watch sexy videos at nza-vids!
Truyện NHO LÂM NGOẠI SỬ-Hồi 9 - tác giả Ngô Kính Tử Ngô Kính Tử

Ngô Kính Tử

Hồi 9

Tác giả: Ngô Kính Tử

Hai người đang đi chơi trên bờ sông bỗng thấy một người chạy đến cúi đầu lạy chào. Hai người vội vàng đỡ dậy hỏi:
- Anh là ai? Tôi không nhận ra.
Người kia nói:
- Hai công tử không nhận được con sao?
Hai công tử nói:
- Mặt thì quen, nhưng không nhớ ra.
- Con là Trâu Tam con ông Trâu Cát Phủ người giữ mộ cho gia đình hai công tử đây mà!
- Sao mà anh lại ở đây?
- Sau khi nghe cụ nhà thăng chức vào kinh, cha con giữ gìn lăng mộ, làm ăn khá giả, có tậu thêm được một ít ruộng ở ngoài mộ. Bây giờ không ở nhà cũ nữa, gia đình con mới mua một ngôi nhà ở phía đông làng. Cái nhà cũ thì giao cho chú con ở. Sau đó, mấy anh em con đều lấy vợ. Nhà ở phía đông làng, chỉ có anh con, chị con, anh hai, chị hai ở thôi, con cô người chị lấy chồng ở Tân Thị Trấn. Chồng chết, chị con mời thầy con và mẹ con cùng về đấy ở. Con cũng theo về đấy.
Hai người hỏi:
- Như thế thì việc lăng mộ không có ai coi sóc sao?
Trâu Tam nói:
- Đâu dám thế! Các quan phủ, huyện đi qua đây đều đến vái, cúi đầu. Một cây cỏ cũng không ai dám đụng đến cơ!
- Cha mẹ anh bây giờ ở đâu!
Trâu Tam nói:
-Cùng ở với chị con ở đầu thị trấn, không xa đây mấy bước. Cha con cứ luôn luôn nhắc đến công đức hai công tử, tiếc không sao được gặp.
Lâu Bổng nói với Lâu Toản:
- Chúng mình cùng nhớ đến ông Trâu Cát Phủ. Nhà ông ta gần đây, chúng mình cùng đi thăm một chút cũng được chứ sao?
Lâu Toản nói:
- Phải đấy.
Họ bèn dẫn Trâu Tam về thuyền bảo đày tớ, dặn chủ đò. Sau đó, Trâu Tam dẫn họ đến đầu thị trấn. Thấy bảy tám gian nhà lụp xụp, cửa liếp bằng tre, nửa khép nửa mở. Trâu Tam chạy vào nói:
- Thưa cha, ông Ba và ông Tư đến đây rồi!
Trâu Cát Phủ ở trong hỏi:
- Ai đấy?
Và chống gậy đi ra. Nhìn thấy hai người, Cát Phủ mừng rỡ như người được của, mời hai người vào nhà, thả gậy sụp xuống lạy. Hai người vội vàng cản lại nói:
- Ông già rồi, lạy lục làm gì?
Hai người kéo ông ta ngồi xuống. Trâu Tam đem nước chè ra. Trâu Cát Phủ bưng lên mời hai người uống. Lâu Bổng nói:
- Chúng tôi ở kinh về. Định đến nhà rồi phải đi tảo mộ tổ tiên và như thế sẽ có dịp đến thăm ông. Nay nhân việc đi chơi Gia Hưng thăm Cừ thái thú, vô tình đến đây, không ngờ gặp cậu con nói ông ở đây nên mới được gặp. Cách nhau mười năm, nay thấy ông lại càng khoẻ ra. Vừa mới nghe nói hai cậu con ông đều có vợ lại có thêm mấy cháu nữa... Thế nào? Bác gái có ở nhà không?
Vừa lúc ấy, một bà cụ tóc bạc, ra chào hai người. Hai người đáp lễ. Trâu Cát Phủ nói:
- Bà mày mau vào bảo các cháu dọn cơm mời hai công tử ở lại ăn cơm cho vui!
Bà cụ đi ra. Trâu Cát Phủ nói:
- Hai vợ chồng tôi không quên ơn cụ nhà và hai ông. Nhà tôi mỗi ngày thắp một que hương ở dưới mái hiên chúc các ông sẽ làm quan nhất phẩm. Chắc ngày nay ông cả nhà ta làm quan to rồi!
Lâu Toản nói:
- Anh tôi vắng nhà đã lâu không giúp được gì cho ông cả. Ông cứ nói vậy thì chúng tôi ngượng lắm!
Lâu Bổng nói:
- Vả chăng, việc lăng mộ nhờ ông trông coi mấy lâu. Chúng tôi phải cảm ơn ông chứ, ông nói thế sao phải!
Trâu Cát Phủ nói:
- Cụ Cừ đã xin về hưu rồi, ông con lại chết sớm, không biết cậu nhỏ bây giờ đã lớn chưa?
Lâu Bổng nói:
- Anh ấy năm nay mười bảy tuổi, tư chất thông minh.
Trâu Tam bưng cơm ra: có gà, cá, thịt, thịt vịt, bày biện rất sạch sẽ gọn gàng lại có nhiều thứ rau. Trâu Tam đặt cơm lên bàn mời hai người ăn, Trâu Cát Phủ không dám ngồi tiếp. Hai người hai ba lần kéo cùng ngồi nhưng không được. Trâu Cát Phủ rót rượu và nói:
- Rượu này là rượu nhà quê, sợ hai ông dùng không quen.
Lâu Toản nói:
- Rượu này cũng khá đấy chứ!
Trâu Cát Phủ nói:
- Tôi chẳng hiểu sao cả! Nhân tình bây giờ bạc bẽo thế nào ấy! Rượu cũng nhạt thếch. Tôi nghe thầy nói ngày trước thời Hồng Vũ cái gì cũng tốt. Hai đấu nếp mà đem nấu ra được hai mươi cân rượu tốt. Sau này Vĩnh Lạc chiếm lấy giang sơn, thì không hiểu sao mà cái gì cũng thay dổi cả! Hai đấu nếp chỉ nấu được mười lăm cân rượu thôi! Này xem rượu này, tôi pha rất ít nước, thế mà nó vẫn nhạt như nước lã.
Lâu Bổng nói:
- Tửu lượng chúng tôi kém. Rượu này đã ngon lắm rồi!
Trâu Cát Phủ nâng chén:
- Không giấu gì hai ông, tôi thì đã già không làm được việc gì nữa! Nhưng nếu ông trời còn thương đến, cho con cháu tôi được sống lại cái thời Hồng Vũ thì tôi chết cũng thỏa(1).
Lâu Toản nghe vậy, nhìn Lâu Bổng mà cười. Trâu Cát Phủ nói:
- Tôi nghe nói triều ta đáng lý cũng chẳng thua gì đời Chu, đời Khổng Tử. Nhưng vì ông Vĩnh Lạc làm hỏng hết cả, việc đó có phải không?
Lâu Bổng nói:
- Ông là người nhà quê, làm sao biết chuyện ấy? Ai nói cho ông nghe?
- Thực ra tôi cũng chẳng hiểu gì việc ấy đâu. Vì ở trên thị trấn có cửa hàng muối. Hiệu bán muối thường rảnh nên ông bán muối hay đến sân đập lúa nhà tôi, hay là ngồi dưới cây liễu nói những chuyện đó cho nên tôi biết.
Hai người ngạc nhiên:
- Ông ta tên họ là gì?
- Ông ta họ Dương, người hết sức trung thực, lại thích xem sách. Trong ống tay áo lúc nào cũng có một quyển sách, lúc rảnh thì xem. Ông ta mỗi lúc ăn cơm xong, thường hay đến đây chơi, nhưng nay thì muốn gặp cũng không gặp được nữa!
- Ông ta ở đâu?
- Tôi không còn hiểu trời đất ra sao nữa! Ông Dương tuy xuất thân nhà buôn nhưng không để ý gì đến việc sổ sách. Lúc rảnh thì ông đi chơi. Lúc ở trong hiệu, ông cũng cứ buông rèm xem sách, giao mọi công việc cho người giúp việc. Vì vậy, người trong hiệu đều gọi ông ta là “chàng ngốc”. Chủ hiệu biết ông ngay thẳng nên giao cho ông trông coi hiệu buôn. Sau thấy ông ngờ nghệch, mới thân hành kiểm tra sổ sách, thì thấy thiếu mất bảy trăm lạng! Khi hỏi ông không biết tiền chạy đi đâu, nhưng nhất định không chịu cho rằng mình sai, cứ hoa tay múa chân nói những câu gì trong sách. Chủ hiệu giận lắm, làm đơn đưa lên huyện Đức Thanh. Quan huyện thấy việc này liên quan đến việc buôn muối, liền cho người bắt ông ta bỏ vào ngục, cho đến khi bồi thường đủ số tiền mới tha. Ông ta ở trong ngục đã gần một năm rưỡi nay.
Lâu Bổng nói:
- Nhà ông ta không có gì để chuộc sao?
- Nếu có thì đã xong rồi! Nhà ông ta ở cổng làng, cách đây bốn dặm. Hai đứa con là hai thằng ngốc không làm ăn gì, lại không đọc sách, cứ ăn bám cha. Thế thì còn chuộc vào cái khổ nào nữa!
Lâu Toản nói với Lâu Bổng:
- Nơi xóm làng hẻo lánh nghèo nàn này, lại có một người quân tử như vậy! Như thế mà lại bị tiền tài làm nhục thì thật làm cho người ta tức giận điên cuồng. Chúng ta hãy tìm cách cứu ông ta đi.
Lâu Bổng nói:
- Ông ta chẳng qua là thiếu nợ chứ không phải phạm pháp. Bây giờ cho người đến huyện hỏi rõ đầu đuôi, giả nợ cho ông ta là xong, khó khăn gì điều đó.
Lâu Toản nói:
- Cũng có lý. Ngày mai chúng ta về nhà sẽ bàn việc đó.
Trâu Cát Phủ nói:
- A di đà phật! Hai ông thực là người thích làm việc phúc đức. Từ trước đến nay hai ông cứu vớt bao người rồi!
Nay lại cứu ông Dương thì nhân dân trong trấn này ai lại không thán phục!
Lâu Bổng nói:
- Ông Trâu Cát Phủ! Chớ nói việc này với dân làng nhé! Đợi khi nào công việc xong đã.
Lâu Toản nói:
- Phải đấy! Chưa biết việc làm có được hay không mà nói ngay thì thật không còn thú vị gì.
Họ không uống rượu nữa. Ăn cơm xong, họ về thuyền. Trâu Cát Phủ chống gậy đi đến thuyền nói:
- Chúc hai ông về phủ bình an. Vài hôm nữa, tôi sẽ lên phủ hầu thăm.
Trâu Cát Phủ bảo con mang lên thuyền một bình rượu và mấy đĩa nhắm để hai người ăn tối. Chờ thuyền đi khuất, họ mới trở về.
Hai người về nhà thu xếp công việc, tiếp khách trong mấy ngày. Xong đâu đấy, gọi một người gia nhân là Tấn Tước bảo y đến Tân thị trấn dò xét xem người làm ở hiệu bán muối bị bắt tên là gì, thiếu bao nhiêu tiền, có phải là người có học hay không, hỏi cho minh bạch rồi về báo. Tấn Tước lĩnh mệnh, đi đến huyện. Người lại ở huyện là bạn bè của Tấn Tước, thấy y đến hỏi, vội vàng mang bản án ra, lấy giấy viết một bản đưa cho y để về thưa lại với hai công tử. Tờ giấy viết:
“Công Dụ Kỳ chủ hiệu muối làm đơn kiện Dương Chấp Trung tức Dương Doãn mấy năm nay ở hiệu không chịu làm ăn, cứ lo chơi bời, trai gái cờ bạc, tiêu lạm vào vốn bảy trăm lạng, hại đến thuế nhà nước. Chủ hiệu bắt Dương Doãn trả tiền, nhưng Dương là người thi đỗ cống sinh không tiện truy cứu. Muốn kết tội y thì phải tước chức tước y đã. Nay hẵng tạm giam chờ đợi xét xử”.
Lâu Toản nói:
- Thật là buồn cười! Đã đỗ cống sinh thì cũng là hạng áo mũ. Nay mới lấy một ít tiền của nhà buôn mà lại lột chức tước người ta bắt người ta đền tiền thì còn ra thể thống gì nữa.
Lâu Bổng hỏi Tấn Tước:
- Anh có biết ông ta còn mắc lỗi gì khác nữa không?
- Tôi đã hỏi kĩ, ông ta không mắc lỗi gì khác nữa.
Lâu Bổng nói:
- Nếu thế thì anh trích bảy trăm lạng trong số tiền chuộc ruộng của người ở Hoàng Gia Vu hôm trước, nộp vào kho hộ ông ta. Anh lại đưa cái danh thiếp của hai chúng ta đến tri huyện Đức Thanh nói rằng Dương cống sinh là người quen của chúng ta và nhờ quan huyện thả ông ta ra. Anh lại viết một tờ bảo lĩnh và kí tên anh vào đấy. Làm việc đó gấp đi.
Lâu Toản nói:
- Tấn Tước! Việc này anh phải làm gấp chớ có để chậm! Khi nào Dương Doãn ra khỏi tù thì anh không được nói gì với ông ta. Thế nào ông ta cũng sẽ đến nhà ta.
Tấn Tước vâng dạ ra đi. Y chỉ mang theo hai mươi lạng đến gặp người thơ lại đút cho y một số tiền và nói:
- Tôi và ông bàn xem có cách gì gỡ cho ông Dương không?
- Nếu đã có danh thiếp ở phủ thái sư gửi đến thì khó khăn gì?
Bèn viết giấy trình quan huyện như sau:
“Dương cống sinh là người ở phủ Lâu. Có hai công tử ở phủ Lâu viết thiếp đến. Hiện nay có một người đến xin bảo lĩnh. Lâu phủ hỏi: Số tiền này không phải ăn đút, ăn cắp thì tại sao lại bắt giam người ta? Việc ấy xin quan xét”.
Tri huyện nghe Lâu phủ nói như vậy thì hoảng sợ, nhưng không biết làm sao trả lời hiệu buôn muối, nên gọi thơ lại vào cùng bàn. Tri huyện bảo y lấy ít tiền thuế muối trả cho nhà buôn. Cho Tấn Tước làm người bảo lĩnh và thả ngay Dương cống sinh không cần xét xử.
Còn số tiền bảy trăm lạng kia thì Tấn Tước vẫn lấy. Y trở về báo với hai người rằng việc đã xong. Hai người biết Dương đã ra khỏi ngục thì tự nhiên sẽ đến tạ ơn. Nhưng Dương Chấp Trung vẫn không hiểu vì cớ gì mà mình được ra. Y hỏi người ta thì người ta nói có một người là Tấn Tước bảo lĩnh cho y. Trong lòng y nghĩ mãi: Cả đời chẳng biết ai họ Tấn cả! Cứ ngờ vực mãi không ra nên cũng không nghĩ đến việc đó nữa. Bây giờ thế là yên ổn, y lại về nhà đọc sách như cũ.
Vợ đón y về nhà, mừng rỡ vô cùng. Hai thằng con ngốc nghếch thì cả ngày đánh bạc ngoài chợ, nửa đêm cũng không về. Chỉ có một bà bõ già vừa ngây vừa điếc lo cơm nước và trông nhà. Dương Chấp Trung hôm sau đi khắp làng thăm người quen. Trâu Cát Phủ vì có người con thứ hai sinh cháu trai nên đã đi xóm đông không có nhà, cho nên không ai biết việc làm của Lâu công tử.
Một tháng sau, Lâu công tử ở nhà vẫn không thấy Dương tới, trong lòng lấy làm lạ. Nhớ tới câu chuyện Việt Thạch Phu(2) ngày xưa được người cứu ra khỏi tù vẫn không cảm ơn, trong lòng Lâu công tử lại càng phục Dương Chấp Trung là người học vấn hơn người, và càng thêm kính trọng. Một hôm Lâu Bổng nói với Lâu Toản:
- Dương Chấp Trung không đến tạ ơn chắc là người phẩm hạnh khác thường.
- Đáng lý ra, chúng ta đã hâm mộ ông ta, thì phải đến thăm, kết bạn, chứ đợi ông ta đến cảm ơn, thì chẳng ra tầm thường sao!
- Ta cũng nghĩ vậy, nhưng xưa có câu “làm việc tốt với ai thì phải quên đi.” Nay ta đến nhà ông ta thì hoá ra khoe công!
- Lúc gặp không nhắc tới chuyện đó nữa. Bạn bè nghe tiếng nhau đến thăm là việc thường. Không có lẽ vì việc ấy mà hoá ra cách biệt không quen nhau sao?
- Nói thế thực là phải!
Bàn bạc xong lại nói:
- Chúng ta phải đi thuyền trước một ngày để hôm sau đến nhà nói chuyện suốt cả ngày cho thú!
Lâu Bổng bèn gọi chiếc thuyền con, không đem theo người tuỳ tùng và xuống thuyền buổi chiều hôm ấy. Thuyền đi được vài mươi dặm, bấy giờ vào lúc cuối thu, đầu mùa đông, ánh trăng lờ mờ trên sông. Dưới ánh trăng, con thuyền nhỏ nhấp nhô. Đêm ấy, các thuyền chở gạo kín cả sông chen nhau đi không được. Thuyền này được cái nhỏ cho nên lách giữa các thuyền lớn mà đi. Đến canh hai, hai người đương nằm nghỉ thì nghe tiếng ồn ào vang động cả khúc sông. Thuyền con không có đèn. Khoang thuyền đóng cửa. Lâu Toản nhìn qua khe hở thấy một cái thuyền lớn có hai cặp đèn lồng chiếu sáng. Trên mỗi cặp viết hai chữ “Tường phủ”, một cặp viết “Thông chính tư đại đường”. Ở trên thuyền có mấy người đày tớ như lang như hổ, tay cầm roi, đánh các thuyền trên sông. Lâu Toản giật mình gọi nhỏ.
- Anh Ba! Anh nhìn xem! Cái gì thế kia?
Lâu Bổng nhìn nói:
- Bọn này không phải người nhà ta!
Vừa nói đến đây, thì thuyền kia đã đến trước mặt. Người cầm roi đánh người lái chiếc thuyền con. Người lái nói:
- Cả một con sông thế này, ông đi đâu chẳng được, tại sao lại đánh người ta?
Người kia nói:
- Đồ súc sinh! Mày không mở mắt ra mà xem mấy chữ trên đèn lồng à! Thuyền này của ai mày biết không?
- Đèn lồng anh treo là của phủ tể tướng. Tôi biết của tể tướng nào?
- Mày đui à! Cả Hồ Châu này trừ Lâu phủ ra thì có ông tể tướng nào nữa!
- Lâu phủ! Ừ được! Nhưng mà ai chứ!
- Ta là thuyền gạo của ông Lâu Bổng mày không biết à! Con chó này còn lải nhải nữa thì trói lại để ở đầu thuyền. Ngày mai đem về ông Ba, viết giấy đưa quan huyện đánh mười mấy gậy mới xong!
- Ông Lâu Bồng ở trên thuyền tao! Mày làm thế nào mà đưa ra ông Lâu Bổng thứ hai được?
Hai người nghe vậy mỉm cười. Lái thuyền mời Lâu Bổng ra cho bọn kia nhìn. Lâu Bổng ra đứng trước thuyền. Bấy giờ trăng chưa lặn. Ánh trăng và ánh sáng đèn chiếu rõ. Lâu Bổng nói:
- Các anh là gia nhân của ai?
Bọn kia nhận ra Lâu Bổng đều hoảng sợ sụp xuống lạy:
- Chủ chúng con thực ra không phải là người cùng một nhà với công tử. Chủ chúng con họ Lưu, làm thủ phủ(3). Nhân chở gạo tô qua đây sợ bị nghẽn trên sông, cho nên chúng con liều mạng treo đèn mượn quan tước của nhà công tử. Không ngờ lại gặp thuyền của công tử ở đây, tội chúng con thật đáng chết!
- Chủ các anh không phải người nhà ta nhưng là người làng thì mượn quan tước treo cũng không ngại gì. Nhưng các anh lại giở trò đánh đập người ta trên sông thì không được! Các anh về nói với chủ các anh, cũng không cần kể lại việc gặp ta làm gì, nhưng chớ để việc này xảy ra như thế nữa. Ta không phải vì vậy mà trị các anh đâu!
Bọn kia nghe vậy tạ ơn Lâu Bổng, tắt mấy cái đèn rồi đem thuyền đi nghỉ ở bên bờ sông.
Lâu Bổng vào thuyền nói với Lâu Toản. Lâu Toản nói: - Này ông lái! Đáng lý ông đừng nói có ông Ba ở trên thuyền và mời ra cho người ta xem. Làm như thế bọn kia mất cảm hứng.
- Không nói thì nó đánh thủng cả thuyền! Thật là nó dữ tợn quá. Bây giờ mới lòi cái mặt ra!
Hai người lại cởi áo đi nằm.
Thuyền chèo đi suốt đêm, sáng sớm đến bến Tân thị trấn. Hai người lấy nước rửa mặt, uống trà ăn điểm tâm xong, dặn lái thuyền:
- Trông nom thuyền cẩn thận, đợi ở đây nhé!
Rồi bước lên bờ. Đi gần đến đầu thị trấn, đến nhà Trâu Cát Phủ thì thấy cửa đóng. Hai người gõ cửa hỏi mới biết vợ chồng Trâu đã đi xóm đông. Người con gái mời họ uống nước chè, nhưng họ không ngồi lại. Hai người ra thị trấn, đi men theo đường cái được bốn, năm dặm gặp một người đi củi, hỏi:
- Ông Dương Chấp Trung ở đâu?
Người đi củi lấy tay chỉ:
- Nhà ông ta ở sau cái chỗ đỏ rực kia kìa. Đi tắt qua một con đường nhỏ thì đến.
Hai người cảm ơn, đi lách qua cây cỏ đến một cái xóm chỉ có độ bốn năm nhà. Có mấy gian nhà tranh, ở sau có hai cây phong lớn. Sau trận sương lạnh lá phong đều đỏ. Biết chắc là nhà của Dương, họ đi theo một con đường nhỏ tới phía trước cổng. Trước cửa, có một cái ngòi. Bắc qua ngòi là một cái cầu nhỏ bằng ván. Hai người bước qua cầu, thấy nhà của Dương đóng kín cửa. Thấy có người đến, một con chó sủa.
Hai người hỏi:
- Đây có phải nhà ông Dương Chấp Trung không? Hỏi đến hai lần bà ta mới gật đầu:
- Phải đấy! Các ông ở đâu đến?
- Anh em chúng tôi họ Lâu ở thị trấn đến đây thăm ông Dương.
Bà già nghe không rõ, nói:
- Họ Lưu à?
- Họ Lâu. Nhờ nói với ông nhà có Đại học sĩ họ Lâu thì ông ta biết.
- Chủ tôi không có nhà. Hôm qua đi xem đánh cá nay vẫn chưa về. Các ông có gì nói thì hôm khác lại.
Nói xong, cũng không biết mời khách vào uống chè nữa, cứ đóng phắt cửa lại.
Hai người buồn bã vô cùng, đứng một lát rồi lại theo cái cầu cũ, theo đường cũ xuống thuyền trở về nhà.
Dương Chấp Trung đến chiều mới về, bõ già kể lại:
- Hồi nãy ở thị trấn có hai người nào họ Liễu đến tìm ông nói là “đại giác tự”(4) cái gì ấy.
- Bà nói họ thế nào?
- Tôi nói ông Dương không ở nhà, ngày khác lại đến.
Dương Chấp Trung nghĩ bụng:
- Làm gì có người họ Liễu?
Đột nhiên nghĩ đến người sai nhân họ Liễu ở huyện đến bắt mình. Nhất định là hắn đến để bắt trả tiền! Liền mắng:
- Thật đồ chết toi! Ngốc ơi là ngốc! Thằng ấy tìm tao để bắt, thì mày nói tao không ở nhà là được. Lại còn nói hôm khác đến. Thật là đồ vô dụng!
Bõ già không chịu, cãi lại. Dương giận dữ liền tát cho một trận và đạp mấy cái. Từ đó, Dương sợ có người đến tìm, cứ sáng sớm đã đi biến, mãi đến chiều mới về.
Hai người ở Lâu phủ rất buồn bực. Năm, sáu ngày sau, lại đi thuyền đến. Họ lại đến gõ cửa. Bõ già mở cửa ra thấy hai người này thì nổi nóng, nói ngay:
- Ông tôi không có ở nhà? Các ông cứ đến tìm làm gì!
- Bà có nói chúng tôi là đại học sĩ ở Lâu phủ không?
- Chứ còn nói gì nữa! Hai ông làm tôi bị đá, bị tát bây giờ còn đến đây làm gì? Ông tôi không ở nhà vài ngày nữa mới về. Tôi phải vào nấu cơm đây!
Nói xong không cần chờ hai người hỏi nữa, bà già đóng cửa lại, chạy đi. Hai người gõ cửa mấy bà già cũng không thưa. Hai người không hiểu vì sao, trong lòng vừa bực lại vừa buồn cười. Đứng một lát thấy gọi cũng không được, đành đi thuyền về.
Thuyền lắc lư đi được vài dặm, thấy một cái thuyền đầy củ ấu. Có một cậu bé tay níu thuyền, miệng rao:
- Ai mua ấu! Ai mua ấu!
Người lái lấy dây buộc thuyền lại và cân củ ấu. Lâu Toản hỏi:
- Cháu ở xóm nào?
- Ở Tân thị trấn.
- Cháu ở một thôn với ông Dương Chấp Trung vậy cháu có biết ông Dương Chấp Trung không?
- Sao lại không? Ông ta người hiền lành nhất hạng!
Hôm trước ông mượn thuyền cháu đi xem tuồng có để rơi một tờ giấy trên viết mấy chữ.
Lâu Toản nói:
- Ở đâu?
- Ở trong thuyền!
- Lấy ra ta xem.
Cậu bé lấy tờ giấy ra, nhận tiền của người lái rồi đi.
Hai người xem thì là một tờ giấy trắng trên có một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt:
Không dám làm gì sai việc phải.
Chẳng qua vì đọc sách vài dòng.
Nắng nồng sương lạnh thân từng trải
Mát mẻ lều tranh đón gió đông.
Đằng sau có mấy chứ “ông già ở rừng phong”, Dương Doãn.
Hai người xem xong nức nở khen.
- Ông này thực là người cao thượng, thực đáng kính! Lâu Toản ở trước thuyền, đang nhìn ra xa ngắm cảnh non xanh nước biếc thì thấy một cái thuyền lớn chạy lên trước. Trên thuyền có một người kêu:
- Lâu công tử xin dừng thuyền lại!
Lái đò cho thuyền ghé sát lại người này nhảy sang thuyền cúi đầu nhìn trong khoang nói:
- Cả ông Ba cũng ở đây sao?
Nhân gặp thuyền ấy khiến cho:
Thiếu niên danh sĩ, cử hào môn kết mối tơ duyên;
tướng phủ nho sinh, nơi thắng địa mời người tuấn kiệt.
Muốn biết người này là ai xem hồi sau sẽ rõ.


(1) Tác giả mượn lời Trâu Cát Phủ để châm biếm triều đình Mãn Thanh.
(2) Thạch Phủ người nước Tề thời Xuân Thu, Án Anh cứu ra khỏi tù nhưng vẫn không cảm ơn.
(3) Thủ phủ tức là thủ bị, chức quan võ coi các trấn.
(4) Tiếng Trung Quốc chữ Đại học sĩ với đại giác tự đọc gần giống nhau.
NHO LÂM NGOẠI SỬ
LỜI GIỚI THIỆU
Hồi 1
Hồi 2
Hồi 3
Hồi 4
Hồi 5
Hồi 6
Hồi 7
Hồi 8
Hồi 9
Hồi 10
Hồi 11
Hồi 12
Hồi 13
Hồi 14
Hồi 15
Hồi 16
Hồi 17
Hồi 18
Hồi 19
Hồi 20
Hồi 21
Hồi 22
Hồi 23
Hồi 24
Hồi 25
Hồi 26
Hồi 27
Hồi 28
Hồi 29
Hồi 30
Hồi 31
Hồi 32
Hồi 33
Hồi 34
Hồi 35
Hồi 36
Hồi 37
Hồi 38
Hồi 39
Hồi 40
Hồi 41
Hồi 42
Hồi 43
Hồi 44
Hồi 45
Hồi 46
Hồi 47
Hồi 48
Hồi 49
Hồi 50
Hồi 51
Hồi 52
Hồi 53
Hồi 54
Hồi 55
PHỤ LỤC