Chương 12
Tác giả: Mikhail Solokhov
Những ngày nắng ráo nóng nực đã làm cho cỏ các thung lũng lớn như bốc, và rốt cuộc đội muộn mằn nhất của Grêmiatsi Lốc, đội ba, cũng đã kéo nhau ra thảo nguyên cắt cỏ. Toán cắt cỏ xuất phát ra thảo nguyên sáng thứ sáu thì chiều thứ bảy Nagunốp đến nhà Đavưđốp. Anh ngồi lúc lâu chẳng nói chẳng rằng, lưng gù xuống, râu ria chẳng cạo và dường như mấy ngày qua đã già sọp đi. Và trên cái cằm nhô ra lởm chởm râu đen của anh ta, Đavưđốp lần đầu tiên trông thấy ánh lên những sợi sương muối.
Cả khách lẫn chủ cứ ngồi lẳng lặng hút thuốc trong mươi phút, không ai hé răng một lời, không ai muốn khơi mào nói trước. Sắp bước chân ra về rồi Nagunốp mới hỏi:
- Hình như đội Liubiskin đã ra hết ngoài đồng cắt cỏ rồi phải không, cậu đã kiểm tra chưa?
- Những ai được phân công thì đã đi rồi. Sao?
- Sáng mai cậu nên ra đội cậu ấy xem xem tình hình công việc thế nào.
- Vừa mới đi thì đã kiểm tra cái gì?
- Mai là chủ nhật.
- Thì làm sao?
Đôi môi khô khốc của Nagunốp thoáng nhếch một nụ cười:
- Đội cậu ấy hầu như toàn một bọn ngoan đạo ăn phải bùa mê thuốc lú của nhà thờ, đặc biệt là bọn váy đụp. Họ đi thì đi, nhưng chủ nhật cắt cỏ thì họ cắt khối ra đấy! Rồi cậu xem, thế nào cũng có mụ mò sang nhà thờ Tubianxki. Mà công việc thì không thể chậm trễ được nữa, thời tiết lại có thể giở giói, rồi rơm cỏ đâu chẳng thấy, chỉ vác về độc cỏ rác lót ổ chó.
- Được, mai mình sẽ đi sớm kiểm tra. Mình sẽ không bỏ qua bất cứ trường hợp vắng mặt nào. Cám ơn cậu đã gợi ý. Nhưng tại sao chỉ riêng đội Liubiskin lại hầu như toàn là dân ngoan đạo như cậu nói thế nhỉ?
- Cái của quý ấy thì các đội khác cũng nhan nhản, nhưng đội ba thì dày đặc hơn.
- Rõ rồi. Còn cậu thì mai định làm gì? Xuống đội một chăng?
Nagunốp miễn cưỡng đáp:
- Mình không đi đâu cả, sẽ ở nhà mấy ngày. Không hiểu sao người mình cứ nhão ra thế nào ấy… Cứ như bị roi quật, bị cho vào cối giã vậy…
Trong chi bộ Grêmiatsi đã thành cái lệ là đến ngày mùa thì đảng viên nào cũng bắt buộc phải có mặt ngoài đồng. Thường thường thì họ ra đồng từ lâu trước khi nhận được chỉ thị của huyện uỷ. Và lần này, Nagunốp xuống tham gia một đội cũng là việc đương nhiên, nhưng Đavưđốp thừa hiểu tâm trạng của bạn, nên anh bảo:
- Thì cậu cứ ở nhà thôi, Maka ạ. Thế có khi lại hay: trong lãnh đạo cũng nên có một người ở nhà phòng có việc gì.
Đavưđốp nói thêm câu sau chỉ là vì không muốn để lộ rõ ra cho Maka thấy sự ái ngại cuả anh. Và Nagunốp – dường như đến đây chỉ có việc thế thôi – đứng dậy ra về không chào một tiếng.
Nhưng một phút sau anh lại quay vào, mỉm cười ngượng ngập:
- Trí nhớ mình bây giờ cứ như cái túi thủng, quên cả chào cậu. Ở chỗ Liubiskin về, cậu ghé qua mình, kể mình nghe bọn ngoan đạo ở đấy làm ăn ra sao và mắt họ để đi đâu: để dưới chân ngựa hay để nơi cái thập tự nhà thờ Tubianxki. Cậu hãy nói cho bọn dấm da dấm dớ có tên thánh ấy biết là Đức Chúa Giêsu chỉ làm ra trận mưa thóc vào một năm đói nọ cho các cụ tổ ta ngày xưa thôi, mà cũng chỉ làm có độc một lần ấy trong suốt cuộc đời ông ta, còn như với bà con kô-dắc mình thì ông ta sẽ chẳng cắt cỏ trữ mùa đông hộ đâu, họ đừng hoài hơi mong chờ! Tóm lại là cậu hãy mở hết tốc lực tuyên truyền chống tôn giáo cho tôi! Mà tự bản thân cậu cũng thừa biết rằng trong những trường hợp ấy cần nói những gì. Đáng tiếc là mình không đi được với cậu, nếu không thì mình có thể giúp cậu một tay đắc lực trong việc chống tôn giáo ấy. Tất nhiên, mình cũng chẳng phải tay hùng biện gì cho lắm, nhưng mình có quả thôi sơn thích hợp với bất cứ cuộc tranh luận nào. Mình mà phóng nó ra thì kẻ đang tranh luận với mình hết đường lý sự. Bởi vì lý sự muốn hay thì phải đứng mà lý sự, chứ nằm sóng soài đấy thì còn lý sự quái gì nữa? Lý sự nằm chỉ đáng bỏ ngoài tai!
Nagunốp bỗng phấn chấn hoạt bát hẳn lên, đôi mắt vui vẻ long lanh, đưa ra đề nghị:
- Này Xêmiôn ạ, mình sẽ đi với cậu! Để lỡ ra nếu cậu phải đấu với các con mẹ ấy trên lĩnh vực chủ nghĩa ngu dân tôn giáo thì lúc ấy mình sẽ có tác dụng cho cậu ghê lắm đấy. Cậu biết cái giống đàn bà vùng mình đấy: mùa xuân nếu như lần thứ nhất chúng nó chưa mổ chết được cậu thì lần thứ hai nhất định chúng nó sẽ mổ đến chết đứ đừ. Nhưng có mình thì cậu khỏi lo! Mình biết cách xử sự với bọn quỷ cái ấy!
Đavưđốp cố hết sức nén cười, sợ hãi xua tay quầy quậy:
- Không! Không! Tôi xin ông! Tôi chả cần gì sự giúp đỡ của ông, tôi khắc tự giải quyết được! Và biết đâu chả là cậu cứ lo hão? Nhân dân bây giờ đã giác ngộ ra nhiều so với hồi mấy tháng đầu tập thể hoá, thực tế thế! Và cậu, Maka ạ, cậu vẫn cứ đo nó bằng cái thước cũ, đó cũng là một thực tế nữa!
- Tuỳ cậu, mình đi cũng được, không đi cũng được. Mình nghĩ là mình có thể giúp được cậu, nhưng nếu cậu đã hảo hán thế thì mặc cậu tự giải quyết lấy.
- Maka ạ, mình nói cậu đừng tự ái, - Đavưđốp làm lành. – Nhưng đấu tranh chống những thành kiến tôn giáo thì cậu là một chiến sĩ tồi, cậu có thể làm cho sự nghiệp hỏng không cứu vãn được, đúng là không cứu vãn được!
- Về vấn đề ấy mình không muốn tranh luận với cậu, - Nagunốp đáp lại khô khan. – Có điều là cậu cẩn thận đấy, khéo không lại vãi ra quần đấy! Cậu cứ quen cái lối ăn nói ngọt nhạt với cái bọn hôm qua còn là kẻ tư hữu đến tận xương tuỷ ấy, còn mình, mình tuyên truyền chúng theo cách mà lương tâm anh du kích đỏ của mình mách nước cho. Thôi, mình đi đây. Chào cậu.
Họ xiết chặt tay nhau, cứ như sắp xa nhau lâu ngày vậy. Bàn tay Nagunốp cứng và lạnh ngắt như hòn đá, và trong đôi mắt đã mất đâu cái ánh linh hoạt vừa mới rồi, lại thấy hiện ra nỗi đau âm thầm, không nói ra lời. “Cu cậu khổ lắm đấy!” – Đavưđốp nghĩ bụng, cố nén cái cảm giác thương hại vô duyên ấy đi.
Tay đặt trên quả đấm cửa, Nagunốp quay đầu lại , nhưng anh không nhìn vào Đavưđốp mà nhìn tránh sang bên, và giọng anh cất lên nghe hơi khàn khàn:
- Con vợ cũ của mình, cũng là cô bạn của cậu, nó bỏ làng cuốn xéo đi đâu rồi ấy. Cậu biết chưa?
Đavưđốp nghe nói, sửng sốt. Anh chưa hề hay biết gì về chuyện cách đây mấy ngày, Luska đã bỏ làng Grêmiatsi Lốc, nơi chôn rau cắt rốn đầy kỷ niệm, để ra đi không bao giờ trở lại nữa. Anh quả quyết:
- Làm gì có chuyện ấy! Giấy tờ chẳng có thì đi đâu? Chắc là nó vẫn ở đằng bà cô, nằm đó đợi cho dư luận bới móc về Chimôphây qua đi. Mà thực ra bây giờ cô nàng chường mặt ra với thiên hạ thì cũng dơ, thật chuyện cô nàng với Chimôphây thật chẳng hay hớm gì…
Maka cười khẩy, toan bảo: “Thế mình và cậu thì có hay hớm gì hơn không?” – nhưng anh lại nói:
- Nó có đủ giấy tờ trong tay, bỏ làng đi từ hôm thứ tư, mình nói đích xác với cậu như thế. Chính mắt mình trông thấy nó lên đường từ sớm bảnh mắt, tay ôm cái bọc nhỏ, chắc là áo xống. Đến đỉnh gò, nó dừng lại một lát, quay nhìn về làng, rồi biến mất hút, con ôn dịch! Mình có đến khảo bà cô: này, Luska dẫn xác đi đâu rồi? Nhưng mụ ấy chẳng biết cái chết tiệt gì cả. Luska chỉ bảo mụ ấy rằng chân nó dẫn đến đâu thì nó đi đến đấy. Có thế thôi. Cuộc đời của nó là thế đấy con mụ khốn kiếp ấy!
Đavưđốp nín thinh. Cái cảm giác ngượng và xấu hổ của anh những khi đối diện với Maka, lại dâng lên trong anh mạnh hơn lúc nào hết. Anh cố làm ra vẻ thản nhiên, và cũng nhìn lánh sang một phía bên cạnh người Maka, nói nhỏ:
- Thôi thì đường rộng cứ đi! Chả ai thương.
- Xưa nay nó có cần ai thương bao giờ, và cậu ơi, về cái chuyện yêu đương vớ vẩn thì thằng Chimôphây cứ gọi là ăn đứt chúng mình. Thực tế thế, như cậu vẫn nói! Nhưng việc gì cậu phải nhăn mặt lại như vậy? Cậu thấy chối hả? Mình, anh bạn ạ, chuyện này mình cũng chối ghê lắm, nhưng sự thật vẫn là sự thật, nhắm mắt bỏ qua đâu có được! Con Luska đã lọt khỏi cả tay mình lẫn tay cậu một cách dễ dàng. Vì sao vậy? Vì rằng nó là con đàn bà không phải là đàn bà nữa, mà đã hoá thành quỷ cái! Cậu tưởng cuộc cách mạng thế giới của chúng ta, nó mê lắm phỏng? Mê cái chết tiệt! Cả nông trang tập thể, cả nông trường quốc doanh, và ngay cả chính quyền xôviết nữa, nó coi là những của vô tích sự. Rong chơi hội hè, làm thật ít, ngoáy đít thật nhiều, đó là toàn bộ cương lĩnh phi Đảng của nó! Một con đàn bà như thế, muốn giữ được nó bên mình thì phải lấy nhựa hắc ín quét vào tay, túm chặt lấy váy nó, nhắm tịt mắt lại, và quên hết mọi sự đời. Nhưng mình cho là chỉ cần cậu chợp mắt đi một tí là y như rằng nó đã tụt khỏi váy, như con rắn lột da, và cứ tồng ngồng như khi mới lọt lòng mẹ, nó phóng ngay tới đám múa may nhảy nhót. Đó, cái con Luska trời đánh thánh vật là như thế đó! Chính vì thế mà nó cứ bám riết lấy thằng Chimôphây. Trước kia, ngày nào cũng như ngày nào, thằng Chimôphây cứ ôm chiếc phong cầm đi phất phơ trong xóm, lảng vảng qua trước cửa nhà mình, là con Luska phát sốt phát rét, khốn khổ cái thân đời nó, cuống lên vì không biết bao giờ mình mới chịu ra khỏi nhà cho. Một con động cỡn như thế thì mình với cậu lấy gì mà giữ được nó? Vì nó mà tung hê cả cách mạng, cả công việc hàng ngày của chính quyền xôviết hay sao? Hay là chung nhau tiền mua cái đàn phong cầm? Chết ngay! Chết chìm trong sự sa đoạ tư sản! Không, thà mặc cho nó treo cổ lên cái cây thứ nhất nó gặp bên đường, thà cho nó treo cổ đến ba lần đi nữa thì Xêmiôn ạ, hai chúng mình cũng sẽ không vì một con đĩ rạc như thế mà từ bỏ lý tưởng Đảng của chúng ta!
Một lần nữa, Nagunốp lại linh hoạt lên ưỡn thẳng người. Đôi gò má anh ửng hồng. Anh tựa vào khung cửa, cuốn điếu thuốc, châm lửa, rít hai ba hơi dài, rồi nói bằng giọng bây giờ đã bình tĩnh hơn và nhỏ hơn, đôi lúc chuyển sang gần như thì thào:
- Thú nhận với cậu, Xêmiôn ạ, mình đã sợ là con vợ cũ của mình sẽ tru tréo lên khi nhìn thấy thằng Chimôphây nằm chết đó… Nhưng không! Cô nó có kể lại rằng nó đến bên thằng Chimôphây, không rỏ một giọt nước mắt, không kêu một tiếng, nó quỳ phục xuống bên thằng kia, miệng nói nhỏ: “Con chim ưng của em ơi, anh muốn bay về với em, nhưng đã bay về cõi chết… Hãy tha tội cho em đã không che chở được anh khỏi nạn dữ này”. Rồi nó bỏ khăn vuông ra, rút cái lược trên đầu, chải cho thằng Chimôphây, sửa lại mái tóc cho nó, hôn nó lên môi, rồi đi. Nó đi, không ngoái nhìn lại một lần!
Maka ngừng một lát rồi lại nói tiếp, nói to hơn, và trong giọng nói hơi khàn khàn của anh Đavưđốp chợt bắt gặp mấy âm hưởng tự hào được che dấu một cách vụng về:
- Nó vĩnh biệt thằng ấy như thế đấy. Đáo để đấy chứ nhỉ? Con mụ khốn kiếp ấy nom thế mà gan cóc tía! Thôi, mình đi đây. Chào cậu!
Thì ra Maka đến là để nói chuyện ấy… Đưa bạn ra đến cổng rồi, Đavưđốp quay trở về gian phòng tối nhờ nhờ, để nguyên quần nằm vật xuống giường. Anh không muốn nhớ lại một cái gì, không muốn nghĩ đến một cái gì, chỉ muốn sao mau chóng chìm đắm được trong giấc ngủ. Nhưng giấc ngủ chẳng chịu đến.
Bao nhiêu lần rồi anh tự xỉ vả mình đã nông nổi thiếu suy nghĩ mà dan díu với Luska! Nào có tí mảy may tình yêu trong quan hệ giữa hai người đâu… Còn thằng Chimôphây thì chỉ cần nó xuất hiện là Luska không chút do dự đã cắt phăng ngay với anh, với Đavưđốp, nối lại với nó, cắm đầu lao theo người yêu của mình. Ừ mà rõ ràng mối tình đầu thì khó quên… Cô ta đã bỏ làng lặng lẽ ra đi, không nói một lời chào vĩnh biệt. Nhưng thực ra cô ta cần gì đến anh? Lời vĩnh biệt của cô ta, cô ta đã nói với người mà chết rồi vẫn được cô ta yêu, còn anh, Đavưđốp, anh định xơ múi gì vào đây? Mọi sự đã diễn ra theo đúng cái lẽ đời của nó. Và tất cả cái chuyện không lấy gì làm sạch sẽ lắm giữa anh và cô ả Luska này chỉ là một lá thư viết dở, lưng chừng dứt đoạn. Có thế thôi!
Đavưđốp trằn trọc hoài trên tấm phản hẹp, rền rĩ, hai lần vùng dậy hút thuốc. Nhưng đến gần sáng anh cũng chợp mắt được. Anh tỉnh dậy thì trời đã sáng bạch. Giấc ngủ ngắn ngủi đã chẳng làm anh sảng khoái lên được tí nào. Anh nhỏm dậy và có cảm giác như vừa sau một cơn say rượu bí tỉ: khát như cào, đầu nhức như búa bổ, miệng khô đắng, chốc chốc lại lợm giọng buồn nôn. Anh khó nhọc quỳ phục xuống tìm giầy, và tìm mãi chẳng thấy. Anh sờ soạng dưới gầm giường, gầm bàn, ngơ ngác nhìn quanh mấy góc gian phòng đồ đạc trống tuyềnh trống toàng, và chỉ đến lúc ưỡn mình đứng dậy thì mới thấy đôi giầy mình vẫn đi ở chân. Anh kêu thốt lên một tiếng ngán ngẩm và lẩm bẩm:
- Thế này thì quá quắt lắm! Tàu mắc cạn mẹ nó rồi, thực tế thế! Cha tiên nhân con Luska! Bốn ngày đêm nay nó không có mặt ở cái làng này nữa, vậy mà lúc nào nó vẫn cứ như ở bên mình…
Đứng bên giếng, anh cởi trần tới ngang lưng, vục nước lạnh buốt dấp lên cái lưng mồ hôi và nóng hầm hập của mình, đằng hắng, rền rĩ, dội nước lên đầu. Và cuối cũng thấy đã hơi dễ chịu, anh đi đến tàu ngựa nông trang.