watch sexy videos at nza-vids!
Truyện NHO LÂM NGOẠI SỬ-Hồi 20 - tác giả Ngô Kính Tử Ngô Kính Tử

Ngô Kính Tử

Hồi 20

Tác giả: Ngô Kính Tử

Khuông Siêu Nhân nhìn thấy tờ công văn thì mặt tái ngắt thật là:
Đầu như bị vỡ làm hai mảnh Nước lạnh tê người giội buốt xương.
Tuy ngoài miệng không nói ra, nhưng Khuông đã nghĩ thầm trong bụng: ta đã phạm vào hai tội trong những tội kể ở đây. Nếu nó bị lục vấn, hỏi kỹ đầu đuôi, thì ta làm thế nào
Ngay đó Khuông Siêu Nhân và Cảnh Lan Giang từ biệt người kia rồi đi ra đường. Cảnh Lan Giang cũng từ biệt Khuông trở về nhà.
Khuông về nhà băn khoăn một đêm, không sao ngủ được... Vợ hỏi vì sao, Khuông không dám nói thực, mà chỉ nói:
- Ta nay đỗ cống sinh, cần phải lên kinh để làm quan. Mình ở nhà một mình thật không tiện. Ta phải đưa mình về Lạc Thanh cùng ở với mẹ ta để ta có thể lên kinh nhậm chức. Nếu công việc xong xuôi, ta sẽ cho người đưa mình lên.
Vợ nói:
- Mình cứ đi làm quan. Em sẽ ở đây, mời mẹ về nữa cho có bạn. Chứ bây giờ mình bảo em về quê thì em có quen công việc nhà quê đâu, về làm sao được?
- Mình thật không hiểu cái gì cả. Khi ta ở đây thì còn kiếm ra đồng tiền; chứ khi nào ta đi rồi mình làm sao mà sống? Thầy ở bên ấy sinh sống cũng chật vật còn có tiền đâu mà nuôi mình được? Vả chăng, ta không thể nào đưa mình đến đấy được. Ở đấy chật chội. Mình phải nhớ rằng nay ta đã làm quan thì mình tức là một vị phu nhân. Mình ở đấy thì con ra thể thống gì. Thôi, mình cứ về nhà mẹ ta mà ở. Bây giờ ta cho thuê lại cái nhà này lấy bốn mươi lạng. Ta lấy một ít làm lộ phí lên kinh. Còn bao nhiêu mình cứ đem về gửi ở hiệu buôn của anh ta. Mỗi tháng lấy ra một ít mà tiêu. Ở nhà ta cái gì cũng rẻ. Ngày nào mình cũng có thể ăn gà, cá, thịt, vịt. Có gì là trở ngại đâu?
Vợ hai ba lần từ chối không chịu về làng. Thấy chồng cứ thúc bách suốt ngày, mỗi lần một gấp, vợ bèn vùng vằng la khóc om sòm. Khuông không cần vợ đi hay không, cứ chờ người hàng sách cho thuê cái nhà và đem tiền về. Vợ cũng vẫn khăng khăng không chịu. Khuông nhờ ông gia và bà gia đến khuyên vợ, nhưng bà gia cũng không nghe. Riêng ông gia thấy chàng rể sẽ làm quan nên chẳng hiểu đầu đuôi, mắng con gái một trận cho là không biết tíá gì. Vợ Khuông không biết làm thế nào đành phải chịu. Khuông thuê một chiếc thuyền, đem tất cả đồ đạc trong nhà lên thuyền nhờ anh vợ đưa vợ về nhà. Lại viết một bức thư cho anh ruột nói rằng vợ mình sẽ đem vốn bỏ vào hiệu buôn để có thể hàng ngày lấy ra một ít mà chi dùng. Ngày ra đi, vợ khóc lóc thảm thiết, bái biệt cha mẹ xuống thuyền.
Khuông Siêu Nhân cũng thu thập hành lý lên kinh ra mắt cụ Lý làm cấp sự trung. Cụ Lý mừng rỡ. Khi hỏi, thấy Khuông đã có lương lại được chọn vào hạng cống sinh bậc ưu vào thái học nên lại càng vui mừng hớn hở. Lý nói:
- Triều đình sắp mở khoa thi lấy người làm giáo tập(1) ta đang lo việc ấy. Chắc chắn thế nào anh cũng đỗ. Anh hãy đem hành lý đến đây ở với ta vài hôm.
Khuông Siêu Nhân vâng dạ mang hành lý sang.
Vài ngày sau, Lý hỏi Khuông Siêu Nhân xem y đã có vợ chưa. Khuông nghĩ thầm: thầy ta là vị quan to, nếu mình nói rằng ông gia của mình là một sai nhân ở nha môn quan tuần vũ thì sợ thầy sẽ khinh và cười mình.
Khuông trả lời:
- Con chưa vợ.
- Tuổi anh đã lớn mà vẫn chưa vợ! Như thế là chậm rồi đấy để ta kiếm cho một đám.
Chiều hôm sau, Lý sai một quản gia già vào thư phòng nói với Khuông:
- Cụ lớn có lời thưa với ông! Hôm qua, ông nói rằng chưa có phu nhân. Cụ có một cô cháu ngoại gọi cụ bằng cậu, cụ lớn bà nuôi nấng ân cần từ thuở nhỏ, năm nay tuổi mới mười chín, tài mạo tuyệt vời. Cô ta hiện nay ở đây và cụ lớn muốn gọi gả cho ông. Bao nhiêu tiền phí tổn về việc cưới xin cụ lớn sẽ lo liệu hết, ông không phải bận tâm gì cả. Cụ lớn sai con đến để hỏi ý kiến ông.
Nghe xong, Khuông Siêu Nhân giật mình đánh thót một cái. Trong bụng nghĩ muốn thưa lại rằng mình đã có vợ. Nhưng như thế thì lại trái với lời vừa nói hôm qua, Khuông cũng muốn bằng lòng đi, nhưng lại sợ trở ngại. Đột nhiên nghĩ đến: có một vở tuồng về Thái trạng nguyên đã có vợ rồi lại lấy thêm con quan tể tướng họ Ngưu. Người ta xưa nay vẫn cho đó là một câu chuyện lý thú. Vậy có gì là không được? Khuông liền bằng lòng.
Lý mừng lắm vào bàn với phu nhân chọn ngày lành tháng tốt, treo đèn kết hoa, cho cô cháu gái một số của hồi môn vài trăm lạng và gả cho Khuông Siêu Nhân. Đến ngày ấy, trống chiêng inh ỏi, Khuông đội mũ sa tròn, mang đai vàng, đi giày đen ra lạy quan cấp sự trung và phu nhân. Tiếng nhạc nhẹ nhàng đưa vào động phòng. Khi cất cái khăn che mặt vợ ra, Khuông thấy vợ mình, tức là Tân tiểu thư, nhan sắc nhạn sa cá lặn, trăng thẹn hoa nhường. Không những người đẹp mà đồ cưới lại chỉnh tề, thật là mọi vẻ mọi ưa. Bây giờ Khuông bàng hoàng như người nhìn thấy nàng tiên ở giao đài, nàng Hằng Nga từ trên vầng trăng bay xuống, hồn bay phơi phới ra ngoài chín từng mây.
Từ đấy, Khuông sống cuộc đời gấm vóc rèm châu, vui sướng với người vợ mới, hưởng phúc trời luôn mấy tháng ròng.
Không ngờ, sau khi thi đỗ giáo tập, Khuông phải về tỉnh để lấy giấy chứng nhận. Khuông Siêu Nhân không biết làm sao, đành gạt nước mắt từ biệt Tân tiểu thư trở về Chiết Giang. Về đến thành phố Hàng Châu, công việc đầu tiên là đến thăm nhà ông gia cũ họ Trịnh. Nhưng vừa vào nhà thì Khuông rất đỗi ngạc nhiên vì ông gia hai mắt khóc đỏ ngầu. Người anh của Khuông là Khuông Đại đang ngồi đấy, còn bên cạnh là bà gia đang kêu trời gào đất. Khuông bối rối vái chào ông gia, và hỏi anh:
- Anh đến đây bao giờ? Tại sao thầy mẹ đều khóc như thế?
Khuông Đại nói:
- Hãy đem hành lý vào đã, rửa mặt uống trà rồi anh nói cho mà nghe.
Khuông rửa mặt xong đi vào chào bà gia. Nhưng bà ta đập bàn, đập ghế vừa khóc vừa nhiếc:
- Mọi tai họa đều là do mày gây ra hết cả! Con tao mềm mại, xinh đẹp như thế, mày đem giết nó đi!
Khuông bấy giờ mới hiểu rằng người vợ họ Trịnh của mình đã chết. Y vội vàng chạy ra nhà ngoài hỏi anh. Khuông Đại nói:
- Từ khi chú đi rồi, thím về nhà. Thím là người rất tốt nên mẹ rất yêu rất thích. Nhưng thím vốn là người tỉnh thành không quen công việc nhà quê. Thấy mẹ và chị làm việc, thím cũng không muốn ngồi không, không muốn mẹ và chị phải chăm sóc đến mình. Vì thế mà nghĩ ngợi nhiều quá và ho ra máu. May nhờ mẹ còn mạnh, săn sóc thím được. Nhưng chính vì vậy, thím lại càng áy náy. Sức khỏe mỗi ngày một kém, trong làng lại không có thầy thuốc ra hồn, cho nên mắc bệnh chưa đầy một trăm ngày thì mất. Anh vừa đến đây. Ông Trịnh bà Trịnh nghe tin liền khóc.
Khuông nghe xong cầm nước mắt không được, bèn hỏi:
- Việc chôn cất như thế nào?
- Thím mất đi, nhà không còn một đồng tiền. Anh cũng không lấy ra được đồng nào ở hiệu buôn. Mà dù có lấy ra thì cũng không sao lo liệu được đủ. Không biết làm thế nào, đành phải lấy áo quần, quan tài để dành cho mẹ mà chôn cất cho thím.
- Như thế cũng được.
- Khâm liệm rồi, nhà không có chỗ để, đành phải để tạm ở sau miếu đợi chú về. Nay chú về đây thật vừa gặp dịp. Chú mau mau thu xếp hành lý cùng anh về nhà.
- Bây giờ chưa đến lúc chôn cất. Hiện nay em còn mấy lạng bạc. Anh đem về xây thêm hai tầng gạch xung quanh quan tài cho nhà em, xây cho nó chắc chắn để có thể chịu được vài năm. Như lời ông gia của em vừa nói, nhà em bây giờ là phu nhân rồi, anh về nhà thuê người vẽ cho một bức hình mũ phượng, áo thêu. Đến ngày giỗ, anh bảo con gái em thắp hương để cho linh hồn nhà em cũng ngậm cười nơi chín suối. Ngày trước khi em về nhà, em có may cho mẹ một cái áo thêu. Nếu có bà con thân thích đến nhà thì bảo mẹ mặc áo ấy để tỏ rằng mình không phải như là người ta. Còn anh ở nhà thì cũng bảo người ta gọi bằng “ông”. Bất kỳ việc gì thì cũng phải giữ lấy thể thống, không có thể tự hạ thấp mình được. Em rồi sẽ nhận chức. Lúc ấy sẽ mời anh chị cùng lên hưởng phú quí vinh hoa.
Khuông Đại nghe thấy nói thế mày quáng mắt hoa gần như muốn ngất đi và hứa làm đúng như lời em trai dặn. Buổi tối, nhà ông Trịnh lo cơm rượu cho Khuông Siêu Nhân và Siêu Đại ngủ ở đây. Hôm sau, y đi mua ít đồ vặt và đưa ra mười lạng bạc cho anh đem về nhà.
Ba bốn ngày sau, Cảnh Lan Giang và ông Tưởng giữ việc hình ở huyện đến thăm Khuông. Thấy nhà ông Trịnh chật chội, họ muốn mời Khuông đến một quán trà. Bây giờ Khuông Siêu Nhân không còn là chàng Khuông ngày xưa nữa. Tuy ngoài miệng không nói ra, nhưng trong ý thì Khuông không chịu đến quán trà.
Cảnh Lan Giang đoán biết ý ấy nói:
- Khuông tiên sinh ở đây đợi lấy giấy chứng nhận rồi đi làm quan, bây giờ mời tiên sinh đến một tiệm trà thì sợ không tiện. Riêng tôi, tôi muốn mời tiên sinh ăn một bữa tiệc. Bây giờ chúng ta cùng nhau đến một tửu lâu. Như thế nó đàng hoàng hơn.
Cảnh Lan Giang liền mời hai người cùng đến một tửu lâu.
Rót rượu xong, Cảnh Lan Giang hỏi:
- Thưa tiên sinh, chức giáo tập tiên sinh làm có thể đi thẳng lên quan không?
- Sao lại không? Xuất thân như thế này là đi theo đường thẳng. Chức giáo tập là để dạy con cái những nhà quyền quý.
- Nó có như các chức dạy học bình thường khác không?
- Như sao được! Như sao được! Trường học của tôi như nơi nha môn vậy, có công đường, son, mực, bút, nghiên đàng hoàng bày ra! Mỗi buổi sáng, tôi lên ghế ngồi. Học sinh đem bài đến thì tôi chỉ chấm một chấm son vào đấy cho họ đi. Học sinh đều là hạng tập ấm, tối thiểu là con các quan tam phẩm trở lên và nếu bổ ra làm quan là làm tổng đốc, tuần vũ, đề đốc, trấn thủ cả. Nhưng họ đều phải lạy chào trước mặt tôi. Cứ xem như ông thầy của tôi thì biết, ông ta làm Tế Tửu Quốc tử giám. Ông ta là con quan tể tướng hiện tại. Quan tể tướng lại là thái lão sư của tôi. Hôm trước thái lão sư có bệnh, tất cả triều đình đến hỏi thăm sức khỏe nhưng ngài không tiếp ai, ngài chỉ có gọi tôi đến ngồi trên giường bệnh nói chuyện một lúc rồi ra.
Nghe Khuông nói xong, Tưởng dần dần đứng lên:
- Ông Phan Tam hiện nay còn bị giam giữ. Hôm trước ông ta hai lần nói với tôi rằng nghe tin ông trở về, ông ta muốn gặp một chút để trình bày tình cảnh khổ cực của mình. Không biết ý ông như thế nào?
- Ông Pham Tam là một người “hào kiệt”. Trước kia khi ông ta chưa bị tội, mỗi lần mời chúng tôi đến tửu điếm là ít nhất ông ta cũng gọi đem lên hai con vịt, đó là không kể bao nhiêu thịt dê, thịt lợn, thịt gà, cá. Chứ cứ cái thứ đồ ăn ở đây thì ông ta không có thèm ăn đâu! Tiếc thay bây giờ ông ta mắc nạn! Tôi cũng muốn đến nhà giam thăm ông ta một chút nhưng bây giờ tôi không còn như lúc còn học trò. Mình đã làm việc cho triều đình thì phải tuân theo sự thưởng phạt của triều đình. Nếu như đến đó mà thăm thì việc thưởng phạt hóa ra không minh.
Tưởng nói: - Ông không phải là quan ở đây và ông chỉ đến đấy thăm một người bạn, có cái gì là trở ngại đến việc thưởng phạt không minh đâu?
- Tôi nói như thế này thì thật là không tiện. Nhưng đã là tri kỷ với nhau thì tôi cũng không giấu giếm gì. Những việc anh Phan làm nếu như tôi là quan địa phương ở đây thì tôi cũng phải bắt giam. Đằng này tôi lại đi vào nhà giam để thăm anh ta. Thế có phải tôi cho rằng việc xử lý của triều đình là không đúng không? Như thế không phải là đạo của kẻ làm tôi. Vả chăng, tất cả nha môn ở đây đều biết rằng tôi về đây để lấy giấy chứng nhận. Nếu tôi lại đi vào thăm thì việc này đến tai các quan trên của tôi. Thế là cái thanh danh quan trường của tôi bị “nhơ nhuốc” đi. Như thế thì còn làm việc sao được. Nhờ ông Tưởng chịu khó nói lại với anh Phan Tam để anh ta hiểu nỗi lòng tôi. Chuyến này nếu như tôi may mắn được bổ đến nơi nào tốt, thì một năm, năm sáu tháng tôi sẽ gửi cho anh mấy trăm lạng bạc để tiêu dùng.
Hai người thấy y đã nhất quyết như vậy rồi, không còn cách nào nói lại nữa. Øn xong, mọi người ra về. Tưởng về nhà giam đem câu chuyện kể lại cho Phan Tam.
Nhận được giấy chứng nhận, Khuông thu thập hành lý xuống thuyền, thuê một chỗ nằm ở trong khoang để đi Dương Châu. Y xuống thuyền ở bến Đoạn Hà. Khuông xuống thuyền, thấy trong khoang có hai người, một người già, mặc áo tơ, thắt dây lưng tơ, đi giày đỏ. Một người vào trạc trung niên mặc áo màu lam, giày đen đế trắng. Hai người đều đội mũ vuông. Khuông thấy họ đều là hạng áo mũ, bèn vái chào và cùng ngồi. Hỏi họ tên thì người già nói:
- Tôi họ Ngưu, tự là Bố Y.
Khuông Siêu Nhân đã nghe Cảnh Lan Giang nói đến tên Ngưu Bố Y nên nói:
- Tôi mong gặp ngài đã lâu.
Lại hỏi đến người kia. Ngưu Bố Y nói: - Vị này họ Phùng tự là Trác Am, là vị tân khoa vừa đỗ ở tỉnh nay lên kinh thi hội.
Khuông Siêu Nhân hỏi:
- Ngưu tiên sinh cũng lên kinh sao?
- Không. Tôi chỉ đến huyện Vu Hồ ở bên sông thăm mấy người bạn. Ông Phùng với tôi là bạn, ngẫu nhiên gặp nhau trên thuyền. Đến Dương Châu thì tôi từ biệt thuê thuyền về Nam Kinh xuống mãi Trường Giang. Tiên sinh ở đâu, quý tính là gì và hiện nay đi đâu?
Khuông Siêu Nhân nói rõ họ tên, Phùng Trác Am nói:
- À! Thế ra tiên sinh là một nhà làm văn tuyển ở Chiết Giang! Tôi đã được xem qua mấy bộ sách hay của tiên sinh.
Khuông Siêu Nhân nói:
- Tôi cũng có một ít tiếng tăm trong làng văn. Năm, sáu năm nay, khi tôi đến Hàng Châu, tôi có làm những tuyển tập những bài thi, của những người thi cử nhân, tiến sĩ và của những người có danh tiếng. Tôi có soạn “Tứ thư giảng
thoại”, “Ngũ Kinh giảng thư”, “Cổ Văn tuyển bản”. Theo con số tôi tính, tôi đã soạn chín mươi lăm quyển tất cả. Sách nào in ra cũng bán đến vạn quyển. Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Thiểm Tây, Bắc Trực, các khách hàng tranh nhau mua, chỉ sợ không có mà xem. Năm ngoái có một quyển đã in đi in lại tới ba lần. Không giấu gì hai vị, những người đọc sách trong năm tỉnh này rất kính trọng tôi. Họ đều đốt hương thắp đèn ở án sách gọi tôi là “tiên nho(2) Khuông Tử".
Ngưu Bố Y nói:
- Có lẽ ông nói lầm! Gọi “tiên nho” thì phải là người đã qua đời rồi. Nay tiên sinh còn sống đấy tại sao lại gọi như thế?
Khuông Siêu Nhân đỏ mặt nói:
- Không phải! Nói “tiên nho” cũng như là nói tiên sinh đấy thôi!
Ngưu Bố Y thấy thế cũng không buồn tranh luận với hắn nữa.
Phùng Trác Am nói:
- Có ông Mã Thuần Thượng cũng làm văn tuyển. Ông cho ông ấy như thế nào?
Khuông Siêu Nhân nói:
- Ông ta là bạn thân của tôi đấy? Ông Mã thì thông thạo “lý pháp” nhưng thiếu sót về tài năng cho nên sách in ra bán không chạy lắm. Cái việc bán chạy là việc quan trọng nhất. Nếu bán không chạy, hiệu sách lỗ vốn. Còn tuyển tập của tôi thì ở ngoại quốc cũng đều có cơ?
Nói chuyện mấy ngày, thuyền đã đến Dương Châu. Khuông Siêu Nhân, Phùng Trác Am đổi sang thuyền ở Hoài An đi Vương Gia Dinh rồi đi lên kinh.
Ngưu Bố Y một mình thuê thuyền xuống Trường Giang, qua Nam Kinh đến Vu Hồ, rồi tìm một cái am nhỏ ở Phù Kiều để ở. Am này gọi là Cam Lộ. Trước cửa có ba gian. Gian giữa thờ Vi Đà Bồ Tát. Gian bên trái khóa chặt, để củi, rơm. Gian bên phải thông ra một cái sân rộng, đi vào trong là ba gian điện thờ. Sau điện thờ có hai gian phòng. Một gian là nơi hòa thượng già ở. Một gian là phòng khách. Ngưu Bố Y ở đây. Ban ngày, Ngưu Bố Y đi thăm bè bạn. Đến tối về, thắp một đĩa đèn dầu ngâm thơ, đọc từ. Hòa thượng thấy Ngưu có một mình, thường thường pha trà đưa vào phòng cùng ngồi nói chuyện mãi đến canh một, canh hai. Gặp lúc trăng trong, gió mát, hai người cùng ra ngồi ngoài sân nói chuyện xưa rất là tương đắc. Không ngờ một hôm, Ngưu Bố Y mắc bệnh. Mời thầy thuốc đến. Ngưu uống liền mấy mươi chén, bệnh cũng không bớt. Hôm ấy Ngưu mời hòa thượng vào ngồi bên giường và nói:
- Tôi là người khách xa nhà ngàn dặm. Hiện nay ở đây, nhờ ơn sư phụ chăm sóc. Tôi cũng không ngờ lại đau yếu như thế này. Tôi liệu tôi không sống được nữa. Tôi không có con cái gì, chỉ có một người vợ tuổi đã ngoài bốn mươi. Người bạn cùng tôi hôm trước đến đây, nay đã lên kinh thi hội. Như vậy sư phụ là người cốt nhục, chí thân của tôi. Ở trong hòm tôi có sáu lạng bạc. Nếu tôi chết đi, phiền sư cụ mua cho tôi một cái quan tài. Còn mấy bộ áo quần vải thô đó thì xin sư phụ bán đi cho. Nhờ mấy vị hòa thượng đọc cho tôi một quyển kinh, tụng kinh siêu độ cho tôi để tôi có thể lên trời. Nhờ sư phụ tìm cho một miếng đất đặt linh cữu tôi ở đấy và ở đàng đầu viết cho mấy chữ: “Ông Ngưu Bố Y đời Minh.” Đừng đốt xác tôi đi. Nếu sau này cố hương, thân thích đem xác tôi về nhà được mà chôn thì tôi ở dưới chín suối cũng là cảm kích cái ơn của sư phụ.
Hòa thượng nghe vậy hai dòng nước mắt rơi lã chã, nói:
- Xin cư sĩ cứ an tâm. Nói việc dữ nhưng sẽ được việc lành. Nếu cư sĩ có mệnh hệ gì, già này xin lo liệu chu tất.
Ngưu Bố Y gượng dậy lấy ở dưới chiếu lên hai quyển sách đưa cho hòa thượng và nói:
- Hai quyển sách này là gồm những lời thơ tôi sinh bình vẫn làm. Nó không đáng giá là bao, nhưng trong đời tôi chơi với ai thì đều có thơ ở đấy cả. Tôi cũng không muốn nó mai một đi, cho nên tôi giao lại sư phụ. Sau này nếu có ai truyền bá nó giúp tôi thì tôi chết cũng được nhắm mắt.
Hòa thượng hai tay đỡ lấy quyển sách. Thấy Ngưu hơi thở yếu hẳn, đang hấp hối, hòa thượng vội vàng chạy vào phòng mình nấu một ít nước long nhãn và hạt sen, đem đến cạnh giường vực Ngưu dậy để cho ăn. Nhưng Ngưu không ăn được nữa. Ngưu cố gắng húp hai húp rồi quay đầu vào tường như cũ. Đến tối cơn đờm lên, Ngưu khò khè một hồi rồi tắt thở. Hòa thượng khóc nức nở.
Bấy giờ là ngày mồng ba tháng tám năm Gia Tĩnh thứ chín(3). Trời còn nóng, hòa thượng vội vàng lấy tiền mua một cái quan tài, thay y phục cho Ngưu, nhờ mấy người láng giềng quanh am, mỗi người một tay giúp việc khâm liệm ở trong phòng. Trong lúc bận rộn, hòa thượng còn đi vào phòng mình lấy ra bộ áo cà sa để mặc và đem mõ đến trước linh cữu tụng niệm. Khâm liệm xong hòa thượng nghĩ: Bây giờ tìm đâu ra chỗ đất không? Chi bằng kéo củi, rơm ra khỏi cái gian phòng kia và để quan tài vào đấy.
Hòa thượng đem việc ấy ra bàn với mấy người láng giềng rồi cởi cà sa, cùng những người hàng xóm dọn cơm, củi vào sân trong và đặt linh cữu vào gian phòng bên trái. Hòa thượng lại lấy một cái bàn đặt lư hương trước bàn thờ khóc nức nở.
Sau đó hòa thượng mời mọi người ra ngồi ngoài sân và nấu nước chè cho mọi người uống. Hòa thượng lại còn nấu cháo, mang đến vài chục cân rượu, miến, đậu phụ, rau, nhờ những người hàng xóm nấu hộ. Khi đã bày biện xong đâu vào đấy, hòa thượng rót rượu trước linh cữu Ngưu Bố Y, lạy mấy lạy và mang các món ăn ra ngoài sân cho khách ăn. Hòa thượng nói:
- Ông Ngưu là người xa lạ. Ông ta đã mất ở đây, chẳng để lại cái gì. Bần tăng chỉ có độc một mình không sao lo liệu tất cả được. A di đà phật! Làm các vị bận mất một ngày tròn! Bần tăng là người tu hành thành chẳng có thức nhắm, món ăn gì ra hồn! Chỉ có một chén rượu và mấy đĩa rau mời các vị xơi. Xin các vị nghĩ đến việc thiện, còn có gì sơ suất thì bỏ quá đi cho.
Mọi người nói: - Chúng tôi đều là láng giềng lân cận cả thôi. Bổn phận chúng tôi là phải giúp sư phụ. Chúng tôi đã làm sư phụ mất tiền mà chưa giúp được gì nên rất là áy náy. Sao sư phụ lại nói như vậy?
Sau khi đã ăn cháo, uống rượu và ăn mấy đĩa thức ăn xong, mọi người ra về. Mấy ngày sau, hòa thượng mời tám vị tăng ở chùa Cát Tường đến tụng kinh sám hối cho Ngưu Bố Y một ngày. Từ đấy về sau, sáng và chiều mỗi ngày hòa thượng tụng kinh, lúc mở hay đóng cửa am, bao giờ hòa thượng cũng đến trước linh cữu Ngưu Bố Y mà thắp hương rót rượu và gạt nước mắt vái.
Hôm ấy vào lúc tối, hòa thượng tụng kinh xong định ra đóng cửa thì thấy một người thiếu niên trạc độ mười sáu, mười bảy tuổi, tay phải cầm một quyển sổ nợ, tay trái cầm một quyển sách đến ngồi dưới chân Vi Đà Bồ Tát đọc sách dưới ánh sáng của đèn lưu ly. Hòa thượng cũng không hỏi, để y đọc đến canh hai rồi ra về. Hòa thượng ra đóng cửa và đi nghỉ. Đến ngày hôm sau y lại đến đọc. Cứ như thế bốn năm ngày liền. Hòa thượng ngạc nhiên lắm, thấy y đến cửa bèn hỏi:
- Này con! Con là con nhà ai? Tại sao tối nào cũng đến đây đọc sách?
Người thiếu niên cúi đầu vái chào “Lão sư phụ”, hai tay để ở trước ngực, nói họ tên của mình.
Nhân phen này khiến cho
lập tâm làm danh sĩ có chí thì thành sự là thường;
vô ý sửa nhà, vườn, sáng nghiệp mà thủ thành thì khó..
Muốn biết người thiếu niên kia tên họ là gì, xin xem hồi sau phân giải.

---------------
(1) Chức tương đương với giáo sư.
(2) Tiên nho: nghĩa đen là nhà nho có danh tiếng đã qua đời như Chu Tử, Trình Tử. ”Tử" chỉ những học giả có danh vọng lớn như Khổng Tử, Mạnh Tử. Khuông Siêu Nhân ăn nói khoe khoang cho nên biến thành lố bịch, buồn cười.
(3) Năm 1530.
NHO LÂM NGOẠI SỬ
LỜI GIỚI THIỆU
Hồi 1
Hồi 2
Hồi 3
Hồi 4
Hồi 5
Hồi 6
Hồi 7
Hồi 8
Hồi 9
Hồi 10
Hồi 11
Hồi 12
Hồi 13
Hồi 14
Hồi 15
Hồi 16
Hồi 17
Hồi 18
Hồi 19
Hồi 20
Hồi 21
Hồi 22
Hồi 23
Hồi 24
Hồi 25
Hồi 26
Hồi 27
Hồi 28
Hồi 29
Hồi 30
Hồi 31
Hồi 32
Hồi 33
Hồi 34
Hồi 35
Hồi 36
Hồi 37
Hồi 38
Hồi 39
Hồi 40
Hồi 41
Hồi 42
Hồi 43
Hồi 44
Hồi 45
Hồi 46
Hồi 47
Hồi 48
Hồi 49
Hồi 50
Hồi 51
Hồi 52
Hồi 53
Hồi 54
Hồi 55
PHỤ LỤC