Hồi 55
Tác giả: Ngô Kính Tử
Vào năm Vạn Lịch thứ 23(1) các danh sĩ nổi tiếng ở Nam Kinh dần dần tiêu mòn hết. Những kẻ đồng thời với Ngu bác sĩ, người thì đã già, người thì đã chết, người thì tản mát bốn phương, người thì đóng cửa không lo gì đến thế sự. Những nơi uống rượu, dạo chơi không còn có những người tài cao học rộng. Những người quân tử không còn ai lo đến lễ nhạc, văn chương. Ai thi đỗ làm quan là giỏi, ai thi hỏng là dốt. Những người giàu lại càng xa hoa, những người nghèo lại càng cực khổ. Dù văn có hay như Lý Bạch, Đỗ Phủ, phẩm hạnh có cao như Tăng Sâm, Nhan Uyên(2) cũng không ai thèm đếm xỉa đến. Ở trong các nhà những buổi lễ gia quan(3), đám cưới, đám tang, tế lễ, bọn hương thân không bàn chuyện gì ngoài chuyện ai được thăng, ai đổi đi, ai bị gọi về, ai bị giáng chức. Bọn nhà nho bần tiện tìm mọi cách để làm vừa ý các quan chấm thi. Tuy vậy ở trong đám thường dân cũng có mấy người kì lạ.
Một người làm nghề viết chữ tên là Quý Hà Niên. Từ nhỏ, anh ta không nhà không cửa, không nghề nghiệp gì, phải vào chùa ở. Thấy Hòa thượng đánh mõ gọi các sư vào ăn, anh ta cũng xách một cái bát, đứng bên cạnh. Hòa thượng cũng không đuổi. Chữ anh ta viết rất đẹp. Anh ta không chịu học lối viết của người xưa, tự đặt ra một lối riêng, cứ viết theo hoa tay. Ai đến nhờ anh ta viết, thì từ ba ngày trước, anh ta ăn chay một ngày, rồi mài mực một ngày, và không để cho người khác mài hộ. Chỉ viết mười bốn chữ câu đối thôi, anh ta cũng mài mất nửa bát mực. Bút anh ta dùng là thứ bút đã hỏng; người ta bỏ đi. Không những thế, lúc anh ta viết, phải có bốn người giữ giấy. Hễ họ giữ giấy không nên hồn là anh ta mắng và đánh. Lại phải đợi khi nào cao hứng, anh ta mới viết, nếu đã không có hứng, thì dù có vương hầu, tể tướng, dù có chồng tiền hàng đống cho anh ta, anh ta cũng không thèm nhìn. Tính anh ta không lo chải chuốt bên ngoài, chỉ mặc một cái áo rách đi đôi giày rách. Mỗi khi viết chữ có tiền thì anh ta mua đồ ăn. Còn thừa lại bao nhiêu, anh ta đem cho những người nghèo chưa hề quen biết, không giữ lấy một đồng nào. Hôm ấy, tuyết xuống rất nhiều. Quý đi thăm một người bạn, lê đôi giày rách vào làm bẩn cả thư phòng. Chủ nhà biết tính anh ta bướng bỉnh, trong lòng không dám tỏ vẻ khó chịu, chỉ nói:
- Ông Quý, giày của ông rách rồi, sao không mua một đôi giày mới?
- Tôi không có tiền.
- Nếu ông viết cho tôi một đôi câu đối, tôi sẽ mua cho ông một đôi giày.
- Tôi có giày của tôi rồi, lấy của ông làm gì?
Chủ nhà bực mình vì anh ta bẩn thỉu, chạy vào nhà lấy ra một đôi giày nói:
- Mời ông đi tạm đôi giày này kẻo chân lạnh.
Quý Hà Niên tức giận, không từ biệt đi thẳng ra cửa nói:
- Nhà anh là nơi thế nào? Ta không được mang giày vào nhà à? Ta vào ngồi nhà anh là làm cho nhà anh thêm danh tiếng, chứ ta cần quái gì đến đôi giày của anh.
Anh ta đi thẳng một mạch đến chùa Thiên Giới, ra vẻ tức giận. Anh ta cùng ăn cơm với vị tăng ở đấy. Ăn xong thấy trong phòng hòa thượng có một hộp mực rất thơm. Quý Hà Niên hỏi:
- Mực này ông định dùng để viết phải không?
Hòa thượng nói:
- Người cháu của Thi ngự sử hôm qua đưa đến cho tôi, tôi giữ đấy để cho một thí chủ khác (4) chứ tôi không viết.
- Để tôi viết cho một đôi câu đối.
Và chẳng nói, chẳng rằng, anh ta đi thẳng vào phòng lấy ra một cái nghiên lớn, chọn một thỏi mực, đổ một ít nước rồi ngồi trên giường của hòa thượng mà mài mực. Hòa thượng vốn hiểu tính của anh ta nên cũng cố ý khích để anh ta viết. Đang lúc anh ta mài mực cao hứng thì một người đầy tớ vào báo:
- Có ông Thi ở cầu Hạ Phù đến chơi.
Hòa thượng ra đón tiếp. Người cháu của Thi ngự sử bước vào sảnh, nhìn thấy Quý Hà Niên, nhưng hai người không chào nhau, trái lại người kia lại nói chuyện riêng với Hòa thượng. Quý Hà Niên mài mực xong, lấy ra một tờ giấy, trải trên bàn, gọi bốn chú tiểu ra giữ giấy. Anh ta cầm một cái bút đã hỏng chấm đầy mực, nhìn đằng sau tờ giấy một hồi rồi viết ngay một hàng.
Chú tiểu ở mé bên phải động đậy một cái, Quý cầm cái bút dí vào người làm chú tiểu cúi gập người xuống kêu la. Hòa thượng thấy vậy vội vàng đến. Thấy Quý rất giận dữ, hòa thượng khuyên giải và tự mình giữ giấy để anh ta viết cho xong. Người cháu của Thi ngự sử cũng đến xem, sau đó từ biệt hòa thượng. Hôm sau, một người đầy tớ nhà họ Thi đến chùa Thiên Giới gặp Quý và hỏi:
- Ở đây có ông Quý làm nghề viết chữ không?
- Ông muốn hỏi ông ta để làm gì?
- Ông chủ tôi muốn mời ông ta ngày mai đến viết.
Quý nghe vậy nói:
- Được, hôm nay ông ta đi vắng ngày mai tôi nói ông ta đến.
Hôm sau Quý đến nhà Thi ở cầu Hạ Phù. Anh ta vừa vào cửa thì bị người giữ cửa giữ lại hỏi:
- Ông là ai lại muốn vào đây?
- Tôi đến đây để viết.
Người đầy tớ ở trong nhà chạy ra thấy anh ta liền nói:
- Té ra anh! Anh cũng biết viết à?
Rồi đưa anh ta vào phòng khách. Cháu Thi ngự sử ở sau bình phong đi ra, Quý Hà Niên nhìn và mắng:
- Anh là ai mà dám gọi ta đến viết. Ta không tham tiền của anh, không tham thế lực của anh, cũng không mong nhờ gì anh, tại sao anh dám gọi ta đến viết?
Anh ta mắng nhiếc một trận làm cho người cháu của Thi ngự sử cứng họng không nói nên lời, cúi đầu bước vào. Quý mắng, một hồi nữa rồi lại trở về chùa Thiên Giới.
* * *
Lại có một người bán giấy cuốn(5) tên là Vương Thái. Ông cha ngày trước bán rau ở Tam Bài Lâu, nhưng vì người cha nghèo quá nên phải bán cả vườn đi. Từ bé, anh ta rất thích đánh cờ. Khi người cha mất đi, không có gì sinh nhai, anh ta ngày ngày đến cửa Hồ Cứ bán giấy cuốn để sinh sống. Hôm ấy, ở am Diệu Ý, gần đầm Ô Long, có cuộc hội họp. Bấy giờ đang lúc đầu mùa hạ những lá sen mới nở xoè trên mặt nước. Trong am có nhiều con đường quanh co, có nhiều đình, tạ. Du khách kéo nhau vào xem. Vương Thái đi quanh các nơi đến dưới gốc liễu, có một cái bàn đá hai bên có bốn cái ghế đá. Ở đấy có ba bốn ông quan to đứng nhìn hai người đánh cờ. Một người mặc áo màu lam nói:
- Ông Mã của chúng ta ngày thành ở Dương Châu, đánh cờ với những người buôn muối, mỗi ván một trăm mười lạng. Ông ta được hơn hai ngàn lạng bạc.
Một người trẻ tuổi mặc áo màu ngọc thạch nói:
- Ông Mã là tay cao cờ nhất nước, chỉ có ông Biện là có thể địch nổi, nhưng cũng phải bớt đi hai quân. Còn chúng ta thì già đời cũng không sao theo kịp ông Biện được.
Vương Thái cũng lách vào nhìn trộm. Người đầy tớ thấy anh ta áo quần rách rưới, lôi thôi lếch thếch, nên không cho vào. Vị quan ngồi ghế chủ nói:
- Một người như mày thì hiểu cờ sao được.
- Tôi cũng biết chút ít.
Vương Thái đứng nhìn một lát rồi cười hì hì.
Mã nói:
- Anh dám cười à! Anh có giỏi cờ hơn chúng tôi không?
- Có lẽ hơn.
Người chủ nói:
- Anh là người thế nào mà dám đọ cờ với ông Mã?
Biện nói:
- Hắn đã to gan, ăn nói láo lếu, như vậy, ta phải cho hắn một bài học, để sau này đừng có chõ mồm vào khi thấy các cụ nó đang chơi cờ.
Vương Thái không từ chối, bày các con cờ ra, mời Mã đi trước. Những người đứng bên cạnh đều bật cười. Hai người vừa đi được vài nước thì Mã biết anh ta không phải tay vừa. Đi được nửa ván, Mã đứng dậy nói:
- Tôi thua.
Tất cả mọi người đều không hiểu gì.
Biện nói:
- Cứ xem thế cờ thì ông Mã hơi kém một ít.
Mọi người kinh ngạc, giữ Vương Thái lại uống rượu, Vương Thái cười vang nói:
- Trong đời có gì sướng hơn là đánh cờ mà được. Tôi đánh thắng, trong lòng sung sướng quá, không muốn uống rượu nữa.
Nói xong cười khanh khách đứng dậy ra đi không quay lại nhìn.
* * *
Một người khác làm chủ một tiệm trà tên là Cái Khoan. Xưa kia anh ta làm chủ một hiệu cầm đồ. Năm hai mươi tuổi, gia đình giàu có mở hiệu cầm đồ, lại có ruộng đất và hồ ao. Bà con thân thích đều giàu có, nhưng anh ta cho họ là tục, cả ngày chỉ ngồi trong phòng xem sách, làm thơ, anh ta lại thích vẽ. Anh vẽ rất đẹp cho nên có nhiều họa sĩ và nhiều nhà thơ đến thăm.
Mặc dầu tranh của họ vẽ không đẹp bằng tranh của mình, thơ làm không hay bằng thơ của mình. Cái Khoan vốn là người yêu quý tài năng, cho nên có ai đến thăm cũng giữ lại uống rượu. Nhà nào có lễ gia quan, cưới xin, đám ma hay có tế tự gì mà không có tiền đến mượn thì Cái Khoan không bao giờ chối từ, sẵn sàng cho hàng trăm, hàng chục lạng bạc. Những người làm công trong hiệu cầm đồ thấy vậy cho anh ta là một người ngốc, tìm cách lừa dối, vì vậy chẳng bao lâu gia tài hết sạch. Ruộng vườn mấy năm liền bị nạn lụt, mùa màng không ra gì. Có những người đến khuyên anh ta bán đi. Người mua ruộng lại cho là ruộng xấu nên chỉ trả năm sáu trăm lạng, mặc dầu ruộng kia đáng giá một ngàn lạng. Cái Khoan không biết làm sao cũng đành phải bán nốt. Bán được bao nhiêu tiền anh ta không biết dùng để buôn bán cứ đem ra tiêu dùng trong nhà. Chẳng được bao lâu, số tiền hết sạch. Cái Khoan không còn gì nữa chỉ sống nhờ số hoa lợi ở đám đất bồi bên sông, không ngờ có nhiều kẻ không có lương tâm phóng hỏa vào những đống củi của anh ta để ở ngoài sân.
Lại bị vận mệnh không may, bị mấy lần hỏa tai liên tiếp, mấy vạn bó củi ở ngoài sân đều bị thiêu hết. Những bó củi bị đốt dính vào nhau làm thành từng tảng giống như đá ở Thái Hồ, sáng ngời, lóng lánh. Những người đầy tớ đem vài cục cho anh ta xem. Thấy nó hay hay anh ta giữ ở trong nhà. Người nhà nói:
- Đó là cái vật rủi ro, giữ nó làm gì!
Anh ta cũng không chịu tin, giữ ở trong nhà chơi. Đầy tớ thấy không có đám đất bồi, cũng từ giã ra đi. Nửa năm sau, việc kiếm ăn hàng ngày khó khăn... Cái Khoan đành phải bán cái nhà lớn để sống trong một cái nhà nhỏ. Lại được nửa năm, người vợ chết. Anh ta lại đem bán nốt cái nhà nhỏ đi kiếm tiền chôn cất vợ. Bấy giờ, Cái Khoan đành phải đem một đứa con trai và một đứa con gái đến ở hai gian nhà trong một cái ngõ hẻo lánh và mở hiệu bán trà. Anh ta dành gian phòng trong cho hai con ở, phòng ngoài bày mấy cái bàn trà, ở mái hiên để cái hỏa lò nấu nước trà. Phía bên phải là quầy hàng, đằng sau là hai vại đựng đầy nước mưa. Sáng nào Cái Khoan cũng dậy thật sớm, nhóm lửa, quạt than, đổ nước vào lò rồi lại đến quầy hàng ngồi xem thơ, ngắm tranh. Trên quầy hàng để một cái bình cắm mấy bông hoa mới nở, bên cạnh bình hoa là mấy quyển sách cũ. Bao nhiêu đồ đạc trong nhà đều bán hết cả, chỉ còn lại mấy quyển sách cổ này không nỡ bán. Khi nào khách vào uống trà thì Cái Khoan đặt sách xuống, bưng ấm và chén trà đến. Tiền kiếm được chẳng bao nhiêu, cứ mỗi ấm trà được một đồng tiền. Mỗi ngày bán được dộ năm sáu mươi ấm trà kiếm được năm sáu chục đồng tiền vừa đủ tiền mua gạo và mua củi.
Một hôm, Cái Khoan ngồi trong quầy hàng, có một người láng giềng vào nói chuyện. Người láng giềng thấy đến tháng mười mà Cái Khoan vẫn còn mặc áo mùa hạ, bèn hỏi:
- Tôi thấy ông túng thiếu quá chừng. Ngày xưa bao nhiêu người chịu ân huệ của ông nhưng ngày nay không có ai đến đây. Bà con của ông đều giàu có cả. Tại sao, ông không đến bàn với họ, vay một số vốn kha khá để kiếm kế sinh nhai?
- Thưa cụ “thế tình ấm lạnh, lòng người đổi thay”. Ngày xưa tôi có tiền, tôi ăn mặc sang trọng, ngay đến bọn đầy tớ cũng ăn mặc chỉnh tề. Bà con đến thăm tôi, không bao giờ tôi lạnh nhạt. Nhưng ngày nay tình cảnh tôi như thế này, nếu tôi đến thăm họ, dù họ không kính tôi thì bản thân tôi cũng thấy chán. Còn như cụ nói ngày xưa tôi có giúp đỡ nhiều người thì những người ấy đều nghèo cả, họ làm gì có tiền để trả lại tôi. Hiện nay họ cũng đi tìm những nơi nào có tiền chứ họ đến đây để làm gì? Nếu tôi đi tìm họ thì tôi chỉ làm phiền họ mà thôi, không ăn thua gì.
Người hàng xóm thấy anh ta nói chua chát như vậy bèn nói:
- Hôm nay trời mát mẻ, quán lại vắng khách, chúng ta cùng ra cửa nam chơi đi.
- Như thế thì hay lắm. Nhưng tôi không có tiền.
- Tôi có mang theo ít tiền đây, đủ ăn một bữa cơm.
- Như thế thì làm phiền cụ nhiều quá!
Cái Khoan bảo con ra coi hàng rồi cùng đi với người láng giềng ra ngoài cửa nam. Hai người ăn một bữa cơm rau trong một hiệu ăn Hồi giáo mất năm phân bạc. Sau khi trả tiền ăn, hai người đi đến chùa Báo Ân. Họ nhìn điện chính, hành lang phía Nam điện thờ Tam Tạng. Sau đó họ đi vào cửa mua một gói kẹo rồi vào trong một quán trà ở sau tháp để uống trà. Người láng giềng nói:
- Ngày nay khác hẳn ngày xưa, người đi chơi chùa Báo Ân ít hơn trước, họ cũng mua kẹo ít hơn cách đây mười năm.
- Cụ năm nay đã bảy mươi tuổi, chắc đã thấy nhiều việc. Ngày nay không phải như ngày xưa. Ngày xưa nếu một người biết vẽ như tôi sống trong thời Ngu bác sĩ, lúc còn những người danh sĩ thi đâu đến nỗi phải lo lắng bữa ăn. Có ai ngờ đâu việc đời đến nông nỗi này!
- Ông không nói thì tôi cũng quên mất. Ở bên trí Vũ Hoa Đài là đề thờ Thái Bá, ngày xưa do ông Trì Hành Sơn ở Câu Dung làm. Bấy giờ có mời Ngu bác sĩ đến tế, thật là náo nhiệt. Lúc ấy tôi hơn hai mươi tuổi, có chen vào xem, rách cả mũ. Nhưng ngày nay đền thờ này không có ai đoái hoài đến. Nhà cửa đổ nát. Chúng ta uống trà xong cùng đến đấy xem một chút đi.
Ăn một đĩa đậu phụ khô, trả tiền xong, hai người ra đi. Họ trèo lên phía bên trái Vũ Hoa Đài. Xa xa, nhìn thấy đề thờ Thái Bá. Họ bước đến cửa trước thấy năm sáu đứa trẻ con đá cầu ở đấy. Hai cánh cửa lớn đã đổ mất một, nằm lăn xuống đất. Bước vào thấy ba bốn người đàn bà già đang nhặt rau ở ngoài sân. Cửa điện không còn nữa. Tất cả năm gian lầu phía sau đều trống trải, bao nhiêu tấm ván đều mất hết. Hai người đi một vòng. Cái Khoan thở dài nói:
- Một nơi danh thắng như thế này mà nay đổ nát đến thế, không ai chịu sửa chữa. Những người có tiền chịu tốn hàng ngàn lạng bạc để làm nhà tăng, nhà đạo, thế mà nay chẳng ai đứng ra sửa chữa đền thờ thánh hiền cả.
- Ngày xưa Trì tiên sinh mua rất nhiều, đồ dùng đều làm theo kiểu đời xưa để vào trong mấy cái tủ lớn ở dưới lầu. Nhưng ngày nay cả đến cái tủ cũng không còn!
- Cụ nhắc đến việc xưa chỉ làm người ta thêm thương tâm. Chúng ta trở về nhà thì hơn.
Hai người chầm chậm trở về. Người hàng xóm của Cái Khoan nói:
- Chúng ta cùng lên đỉnh Vũ Hoa Đài xem đi.
Hai người ngắm núi bên kia sông, màu xanh cánh trả, nhìn những chiếc thuyền qua lại, cột buồm hiện lên rõ từng chiếc một. Mặt trời dần dần lặn sau núi. Hai người chậm rãi bước xuống núi trở về thành. Cái Khoan lại bán trà được nửa năm. Tháng ba năm sau có người mời Cái Khoan dạy học tiền lương tám lạng.
* * *
Một người khác làm thợ may tên là Kinh Nguyên, đã ngoài năm mươi tuổi, mở hiệu may ở đường Tam Sơn. Mỗi ngày, sau khi công việc xong, còn bao nhiêu thì giờ thì anh ta đánh đàn, viết chữ. Tính rất thích làm thơ. Bạn bè và những người quen biết hỏi anh ta rằng:
- Ông đã là người phong nhã như vậy, tại sao vẫn còn làm cái nghề này? Tại sao ông không chơi với những người ở trong trường học?
Anh ta đáp:
- Không phải tôi muốn làm người phong nhã đâu. Chỉ vì tôi thích cho nên tôi thường làm. Còn nghề mọn của tôi là do cha ông truyền lại, có lẽ nào làm nghề may áo quần lại làm nhơ bẩn đến việc đọc sách hay sao? Vả chăng những người ở trong trường học không như chúng ta đâu, đời nào họ lại chơi bời với chúng ta! Nay mỗi ngày tôi kiếm được sáu bảy phân bạc, sau khi ăn no, tôi muốn đánh đàn hay viết chữ là tùy ý tôi. Tôi không muốn giàu có, phú quý, cũng không muốn phải luồn luỵ ai. Cứ sống như thế này, ung dung ngất ngưởng há chẳng sướng sao?
Khi những người bạn nghe vậy, họ bắt đầu đối đãi với anh ta một cách lạnh nhạt.
Một hôm Kinh Nguyên ăn cơm xong không có việc gì làm, đến núi Thanh Lương chơi. Núi Thanh Lương là nơi yên tĩnh nhất ở trong thành Nam Kinh. Anh ta có một người bạn già họ Vu ở sau núi. Cụ Vu không đọc sách, cũng không buôn bán, nuôi năm người con, người con đầu bốn mươi tuổi, người con út hơn hai mươi tuổi. Cụ Vu đang bảo các con tưới vườn. Vườn rộng hai ba trăm mẫu, chỗ ở giữa để trống để trồng hoa, trồng cây và đắp một hòn núi giả. Ở đấy cụ Vu dựng mấy gian nhà tranh tự tay mình trồng mấy cây ngô đồng to đến bốn mươi vòng ôm. Sau khi bảo các con tưới vườn xong, cụ Vu vào nhà, nhóm lửa, uống trà, nhìn cảnh vườn xanh mát. Hôm ấy Kinh Nguyên đến chơi. Cụ Vu nói:
- Đã lâu tôi không gặp ông. Việc làm ăn bận rộn lắm phải không?
- Vâng! Hôm nay tôi mới có thì giờ rảnh đến đây thăm cụ!
- Tôi vừa đun một ấm trà, mời ông uống một chén.
Bèn rót một chén trà. Kinh Nguyên đỡ lấy ngồi uống, nói:
- Trà này sắc, hương, mùi vị đều tốt. Cụ lấy nước ở đâu mà ngon thế?
- Chúng tôi ở phía tây thành sướng hơn ở phía nam thành. Giếng nào ở đây cũng uống được.
- Người xưa nói đến Nguồn Đào, thoát khỏi nợ trần! Cứ theo ý tôi, cần gì có Nguồn Đào. Cứ sống như cụ đây, yên tĩnh, tự tại thì ở ngay thành thị, sơn lâm, cũng là vị tiên sống hiện nay rồi!
- Phải! Nhưng có một việc tôi không làm được là làm thế này gẩy được đàn cầm như ông cho tiêu khiển đôi chút. Độ này chắc ông chơi đàn hay hơn trước chứ! Có khi nào ông gẩy cho tôi nghe được không?
- Cái đó dễ lắm. Nếu cụ không sợ rác tai, ngày mai tôi sẽ đem đàn cầm đến. Nói chuyện một hồi Kinh Nguyên từ biệt ra về.
Hôm sau, Kinh Nguyên thân hành mang đàn cầm đến vườn. Cụ Vu đã đốt sẵn một lò hương thơm ngồi đợi ở đấy. Hai người gặp nhau, nói mấy câu chuyện, cụ Vu đặt đàn cầm của Kinh Nguyên lên ghế đá. Kinh Nguyên ngồi trên chiếu trải dưới đất, cụ Vu ngồi cạnh Kinh Nguyên dần dần lên dây và bắt đầu gẩy đàn. Tiếng đàn thánh thót rung động ngàn cây. Chim chóc đều đỗ trên cành lắng nghe. Đàn một hồi, âm thanh rung chuyển, tiếng nghe não nuột. Nghe đến chỗ sâu xa, bí ẩn, cụ Vu không ngờ thấy buồn bã nước mắt đầm đìa. Kinh Nguyên từ biệt ra về. Từ đấy hai người thường đến nhà nhau chơi.
* * *
Các bạn! Có lẽ nào từ nay về sau không còn có vị hiền nhân quân tử nào có thể vào quyển “Sử của Rừng nho” nữa chăng?
Có bài từ nói:
Nhớ lúc năm xưa, ta yêu Tần Hoài(6) bèn lìa cố hương Tới sau lò Mai Căn(7) mấy phen ngâm ngợi Trong làng Hoa Hạnh, nhiều lúc thênh thang!
Phượng đậu cây cao,
Dế ngâm bụi nhỏ,
Với người đời cũng chút vênh vang Nay thôi hẳn! Lột trần áo mũ, chân rửa sông Thương(8)
Ngồi buồn rót chén quỳnh tương!
Gọi mấy người bạn mới chén một tràng Ôi trăm năm mấy chốc! Cần gì buồn bực. Ngàn thu việc lớn, cần chi lo lường.
Giang Tả khói mây
Hoài Nam kỳ cựu(9)
Chép lại thành thơ, thảy đoạn trường
Từ nay về sau,
Lò thuốc, quyển kinh,
Cửa phật tựa nương.
HẾT
----------------------------
(1) 1595.
(2) Những học trò giỏi của Khổng Tử có tiếng về mặt đức hạnh.
(3) Lễ gia quan: ở Trung Quốc ngày xưa, khi con trai lên hai mươi tuổi thì làm lễ gia quan. Người cha trao mũ cho con ý nói từ nay con đã thành người lớn.
(4) Thí chủ: người hay biếu nhà chùa lễ vật, tiền bạc.
(5) Giấy cuốn lại để nhen lửa.
(6) Sông Tần Hoài ở Nam Kinh.
(7) Lò Mai Căn: một nơi đẹp ở Nam Kinh, ngày xưa đời Lục triều đúc sắt ở đây. Lò Mai Căn và làng Hoa Hạnh là cổ tích ở huyện Quý Từ tỉnh An Huy.
(8) Sông Thương, tức là sông Hán Thuỷ ở Hoa Nam.
(9) Kỳ cựu: bạn cũ.