Hồi 31
Tác giả: Ngô Kính Tử
Đỗ Thận Khanh mở hội, Bão Đình Tỷ thấy Đỗ tiêu nhiều tiền quá trong lòng kinh ngạc, bèn nghĩ thầm:
“Ông ta là người khẳng khái, tại sao ta không nhân đó mượn vài trăm lạng để lập một ban hát kiếm ăn như ngày trước. Chủ ý đã định, Đình Tỷ ngày nào cũng đến nhà bên bờ sông, săn sóc lo lắng đến nỗi Đỗ không ngờ như thế. Một hôm, đêm đã khuya, tất cả tôi tớ trong nhà đều đi ngủ hết, hai người nói chuyện tâm sự với nhau. Đỗ nói:
- Ông Bão. Ông hiện nay sinh sống như thế nào? Phải tìm một công việc gì mà làm mới được?
Bão Đình Tỷ nghe câu hỏi ấy liền quỳ xuống đất. Đỗ giật mình đỡ y dậy mà rằng:
- Anh làm cái gì thế? - Con là môn hạ của ông được ông hỏi như vậy thực ông lượng rộng như trời như biển. Nhưng con xuất thân làm nghề dạy hát tuồng, ngoài cái nghề ấy ra con không biết làm cái nghề nào khác. Xin ông thương con, giúp cho con vài trăm lạng để lập một ban hát như ban hát trước. Khi nào con kiếm ra tiền thế nào con cũng xin đưa lại.
- Cái đó thì dễ. Ngồi xuống rồi tôi bàn với ông. Vài trăm lạng bạc thì không đủ để lập một ban hát được. Ít nhất cũng phải mất đến ngàn lạng. Ở đây không có ai ngoài tôi và ông nên tôi cũng không giấu giếm gì ông hết. Nhà tôi tuy có một hai ngàn lạng bạc thật đấy, nhưng hiện nay tôi không muốn tiêu đến. Vì sao? Vì trong một hai năm nữa tôi sẽ thi đỗ và đỗ thì phải tiêu. Cho nên tôi phải giữ tiền để dùng vào việc ấy. Còn về việc ban hát của ông, thì tôi mách một người có thể giúp ông. Làm thế cũng như là tôi giúp ông vậy. Nhưng ông không được cho ông ta biết rằng chính tôi nói với ông điều ấy nhé!
- Ngoài ông ra ở đây còn có ai giúp tôi nữa?
- Ông đừng lo, hãy nghe tôi nói đã. Họ hàng chúng tôi có tất cả bảy ngành chính. Cụ Thượng thư bộ Lễ thuộc ngành thứ năm. Trước đây hai đời, cụ đứng đầu chi họ ngành thứ bảy thi đỗ trạng nguyên, ông con làm tri phủ phủ Cống Châu ở Giang Tây. Ông ấy là bác tôi và người con của ông là người anh họ thứ hai mươi lăm của tôi tên là Nghi, hiệu là Thiếu Khanh. Ông này kém tôi hai tuổi và đã đỗ tú tài. Bác tôi là một ông quan thanh bạch. Tổ tiên để lại một ít nhà cửa, ruộng vườn. Sau khi bác tôi chết để lại gia tài trên dưới một vạn lạng bạc. Nhưng Thiếu Khanh là người ngốc, tiêu xài như là người có mười mấy vạn lạng. Ông ấy không biết phân biệt bạc tốt hay bạc xấu, thế mà lại rất thích giúp đỡ người khác. Bất kỳ ai đến kể cảnh nghèo khổ của mình cũng được ông ta cho nhiều tiền. Bây giờ ông ở đây giúp tôi ít lâu. Đến mùa thu mát trời, tôi sẽ đưa tiền đi đường cho ông đến nhà ông anh họ tôi. Tôi cam đoan với ông, thế nào ông cũng có một ngàn lạng bạc.
- Lúc bấy giờ xin ông viết cho con một bức thư cho con cầm đi.
- Không được! Viết thư thì nhất định không được. Ông ta chỉ muốn làm người giúp đỡ duy nhất, người chiếu cố duy nhất đến người khác mà thôi. Ông ta không muốn ai nhúng tay vào việc giúp đỡ ấy. Nếu tôi viết thư thì ông ta cho rằng tôi đã giúp anh rồi, và ông ta sẽ giận nên không giúp anh nữa. Nhưng trước tiên ông phải đến tìm một người.
- Tìm ai?
- Ông anh họ tôi có một ông quản gia già họ Thiệu. Ông có biết người ấy không?
Bão suy nghĩ một lát rồi nói:
- Lúc thầy con còn sống thì ông Thiệu có bảo chúng con đến diễn tuồng để mừng sinh nhật bà cụ chủ. Con cũng được thấy cả cụ tri phủ Cống Châu.
- Thề thì tuyệt! Ông Thiệu bây giờ đã chết rồi. Người quản gia hiện nay là lão Vương Râu. Hắn là một thằng hết sức hèn hạ nhưng ông anh họ tôi lại hết sức tin cậy. Ông anh họ tôi có một cái bệnh như thế này: Hễ ai mà nói biết đến ông cụ thân sinh anh tôi thì dầu hắn là con chó, anh tôi vẫn kính trọng như thường. Vậy, trước tiên ông phải đến gặp lão Vương Râu. Thằng cha này thích uống rượu. Nếu ông mua rượu cho hắn uống và nhờ hắn nói với chủ rằng: ông là người cụ phủ ngày xưa thích nhất thì ông anh họ tôi sẽ cho ông vô khối tiền tiêu. Ông ta có tính không thích người ta gọi ông là “lão gia” (cụ chủ). Ông cứ gọi ông ta là “thiếu gia” (ông chủ trẻ) ông ta lại có một cái tật như thế này: ông không thích người ta nói chuyện về các quan hay những người giàu trước mặt mình. Chẳng hạn nói với ông ta rằng Hướng tri phủ trước kia rất tốt với ông. Đừng nói với ông ta điều đó. Cứ để ông ta tin rằng ông ta là người duy nhất đã che chở ông, giúp đỡ ông và nếu ông ta hỏi ông có biết tôi không thì cứ trả lời là không biết(1).
Bão nghe vậy trong lòng mừng rỡ, hết sức giúp đỡ việc nhà cho Đỗ. Hai tháng nữa, vào cuối tháng bảy, trời bắt đầu mát. Đình Tỷ xin Thận Khanh hai lạng bạc, thu xếp hành lý để qua sông đi Thiên Trường.
Ngày thứ nhất, Bão qua sông đến ngủ ở huyện Lục Hợp, ngày thứ hai, Bão dậy sớm đi độ mười dặm đến một nơi gọi là đồi Tứ Hiệu. Bão vào một cái quán ngồi. Đang định gọi đem nước ra rửa mặt, thì thấy một cái kiệu dừng ở trước cửa. Ở trên kiệu bước xuống một cụ già, đầu đội mũ vuông, mình mặc áo sa trắng, chân đi giày lụa đỏ có cái mũi đỏ của một tay bợm rượu và bộ râu dài, bạc như sợi tơ. Cụ già vừa bước vào hiệu, thì chủ quán vội chạy ra đỡ lấy hành lý.
- Cụ Vi thứ tứ đã đến đấy à? Xin mời cụ vào!
Cụ Vi bước vào nhà. Đình Tỷ đứng dậy vái chào, cụ Vi đáp lễ. Đình Tỷ mời cụ Vi ngồi ghế trên, mình ngồi ghế dưới và hỏi:
- Ngài họ Vi, vậy ngài làm ơn cho biết ngài ở đâu?
- Tôi họ Vi, ở trấn Ô Y thuộc Từ Châu. Ông họ là gì và ở đâu?
- Tôi họ Bão người Nam Kinh đến phủ trạng nguyên ở Thiên Trường thăm ông Đỗ Thiếu Gia.
- Ông Đỗ nào? Đỗ Thận Khanh hay Đỗ Thiếu Khanh?
- Đỗ Thiếu Khanh.
- Gia đình ông Đỗ có sáu bảy mươi người, nhưng chỉ có hai người này giao du với các tân khách bốn phương, còn những người khác toàn đóng cửa, bo bo giữ lấy ruộng vườn và lo thi cử. Tôi hỏi ông Đỗ nào trong hai người là vì vậy. Cả hai đều là tay nổi tiếng ở khắp miền Trường Giang này. Thận Khanh là người phong nhã, nhưng tôi thấy ông ta có vẻ uỷ mị một chút. Còn Thiếu Khanh là một người hào kiệt. Tôi cũng đến nhà thăm ông ta đây. Chúng ta ăn cơm rồi cùng đi.
- Cụ có phải là bà con với Đỗ phủ không?
- Tôi là bạn học rất thân với cụ phủ Cống Châu từ khi còn nhỏ.
Đình Tỷ nghe vậy lại càng kính trọng. Ăn cơm xong, Vi lên kiệu, bão thuê lừa cưỡi để cùng đi đến cổng thành huyện Thiên Trường. Vi xuống kiệu nói:
- Ông Bão! Chúng ta cùng vào Đỗ phủ đi. - Cụ cứ lên kiệu đi trước. Tôi còn đến nhà gặp người quản gia rồi đến gặp thiếu gia cũng được.
- Tốt lắm!
Cụ Vi lên kiệu đi thẳng vào Đỗ phủ. Người giữ cổng vào báo tin. Thiếu Khanh vội vàng ra mời vào nhà khách. Thiếu Khanh nói:
- Đã nửa năm nay xa cách, cháu chưa đến thăm bác và bác gái. Sức khỏe của bác mấy lâu nay như thế nào?
- Cám ơn! Đều mạnh khỏe cả. Đầu mùa thu này ở nhà rỗi, tôi nhớ đến vườn hoa trong phủ anh hoa quế chắc chắn nở đầy cho nên tôi đến đây thăm anh rồi cùng uống rượu.
- Uống trà xong mời bác vào thư phòng ngồi chơi! Người đầy tớ bưng trà lên, Đỗ Thiếu Khanh dặn: - Mang hành lý của cụ Vi vào thư phòng rồi trả tiền cho người khiêng kiệu để cho họ đi nhé.
Thiếu Khanh dẫn cụ Vi theo một con đường nhỏ quanh co ở sau nhà khách đi vào vườn hoa. Trong vườn hoa, có ba gian phòng, cửa nhìn ra hướng đông. Một cái lầu ở bên trái, do Đỗ trạng nguyên ngày xưa làm, gọi là lầu tứ thư. Trước lầu là một cái sân rộng, có một bồn hoa mẫu đơn, một bồn hoa thược dược, và hai câu quế rất lớn, hoa nở thực đẹp. Đối diện với nó là ba gian nhà để nghỉ mát. Có ba gian thư phòng nhìn ra một cái hồ con... Một cái cầu bắc ngang qua hồ đưa người ta đến một cái phòng kín đáo là chỗ Đỗ Thiếu Khanh thường đọc sách một mình. Thiếu Khanh mời cụ Vi vào cái thư phòng nhìn ra hướng Nam. Hai cây hoa quế ở trước cửa sổ. Cụ Vi ngồi xuống và hỏi:
- Ông Lâu còn ở đây không? - Bác Lâu gần đây rất yếu. Cháu để bác vào phòng trong nghỉ. Bác vừa ngủ sau khi đã uống thuốc nên không ra chào bác được.
- Nếu ông ta đau, tại sao không để ông ta về nhà? - Cháu đã đưa con, cháu bác ấy đến đây để hầu hạ thuốc thang, cháu cũng sớm chiều chăm sóc thêm.
- Ông ta đã làm việc với gia đình ông hơn ba mươi năm nay, mà không có của cải gì sao? Ông ta không mua được sản nghiệp nào cả sao?
- Sau khi ông cụ cháu được bổ làm tri phủ ở Cống Châu thì cụ cháu giao tất cả nhà cửa, ruộng vườn cho bác ấy coi sóc. Bác Lâu hoàn toàn trong nom việc tiền ra tiền vào, không bao giờ ông cụ cháu hỏi qua một lời. Nhưng ngoài tiền lương một năm bốn mươi lạng bạc ra, thì bác ấy không động đến một đồng tiền nhỏ. Đến lúc thu tô, bác Lâu thân hành về đến nhà tá điền, họ dọn ra hai món ăn thì bác ấy chỉ ăn có một và bảo cất đi một. Con cháu đến thăm, bác ấy chỉ cho ở một hai ngày rồi bảo về không bao giờ cho một đồng, trừ tiền đi ăn đường. Có khi bác ấy khám cả túi chúng để yên trí là chúng không lấy tiền bọn quản gia cho chúng. Khi nào thu tô, thấy thân thích bằng hữu thiếu thốn là bác ấy tìm hết cách giúp đỡ. Cụ tôi biết vậy nhưng không hề hỏi. Có người thiếu tiền không sao trả được thì bác ấy đốt văn tự. Ngày nay, mặc dầu bác ấy đã già với hai đứa con trai và bốn đứa cháu trai, nhưng bác vẫn nghèo xác, nghèo xơ. Cháu rất lấy làm áy náy về việc đó.
Cụ Vi thở dài mà rằng:
- Thật là con người quân tử đời xưa
Và hỏi:
- Ông Thận Khanh ở nhà có mạnh khỏe không?
- Anh cháu đã đi Nam Kinh.
Vừa lúc ấy, quản gia Vương Râu tay cầm một cái thiếp đỏ đứng ngoài cửa sổ không dám đi vào. Thiếu Khanh nhìn thấy hỏi:
- Ông Vương có việc gì thế? Ông cầm cái gì thế?
Vương Râu liền đến thư phòng đưa danh thiếp vào bẩm:
- Có một người họ Bão ở Nam Kinh làm nghề hát tuồng mấy năm nay đi các nơi kiếm ăn, hiện nay vừa về. Anh ta vừa qua sông đến đây hầu thăm thiếu gia.
- Nếu anh ta là con hát thì nói trong nhà ta có khách, không thể tiếp anh ta được. Trả tờ thiếp này lại cho anh ta để anh ta đi.
- Anh ta nói rằng xưa kia anh ta chịu ơn cụ phủ cho nên muốn đến đây tạ ơn thiếu gia.
- Ông cụ ta có giúp đỡ anh ta thật không?
- Thưa có ạ. Năm xưa ông Thiệu thuê ban hát ông ta ở bên kia sông, và cụ phủ rất thích anh chàng Bão Đình Tỷ này. Cụ có hứa sẽ giúp đỡ anh ta.
- Nếu vậy thì dẫn anh ta vào.
Cụ Vi nói:
- Tôi gặp anh ta trên đường cái.
Vương Râu đi ra đưa Bão Đình Tỷ vào ra vẻ rất khúm núm. Đình Tỷ nhìn thấy vườn hoa bát ngát mênh mông. Vừa đến cửa thư phòng, Bão thấy Đỗ Thiếu Khanh đang ngồi nói chuyện với một người khách. Đỗ đầu đội mũ vuông, mình mặc áo xám đi giày có ngọc châu. Da mặt hơi vàng, đôi mày xếch như lưỡi kiếm giống như bức tranh vẽ lông mày Quan Công. Vương Râu nói:
- Thiếu Gia ở đấy anh cứ đi vào.
Đình Tỷ vào, quỳ xuống đập đầu. Thiếu Khanh đỡ dậy mà rằng:
- Chúng ta là người quen cũ cả mà! Cần gì phải lễ phép thế.
Đình Tỷ đứng dậy vái chào Đỗ xong, lại vái chào cụ Vi. Đỗ mời Bão ngồi ở cái ghế thấp. Bão nói:
- Con mang ơn cụ phủ thật là sâu nặng, sau này dù thịt nát xương tan cũng khó lòng trả được. Mấy năm nay con làm ăn cùng quẫn, phải đi lưu lạc kiếm ăn không sao trở về hầu thăm Thiếu Gia được. Hôm nay mới về nhà thăm Thiếu Gia, xin Thiếu Gia tha lỗi cho.
- Vừa rồi, ông Vương nói ông thân của tôi rất thích anh và có ý muốn giúp đỡ anh. Bây giờ anh đã đến đây thì hãy ở đây để ta xem có thể giúp anh được việc gì không?
Vương Râu nói: - Tiệc đã dọn rồi, Thiếu Gia muốn ăn ở đâu? Cụ Vi nói:
- Tại sao không ăn ở đây!
Đỗ ngần ngừ một lát rồi nói:
- Còn mời một người khách nữa.
Bèn gọi một người đầy tớ ở trong thư phòng là Gia Tước.
- Gia Tước! Mày ra cửa sau mời ông Tương lại đây! Gia Tước vâng dạ đi ra. Một lát sau đưa vào một người mắt to, râu mép vàng hoe, đầu đội một cái mũ hình miếng ngói, mình mặc một cái áo rộng bằng vải, rụt rè khép nép giả dáng văn nhân. Bước vào, y thi lễ, ngồi xuống và hỏi tên cụ Vi. Cụ Vi nói tên họ mình xong quay lại hỏi:
- Ông cho biết tên họ?
- Tôi họ Trương tên tự là Tuấn Dân, mấy lâu nay là môn hạ của Đỗ Thiếu Gia. Tôi có biết một ít thuốc, Thiếu Gia cho mời tôi đến săn sóc hàng ngày cho ông Lâu. Nhân tiện, Trương Tuân Dân hỏi:
- Hôm nay ông Lâu uống thuốc như thế nào?
Đỗ Thiếu Khanh sai Gia Tước đi hỏi. Một lát sau, Gia Tước trở vào bẩm:
- Ông Lâu uống thuốc xong ngủ được một giấc, bây giờ đã tỉnh và đã thấy khoai khoái hơn một chút.
Trương Tuấn Dân lại hỏi:
- Vị này là ai?
Đỗ Thiếu Khanh nói:
- Ông Bão bạn tôi ở Nam Kinh lại.
Tiệc bày ra, mọi người ngồi ăn. Cụ Vi ngồi ghế đầu, Trương Tuấn Dân ngồi đối diện, Đỗ Thiếu Khanh ngồi ghế chủ, bão Đình Tỷ ngồi ghế dưới. Rót rượu uống một lượt. Đồ nhắm đều là ở trong nhà làm ra, rất là tinh khiết. Trong các thức nhắm, có thứ giò thui treo đã ba năm nay, những con cua, mỗi con nặng nửa cân đã bóc mai để nấu canh. Mọi người ăn. Cụ Vi hỏi Trương Tuấn Dân:
- Chắc trong nghề làm thuốc của ông, ông đã đạt đến chỗ cao minh.
- Đọc thuộc sách của Vương Thủ Hoà(2) cũng không bằng có kinh nghiệm trị bệnh. Không dám nói dối gì, tôi tuy không đọc được nhiều sách, nhưng đã chữa bệnh rất nhiều. Gần đây được Thiếu Gia dạy bảo, tôi mới thấy cần phải đọc sách. Vì vậy đứa con tôi, tôi chưa dạy nó học thuốc vội, hãy đón một ông đồ dạy văn chương cho nó đã. Tôi có đưa những bài văn nó viết cho Thiếu Gia xem, Thiếu Gia cũng có phê vào bài. Tôi về nhà học thuộc những lời phê ấy nên cũng biết đôi chút về văn chương. Sau này, hai năm nữa, tôi sẽ cho con tôi đi thi ở huyện kiếm hai bữa bánh. Khi treo biển nó sẽ đồng thời là một nhà nho kiêm thầy thuốc.
Cụ Vi nghe nói vậy, cười khanh khách, Vương Râu lại cầm một tờ danh thiếp vào bẩm:
- Ngày mai ông Uông chủ hiệu buôn muối ở cửa Bắc ăn sinh nhật. Ông ta có mời quan huyện đến và mời Thiếu Gia đến để tiếp quan huyện. Ông ta mong mỏi Thiếu Gia thế nào cũng đến cho.
Đỗ Thiếu Khanh nói: - Nói với ông ta rằng ta ở nhà có khách không đến dự tiệc được. Cái lão kia thật buồn cười! Nếu hắn muốn làm việc này cho rầm rộ thì cứ việc mời những người đỗ cử nhân, tiến sĩ trong huyện để họ tiếp quan huyện! Ta có thì giờ đâu mà tiếp khách cho hắn.
Vương Râu vâng dạ đi ra. Đỗ nói với cụ Vi: - Bác tửu lượng rất cao. Trước đây bác thường ngồi uống rượu với thầy cháu đến nửa đêm. Hôm nay, xin mời bác uống cho thật say.
- Phải! Này anh! Tôi có một câu chuyện, không tiện nói ra. Hôm nay các thức nhắm của anh đều ngon cả nhưng rượu này mua ở ngoài chợ nên chỉ ngon một phần thôi. Anh có một vò rượu trong nhà ít nhất đã cất được tám chín năm. Tôi chắc hiện nay đang còn.
- Cháu không biết chuyện đó.
- Anh không biết được đâu! Năm ông cụ của anh đi làm quan ở Giang Tây, tôi tiễn cụ đến tận thuyền, cụ nói với tôi: “Tôi có chôn một vò rượu ở trong nhà. Khi nào hết hạn làm quan trở về nhà, chúng ta sẽ cùng uống với nhau một trận ra trò”. Vì vậy cho nên tôi nhớ mãi đến nay. Tại sao anh không hỏi người nhà xem.
Trương Tuấn Dân cười mà rằng:
- Câu chuyện này cố nhiên Thiếu Gia không thể biết được!
Đỗ Thiếu Khanh đi vào hỏi người nhà. Cụ Vi nói:
- Đỗ Thiếu Khanh tuy còn trẻ nhưng ở trong chúng ta, ông thực là một con người hào kiệt.
Trương nói:
- Thiếu gia là người hết sức tốt, nhưng có một điều ông ta quá rộng rãi bất kỳ ai xin ông ta, ông ta cũng dốc bạc ra mà cho.
Bão Đình Tỷ nói:
- Trong đời con, chưa bao giờ con thấy một người rộng rãi hào hiệp như Đỗ Thiếu Gia.
Thiếu Khanh đi vào nhà trong hỏi vợ xem có biết gì về vò rượu ấy không. Nhưng người vợ nói không biết. Hỏi tất cả những người đầy tớ trai, đầy tớ gái cũng không ai biết. Cuối cùng, hỏi đến vú già là bà Thiệu thì người vú già nhớ lại và nói:
- Quả có một vò rượu như thế thực! Năm cụ nhà ta làm tri phủ, có cất một vò rượu và đem chôn ở cái phòng nhỏ đằng sau cái nhà thứ bảy. Cụ nói là để dành cho cụ Vi uống. Rượu nấu gồm hai đấu bếp, hai mươi cân men lại thêm hai mươi cân tinh rượu. Tuyệt nhiên không có một giọt nước lã nào. Nay đào lên thì vừa đúng chín năm bảy tháng. Rượu này uống say chết người. Nếu lấy ra xin Thiếu Gia đừng uống.
Đỗ Thiếu Khanh nói:
- Ta biết rồi.
Đỗ cùng hai người đầy tớ đi vào bảo người vú già lấy chìa khóa mở cửa. Mấy người đào hũ rượu lên và đem vào thư phòng. Thiếu Khanh gọi:
- Bác ơi! Tìm được vò rượu ấy rồi.
Cụ Vi và hai người khách chạy lại xem và nói:
- Đúng
Hũ rượu được mở ra, họ múc ra một chén, thấy rượu đặc như nếp, quánh lên ở trong chén, mùi hương sặc lên mũi. Cụ Vi nói:
- Tốt lắm! Rượu này không phải uống như các thứ rượu khác đâu! Anh cho người ra ngoài phố mua mười cân rượu đem về đây trộn lẫn với nó rồi mới uống được. Hôm nay chưa nên uống, hãy để đấy. Đến mai chúng ta sẽ uống suốt một ngày. Hai vị sẽ cùng uống với chúng ta.
Trương nói:
- Cố nhiên là tôi đến tiếp các vị.
Bão Đình Tỷ nói:
- Con là người như thế nào mà lại được uống thứ rượu cụ cố để lại! Ngày mai là ngày sung sướng nhất trong đời con!
Một lát sau, Gia Tước được lệnh cầm đèn lồng tiễn Trương Tuấn Dân về nhà. Đinh Tỷ ngủ lại ở thư phòng với cụ Vi. Thiếu Khanh đợi cho cụ Vi ngủ say rồi mới đi nghỉ.
Sáng hôm sau, Bão dậy sớm đến phòng Vương Râu. Gia Tước cùng ngồi ở đấy với một người đầy tớ nữa. Vương Râu hỏi Gia Tước:
- Cụ Vi đã dậy chưa?
Gia Tước đáp:
- Cụ đã dậy và đang rửa mặt. Vương Râu lại hỏi người đầy tớ kia:
- Thiếu Gia đã dậy chưa?
- Thiếu Gia đã dậy từ lâu, hiện đang ở trong phòng ông lâu xem sắc thuốc.
Vương Râu nói:
- Ông chủ của chúng ta thật là một người kỳ quặc! Ông Lâu chẳng qua chỉ là người đày tớ của cụ phủ ngày trước mà thôi. Ông ta đau ốm thì chỉ cần cho vài lạng bạc rồi cho về nhà. Thế là xong! Chứ giữ ông ta ở đây, đối đãi như ông nội, chầu chực từ sáng đến tối như thế để làm gì?
- Người đầy tớ nói:
- Ông Vương! Tại sao ông nói như vậy? Khi chúng tôi nấu xong cháo hay đồ ăn cho ông Lâu ăn, con cháu ông Lâu xem Thiếu Gia vẫn cho là chưa đủ nên phải thân hành xem, rồi mới đưa cho ông Lâu ăn. Hộp nhân sâm ở trong phòng bà chủ là do bà chủ tự tay bào chế lấy, còn thuốc thì chẳng nói làm gì. Sáng chiều, nếu ông chủ không thân hành mang sâm đến, thì bà chủ lại tự tay mang đến cho ông Lâu. Nếu ông chủ nghe ông nói như vậy thì ông mắng cho một trận đấy!
Vừa lúc ấy người giữ cổng bước vào:
- Ông Vương! Ông mau mau vào báo rằng ông Tang đã đến, ông ta đang ngồi ở ngoài nhà khách đợi Thiếu Gia.
Vương Râu nói với người đầy tớ:
- Anh vào mà tìm Thiếu Gia ở trong phòng của ông Lâu. Tôi không vào đó để hỏi thăm sức khỏe ông ta đâu.
Đình Tỷ nói:
- Như vậy càng tỏ rằng Thiếu Gia là người nhân hậu!
Người đày tớ vào mời Thiếu Khanh ra gặp Tang Tang vái chào, ngồi xuống. Thiếu Khanh nói:
- Anh Ba! Đã lâu tôi không gặp anh. Hội thơ văn của anh độ này có gì vui không?
- Tôi nghe người giữ cổng nói anh có một người khách ở xa lại đây. Thận Khanh ở Nam Kinh vui thú quá quên cả về nhà.
- Bác Vi ở Ô Y hiện nay ở đây. Hôm nay tôi đang làm một bữa tiệc để thết đãi bác ấy. Thế nào anh cũng phải ở lại đây với chúng tôi. Chúng ta hãy cùng vào thư phòng đi.
- Hãy ngồi xuống đã! Tôi có một việc muốn bàn với anh. Quan phụ mẫu ở huyện là thầy học của tôi. Ông ta nhiều lần nói với tôi rằng ông ta rất cảm phục tài năng của anh. Khi nào anh cùng tôi lên thăm ông ta đi!
- Cái trò đi lạy quan huyện làm thầy thì tôi để phần anh. Không cần nói thời ông cố của tôi và thời ông nội của tôi làm gì. Nói ngay thời cha tôi thôi. Biết bao ông huyện đã đến đây. Thật ra, nếu ông ta ngưỡng mộ tài năng của tôi, tại sao ông ta không đến thăm tôi trước, mà lại bắt tôi phải đến thăm ông ta. Vì tôi không may đỗ tú tài nên hễ gặp quan huyện là phải gọi ông ta là thầy phải không? Ông Vương kia là đỗ tiến sĩ hủ lậu, ông ta muốn gọi tôi làm thầy tôi còn chưa chịu nhận nữa là. Bây giờ tôi đến thăm ông ta để làm cái gì? Vì vậy nên hôm nay nhà họ Uông buôn muối cho mời tôi đến tiếp quan huyện thì tôi từ chối ngay.
- Chính vì vậy cho nên hôm nay tôi mới đến đây. Hôm qua nhà họ Uông có nói với quan huyện Vương rằng ông ta mời anh đến tiếp cho nên quan huyện mới chịu đến nhà, cốt để gặp anh. Bây giờ nếu anh không đến thì người ta sẽ cụt hứng. Vả chăng, khách khứa hiện nay hãy còn ở đây cả. Anh cứ đi hôm nay, mai về tiếp cũng được chứ sao! Hay là, tôi sẽ tiếp khách thay anh để cho anh đến nhà ông Uông.
- Thôi anh Ba! Anh không phải nói làm gì cho mệt. Người thầy của anh không phải là kẻ yêu người hiền tài đâu. Ông ta chỉ muốn có người xin làm học trò để nhận lễ vật mà thôi. Ông ta muốn nhận tôi là học trò ư? Ông ta mê ngủ sao? Dầu sao hôm nay tôi cũng có khách. Tôi đã nấu bảy cân thịt vịt, đã đào được một vò rượu cất chín năm rưỡi nay. Nhà họ Uông không thể có cái gì ngon như thế để đãi tôi đâu! Không nói dài lời, anh và tôi vào thư phòng đi.
Đỗ kéo Tang đi vào. Tang nói: - Khoan đã! Làm cái gì mà rối lên thế! Tôi chưa bao giờ gặp ông Vi cả. Để tôi viết một cái danh thiếp chứ.
- Tốt lắm! Đỗ bảo đầy tớ mang nghiên bút và một cái thiếp đến. Tang viết: “Bạn học và thân thích của Đỗ Thiếu Khanh, Tang Đồ”. Tang bảo đầy tớ đưa danh thiếp vào trước. Đỗ Thiếu Khanh đi vào. Cụ vi ra ngoài cửa chào hai người. Mọi người ngồi xuống ghế! Cụ Vi hỏi Tang:
- Ông cho biết tên tự.
Đỗ Thiếu Khanh nói:
Anh ấy tự là Liễu Trai, là bạn học của cháu, lại là bạn thân của anh Thận Khanh.
Cụ Vi nói:
- Tôi đã nghe tiếng ông từ lâu.
Tang nói:
- Tôi ngưỡng mộ ngài đã lâu nay được gặp thật là may mắn.
Tang biết Trương Tuấn Dân, nhưng khi nhìn thấy Bão Đình Tỷ thì hỏi:
- Vị này là ai?
Bão nói:
- Tôi họ Bão. Tôi vừa ở Nam Kinh đến đây.
- Ông ở Nam Kinh đến, vậy ông có biết ông Thận Khanh ở phủ này không?
- Tôi có được gặp mặt ông Mười Bảy.
Ăn cơm xong, cụ Vi gọi mang vò rượu ra, thêm vào đấy mười cân rượu mới mua, bảo người nhà lấy than hồng ra xếp thành chồng ở bên cạnh cây quế, đặt vò rượu lên trên. Một lát sau rượu bắt đầu nóng. Trương Tuấn Dân cùng người nhà tháo sáu cánh cửa sổ ra, đưa cái bàn đặt dưới mái hiên. Mọi người cùng ngồi, lại có đồ nhắm mới mang ra nữa. Thiếu Khanh bảo lấy ra một cái chén bằng vàng và bốn cái chén bằng ngọc rót đầy rượu. Cụ Vi nâng chén vàng lên, cụ uống xong một chén lại khen:
- Ngon tuyệt!
Họ uống mãi, Vương Râu đưa bốn người vào mang một cái hòm lại. Thiếu Khanh nói:
- Cái gì thế.
Vương Râu nói:
- Đây là cái hòm quần áo của Thiếu Gia, cho phu nhân và cậu cả. Áo quần mùa thu mới may xong, tôi đem đến cho Thiếu Gia xem qua. Tiền may đã trả rồi.
Đỗ Thiếu Khanh nói:
- Để cái hòm đấy đợi ta còn uống rượu xong đã.
Cái hòm vừa đặt xuống đất, thì người thợ may đã đi vào, Vương Râu nói:
- Anh Dương là thợ may có lời muốn thưa với Thiếu Gia!
- Anh ta muốn gì?
Đỗ vừa đứng dậy thì người thợ may bước vào sân trong, quỳ xuống đập đầu rống lên. Đỗ Thiếu Khanh kinh hoảng nói:
- Anh Dương! Anh làm cái gì thế?
- Con làm việc mấy hôm nay ở trong nhà Thiếu Gia. Sáng nay, con đem tiền công may về nhà, không ngờ mới được một lát thì mẹ con bị bệnh cấp chứng mà chết. Khi con đem tiền công về nhà, con không ngờ xảy ra việc như thế, nên bao nhiêu tiền công đều đã dùng để trả hàng gạo và hàng củi hết. Hiện nay con không có tiền để mua quan tài, áo quần cho mẹ con nữa. Con chỉ còn một cách là đến đây nhờ Thiếu Gia cho con vay hai lạng, sau này con sẽ tính vào tiền công trừ dần.
- Anh cần bao nhiêu tiền?
- Con nhà nghèo không dám mong nhiều, chỉ từ bốn đến sáu lạng là nhiều lắm. Con sẽ làm để lấy tiền công bù vào.
Đỗ buồn rầu nói:
- Ta không đòi anh trả lại đâu. Anh tuy làm nghề hèn mọn nhưng cái việc mẹ anh chết là việc lớn không thể làm qua loa được, kẻo sau này hối hận suốt đời. Mấy lạng bạc có là bao nhiêu. Anh phải mua một cái quan tài ít nhất là mười sáu lạng. Lại còn đồ tang phục và tiền tiêu vặt nữa tất cả cũng phải đến hai mươi lạng. Hiện nay trong nhà ta không có đồng nào. Nhưng thôi! Cái hòm áo quần này có thể đem cầm đi lấy hai mươi lạng bạc. Vương Râu! Anh đưa cái hòm ấy cho anh Dương. Đem cầm được bao nhiêu tiền thì cho anh ta.
Nhưng lại nói:
- Anh Dương, anh không nên nhớ việc này làm gì. Mong anh quên đi cho. Anh có phải lấy tiền của ta đem đi đánh bạc và uống rượu đâu! Việc mẹ mất là việc lớn. Người nào mà chẳng có mẹ, cho nên ta phải giúp anh.
Người thợ may họ Dương cùng Vương Râu khiêng hòm áo quần ra, vừa khiêng vừa khóc. Đỗ Thiếu Khanh quay lại ngồi xuống ghế. Cụ Vi nói:
- Quả là một việc ít có.
Bão Đình Tỷ lè lưỡi nói:
- A di đà Phật! Trong thiên hạ lại có con người tốt như thế sao?
Họ ăn tiệc uống rượu suốt ngày. Tang tửu lượng kém cho nên uống đến chiều đã nôn, phải vực về nhà. Cụ Vi và những người khác uống mãi đến canh ba, cạn hết cả vò rượu.
Chỉ nhân phen này khiến cho:
Trọng người nhẹ của, một lòng giúp lắm bạn bè;
Đất nguyệt trời hoa, bốn bề lại nghe hào kiệt.
Muốn biết việc sau như thế nào hãy xem hồi sau phân giải.
-----------------
(1) Tất cả hồi hai mươi chín đến đây miêu tả Đỗ Thận Khanh, một nhà nho giàu có, có tài, đẹp trai nhưng rất tầm thường. Thận Khanh chịu mất tiền để mua cái danh là hào hoa, chứ không chịu mất tiền để giúp đỡ người khác. Đoạn nhận xét về Thiếu Khanh càng chứng tỏ Thân Khanh là một người tục khách.
(2) Vương Thủ Hòa là một danh y đời Tấn có viết quyển Mạch kinh là sách các thầy thuốc đều phải đọc.