Chương 11
Tác giả: Nguyên Bình
"Một chuyến đi công tác từ những năm chín mươi lăm của thế kỷ trước."
Tôi, "lính mới" từ miền đồng bằng sông Hồng lên vùng cao vừa tuyển dụng, được các anh chị trong cơ quan "ưu tiên" cho đi xóm một chuyến để nếm những khó khăn của đồng bào hút heo gió núi. Tôi vui vẻ nhận lời.
May mắn cho tôi là có người cho đi nhờ xe đến trụ sở Uỷ ban xã, sau khi trình giấy giới thiệu và nêu yêu cầu của chuyến đi, anh Chủ tịch Uỷ ban chỉ chỗ cho tôi nghỉ và nói:
- Mai, tôi sẽ cử giao thông đi cùng với cậu. Nói trước là phải đi bộ hơi nhiều đấy. Tốt nhất là nghỉ sớm đi.
Thật khó tả cảm xúc của tôi lúc ấy, đi bộ thì không phải tôi chưa đi bao giờ, tôi đã từng đi bộ sang xóm bên chơi nhà bạn. Các anh chị ở cơ quan nói rằng đi bộ vùng đồng bằng nó khác với vùng cao, đồng bằng đi bộ được thảnh thơi còn vùng cao nó ngược hẳn, khi lên thì mỏi gối khi xuống thì chùn chân.
Tôi trằn trọc mãi mới ngủ được. Khi tỉnh dậy trời đã sáng từ lúc nào. Anh giao thông xã đã nấu xong cơm và đang ngồi đợi.
- Cán bộ ngủ ngon chứ? - Anh ta hỏi khi nhìn thấy tôi.
- Ngủ được anh ạ. - Tôi trả lời. - Sao anh đến sớm thế?
- Đến nấu cơm ăn, cái bụng mà đói thì không đi được đến nơi đâu.
Những buổi chiều thả diều ngoài cánh đồng nhìn dãy núi xanh xanh ở tít đằng xa, mấy đứa bạn cứ ước là có cánh để bay đến đó nhỉ, còn tôi nói sau này lớn lên thế nào tôi cũng phải lên đỉnh núi đó chơi mới được. Không ngờ ước muốn đó hôm nay thành hiện thực. Giờ được dẫm trên đá, ngắm nhìn những ngọn núi cao ngất tôi thấy lòng xao xuyến bởi ước nguyện đã thành hiện thực, bước chân đi cứ nhẹ lâng lâng.
Đi bộ chừng hai tiếng đồng hồ, bước chân đã nặng chĩu, mồ hôi tôi túa ra sau làn áo, tiết trời vùng cao đang mùa hè mà đã lạnh như giữa thu, sáng đi tôi phải khoác thêm cái áo mưa cho khỏi run lên vì lạnh. Tôi đi nhanh lên cho kịp anh giao thông xã, hỏi:
- Sắp đến nơi chưa, anh?
- Phải đi một lúc nữa. Cái chân cán bộ đi giỏi gần bằng chân mình.
Tôi định đề nghị nghỉ một lát, được anh khen bỗng dưng thấy bước chân mạnh hẳn lên không muốn nghỉ nữa.
- Cán bộ cầm cái que này mà gạt lá ngô không nó cào cho ra máu đấy.
Chúng tôi đi giữa rừng ngô. Ngô bạt ngàn cao quá đầu người, ấp những cái bắp non trong bẹ. Quê tôi cũng có trồng ngô nhưng ngô nơi này cao hơn nhiều, thân mập hơn, lá dài hơn và bắp cũng to hơn. Mải ngắm cây ngô tay tôi đã bị mấy vết xước rướm máu.
- Sắp đến rồi! - Anh giao thông xã chỉ về phía trước. - Kia kìa!
Tôi nhìn theo tay anh chỉ, thấy một ngôi nhà lợp gianh chỉ nhỏ bằng cái lều chăn vịt ở quê tôi nằm lọt thỏm giữa bốn bề ngô xanh. Một ông già bước ra khi chúng tôi đến cửa. Anh giao thông quay lại bảo tôi:
- Ta vào nhà đi!
Tôi vào nhà, ngồi lên cục gỗ đẽo vuông làm ghế. Ông già với cái túi trên cột lấy một nắm chè đến bên bếp bỏ vào cái vung để ngửa lên hơ trên than hồng. Đến giờ tôi vẫn chưa tin rằng đây là ngôi nhà, giường nằm là mấy tấm gỗ kê sát vào nhau, phía trên trải cái chiếu rách mất gần nửa, một cái chăn chiên cũ kỹ ám khói và bụi bẩn đến mức không còn biết nó mà gì nữa và còn te tua rách. Vách nhà được thưng bằng những cây trúc nẹp lại, có vài chỗ bị hỏng được thay thế bằng những cây ngô khô từ vụ trước. Trong nhà không thấy có lương thực dự trữ. Tôi hỏi thì anh giao thông xã nói:
- Nhà này hết ngô từ lâu rồi.
Tren vùng cao đồng bào chỉ trồng được cây ngô làm lương thực chính, nay ngô hết thì biết ăn cái gì?... Có tiếng í ới ngoài cửa tôi vội nhìn ra thấy hơn mười đứa trẻ, đứa lớn nhất khoảng mười bốn tuổi, đứa nhỏ nhất khoảng một tuổi. Anh giao thông xã ghé tai tôi nói nhỏ:
- Con cháu nhà này cả đấy.
Tôi ngạc nhiên nhìn chúng một lần nữa. Đứa lớn cõng đứa bé, đứa cởi trần đứa mặc áo, tất tật mười hai đứa. Có ba đứa tay đang cầm bắp ngô non chưa luộc nhai ngon lành, sữa ngô còn tứa ra hai bên mép.
- Ba đứa lớn là con của ông già này đấy.
Anh giao thông xã nói tiếp. Tôi nhìn lại ông già, thì ra ông vẫn còn trẻ, chưa qua tuổi năm mươi, vậy mà tôi cứ tưởng ông phải bảy mươi tuổi. Tôi định hỏi nhà ông còn đứa con nào nữa không thì anh giao thông xã đã nói:
- Đợi một tí. Thằng Mua là đứa lớn của ông già, nó đang cùng vợ đi dựng cây ngô đổ, cũng sắp về rồi.
Tôi ngạc nhiên:
- Vậy còn người vợ kiến nó ra Toà xin ly hôn?
- À, nó là vợ già của thằng Mua đấy, lấy nhau từ lúc mới mười ba mười bốn tuổi. Sau này nó lấy thêm cô vợ trẻ. Chín đứa trẻ còn lại là con của cả hai bà vợ đấy, vợ già năm, vợ trẻ bốn,...
Tôi kể lại chuyến công tác đầu tiên cho bạn nghe, anh ta thở dài nói:
- Đẻ nhiều như thế làm gì mà chả nghèo, chả đói!...