Nguyên Bình
Chương 28
Tác giả: Nguyên Bình
Sau Hội nghị mười năm thi hành luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại Uỷ ban xã, tôi ghé sang Trạm y tế nơi cô bác sĩ đi nhờ xe hôm trước đang khám bệnh cho bà con. Tôi đang thả bộ thì giật mình bởi tiếng chào:
- Chào cán bộ, lâu lắm mới được thấy mặt.
Qua phút ngỡ ngàng tôi nhận ra người quen và đưa tay bắt.
- Vàg Chứ Thề, khoẻ chứ? Đi đâu đấy?
- Khoẻ lắm! Tôi đi đình sản. - Anh ta đáp oang oang.
- Làm chưa? - Tôi hỏi.
- Chưa. - Giọng nói có vẻ hơi nặng. - Đợi từ sáng tới giờ, cái bác sĩ kia cứ bảo về bắt thêm đứa con nữa rồi mới đình sản cho.
Tôi cười. Anh ta phân bua:
- Tôi đã có một đứa rồi, đâu phải như ngày xưa...
Ngày xưa... Câu chuyện cách đây mấy năm, lúc ấy anh ta mười bảy tuổi, chưa lấy vợ. Thấy mọi người đi kế hoạch hoá gia đình, anh ta chẳng hiểu gì ra xin đình sản. Khi được hỏi sao chưa lấy vợ mà đã đi đình sản, anh ta trả lời nhà nghèo đói quá không có gạo ăn, thấy bảo đi đình sản thì được cho bốn yến gạo, thế là đi. Sau một trận cười vị bác sĩ đuổi anh ta về nhưng anh ta nhất định không về khi chưa được đình sản và lấy gạo. Cuối cùng vị bác sĩ phải cho anh ta số tiền bằng bốn yến gạo anh ta mới chịu về và không xin đình sản nữa.
Gặp tôi hồi năm ngoái khi anh ta đã không còn nghèo đói nữa, đã lấy vợ, đã có con và được bầu làm trưởng xóm. Tôi nhắc lại câu chuyện đình sản, anh ta cười, cái cười vui vẻ giòn tan. Anh ta thổ lộ: "Sau khi cầm tiền của bác sĩ tôi không mua gạo mà mua một con lợn bé xíu đem về. Hàng ngày lên rừng đào củ lấy rau cho lợn, chặt củi đem xuống chợ bán lấy tiền mua gạo cho mình. Cái con lợn ấy cũng lạ, ăn toàn rau rừng củ rừng mà vẫn lớn lên to béo núng nính. Cái mảng đồi rậm rịt cỏ gianh sau nhà tôi phát đi trồng ngô và sắn. Bán lợn đang nuôi tôi mua tiếp bốn con lợn con nhỏ xíu về nuôi. Nương sắn sau nhà làm thức ăn cho lợn... Chỉ một năm sau tôi đã không bị đói nữa. Nghĩ lại thấy xấu hổ, xưa kia mình lười quá. Có đủ cái ăn tôi lấy vợ, được bầu làm trưởng xóm, bắt được một đứa con..."
Lần này gặp tôi anh khoe mảng đôi sau nhà đã được cải tạo trồng chè, chỉ để lại một ít ruộng nước trồng lúa, còn lại trồng cây ăn quả... Đang hào hứng câu chuyện làm ăn vợ anh ta đứng bên giục đi nhà. Anh ta nói với tôi:
- Cán bộ nói giúp với cái bác sĩ kia cho mình đình sản đi!
Tôi cười, nói đùa:
- Về bắt thêm đứa nữa rồi hãy đi đình sản.
Anh ta vội xua tay:
- Thôi, tôi chỉ bắt một đứa thôi, còn để dành thời gian lấy cái của về cải thiện cuộc sống cho gia đình.
Tôi nói tiếp:
- Người Mông mình vẫn có quan niệm bắt được nhiều con mới là người giầu có, bắt một đứa không sợ bị chê cười à?
Anh ta thật thà:
- Tôi bị nghèo, bị đói nên thấu hiểu cái khổ nó như thế nào, bắt nhiều đứa mà để nó khổ thì thà rằng bắt ít thôi cho nó sướng còn tốt hơn nhiều. Tôi mà bắt thêm đứa nữa thì lấy ai đi làm lấy của. Vợ tôi nó cũng đồng ý chỉ bắt một đứa thôi. Cán bộ nói giúp tôi với, tôi nói cái bác sĩ nó không nghe.
Thấy anh ta khẩn khoản quá tôi không nỡ chối từ mà bảo anh ta cứ đợi một lúc để tôi thử nói chuyện với bác sĩ xem thế nào. Thật bất ngờ người bác sĩ đang khám hôm nay lại chính là vị bác sĩ đã cho tiền Vàng Chứ Thề ngày trước. Tranh thủ phút giải lao tôi đã thuyết phục được cô bác sĩ đồng ý phẫu thuật cho Vàng Chứ Thề. Anh ta sung sướng nắm tay tôi cảm ơn nước mắt rơm rớm.
Cô vợ đợi ở ngoài xem ra có vẻ hơi lo lắng, hết đứng lại ngồi, hết bế đứa bé ra đằng trước lại địu nó ra đằng sau. Thời gian như trùng xuống.
Rồi Vàng Chứ Thề cũng ra, miệng cười thật tươi, cô vợ tiến lại gần chỉ nhìn không nói gì. Vàng Chứ Thề cám ơn tôi một lần nữa và mời về nhà chơi, tôi hẹn khi khác vì đang bận việc. Hai vợ chồng từ biệt tôi rồi vui vẻ ra về. Tôi nhìn theo vui lây niềm vui của họ.