Chương 24
Tác giả: Mikhail Solokhov
Tổ ba người do Kônđrátkô, đội trưởng đội tuyên truyền, đặt ở lại Grêmiatsi Lốc đang tiến hành việc thu thóc giống! Họ đặt trụ sở tại một ngôi nhà kulắc bỏ không. Từ sáng sớm, anh cán bộ canh nông trẻ tuổi Vêchiunép đã cùng với Iakốp Lukits vạch ra và hoàn chỉnh kế hoạch gieo vụ xuân, giải đáp cho bà con kô-dắc đến hỏi về những vấn đề kỹ thuật nông nghiệp. Thời giờ còn lại, anh theo rõi không mệt mỏi việc chọn và ngâm thóc giống nhập kho, và thỉnh thoảng “đi thú y một cái”, như anh thường nói: chữa cho nhà nào đó con bò cái hoặc con cừu. “Công” khám bệnh anh nhận bằng “hiện vật”: chén một bữa tại nhà chủ có súc vật ốm, và đôi lần còn mang được cả một bình sữa hoặc nồi khoai tây luộc về cho anh em. Hai người còn lại – Porphiri Lúpnô, thợ dát của nhà máy xay quốc doanh trên khu, và Ivan Naiđênốp, đoàn viên Kômxômôn của nhà máy ép dầu, thì triệu tập bà con Grêmiatsi Lốc tới trụ sở, kiểm tra trên danh sách của thủ kho xem người được triệu đến đã nộp bao nhiêu thóc giống, và tuỳ theo khả năng và hiểu biết của mình mà tuyên truyền giải thích cho họ.
Ngay mấy ngày đầu đã chứng tỏ việc thu thóc giống có những khó khăn không nhỏ và khó mà hoàn thành đúng hạn. Mọi biện pháp của tổ công tác và của chi bộ địa phương đưa ra để đẩy nhanh nhịp độ tập trung thóc giống đều vấp phải sự chống đối kịch liệt của đại bộ phận nông trang viên và nông dân cá thể. Trong làng có tin đồn là thu thóc để xuất khẩu, rằng năm nay sẽ không gieo, rằng chiến tranh sắp nổ ra đến nơi… Nagunốp ngày nào cũng triệu họp, và với sự giúp đỡ của tổ công tác, anh giải thích, bác bỏ những tin đồn nhảm, đe doạ sẽ áp dụng những biện pháp trừng trị ác liệt nhất đối với những ai bị phát hiện đã “tuyên truyền chống Chính quyền Xôviết”, nhưng việc thu lúa mì vẫn cứ tiến hành một cách chậm chạp. Đàn ông thì sáng đã kiếm cớ bỏ nhà ra đi, hoặc là vào rừng kiếm củi, hoặc là đi cắt cỏ khô, hoặc sang nhà hàng xóm cùng chủ nhà ngồi vào chỗ khuất, thấp thỏm đợi cho qua ngày, tránh mặt người đến gọi lên trụ sở Xôviết hoặc trụ sở tổ công tác. Cánh đàn bà thì cũng thôi hẳn, không đi họp nữa, và khi có liên lạc của Xôviết ấp đến thì tống khứ đi bằng một câu gọn lỏn: “Ông nhà tôi đi vắng, còn tôi thì không biết”.
Cứ như có một bàn tay khổng lồ nào đang giữ lúa mì lại…
Tại trụ sở tổ công tác thường diễn ra những lời qua tiếng lại như thế này:
- Bác nộp thóc giống chưa?
- Chưa.
- Sao thế?
- Chả có hột nào cả.
- Chả có là thế nào?
- Có gì là lạ… Tôi có giữ để gieo, còn thừa bao nhiêu sau đó đã nộp thuế hết, hốc xịt không còn gì để nhá. Thế là phải đổ thóc giống ra ăn.
- Thế bác không định gieo à?
- Có chứ, nhưng chả còn gì mà gieo…
Nhiều người viện cớ đã đem cả thóc giống ra đóng thuế. Đavưđốp tại trụ sở nông trang, và Naiđênốp tại trụ sở tổ công tác ngồi lục bới sổ sách, biên lai chứng từ đóng thuế, kiểm tra lại và vạch cho người ngoan cố thấy họ đã khai láo: rõ ràng là còn thóc giống. Để làm được như thế, đôi lúc phải tính toán ước lượng số thóc tuốt trong năm hăm chín, xem lại số thóc đã nộp thuế và tính ra số dư. Nhưng khi đã rành rành là còn thóc, người ngoan cố vẫn không chịu:
- Có dư một ít, tôi không chối cãi. Nhưng chuyện vợ chồng con cái ăn thì các đồng chí biết nó như thế nào rồi. Chúng tôi quen cái lối ăn chẳng có cân kẹo gì cả, cứ xúc, chẳng đong. Định mức để lại cho chúng tôi là mỗi miệng ăn một tháng một pút, nhưng như tôi đây chẳng hạn, mỗi ngày tôi xơi hết ba bốn phuntơ. Ăn như thế vì thức ăn chẳng có quái gì cả. Thế cho nên mới lạm. Chả còn thóc đâu, xin cứ khám!
Họp chi bộ, Nagunốp đề nghị cho khám những dân khá giả nhất trong làng không chịu nộp thóc giống, nhưng Đavưđốp, Lúpnô, Naiđênốp và Radơmiốtnốp phản đối. Vả lại trong chỉ thị của huyện uỷ về thu thóc giống cũng cấm ngặt khám xét nhà.
Sau ba ngày cố gắng của tổ công tác và ban quản trị nông trang, chỉ thu được có 480 pút ở khu vực tập thể, và ở khu vực cá thể thì chỉ vẻn vẹn có 35 pút. Anh em cốt cán trong nông trang đã nhập kho đủ phần mình. Kônđrát Maiđanhikốp, Liubiskin, Đúpxốp, Đêmít Miệng hến, bác Suka, Akaska Mênốc, bác thợ rèn Salưi, Anđrây Radơmiốtnốp và anh em khác đã đem thóc đến ngay buổi đầu. Sáng hôm sau, hai cha con Iakốp Lukits và Xêmiôn ngồi trên hai xe trượt tuyết lững thững tới nhà kho tập thể. Iakốp Lukits lên thẳng ban quản trị, còn Xêmiôn thì dỡ các bao thóc trên xe xuống. Đemka Usakốp đứng nhận và cân. Xêmiôn đã đổ được bốn bao đang cởi dây bao thứ năm thì Usakốp nhảy vồ lấy hắn như con chim ưng vồ mồi:
- Bố mày định gieo bằng thóc này đấy à? – Và dúi vào mũi Xêmiôn một nắm thóc.
Xêmiôn đỏ mặt tía tai lên:
- Thóc này thì làm sao? Mắt ông lác, ông nhìn gà hoá cuốc rồi!
- Gà với cuốc cái gì! Tao lác, nhưng con tinh hơn máy chán, quân ăn cắp! Hai bố con mày thì tốt lắm, chúng tao thừưưưa biết rồi! Thóc giống mà lại thế này à? Tao hỏi sao mày cứ quay mặt đi? Mày còn đổ cái gì vào chỗ thóc sạch của tao nữa đấy, hả đồ sâu bọ?
Đemka dúi lòng bàn tay vào mặt Xêmiôn, và trong lòng bàn tay là một nắm thóc bẩn, lẫn đất cát và hạt giả đậu.
- Để tao gọi thiên hạ đến xem…
Xêmiôn đâm hoảng:
- Bác làm gì mà tru tréo lên thế! Chắc là tôi lấy nhầm bao đấy thôi… Để tôi về nhà đổi lấy bao khác… Bao thật tuyệt vời! Mà việc gì bác phải nhẩy chồm chồm như ngựa tháo cương vậy? Tôi bảo là nhầm, sẽ đổi mà…
Đemka trả lại, bắt đổi sáu trong số mười bốn bao chở tới. Và khi Xêmiôn nhờ anh bốc giúp hắn lên vai một trong những bao thóc bị trả lại ấy, Đemka quay ra phía cái cân, làm như không nghe thấy.
- Bác không hộ cho à? – Xêmiôn hỏi, giọng đã run run.
- Không biết ngượng! Ở nhà mày vác giỏi thế, mà đến đây mày lại õng ẹo! Vác lấy, kệ mẹ mày!
Xêmiôn ráng sức đỏ rừ cả mặt, ôm ngang cái bao, xốc lên đi…
Trong hai ngày sau, hầu như không có ai đến nộp nữa. Hội nghị chi bộ quyết định đi thu từng nhà. Ngày hôm trước, Đavưđốp đã sang huyện bên, tới trạm chọn giống để xin thêm ngoài kế hoạch, đủ gieo vài hécta thôi cũng được, thứ giống xuân tiểu mạch chịu được hạn kéo dài và năm ngoái đã cho năng suất cao trên ruộng thí nghiệm của trại. Iakốp Lukits và đội trưởng sản xuất Agaphôn Đúpxốp đã nói nhiều về giống lúa mới này mà trạm đã gây được bằng cách lai giống “Caliphorni” nhập cảng với giống “hạt trắng” của địa phương. Và Đavưđốp, ít lâu nay đêm nào cũng dùi mài nghiên cứu các tập chí nông nghiệp, đã quyết định đi lên trạm xin cho được thứ giống mới ấy về.
Anh trở về hôm mồng 4 tháng Ba, và trước đó một ngày đã xảy ra sự việc như sau: Maka Nagunốp đến tăng cường cho đội hai từ sáng sớm đã cùng Liubiskin đi vòng một lượt được gần ba chục nhà, và đến chiều, khi Radơmiốtnốp và người thư ký rời trụ sở Xôviết, anh đã triệu lên trụ sở những chủ hộ mà hôm ấy anh không tới nhà được. Anh đã phải cho về bốn người mà chẳng đạt được kết quả cụ thể nào cả. Họ cứ một mực: “Không còn hạt thóc giống nào. Nhà nước phải cấp cho thôi”. Lúc đầu Nagunốp còn bình tĩnh giảng giải thuyết phục, rồi bắt đầu đập bàn đập ghế.
- Các anh bảo hết thóc là thế nào? Như anh Kônxtantin Gavrilôvits đây chẳng hạn, thu vừa rồi anh lại không đập đến ba trăm pút ấy à!
- Thế anh có nộp thóc thuế hộ tôi không?
- Anh đã nộp bao nhiêu?
- Một trăm ba mươi pút.
- Thế chỗ còn lại đâu rồi?
- Đâu anh không biết à? Chén hết rồi!
- Nói láo! Nốc vào ngần ấy thì có mà vỡ bụng! Nhà anh sáu miệng, mà ăn hết ngần ấy thóc cơ à? Mang nộp ngay không ý kiến gì cả, không tôi tống cổ ra khỏi nông trang ngay tắp lự!
- Cứ tống cổ đi, anh muốn làm gì tôi thì làm, nhưng lạy Chúa, thóc thì không còn! Đề nghị chính quyền Xôviết cho vay, lãi cũng được…
- Anh quen cái thói bòn rút Chính quyền Xôviết rồi mà. Tiền anh vay quỹ tín dụng mua máy gieo và máy cắt cỏ anh đã trả chưa? Đấy, thấy chưa! Tiền ấy anh quỵt, bây giờ lại còn định gỡ gạc thóc nữa à?
- Máy gieo và máy cắt cỏ bây giờ thuộc nông trang rồi còn gì, tôi có được dùng đâu. Anh trách tôi thế nào được!
- Mang thóc đến đi, không thì khốn nạn cho anh đấy! Nói dối quanh mãi! Không biết ngượng!
- Nếu còn thóc thì tôi tiếc gì…
Nagunốp muốn lồng lộn thế nào thì lồng lộn, muốn thuyết thế nào thì thuyết, và muốn doạ thế nào thì doạ, rốt cuộc vẫn phải để cho mấy người không chịu nộp thóc ra về.
Họ đi ra, đứng ngoài hiên bàn tán hai ba phút, rồi cót két bước xuống thềm. Một lát sau, anh nông dân cá thể Grigori Banhích bước vào. Chắc hẳn anh ta đã biết câu chuyện với mấy nông trang viên vừa ở trụ sở Xôviết ra đã kết thúc như thế nào, và khoé miệng anh ta thoáng một nụ cười tự tin thách thức.
Nagunốp tay run run vuốt lại cho phẳng bản danh sách trên bàn, hậm hực nói:
- Mời anh ngồi.
- Dạ, xin vô phép.
Banhích ngồi xuống, hai chân dạng háng.
- Grigori Mátvêits, sao anh không đem thóc giống đến nhập kho?
- Nhưng sao tôi lại phải nhập?
- Thì hội nghị toàn thể đã quyết định như thế rồi thôi: cả nông trang viên lẫn bà con cá thể đều phải nhập thóc giống. Anh có để giống chứ?
- Tất nhiên là có rồi.
Nagunốp ngó bản danh sách: cạnh tên của Banhích, trong cột “Diện tích dự trù gieo vụ xuân năm 1930” có ghi con số 6.
- Năm nay anh định gieo sáu hécta tiểu mạch phải không?
- Đúng vậy.
- Nghĩa là anh có bốn mươi hai pút thóc giống phải không?
- Đủ ngần ấy, sàng sảy, phơi khô quạt sạch, đẹp như hạt vàng.
- Thế thì anh quả là một anh hùng! – Nagunốp thở hắt ra một cái nhẹ nhõm, biểu dương. – Mai anh chở nó đến kho tập thể. Cứ để nguyên bao. Thóc của bà con cá thể chúng tôi nhận nguyên bao, nếu bà con không muốn bị lẫn với thóc người khác. Anh cứ cân đong giao cho thủ kho, anh ấy sẽ đánh dấu xi vào bao, giao cho anh biên lai, rồi sang xuân sẽ trả lại anh nguyên vẹn, không suy suyển. Nhiều bà con cứ tiếc rẻ đã không giữ được giống, đổ ra ăn mất hết. Để ở kho đây thì đảm bảo hơn.
Banhích đưa tay lên vuốt bộ ria vàng hoe, toét miệng ra cười:
- Thôi đi, đồng chí Nagunốp ơi, cái tiết mục ấy của đồng chí không ăn tiền rồi! Tôi chẳng nộp thóc đâu.
- Tại sao vậy, tôi xin hỏi anh?
- Tại vì giữ nó ở nhà tôi thì đảm bảo hơn. Chứ đem nộp anh thì sang xuân, bao không cũng chẳng còn. Bây giờ chúng tôi khôn ra rồi, không đánh lừa được chúng tôi đâu!
Nagunốp nhíu đôi mày lại, hơi tái mặt:
- Sao anh lại có thể nghi ngờ Chính quyền Xôviết như vậy được? Nghĩa là anh không tín nhiệm?
- Đúng đấy, tôi không tín nhiệm! Tôi chán tai nghe những lời nói dối của bọn các anh rồi.
- Ai nói dối? Và nói dối cái gì? – Nagunốp tái mặt đi trông thấy, từ từ đứng dậy.
Nhưng Banhích thản nhiên như không, vẫn cứ nhăn hai hàm răng thưa và chắc nịch ra cười khúc khích, chỉ có giọng anh ta là run lên vì uất ức và giận dữ khi anh nói:
- Các anh thu thóc, rồi cho xuống tàu thuỷ đưa ra nước ngoài chứ gì? Để sắm ô tô cho các ông đảng viên đi dạo cùng các bà đầu súp-lơ phải không? Chúng tôi biết to-o-ỏng các anh phung phí thóc lúa của chúng tôi vào những cái gì rồi! Chán cái bình đẳng lắm!
- Mày hoá rồ rồi hay sao, hả đồ sâu bọ? Mày lảm nhảm cái gì đấy?
- Anh mà bị người ta bóp cổ lè lưỡi ra thì anh cũng đến hoá rồ! Tôi đã bỏ ra một trăm mười sáu pút đóng thuế rồi! Bây giờ còn tí thóc giống, anh định lấy nốt… để con cái tôi… chết đói hả?
Nagunốp đập bàn:
- Câm mồm! Nói láo, đồ chó chết!
Cái bàn tính rơi xuống đất, lọ mực lăn kềnh ra. Một dòng mực đặc sánh, tím biếc, trườn qua mặt giấy, đổ xuống vạt áo varơi lông thuộc của Banhích. Banhích lấy tay xoa vết mực đi, đứng dậy. Mắt anh ta nheo lại, mép sùi bọt trắng. Nén cơn điên lại, anh ta tru tréo:
- Anh đừng có khoá miệng tôi! Anh về mà đấm con vợ Luska nhà anh ấy, chứ tôi đâu phải vợ anh! Bây giờ không phải là năm 1920 nữa, anh hiểu không? Tôi không nộp thóc… Đừng hòng!...
Nagunốp toan chồm qua bàn túm lấy Banhích, nhưng rồi lại lập tức loạng choạng?... Mày dám nhạo báng chủ nghĩa xã hội à, đồ rắn độc?... Ông thì… - Anh hổn hển, tìm không ra lời, nhưng rồi tự chủ lại được, đưa mu bàn tay lên quệt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, nói: - Mày viết ngay cho tao một tờ giấy cam đoan sẽ mang thóc đến nộp, và ngay ngày mai, tao sẽ cho mày đến chỗ cần đến. Ở đấy người ta sẽ tra hỏi mày đã nghe được những luận điệu ấy ở đâu!
- Anh bắt tôi thì cứ bắt, còn giấy thì tôi không viết, và thóc tôi không nộp!
- Tao bảo mày viết!...
- Đợi tí đã…
- Tao yêu cầu tử tế…
Banhích bước ra cửa, nhưng xem chừng trong bụng tức sôi lên sùng sục, không nén được. Tay nắm lấy qủa đấm cửa, anh ta buông ra một câu:
- Về bây giờ, tôi sẽ đổ hết thóc ấy cho lợn! Cho chúng nó vỡ bụng ra còn hơn nộp cho các anh, những kẻ ăn không ăn hớt!...
- Thóc giống mà đem đổ cho lợn hả?
Nagunốp nhảy hai bước ra đến cửa, rút khẩu súng lục trong túi ra, đánh cho Banhích một báng súng vào thái dương. Banhích loạng choạng, tựa vào tường, miết lưng vào tường vôi gục xuống đất. Anh ta ngã lăn kềnh, máu đen từ vết thương ở thái dương rỉ ra, bết vào tóc. Nagunốp lúc này không còn tự chủ được nữa, đá phốc cho anh ta vài cái nữa, rồi quay đi. Banhích, như con cá trên cạn, ngáp ngáp một hai cái, rồi bám vào tường vôi lóp ngóp đứng dậy. Và anh ta vừa đứng thẳng người lên thì máu ộc ra. Anh ta lẳng lặng đưa cánh tay áo lên chùi. Phấn bụi trên lưng áo trắng xoá của anh ta rơi xuống. Nagunốp tu thẳng vào cái bình đựng nước ấm lờm lợm, răng va lạch cạch vào miệng bình. Lừ mắt nhìn Banhích lúc ấy đã đứng dậy, anh bước tới, nắm lấy hai khuỷu tay anh ta như kẹp vào hai gọng kìm, đẩy anh ta tới bàn, ấn cây bút chì vào tay:
- Viết đi!
- Tôi viết, nhưng chuyện này rồi sẽ tới tai ông công tố… Súng lục doạ thì cái gì tôi chẳng phải viết… Dưới chính quyền xôviết không được phép đánh người… Đảng cộng sản không cho phép anh thế đâu! – Banhích lẩm bẩm, giọng khàn khàn, buông phịch người xuống chiếc ghế đẩu.
Nagunốp đứng đối diện, ngón tay đặt sẵn lên cò súng.
- Hà, đồ phản cách mạng, còn nhớ đến chính quyền Xôviết, đến Đảng à! Mày thì sẽ không phải là toà án nhân dân xử, mà là tao xử ngay đây, theo lối của tao. Mày mà không viết, tao sẽ cho mày một phát chết tươi như giết một con rắn độc, rồi tao sẽ đi tù mười năm cũng được! Tao không cho phép mày nói láo lếu về Chính quyền Xôviết! Viết đi: “Giấy cam đoan”. Xong chưa? Viết: “Tôi nguyên là một tên lính bạch vệ, phần tử tích cực trong đội quân Mamôntốp đã từng cầm súng đánh lại Hồng quân, xin rút lui những lời…”. Xong chửa? Viết tiếp: “… những lời không tha thứ được của tôi thoá mạ Đảng Cộng sản toàn Liên bang (b)”. Chữ Đảng, Cộng và Liên viết hoa, xong chưa? “… và Chính quyền Xôviết. Tôi xin lỗi Đảng và Chính quyền, và xin hứa từ nay, mặc dù tôi đích thị là một tên phản cách mạng giấu mặt…”
- Tôi không viết. Sao mà ức hiếp tôi quá thế?
- Không, mày phải viết! Mày tưởng thế nào? Mày tưởng tao đây, tao bị thương, bị tàn phế vì bàn tay của bọn bạch vệ, tao sẽ bỏ qua cho mày lời lẽ của mày hả? Mày thoá mạ Chính quyền Xôviết trước mặt tao, tao lại ngậm miệng làm ngơ hả? Viết, không thì mày hết ngáp!...
Banhích bò soài xuống mặt bàn, và cây bút chì trong tay anh ta lại chậm chạp đưa đẩy trên trang giấy. Ngón tay vẫn đặt trên cò súng, Nagunốp đọc rành rọt từng tiếng:
- “… mặc dù tôi đích thị là một tên phản cách mạng giấu mặt, tôi sẽ không dám nói một điều gì, viết một điều gì, làm một điều gì có hại đến Chính quyền Xôviết thân yêu của mọi người cần lao và đã giành được nhờ bao nhiêu hy sinh xương máu của nhân dân lao động. Tôi sẽ không dám chửi bới, xúc phạm Chính quyền Xôviết, và sẽ kiên trì chờ đợi cách mạng thế giới sẽ đưa tất cả chúng tôi, những kẻ thù không đội trời chung của nó trên phạm vi toàn thế giới, đến ngày tận số. Tôi cũng xin cam đoan sẽ không cản đường Chính quyền Xôviết, không giấu diếm thóc giống, và ngày mai, mồng 3 tháng Ba năm 1930, sẽ mang đến nộp vào kho công cộng…”.
Vừa lúc đó, người thường trực bước vào phòng, có ba nông trang viên theo sau.
- Đợi tôi ngoài ấy một tí! – Nagunốp quát bảo họ, và quay lại phía Banhích, đọc tiếp: - “… bốn mươi hai pút hạt giống tiểu mạch. Tôi cam đoan và xin ký”. Ký đi!
Bannhích, mặt đã đỏ dừ, ký nguệch ngoạc và đứng dậy.
- Anh Maka Nagunốp, việc này anh sẽ chịu trách nhiệm!
- Tao với mày, đứa nào chịu trách nhiệm phần đứa đấy, mai mà mày không đem thóc đến, tao giết chết toi!
Nagunốp gấp tờ giấy, đút vào túi ngực áo kaki, ném khẩu súng lục xuống bàn, đưa Banhích ra tới cửa. Anh ở lại trụ sở Xôviết tới nửa đêm. Anh ra lệnh cho người thường trực không được vắng mặt, và với sự giúp sức của anh ta, tống giam khoá trái lại trong một gian phòng bỏ không ba nông trang viên nữa đã không chịu nộp thóc giống. Quá nửa đêm, lả người vì mệt và vì những cơn xúc động vừa qua, anh ngủ thiếp đi bên bàn trụ sở Xôviết, cái đầu rối bù gục xuống hai bàn tay dài nghêu. Gần sáng, anh nằm mơ thấy từng đoàn người lũ lượt mặc quần áo ngày hội, trùng trùng điệp điệp kéo nhau đi, như dòng nước lũ tràn ngập thảo nguyên. Xen quãng vào người là những đoàn ngựa. Những con ngựa đủ màu lông bước đi trên mặt đất mềm của thảo nguyên, nhưng không hiểu sao tiếng vó ngựa lại rền vang, rầm rập, cứ như có những đội kỵ binh đang diễu qua trên những lá tôn trải rộng. Bỗng, ngay sát bên Maka, kèn đồng bóng loáng của đoàn quân nhạc cử bài “Quốc tế ca” và, hệt như lúc thật, Maka cảm thấy nao nao xúc động, một cục gì nong nóng nghèn nghẹn trong cổ… Ở cuối đội kỵ binh đang diễu qua, Maka trông thấy Michia Lôbáts, một anh bạn đã hy sinh, bị bọn Vranghen chém chết năm 1920 trong trận Kakhốpka. Anh cũng chẳng ngạc nhiên, mà lại mừng và, chen lấn xô đẩy những người xung quanh, anh nhảy bổ tới chỗ đội kỵ binh đang tiến. “Michia! Michia! Đứng lại!”. Anh gọi, nhưng miệng gọi mà tai lại chẳng nghe thấy tiếng mình. Michia ngồi trên yên quay đầu lại, nhìn Maka một cái nhìn thản nhiên, như nhìn một người nào không quen biết, rồi phóng đi nước kiệu. Liền lúc đó, Maka trông thấy anh lính cần vụ cũ của mình là Chiulim, chết vì một viên đạn Ba Lan trong trận Brôđư cũng cùng năm ấy, phi ngựa đến chỗ anh. Chiulim mỉm cười, tay phải nắm lấy dây cương con ngựa của Maka. Còn con ngựa, vẫn cái con chân trắng mặt xương ấy, thì bước đi nghênh ngang, cao lớn, đầu ngẩng lên kiêu hãnh, cái cổ cong cong..
Gió xuân lay cánh cửa chớp cót két suốt đêm, Maka nằm mơ ngỡ là tiếng nhạc, còn tiếng mái tôn loảng xoảng thì là tiếng vó ngựa rầm rập… Radơmiốtnốp tới trụ sở Xôviết vào quãng sáu giờ sáng thấy Nagunốp vẫn còn đang ngủ. Trên cái má vàng vọt của Maka rọi ánh ban mai tím ngắt của một sáng tháng Ba, ngưng đọng một nụ cười căng thẳng, chờ đợi. Đôi lông mày rộng của anh dướn lên dướn xuống trong một vẻ kích động, đau khổ… Radơmiốtnốp huých Maka dậy mắng té tát:
- Làm lung tung beng ra đấy rồi ngủ khì à? Mơ cái gì thú lắm hay sao mà nhăn răng ra thế? Vì lý do gì mà cậu đánh đập Banhích? Sáng bảnh mắt hắn đã chở thóc giống đến giao, rồi đâm bổ ngay lên huyện. Cậu Liubiskin chạy đến tìm tôi, bảo là Banhích lên đồn dân cảnh kiện cậu. Đánh đã sướng tay chưa. Hôm nay Đavưđốp về, cậu ấy sẽ bảo sao? Ông Maka ơi là ông Maka…
Nagunốp đưa lòng bàn tay xoa xoa cái mặt phị ra vì kiểu ngủ gục không thoải mái, và mơ màng mỉm cười:
- Anđrây ạ! Mình vừa mới mê một giấc ra-a-a-a mê! Hay vô kể!
- Cậu dẹp cái chuyện mê mẩn đi! Trình bày mình nghe chuyện Banhích xem sao nào.
- Nói làm thèm vào chuyện cái giống sâu bọ ấy! Cậu bảo là nó chở thóc đến rồi à? Ồ, thế có nghĩa là có tác động đấy… Bốn mươi hai pút thóc giống, có phải tầm xoàng đâu. Nếu chỉ cần một báng súng lục để làm cho mỗi tên phản cách mạng chịu xuỳ ra bốn chục pút, thì suốt đời mình sẽ chỉ làm cái việc ấy: đi lùng, rồi choảng! Nó ăn nói như thế thì một đòn như vậy chưa đủ! Nó phải lấy làm mừng là mình chưa tháo cặp giò nó ra đấy! – Rồi điên tiết lên anh nói tiếp, mắt long sòng sọc: - Chính nó, thằng khốn nạn ấy, đã lẽo đẽo bám đít tên tướng Mamôntốp. Nó chống lại ta mãi đến khi bị cho tắm nước Hắc Hải mới thôi, thế mà bây giờ nó lại còn đứng chắn ngang đường, làm hại cách mạng thế giới! Nó nói với mình về Chính quyền Xôviết và về Đảng như thế nào cậu có biết không? Mình nghe ức đến hộc máu mồm!
- Chấp làm đếch gì! Mà cũng chẳng nên đánh, bắt thì hơn.
- Không, bắt làm gì, nó thì cứ phải bắn chết tươi! – Nagunốp giang tay ra, tiếc rẻ: - Sao lúc ấy mình lại không cho nó một phát nhỉ? Đầu óc mình lúc ấy thế nào ấy! Bây giờ mới tiếc!
- Bảo cậu là ngu ngốc thì cậu giận, nhưng ngớ ngẩn thì cậu không để đâu cho hết! Đợi Đavưđốp về, anh ta sẽ lý thuyết cho cậu một trận về cái lối ấy!
- Đavưđốp về sẽ tán thành mình, anh ta không ngang phè phè như cậu đâu.
Radơmiốtnốp cười, gập ngón tay gõ gõ lên bàn, rồi gõ vào trán Maka, nói:
- Cũng một tiếng kêu như vậy!
Nhưng Maka cáu kỉnh gạt tay anh ra, mặc áo varơi vào. Ra đến cửa rồi, tay nắm quả đấm cửa, anh mới làu bàu, đầu chẳng quay lại.
- Này, ông thông minh tài giỏi thế thì nhờ ông thả hộ mấy thằng tiểu tư sản ở phòng bên ra, và bảo chúng nó chở thóc đến ngay hôm nay, kẻo tôi đi rửa ráy về tôi tống cổ giam lại chúng nó vào đấy đấy.
Radơmiốtnốp trợn mắt lên sửng sốt… Anh nhảy bổ tới gian phòng bỏ không, chỗ để lưu trữ công văn giấy tờ của xôviết và những mẫu lúa trưng bày ở triển lãm nông nghiệp huyện năm ngoái. Anh mở cửa ra và thấy ba nông trang viên trong đó: Kraxnôkutốp, Anchíp Gráts, và anh chàng Apôlôn Pexkôvátxkốp oắt tì xà lai. Đêm qua họ đã rải những tập báo cũ xuống đất đánh một giấc ngon lành. Thấy Radơmiốtnốp vào, họ lóp ngóp đứng dậy.
- Bà con ạ, tất nhiên là tôi phải… - Radơmiốtnốp mào đầu định nói, thì một trong ba người bị bắt, ông lão kô-dắc Kraxnôkutốp nhanh nhẩu ngắt lời anh:
- Biết nói với anh thế nào, anh Anđrây Xtêpanưits ạ, chúng tôi có lỗi đứt đuôi đi rồi… Anh cho chúng tôi về, chúng tôi sẽ mang nộp thóc ngay… Đêm qua chúng tôi có trao đổi với nhau vài ba ý kiến và đã bảo nhau phải nộp thóc…Nói dối phải tội, đúng là chúng tôi muốn găm thóc giống…
Radơmiốtnốp đang định xin lỗi về hành động thiếu chín chắn của Nagunốp, trước tình hình đó đã tuỳ cơ ứng biến đổi luôn giọng:
- Đáng lẽ bà con phải nộp lâu lắm rồi mới phải! Bà con là nông trang viên cơ mà! Găm thóc giống là sai lắm đấy!
- Anh vui lòng thả cho chúng tôi về, và thôi, chuyện cũ bỏ qua… - Anchíp Gráts mỉm cười ngượng ngùng trong bộ râu đen như bồ hóng.
Radơmiốtnốp mở toang cửa ra, đi trở lại bàn giấy, và phải nói rằng lúc này, trong đầu anh luẩn quẩn một ý nghĩ: “Khéo cậu Maka đúng cũng nên? Già đòn non nhẽ, ép mạnh tí nữa khéo chỉ một ngày là thu xong!”.