Chương 21 (tt)
Tác giả: Mikhail Solokhov
Vô cùng hể hả với bài phát biểu của mình, bác Suka mệt lử buông mình ngồi xuống ghế, đưa cánh tay áo lên quệt mồ hôi ướt đẫm cái đầu hói, rồi hỏi Anchíp Gráts ngồi cạnh bác:
- Lão… phê bình… thế có được không?
- Bố ơi, bố phải làm nghệ sĩ mới phải, - Anchíp không trả lời câu hỏi, mà thì thầm khuyên bác.
Bác Suka liếc nhìn anh ta một cái ngờ vực, nhưng không trông thấy cái nụ cười ẩn trong hàng râu đen như bồ hóng của anh ta, bác hỏi tiếp:
- Lão làm cái trò ấy để làm gì?
- Bác sẽ tha hồ hót của, mà không phải chỉ hót bằng xẻng thôi đâu, mang xe cút kít chở không hết nữa ấy! Bở ăn đến thế là cùng! Bác chỉ việc kể chuyện tếu mua vui cho thiên hạ, tán róc khỏe, làm trò khỉ mạnh vào, tất cả công việc chỉ có thế thôi, nhà, mà lại ra lắm tiền.
Bác Suka khoái ra mặt, ngó ngoáy ngồi không yên, cười:
- Anh Anchíp ạ, anh nên nhớ là lão Suka không phải tay xoàng đâu nhá! Nói câu nào là trúng câu ấy, cấm chệch câu nào đâu, lão đâu phải cái người nói vu vơ! Anh thấy thế nào? Bần cùng bất đắc dĩ, khi tuổi già sức yếu, mắt mờ chân chậm, lão có thể đi làm nghệ sĩ được đấy. Những cái trò ấy thì ngay hồi còn trẻ lão đã ác liệt lắm nhá, bây giờ lại còn ác liệt hơn! Lão coi dễ như bỡn.
Ông lão mơ màng nhai móm mém, ngồi lặng im một lát, ngẫm nghĩ cái gì trong đầu, rồi hỏi:
- Thế chẳng hay anh có nghe ở đấy người ta trả công thế nào không hả, cho nghệ sĩ ấy mà? Khoán hay công nhật? Tóm lại là xu nhập cá nhân có khá không? Tiền kôpếch thì dùng xẻng xúc cũng được, nhưng tiền kôpếch đối với lão thì chả nghĩa lý gì mặc dầu đối với anh keo kiệt thì một kôpếch cũng là quý đấy.
- Người ta trả tùy theo mồm mép, điệu bộ khi mình ra mắt khán giả, - Anchíp thì thào, giọng hội kín hội hở. – Càng bẻm mép, càng múa may quay cuồng thì lương càng cao. Bác ơi, đám ấy thì độc chỉ biết chén no kễnh bụng rồi hát hỏng, và đi lang thang hết tỉnh này đến tỉnh khác. Họ sướng lắm, có thể nói là như chim trời cá nước vậy.
- Anh Anchíp ạ, ta ra sân làm điếu thuốc đi, - bác Suka rủ, tự dưng không còn thiết tí gì đến hội nghị nữa.
Hai người vất vả mới lách được qua đám người dày đặc, bước ra sân. Họ ngồi xuống bên hàng giậu, trên nền đất còn ấm hơi nắng ban ngày, giở thuốc ra hút.
- Này anh Anchíp ơi, thế anh đã có dịp nào trông thấy bọn nghệ sĩ ấy chưa?
- Thấy vô khối rồi. Hồi đi quân dịch ở thành phố Grốtnô, tôi đã được xem họ chán mắt thì thôi.
- Họ thế nào?
- Như mọi người.
- Nom có béo tốt không?
- Như lợn vỗ để xuất chuồng!
Bác Suka thở dài:
- Thế nghĩa là ăn uống của họ mùa đông cũng không kém gì mùa hè à?
- Họ chén đến đứt dải rút quần!
- Xin vào đấy làm thì xin ở đâu nhỉ?
- Phải đi tận Rôxtốp, chứ gần thì làm gì có?
- Thế thì cũng chả xa lắm… Kiếm tiền ngon ơ thế mà sao anh chả mách lão biết sớm? Lão mà biết thì đã xin một chân ở đấy từ lâu rồi! Anh biết đây, làm công việc nhẹ, dù là việc nghệ sĩ đi nữa, thì lão có khả năng kinh lắm, còn việc đồng áng nặng nhọc thì lão chả làm được, vì cái bệnh lòi dom của lão. Lão mất món bở ấy là tại anh đấy! Anh là cái đồ khỉ gió chứ không phải là người! – bác Suka nói bằng giọng vô cùng ngán ngẩm.
- Thì cũng tại có bao giờ ta nói đến chuyện ấy đâu, - Anchíp phân trần.
- Lẽ ra anh phải khơi gợi lão nghĩ đến chuyện ấy chứ, và nếu thế thì có phải lão đã vung vinh làm nghệ sĩ từ lâu rồi không. Và mỗi lần lão về thăm bà nó nhà lão thì đây, có ngay nửa lít vốtka đặt trên bàn khao anh về lời khuyên phúc đức ấy! Lão thì no nê, mà anh thì say lúy túy, thế có phải hay không!... Chà, Anchíp, anh Anchíp ơi!... Hai ta đã bỏ lỡ mất một việc rất là béo bở. Lão phải về hỏi ý kiến bà nhà lão ngay hôm nay mới được, và có thể là mùa đông này lão sẽ lên trên ấy kiếm ăn. Anh Đavưđốp sẽ cho lão đi thôi, và tiền ăn tiêu không hết lão sẽ để sắm sửa việc nhà: tậu một con bò cái này, độ mươi con cừu này, một chú lợn con này, đời sẽ vui ra phết… - bác Suka cứ thế thả cửa mơ ước ra mồm, và phấn khởi trước sự im lặng đồng tình của Anchíp, bác nói tiếp: - Phải nói thật với anh là lão đã chán ngấy mấy con nghẽo này rồi, và những cuốc xe ngựa mùa đông thật chả thích hợp gì với tuổi tác của lão. Lão ọp ẹp lắm rồi, trời giá rét là cứ run cầm cập, tóm lại là sức khỏe xuống dốc ghê lắm. Ngồi xe ngựa độ tiếng đồng hồ là ruột gan lão bị lạnh cứ đóng băng lại thành một cục. Như thế thì chả mấy nỗi mà bị xoắn ruột nếu như cái rét nó làm cho ruột lão dính bết vào nhau, hoặc là viêm thần kinh bụng như mồ ma nhà ông Kharitôn vậy. Mà như thế thì lão chả muốn tí nào! Lão còn bao nhiêu việc phải làm, và đi lên chủ nghĩa cộng sản thì dù có phải gãy xương sống lão cũng cứ nhất định đi tới!
Anchíp trêu ông lão ngây thơ như trẻ con ấy một lúc đã chán, quyết định chấm dứt câu chuyện tếu:
- Bác ạ, trước khi ghi tên làm nghệ sĩ, bác phải nghĩ cho chín đi đã…
- Chả có cái gì phải nghĩ cả, bác Suka tuyên bố, đầy tự tin. – Đã là chuyện làm giả ăn thật thế thì mùa đông này nhất định lão sẽ đi. Kể chuyện linh tinh mua vui cho bà con thì có gì là khó!
- Tiền bạc không phải lúc nào cũng thích đâu…
- Sao lại thế được? – Bác Suka vểnh tai.
- Nghệ sĩ có khi bị họ choảng…
- Cho-o-oảng? Ai choảng?
- Dân mất tiền mua vé họ choảng.
- Nhưng vì sao mà choảng?
- Ấy, có khi anh nghệ sĩ nói hớ câu nào không hợp khẩu vị người ta, hoặc pha trò nhạt quá là họ giã liền.
- Nhưng… họ giã… thật, hay là giã đùa, để dọa thôi?
- Làm đếch gì có chuyện đùa! Có lần họ đánh cho đến nỗi phải khiêng anh chàng khốn khổ khốn nạn ấy rời khỏi sân khấu đưa đi bệnh viện ngay tắp lự, và có lần thì đưa thẳng ra nghĩa địa. Thời chế độ cũ chính mắt tôi trông thấy ở rạp xiếc một anh nghệ sĩ bị họ cắn cho toạc tai và bẻ ngoéo cái chân sau, gót ra đằng trước, ngón ra đằng sau. Anh chàng tội nghiệp ấy cứ thế mà đi về nhà…
- Khoan đã, lão hỏi, tại sao lại chân sau? Thế anh ta có bốn chân hay sao?
- Nghệ sĩ thì có những người như thế đấy… Cần đủ loại người để làm trò mà. Nhưng chuyện vừa rồi là tôi nói nhầm, ý tôi định nói là chân trái, đoạn trên ấy mà, tóm lại là họ vặn ngoéo cả cái cẳng trái, mông đít quay ra đằng trước, thành thử không còn biết anh ta đi về hướng nào nữa. Anh ta kêu cha kêu mẹ lên nhá! Kêu váng cả tỉnh nghe thấy, chẳng khác gì cái đầu tàu hỏa, làm tôi dựng tóc gáy!
Bác Suka nhìn Anchíp dò xét một lúc. Nhưng mặt anh ta nom nghiêm trang, có vẻ buồn nữa, chắc hẳn do nhớ lại những chuyện không vui ấy. Rốt cuộc bác Suka tin là chuyện có thật và bất bình hỏi:
- Thế cảnh sát đứng chết dí đâu? Chuyện thế mà họ đứng nhìn à?
- Chính cảnh sát còn tham gia ấy chứ. Mắt tôi trông thấy cảnh sát tay trái cầm còi thổi nhưng tay phải thì quai vào giữa mặt anh chàng nghệ sĩ ấy.
- Anh Anchíp ạ, dưới thời Sa hoàng mới có thể có chuyện ấy, còn dưới chính quyền xôviết anh em cảnh vệ đâu lại đánh người.
- Dân thường thì tất nhiên cảnh vệ không đụng đến đâu, nhưng nghệ sĩ thì họ vẫn đánh như thường, họ được phép đánh mà. Cái lệ ấy có từ thuở khai thiên lập địa cơ, chịu chứ biết làm thế nào?
Bác Suka nheo nheo mắt, không tin:
- Đồ khỉ gió anh chỉ nói liều! Lão chả tin anh tí nào… Anh làm sao biết được là cả bây giờ nữa người ta cũng vẫn đánh đập nghệ sĩ? Ba mươi năm nay anh có lên tỉnh lần nào đâu, có thò mũi ra khỏi làng bao giờ mà bảo biết rõ?
- Tôi có thằng cháu ở Nôvôtserkaxkơ, nó vẫn biên thư kể chuyện trên tỉnh cho tôi mà, - Anchíp khẳng định.
- Nếu quả là cháu anh… - một lần nữa bác Suka lại dao động và thở dài đánh sượt một cái, mặt ỉu xìu. – Thế thì cũng gay đấy, anh Anchíp ạ! Xem ra thì làm nghệ sĩ là một cái trò nguy hiểm… Xét cho cùng, nếu dân người ta đi đến chỗ thủ tiêu giết người như vậy thì lão chả thích cấi nghề ấy tí nào. Khoái mấy lão cũng thèm vào!
- Thì cũng nói trước cho bác biết thế. Trước hết bác cũng nên về hỏi qua bà lão tí đã rồi đi xin việc cũng vừa.
- Chả dính dáng gì đến bà nhà lão cả, - bác Suka đáp ráo hoảnh. – Nếu xảy ra chuyện gì thì đâu phải người ta bẻ gãy xương sườn bà ấy. Thế thì việc gì phải hỏi ý kiến bà ấy?
- Thì bác tự quyết định lấy vậy. – Anchíp đứng dậy, lấy chân di di cái đầu mẩu thuốc.
- Chả đi đâu mà vội, từ nay đến sang đông còn xa. Và cũng phải nói thật là bỏ đôi ngựa giống đấy mà đi thì cũng nhớ, và bà nhà lão ở lại nhà một mình cũng buồn… Thôi thôi, anh Anchíp ạ, cái nghề nghệ sĩ ấy chả có lão vẫn chả thiếu người. Mả cha những cái lối kiếm tiền ngon ơ ấy! Mà nghĩ cho kỹ thì cũng chả phải ngon ơ lắm đâu. Nếu ngày nào cũng bị thiên hạ giã cho như vậy, và cảnh vệ đáng lẽ phải bênh mình thì cũng lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với mình thì lão xin vái cả nón! Cái món ấy xin để các ngài xực thôi! Từ bé đã chuyên môn bị hành hạ đủ vành rồi! Ngỗng ư, bò ư, chó ư, còn có cái giống gì mà nó không gây chuyện hại lão? Thậm chí còn đến cái nước là con cái đẻ ra người ta lại quẳng đến bắt lão nuôi. Anh bảo thế thì còn sung sướng nỗi gì? Thế mà về già đi làm nghệ sĩ lại bị người ta đánh chết toi hoặc vặn ngoéo mất cái bộ phận tứ chi nào thì lão xin vái cả nón! Chả tội gì, lão chỉ có một ý kiến thế! Ta đi thôi, anh Anchíp ạ, thà vào họp còn hơn, việc ấy không nguy hiểm mà lại vui, mặc cho đám nghệ sĩ việc họ họ làm. Họ xem ra anh nào cũng trẻ cả, và khỏe như vâm. Có đánh tuốt xác họ ra họ cũng chẳng làm sao, và có lẽ chính nhờ thế mà họ béo ra cũng nên. Lão già thì phải làm việc già. Đi với họ, đánh chén có linh đình bằng mấy mà bị người ta sửa cho độ hai trận thôi thì cũng đủ để lão trả linh hồn cho Chúa rồi. Mỗi bận như thế thì mẩu bánh còm kia đút vào miệng còn có nghĩa lý quái gì nữa? Cái bọn ngu ngốc chuyên môn đánh đập anh em nghệ sĩ nghèo khổ ấy, chúng nó tha gì mà không móc tươi mẩu bánh ấy trong họng lão ra? Lão không muốn làm nghệ sĩ đâu, và từ nay anh đừng rủ rê gì lão nữa, đồ quỷ rậm râu ạ, đừng làm lão lộn tiết lên mà không xong với lão đâu! Chỉ vừa mới nghe anh kể qua chuyện cái thằng mặt mẹt nào nó cắn toạc tai anh nghệ sĩ, rồi lại vặn ngoéo cẳng anh ta, rồi lại đánh đập anh ta, mà tai lão đã đau nhói lên, cẳng lão đã rụng rời, xương cốt nhức nhối khắp, cứ như chính lão bị cắn tai, bị đánh đập và lôi đi xềnh xệch vậy… Những chuyện man rợ ấy lão nghe mà cứ kinh cả người, chả khác gì bị dập thương chiến tranh. Thôi, anh vào hội nghị một mình thôi, lạy Chúa, lão phải ngồi đây nghỉ một tí lấy lại hồn vía, xong rồi lão sẽ vào bỏ phiếu chống Đúpxốp. Còn bây giờ thì anh Anchíp ạ, lão chịu, không thể phát biểu được, lão đang lạnh ớn sống lưng, đầu gối thì run lẩy bẩy, mả mẹ nó cứ như người bị sốt rét ngã nước vậy, đứng không vững nữa…
Bác Suka giở thuốc cuốn một điếu thứ hai. Và quả đúng là hai tay bác run lật bật thật, làm cho thuốc lá sừng bò thái to sợi cứ rơi vãi lả tả khỏi mẩu giấy báo cuộn sâu kèn. Và mặt bác nhăn nhó như muốn khóc. Anchíp làm ra vẻ thông cảm nhìn bác, nói:
- Bác ạ, tôi biết đâu bác yếu bóng vía thế, biết thì tôi đã chả kể bác nghe làm gì về cái kiếp cay đắng của nghệ sĩ… Đúng, bác ạ, bác chả làm được nghệ sĩ đâu! Bác cứ ngồi bên lò mà sưởi cho khỏe, đừng chạy theo đồng tiền làm gì. Và bỏ bà lão đấy mà đi biền biệt cũng không nên, phải thương bà lão chứ…
- Bao giờ lão kể bà ấy rằng vì bà ấy mà lão đã từ chối không đi làm nghệ sĩ thì bà ấy mừng rơn lên! Rồi thì là không ngớt cảm ơn lão rối rít cho mà xem!
Bác Suka mỉm một nụ cười dịu dàng, lắc lư đầu tận hưởng trước niềm vui của mình và niềm vui bác sẽ đem lại cho bà già khi báo bà biết cái tin đáng mừng kia. Nhưng bão táp đang lơ lửng trên đầu bác…
Bác biết đâu rằng nửa giờ trước đây ông bạn vàng Maka Nagunốp của bác đã cho người về phi báo bà lão, lệnh gắt gao cho bà phải ra trường ngay lập tức và bằng mọi cách lôi cổ ông lão về nhà.
- Bà lão thiêng thật, vừa mới nhắc đến xong! – Anchíp Gráts thú vị đằng hắng một cái nói, và bây giờ thì cười công khai.
Bác Suka ngẩng đầu lên. Tưởng đâu như có ai cầm miếng bọt bể ướt chùi sạch nụ cười tươi hơn hớn trên môi bác Suka đi vậy! Bà lão xông thẳng đến chỗ bác, mặt hầm hầm, đầy quyết tâm, nom như hiện thân của cường quyền.
- Lạy Chúa… - bác Suka hoảng hốt thều thào. – Mụ chết tiệt này ở đâu ra thế? Vừa mới rồi còn ốm liệt giường, đầu không cất lên được, thế mà đã lù lù dẫn xác đến đây rồi. Đến làm cái ma dại gì không biết?
Bác Suka ngồi dưới đất, ngây ra như bị thôi miên, và ngước mắt lên nhìn bà lão như con thỏ nhìn con trăn đói.
- Hội nghị chưa xong, bà nó ạ, và tôi còn phải phát biểu ý kiến. Các vị lãnh đạo khẩn khoản yêu cầu tôi phát biểu mà, - mãi rồi bác mới thều thào nói được, và nói đến đây thì nấc nghẹn.
- Không có ông cũng chẳng sao. Đi! Về nhà có việc.
Bà lão cao hơn ông chồng một đầu và nặng cân gấp đôi. Bà nắm nghiến lấy tay ông lão, khẽ kéo một cái là dựng đứng được ông lên rồi. Bác Suka đã hồi tỉnh lại, bực tức giậm chân bành bạch.
- Tôi không về đâu! Bà lấy quyền gì mà cấm tôi phát biểu! Bây giờ đâu phải thời chế độ cũ!
Chẳng cần nói thêm nửa lời, bà lão quay phắt đi, rảo bước trở về nhà, và, bị bà xềnh xệch lôi đi, bác Suka cứ lon ton chạy theo sau, đôi lúc cũng cố níu cưỡng lại. Nom bộ dạng bác Suka thì đúng là một bức tranh không lời về sự nhẫn nhục mù quáng của con người trước số phận.
Anchíp Gráts nhìn theo bác, lẳng lặng cười. Nhưng khi bước lên bực thềm, anh nghĩ bụng: “Nói đổ xuống sông xuống biển, ông lão mà chết thì làng xóm cũng mất vui!”.