Chương 22
Tác giả: Mikhail Solokhov
Đavưđốp đi tới trụ sở Xôviết thì thấy trên thềm đứng quay lưng ra một người lùn mập, đầu đội mũ Kuban đen chụp sâu xuống, chóp mũ đính một chữ thập trắng, mình mặc áo varơi đen lông thuộc có chiết nếp. Vai người đội mũ Kuban ấy rộng đặc biệt, và lưng như cái cánh phản lấp kín cả cửa ra vào lẫn mi cửa. Người ấy đứng dạng hai cẳng chân ngắn và khoẻ, nom thấp và chắc nình nịch như một cây du thảo nguyên. Đôi ủng vẹt gót với hai ống rộng xun lại như cắm rễ xuống sân thềm, đè nó lún xuống dưới sức nặng tấm thân hộ pháp của ông ta.
- Đồng chí Kônđrátkô, đội trưởng đội tuyên truyền chúng tôi đấy. – Anh chàng thanh niên đi bên Đavưđốp, nói. Và thấy Đavưđốp mỉm cười, anh khẽ tiếp: - Xin nói thêm là chúng tôi thường gọi đùa đồng chí ấy là “bátkô Kvađrátkô” (*)… Đồng chí ấy làm tại nhà máy chế tạo đầu máy xe lửa Luganxkơ đấy. Thợ tiện. Kể tuổi thì đáng vai cha chú, nhưng trẻ trung hăng hái ra phết!
Vừa lúc đó Kônđrátkô nghe có tiếng người nói, quay về phía Đavưđốp khuôn mặt đỏ gấc của mình, và dưới bộ ria quặp hung hung một nụ cười nở ra để lộ hàng răng trắng bóng:
- A, các đồng chí chính quyền địa phương đây phỏng? Chào các anh em!
- Chào đồng chí. Tôi là chủ tịch nông trang, còn đây là đồng chí bí thư chi bộ.
- Tốt quá! Ta vào nhà đi, kẻo các chú đội viên đợi các đồng chí đã mòn con mắt rồi đấy. Tôi là đội trưởng đội tuyên truyền đây, và muốn trao đổi với các đồng chí ít việc. Tôi tên là Kônđrátkô, nhưng nếu các chú ấy có bảo các đồng chí tên tôi là Kvađrátkô thì xin các đồng chí cứ bỏ ngoài tai, vì họ nghịch như quỷ sứ ấy…- Ông ta nói ồm ồm như lệnh vỡ, vừa nói vừa nghiêng người lách vào cửa.
Ôxíp Kônđrátkô đã làm việc ở miền nam nước Nga hơn hai mươi năm ròng. Đầu tiên là ở Taganrốc, rồi Rôxtốp trên sông Đông, rồi Mariupôn và cuối cùng là Luganxcơ, tại đó ông đã gia nhập đội cận vệ đỏ, đưa đôi vai rộng ra chống đỡ cho Chính quyền Xôviết non trẻ. Qua bao nhiêu năm quan hệ với người Nga, giọng Ukrain của ông đã bị pha đi, nhưng nhìn dáng người và bộ ria quặp xuống kiểu Séptsenkô, người ta vẫn có thể nhận ra ông là người Ukrain. Năm 1918 ông đã cùng anh em thợ mỏ Đônhét trong đoàn quân Vôrôsilốp tiến về Txaritxưn qua các thôn ấp kô-dắc đang bùng lên cuộc nổi loạn phản cách mạng… Và về sau mỗi lần chuyện trò gợi đến những năm nội chiến đã trôi vào quá khứ, những năm mà dư âm còn lại mãi mãi trong trái tim và ký ức của những ai đã từng tham gia, Kônđrátkô thường nhỏ nhẹ nói bằng một giọng tự hào: “Vôrôsilốp của chúng ta là người Luganxcơ đấy… Tôi với đồng chí ấy quen nhau lắm mà, biết đâu sẽ chẳng có ngày gặp lại. Đồng chí sẽ nhận ra tôi ngay! Hồi còn ở Txaritxưn, đánh bọn bạch quân, đồng chí ấy còn nói đùa tôi: “Thế nào, Kônđrátkô, làm ăn ra sao? Vẫn sống đấy hả, sói già?”. Tôi đáp: “Vẫn sống nguyên, đồng chí Vôrôsilốp ạ, thời giờ đâu nghĩ đến chuyện chết hả đồng chí, đang bận chơi nhau với bọn phản cách mạng mà! Chơi ra chơi!”. Bây giờ mà gặp lại nhau, đồng chí ấy sẽ động viên tôi ghê lắm đấy!” – Kônđrátkô kết luận với giọng tin tưởng.
Sau nội chiến ông trở về Luganxcơ, công tác tại cơ quan công an đường sắt, rồi chuyển sang công tác Đảng, cuối cùng lại trở lại nhà máy. Tại đây ông được Đảng huy động về nông thôn giúp đỡ công cuộc tập thể hoá. Mấy năm gần đây, Kônđrátkô phì nộn ra, phát triển mạnh chiều ngang.. Bây giờ anh em đồng đội cũ chắc cũng chẳng nhận ra ở ông anh chàng Ôxíp Kônđrátkô ở Txaritxưn năm 1918 đã chém tại trận bốn tên lính kô-dắc và tên đại đội trưởng người Kuban là Mamalưga, kẻ đã được đích thân Vranghen trao tặng thanh gươm bạc nạm vàng “vì thành tích chiến đấu dũng cảm”. Ôxíp phát phì ra, bắt đầu về già, mặt nổi lên những đường gân xanh xanh, tim tím… Thời gian đã nhuốm tóc ông màu sương cũng như đường xa và mệt nhọc phủ lên mình con ngựa một lớp bọt trắng. Và màn sương ấy cũng lén lút thấm cả vào bộ ria trễ xuống của ông. Nhưng ý chí và sức lực thì vẫn trung thành với Ôxíp Kônđrátkô, còn cái chuyện cứ béo trương béo nứt ra mãi thì cũng chẳng sao: “Tarax Bunba còn béo hơn tôi, nhưng ông ấy quại bọn Balan không khiếp à? Đấy, nếu như bây giờ lại phải chơi nhau với bất cứ thằng sĩ quan nào mình cũng vẫn còn có thể chém một nhát bổ đôi! Còn bảo mình đã ngũ tuần ư? Thì đã sao? Ông cụ mình dưới chế độ Sa hoàng còn sống đủ trăm tuổi, thì mình bây giờ dưới chính quyền ta, mình sẽ sống trăm rưởi tuổi cho mà xem!”. Ông nói như vậy mỗi lần có ai kháy đến tuổi tác và cái béo trương béo nứt của ông.
Kônđrátkô bước trước đi vào gian phòng trụ sở Xôviết:
- Yêu cầu các chú im lặng! Đây là đồng chí chủ tịch nông trang, còn đây, đồng chí bí thư chi bộ. Bây giờ ta hãy nghe qua tình hình địa phương, rồi mới biết được phải làm ăn ra sao. Nào, mời tất cả ngồi xuống!
Khoảng mười lăm đội viên đội tuyên truyền lao xao ngồi xuống, trừ hai người đi ra ngoài, chắc là để thăm đàn ngựa. Nhìn mặt đám khách, Đavưđốp nhận ra ba cán bộ huyện; một cán bộ canh nông, một giáo viên phổ thông cấp hai và một bác sỹ; còn lại là những anh em trên khu phái về, một số người có vẻ là công nhân xí nghiệp.
Trong khi mọi người lục tục ngồi xuống, kéo ghế lịch kịch và ho húng hắng, Kônđrátkô rỉ tai Đavưđốp:
- Nhờ đồng chí bảo anh em ném cho ngựa chúng mình ít cỏ, và những người đánh xe chớ đi đâu đấy. – Và nháy mắt một cái ranh mãnh: - Có lẽ đồng chí có thóc yến mạch cho ngựa đấy nhỉ?
- Không có cho ngựa, chỉ còn thóc giống thôi, - Đavưđốp đáp, rồi lập tức cảm thấy trong bụng ruột gan lạnh toát, ngượng không tả được, và khó chịu với chính mình.
Yến mạch thì còn hơn trăm pút, nhưng anh đã từ chối vì phải giữ để gieo vào đầu vụ xuân như giữ gìn đôi con ngươi; và Iakốp Lukits đã suýt phát khóc khi phải lấy hạt thóc quý như vàng ấy cho ngựa ăn (mà chỉ cho ngựa văn phòng thôi, và cũng chỉ những khi chúng phải chạy đường dài khó nhọc).
Đavưđốp thoáng nghĩ: “Đúng kiểu đầu óc tiểu tư hữu! Nó bắt đầu nhiễm cả vào mình nữa rồi đấy… Trước kia mình đâu có như vậy, thực tế thế! Chà.. Hay là, cho ông ấy một ít? Thôi, không tiện, trót từ chối rồi”.
- Đại mạch thì chắc có?
- Cũng không có.
Đại mạch thì quả là không có thật, nhưng Đavưđốp vẫn đỏ rừ mặt trước ánh mắt hóm hỉnh của Kônđrátkô.
- Không có, tôi nói thật đấy, đại mạch quả là không có.
- Đằng ấy mà làm ông chủ thì cừ đấy… Mà có lẽ làm một anh kulắc cũng hay… - Kônđrátkô mỉm cười dưới hàng ria, nói giọng ồm ồm, nhưng thấy Đavưđốp cau mày lại thì ôm lấy anh, khẽ nhấc bổng lên: - Ồ, mình nói đùa đấy mà. Không có thì thôi! Nhưng cố mà dành dụm lấy một ít cho ngựa có cái ăn.. Thôi, anh em ơi, ta làm việc! Yêu cầu yên lặng như tờ. – Rồi quay sang phía Đavưđốp và Nagunốp: - Chúng tôi về đây để giúp đỡ các đồng chí một tay, chắc các đồng chí đã được báo tin rồi. Bây giờ các đồng chí trình bày cho biết tình hình địa phương ra sao?
Sau khi nghe Đavưđốp báo cáo tường tận việc tiến hành tập thể hoá và thu thóc giống dự trữ, Kônđrátkô quyết định như sau:
- Chúng tôi ở lại đây tất cả thì chẳng có việc gì làm. – Ông ta đằng hắng, rút trong túi áo ra một cuốn sổ tay và một tấm bản đồ, đưa ngón tay chuối mắn lần trên mặt bản đồ: - Chúng tôi sẽ sang Tubianxki. Đấy với đây xem thì cũng gần thôi, và chúng tôi sẽ để lại một đội bốn anh em, giúp các đồng chí trong công tác vận động. Còn về việc làm sao thu thóc giống cho nhanh thì tôi muốn góp ý kiến với các đồng chí như thế này: trước tiên phải khai hội, giải thích đầu đuôi xuôi ngược cho bà con rõ, sau đó hãy triển khai thu rộng rãi, - ông nói chi tiết và chậm rãi.
Đavưđốp nghe ông ta nói rất lấy làm thú vị. Đôi chỗ có một vài thành ngữ Ukrain anh nghe không rõ nghĩa lắm, chỉ hiểu lơ mơ, nhưng anh cảm thấy một cách sâu sắc rằng Kônđrátkô đang đưa ra một kế hoạch vận động thu thóc giống về cơ bản là đúng. Và cũng vẫn chậm rãi như vậy, Kônđrátkô vạch ra phương sách đối xử với những nông dân cá thể và phần tử khá giả trong làng nếu thảng hoặc họ không chịu, hoặc bằng cách này hay cách khác chống lại các biện pháp thu thóc giống của ta; ông giới thiệu những phương pháp vận động có hiệu qủa nhất rút ra từ kinh nghiệm hoạt động của đội tại các trang ấp khác; và lúc nào lời lẽ cũng ôn tồn, không thể hiện chút gì là có ý muốn lãnh đạo và dạy đời, và trong khi nói, thỉnh thoảng lại hỏi ý kiến lúc thì Đavưđốp, lúc thì Radơmiốtnốp hoặc Nagunốp: “Nên tiến hành như vậy đấy. Anh em Grêmiatsi Lốc thấy thế nào? Tôi thì nghĩ thế đấy”.
Và Đavưđốp tươi cười nhìn vào gương mặt đỏ như gấc nổi những đường gân xanh của bác thợ tiện Kônđrátkô, nhìn đôi mắt sâu ánh lên một ánh ranh mãnh của ông ta, nghĩ bụng: “Chà, cha này khéo thật! Cha ấy không bó buộc sáng kiến của chúng ta, chỉ làm ra vẻ góp ý kiến thôi, nhưng cứ thử phản đối những ý kiến đúng đắn của cha ấy mà xem, thế nào cha ấy cũng lái ngọt mình theo cha ấy, thực tế thế! Những tay như thế mình đã từng thấy rồi!”.
Một việc nhỏ nữa đã làm tăng thêm mối thiện cảm của anh đối với đồng chí Kônđrátkô: trước khi ra đi, ông đã gọi riêng ra một chỗ anh tổ trưởng ở lại Grêmiatsi Lốc cùng với ba anh em khác và giữa hai người lời đi tiếng lại vài câu:
- Cậu đeo súng lục ra ngoài áo làm gì thế? Có cất ngay đi không?
- Nhưng, đồng chí Kônđrátkô ạ, bọn kulắc… đấu tranh giai cấp…
- Cậu bảo cái gì? Bọn kulắc à, thì sao? Cậu đến đây để tuyên truyền vận động, nếu cậu sợ bọn kulắc thì cứ mang súng lục đi, nhưng đừng phô trương ra ngoài. Chán cậu thật! Ra vẻ ta đây có súng! Cứ như trẻ con! Khệnh khạng khẩu súng bên hông… Đút ngay nó vào túi cho tôi kẻo bọn tay chân kulắc lại sắp bảo: “Nom kìa, bà con, họ vác súng lục đến tuyên truyền vận động bà con đấy!” – Và ông lẩm bẩm kết thúc: - Ngớ ngẩn qúa!
Và ngồi vào xe trượt tuyết rồi, ông còn gọi Đavưđốp đến, cầm khuy áo măngtô của anh xoay xoay:
- Các chú ấy sẽ làm việc, và làm ác đấy! Các đồng chí cũng cố gắng làm cho tốt, sao cho mọi việc nhanh chóng, xuôi lọt. Tôi sẽ ở bên Tubianxki, có chuyện gì, báo cho tôi biết. Sang bên ấy, có thể phải tổ chức tối kịch ngay hôm nay. Giá cậu được xem mình đóng vai kulắc nhỉ! Cái thân xác mình thế này, đóng kulắc thì ăn vai ghê lắm…Chà, bố Kônđrátkô đã về già mà còn phải làm bao nhiêu chuyện! Còn về chuyện thóc yến mạch thì cậu đừng nghĩ ngợi gì nhá, mình không khó chịu gì cậu đâu. – Rồi ông mỉm cười, ngả tấm lưng cánh phản vào vai ghế xe trượt tuyết.
Radơmiốtnốp cười khà khà:
- Cái đầu khiếp thật! Vai cũng khiếp, lại cái cẳng nữa! Như chiếc máy kéo! .. Một mình ông ta mắc vào cày thì kéo thay được cho ba đôi bò đực chứ chẳng chơi. Mình cứ thắc mắc: những dân hộ pháp như thế thì đúc bằng gì nhỉ? Ý kiến cậu thế nào, Maka?
Nagunốp cáu kỉnh gạt đi:
- Bây giờ cậu đâm ra lẩm cẩm như lão Suka: lắm mồm!
--------------------------
(*) Chơi chữ: bátkô, bằng tiếng Ucraina: Bố. Kvađrát là hình vuông. – ND