watch sexy videos at nza-vids!
Truyện NHO LÂM NGOẠI SỬ-Hồi 3 - tác giả Ngô Kính Tử Ngô Kính Tử

Ngô Kính Tử

Hồi 3

Tác giả: Ngô Kính Tử

Nói về Chu Tiến ở tỉnh muốn đi xem trường thi, Kim Hữu Dư thấy Chu háo hức, nên bỏ ra ít tiền để cùng Chu đi xem. Không ngờ mở cửa nhìn thấy bàn số một, Chu đã ngã lăn ra chết ngất, mọi người hoảng hốt, cho là Chu mắc bệnh gì. Người chủ ngôi hàng nói:
- Chắc nơi này đã lâu không có ai đến, âm khí nặng nề, cho nên ông Chu ngộ cảm.
Kim Hữu Dư nói:
- Tôi dựng ông ta dậy, còn ông thì lại nói với mấy người thợ xin ít nước nóng mà đổ cho ông ta.
Người này đi lấy nước lại. Ba bốn người cùng dựng Chu dậy, đổ nước vào miệng, nước chảy vào cổ ồng ộc. Chu oẹ ra nước miếng. Mọi người nói:
- Tốt lắm!
Nhưng khi dựng Chu dậy, Chu Tiến thấy cái bàn thì lại đập đầu vào bàn. Lần này thì không chết, chỉ khóc rống lên thôi. Không ai khuyên giải được.
Kim Hữu Dư nói:
- Cậu điên sao? Chúng ta đi đến đây mà xem cho tiêu khiển, ở nhà cậu không ai chết cả, làm gì mà khóc lóc thảm thiết thế?
Chu Tiến vẫn không chịu nghe, cứ đập đầu vào bàn mà khóc mãi. Hết khóc ở phòng thứ nhất, lại khóc ở phòng thứ hai, thứ ba, nằm lăn ra đất, khóc lăn khóc lóc, làm cho tất cả mọi người cũng phải ngậm ngùi.
Kim Hữu Dư thấy sự việc không hay, cùng người chủ ngôi hàng, mỗi người mỗi bên, kéo Chu dậy. Nhưng Chu không chịu dậy, cứ khóc đày khóc đọa, lần này lượt khác, đến nỗi khạc ra máu. Mọi người vội vàng mang Chu ra một tiệm trà ở trước trường thi và rót trà cho Chu uống. Chu vẫn còn đầy nước mắt, nước mũi, xem rất thương tâm.
Trong bọn có một người hỏi:
- Không hiểu ông Chu trong làng uất ức việc gì mà đến nỗi khóc lóc thảm thương như vậy?
Kim Hữu Dư nói:
- Các vị không biết, cậu tôi đây vốn không phải là dân buôn, ông ta học hành khó nhọc mấy mươi năm nay, mà tú tài cũng không đỗ. Hôm nay nhìn cảnh trường thi, mới đâm ra thương cảm như thế.
Nghe lời nói đúng nỗi lòng mình, Chu Tiến khóc oà. Một người khách nói:
- Xét ra lỗi ở ông Kim cả! Ông chu đã là văn nhân, thì đưa ông ta vào đây làm gì, để đến nông nỗi này.
Kim Hữu Dư nói:
- Chỉ vì ông ta nghèo xác nghèo xơ, không nơi dạy học. Thật không còn cách gì sống nữa.
Một người khách khác nói:
- Xem vậy thì ông Chu là người học rộng tài cao. Chỉ vì không có ai biết đến, cho nên mới đến nông nỗi này.
Kim Hữu Dư nói:
- Ông ta có tài nhưng ông ta không gặp vận.
Người khách kia nói:
- Hễ là sinh viên quốc tử giám, thì có thể vào trường. Ông Chu đã là người tài như thế, tại sao không mua cho ông chức sinh viên quốc tử giám? Nếu thi đỗ thì thật là thỏa mãn cái tâm sự hôm nay.
Kim Hữu Dư nói:
- Tôi cũng nghĩ thế, nhưng tiền đào đâu ra?
Bây giờ Chu Tiến thôi khóc. Người khách kia nói:
- Khó gì việc đó! Bây giờ chúng mình mỗi người cứ bỏ ra vài chục lạng giúp ông Chu nộp tiền vào trường. Nếu ông ta thi đỗ làm quan thì mấy lạng bạc của chúng mình có nghĩa lí gì. Còn nếu ông Chu không trả được thì bọn mình cũng xem như là món tiền tiêu hoang chứ gì? Hơn nữa, đây lại là việc tốt. Không biết các ông nghĩ thế nào?
Mọi người đều nói: - “Quân tử thành nhân chi mỹ” thấy nghĩa mà không làm là không có gan. Chúng ta có ngại gì! Chỉ sợ ông Chu không chịu nhận thôi.
Chu Tiến nói: - Nếu quả thật vậy thì thật là ơn trùng sinh như cha mẹ, Chu Tiến này xin đền ơn trâu ngựa.
Nói rồi quỳ xuống, cúi gục đầu lạy. Mọi người đáp lễ. Kim Hữu Dư cũng cảm ơn mọi người, uống xong mấy chén trà, Chu Tiến bây giờ không khóc nữa. Mọi người vừa nói vừa cười cùng nhau trở về.
Hôm sau quả nhiên bốn người khách mang đến hai trăm lạng bạc giao cho Kim Hữu Dư. Còn tiền phí tổn ngoài thì do Kim Hữu Dư lo liệu tất cả. Chu Tiến cảm tạ mọi người và Kim Hữu Dư. Người chủ ngôi hàng thay mặt Chu Tiến dọn một bữa rượu, mời mọi người. Kim Hữu Dư đem tiền đến nộp kho ở tỉnh. May mắn thay lại là lúc thi bổ sung ở tỉnh. Chu Tiến thi, và quyển của Chu đứng đầu. Ngày mồng tám tháng tám, Chu lên trường thi thấy đúng nơi mình khóc trước đây, trong người vui sướng vô cùng.
Người xưa có câu: “Gặp việc vui thì trong lòng đâm sáng suốt”. Chu viết cả bảy bài như hoa như gấm. Ra khỏi trường, Chu lại thăm các bạn hàng. Kim Hữu Dư và mấy người khác còn mua bán chưa xong. Khi treo bảng, Chu đỗ cao. Mọi người đều vui mừng cùng nhau đến huyện Vấn Thương vái chào quan huyện và quan huấn. Các nha lại đều cầm tờ thiếp đến mừng. Người huyện Vấn Thương dù không bà con gì cũng đến nhận là bà con, không quen biết cũng nhận là quen biết, bận rộn hết một tháng. Thân Tường Phủ nghe tin ấy cùng người làng Tiết mua bốn con gà, năm mươi quả trứng gà và ít gạo bánh tự mình đem lên huyện để mừng. Chu Tiến giữ lại ăn cơm uống rượu. Cố nhiên, cụ Tuân cũng đến mừng. Còn việc thi hội, tiền đi đường, tiền ăn mặc, tất cả đều có Kim Hữu Dư lo liệu. Lên kinh thi hội, lại đỗ tiến sĩ, đệ tam giáp làm thuộc quan ở bộ. Được ba năm thì thăng lên chức Ngự sử, và khâm mạng ra làm học đạo ở tỉnh Quảng Đông.
Chu ra làm học đạo, mặc dầu cũng có mời những người chấm bài hộ, Chu vẫn nghĩ bụng: “Ta đã khổ cực nhiều về cái việc này rồi. Nay ta có quyền, ta phải xem các quyển thi thật kĩ để không cho bọn nó bỏ mất những chân tài”. Đã có chú ý như vậy, y đến Quảng Châu nhậm chức. Hôm sau, thi hai trường. Trường đệ tam là để cho học sinh Nam Hải, Phiên Ngung. Chu học đạo ngồi trên công đường nhìn thí sinh tấp nập đi vào. Có người nhỏ, có người già, có người bộ dạng đoan chính, có người xấu xí, có người áo mũ đẹp, có người rách rưới. Người đi sau cùng, mặt vàng, mình võ, râu lốm đốm bạc, đầu đội một cái mũ lông chiên đã rách. Tuy Quảng Đông là nơi khí trời ấm áp, nhưng bấy giờ là thượng tuần tháng chạp mà người thí sinh này còn mang áo vải to, cho nên rét run cầm cập. Sau khi nhận quyển thi, y trở về lều.
Chu học đạo ghi nhớ việc đó, rồi niêm phong cửa các phòng thi lại. Khi thí sinh ra nộp bài, Chu thấy người thí sinh mặc áo gai kia đến nộp quyển, vì áo quần cũ quá, nên thấy áo rách mấy chỗ. Chu nhìn lại thấy mình áo gấm đai vàng thật là rực rỡ. Chu bèn lật sổ danh sách hỏi thí sinh:
- Anh là Phạm Tiến phải không? - Thưa đúng con ạ.
- Năm nay anh bao nhiêu tuổi?
- Tuổi trong sổ thi ba mươi, nhưng thực thì năm mươi tư tuổi.
- Anh thi mấy lần? - Con thi từ năm hai mươi, đến nay là hai mươi lần. - Tại sao mãi không đỗ?
- Vì con văn chương kém cỏi, cho nên không vị giám khảo nào để ý.
- Cái đó chưa chắc! Ta sẽ xem kĩ quyển anh.
Phạm Tiến cúi đầu đi ra.
Lúc bấy giờ còn sớm, chưa có thí sinh nào nộp quyển. Chu học đạo để ý xem quyển của Phạm Tiến một lượt. Lòng không vui, nói:
- Văn chương thế này thảo nào thi không đỗ!
Rồi để ra một bên không xem nữa. Lại ngồi một lúc không có ai đến nộp quyển. Trong lòng lại nghĩ: “Tại sao ta không xem lại quyển của Phạm Tiến xem sao? Nếu có cái gì khá thì ta cũng cho đỗ để thưởng cái chí của anh ta”. Lại xem một lượt nữa từ đầu chí cuối. Lần này thấy có vài ý hay. Toan xem lại thì có một thí sinh đến nộp quyển.
Thí sinh này quỳ mà nói:
- Xin cụ cho con thi khẩu vấn.
Chu học đạo nói:
- Văn chương của anh đây cả rồi, thi khẩu vấn làm gì?
- Con thi, từ, ca, phủ đều biết, xin cụ ra đề thi.
Chu học đạo biến sắc mặt nói:
- Ngày nay thiên tử trọng văn chương, người học Hán, Đường làm gì? Là thí sinh như anh chỉ nên ra sức học văn chương. Còn các việc nhảm thì học làm gì! Ta đến đây để chấm văn, không để nói chuyện “tạp học” với các anh. Xem anh chỉ hám danh mà không vụ thực, như thế thì việc chính của anh nhất định bỏ. Bài anh toàn là nói nhảm không thể xem được. Tả hữu đâu? Đưa anh ta ra!
Y vừa nạt xong, hai bên hai người thầy tớ chạy ra như lang như sói nắm lấy thí sinh kia lôi thẳng ra ngoài cổng trường.
Tuy đã đuổi y ra rồi, Chu Tiến cũng xem qua quyển thi thì thấy y tên là Ngụy Hiếu Cổ, văn chương cũng thông thông. Chu nghĩ: “Cho nó đỗ thấp nhất cũng được đây”. Bèn cầm bút chấm một cái ở quyển thi để nhớ. Lại cầm quyển của Phạm Tiến ra xem, xem xong ngậm ngùi mà rằng:
- Văn chương này xem một lần thì không hiểu nổi, xem đến hai ba lần thì mới hiểu. Quả thật là văn chương đại tài trong thiên hạ. Quả là mỗi chữ là một hòn ngọc! Mới hay các quan chấm thi hồ đồ đã bỏ mất nhiều bậc anh tài!
Bèn cầm lấy bút khuyên lấy khuyên để, ở đầu quyển lại khuyên thêm ba khuyên nữa và cho đỗ đầu. Rồi cầm quyển của Ngụy Hiếu Cổ ra cho đứng thứ hai mươi. Xong đó xếp các quyển lại để mang đi. Đến khi treo bảng, Phạm Tiến đỗ đầu. Phạm yết kiến quan giám khảo, lại được tán dương một trận. Gọi đến tên thứ hai mươi thì Ngụy Hiếu Cổ vào. Chu lại khuyến khích mấy câu: “Đã để tâm vào cử nghiệp thì phải thôi không đọc sách nhảm”.
Hôm sau Chu Tiến lên kinh, Phạm Tiến một mình đi tiễn hơn ba mươi dặm. Chu học đạo gọi đến mà nói:
- Đầu bảng rồng sẽ về tay người lão thành. Ta xem văn chương anh vững vàng, nhất định là đỗ khoa này, khi phục mệnh xong ta đợi anh ở kinh.
Phạm Tiến lại cúi đầu bái tạ. Lúc đứng dậy thì thấy kiệu của Chu học đạo đã đi rồi. Phạm Tiến nhìn cho đến khi cờ xí đi qua núi khuất mắt không trông thấy nữa, mới trở về tính toán với chủ trọ. Nhà Phạm cách đây bốn mươi lăm dặm. Ngay đêm ấy Phạm trở về vái chào mẹ. Nhà Phạm là một cái nhà tranh có cái dại chống lên, ngoài cửa là một cái lều. Mẹ Phạm ở nhà giữa, vợ con ở ngoài mái hiên. Vợ Phạm là con gái ông lão hàng thịt họ Hồ ở trong làng.
Phạm Tiến thi đỗ về nhà, mẹ và vợ đều mừng rỡ. Đang nấu cơm thì ông già họ Hồ hàng thịt đến, tay cầm một mớ lòng và một bình rượu.
Phạm Tiến vái chào. Ngồi xong, lão hàng thịt nói:
- Ta không may gả con gái của ta cho cái thứ đói rạc như anh mấy năm nay không biết tốn bao nhiêu tiền bạc của ta. Lần này nhờ phúc đức ta anh mới thi đỗ. Vì thế ta mang rượu đến mừng đây.
Phạm Tiến vâng vâng, dạ dạ, gọi vợ đem lòng đi luộc và hâm rượu. Hai người ngồi trong lều cỏ. Bà mẹ và con dâu xuống bếp làm cơm. Lão hàng thịt lại dặn rể:
- Nay anh thi đỗ rồi, việc gì cũng phải cho ra thể ra thống đấy! Gặp người như hạng ta là hạng danh giá lại là bực cha chú, thì không làm bộ với ta làm gì. Chứ gặp cái thứ cày ruộng gánh phân, cái thứ bách tính ngu dốt kia mà anh cứ khúm khúm núm núm như thế, cứ xem bằng vai bằng vế với mình thì hỏng mất hết cả quy củ nhà trường, làm cho ta cũng mất luôn thể diện. Tính anh dễ dãi, thế nào cũng xong, nên ta phải dặn dò anh để người ta khỏi chê cười:
- Thầy nói thế là phải lắm.
Lão hàng thịt lại nói:
- Để bà cụ cùng ăn cho vui. Tội nghiệp! Bà cụ ngày nào cũng ăn có độc rau, kể cũng đáng buồn. Để con gái ta cùng ăn nữa! Từ khi nó về nhà anh, mười mấy năm nay, không biết nó đã được ăn mỡ lợn vài ba lần chưa? Thật tội nghiệp! Thật tội nghiệp!
Nói xong hai mẹ con đều lên ngồi ăn. Ăn đến khi trời xế bóng, lão hàng thịt ta ngà ngà say. Bây giờ hai mẹ con cảm tạ rối rít. Lão hàng thịt phủi áo, bê cái bụng phệ đi ra.
Hôm sau, Phạm Tiến thăm bà con. Ngụy Hiếu Cổ lại hẹn với các bạn cùng đi lại thăm lẫn nhau. Năm ấy lại là năm thi ở tỉnh nên có nhiều hội bình văn. Chẳng bao lâu tháng Sáu đã hết, các bạn đồng khoa rủ Phạm Tiến cùng đi thi hương. Phạm Tiến không có tiền đi đường chạy đến bàn với ông gia. Lão hàng thịt nhổ vào mặt Phạm, mắng cho một trận:
- Thôi! Không nên mất thì giờ nữa. Vừa mới thi đỗ tú tài anh đã như “con cóc muốn ăn thịt ngỗng trời”. Tôi nghe người ta nói anh đỗ không phải nhờ văn hay. Ông giám khảo thấy anh già thương tình cho anh đỗ thôi. Thế mà anh còn muốn thi đỗ cử nhân nữa kia! Anh có biết những người đỗ cử nhân đều là “Sao văn khúc” trên trời cả không? Không thấy gia đình họ Trương trên tỉnh sao? Họ đều nhà giàu ức vạn, mặt vuông tai lớn. Chứ cái thứ môi trề và cằm khỉ như anh sao không đái vào bùn mà soi thử xem sao? Như thế mà lại còn đòi “ăn cứt ngỗng trời” à? Thôi đi! Sang năm tôi tìm cho anh một chỗ dạy trẻ, mỗi năm vài lạng bạc đủ nuôi mụ vợ với bà mẹ đang chết dở là được rồi! Anh còn muốn tiền tôi à! Tôi mỗi ngày giết một con lợn chẳng được mấy đồng tiền, bây giờ vứt tiền cho anh ném xuống nước thì cả nhà tôi trẻ già lấy gì mà sống!
Y cứ chửi luôn miệng, làm Phạm Tiến hoảng sợ. Phạm Tiến ra về nghĩ bụng:
- Thầy ta nói văn chương đã chín. Xưa nay có ai không thi lại đỗ bao giờ. Ta không thi thì chịu sao được!
Phạm bàn bạc với mấy người bạn nhờ giúp mình tiền và đi thẳng lên tỉnh thi, không cho ông gia biết. Thi xong, Phạm trở về thì cả nhà hai ba ngày đói lăn đói lóc. Lão hàng thịt lại mắng cho một trận.
Ngày treo bảng, trong nhà không có gạo bữa sáng. Bà mẹ nói với Phạm Tiến:
- Còn có một con gà mái mẹ đấy! Mày ra chợ bán đi mua ít gạo nấu cháo mà ăn. Tao đói mờ mắt rồi.
Phạm Tiến vội ôm gà ra cổng. Vừa mới đi được vài giờ đã nghe thanh la vang rầm, ba con ngựa chạy đến, ba người nhảy xuống ngựa, buộc ngựa ở cái lều cỏ, kêu to lên:
- Mời ông Phạm ra, ông đỗ cao, chúng tôi đến mừng đây.
Bà mẹ không biết chuyện gì, nép mình trong nhà. Khi nghe rõ rằng con mình đã đỗ rồi, mới thò đầu ra nói:
- Mời các vị ngồi, con tôi vừa mới đi ra ngoài vắng.
Mấy người báo tin nói:
- À thế ra bà cụ cố.
Mọi người chạy đến xin tiền mừng. Vừa lúc đang nói chuyện ồn ào, lại thấy mấy con ngựa nữa đến. Người báo tin lần thứ hai, lần thứ ba đến, cùng nhau vào nhà. Trong nhà đầy cả người. Xóm giềng đến chen nhau xem. Bà mẹ không biết làm sao liền nhờ một người chạy đi tìm con.
Người hàng xóm kia chạy như bay ra chợ nhưng không thấy Phạm đâu cả. Chạy thẳng đến phía đông chợ, thấy Phạm Tiến đang ôm gà, nhìn ngang nhìn ngửa xem có ai mua không:
- Ông Phạm! Về ngay đi! May quá ông đỗ cử nhân rồi! Người báo hỉ đến đầy cả nhà rồi!
Phạm Tiến nghe gọi đến mình cho là đùa, giả vờ không biết, cúi đầu đi thẳng. Người hàng xóm thấy y không để ý gì, chạy lại toan giật con gà ở trong tay.
Phạm Tiến nói:
- Ông không mua lại giật gà tôi làm gì?
Người hàng xóm nói:
- Ông đỗ rồi. Tôi gọi ông về nhà để tiếp người báo hỉ.
Phạm Tiến nói:
- Ông ơi, ông biết cho rằng hôm nay tôi không có gạo, bây giờ phải bán con gà này để mà sống! Ông đừng quấy rầy nữa! Tôi không đùa với ông đâu! Ông về thôi! Đừng làm tôi không bán được gà!
Người hàng xóm thấy y không tin bèn giành lấy gà ném xuống đất, lôi y về nhà.
Người báo tin thấy Phạm Tiến bèn nói:
- May quá! Ông tân khoa đây rồi.
Họ chen đến báo với Phạm. Phạm đi thẳng vào nhà, thấy tờ báo thiếp đã treo lên trên viết: “Mừng ông Phạm huý là Tiến đã thi đỗ thứ bảy trường thi tỉnh Quảng Đông. Chúc ông lên kinh thi đỗ hoàng giáp”.
Phạm Tiến không thấy thì thôi, chứ đã nhìn thì đọc đi đọc lại rồi vỗ tay reo:
- Hay, hay quá! Ta đỗ rồi.
Nói xong y ngã lăn ra đằng sau bất tỉnh, hai răng nghiến chặt. Bà cụ hoảng hốt vội đem nước đến đổ. Y bò dậy vỗ tay reo:
- Hay! Hay thật! Ta đỗ rồi!
Rồi chạy ra ngoài làm cho mọi người đến báo hỉ hoảng hồn. Y chạy ra khỏi nhà một quãng thì trượt chân, lăn tòm xuống một cái ao. Y lại bò lên đầu tóc rối bù, hai tay bùn be bét, cả mình ướt át. Không ai giữ y được nữa, y vừa vỗ tay vừa cười, chạy thẳng ra đầu xóm. Mọi người nhìn ngơ ngác đều nói:
- Ông tân khoa mừng quá hóa điên!
Bà cụ nói:
- Làm sao lại ra thế này, hỡi trời! Đỗ được cử nhân lại mắc phải bệnh điên thế này, thì bao giờ mới khỏi!
Vợ là Hồ thị nói:
- Sáng vừa mới đi, sao giờ lại mắc bệnh như thế này! Mọi người khuyên giải:
- Bà cụ không nên hoảng sợ, nay chúng tôi sẽ cho hai người đi theo ông Phạm. Còn gà, trứng, rượu, gạo, người ta mang đến đây, thì đem ra đãi những người báo tin đi, rồi ta bàn tính sau.
Lúc bấy giờ, hàng xóm người đem trứng gà, người đem rượu, người thì mang vài đấu gạo đến. Có người mang hai con gà.
Vợ Phạm Tiến vừa khóc vừa than, đem tất cả vào bếp.
Láng giềng kéo bàn ghế đến, mời những người báo tin uống rượu. Họ bàn bạc:
- Ông ta điên rồi! Bây giờ làm thế nào?
Một người nói;
- Tôi có cách này không biết có làm được không? Mọi người hỏi:
- Cách gì?
Người báo tin nói:
- Phải có một người mà ông Phạm thường sợ nhất mới làm được. Chỉ vì ông ta vui mừng quá, đờm nó rước lên, làm cho ngất đi. Cần có người mà ông ta sợ đến tát một cái mà nói với ông ta: “Lời báo tin ấy là lừa mày đó, mày không đỗ đâu”. Ông ta nghe thế thì sợ hãi, sẽ nôn oẹ đờm ra, và như thế là sẽ tỉnh.
Mọi người đều vỗ tay nói:
- Cách đó hay! Rất hay! Người ông Phạm sợ nhất thì không ai bằng ông Hồ hàng thịt. Tốt lắm! Gọi ngay ông ta! Có lẽ ông ta chưa biết đâu, vì đang bận bán thịt ở chợ.
Lại có người nói:
- Nếu ông ta bán thịt ngoài chợ thì ông ta đã biết rồi. Từ canh năm ông ta đi xóm đông mua lợn, đến giờ chưa về. Mau mau chạy đi tìm.
Một người chạy biến đi tìm. Chạy được nửa đường thì lão hàng thịt về. Đằng sau có một người giúp việc mang bảy tám cân thịt, bốn năm ngàn đồng đến mừng. Đến cửa gặp bà cụ. Bà cụ vừa khóc vừa kể lại câu chuyện. Lão hàng thịt nói:
- Không có lẽ vô phúc thế.
Bên ngoài có người mời y ra. Y giao tiền và thịt cho con gái và chạy ra. Mọi người đem việc ấy ra bàn. Y cho là khó và nói:
- Mặc dầu ông ta là rể của tôi. Nhưng giờ ông ta đỗ cử nhân, thì đã là “sao trên trời” rồi. Tát ngôi “sao trên trời” làm sao được? Tôi nghe nói tát ngôi sao trên trời thì bị Diêm Vương đánh một trăm gậy sắt rồi giam ở dưới địa ngục tầng thứ mười tám, không bao giờ được hóa kiếp thành người nữa. Tôi không dám làm việc ấy đâu!
Một người hàng xóm mỉa mai nói khoé:
- Thôi đi ông! Ngày nào ông cũng vác dao giết lợn. Dao đâm vào thì trắng, rút ra thì đỏ. Diêm Vương đã bảo phán quan ghi không biết mấy nghìn gậy sắt rồi. Bây giờ có thêm một trăm gậy nữa cũng chẳng vào đâu? Chỉ sợ đánh gẫy hết gậy của Diêm Vương cũng chưa hết tội. Nhưng bây giờ ông cứu được ông rể quý thì có lẽ Diêm Vương sẽ tính công cho ông và kéo lên địa ngục tầng thứ mười bảy cũng chưa biết chừng?
Những người báo hỉ nói:
- Thôi đừng đùa dai nữa. Này ông! Việc phải làm như vậy đấy! Gặp lúc biến thì phải tòng quyền chứ!
Bị mọi người thúc quá lão hàng thịt đành phải nghe.
Y uống liền hai chén tống rượu để cho có gan. Bao nhiêu lo lắng mất hết, cái bộ mặt hung ác hàng ngày lộ ra, y xắn ống tay áo đầy cả mỡ và chạy ra đầu xóm. Năm sáu người chạy theo. Bà cụ chạy ra cửa nói:
- Ông ơi! Dọa thôi nhé! Chớ đánh nó đau đấy.
Hàng xóm nói:
- Đã đánh! Dặn làm quái gì!
Nói xong cũng chạy theo.
Lão hàng thịt ta ra đầu xóm thấy Phạm Tiến đang ngồi trước cửa miếu, đầu bù tóc rối, mặt be bét những bùn, giày mất đâu một chiếc, đang vỗ tay reo:
- Đỗ rồi! Đỗ rồi!
Lão hàng thịt ta chạy xổ đến như vị hung thần nói:
- Thằng súc sinh này! Mày đỗ cái gì?
Và tát vào mặt một cái. Hàng xóm nhìn nhịn cười không được.
Không ngờ lão hàng thịt tuy làm liều tát một cái nhưng đã đâm sợ rồi, bàn tay run lật bật, không dám tát cái nữa. Phạm Tiến thì bị một cái tát hết hồn, ngất đi, lăn quay ra đất. Hàng xóm chạy đến xoa lưng, bóp bụng hồi lâu mới thở và tỉnh lại. Mắt y dần dần sáng ra và y không điên nữa. Mọi người vực dậy, mượn cái ghế của ông thầy thuốc “gù lưng” làm thuốc ngoại khoa cho y ngồi. Lão hàng thịt ngồi một bên. Không ngờ bàn tay đau nhức không sao nắm lại được. Y sợ hãi nghĩ thầm: “Quả không thể tát sao ”văn khúc" trên trời thực. Nay đức phật trị mình đây."
Nghĩ thế lại càng đau thêm, bèn chạy vào nhà thầy lang lấy cao để dán.
Phạm Tiến thấy mọi người, hỏi:
- Tại sao tôi lại ở đây? Suốt nửa ngày nay tôi mê mê mẩn mẩn như người trong mộng.
Hàng xóm nói:
- Ông nghe tin đỗ cao, mừng quá, đờm nó mới bốc lên. Hồi nãy vừa oẹ đờm ra mới khỏi đấy. Thôi mời ông về nhà để cho những người báo hỉ họ đi.
Phạm Tiến nói:
- Phải. Tôi cũng nhớ rằng tôi đỗ thứ bảy.
Phạm Tiến một mặt vấn lại tóc, một mặt mượn ông lang một thau nước để rửa mặt. Một người hàng xóm đã tìm ra chiếc giày và xỏ vào chân y. Phạm Tiến thấy ông gia đến, sợ lại đến để mắng mình. Nhưng lão hàng thịt nói:
- Hiền tế ơi, không phải tôi cả gan làm thế đâu. Đó là bà cụ bảo tôi làm để giúp đấy thôi.
Một người hàng xóm nói:
- Ông ta mới “tát yêu” một cái thôi. Chốc nữa ông Phạm rửa mặt chắc phải rửa ra đến nửa chậu mỡ đấy!
Một người nói:
- Này ông! Cái tay kia thì mai không giết lợn được nữa đâu!
- Tao còn giết lợn làm quái gì nữa. Rể tao không nuôi được nửa đời tao sướng sao? Tao thường nói, ông rể của tao tài cao học rộng, lại đẹp trai hơn cả ông Trương, ông Chu. Trên thị trấn chẳng có anh nào mặt mày sánh kịp! Các anh không biết đấy, nói vô phép với các anh, chứ ta có cặp mắt tinh đời, biết người hay kẻ dở. Nhớ năm trước đây, con gái ta đã hơn ba mươi tuổi, có nhiều người nhà giàu muốn kết bạn. Nhưng ta thấy con gái ta mặt mày có phúc khí, thế nào cũng làm bà quan, hôm nay hóa ra đúng!
Nói xong cười khanh khách. Mọi người cũng cười theo. Phạm Tiến rửa mặt xong, ông lang lại bưng trà ra uống, rồi mọi người về nhà. Phạm Tiến đi trước, lão hàng thịt và hàng xóm đi sau. Ông ta thấy áo quần rể đằng sau lấm be bét, nhăn nhúm, bèn cúi xuống vuốt đi vuốt lại cho rể hàng mấy chục lượt.
Về đến nhà, lão hàng thịt nói to:
- Quan đã về rồi!
Bà cụ chạy ra đón, thấy con không điên nữa, vui mừng vô cùng. Hỏi đến mấy người báo hỉ thì bà cụ nói bà đã biếu họ mấy ngàn đồng tiền của lão hàng thịt đem đến và họ đã đi rồi. Phạm Tiến vái chào mẹ, lại vái chào ông gia. Lão hàng thịt hai ba lần từ chối nói:
- Số tiền có là bao! Không đủ cho ông thưởng người ta!
Phạm Tiến lại cảm ơn hàng xóm. Đang ngồi nói chuyện thì thấy một người quản gia sang trọng tay cầm một cái thiếp đỏ lớn chạy vào báo:
- Ông Trương đến chào ông tân khoa họ Phạm.
Nói xong, kiệu đã đến cổng. Lão hàng thịt vội vàng chạy xuống phòng con gái không dám ra. Hàng xóm cũng đều về hết.
Phạm Tiến ra cửa đón khách. Trương xuống kiệu, đầu đội mũ sa, mặc áo cổ tròn màu hoa quỳ, mang đai vàng, giày đen. Hắn xuất thân là cử nhân, đã làm tri huyện, biệt hiệu là Tĩnh Trai. Phạm Tiến mời vào trong nhà, hai người cúi đầu chào nhau rồi cùng ngồi ngang hàng theo địa vị chủ khách. Trương nói:
- Tiên sinh là người cùng huyện, nhưng xưa nay chưa có dịp quen.
Phạm Tiến nói:
- Vãn sinh mấy lâu hâm mộ tiên sinh, chỉ vì không có dịp gặp gỡ.
- Tôi xem danh sách những người thi đỗ. Phòng sư của ông là ông Thang, Tri huyện Cao Yếu, tức là học trò của tổ phụ tôi. Vì vậy ông là anh em thân thiết với tôi.
- Vãn sinh may mắn mà đỗ được, thực lấy làm hổ thẹn. Nhưng rất hân hạnh được làm môn sinh lão tiên sinh.
Trương nhìn bốn phía nói:
- Tiên sinh quả thực “gia thế thanh bần”.
Bèn lấy ở người tùy tòng ra một gói bạc mà nói:
- Đệ không có gì để tỏ lòng kính trọng, nay có năm mươi lạng bạc, xin tiên sinh tạm nhận. Cái nhà này thực ra không đủ ở, sau này còn khách khứa, coi rất không tiện. Đệ có một cái nhà ở đường lớn cửa Đông, nhà làm kiểu chữ “tam”, tuy không được cao rộng nhưng cũng sạch sẽ, mời tiên sinh đến đấy để tiện sớm hôm thỉnh giáo.
Phạm Tiến hai ba lần từ chối. Trương lại cứ nài ép, nói:
- Chúng ta thân với nhau như anh em ruột thịt. Tiên sinh làm thế cho như tôi là người xa lạ.
Phạm Tiến mới nhận bạc bái tạ. Nói chuyện một lát, khách ra về. Lão hàng thịt đợi Trương đã lên kiệu xong mới ra nhà khách.
Phạm Tiến giao bạc cho vợ mở xem, toàn là bạc trắng xóa có dấu ấn rõ ràng, bèn gói hai đĩnh và mời ông hàng thịt họ Hồ ra:
- Khi nãy thầy có lòng đem năm ngàn đồng tiền đến. Đây có sáu lạng bạc, xin thầy cầm cho con.
Lão hàng thịt cầm bạc nắm chặt trong tay, nhưng lại đưa ra nói:
- Cái này thì anh cầm lấy. Tôi đem tiền đến mừng, lại lấy tiền anh về thì sao nên?
- Con hiện nay còn mấy lạng bạc nữa. Khi tiêu hết lại sẽ đến xin thầy.
Lão hàng thịt liền co tay về giắt bạc vào lưng, miệng nói:
- Thôi được. Anh bạn bè với cụ Trương, thiếu gì tiền? Nhà ông ta tiền bạc còn nhiều hơn nhà vua kia! Nhà ông ta là nhà chủ mua thịt của tôi đấy. Một năm vô sự ra cũng dùng hết bốn năm nghìn cân. Bạc đối với họ thì nghĩa lý gì!
Lại quay lại nói với con gái:
- Sáng nay tao đem tiền đến, thì cái thằng anh chết tiệt của mày không cho. Tao nói: “Nhà ông ta giờ khác xưa. Chẳng thiếu gì người mang tiền đến cho ông ta dùng. Chỉ sợ ông ta không nhận tiền của ta mà thôi”. Nay quả thế thật! Ta đem số tiền này về mắng cho cái thằng chết tiệt kia một trận.
Nói xong, từ tạ rối rít, cúi cổ, cười, về nhà.
* * *
Từ đấy về sau, quả nhiên có nhiều người đến cung phụng Phạm Tiến. Người thì biếu ruộng vườn, kẻ thì biếu nhà cửa. Lại có người nghèo đến xin làm tôi tớ mong nhờ che chở. Hai ba tháng sau, trong nhà Phạm Tiến đầy tớ trai, đầy tớ gái, tiền bạc, gạo thóc đều không thiếu thứ gì.
Trương lại đến giục dọn nhà. Sau khi tới ở nhà mới, suốt ba ngày liền tiệc tùng hát xướng, mời khách. Đến ngày thứ tư bà mẹ Phạm Tiến điểm tâm xong, đi vào phòng thứ ba thấy Hồ thị vợ Phạm Tiến trên đầu cài cái trâm bằng bạc. Mặc dầu vào giữa tháng mười trời còn ấm, nhưng đã mang áo đoạn xanh, quần đoạn lục, đốc thúc gia nhân, tôi tớ, a hoàn lau chùi bát đũa. Bà cụ nói:
- Này phải cẩn thận đấy. Đó là đồ đạc của người ta, chớ có làm hỏng!
Gia nhân trả lời:
- Thưa cụ, đây không phải của ai đâu, chính là của cụ đấy!
Bà cụ cười:
- Nhà ta làm sao có được tất cả những cái này?
- Sao lại không? Không phải chỉ những cái này thôi đâu. Cả những người này và cả cái nhà này cũng đều là của cụ cả.
Bà cụ nghe xong, cầm những bát sứ, những mâm, chén khảm bạc xem kĩ càng một lượt, rồi cười vang:
- Của ta cả rồi!
Cười xong, ngã lăn ra, đờm lên cổ, bất tỉnh. Lúc bấy giờ làm cho:
Cử nhân thi hội, biến thành người khách xoay tiền.
Cống sinh nhiều tiền, lại khiến lắm người gây kiện.
Muốn biết bà cụ tính mạng thế nào hãy xem hồi sau phân giải.
NHO LÂM NGOẠI SỬ
LỜI GIỚI THIỆU
Hồi 1
Hồi 2
Hồi 3
Hồi 4
Hồi 5
Hồi 6
Hồi 7
Hồi 8
Hồi 9
Hồi 10
Hồi 11
Hồi 12
Hồi 13
Hồi 14
Hồi 15
Hồi 16
Hồi 17
Hồi 18
Hồi 19
Hồi 20
Hồi 21
Hồi 22
Hồi 23
Hồi 24
Hồi 25
Hồi 26
Hồi 27
Hồi 28
Hồi 29
Hồi 30
Hồi 31
Hồi 32
Hồi 33
Hồi 34
Hồi 35
Hồi 36
Hồi 37
Hồi 38
Hồi 39
Hồi 40
Hồi 41
Hồi 42
Hồi 43
Hồi 44
Hồi 45
Hồi 46
Hồi 47
Hồi 48
Hồi 49
Hồi 50
Hồi 51
Hồi 52
Hồi 53
Hồi 54
Hồi 55
PHỤ LỤC