watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đất Vỡ Hoang-Chương 13 - tác giả Mikhail Solokhov Mikhail Solokhov

Mikhail Solokhov

Chương 13

Tác giả: Mikhail Solokhov

Một tuần lễ ở Grêmiatsi Lốc, Đavưđốp đã húc phải một loạt các vấn đề như húc vào bức tường… Đêm đêm, ở trụ sở Xôviết hoặc ở trụ sở uỷ ban quản trị nông trang đặt tại ngôi nhà thênh thang của Titốc trở về nhà mình, Đavưđốp lại đi đi lại lại mãi trong gian phòng anh ở, hút thuốc, đọc báo “Sự thật” và báo “Tay búa” do người đưa thư mang đến. Và nghĩ miên man đến những con người ở Grêmiatsi Lốc, đến nông trang, đến những chuyện xảy ra trong ngày. Như một con sói bị cắm cờ (*), anh cố thoát ra cái vòng luẩn quẩn những ý nghĩ về nông trang, bồi hồi nhớ phân xưởng của mình, nhớ bạn bè, nhớ công việc ngày trước. Anh thoáng buồn khi nghĩ rằng giờ đây xưởng anh chắc đã có nhiều thay đổi, mà anh thì lại vắng mặt; rằng giờ đây anh không còn có thể thức trắng đêm ngồi nghiên cứu bản vẽ một động cơ máy kéo, cố tìm cách cải tiến cái hộp số nữa; rằng cỗ máy khó tính và khắt khe của anh đang do một người khác sử sụng, chắc hẳn là do anh chàng Gônđơsmít tự cao tự mãn kia; rằng sau những bài diễn văn nghe rất hay, nồng nhiệt tiễn đưa anh em “Hai vạn rưởi” lên đường, xem chừng giờ đây người ta đã quên anh rồi. Rồi bỗng ý nghĩ của anh lại chuyển sang Grêmiatsi Lốc, cứ như có ai vừa chuyển cầu dao cắt điện trong óc anh, lái dòng suy nghĩ của anh sang hướng khác. Anh về công tác nông thôn không đến nỗi như một dân thành thị ngây thơ, ù ù cạc cạc. Nhưng cuộc đấu tranh giai cấp phát triển phức tạp, rối như mớ bòng bong, với những hình thức thường thường là âm ỉ, bí mật, đã diễn ra trước mắt anh không phải chỉ phức tạp như những ngày đầu mới tới Grêmiatsi Lốc anh đã thấy mà thôi. Thái độ khăng khăng của đa số trung nông không chịu vào nông trang mặc dù cái lợi rành rành của kinh tế tập thể, anh thấy nó khó hiểu quá. Có nhiều người anh không tìm ra chìa khoá để hiểu được họ và mối quan hệ giữa họ với nhau. Titốc hôm qua còn là du kích, hôm nay đã là kulắc, là kẻ thù. Chimôphây Bôrsép, bần nông mà lại công khai bao che cho một tên kulắc. Ôxtơrốpnốp là một nông dân có trình độ, tự giác vào nông trang, nhưng Nagunốp lại tỏ một thái độ mặc cảm và cảnh giác với lão. Những con người Grêmiatsi Lốc lần lượt diễu qua trong óc Đavưđốp… Và ở họ có nhiều điều anh không hiểu, nó như bị phủ lên một tấm màn không nhìn thấy, không sờ thấy. Đối với anh, trang ấp này chẳng khác gì một chiếc động cơ phức tạp cấu trúc kiểu mới. Đavưđốp căng đầu óc ra, chăm chú mầy mò cố tìm hiểu nó, nghiên cứu, táy máy từng chi tiết, nghe ngóng từng chỗ trục trặc trong nhịp đập rộn rã suốt ngày không biết mỏi của cỗ máy tinh thần ấy.
Vụ án mạng bí hiểm giết hai vợ chồng anh bần nông Khốprốp đưa anh đến cái phán đoán là trong bộ máy kia có một lò xo bí mật nào đó đang tác động. Anh lờ mờ cảm thấy có một mối quan hệ nhân quả giữa cái chết của Khốprốp với cuộc vận động tập thể hoá, với cái mới đang húc đổ bức tường xiêu vẹo của chế độ làm ăn riêng lẻ. Buổi sáng hôm phát hiện ra xác hai vợ chồng Khốprốp, anh đã trao đổi hồi lâu với Radơmiốtnốp và Nagunốp. Hai anh chàng này cũng hết đoán già lại đoán non. Khốprốp là bần nông, trước kia có đi bạch vệ, thờ ơ với sinh hoạt làng xóm, không hiểu sao cứ bám riết lấy tên kulắc Lápsinốp. Có người đưa ra giả thuyết đây là một vụ giết người cướp của, nhưng rõ ràng giả thuyết ấy vô lý, vì nhà anh ta không bị lấy đi cái gì, vả lại cũng chẳng có quái gì mà lấy. Radơmiốtnốp nêu ra một ý kiến khác:
- Chắc lại chuyện gái, trêu gan thằng nào đấy thôi. Sờ vợ nó, nó giết chứ gì!
Nagunốp lặng thinh. Anh không thích ăn ốc nói mò. Nhưng khi Đavưđốp đưa ra phán đoán là thế nào cũng có một tên kulắc nhúng tay vào vụ án mạng này, và đề nghị trục xuất ngay bọn chúng ra khỏi làng, thì Nagunốp dứt khoát ủng hộ ý kiến ấy:
- Một tay trong bọn chúng nó khử Khốprốp chứ ai, còn gì phải bàn nữa! Tống cả bọn chó đểu ấy tới vùng băng giá đi thôi!
Radơmiốtnốp nhún vai cười khẩy:
- Nên tống chúng nó đi, dĩ nhiên là như thế. Chúng nó cản trở bà con nhân dân vào nông trang. Nhưng có điều là Khốprốp bị không phải do bàn tay chúng đâu. Anh ta không liên can gì với chúng. Đành rằng anh ta cứ bám lấy thằng Lápsinốp, thường xuyên đến làm cho nó, nhưng đã chắc đâu không phải vì miếng ăn? Bụng đói, thế là phải mò đến Lápsinốp. Chả nên chuyện gì cũng đổ cho bọn kulắc, thế thì cũng quá đáng, các cậu ạ! Không, muốn gì thì gì, đây nhất định là chuyện gái.
Huyện cử một nhân viên điều tra và một y sĩ về. Họ mổ tử thi, thẩm vấn các nhà xung quanh, láng giềng của Khốprốp và Lápsinốp. Nhưng cuộc điều tra cũng không tìm ra manh mối gì về thủ phạm và nguyên nhân vụ án mạng. Ngày hôm sau, mồng 4 tháng Hai, đại hội nông trang viên nhất trí thông qua nghị quyết trục xuất các gia đình kulắc ra khỏi miền Bắc Cápcadơ. Hội nghị cũng bầu ra ban quản trị nông trang, thành phần gồm có Iakốp Lukits Ôxtơrốpnốp (được Đavưđốp và Radơmiốtnốp nhiệt liệt ủng hộ, mặc cho Nagunốp phản đối), Paven Liubiskin, Đemka Usakốp, Akaska Mênốc (trầy trật mới trúng cử), và người thứ năm là Đavưđốp, được thông qua một cách vui vẻ, không có ý kiến gì. Điều đó một phần cũng do hôm qua mới nhận được giấy của Nông hội huyện báo tin huyện đồng ý với Nông hội giới thiệu đồng chí Đavưđốp, đặc phái viên huyện uỷ, cán bộ đoàn “Hai vạn rưởi”, ra ứng cử chủ tịch nông trang.


* * *


Đavưđốp vẫn ở nhà Nagunốp. Anh ngủ trên chiếc giường hòm kê cách giường hai vợ chồng Nagunốp một tấm màn gió vải hoa treo thâm thấp. Bà chủ nhà, một bà goá không con, ở gian đầu. Đavưđốp biết mình cũnglàm vướng Maka, nhưng những ngày đầu bận tíu tít và căng thẳng chẳng có thời giờ đi tìm chỗ ở khác. Luska, vợ Nagunốp, đối với Đavưđốp vẫn ân cần săn đón, tuy vậy, từ sau cuộc nói chuyện tình cờ với Maka, được anh ta hở cho biết vợ mình ăn nằm với thằng Chimôphây, con lão Mũi toác, thì anh không giấu nổi ác cảm với cô ả, và thấy phiền phiền phải ở tạm đây. Sáng sáng, không bắt chuyện nhưng Đavưđốp vẫn thường đảo mắt để ý nhìn Luska. Cô ả nom vẻ không quá hai nhăm, mặt trái xoan lấm tấm tàn nhang nom từa tựa quả trứng chim khách. Nhưng trong đôi mắt đen láy như hắc ín, trong toàn bộ thân hình thon thả và khô khô của ả có một vẻ đẹp gì quyến rũ và đĩ thoã lạ lùng. Đôi lông mày cong cong mềm mại của ả lúc nào cũng hơi rướn lên, dường như lúc nào ả cũng đang đón đợi một cái gì thú vị; đôi môi đỏ chót không che kín hàm răng đều sin sít hơi hơi mái hiên, lúc nào cũng khẽ nhếch như sẵn sàng cười. Đi đứng, ả rún rẩy đôi vai xuôi, cứ như lúc nào cũng đợi sắp có người ôm chầm lấy mình. Ả ăn mặc cũng chỉ như mọi chị em kô-dắc ở Grêmiatsi, có thể có phần nào chải chuốt hơn đôi chút.
Một hôm, sớm bảnh mắt, Đavưđốp đang xỏ giầy thì nghe thấy tiếng Maka nói sau tấm màn gió:
- Trong túi áo varơi anh có nịt chun đấy. Em dặn Xêmiôn mua phải không? Hôm qua anh ấy lên phố về, nhờ anh đưa cho em.
- Thật không, anh Maka? – Giọng Luska âm ấm ngái ngủ, run run mừng rỡ…
Chị chàng mặc độc tấm áo lót nhảy tót trên giường xuống, chạy tới chỗ áo varơi của chồng treo trên đinh, rút trong túi áo ra không phải là đôi nịt tròn thít lấy bắp chân, mà là loại nịt của các bà các cô thành thị, thắt lên lưng, viền xanh. Đavưđốp nhìn thấy bóng ả trong gương: ả đứng vươn cái cổ ngẳng như cổ trẻ con, ướm thử hàng mới mua được vào cẳng chân khô khô của mình. Đavưđốp nhìn trong gương thấy đôi mắt long lanh của ả cười nheo lại, và đôi má lấm tấm tàn nhang hây hây đỏ. Vừa ngắm nghía chiếc bít tất bó sát đùi, ả vừa quay về phía Đavưđốp. Qua cổ tấm áo lót mình, trông thấy đôi vú ả núng na núng nính, đôi vú ngăm ngăm rắn chắc, thây lẩy chĩa sang hai bên và chúc xuống như vú dê cái. Vừa lúc đó, ả nhìn qua đầu màn gió trông thấy Đavưđốp, và đưa hai tay từ từ khép cổ áo lại, chẳng quay đi, đôi mắt lim dim và miệng mỉm một nụ cười quánh sệt. Đôi mắt trâng tráo ấy như muốn nói: “Anh xem, em xinh không!”.
Đavưđốp buông phịch người xuống mặt hòm làm nó kêu ken két. Anh đỏ mặt, đưa tay hất ngược mớ tóc đen nhánh xoã xuống trán: “Bố khỉ! Mụ ấy lại tưởng mình nhìn trộm mụ ấy đấy…Dấm dớ quá, tự nhiên lại đứng dậy! Khéo mụ ấy lại nghĩ là mình mê mụ ấy…”.
Nghe tiếng Đavưđốp đằng hắng khó chịu, Maka cằn nhằn vợ:
- Có người lạ mà cứ tô hô thế kia!
- Anh ấy có thấy đâu!
- Lại còn không thấy!
Đavưđốp ho húng hắng phía sau tấm màn gió. Cô ả luồn váy qua đầu, nói thản nhiên như không:
- Thì đấy! Cứ nhìn cho sướng mắt. Maka, có ai lạ đâu mà. Nay lạ, mai sẽ là của em, nếu em muốn. - Ả rũ ra cười, nhảy lăn kềnh vào giường: - Anh lành như đất ấy! Ông bụt! Ông bụt đất của em!...


* * *


Ăn sáng xong, vừa bước chân ra khỏi cổng, Đavưđốp đã nói độp:
- Con vợ cậu chẳng ra cái đếch gì.
Nagunốp nhìn Đavưđốp, khẽ đáp:
- Quan trọng gì đến cậu?
- Nhưng đối với cậu thì quan trọng đấy! Hôm nay mình sẽ dọn ngay đi nơi khác, gai mắt lắm! Đường đường một thằng cha như cậu mà cứ để nó xỏ chân lỗ mũi! Chính mồm cậu nói là nó ngủ với thằng con lão Mũi toác.
- Vậy làm thế nào, đánh à?
- Không đánh, nhưng phải uốn nắn nó! Mình cứ nói toạc móng heo: mình là một thằng cộng sản đây, nhưng về chuyện này mình hơi khó tính. Mình sẽ sửa cho một trận rồi đuổi mẹ nó đi! Nó làm cậu mất cả uy tín với quần chúng, thế mà cậu cứ im thin thít. Đêm nó đi đâu? Chúng mình đi họp về chẳng đêm nào thấy mặt nó cả. Mình không can thiệp vào chuyện nhà cửa của cậu…
- Cậu có vợ chưa?
- Chưa. Nhưng bây giờ nhìn cảnh vợ chồng cậu, mình sẽ ở vậy đến già.
- Cậu coi vợ như một thứ của riêng à?
- Ê, cha tiên nhân anh, đồ vô chính phủ nửa mùa! Của riêng! Thế chẳng còn của riêng là gì? Sao cậu đã vội thủ tiêu nó? Gia đình có còn không nào? Cậu ăn phải bùa mê của vợ, dung túng thói đàng điếm của nó, ra cái điều rộng lượng. Mình sẽ đưa vấn đề này ra chi bộ!.. Bà con nông dân phải noi gương anh. Thế mà tấm gương sáng gớm nhỉ!
- Được rồi, tôi sẽ giết nó!
- Thôi đi anh!
- Này, bảo cái đã… Cậu đừng nhảy vào chuyện này làm gì…- Maka dừng lại giữa đường, đề nghị. – Mình khắc gỡ ra, nhưng lúc này thì chẳng còn bụng dạ đâu nghĩ đến chuyện ấy. Mà chuyện đâu phải mới hôm qua, mình chịu đựng lâu rồi.. nán đợi ít nữa, rồi sẽ liệu… Mình yêu nó héo lòng héo ruột.. Nếu không thì xong lâu rồi… Cậu đi đâu bây giờ? Lên trụ sở Xôviết à? – Anh lái sang chuyện khác.
- Không, mình định đến nhà Ôxtơrốpnốp. Mình muốn đến thăm nhà, chuyện trò một tí. Lão ấy là một mugích sáng ý đấy. Mình muốn đưa lão ra làm quản lý. Cậu thấy thế nào? Đang cần một người quản lý cầm đồng côpếch của nông trang biết làm cho nó thành đồng rúp. Xem ra thì Ôxtơrốpnốp là một người như vậy.
Nagunốp bực lắm, xua tay:
- Lại cái luận điệu ấy! Cậu với Anđrây là hay khen Ôxtơrốpnốp lắm đấy! Nông trang cần đến lão ấy để làm gì.. Mình phản đối. Mình sẽ đòi cho bằng được phải khai trừ lão ấy ra khỏi nông trang! Cái thằng khốn kiếp giàu sụ ấy đã phải đóng thuế phụ thu (**) hai năm rồi đấy, trước chiến tranh nó là một tên kulắc, thế mà ta lại đưa nó lên ư?
- Lão ấy là một người làm nông nghiệp có trình độ. Theo như ý cậu thì là tôi bênh vực cho một tên kulắc hay sao?
- Nếu vừa qua chúng mình không xén lông xén cánh lão ấy thì lão ấy đã biến thành một tên kulắc từ lâu rồi!
Họ chia tay nhau mỗi người một ngả, không nhất trí được với nhau, bực nhau không chịu được.

----------------------
(*) Đi săn chó sói, khi phát hiện ra con sói lẩn quất ở góc rừng nào, người ta chăng dây có buộc những lá cờ nhỏ, vây lấy khu vực ấy. Con sói sợ, không dám nhảy qua, cứ luẩn quẩn trong vòng vây cờ ấy. – ND.
(**) Sau Cách mạng tháng Mười, những nhà giàu ở nông thôn ngoài thuế cơ bản, phải đóng thuế phụ thu theo phần trăm mức dư. - ND
Đất Vỡ Hoang
Lời giới thiệu
Tập I - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương 33 (tt)
Chương 34
Chương 35
Chương 36
Chương 37
Chương 38
Chương 39
Chương 40
Tập II - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 5 (tt)
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 8 (tt)
Chương 9
Chương 9 (tt)
Chương 10
Chương 10 (tt)
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 13 (tt)
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 21 (tt)
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28