watch sexy videos at nza-vids!
Truyện NHO LÂM NGOẠI SỬ-Hồi 11 - tác giả Ngô Kính Tử Ngô Kính Tử

Ngô Kính Tử

Hồi 11

Tác giả: Ngô Kính Tử

Cừ Dật Phu ở rể Lỗ phủ thấy tiểu thư xinh đẹp vô cùng, trong lòng say mê. Cừ không biết rằng tiểu thư lại còn là một cô gái tài hoa. Tài hoa của nàng hơn hẳn các cô con gái tài hoa khác. Lỗ Biên Tu không có con trai nên xem nàng như con trai. Lúc nàng lên năm, lên sáu đã mời thầy dạy học vỡ lòng và nàng đã đọc Tứ thư, Ngũ kinh. Năm mười hai tuổi đã giảng được sách, đọc văn chương. Tất cả các bộ sách của Vương Thủ Khê, nàng đã thuộc lòng như cháo. Nàng đã học được cách làm “phá đề” “phá thừa” “khởi giảng” “đề tỷ” “trung tỷ”(1). Thầy dạy học dạy dỗ nàng cũng như dạy con trai. Tiểu thư là người thông minh, trí nhớ rất giỏi, cho nên thuộc tất cả văn chương của những nhà viết văn cổ nổi tiếng như Vương Thủ Khê, Đường Thuận Chi, Cù Cảnh Thuần, Tiết Ứng Cân(2).
Các bài thi nổi tiếng ở tỉnh tiểu thư có thể nhớ đến ba nghìn bài. Văn chương nàng viết ra là văn chương già dặn, hoa mỹ. Lỗ Biên Tu thường than rằng: nếu là con trai, thì nhất định thế nào cũng đỗ tiến sĩ, trạng nguyên. Những lúc rảnh Lỗ Biên Tu lại thường nói với con rằng: nếu làm văn bát cổ mà giỏi thì muốn làm thơ, làm phú, cũng đều hay. Trái lại, nếu làm văn bát cổ mà kém thì có làm cái gì cũng là nhảm nhí lăng nhăng. Nàng nghe theo lời giáo huấn của cha, cho nên trên bàn trang điểm cũng như ở chỗ thêu thùa, ở đâu cũng thấy đầy cả sách văn chương. Hàng ngày, nàng lấy bút son ra chấm chấm phê phê. Còn nếu người nhà có đem thơ, phú đến thì nàng không thèm nhìn. Trong nhà tuy có mấy quyển Thiên gia thi, Giải học sĩ thi, Đông Pha tiểu muội thi thoại, nhưng nàng đều giao cho mấy đứa đày tớ gái là Thái Tần và Song Hồng xem. Lúc nào rảnh lại bảo chúng làm một vài câu thơ cho vui.
Từ khi lấy Cừ Dật Phu, hai bên môn đương hộ đối, tài mạo xứng đôi. Thật là tài tử giai nhân tốt đôi vừa lứa. Nàng tưởng đâu rằng Cừ Dật Phu việc cử nghiệp đã xong, cái trò đỗ tiến sĩ là đến trước mắt. Nhưng lấy nhau hơn mười ngày, trong phòng đầy cả văn bát cổ mà vẫn không thấy chàng để ý gì hết. Lúc đầu nàng nghĩ rằng: những thứ này, chàng đều đã thuộc làu cả rồi. Lại nghĩ rằng: chàng đang vui duyên mới, đang lúc ham vui mà ta đem việc này ra nói thì sợ không nên. Nhưng vài ngày sau, ăn tiệc xong thấy chàng trở vào phòng rút trong ống tay áo ra một tập thơ rồi ngồi đối diện dưới đèn ngâm nga và bảo vợ cùng ngồi bên cạnh đọc. Nàng thẹn lắm, không dám hỏi, đành cố gắng xem một lát cho đến khi đi ngủ. Sáng hôm sau, nàng chịu không nổi nữa, biết chàng còn ngồi ở trong thư phòng nên lấy giấy đỏ ra viết một đề mục: “Thân tu nhi hậu gia tề” (phải sửa mình rồi mới lo việc nhà được) gọi Thái Tần đến mà bảo rằng:
- Mày đem cái này đến cho chàng và bảo rằng phụ thân ta bảo chàng làm bài văn này!
Chàng cầm tờ giấy cười mà rằng:
- Ta không quen làm cái thứ này. Vả lại, mới ở phủ chưa đầy một tháng, cần phải viết một cái gì thanh nhã! Thật ta không có can đảm viết nổi thứ văn tầm thường này!
Chàng nghĩ bụng rằng nói thế sẽ làm cho tiểu thư phục mình là người thanh nhã. Không ngờ chính nó làm cho nàng phật ý vô cùng.
Buổi chiều, người vú nuôi vào phòng thấy tiểu thư mặt ủ mày ê, thở vắn than dài, bèn hỏi:
- Đáng lẽ tiểu thư phải vui mừng có được một người chồng như thế. Tại sao tiểu thư lại buồn? Tiểu thư có việc gì vậy?
Nàng đem việc xảy ra kể lại một lượt mà nói:
- Ta tưởng đâu việc cử nghiệp của chàng đã thành, vài hôm nữa chàng sẽ đỗ cử nhân, tiến sĩ. Có ngờ đâu quang cảnh thế này! Thật là hỏng cả đời ta!
Vú nuôi khuyên nhủ một hồi. Chàng vào thấy vợ nét mặt và lời nói không vui cũng cảm thấy thẹn thùng. Hai bên đều không tiện nói ra. Từ đó, hai người cảm thấy không khí nặng nề. Nàng phiền muộn vô cùng. Nhưng hễ nói đến thi cử thì thấy chàng làm lơ. Nàng đem lời khuyên giải, thì chàng lại cho là con người tục. Do đó, càng ngày nàng càng thêm buồn rầu, mặt mày ủ dột. Phu nhân thấy vậy khuyên bảo:
- Con ơi! Con không nên buồn rầu như thế! Ta xem chồng con là người hoàn toàn. Vả chăng cha con yêu chàng vì chàng là một danh sĩ trẻ tuổi.
- Thưa mẹ, từ xưa đến nay mẹ có thấy ai không đỗ tiến sĩ mà lại là danh sĩ hay không?(3)
Nói xong, lại càng bực mình. Phu nhân nói:
- Con ơi! Việc vợ chồng là việc suốt đời. Nay cơ sự đã như thế thì thôi. Vả chăng nhà hai bên là nhà giàu có. Nếu chàng không đỗ tiến sĩ, không làm quan đi nữa, thì hỏi con còn thiếu thốn cái gì?
- Người con trai tài giỏi không ai nhờ vả cha mẹ, người con gái tài giỏi không ai về nhà chồng còn mặc áo hồi còn con gái. Cứ theo ý con, việc công danh thì phải tự mình làm lấy chứ! Chỉ có hạng người không ra gì mới phải nhờ vả cha ông mà thôi.
- Phải khuyên dần dần, làm gấp không được! Vú nuôi nói:
- Nếu như chàng không thi đỗ, thì khi nào tiểu thư sinh cậu con trai tiểu thư cứ dạy cho cậu, không để cậu làm theo cha! Trong nhà đã có sẵn thầy học như tiểu thư, thì chẳng lo gì cậu ấy không đỗ nổi trạng nguyên. Thế là cậu sẽ làm nổi danh tiếng và tiểu thư sẽ được sắc phong.
Nói xong vú nuôi và phu nhân đều cười. Tiểu thư thở dài một cái, không nói gì nữa.
Nghe việc này Lỗ Biên Tu cũng ra cho chàng hai đầu đề bát cổ. Chàng miễn cưỡng làm cho xong chuyện. Nhưng khi Biên Tu xem bài thì toàn là lời lẽ lấy trong thơ: câu này ở Ly tao(4), câu kia trong sách của Bách gia chư tử(5) chứ không phải lời lẽ rút trong các kinh ra. Vì vậy, Biên Tu cũng đâm buồn, không nói gì. Chỉ có phu nhân thì vẫn yêu chàng rể như là con đẻ.
Thời gian thấm thoát đến cuối đông. Vào tháng giêng đầu năm mới, Cừ Dật Phu trở về nhà hầu thăm ông nội và mẹ. Ngày 12 tháng giêng, hai công tử ở Lâu phủ mời Cừ Dật Phu đến uống rượu mừng xuân. Hai người mời Cừ Dật Phu vào thư phòng ngồi, hỏi thăm sức khoẻ của thái thú và nói:
- Hôm nay trong nhà không có khách, lại gặp được lúc thời tiết tốt, ta mời cháu đến đây uống vài chén rượu chơi.
Vừa nói đến đây thì người giữ cổng đã vào bẩm.
- Có người giữ lăng là Trâu Cát Phủ xin vào.
Hai công tử từ khi lo việc hôn nhân của Cừ Dật Phu phải bận rộn hơn một tháng rồi lại lo chuẩn bị năm mới, cho nên quên cả câu chuyện về Dương Chấp Trung. Hôm nay được tin Trâu Cát Phủ đến, đột nhiên lại nhớ đến Dương Chấp Trung bèn cho mời Trâu Cát Phủ vào. Hai công tử cùng Cừ Dật Phu ra ngoài nhà khách, thấy Trâu Cát Phủ đầu đội mũ lông chiên mới, mình mặc áo bông xanh, chân đi giày, con là Trâu Nhị quảy một cái bao vải trong có một ít cốm và đậu phụ khô. Hai công tử và cha con Trâu Cát Phủ cùng thi lễ xong, Hai người nói:
- Ông Trâu Cát Phủ! Ông cứ đến người không cũng được, mang lễ lạt đến để làm gì? Chúng tôi không lấy của ông thì không tiện.
- Hai vị nói thế thì con thẹn chết! Đây là cây nhà lá vườn mang đến để hai công tử thưởng cho người nhà.
Hai người bảo cất dọn các lễ vật đi. Trâu Nhị xin ngồi ở ngoài, còn Trâu Cát Phủ được mời vào thư phòng. Cát Phủ hỏi ra biết là Cừ Dật Phu bèn hỏi thăm sức khoẻ của Cừ thái thú:
- Cái năm đám ma cụ cố nhà ta, tôi có được gặp thái thú. Nay đã hai mươi bảy năm rồi! Chả trách mà chúng tôi già! Thái thú râu đã bạc cả chưa?
- Ông tôi râu bạc đã ba bốn năm nay rồi.
Trâu Cát Phủ không chịu ngồi trên Cừ Dật Phu. Lâu Bổng nói:
- Anh ấy là cháu ngoại của chúng tôi . Còn ông là người cao tuổi hơn, ông phải ngồi trên mới được.
Cát Phủ vâng lời ngồi xuống. Cơm dọn ra, sau rồi đến những món ăn và rót rượu. Mọi người uống rượu. Hai công tử nói đến việc mình đã đến nhà Dương Chấp Trung hai lần, kể lại từ đầu đến cuối một lượt. Trâu Cát Phủ nói:
- Ông ta không biết việc đó đâu! Đó là vì mấy tháng nay tôi đi sang ở xóm đông, không về Tân thị trấn nữa cho nên không có ai đem việc ấy nói lại. Ông Dương hết sức trung hậu, không có ý làm thế để ẩn mình đâu! Ông ta thân mật với tất cả mọi người. Nếu ông ta biết hai công tử đến thăm, thì dù phải đi suốt đêm ông ta cũng lên để đáp lễ. Ngày mai, tôi về nói việc ấy với ông ta và sẽ cùng ông ta đến thăm hai công tử.
Lâu Toản nói:
- Ông cứ ở đây xem lễ rước đèn đã! Đến ngày rằm ông cùng với ông Cừ Dật Phu đi lên phố xem đèn rồi ngày mười bảy hay mười tám thì chúng ta sẽ thuê một chiếc thuyền đến nhà ông Dương chơi. Chúng ta đến nhà ông ta trước thì tốt hơn.
Cát Phủ nói:
- Như thế lại càng tốt!
Đêm ấy cơm rượu xong, hai công tử tiễn Cừ Dật Phu về Lỗ phủ và giữ Trâu Cát Phủ lại thư phòng để nghỉ. Ngày hôm sau là ngày rước đèn. Ở trước sảnh của Lâu phủ treo một cặp đèn lồng to tướng. Đó chính là đèn ở trong Vũ anh điện do Hy Tôn Hoàng Đế ban. Đèn này làm ở trong cung, xinh đẹp vô cùng. Trâu Cát Phủ bảo con là Trâu Nhị vào xem cho biết để cho trí não nó mở mang ra. Ngày mười bốn Trâu cho con về nhà trước và nói:
- Tao xem đèn xong sẽ cùng hai công tử về Tân thị trấn. Nhân tiện, ta sẽ về thăm chị mày. Đến ngày hai mươi, tao mới về nhà, mày cứ về trước đi!
Trâu Nhị vâng dạ bước ra. Buổi chiều ngày mười lăm, lúc Cừ Dật Phu đang ăn cơm với phu nhân và tiểu thư ở Lỗ phủ thì có thư ở Lâu phủ mời đến uống rượu rồi cùng ra phố xem đèn. Ở trước nha môn của phủ thái thú Hồ Châu treo một cái đèn lớn như hình con cá ngao đội một quả núi. Ngoài ra ở các miếu, hát xướng làm trò vui, tiếng trống, tiếng thanh la dậy đất. Con trai con gái kéo nhau ra đường xem và ngắm trăng nhộn nhịp suốt đêm.
Sáng hôm sau Trâu Cát Phủ nói với hai công tử xin phép về nhà con gái ở Tân thị trấn trước. Đến ngày mười tám, khi hai công tử về thì sẽ cùng theo đến nhà Dương Chấp Trung... Hai công từ bằng lòng để y về. Trâu Cát Phủ thuê thuyền đi Tân thị trấn. Ở đây con gái đón tiếp lạy chào và mời y uống rượu, ăn cơm.
Ngày mười tám, Trâu Cát Phủ nghĩ rằng mình phải đến nhà Dương Chấp Trung để đợi hai công tử ở đây. Nhưng y lại nghĩ bụng: ông Dương nghèo xác, nghèo xơ. Nếu hai công tử đến, thì làm sao mà tiếp đãi được? Bèn nói với con gái bắt một con gà, ra chợ mua ba cân thịt, một chai rượu và một ít rau. Lại mượn một chiếc thuyền của người láng giềng rồi tự mình chèo đến nhà Dương Chấp Trung. Y để thuyền ở bên bờ sông đi lên nhà Dương Chấp Trung. Gõ cửa, thấy Dương Chấp Trung đi ra, tay bưng một cái lư hương, đang ra sức lấy khăn chùi lư hương cho thật bóng. Thấy Trâu Cát Phủ, Dương vội vàng đặt cái lư xuống. Hai người chào nhau. Trâu Cát Phủ đem đồ ăn ở dưới thuyền lên. Dương Chấp Trung thấy thế giật mình kinh ngạc hỏi:
- Ôi chà, ông Trâu! Ông đem rượu thịt đến đây làm gì thế? Trước đây, tôi đã làm phiền ông nhiều quá rồi! Bây giờ ông lại còn làm như thế sao?
Trâu Cát Phủ nói:
- Này ông! Ông cứ cầm lấy, đây chẳng có gì. Cái này không phải là tôi đem đến để cho ông, mà chính là để tiếp hai người khách. Ông đem thịt và gà vào cho bà vợ, bảo bà ấy nấu cho ra trò rồi tôi sẽ nói cho ông biết hai người khách kia là ai.
Dương Chấp Trung đút hai tay vào ống tay áo mà cười:
- Ông Trâu ơi! Tôi có việc này muốn nói cho ông biết. Nguyên từ năm ngoái lúc tôi ở tù ra thì trong nhà chẳng còn có gì nữa. Thường ngày, tôi chỉ ăn một bữa cháo. Mãi đến tối ba mươi, anh chàng Uông chủ hiệu cầm đồ ở ngoài chợ nhớ đến cái lư hương của tôi mà ông ta thích mới đưa cho tôi hai mươi bốn lạng bạc để lấy cái lư hương ấy. Rõ ràng ông ta muốn nhân lúc tôi không có gạo ăn, không có củi nấu thì đến bắt bí. Tôi nói với ông ta: nếu ông muốn lấy cái lư này của tôi thì ông phải trả ba trăm lạng, thiếu một ly cũng không được. Tôi muốn cầm cái lư này cho ông trong vòng nửa năm cũng phải lấy một trăm lạng. Mấy lạng bạc của ông ta thì thật là không đủ tiền mua than đốt trong cái lư hương. Ông ta đem tiền về. Thế là đêm ấy chúng tôi không có gạo và củi. Tôi và nhà tôi phải thắp một cây nến rồi ngồi suốt đêm ôm cái lư hương này. Chúng tôi ăn tết như thế đấy!
Dương bèn bưng cái lư hương chỉ cho Trâu Cát Phủ mà rằng:
- Này ông xem! Màu của cái lư hương này thật là đẹp! Hôm nay vì không có cơm sáng tôi mới đem nó ra lau để cho khuây khỏa nỗi lòng. Không ngờ lại gặp được ông. Bây giờ chúng ta có rượu thịt, nhưng lại không có gạo!
Trâu Cát Phủ nói:
- Tưởng thế nào chứ cái đó thì khó khăn gì!
Bèn lấy hai đồng cân bạc trong gói tiền ở lưng ra đưa cho Dương Chấp Trung và nói:
- Này ông, mau mau nói với người nhà mua vài thăng gạo rồi chúng ta cùng ngồi nói chuyện cho vui.
Dương Chấp Trung nhận số tiền, bảo người bõ già ra chợ mua gạo. Một lát sau người bõ già đem gạo về đưa xuống bếp làm cơm.
Dương Chấp Trung đóng cửa, ngồi xuống hỏi:
- Hai vị quý khách đến đây là ai?
- Này ông! Sau việc bị liên lụy ở trong hiệu buôn muối ấy rồi thì ông làm sao mà ra khỏi tù?
- Thật ra tôi cũng không biết tại sao. Thấy quan phụ mẫu đột nhiên tha tôi ra, tôi có hỏi người ta. Người ta chỉ nói: có một ông họ Tấn bảo lĩnh cho tôi ra. Tôi suy nghĩ mãi vẫn không biết ông họ Tấn kia là ai hết. Ông có biết việc ấy như thế nào không?
- Làm gì có cái ông họ Tấn! Anh ta tên là Tấn Tước làm quản gia cho công tử Lâu Bổng ở Lâu Phủ. Hai công tử ở Lâu phủ nghe tiếng ông, khi họ đến thăm tôi. Lúc về phủ thì họ gửi đến bảy trăm lạng bạc và nhờ một người gia nhân là Tấn Tước làm bảo lĩnh, cho nên ông mới được tha. Sau khi ông trở về nhà, hai vị có đến đây hai lần thăm ông. Ông không biết họ hay sao?
Dương Chấp Trung giật mình, tỉnh ngộ nói:
- Phải rồi! Phải rồi! Việc đó người bõ già của tôi làm tôi hiểu lầm. Lần đầu tiên, khi đi xem đánh cá về thì bà ta nói với tôi rằng: có hai người nhà họ Liễu ở thị trấn đến thăm ông. Tôi tưởng đó là anh sai nhân họ Liễu trước đây đã bắt tôi nên tôi sợ không muốn gặp. Lần thứ hai, khi tôi trở về thì bà ta lại nói: cái ông họ Liễu kia hôm nay lại đến, nhưng tôi đã đuổi ông ta đi rồi. Tôi chỉ biết thế thôi. Bây giờ vỡ lẽ ra thì không phải là họ Liễu mà chính là họ Lâu! Tôi cứ tưởng là anh sai nhân ở nha môn chứ có biết đâu là người ở Lâu phủ.
- Còn người bị rắn độc cắn thì ba năm sau nằm chiêm bao thấy dây thừng cũng tưởng là rắn. Vì ông mắc kiện tụng hơn một năm nay nên hễ thấy người nào cũng ngờ ngợ là người sai nhân. Hôm mười hai tháng này, tôi lên Lâu phủ thăm, hai công tử có nhắc đến ông và rủ tôi hôm nay sẽ cùng đến đây. Sợ khi đến không chuẩn bị kịp, nên tôi đem một ít món ăn để cho ông đãi khách. Như thế được chứ?
- Nếu hai công tử đã thương như thế thì tôi phải lên phủ thăm mới phải. Tại sao lại làm phiền các vị phải đến đây?
- Các ông ấy đã bàn định như thế rồi, nhất định sẽ tới đây. Ông không cần phải đến đấy nữa.
Hai người nói chuyện một lúc, Dương Chấp Trung pha trà uống. Hai người đang uống trà thì có tiếng gõ cửa.
Trâu Cát Phủ nói:
- Hai công tử đến rồi mau ra mở cửa!
Cánh cửa vừa mở thì một chàng say rượu lảo đảo bước vào. Hắn ngã lăn lại lổm ngổm dậy, xoa lên đầu rồi chạy vào nhà. Dương Chấp Trung nhìn ra thì đó là đứa con thứ hai của mình tên là Dương Lão Lục, ở trên trấn về thua bạc, lại uống rượu say khướt, bò về nhà xin tiền mẹ để ra đánh bạc nữa. Dương Chấp Trung mắng:
- Đồ súc sinh! Mày đi đâu đấy! Mau ra mà chào ông Trâu.
Dương Lão Lục bước ra, chân đăm đá chân chiêu, vái chào rồi biến vào nhà bếp. Thấy trong nồi có thịt và gà mùi thơm phưng phức hắn thèm chảy nước dãi. Hắn lại thấy một nồi cơm trắng và một chai rượu nữa. Không cần hỏi xem những món ăn này ở đâu ra, hắn mở ngay vung định chụp lấy miếng thịt, mẹ hắn đậy vung lại. Dương Chấp Trung mắng:
- Thằng ăn hại này! Đồ ăn đây là của người ta để dành cho khách.
Nhưng đời nào hắn chịu nghe. Hắn say rượu bước lảo đảo chỉ cốt kiếm cái gì ăn. Nghe Dương Chấp Trung mắng, hắn mở to đôi mắt đục ngầu và mồm lẩm bẩm. Dương Chấp Trung giận quá, cầm cái que nhóm lửa đánh vào đầu và đuổi ra. Trâu Cát Phủ giữ hắn lại và nói:
- Rượu và đồ ăn đây là để dành cho các công tử ở Lâu phủ đấy.
Dương Lão Lục tuy là một thằng ngốc và say rượu, nhưng nghe nói đến Lâu phủ thì không dám làm bậy nữa. Mẹ hắn thấy hắn hơi tỉnh bèn đưa cho hắn một cái đùi gà và một bát cơm đầy lại chan cho ít nước canh. Ăn xong, hắn lăn xuống giường ngủ một giấc. Đến mãi xế chiều hai công tử mới tới, cả Cừ Dật Phu cùng đi. Trâu Cát Phủ và Dương Chấp Trung cùng ra đón và mời vào cái nhà khách nhỏ. Trong ấy có sáu cái ghế bằng trúc, ở giữa có một cái bàn trên tường treo một bức viết bản “Chu Tử trị gia cách ngôn”(6). Ở hai bên có một đôi câu đối bằng giấy, trên viết: “Ba gian nhà xiêu xuôi, đổ ngược; một anh chàng hát bắc, đàn nam”(7).
Ở trên tường lại dán một tờ thiếp báo hỷ viết: “Mừng ông Dương tên là Doãn đã được tuyển làm thầy học ở huyện Truật Dương, phủ Hoài An...” Mấy người chưa xem xong tờ thiếp báo hỷ thì Dương Chấp Trung đã đến mời ngồi. Tự mình bưng khay trà lên để mời các vị khách.
Uống trà xong, hai bên đều tỏ lời nghe tiếng nhau đã lâu. Lâu Bổng chỉ tờ báo hỷ nói:
- Tin này đã lâu hay mới đây?
- Cách đây đã ba năm, trước khi xảy ra vụ kiện. Trước đây tôi may mắn làm một người lẫm sinh(8). Nhưng sau thi hương mười sáu, mười bảy lần không đỗ. Khi tôi già, được bổ làm giáo học. Tôi thấy làm giáo học thì phải trình báo, phải luồn cúi quan trên mà sống lưng tôi lại quá cứng không làm được việc đó. Cho nên tôi cáo bệnh không đi. Tôi phải khó khăn lắm mới xin được giấy chứng nhận của quan địa phương nói rằng tôi mắc bệnh. Tôi chưa từ quan được bao lâu thì xảy ra việc kia. Bây giờ tôi nghĩ lại, đi Truật Dương còn hơn vì không mắc cái vạ tù tội. Không có hai công tử nhìn đến cảnh phàm trần, vén tay cứu giúp thì tôi đã mọt xương trong tù rồi. Ơn đức ấy biết ngày nào báo đáp được!
Lâu Bổng nói:
- Nói làm gì cái việc vặt ấy, ông không nên bận tâm. Thấy ông từ quan, tôi cảm phục ông là người phẩm cách cao thượng.
Lâu Toản nói:
- Bạn bè với nhau thì tiền tài tiêu chung. Việc đó không cần nhắc đến. Rất tiếc là khi chúng tôi biết thì đã quá chậm, không thể giúp sớm hơn, cho nên trong lòng cũng không an.
Dương Chấp Trung nghe vậy lại càng kính trọng. Dương lại ngồi nói chuyện hàn huyên với Cừ Dật Phu.
Trâu Cát Phủ nói:
- Hai công tử và ông Cừ ở xa đến chắc là đói.
Dương Chấp Trung nói:
- Cơm làm xong, xin mời các vị vào nhà sau ăn.
Dương Chấp Trung mời mấy người vào một gian nhà tranh ở đằng sau, làm như một cái thư phòng nhỏ. Trước mặt là một cái sân có vài cây mai đã nở hoa. Trong thư phòng, trên tường đầy cả thơ và tranh. Ở giữa có một đôi câu đối viết:
“Ngửi vài đóa hàn mai trước cửa,
mặc ta nghiêng ngửa mà chơi;
Vin một cành tiên quế trong trăng,
nhường người nhởn nhơ mà múa”.
Hai người xem xong khen ngợi không ngớt, cảm thấy như mình đang phiêu diêu trong chốn Bồng Lai.
Dương Chấp Trung bưng thịt gà, thịt lợn, cơm rượu ra. Họ uống mấy chén rượu rồi dùng cơm. Ăn cơm xong họ uống trà rồi bắt đầu nói chuyện một cách thoải mái. Dương Chấp Trung kể lại chuyện bà bõ già điếc báo lầm. Tất cả mọi người đều cười vang. Hai công tử mời Dương Chấp Trung đến nhà ở mấy hôm. Dương Chấp Trung nói:
- Năm mới tôi còn ít việc vặt, xin đến hai ba ngày sau tôi sẽ lên hầu thăm và uống rượu như người xưa uống rượu suốt mười ngày ở nhà Bình Nguyên Quân(9).
Họ nói chuyện mãi đến khi trời tối, ánh trăng hiện lên chiếu vào cửa sổ, những cành mai trước mặt đẹp như một bức tranh. Hai người lưu luyến ra đi không dứt. Dương Chấp Trung nói:
- Tôi muốn mời hai vị ở lại nhà nhưng sợ nơi thôn quê chật hẹp, các vị ở lại không tiện.
Rồi Dương nắm tay hai công tử đạp ánh trăng mà đi, tiễn hai công tử và Cừ Dật Phu đến tận thuyền, rồi cùng Trâu Cát Phủ quay về.
Hai công tử và Cừ Dật Phu vừa về đến nhà thì người giữ cổng chạy vào báo:
- Nhà cụ Lỗ có việc gấp, mời ông Cừ về ngay! Cụ Lỗ phái người đến đây ba lần rồi!
Cừ Dật Phu vội vàng về nhà vào hầu Lỗ phu nhân. Thấy phu nhân nói: Lỗ Biên Tu thấy chàng rể không lo lắng đến việc thi cử cho nên trong lòng buồn bực và định lấy thiếp để có được đứa con trai sau này đỗ tiến sĩ nối dõi thư hương. Khi Lỗ phu nhân can rằng ông tuổi đã già và tìm cách ngăn cản thì ông nổi giận. Hôm qua ông ngã một cái, người bán than bất toại, mặt và miệng đều méo xệch. Tiểu thư ở bên cạnh, nước mắt giàn giụa, chỉ biết thở thân. Cừ Dật Phu không biết làm thế nào vội vàng chạy vào thư phòng thăm hỏi. Thấy Trần Hòa Phủ đang bắt mạch. Bắt mạch xong Trần Hòa Phủ nói:
- Mạch ông yếu lắm. Phổi làm chủ việc thở mà hơi thở yếu, là do mắc chứng đờm. Đó là vì ông về hưu, thân tuy ở nơi giang hồ, nhưng lòng còn lưu luyến chốn kinh đô, lo buồn, bực tức quá sức nên sinh ra bệnh này. Cách trị tốt nhất là làm cho thuận khí và tiêu đờm. Tôi thấy gần đây các ông thầy thuốc cứ sợ vị bán hạ táo nên hễ gặp chứng đờm thì dùng vị bối mẫu. Như thế không ăn thua. Ông mắc chứng này nên dùng “tứ quân tử” “gia nhị trần”(10) uống nóng trước khi ăn cơm. Chỉ dùng vài ba thang làm cho thận khí điều hòa, hư hỏa không quấy nhiễu là bệnh giảm.
Trần Hòa Phủ bèn viết đơn thuốc, Lỗ uống liền bốn năm thang miệng không méo nữa, nhưng cuống lưỡi vẫn còn sưng. Trần Hòa Phủ lại bắt mạch, thay đổi phương thuốc, gia thêm mấy vị khử phong dần dần thấy có hiệu quả.
Cừ Dật Phu mười ngày liền ở bên giường chăm sóc thuốc thang không có lúc nào rảnh. Một hôm, nhân lúc Lỗ Biên Tu ngủ, Cừ Dật Phu lẻn lên Lâu phủ. Bước vào thư phòng thì thấy Dương Chấp Trung ở trong nói chuyện ồn ào. Cừ biết người khách của hai ông cậu đã đến. Y bước vào chào Dương Chấp Trung và ngồi xuống. Dương Chấp Trung nói:
- Tôi vừa nói, hai công tử thật là trọng người hiền. Tôi thì không đáng kể vào đâu. Nhưng tôi có một người bạn ở trong núi thuộc huyện Tiêu Sơn. Ông ta thật là một tay có tài kinh bang tế thế, từ xưa đến nay không hề có. Thật là nếu ở ẩn thì làm nhà nho chân chính, nếu ra đời có thể làm tổ phụ triều đình. Hai công tử có muốn gặp ông ta không?
Hai người kinh ngạc hỏi:
- Ở đâu có vị cao nhân kia?
Dương Chấp Trung giơ ngón tay ra nói đến tên người ấy.
Nhân phen này làm cho:
Phủ tướng công mời khách, nhóm thêm nhiều vị anh tài;
đất danh thắng hội hè, lảng hết bao nhiêu chí khí.
Muốn biết Dương Chấp Trung nói đến người nào, hãy xem hồi sau phân giải.


(1) Các đoạn văn ở trong kinh nghĩa.
(2) Những nhà văn bát cổ nổi tiếng triều Minh.
(3) Lỗ Biên Tu và Lỗ tiểu thư đều cho khoa cử là cái thước đo duy nhất về giá trị con người.
(4) Bài thơ nổi tiếng của Khuất Nguyên.
(5) Bách gia: danh từ chung để chỉ các nhà tư tưởng đời Xuân Thu, Chiến quốc như Lão Tử, Trang Tử, Hàn Phi, Tuân Khanh,v.v...
(6) Những câu cách ngôn của Chu Hy để trị gia
(7) Vênh vang không hợp thời
(8) Học sinh có học bổng
(9) Đã chú thích ở hồi mười
(10) Tên một thang thuốc trong y học Trung Quốc. Cách chữa bệnh theo Trung y là bệnh gì, nên uống thuốc gì, gia giảm thế nào, đó là kỹ thuật chuyên môn của các thầy thuốc. Thang tứ quân tử gồm có sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo và thêm hai vị trần bì, bán hạ nữa.
NHO LÂM NGOẠI SỬ
LỜI GIỚI THIỆU
Hồi 1
Hồi 2
Hồi 3
Hồi 4
Hồi 5
Hồi 6
Hồi 7
Hồi 8
Hồi 9
Hồi 10
Hồi 11
Hồi 12
Hồi 13
Hồi 14
Hồi 15
Hồi 16
Hồi 17
Hồi 18
Hồi 19
Hồi 20
Hồi 21
Hồi 22
Hồi 23
Hồi 24
Hồi 25
Hồi 26
Hồi 27
Hồi 28
Hồi 29
Hồi 30
Hồi 31
Hồi 32
Hồi 33
Hồi 34
Hồi 35
Hồi 36
Hồi 37
Hồi 38
Hồi 39
Hồi 40
Hồi 41
Hồi 42
Hồi 43
Hồi 44
Hồi 45
Hồi 46
Hồi 47
Hồi 48
Hồi 49
Hồi 50
Hồi 51
Hồi 52
Hồi 53
Hồi 54
Hồi 55
PHỤ LỤC