watch sexy videos at nza-vids!
Truyện NHO LÂM NGOẠI SỬ-Hồi 46 - tác giả Ngô Kính Tử Ngô Kính Tử

Ngô Kính Tử

Hồi 46

Tác giả: Ngô Kính Tử

Sau khi đã chôn cất cha mẹ, Dư Hữu Đạt bàn với em rằng mình muốn trở lại Nam Kinh để cảm ơn Đỗ Thiếu Khanh và tìm một chỗ dạy học vì tiền bạc đã hết. Hữu Đạt thu xếp hành lý quan sông Dương Tử đến nhà Thiếu Khanh ở bên bờ sông, Thiếu Khanh hỏi về vụ án, Hữu Đạt kể lại tỉ mỉ mọi việc xảy ra, Thiếu Khanh hết sức thán phục Dư Hữu Trọng. Hai người đang nói chuyện thì ở ngoài có người vào báo rằng cụ Thang ở Nghi Trưng đến chơi. Dư hỏi cụ Thang là ai. Thiếu Khanh nói:
- Cụ chính là người đã nhờ anh dạy con học. Anh cũng nên gặp cụ một chút.
Hai người đang nói chuyện thì Thang tổng trấn vào, vái chào rồi ngồi xuống. Thang nói:
- Ông Thiếu Khanh! Ngày tôi được hân hạnh gặp ông ở nhà ông Ngu, bỗng nhiên, bao nhiêu thói xấu xa quê mùa của tôi đều tiêu tan hết. Tôi liền đến nhà ông, nhưng không được gặp làm cho tôi chờ đợi suốt ngày. Vị này là ai?
- Đó là người anh họ của tôi là Dư Hữu Đạt, năm ngoái bác có mời anh ấy đến dạy học.
Thang cười vang mà rằng:
- May mắn quá, không ngờ lại được gặp một vị hiền sĩ ở đây. Thật là hân hạnh.
Thang đứng dậy vái chào một lần nữa rồi ngồi xuống. Dư Hữu Đạt nói:
- Ngài đã khó nhọc đối với xã tắc, nay lại về nhà ở ẩn, không hề nhắc đến công lao của mình. Thực là phong thái của những vị tướng ngày xưa.
Thang đáp:
- Đó chẳng qua là tình thế bắt buộc, không thể nào làm khác. Ngày nay nghĩ lại, thấy mình không quá nóng nảy chưa làm được việc gì có ích cho triều đình chỉ làm cho các quan trường thêm tổ ghét. Nhưng nay hối cũng muộn rồi.
Dư Hữu Đạt nói:
- Ngài làm việc như thế nào thiên hạ đều biết cả. Ngài không cần phải khiêm tốn quá đáng như vậy.
Đỗ Thiếu Khanh nói:
- Bác đến Nam Kinh lần này có việc gì? Hiện nay bác ở đâu?
- Ở nhà không có việc gì tôi mới lên Nam Kinh để được gặp các vị danh sĩ. Hiện nay tôi ở nhà Thừa Ân. Tôi định đến chào Ngu bác sĩ, Trang thiệu Quang và người cháu của ông.
Uống trà xong, Thang từ biệt đi ra, hai người tiễn Thang lên kiệu, Dư Hữu Đạt ở tạm tại nhà Đỗ Thiếu Khanh. Nhưng khi Thang tổng trấn đến trường Quốc Tử Giám và đưa danh thiếp vào thi Ngu bác sĩ không ở nhà. Thang lại đến cầu Bắc Môn thăm Trang Trạc Giang. Trang liền mời vào. Thang xuống kiệu và đi vào nhà khách. Chủ nhân đi ra, hai người vái chào ngồi xuống, đều nói mình mấy lâu ngưỡng mộ nay mới gặp. Thang nói ý định muốn đến thăm Trang Thiệu Quang ở Hậu Hồ.
Trang Trạc Giang nói: - Chú tôi hiện nay ở đây. Ông có muốn gặp không? - Thế thì còn gì hơn nữa!
Trang Trạc Giang bảo người nhà mời Trang thiệu Quang ra. Trang Thiệu Quang ra chào Thang tổng trấn rồi ngồi xuống. Mấy người lại uống một lượt trà, Trang Thiệu Quang nói:
- Lần này cụ đến đây vừa đúng lúc ông Ngu sắp đi nơi khác. Ngày trùng cửu gần đến, tại sao chúng ta không hội họp một buổi nhân tiện tiễn ông Ngu, lại vui chơi được một ngày tròn.
Trang Trạc Giang nói:
- Hay lắm! Đến ngày ấy chúng ta có thể gặp nhau ở đây.
Thang tổng trấn ngồi một lát rồi đứng dậy ra về, nói:
- Vài hôm nữa vào ngày họp, tôi sẽ đến. Chúng ta sẽ nói chuyện suốt cả ngày.
Hai người tiễn Thang ra cửa. Thang lại đến thăm Trì Hành Sơn và Vũ Thư. Trang Trạc Giang sai đầy tớ đem năm lạng bạc đến nhà trọ của Thang để thay cho bữa tiệc. Ba ngày sau người quản gia của Trang Trạc Giang mang giấy mời các vị khách đến sớm. Trạc Giang ngồi ở nhà đợi. Thiệu Quang cũng đã ở đấy. Một lát sau, Vũ Thư, Trì Hành Sơn và Đỗ Thiếu Khanh đều đến. Trang Trach Giang sai dọn dẹp một gian phòng rộng, bốn phía đều trồng hoa cúc. Bấy giờ là mồng năm tháng chín, trời trong sáng, mọi người mặc áo kép, vừa ngồi nói chuyện vừa uống trà. Một lát sau, Thang đô đốc, Tiêu thủ bị và Ngu bác sĩ đến. Mọi người đón chào. Thi lễ xong, tất cả ngồi xuống Thang nói:
- Chúng ta đều là những kẻ chân trời góc bể, nay may mắn được chủ nhân mời đến gặp nhau ở đây, thực là duyên nợ ba sinh! Chỉ tiếc rằng ông Ngu chẳng bao lâu nữa sẽ đi. Cuộc gặp gỡ như thế này chẳng biết bao giờ lại có.
Trang Trạc Giang nói:
- Các vị là những bậc kỳ tài, hôm nay đến đây thực là vinh dự cho nhà chúng tôi. Quả thực những người hiền nhân năm trăm dặm xung quanh bây giờ đều ở đây cả!
Mấy người ngồi xuống, người nhà bưng trà lên. Nhìn nước trà trong như nước lã, nhưng hương đặc biệt thơm, váng trắng nổi trên mặt nước. Sau đó lại uống trà Thiên Đô. Trà này tuy cất đã một năm nay nhưng hương lại càng thơm hơn. Ngu bác sĩ uống trà, mỉm cười hỏi:
Lúc ở trong quân ngũ, tôi chắc hai vị không bao giờ thấy thứ trà như thế này.
Tiêu Vân Tiên nói:
- Không những ở trong quân ngũ mà thôi, suốt cả sáu năm ở thành Thanh Phong, tôi cho được uống nước lã đã là may mắn rồi. Nó còn hơn nước đái ngựa.
Thang tổng trấn nói:
- Bấy giờ ở thành Thanh Phong có đủ nước và cỏ cho quan sĩ sống mấy năm.
Trang Thiệu Quang nói:
- Ông Tiêu có thể sánh với Thôi Hạo thời Bắc Ngụy(1) được.
Trì Hành Sơn nói:
- Mỗi thời mỗi khác! Ngày nay hoàn cảnh khác trước.
Đỗ Thiếu Khanh nói:
- Những người tế tướng phải là những người đọc sách đã đành, nhưng tướng soái cũng cần phải là những người đọc sách. Nếu không có học thức, Tiêu tiên sinh làm gì có được những công lao to tát như vậy!
Vũ Thư cười mà rằng:
- Tôi thấy cái này rất buồn cười: vị tướng ở biên cương không biết có nước và có thể mà hạng thư biện khi tính đến việc đó lại biết là có. Vậy thì đó là quan thượng thư có học vấn hay là hạng thư biện có học vấn?
Nếu các quan thượng thư có học vấn thì triều đình trọng văn khinh võ cũng là phải. Nhưng nếu việc này lại chính là do bọn thư biện tính toán, thì cũng thấy rõ phép tắc tính toán không thể thay đổi được.
Nói đến đây, tất cả đều cười rộ. Nhạc dừng lại, mọi người ngồi vào bàn tiệc. Những người diễn tuồng đến chào. Trang Phi Hùng đứng dậy.
- Hôm nay các vị đến đây, con có thuê mười chín người hát tuồng nổi danh ở trong bảng “Lê Viên”. Xin các vị mỗi người chọn một đoạn để diễn.
Ngu bác sĩ hỏi:
- Bảng “Lê Viên” là bảng gì?
Dư Hữu Đạt kể lại câu chuyện phong lưu năm xưa của Đỗ Thận Khanh. Mọi người cười vang. Thang hỏi Đỗ Thiếu Khanh:
- Người anh họ của ông đã được tuyển vào bộ chưa?
Đỗ Thiếu Khanh trả lời:
- Đã!
Vũ Thư nói:
- Sự đánh giá của ông Thận Khanh có thể nói bao giờ cũng công bình và đúng đắn. Nhưng tôi chỉ sợ sau khi làm quan, làm chủ khảo, biết đâu ông ta sẽ quáng mắt trước những màu sắc chói lọi cũng nên.
Mọi người lại cười. Họ ăn tiệc suốt cả ngày, khi tất cả các vở tuồng đều diễn xong, đến hoàng hôn tiệc mới tan. Trang Trạc Giang nhờ một họa sĩ vẽ một bức tranh “Đăng cao tống biệt”(2) ghi lại cuộc tiễn biệt hôm ấy và tất cả mọi người đều đề thơ. Sau đó mọi người lần lượt đến nhà Ngu bác sĩ để tiễn biệt.
Hơn một ngàn gia đình ở Nam Kinh đã đến tiễn Ngu bác sĩ. Ngu cảm thấy mệt quá, cho nên không để ai tiễn mình xuống thuyền. Hôm ấy, Ngu thuê một chiếc thuyền con, cắm sào ở Thủy Tây chỉ để một mình Đỗ Thiếu Khanh tiễn xuống thuyền. Thiếu Khanh bái biệt và nói:
- Chú đi rồi, cháu sẽ không còn có ai nương tựa.
Ngu bác sĩ cũng buồn rầu khôn xiết, mời Đỗ vào khoang thuyền, nói:
- Anh Thiếu Khanh, tôi không giấu gì anh, tuy tôi là anh học trò nghèo nhưng sáu bảy năm nay làm bác sĩ ở Nam Kinh, tôi đã để dành mỗi năm được mấy lạng bạc đủ để mua một thửa uộng, một năm kiếm được ba mươi gánh gạo. Lần này tôi có thể được bổ vào bộ, hoặc bổ đi các châu các huyện. Tôi sẽ làm nhiều là ba năm, ít là hai năm, để dành một ít tiền, mua thêm một thửa ruộng, một năm được thêm hai chục gánh gạo. Như thế vợ con tôi không phải chết đói là đủ lắm rồi. Còn về việc con cháu, tôi cũng không để ý đến. Hiện nay, ngoài việc dạy chữ cho con, tôi còn dạy thuốc cho nó để nó kiếm ăn sau này. Tôi thích gì làm quan? Anh ở Nam Kinh, tôi sẽ gửi thư cho anh luôn.
Hai người gạt lệ chia tay. Đỗ lên bờ chờ cho thuyền của Ngu bác sĩ đi khuất, mới quay về nhà. Dư Hữu Đạt đang ngồi ở đó. Đỗ kể lại những câu Ngu bác sĩ vừa dặn. Dư Hữu Đạt thở dài mà rằng:
- Không thích làm quan, chỉ thích rút lui, ông Ngu thực là một người quân tử. Nếu chúng ta có ra làm quan chúng ta phải bắt chước ông ta.
Hai người tán thưởng một hồi. Chiều hôm ấy. Hữu Đạt nhận được thư của em, thư viết:
“Thầy học ở nhà Ngu Lương em họ của chúng ta này đã đi nơi khác. Ông ta muốn nhờ anh dạy con ông ta. Xin anh về ngay”.
Dư Hữu Đạt nói cho Đỗ Thiếu Khanh biết rồi từ biệt. Hôm sau Hữu Đạt mang hành lý qua sông, Đỗ Thiếu Khanh tiễn Hữu Đạt sang sông mới trở về.
Hữu Đạt qua sông về nhà. Người em ra đón và đưa cho anh xem bức thư viết:
“Em họ là Ngu Lương kính mời anh Dư đến dạy cho đứa con của em, mỗi năm tiền công bốn mươi lạng bạc lễ tết không kể.
Dư Hữu Đạt xem xong, hôm sau đến nhà Ngu Lương, Ngu ra đón trong lòng mừng rỡ. Hai người vái chào và ngồi xuống. Người đầy tớ mang trà ra. Ngu Lương nói:
- Cháu nó ngu ngốc, thất học từ nhỏ. Mấy năm nay, em muốn nhờ anh dạy cho cháu, nhưng anh cứ ở xa. Nay anh về đây thực là may mắn cho cháu. Gia đình anh và gia đình em, người thi đỗ ở tỉnh và ở kinh chở hàng xe không hết chẳng phải hiếm hoi gì. Em chỉ mong cháu học được phẩm hạnh của anh, mới là có ích hơn nhiều.
- Anh vốn già và vụng. Hai gia đình ta mấy đời họ hàng với nhau nhưng chỉ có em là tâm đầu ý hợp với anh. Con của em cũng như con của anh cố nhiên anh phải hết lòng dạy dỗ. Về việc nó có đỗ cử nhân tiến sĩ hay không thì ngay bản thân anh cũng chưa đỗ bao giờ, chưa chắc anh đã làm được. Còn về phẩm hạnh và văn chương thì cháu vẫn có nề nếp gia giáo, anh cũng không phải lo đến việc đó.
Hai người đều cười, định ngày tốt mời thầy đến khai trường. Sáng hôm ấy Hữu Đạt dậy thật sớm, đứa con của Ngu Lương ra chào. Nó rất thông minh. Chào xong Ngu đưa nó đến lớp học, Hữu Đạt ngồi ghế thầy. Ngu Lương cáo từ và vào thư phòng. Ngu đang ngồi thì người giữ cửa đưa một người khách đến. Người này là anh ruột của Đường Tam Đàm, tên là Đường Nhị Bồng Thuỳ. Trong khoa thi trước y đỗ cử nhân văn và trước đây cũng vào trường một năm với Ngu Lương. Nhân hôm ấy trong nhà mới nuôi thầy, Đường cũng đến để tiếp thầy học. Ngu Lương giữ Đường Nhị ngồi lại uống trà. Đường Nhị hỏi:
- Hôm nay cháu bắt đầu học phải không?
- Vâng.
- Ông thầy này học rất giỏi, nhưng thiếu kiên nhẫn, lại thích những thứ học nhảm, mà sao lãng việc chính. Còn về việc thi cử, tuy ông không bắt chước thói xấu của bọn học trò ngày nay, nhưng lại muốn theo đòi những nho sĩ thời khai quốc. Như thế cũng đều là quá đáng!
- Cháu nó còn nhỏ quá chưa lo việc thi cử được. Tôi mời anh Dư đến cốt để dạy cho cháu đạo đức, đừng bắt chước bọn tiểu nhân, chạy theo thế lợi, như thế là đủ.
Một lát sau Đường Nhị nói:
- Anh Ngu, tôi có một điều muốn hỏi con người thông thạo cổ học như anh.
- Tôi nào có thông thạo cổ học gì đâu? Anh đùa tôi đấy phải không?
- Không phải đùa đâu. Tôi muốn hỏi thực anh đấy mà! Trong kỳ thi trước đây tôi may mắn đỗ. Tôi có một người cháu, nhà ở phủ Phụng Dương, anh ta cũng thi đỗ ở phủ Phụng Dương. Như thế là cùng đỗ một bảng lại là bạn học. Từ khi anh ta đỗ rồi, chưa bao giờ anh ta đến huyện. Nhưng nhân việc tế tổ, nên hôm qua anh đến nhà tôi, đưa tờ danh thiếp viết: “cháu và bạn học”. Nay tôi đến thăm lại, có nên viết “Chú và bạn học” hay không?
- Anh muốn nói gì vậy?
- Anh không nghe sao? Người cháu cùng đỗ một bảng với tôi, cũng do một quan chấm thi lấy đỗ, viết: “Cháu và bạn học” bây giờ tôi nên viết danh thiếp thế nào?
- Cố nhiên hai người cùng được một quan giám khảo lấy đỗ cả thì gọi nhau là “bạn học”. Nhưng viết chữ “cháu và bạn học” thì nó quái gở, ngớ ngẩn thế nào ấy?
- Tại sao lại ngớ ngẩn?
Ngu ngẩng mặt lên trời cười mà rằng:
- Từ xưa đến nay tôi chưa bao giờ nghe một việc lạ như thế này.
Đường Nhị biến sắc mặt nói:
- Anh không nên giận tôi! Mặc dầu anh là con nhà gia thế, nhà anh có nhiều người thi đỗ, nhưng anh chưa thi đỗ. Có lẽ anh không rõ những nghi lễ trong quan trường. Người cháu của tôi đã gặp nhiều cụ lớn ở kinh, anh ta viết như vậy chắc là có duyên cớ, không thể nói là viết bừa được.
- Nếu anh đã cho như thế là đúng thì anh hỏi tôi làm gì?
- Anh không hiểu. Đợi ông Dư ra đây ăn cơm, tôi sẽ hỏi.
Đang nói chuyện thì người đầy tớ vào bẩm:
- Ông Diêu thứ năm vào thăm.
Cả hai đứng dậy, Diêu bước vào vài chào và ngồi xuống. Ngu Lương nói:
- Anh Năm, hôm qua sau bữa cơm anh đi đâu? Buổi chiều rượu đã sẵn sàng cả nhưng anh không tới.
Đường Nhị nói:
- Ông Năm, hôm qua ông ăn cơm ở đây sao? Chiều qua tôi gặp ông thì nói rằng ông vừa ăn cơm với cụ Phương thứ sáu ở hiệu “Nhân xương”. Tại sao ông lại nói dối như vậy?
Người đầy tớ đem cơm ra, mời Dư Hữu Đạt ăn. Dư ngồi ghế đầu. Đường Nhị ngồi đối diện, Diêu ngồi ghế khách, chủ nhân ngồi tiếp. Ăn cơm xong, Ngu cười đem chuyện danh thiếp ra kể lại với Dư Hữu Đạt. Dư mặt đỏ gay, gân cổ nổi lên nói:
- Ai dám nói như vậy? Tôi hỏi ở trên đời việc tổ tiên, cha ông quan trọng hơn hay việc công danh quan trọng hơn?
Ngu nói:
- Cố nhiên là việc tổ tiên quan trọng hơn. Cái đó không cần bàn nữa!
Dư Hữu Đạt nói:
- Nếu vậy tại sao vừa mới đỗ cử nhân lại vứt tổ tiên đi, gọi chú là bạn học? Như thế là có tội với đạo đức luân lý. Cả đời tôi chưa bao giờ thấy điều đó. Ông ta có đỗ cử nhân cũng là một anh dốt đặc cán mai. Nếu cháu tôi mà như vậy thì tôi lôi ra trước bàn thờ tổ tiên đánh cho mấy chục gậy!
Đường Nhị và Diêu thấy Dư Hữu Đạt nóng mặt, biết rằng Dư nổi giận nên nói lảng sang chuyện khác.
Một lát sau uống trà xong, Dư trở lại lớp học. Diêu đứng dậy nói:
- Tôi đi chơi một lát rồi sẽ trở lại.
Đường Nhị nói:
- Hôm nay đi ra chắc ông sẽ nói vừa ăn cơm với cụ Bành thứ hai.
Diêu cười mà nói:
- Hôm nay tôi ngồi tiếp thầy học ở đây, ai mà chẳng biết, không thể nói tôi ăn cơm đâu được.
Diêu cười và đi ra, một lát quay trở lại nói:
- Ông Ngu, ở ngoài sảnh có người khách đến thăm. Ông ta nói ở nha môn quan phủ đến. Hiện nay ông ta đang ngồi đợi ngoài nhà khách. Ông mau ra mà tiếp.
- Ông ta ở đâu? Tôi chẳng quen biết bao giờ. Đang lúc phân vân thì người đầy tớ đưa danh thiếp vào. Danh thiếp đề: “Bà con và bạn học là Quí Vi Tiểu đến thăm
Ngu Lương ra ngoài sảnh tiếp. Quý Vi Tiêu vái chào ngồi xuống rồi đưa ra một bức thư mà rằng:
- Tôi ở Bắc Kinh lại. Tôi nhân cùng quan phủ đến huyện này, người anh họ của ông là ông Đỗ Thận Khanh có nhờ tôi mang bức thư cho ông. Hôm nay được gặp ông đây, thực là hân hạnh.
Ngu Lương cầm bức thư giở ra xem, hỏi:
- Ông có phải là bạn với Lệ tri phủ ở phủ tôi không?
- Lệ tri phủ là học trò của bác tôi là cụ Tuân. Vì vậy ông ta mời tôi đến làm việc trong nha môn.
- Ông đến đây có việc gì?
- Ở đây chẳng có ai, tôi có thể nói cho ông biết. Lệ tri phủ nhận thấy những hiệu cầm đồ ở đây cho vay nặng lãi quá, bóc lột dân, cho nên bảo tôi đến đây xem xét. Nếu quả thực như vậy thì phải làm thế nào để trừ bỏ cái tệ ấy đi.
Ngu Lương kéo ghế lại gần Quý Vi Tiêu và nói thầm:
- Như thế đủ thấy rõ việc cai trị của quan phủ thực là nhân đức. Trong huyện tôi không ai cho vay nặng lãi trừ hai hiệu cầm đồ của họ Phương là hiệu “Nhân Xương” và hiệu “Nhân Đại”. Họ đều là bậc hương thân, lo việc buôn muối đồng thời lại quen biết các quan phủ, huyện, cho nên họ muốn làm gì thì làm. Nhân dân rất căm ghét nhưng không ai dám nói ra. Muốn trừ cái tệ này thì chỉ cần trị hai nhà kia. Nay cụ lớn đường đường là một ông phủ cần gì phải đi lại với những người như thế! Tôi nói như vậy để ông nghe thôi ông đừng cho ai biết tôi nói đấy nhé!
- Tôi xin lĩnh giáo.
- Được ông đến thăm, tôi cũng muốn mời ông ăn một bữa cơm xoàng để cùng nói chuyện. Nhưng tôi sợ làm không ra gì. Ở đây tai vách mạch rừng, ông ăn không tiện.
Ngày mai tôi sẽ đưa một bữa ăn đến nhà ông. Xin ông đừng chối từ.
- Tôi đâu dám thế!
Nói xong Vi Tiêu từ biệt đi ra. Ngu quay vào thư phòng. Diêu đón hỏi:
- Có phải ông ta ở nha môn quan phủ lại đây không?
- Chứ gì nữa!
Diêu lắc đầu, cười mà nói:
- Tôi không tin.
Đường Nhị trầm ngâm:
- Ông Diêu nói có lẽ đúng, khi nào ông ta lại ở nha môn đến đây? Quan phủ không phải là chỗ quen biết với ông. Quan phủ chỉ có đi lại thân thiết với cụ Bành thứ ba và cụ Phương thứ sáu mà thôi. Nghe nói ông kia đến, trong bụng tôi cũng lấy làm ngờ. Nếu ông ta quả ở nha môn quan phủ đến thì ông ta nhất định đã đến nhà cụ Bành, cụ Phương trước, chứ đến nhà anh để làm gì? Nói ra khó tin lắm! Tôi sợ rằng anh chàng kia là một tên lường gạt, tự cho rằng mình ở nha môn quan phủ đến để lừa người ta lấy tiền thôi. Anh phải đề phòng mới được.
Ngu nói:
- Có lẽ ông ta chưa đến nhà hai người kia.
Diêu cười và nói:
- Cố nhiên là chưa đến. Nếu đã đến nhà họ thì còn đến nhà anh làm gì?
Ngu nói:
- Không phải quan phủ bảo ông ta đến đây. Người anh họ của tôi là Đỗ Thận Khanh người Thiên Trường, hiện nay ở Bắc Kinh có nhờ ông ta đưa cho tôi một bức thư. Ông ta là Quý Vi Tiêu, một danh sĩ nổi tiếng.
Đường Nhị hoa tay nói:
- Thế lại càng khó tin nữa! Quý Vi Tiêu là một nhà danh sĩ đã chấm thi ở trong cuộc thi những người hát tuồng. Là một danh sĩ như vậy, chắc chắn ông ta biết các nha môn và các viện hàn lâm ở kinh. Hơn nữa, Đỗ Thận Khanh người Thiên Trường lại rất thân với ông Bành thứ tư. Nếu ông Vi Tiêu mang thư ở Bắc Kinh về cho anh, có lẽ nào lại không mang thư đến cho ông Bành! Nhất định không thể là Quý vi Tiêu được.
Ngu nói:
- Chuyện ấy bây giờ không cần bàn đến. Ta nói sang chuyện khác.
Và quay lại mắng đầy tớ:
- Tại sao tiệc rượu mãi đến giờ vẫn chưa xong?
Một người đầy tớ khác bước vào, vai mang hành lý, nói:
- Cụ Thành ở nhà quê lên.
Một người bước vào, đầu lốm đốm bạc, trông mặt ra vẻ một tay bợm rượu, đội mũ vuông, mặc áo vải xanh, đi giầy vải đế mỏng. Y vào vái chào và nói:
- May quá! Tôi đến vừa đúng lúc ông mới mời thầy dạy học, nhân tiện vào uống vài chén rượu để chúc mừng.
Ngu bảo đầy tớ đem nước ra để cho cụ Thành rửa mặt, kỳ cọ sạch bùn trên quần áo và bắp chân. Sau đó Ngu mời tất cả mọi người vào phòng khách. Trong phòng khách, tiệc đã dọn. Dư ngồi ghế đầu, mọi người ngồi tiếp. Trời đã tối, Ngu bảo thắp một cặp đèn. Cặp đèn này là do hoàng đế lấy ở điện “Vũ Anh” ra tặng người cố của Ngu xưa kia làm thượng thư, đến nay đã hơn sáu mươi năm nhưng vẫn hoàn toàn như mới. Dư nói:
- Cổ nhân có câu: “Nhà xưa, cây cao”. Câu ấy thực là đúng. Tôi không thấy gia đình nào trong huyện ta lại có những cái đèn như thế này.
Cụ Thành nói:
- Ông Dư, “cứ ba mươi năm thì nhân dân ở phía đông bờ sông phát đạt, rồi lại đến lượt nhân dân ở phía tây”. Cách đây ba mươi năm, hai gia đình của hai ông thịnh vượng biết là dường nào! Chính mắt tôi trông thấy điều ấy. Nhưng ngày nay gia đình họ Bành và họ Phương mỗi năm làm ăn một khá hơn. Không nói gì khác cứ xem quan phủ và quan huyện Vương đi lại với họ thân mật như thế nào, có chuyện gì cũng sai thơ lại trong nha đến bảo họ. Như vậy dân đen ai mà chả sợ họ. Đấy cứ xem những người thơ lại kia chẳng vào nhà ai bao giờ đâu!
Đường Nhị hỏi:
- Gần đây có người thơ lại nào ở nha môn quan phủ đến đây không?
Cụ Thành nói:
- Gần đây có một người họ “Cát”(3) đến có việc gì đấy. Ông ta ở với vị tăng trong chùa Bảo Lâm. Sáng hôm nay, ông ta đến hiệu Nhân Xương của cụ Phương thứ sáu. Cụ Phương thứ sáu lại mời cụ Bành thứ hai đến nhà để tiếp khách. Cả ba người vào thư phòng nói chuyện một ngày trời. Không biết trong nhà quan phủ làm việc gì không hay nên mới sai ông Cát kia đến đây hỏi.
Đường Nhị liếc mắt nhìn Diêu và cười nhạt: - Thấy không!
Dư Hữu Đạt nghe vậy lấy làm chán ngán, bèn hỏi cụ Thành:
- Năm ngoái cụ có nhận được áo và mũ tú tài không?(4) Cụ Thành đáp:
- Có, may quá, người giám khảo lại là bạn học với cụ Bành thứ tư. Tôi nhờ cụ Bành viết cho một bức thư nên nhận được áo mũ ngay.
Dư cười và nói: - Khi quan giám khảo thấy bộ mặt đỏ gay của cụ thì chắc gì ông ta đã cho?
Cụ Thành nói:
- Tôi nói là cái mặt tôi nó bị sưng lên đấy.
Mọi người đều cười rộ và cùng uống rượu. Cụ Thành nói:
- Ông Dư, tôi với ông đều là những người già cả bỏ đi rồi. Bây giờ hạng anh hùng là thuộc những người trẻ. Tôi mong rằng anh Ngu đến kỳ thi tới đây sẽ đỗ cao, cùng với ông Đường cả hai đều đỗ tiến sĩ. Như vậy, tuy không làm quan to như cụ Bành thứ tư, thì hai ông cũng được làm quan huyện như cụ Bành thứ ba, thứ hai, như thế cũng làm vinh hiển cho tổ tiên và chúng tôi cũng được mở mày mở mặt.
Câu nói ấy lại càng làm cho Dư Hữu Đạt chán ngấy.
Dư nói:
- Thôi chúng ta đừng bàn chuyện ấy nữa, chúng ta hãy chơi trò uống rượu đi.
Mọi người bèn chơi trò gọi là “trò uống rượu vui”. Họ cười mãi đến nửa đêm, tất cả mọi người đều say mềm. Cụ Thành được đưa vào phòng ngủ. Người nhà Ngu mang đèn lồng dẫn Dư Hữu Đạt, Đường Nhị, Diêu về nhà. Cụ Thành ngủ, nửa đêm tỉnh dậy vừa mửa vừa đi đồng. Không đợi đến trời sáng, cụ gọi một người đầy tớ vào để quét tước. Sau lại bảo nhỏ một đứa đầy tớ gọi hai người quản gia lo về việc thu tô vào để bàn bạc. Mấy người thì thầm với nhau một lúc, không biết nói chuyện gì. Sau đó mời Ngu Lương vào.
Chỉ nhân phen này khiến cho:
“Ở chốn làng quê, thói mộ thế nghĩ mà chán ngắt;
trước nơi trường học, việc lăng nhăng lại thấy xảy ra”.
Muốn biết việc sau như thế nào hãy xem hồi sau phân giải.

---------------
(1) Thôi Hạo thời Bắc Nguỵ giỏi cả văn chương và quân sự.
(2) Lên chỗ cao tiễn nhau.
(3) Tức là Quý vi Tiêu. Theo âm Trung Quốc, chữ “Cát” và chữ Quý đọc gần như nhau.
(4) Tú tài đến một tuổi nào đó có thể mặc áo quần tú tài.
NHO LÂM NGOẠI SỬ
LỜI GIỚI THIỆU
Hồi 1
Hồi 2
Hồi 3
Hồi 4
Hồi 5
Hồi 6
Hồi 7
Hồi 8
Hồi 9
Hồi 10
Hồi 11
Hồi 12
Hồi 13
Hồi 14
Hồi 15
Hồi 16
Hồi 17
Hồi 18
Hồi 19
Hồi 20
Hồi 21
Hồi 22
Hồi 23
Hồi 24
Hồi 25
Hồi 26
Hồi 27
Hồi 28
Hồi 29
Hồi 30
Hồi 31
Hồi 32
Hồi 33
Hồi 34
Hồi 35
Hồi 36
Hồi 37
Hồi 38
Hồi 39
Hồi 40
Hồi 41
Hồi 42
Hồi 43
Hồi 44
Hồi 45
Hồi 46
Hồi 47
Hồi 48
Hồi 49
Hồi 50
Hồi 51
Hồi 52
Hồi 53
Hồi 54
Hồi 55
PHỤ LỤC