn xuống sân bay. Một chiếc máy bay đang khởi động. Có phải chiếc này không? Hay chiếc kia? Những chiếc xe tải nhỏ chạy tới lui, âm thanh vọng lên thật lặng lẽ, mơ hồ, như từ một nơi rất xa. Phòng đợi đã thưa hẳn người, như chiếc máy bay chỉ chở mình Tân vậy. Tân cũng rời bàn đi tới, vừa lúc Hương quay lại.
- Thôi em về đây - Hương nói, cúi xuống gần chạm mặt vào ngực Tân - Em không thích nhìn người lên máy bay. Anh đi mạnh giỏi nghen! Anh có thể trách gì em không? Trách thì em chịu nhưng em không thể làm khác được. Thử hỏi mình có gì gắn bó với nhau? Em cũng vậy, và anh cũng vậy. Nhưng em có tin thời gian sẽ thay đổi cả hai chúng ta. Anh cứ viết thư cho em. Em cũng sẽ viết thư cho anh. Có dịp về đây anh hãy đến thăm em. Và biết đâu em có dịp sang Mỹ, em cũng sẽ đến thăm anh. Và rồi sẽ có chuyện em viết. Đâu có chỗ nào không có chuyện để viết phải không anh? Bên này hay bên kia, hồi xưa hay bây giờ.
Hương ngước nhìn Tân mỉm cười, áp nhẹ đầu vào ngực anh rồi quay đi. Tân đứng yên như thế, không quay lại nhìn theo cho đến khi Hương đi xuống khỏi cầu thang.
Hương về đến nhà thấy có thư của Minh Thu nhưng không đọc. Ngày chỉ mới xế chiều. Hương tắm giặt, nấu cơm ăn rồi đóng cửa, vặn máy nghe nhạc, sau đó lên giường giở một cuốn sách ra đọc. Hương muốn được ở một mình suốt ngày nay, một mình và nếu có thể được suy nghĩ về mẹ mình.
Nhưng rồi Hương vùng dậy ra khỏi giường. Hương làm tất cả những chuyện này không phải để ngồi một chỗ suy nghĩ. Phải làm chuyện gì đó. Mẹ Hương ngày xưa cũng vậy. Hương thay quần áo mang túi xách khóa cửa xuống lầu đến tòa soạn. Không có ai ở đó cả, vị tổng biên tập cũng không. Nhưng Hương vừa ngồi xuống liền nghe tiếng ông ta gọi điện về, tiếng văng vẳng như từ trên mặt trăng:
- Phóng viên Mai Hương đó hả? Có việc cho cô đây!
- Ông ở đâu vậy? - Hương hỏi.
- ở đây thôi, trên hành tinh thân yêu của chúng ta. Cô đi Cà Mau được không?
- Có việc gì?
- Có cháy rừng ở dưới đó.
- Tôi chữa cháy được à?
- Để người ta chữa, còn cô thì viết bài. Viết mạnh vào, mình sẽ làm một đám cháy thứ hai. Cô đi được chớ?
- Ông giao cho tôi rồi phải không?
- Đúng. Tôi tin cô. Cô là một người con gái khôn khéo đảm đang. Nhưng sẽ là một người vợ dữ dằn đáng sợ. Cô có thể đi liền trong ngày mai, công tác phí như thường lệ. Nếu muốn uống thêm chai bia tôi cũng có thể chi thêm.
- Bia ông đã uống rồi. Tôi nghe mùi bia trong điện thoại đây nè. Thôi tôi về chuẩn bị đồ đạc đây. Ông cũng nên về với người vợ hiền dịu đáng thương của ông đi.
Hương về nhà, trong lúc chuẩn bị đồ đạc, đọc thư Minh Thu, hình ảnh những đám cháy rừng choán chật cả tâm trí Hương.
Tháng 7-96
Đám tang Ba Hoàng cử hành vào mười giờ sáng, chôn ở nghĩa trang thành phố. Đoàn xe đưa tang dài dằng dặc, đủ thứ xe lớn xe nhỏ, đi thật chậm, không phải để cho long trọng mà vì đường sá chật chội. Nhưng thoát ra khỏi nội thành xe chạy bon bon trên đường xa lộ rộng thênh thang. Gió đồng mát rượi khiến Hương tỉnh hẳn. Hương đi chung xe với vợ con Ba Hoàng, ngồi phía trước chỗ ngồi quen thuộc của Hương khi đi chung xe với Ba Hoàng. Anh lái xe trẻ tuổi quen mặt mấy lần nói với Hương điều gì đó nhưng gió thổi ù ù bên tai Hương không nghe được.
Suốt mấy ngày rày Hương mệt đừ người, do phải thường xuyên túc trực ở bệnh viện cùng với vợ Ba Hoàng lo toan mọi việc. Rồi lại bị hai đứa con Ba Hoàng quấy rầy nữa. Chúng đã lớn rồi, một đứa mười lăm, một đứa mười ba, con gái như vậy đã lớn, vậy mà chúng cứ như hai đứa con nít. Chúng cứ khóc và nói rằng sao ba chúng mập khỏe như vậy mà phải chết. Chúng thấy nhiều người trước khi chết thường ốm o gầy mòn, như chúng vừa mới thấy lúc vào bệnh viện thăm ba chúng. ở từng dưới chỗ dành cho bệnh nhân ít tiền, có một gian phòng rộng giường kê sát vào nhau, hai người nằm chung một giường, người nuôi bệnh nằm dưới sàn hoặc ngoài hành lang, người bệnh ai nấy đều ốm nhom nằm thở khò khè, vậy rồi nghe tiếng kẻng leng keng họ bật dậy đi lãnh cơm lãnh thuốc la lối xô đẩy nhau, rồi lại trở về giường nằm thở khò khè nữa. Họ như nằm đó lâu lắm rồi, một năm hai năm, có người như cả đời nằm ở đó, vậy sao họ không chết?
Sau cơn tai biến ban đầu Ba Hoàng trở lại bình thường, như không có chuyện gì xảy ra, nhưng bác sĩ trưởng khoa đã kêu vợ Ba Hoàng nói riêng gì đó, thế là tình thế trở nên nghiêm trọng. Có thể nói đám tang đã bắt đầu từ đó. Vợ Ba Hoàng gọi Hương đến báo lại mọi điều bác sĩ trưởng khoa đã nói nhưng Hương như không nghe gì hết. Tất cả tối sầm lại trước mặt Hương, những giọt nước mắt không kềm được tuôn rơi lã chã. Vậy là giờ đây Hương chỉ còn một mình trơ trọi trên đời. Vợ Ba Hoàng ngồi kế bên cũng bật khóc theo. Họ đang ngồi trong phòng bệnh, Ba Hoàng nằm kế bên vẫn mập mạp trắng trẻo, mắt mở lớn nhưng không nói được gì cả vì có đủ thứ máy móc úp chụp lên người.
Nhưng Hương không khóc lâu. Vì có Ba Hoàng nằm đó. Và vì Hương biết mình là con của mẹ mình, không thể không có giòng máu mạnh mẽ trong người. Hương ngồi sát vào vợ Ba Hoàng, cảm thấy từ nay mình sẽ gắn bó với người đàn bà này hơn. Vẫn như trước hai người thay nhau ở lại chăm sóc Ba Hoàng. Hương thường đến buổi chiều sau khi xong việc ở tòa soạn, đôi khi ngủ lại tối. Phòng có kê thêm giường nhưng Hương ít khi ngủ ở đó, thường ngồi đọc sách bên giường Ba Hoàng rồi qua nằm chợt mắt một chút bên phòng các cô hộ lý. Ba Hoàng thường cứ nằm yên trên giường không biết thức hay ngủ, như đang chìm đắm vào một thế giới riêng tư nào đó.
Một buổi chiều Sáu Hải đến thăm Ba Hoàng, lúc Hương đang ngồi đọc sách ngoài hành lang. Lâu rồi Hương không gặp ông ta. Sáu Hải ngồi lại bên ngoài một lúc với Hương vẻ tự nhiên thoải mái:
- Thiên phóng sự của cô sắp xong chưa? Cô viết dài quá đọc mỏi cả mắt!
- Thì chú đừng đọc - Hương đáp.
- Có người viết phải có người đọc chớ - Sáu Hải cười nói - Với lại đâu phải tôi bỏ tiền ra in.
- Chú phải in, chú đã hứa rồi mà - Hương cũng cười nói - Nhưng cháu cũng định kết thúc rồi, chỉ còn đợi tòa nhà của chú xây lại thôi.
- Đúng là như vậy - Sáu Hải nói - Nhân tiện đây tôi nói với cô chuyện này.
- Chú thì lúc nào cũng "nhân tiện" cả.
- Tôi là người mần ăn mà. Về chuyện tôi tính tìm cho cô một căn nhà, cô tính sao?
- Cháu có nhà rồi.
- Đó là nhà của nhà nước. Đây là tôi mua cho cô một căn nhà cô đứng tên hẳn hoi.
- Kiểu như nhà tình nghĩa vậy hả?
- Cô muốn gọi sao cũng được. Nhưng chuyện này không dính líu gì tới những bài báo của cô. Chuyện tòa nhà đã xong rồi chính cô cũng nói như thế. Đây là vì tình thân với mẹ cô ngày xưa thôi. Và với anh Ba Hoàng bây giờ nữa - Sáu Hải ngưng một chút, nhăn mặt như để lấy sức nói tiếp - Cô đừng ngại, căn nhà không nhiều tiền lắm đâu, và tôi cũng có thể tìm trong khoảng chi nào đó trong việc xây dựng mà không phải móc tiền của mình ra. Nghĩa là không phải của nhà nước, cũng không phải của riêng tôi.
- Vậy là của ai?
- Của trời đất, cô cứ coi như thế. Cô là con của mẹ cô, giờ cô mồ côi mồ chút cả đất nước này phải lo cho cô. Cô nhận đi cho tôi yên lòng. Cô cứ suy nghĩ không cần phải trả lời bây giờ. Thôi tôi vào thăm anh Ba Hoàng đây.
Hương đứng dậy mở cửa cho Sáu Hải vào rồi cùng theo vào. Ba Hoàng vẫn nằm thẳng người mắt mở lớn nhìn lên trần nhà. Trời mát, Hương không vặn máy lạnh mở hết cửa sổ ra, Ba Hoàng nằm trên giường có thể nhìn thấy vườn cây râm mát bên ngoài. Hôm nay không có máy móc nào úp chụp lên người nên trông Ba Hoàng có vẻ thoải mái.
- Sức khỏe thế nào, anh Ba? - Sáu Hải cúi xuống với Ba Hoàng hỏi. Ba Hoàng làm thinh.
Hương kéo ghế cho Sáu Hải.
- Chú ngồi đây.
- Cô ngồi đâu?
- Được rồi chú à, cháu đứng đây mà.
Ba Hoàng cựa mình như muốn thay đổi thế nằm rồi ngước nhìn lên Sáu Hải với ánh mắt lạnh lẽo:
- Công việc thế nào?
- Tốt thôi anh à. Anh cứ yên tâm dưỡng bệnh đi.
- Tôi không yên tâm về điều gì? - Ba Hoàng bỗng lên cơn bực dọc - Cậu cứ làm việc đi, đó là việc của cậu. Hay không làm cũng được.
- Anh rán dưỡng bệnh cho thật khỏe.
- Tôi không bệnh, tôi chỉ có sắp chết thôi - Ba Hoàng càng lúc càng thêm gay gắt - Không sống được thì tôi chết, tôi không được phép như vậy sao?
- Anh thấy trong người thế nào - Sáu Hải vẫn kiên trì.
- Cậu khám bệnh cho tôi à? Thôi cậu về đi, việc của cậu là ở ngoài kia chớ không phải ở đây.
- Vài ngày nữa tôi sẽ ghé coi anh có dặn gì không.
Nhưng Sáu Hải không kịp ghé. Đêm hôm đó Hương chỉ định ghé qua thăm Ba Hoàng thôi nhưng thấy vợ Ba Hoàng ngồi ngủ gục trên ghế Hương liều dìu bà lên giường ngồi thay vào chỗ đó. Đèn sáng, Hương giở sách ra đọc. Nhưng chỉ được mấy trang Hương cũng ngủ gà ngủ gật. Trong cơn mơ màng Hương thấy lại cảnh đứa nhỏ bị cột chân vào cọc chèo trên chiếc xuồng lênh đênh trên đồng nước, không biết đó là Hương hay mẹ Hương. Tất cả đều mông lung, mờ ảo, nhưng cảm giác nồng ấm thì rất rõ. Về khuya trời trở lạnh Hương ngồi co lại, mấy lần thức giấc nhìn sang Ba Hoàng rồi lại chìm vào giấc ngủ càng lúc càng mê mệt.
Cho đến gần sáng Hương chợt nghe tiếng gọi:
- Hương đó hả con? Rót cho chú ly nước.
Hương trở dậy rót nước nhưng Ba Hoàng khoát tay nói:
- Thôi chú hết khát rồi. Chú ngủ lâu lắm rồi hả?
- Chú nằm nhắm mắt không biết thức hay ngủ.
- Chú cứ mơ mơ màng màng. Nhưng chú thấy đỡ lắm rồi, người cứ nhẹ tênh. Nhưng đầu thì nặng trịch.
- Chú đừng nghĩ ngợi làm gì.
- Chú không nghĩ ngợi gì cả. Chú chỉ đang cố nhớ lại lúc mình còn nhỏ. Con người ta ai cũng vậy đoạn đầu đoạn cuối của cuộc đời cố mà gặp lại nhau. Chú nhớ lại hồi chú bốn, năm tuổi ngồi vọc cát trên bãi sông... Nhưng không phải rồi, đó là hình ảnh của cháu chớ đâu phải của chú, phải không?
- Chú uống nước đi!
- Chú cũng là một đứa con lưu lạc cháu à. Chú không biết mình sanh ra từ đâu, nhưng chú may mắn được một gia đình giàu có nuôi nấng học hành đến nơi đến chốn. Rồi chú được người hướng dẫn đi làm cách mạng. Rồi chú gặp được mẹ cháu. Nói chung mọi chuyện chú đều gặp may mắn cả, đường đời của chú thật trơn tru. Giờ đây chú nhớ lại rất rõ hôm đầu tiên chú gặp mẹ cháu, trong một đống ngói, không hiểu sao chú làm quen được với mẹ cháu...
- Chú kể chuyện đó cho cháu nghe rồi.
- Nhưng chú muốn nói với cháu như thế này: mẹ cháu từ trong một đống ngói đi vào thành phố, đi vào cuộc chiến đấu...
- Chú ngủ thêm chút nữa đi!
- Được, chú ngủ đây.
Ba Hoàng nhắm mắt. Hương tắt bớt đèn rồi trở lại ngồi ở ghế giở tiếp trang sách, nhưng chỉ chút sau đã ríu mắt lại. Hương ngủ không biết bao lâu, ngoẹo đầu trên thành ghế, cho đến lúc choàng tỉnh dậy vì tiếng kêu thét của vợ Ba Hoàng. Từ lúc nào vợ Ba Hoàng thức dậy phát hiện Ba Hoàng đã chết. Từ đó tới sáng vợ Ba Hoàng chỉ có ôm lấy chồng, mọi việc một mình Hương làm hết: chạy đi báo bác sĩ trực, gọi điện thoại về nhà, về cơ quan Ba Hoàng, và khi mọi người kéo đến Hương cắt đặt công việc như người con cả trong gia đình.
Thật ra Ba Hoàng chưa chết hẳn ngay lúc đó, các bác sĩ đã hồi sinh ông bằng thứ máy móc gì đó. Ba Hoàng sống thêm được vài ngày, gọi là đời sống thực vật, cho đến khi người ta gỡ máy móc ra Hương và vợ Ba Hoàng đã bình tĩnh trở lại cùng lo việc tẩn liệm chôn cất. Thi hài Ba Hoàng được quàng tại nhà, khách viếng đông đến nỗi Hương phải trốn lên lầu, rồi phải chạy xuống vì vợ Ba Hoàng muốn Hương cùng đứng chịu tang với hai đứa nhỏ. Hương không nhận lời cũng không từ chối, thành ra việc chịu tang cứ khi có khi không.
Nghĩa trang trong vườn cao su, lối đi vào thẳng tắp, xe chạy nối đuôi nhau nhích từng chút một, gần tới nơi khách viếng xuống xe đi bộ chuyện vãn rì rầm với nhau. Hương đi tuốt phía sau không nhìn thấy gì hết, nhưng lúc làm lễ hạ huyệt vợ Ba Hoàng kêu Hương lên trên để chụp hình chung với gia đình. Hương đứng im phắc nhìn chăm chăm vào một chỗ nào đó dưới lỗ huyệt, và khi người ta cào đất đắp lại Hương cũng nhìn như thế.
Mọi người tản ra, Hương cũng vẫn đi sau cùng. Chợt có người chen đi đến bên Hương. Lan. Không biết ai đưa cô ta đến đây. Hương ngó dáo dác không nhìn thấy ai cả. Hương quay lại cau mặt hỏi:
- Em đến với ai vậy?
Lan không đáp, thở hào hển, như chạy từ ngoài đường vào đây vậy. Vẻ mặt cô ta đăm chiêu, nghiêm nghị. Bỗng chốc Hương thấy Lan lớn hẳn lên, không còn là cô gái nhỏ nông nổi nữa. Vườn cao su thật râm mát. Hương kéo Lan cùng đi, dịu giọng hỏi:
- Em tìm chị có chuyện gì hả?
- Mai em đi làm rồi chị à - Lan nói, ngẩng cao đầu lên.
- Làm gì? ở đâu? - Hương ngạc nhiên - Chị đang lo việc làm cho em mà?
- Thì em làm chỗ đó thôi.
- ở chỗ hãng dệt hả? Nhưng ai báo cho em? Địa chỉ liên lạc chị để chỗ chị mà?
- Em đến thẳng chỗ đó. Em nhờ anh út Mặt Mâm đưa em đi. Tại em nóng ruột quá. Em đến gặp ông trưởng phòng, ông ta nói hồ sơ cũng vừa làm xong, định gọi điện cho chị. Em định nhờ chị nhưng thấy chị bận quá. Anh út Mặt Mâm lại rảnh. Thôi em tự lo được rồi chị à. Em đi làm rảnh rỗi em sẽ đến thăm chị. Chừng nào chị chưa lấy chồng em sẽ đến. Thôi em đi đây.
Lan quay ngoắt bỏ đi. Hương đưa mắt nhìn theo tìm kiếm út Mặt Mâm đang nút chỗ nào đó trong vườn cao su. Nhưng không nhìn thấy gì cả.
Hương ra tới chỗ đậu xe đã thấy vợ con Ba Hoàng ngồi trên xe rồi. Vợ Ba Hoàng nói:
- Về nhà đi Hương à, bữa nay cháu ở lại với mẹ con cô.
Hương nói:
- Bữa nay cháu bận, mai cháu sẽ đến. Cháu phải ra sân bay bây giờ.
Hôm nay là ngày Tân bay về Mỹ. Hương không định tiễn Tân, nhưng coi đồng hồ lại thấy đúng giờ Tân ra sân bay. Hương đến sân bay thấy Tân đứng đợi bên ngoài, như tin chắc là Hương đến. Hương đi thẳng vào làm ra vẻ tự nhiên:
- Em tưởng không kịp. Hình như giờ bay dời lại phải không?
- Không - Tân đáp, như đang thở gấp.
- Còn lâu không?
- Còn lâu. Anh làm thủ tục xong hết rồi. Mình tìm chỗ uống nước đi - Họ đi lên lầu, trên đường đi Tân nói - Anh không hay chuyện chú Ba Hoàng, cho đến hồi hôm nghe cáo phó trên đài. Sao em không báo cho anh biết?
- Em quên.
Hương mặc cho Tân chọn bàn, kêu thức uống, cô cứ đứng yên đưa mắt ngó dáo dác khiến Tân phải ngạc nhiên:
- Em tìm ai hả?
- Không...
- Hay em đi tiễn người khác - Tân cười nói - Có đúng em đi tiễn người khác không?
- Thôi mà.
Họ chọn chiếc bàn sát bên ngoài, có thể nhìn thấy qua cửa kiếng mấy chiếc máy bay trắng toát nằm lồ lộ dưới đường băng. Hương nhìn xuống sân bay rồi nhìn quanh phòng với ánh mắt ngạc nhiên, lạ lẩm. Hương thường vào đây - đi tiễn người quen, gặp ban giám đốc để viết bài - nhưng Hương không thể nào quen được cảnh sân bay như thế này. Sao mà nhộn nhịp quá như thế này! Và họ từ đâu tới, và họ đi đâu, những người khách lên xuống nhộn nhịp ấy? Mới mấy tiếng hồ trước họ còn ở bên kia bán cầu giờ đã ở đây rồi sao? Làm sao họ quen được? Và người ở đây ra đi nữa, họ cười cười nói nói thế kia rồi mấy tiếng đồng hồ sau đã ở một xứ sở xa lạ đầy tuyết phủ, mọi lá cây cọng cỏ đều khác. Làm sao họ sống được?
- Thiên phóng sự của em sắp xong chưa? - Tân hỏi, ngồi tì tay vào bàn nhìn vào mắt Hương - Hay anh còn phải đón đọc nó ở bên Mỹ.
- Xong rồi - Hương đáp - Em chỉ còn viết chương cuối cùng này thôi, từ nghĩa trang tới sân bay này.
- Không có anh trong đó chớ?
- Có đấy.
- Về Mỹ, anh sẽ viết thư cho em, được chớ?
- Anh cứ viết.
- Chừng anh quyết định về ở luôn đây, anh sẽ hỏi cưới em được chớ?
- Anh cứ hỏi.
Im lặng một lúc rồi Hương hỏi sang chuyện khác:
- Công việc của anh thế nào?
- Xong rồi. Anh chỉ làm công việc thăm dò thôi.
- Vậy có xây nhà không?
- Có đấy, nhưng ngoài bãi lầy thôi.
Im lặng một lúc nữa rồi Hương nói:
- Em quên mua quà lưu niệm cho anh.
- Có rồi, anh mang theo thiên phóng sự của em nè.
- Đó là chuyện riêng của mẹ em.
- Em đã đăng báo rồi không còn là chuyện riêng của em nữa.
Lần này im lặng kéo dài đến nỗi Hương phải hối:
- Anh coi tới giờ chưa kẻo trễ.
Tân cười:
- Em đừng lo, họ sẽ bắt anh lên máy bay, anh mua vé rồi không thoát được đâu.
Hương rời bàn đứng dậy đi đến áp sát mặt vào cửa kiếng nhìn xuống sân bay. Một chiếc máy bay đang khởi động. Có phải chiếc này không? Hay chiếc kia? Những chiếc xe tải nhỏ chạy tới lui, âm thanh vọng lên thật lặng lẽ, mơ hồ, như từ một nơi rất xa. Phòng đợi đã thưa hẳn người, như chiếc máy bay chỉ chở mình Tân vậy. Tân cũng rời bàn đi tới, vừa lúc Hương quay lại.
- Thôi em về đây - Hương nói, cúi xuống gần chạm mặt vào ngực Tân - Em không thích nhìn người lên máy bay. Anh đi mạnh giỏi nghen! Anh có thể trách gì em không? Trách thì em chịu nhưng em không thể làm khác được. Thử hỏi mình có gì gắn bó với nhau? Em cũng vậy, và anh cũng vậy. Nhưng em có tin thời gian sẽ thay đổi cả hai chúng ta. Anh cứ viết thư cho em. Em cũng sẽ viết thư cho anh. Có dịp về đây anh hãy đến thăm em. Và biết đâu em có dịp sang Mỹ, em cũng sẽ đến thăm anh. Và rồi sẽ có chuyện em viết. Đâu có chỗ nào không có chuyện để viết phải không anh? Bên này hay bên kia, hồi xưa hay bây giờ.
Hương ngước nhìn Tân mỉm cười, áp nhẹ đầu vào ngực anh rồi quay đi. Tân đứng yên như thế, không quay lại nhìn theo cho đến khi Hương đi xuống khỏi cầu thang.
Hương về đến nhà thấy có thư của Minh Thu nhưng không đọc. Ngày chỉ mới xế chiều. Hương tắm giặt, nấu cơm ăn rồi đóng cửa, vặn máy nghe nhạc, sau đó lên giường giở một cuốn sách ra đọc. Hương muốn được ở một mình suốt ngày nay, một mình và nếu có thể được suy nghĩ về mẹ mình.
Nhưng rồi Hương vùng dậy ra khỏi giường. Hương làm tất cả những chuyện này không phải để ngồi một chỗ suy nghĩ. Phải làm chuyện gì đó. Mẹ Hương ngày xưa cũng vậy. Hương thay quần áo mang túi xách khóa cửa xuống lầu đến tòa soạn. Không có ai ở đó cả, vị tổng biên tập cũng không. Nhưng Hương vừa ngồi xuống liền nghe tiếng ông ta gọi điện về, tiếng văng vẳng như từ trên mặt trăng:
- Phóng viên Mai Hương đó hả? Có việc cho cô đây!
- Ông ở đâu vậy? - Hương hỏi.
- ở đây thôi, trên hành tinh thân yêu của chúng ta. Cô đi Cà Mau được không?
- Có việc gì?
- Có cháy rừng ở dưới đó.
- Tôi chữa cháy được à?
- Để người ta chữa, còn cô thì viết bài. Viết mạnh vào, mình sẽ làm một đám cháy thứ hai. Cô đi được chớ?
- Ông giao cho tôi rồi phải không?
- Đúng. Tôi tin cô. Cô là một người con gái khôn khéo đảm đang. Nhưng sẽ là một người vợ dữ dằn đáng sợ. Cô có thể đi liền trong ngày mai, công tác phí như thường lệ. Nếu muốn uống thêm chai bia tôi cũng có thể chi thêm.
- Bia ông đã uống rồi. Tôi nghe mùi bia trong điện thoại đây nè. Thôi tôi về chuẩn bị đồ đạc đây. Ông cũng nên về với người vợ hiền dịu đáng thương của ông đi.
Hương về nhà, trong lúc chuẩn bị đồ đạc, đọc thư Minh Thu, hình ảnh những đám cháy rừng choán chật cả tâm trí Hương.
Tháng 7-96