watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đất Vỡ Hoang-Chương 10 - tác giả Mikhail Solokhov Mikhail Solokhov

Mikhail Solokhov

Chương 10

Tác giả: Mikhail Solokhov

Ngôi lò rèn cũ kỹ đặt tận cuối làng đã tiếp đón anh bằng những mùi và tiếng động quen thuộc của nó: vẫn như thường lệ, chiếc búa vẫn chắc trong tay bác Ipôlít Xiđôrôvits nện chan chát, tuân theo răm rắp từng động tác của chủ nó; ngay từ xa đã nghe thấy vọng lại tiếng thở hổn ha hổn hển của cái bễ đã hết tuổi phục vụ; và vẫn như thường lệ, từ khoang cửa mở toang bay toả ra mùi than nồng cay gắt và cái mùi diệu kỳ, khó quên của sắt nung đỏ rực.
Gian lò rèn đứng riêng một chỗ, quanh nó vắng tanh và trống trải. Con đường mòn qua sát đó bốc lên mùi bụi nóng hầm hập và mùi cây rau lê. Cây gai mèo và cỏ dại mọc lên trên mái nhà đan bằng cành cây và võng xuống dưới một lớp đất cỏ phủ dày. Mái nhà nhung nhúc những chim sẻ. Vốn xưa nay chúng vẫn ngụ cư trong lớp rui mè của gian lò rèn này, kể cả trong mùa đông, và tiếng ríu rít không lúc nào ngừng của chúng dường như là tiếng nhạc nền cho cuộc đối thoại chan chát của đe và búa.
Bác Salưi đón tiếp Đavưđốp như một ông bạn nối khố. Suốt ngày này sang ngày khác làm việc với độc một thằng phó nhỏ, bác buồn tênh cho nên thấy Đavưđốp tới, bác hớn hở ra mặt. Bác chìa ra bàn tay rắn như sắt nguội, vui vẻ cất lên cái giọng ồm ồm:
- Lâu, lâu lắm rồi không thấy anh đấy, anh chủ tịch nhỉ! Anh quên giai cấp vô sản rồi sao mà chả thấy lại chơi. Anh làm thế cho cao giá chứ gì. Thế nào, hôm nay anh lại thăm bà con phải không? Mà đâu có chuyện thế nhỉ? Anh bạn ạ, lão đi guốc vào bụng anh rồi, anh đến xem mấy cái máy cắt cỏ thì có! Nào thì đi xem. Lão đã cho xếp hàng như quân kô-dắc đứng duyệt binh vậy. Ta đi thôi, nhưng anh chớ có bới lông tìm vết đấy. Chính anh đã đến đây cùng làm với lão, thế thì bây giờ tội tình đừng đổ lên đầu người khác.
Đavưđốp dừng lại hồi lâu trước mỗi cỗ máy cắt cỏ, xem xét kỹ lưỡng. Nhưng dù đã kiểm tra bằng con mắt rất xoi mói, anh cũng chẳng phát hiện được gì ngoài vài ba chỗ sơ xuất nhỏ. Thế nhưng anh đã làm bác phó rèn già thực sự bị chạm tự ái. Ông lão cứ lẽo đẽo theo anh từ cỗ máy này sang cỗ máy khác, tay cầm vạt tạp dề bằng da thuộc lau mồ hôi trên khuôn mặt đỏ như gà chọi, miệng thì cằn nhằn:
- Anh đúng là một ông chủ chẻ tóc làm tư! Xoi mói thế cũng chả đi đến đâu đâu… Ờ, anh đánh hơi cái gì vậy? Chứ lão hỏi anh, anh định tìm cái gì? Anh coi lão là một thằng digan sao? Gõ chan chát mấy cái, làm quấy quá cho xong, rồi nhảy lên xe, nhong nhong tếch mất hút thế hẳn? Không phải đâu, anh ơi, mọi cái ở đây đều làm đến nơi đến chốn cả đấy, như việc nhà mình vậy, chả việc gì anh phải hít hít đánh hơi, bới lông tìm vết.
- Bác cứ nghĩ thế thôi, chứ bới lông tìm vết gì đâu, hả bác Ipôlít Xiđôrôvits.
- Nếu không là bới lông tìm vết thì anh dã xem xong từ đời tám hoánh nào rồi chứ đâu còn loanh quanh mãi bên từng cỗ máy hít hít ngửi ngửi, sờ sờ nắn nắn…
- Nghề của tôi nó thế, bác ạ: mắt nhìn, tay nắn, - Đavưđốp đùa cho qua chuyện.
Nhưng khi anh đặc biệt chăm chú xem xét một cỗ máy ọp ẹp, lưỡi sứt mẻ cả, là cỗ máy của Anchíp Gráts trước khi đưa vào tập thể, thì bác Salưi nở nang mặt mày hẳn lên, vẻ bực bõ tự nhiên tiêu tan đâu hết. Bác túm lấy chòm râu, nhấm nháy mấy cái chả rõ với ai, rồi mỉm một nụ cười láu lỉnh, bác hóm hỉnh nói:
- Bò xuống, bò hẳn xuống gầm mà xem, anh Đavưđốp ạ! Sao lại cứ lượn quanh như con gà sống vậy? Nằm sắp rạp xuống, lấy răng mà thử cái lưỡi hái. Sao lại cứ sờ soạng như sờ con gái thế? Ghé răng vào cắn thử, ghé răng vào! Chà, thợ như anh thì thật chán kinh! Cái mình làm mà không nhận ra ư? Cỗ máy này do chính tay anh sửa đấy mà! Tôi nói dứt khoát thế đấy, tay anh làm tất, vậy mà xem nó anh cũng chẳng nhận ra là thế nào? Anh ạ, cái tính anh thế thì khéo lấy vợ tối hôm trước, sáng hôm sau mở mắt ra chả biết vợ là ai nữa…
Đắc chí với câu pha trò của mình, bác Salưi cười ha hả, tiếng cười như lệnh vỡ, rồi bác ho, khoa tay lên. Nhưng Đavưđốp chẳng hề tự ái, đáp:
- Có quái gì mà cười, hả bác Ipôlít Xiđôrôvits? Cái máy trung nông còm này tôi đã nhận ra ngay mà, và cũng nhớ là tay mình sửa. Cho nên tôi càng phải kiểm tra nó kỹ lưỡng để vào vụ cắt cỏ khỏi bị trơ mặt. Vì nếu như chẳng may cái đồ thải này có trục trặc gì, chắc bác sẽ là người đầu tiên rêu rao với đám thợ: “Lão giao búa, giao kìm cho anh Đavưđốp đấy, nhưng anh ấy làm ăn như mèo mửa”. Thế chứ gì?
- Tất nhiên là thế. Mà sao lại không thế nhỉ? Ai làm người ấy chịu.
- Bác lại bảo: “Không nhận ra”! Cái của quý này tôi nhận ra quá chứ, nhưng với bản thân thì phải khắt khe hơn.
- Thế nghĩa là anh không tin ở anh à?
- Đôi khi thế…
Bác phó rèn bỗng nghiêm nét mặt lại, đồng tình. – Anh ạ, thế thì tốt lắm. Cái nghề làm sắt của chúng ta như người ta nói là cái nghề phải có tinh thần trách nhiệm, chẳng phải chốc lát mà thành thạo được, ồi, chẳng phải chốc lát đâu… Không phải vô cớ mà cánh phó rèn chúng tôi có câu này: “Tin bàn tay mình, tin cái búa cái đe. Nhưng cái đầu óc mình còn non thì chớ nghe nó mà dại”. Ở nhà máy lớn là thế, thì ở cái lò rèn nhỏ cũng vậy, đâu cũng phải có tinh thần trách nhiệm cả, lão nói dứt khoát với anh như vậy. Năm ngoái người ta gửi về trọ ở nhà lão anh cán bộ huyện phụ trách thu mua da lột; anh ta được cử về làng ta với đầy đủ quyền hành. Lão và bà nó nhà lão săn sóc anh ta như con đẻ, nhưng anh ta chẳng hé răng chuyện trò một câu với cả lão lẫn bà nó nhà lão, sợ như thế là hạ mình. Ngồi vào ăn, câm như hến, đứng dậy, cũng câm như hến, ở trụ sở xôviết về, câm như hến, và ra đi, cũng câm như hến. Hỏi anh ta cái gì về chính trị hay chủ trương chính sách, anh ta đều chỉ càu nhàu đáp lại “Có phải việc của ông đâu mà cứ hỏi lôi thôi”. Chuyện trò với anh ta đến đấy là thôi đấy. Ông khách trọ ấy sống ở nhà lão ba ngày đêm miệng câm tịt, nhưng đến ngày thứ tư thì mở miệng… Sáng hôm ấy, anh ta vênh mặt lên, bảo lão: “Này, bảo bà lão mang khoai tây lên cho tôi đừng có bê cả soong lên, mà phải xẻ ra đĩa, và đừng để giẻ lau tay lên bàn, mà phải có khăn ăn tử tế. Tôi là người có văn hoá, lại là một cán bộ phụ trách trên huyện, tôi không thích bị đối xử suồng sã như vậy”.
Lão mới điên lên, và bảo: “Anh là cái con bọ hôi mù chứ đâu phải là người có văn hoá! Nếu anh có văn hoá thì thức ăn người ta dọn cho anh đựng bằng gì anh cũng chén được, và người ta đưa cho anh khăn gì cũng chùi mép được, bởi vì khăn ăn thì từ thuở lọt lòng lão nào có thấy nhà có bao giờ, còn đĩa thì có bao nhiêu bà nó đánh vỡ sạch. Tôi không lấy của anh đồng xu nào; bà nó nhà tôi cứ bấn tinh xúc xích lên, không biết làm thế nào để phục dịch anh cho được vừa ý, để anh có cái ghế tử tế mà ngồi, cái giường êm êm ngủ, thế mà bây giờ anh lại hếch ngược mũi lên cao hơn mái nhà: “Tôi đây là cán bộ phụ trách!”. Vậy chứ tôi hỏi anh, anh phụ trách cái gì? Phụ trách mấy cái bộ lông thỏ, lông chuột đồng! Đấy, chả phụ trách cái khỉ gió gì cả, tôi đây cơ, tôi mới là phụ trách! Sau ông chủ tịch và ông bí thư chi bộ, tôi là người quan trọng nhất làng, bởi vì rằng không có tôi thì đừng hòng cày bừa gặt hái. Tôi nói anh nghe, tôi làm công việc sắt thép, còn anh thì việc da lông, vậy thì giữa hai ta ai quan trọng hơn ai nào? Anh tự coi là cán bộ phụ trách, tôi cũng thế. Hai anh phụ trách thì làm sao sống chung được một mái? Chả sống nổi đâu! Vậy thì anh bạn quý hoá ơi, xin anh cắp cặp bán xới đi đâu thì bán xới, người dương dương tự đắc như anh thì tôi dứt khoát không thiết”.
Đavưđốp híp tít mắt lại đến nỗi chỉ trông thấy ánh mắt anh qua hai cái khe nhỏ tí. Anh hỏi nhỏ, giọng rung rung vì cười:
- Bác đuổi hả?
- Đuổi luôn! Hắn xéo thẳng và cũng chẳng thèm có một lời cám ơn, cái quân chó đẻ phụ trách ấy!
- Giỏi lắm, bác Ipôlít Xiđôrôvits ạ!
- Giỏi giang gì đâu, chẳng qua là không chịu nổi cái loại khách trọ ấy thôi.

Hút xong điếu thuốc, Đavưđốp tiếp tục xem xét cái máy và mãi đến nửa ngày mới xong. Trước khi chào bác Salưi ra về, anh nhiệt liệt cám ơn bác đã làm việc tận tình, và hỏi:
- Sửa chữa thế này họ tính cho bác bao nhiêu công?
Bác phó rèn già sa sầm mặt xuống, quay đi:
- Iakốp Lukits tính cho thì tiền không dính túi…
- Iakốp Lukits dính dáng gì vào đây?
- Dính ở chỗ lão ấy ban phát luật lệ cho tay kế toán. Lão nói sao, kế toán ghi vậy.
- Thì bác cứ cho biết bao nhiêu?
- Chả nghĩa lý gì, anh ạ, rẻ như bèo.
- Ô hay, tại sao thế được nhỉ?
Ông lão phó rèn thường ngày hiền lành thế, lúc này nom dữ hẳn, cứ như đứng trước mặt lão không phải là Đavưđốp mà là c hính Iakốp Lukits vậy.
- Tại là vì họ không thèm đếm xỉa gì đến công sức của lão. Lão đứng lò một ngày, họ chấm một công. Còn như đứng đấy lão làm hay vểnh râu hút thuốc lá thì đối với họ cũng thế thôi! Có thể là một ngày lão sửa chữa đáng bằng năm công, mặc, họ cứ chấm một. Dù anh có quằn lưng bên cái đe thì anh cũng chẳng kiếm được thêm công nào. Công xá các anh định như thế thật chả lo người ta phì nộn ra đâu! Tất nhiên là không chết, nhưng chả thiết lấy vợ nữa!
- Đâu phải tôi định! – Đavưđốp gay gắt cắt lời bác. – Và cũng không phải nông trang định! Chuyện tầm bậy thế mà sao bác chả nói gì với tôi trước?
Bác Salưi ngập ngừng một tí rồi đáp, vẻ miễn cưỡng ra mặt:
- Biết nói với anh thế nào, cũng có thể là lão ngượng mồm, cũng có thể là lão dè dặt. Có lúc lão đã dứt khoát định đến kêu ca với anh, nhưng rồi lão nghĩ là anh sẽ bảo: “Người chả biết điều tí nào, bao nhiêu cũng không vừa…”. Cho nên lão ngậm tăm. Nhưng bây giờ đã nói thì nói cho hết: theo kiểu ban ơn của họ, họ chỉ tính công cho mình những việc nom rõ rành rành, chẳng hạn như sửa chữa các loại cày, hái, tóm lại là những việc nó sờ sờ ra đấy. Còn những việc lặt vặt, chẳng hạn như rèn móng, đóng móng ngựa, đánh móc sắt, đinh khuy, bản lề cửa, và những việc linh tinh khác, thì họ lờ tịt và không muốn nghe mình nhắc đến nữa. Điều đó lão cho là không đúng vì những việc lắt nhắt ấy tốn mất khối thời gian.
- Bác cứ nói mãi “họ”, nhưng “họ” là ai? Một mình kế toán tính toán công và một mình anh ta phải chịu trách nhiệm trước ban quản trị, - Đavưđốp cau có nói.
- Kế toán tính công, nhưng Iakốp Lukits định công. Anh nói với lão cái chuyện đáng lẽ phải thế, còn lão thì nói với anh cái chuyện thực tế nó thế.
- Nếu thực tế nó thế thì rất bậy.
- Ồ, nhưng đâu phải lỗi ở lão, mà lỗi ở anh.
- Chẳng cần bác nói, tôi cũng thừa biết là lỗi ở tôi rồi. Phải sửa, càng sớm càng tốt. Mai tôi sẽ cho họp ban quản trị, và sẽ chất vấn Iakốp Lukits về việc này… Chúng tôi sẽ có ý kiến thẳng thừng với lão ấy! – Đavưđốp nói dứt khoát.
Nhưng bác Salưi chỉ cười khẩy trong hàng râu:
- Đâu phải chuyện có ý kiến với lão ấy…
- Vậy theo bác thì với ai? Với kế toán hả?
- Với anh.
- Với tôi? Hừmm… Được, thì ý kiến đi.
Bác Salưi nhìn kỹ anh một cái từ đầu đến chân, như muốn đo sức chịu đựng của anh, rồi thủng thẳng nói:
- Đứng cho vững, anh cả ạ! Những điều lão sẽ nói với anh đây không được bùi tai cho lắm đâu… Lão cũng chả muốn nói, nhưng cần thì phải nói. Lão e rằng người khác chả ai dám nói với anh những điều ấy.
- Cứ nói, cứ nói đi, - Đavưđốp động viên bác nói, trong bụng thầm cảm thấy rằng câu chuyện sẽ chẳng phải là thú vị gì cho mình, nhất là anh sợ bác Salưi sẽ lôi chuyện anh đi lại với Luska ra nói.
Nhưng ngược lại với e ngại của anh, bác mở đầu bằng chuyện hoàn toàn khác:
- Nhìn bề ngoài thì thấy anh đường đường làmột ông chủ tịch, nhưng đào sâu vào một tí thì anh chẳng phải chủ tịch chủ tiếc gì cả, mà là một vai chạy cờ, như người ta thường nói.
- Hay thật! – Đavưđốp thốt lên bằng giọng có phần nào cố làm ra vui vẻ.
- Hay gì đâu, - bác Salưi nghiêm nghị nói tiếp. – Chẳng có gì là hay ở đây cả, lão nói dứt khoát với anh như vậy. Anh chui xuống gầm máy cắt cỏ, anh xem xét kiểm tra, đúng như một chủ nhân ông thực thụ, rồi anh ra đồng sống với anh em, rồi tự tay anh cày, nhưng ở ban quản trị người ta làm những gì thì anh chẳng thấy, chẳng biết cái chết tiệt gì. Giá anh bớt lang thang ngoài đồng đi, có mặt trong làng đây nhiều hơn một tí, công việc chắc sẽ chạy hơn. Chứ cái thời gian anh ở lúc thì ngoài đồng, lúc thì lò rèn, bao biện làm thay người khác, thì Ôxtơrốpnốp ở đây thay anh làm mưa làm gió. Quyền hành trong tay anh, anh buông rơi, và Ôxtơrốpnốp đã nhặt lấy…
- Bác cứ dốc bầu nói hết đi, - Đavưđốp lạnh lùng nói. – Cứ nói hết, đừng ngại!
- Nói hết thì được thôi, - bác Salưi sẵn sàng đồng ý ngay. Bác ngồi thoải mái xuống bệ một cỗ máy, chỉ tay mời Đavưđốp ngồi xuống cạnh mình, và chợt thấy thằng phó nhỏ đang thập thò ở cửa nghe trộm chuyện họ, bác giậm chân, quát lên ồm ồm: - Cút ngay, đồ quỷ sứ nhà giời! Không có việc gì làm hả? Con mẹ mày, lúc nào cũng độc thấy mày nghe trộm là thế nào? Ông thì cởi thắt lưng ông quật cho một trận bây giờ cho mày biết tay! Thế sẽ khắc đút nút lỗ tai mày lại được ngay. Cái thằng ôn vật ấy sao mà nó nghịch ngợm thế không biết!
Thằng bé mặt mũi lọ lem, đôi mắt ánh lên ranh mãnh, lủi đi như một con chuột vào trong bóng tối của lò rèn, và liền sau đó lại nghe thấy cất lên tiếng thở phì phèo của chiếc bễ và ngọn lửa phun ra từ cửa lò lại sáng lên đỏ rực. Và bác Salưi nói tiếp, miệng mỉm một nụ cười lúc này đã trở lại hiền lành:
- Thằng mồ côi ấy lão đang dạy nghề cho nó đấy. Bọn lớn thì chẳng thằng ma nào chịu đi làm lò rèn đâu. Chính quyền xôviết đã dứt khoát làm chúng nó hư hỏng hết! Đứa thì mơ bác sĩ, đứa thì đại học nông nghiệp, đứa thì kỹ sư kỹ siếc, nhưng cánh già chúng tôi chết đi rồi lấy ai mà khâu giày cho nhân dân, ai may quần, ai đóng móng ngựa! Và ở chỗ lão đây cũng thế: chẳng kéo được đứa nào vào làm lò rèn cả, đứa nào cũng sợ khói lò rèn như ma quỷ sợ khói hương trầm vậy. Cho nên lão phải lấy thằng Vanhia này vào làm. Thằng quỷ sứ ấy, nó có khả năng, nhưng những trò ma quái của nó lão phải chịu đựng thì không sao kể xiết! Lần thì mùa hè nó lẻn vào vườn nhà người ta để rồi lão phải nghe chửi, lần thì nó bỏ lò rèn tếch đi câu cá bống, lần thì nó bày ra những trò gì chả biết, dứt khoát nó là một thằng vô tích sự. Cái bà cô ruột nuôi nó không trị nổi nó, thành thử ra là lão phải è cổ ra chịu đựng những trò tai quái của nó. Nhưng lão chi có thể mắng chửi nó được thôi, còn như đánh đập một trẻ mồ côi thì lão không đành. Sự thể là như vậy đấy, anh ạ. Sự thể là dạy dỗ con cái người ta, nhất lại trẻ mồ côi, là việc gay go lắm. Nhưng trong đời lão, lão đã đào tạo được mươi tay phó rèn dứt khoát lành nghề rồi, và hiện giờ đây các học trò của lão đang hành nghề tại các lò rèn bên Tubianxki, Vôxkôvôi và nhiều làng khác, thậm chí có một đứa còn làm việc ở nhà máy ở Rôxtốp nữa. Đó chả phải chuyện bỡn đâu, anh ạ, chính anh đã làm việc nhà máy đấy, anh thừa biết: chả phải bạ ai người ta cũng nhận cho vào làm đâu. Cho nên lão cũng rất lấy làm tự hào là lão có chết đi thì cũng để lại cho đời hàng chục kẻ được lão truyền tài cho. Lão lý luận thế có phải không anh?
- Ta hãy bàn luận vào việc của ta thì hơn. Bác thấy công tác của tôi có điều gì thiếu sót nữa?
- Thiếu sót thì chỉ có một cái: anh chỉ làm chủ tịch trong các cuộc họp thôi, còn trong công việc thường ngày thì chủ tịch là Ôxtơrốpnốp. Mọi cái dở đều từ đó mà ra cả. Lão thì lão thấy thế này: mùa xuân anh cũng cần phải ra đồng ba cùng vài bữa với anh thợ cày, nêu gương cho họ thấy làm ăn tập thể thì phải làm như thế nào, hơn nữa chính bản thân anh cũng học biết được cày. Đối với một ông chủ tịch nông trang điều đó chẳng có hại gì cả. Nhưng tại sao đến bây giờ anh vẫn còn ở lì ngoài đồng thì lão dứt khoát không sao hiểu nổi. Chẳng lẽ ở nhà máy, nơi anh làm ấy, ông giám đốc cũng ra đứng máy tiện suốt ngày hay sao? Nếu thế thì cũng lạ đấy.
Bác Salưi nói hồi lâu về những chuyện lủng củng của nông trang, những chuyện mà Đavưđốp chẳng hề hay biết, những chuyện mà Iakốp Lukits cùng với tay kế toán và tay thủ kho vẫn ra sức dấu kín anh. Nhưng mọi chuyện bác nói đều dẫn đến một điểm là kẻ chủ mưu tất cả những sự việc đen tối xảy ra từ ngày đầu thành lập nông trang đến nay chính là cái lão Iakốp Lukits tâm ngẩm tầm ngầm kia.
- Tại sao bác không lần nào phát biểu ra trong hội nghị? Bác không gắn bó với lợi ích của nông trang hay sao? Thế mà cứ nói: “Tôi là giai cấp vô sản!”. Vô sản cái phải gió gì mà chỉ xì xà xì xào vụng trộm, còn ra hội nghị thì không thấy tăm hơi đâu cả?
Bác Salưi cúi gằm xuống, im lặng hồi lâu, tay mân mê một cọng cỏ, và ngọn cỏ mỏng manh ấy kẹp trong những ngón tay chuối mắn, đen đủi và gần như dại cứng của bác Salưi nom nó nghịch mắt quá đến nỗi Đavưđốp bất giác mỉm cười. Còn bác Salưi thì vẫn đăm đăm nhìn vào một cái gì đó ở dưới chân, dường như bác muốn tìm ở đấy câu trả lời cho Đavưđốp. Im lặng hồi lâu rồi bác hỏi:
- Mùa xuân vừa rồi trong một cuộc họp anh đưa ra ý kiến đuổi Atamantsukốp ra khỏi nông trang có phải không?
- Tôi có đặt vấn đề ấy. Thì sao?
- Thế đã đuổi chưa?
- Không đuổi. Và đáng tiếc; lẽ ra phải đuổi.
- Tiếc thì đúng là tiếc, nhưng vấn đề không phải ở chỗ tiếc…
- Vậy thì ở chỗ nào?
- Thế anh có nhớ ai đã phản đối việc đó không? Không nhớ à? Lão nhắc cho anh nhớ lại: Ôxtơrốpnốp này, thủ kho Aphônia này, Liusnhia này, và trên dưới hai chục người nữa. Chính họ đã đả vào ý kiến đúng đắn của anh, kéo mọi người chống lại anh. Như thế nghĩa là Ôxtơrốpnốp hành động không phải một mình. Anh nghe đã hiểu chưa?
- Còn gì nói nốt đi.
- Nói nốt thì được thôi. Anh vừa hỏi lão tại sao ra hội nghị lão không phát biểu. Lão có thể phát biểu một lần, hai lần, những đến lần thứ ba thì hết đường phát biểu: người ta sẽ choảng vào đầu lão ở ngay cái lò rèn này, bằng chính thanh sắt vừa lúc nào lão đưa vào lò và cầm đỏ rực trong tay, thế lão lão hết bép xép. Không, anh ơi, lão già rồi, hơi sức đâu mà phát biểu, anh có giỏi thì anh phát biểu thôi, lão vẫn còn muốn được ngửi cái mùi sắt đỏ trong lò.
- Bố già ơi, bố phóng đại mối nguy hiểm hơi quá đấy, thực tế thế! – Đavưđốp nói bằng một giọng thiếu tự tin, đầu óc vẫn đang bị ám ảnh vì câu chuyện bác thợ rèn vừa kể.
Nhưng ông lão vẫn giương đôi mắt ốc nhồi đen nhánh nhìn Đavưđốp chòng chọc, rồi nheo mắt lại cười kháy:
- Già rồi thì mắt mũi thong manh, anh ạ, cho nên có thể là lão phóng đại, như anh nói. Thế nhưng anh, anh là thanh niên mà những tác oai tác quái của bọn chúng anh chả thấy gì cả. Những trò bận rộn của tuổi thanh niên đã làm anh tối mắt thực sự rồi. Lão dứt khoát nói với anh như vậy.
Đavưđốp lặng im một lát. Bây giờ đến lượt anh ngồi đăm chiêu suy nghĩ, và anh đăm chiêu hồi lâu. Lúc này không phải bác Salưi nữa mà là Đavưđốp mân mê tay như vậy, chỉ khác là đó không phải ngọn cỏ, mà là chiếc ốc rỉ anh vừa nhặt dưới đất… Nhiều người có cái tật không thể giải thích được là hễ suy nghĩ lung là quay quay hoặc mân mê trong tay bất cứ vật gì mình vớ được;
Đất Vỡ Hoang
Lời giới thiệu
Tập I - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương 33 (tt)
Chương 34
Chương 35
Chương 36
Chương 37
Chương 38
Chương 39
Chương 40
Tập II - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 5 (tt)
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 8 (tt)
Chương 9
Chương 9 (tt)
Chương 10
Chương 10 (tt)
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 13 (tt)
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 21 (tt)
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28