Chương 12
Tác giả: Nguyên Đỗ
Tôi dành trọn cả ngày hôm sau đi tìm những thứ cần thiết cho hai người bạn vừa quen đang còn trốn dưới thác nước trong rừng. Vài chiếc cà mên vừa gọn để nấu ăn và di chuyển, ít lương khô, cá khô, thuốc lá khô, chiếc áo poncho để tránh mưa có thể để gói quần áo khi bơi qua sông để khỏi bị ướt ... Những thứ ấy tìm mua cũng dễ dàng, nhưng tiêu luôn cả tháng lương dạy học ba mươi sáu đồng một tháng rồi. Điều đó cũng không quan trọng, nhưng khó khăn nhất là tìm cho được chiếc địa bàn nhỏ chỉ phương hướng để không bị đi vòng vòng mãi chẳng đi tới đâu. Vả lại Hoàng, Tuyết, Nhung cũng góp phần vào để tôi mua những thứ cần dùng cho anh Trung và anh Tâm. Cũng may tại thị xã, hầu như ai cũng biết tôi là giáo viên chuyên trách trẻ nhất trong tỉnh vì chút tài mọn trong việc nói năng giao dịch bằng tiếng Thượng của tôi nên chẳng ai nghi ngờ chuyện gì cả. Thực ra tôi học nói tiếng Jrai không phải chỉ để giao dịch, mà tôi thực sự yêu mến người dân tộc thiểu số theo gương các linh mục thừa sai đang dấn thân phục vụ tại các làng mạc xa xôi. Tôi chẳng có ý định đi tu, nhất là trong thời cuộc nàỵ Các chủng viện dòng tu chùa chiền hầu hết đã bị đóng cửa hay hạn chế không cho nhận tu sinh mớị
Năm tôi học lớp 12, tôi được học chung với chú Xảo, là tỳ kheo trụ trì một ngôi chùa ở Đức An. Pháp danh của chú là Đại Lượng, hiền từ và trắng trẻo như con gái. Chú hay mặc áo nâu sồng, hay áo màu xanh lơ bạc. Có lần cô Hồng Quế, giáo viên văn từ miền Bắc vào, hỏi:
-"Sao em lại đi tu, không ở ngoài đời, tham gia công tác với thanh niên? Có tình yêu, có gia đình như người ta"
Lúc đó, tôi là trưởng lớp nên ăn nói cũng bạo dạn, đứng lên bênh vực cho chú Xảo mà chẳng nghĩ tới hậu quả khi chú Xảo chỉ đỏ mặt mỉm cườị
-"Thưa cô, chú Xảo đang thi hành triệt để đường lối do Đảng và Nhà nước đề ra đó ạ! Em đọc sách thấy, Cách Mạng hô hào phong trào Ba Khoan ngoài miền Bắc đó! Khoan yêu, lỡ yêu thì khoan cưới, lỡ cưới thì khoan ... có con." (Câu khẩu hiệu thật ra là: Khoan yêu, khoan cưới, khoan chửa, tôi sửa chữa lại vì trong lớp tôi thời ấy đông con gái hơn con trai, với lại nói tiếng chửa, có thai, thời trung học trước mặt bầy con gái, con trai còn thơ ngây trong trắng, nghe nó làm sao sao đó)
Cả lớp tôi cười vui, cô Hồng Quế cũng bỏ qua, bởi vì cô có lẽ đã ngoài ba mươi rồi, nhưng vẫn chưa yêu. Cô có nốt ruồi trên má, gần khoé mắt nên mặc dù khá đẹp, nước da hồng hào trắng trẻo, khác với những cô bộ đội da ngăm vì cháy nắng mà vẫn chưa chồng, có lẽ tại cái nốt ruồi quái ác mà các thầy tướng số cho là nốt ruồi, "Trích lệ thương phu", khổ về đường tình ái, có lấy chồng chồng cũng yểu mệnh chết sớm. Ông bà cha mẹ mê tín nào, trong Nam hay ngoài Bắc, dám cho con cháu mình cưới một người con gái có nốt ruồi đó đâu!
Tôi và chú Xảo thân nhau lắm. Chú biết tôi là người Thiên Chúa giáo, nhưng sự khác biệt tôn giáo không làm tình thân của chúng tôi giảm bớt phần nàọ
Cuối tuần nào cũng rủ tôi lên chùa chơi, nói chuyện. Trong lớp tôi, có mấy cô sùng đạo Phật lắm, nên tôi hay cùng họ lên chùa phá chú Lượng mỗi khi chú không lên phòng chính tụng kinh. Chúng tôi ăn cơm chay, chuối cúng. Chú Xảo lúc nào cũng ân cần với chúng tôi. Chú ở một mình, không có chú tiểu nào ở chung hết, dù có nhiều cha mẹ muốn gởi con lên chùa với chú, nhưng nhà nước không cho phép.
Hôm chủ nhật sau khi bố mẹ tôi đưa lên nhà Nhung ít hoa quả trái cây và dùng bữa cơm thân mật ở đó, tôi ghé lại thăm chú Xảo và kể lại những vui buồn đời giáo viên miền núi trong những ngày mưa gió, những lần lạc trong rừng ... Chú hỏi tôi đi rừng có thấy những loại lan rừng không. Rừng nào chẳng có lan, nhất là trên những thân cây gần suối nước, hay trên sườn núi, có hơi nước là môi sinh cho những loại phong lan mọc. Vì vội vã nên chuyến này tôi chẳng đem về một gò lan nào! Tôi nói hôm trước tôi lùng mua hoài mà chẳng tìm đâu ra một chiếc địa bàn để tiện trong việc đi từ nơi này tới nơi khác của tôi.
Chú Xảo đi ra sau nhà lấy cho tôi một chiếc địa bàn nhỏ bằng mặt đồng hồ đeo tay, nói:
-"Quang cầm lấy cái này đi. Cái này từ thuở xưa, khi học khoá tìm phướng hướng của hội Hướng Đạo Phật Tử, Xảo còn giữ lại làm kỷ niệm. Quang giữ lấy mà xài!"
Tôi cảm động lắm, được cái này đối với những người bạn mới, anh Trung và anh Tâm, chắc quý hơn vàng. Nó giống như lá bùa hộ mệnh trong rừng rú hoang vu ít có bước chân người. Mọi sự cũng đều do cơ duyên. Tôi chạy xe đạp về nhà, ra trước hòn non bộ, chọn lựa một gò phong lan, rồi đưa lên cho chú Xảo. Chú vui trông thấy, vì gò hoàng lan đang ra nụ , chắc khoảng một hai tuần nữa hoa sẽ nở màu vàng thanh lợt hợp với cảnh chùa. Tôi hứa với chú là lần tới tôi sẽ tìm các loại lan khác nhau để cho chú trồng.
Tôi định chạy xe đạp về dọc theo con đường Hoàng Diệu, ghé lại thăm Ánh, bạn cùng lớp, nhà ở trước rạp cải lương Thanh Bình. Ánh có chiếc răng khểnh nói chuyện rất dễ thương đã làm mấy chàng trai trong lớp mê một thời. Vừa từ khu Đức An, quẹo ra đường Hoàng Diệu thì tôi gặp Hảị Có lẽ Hải lên nhà Nhung. Hải chạy xe qua phía tôi, hất hàm hỏi một cách lạ lùng:
"Ông từ nhà Nhung về đó hả ?"
"Không, Quang tới nhà Nhung hồi trưa. Hồi nãy ra vừa từ chỗ chú Xảo về thôi. Có chuyện chi không?"
"Tôi nghe nói ba má ông lên nhà Nhung ăn hỏi chi đó nên tôi muốn lên hỏi Nhung cho ra lẽ thôi!"
Lại một bất ngờ, tôi biết là Hải thích Nhung từ xưa, nhưng Hải là gì mà có quyền lên hỏi Nhung cho ra lẽ. Nhưng chuyện giữa tôi và Nhung, đúng là tình ngay lý gian, nói ra không được, không nói không xong, nếu như giữa nàng và Hải thương nhau. Tôi im lặng, không nói gì, chờ xem phản ứng của Hải. Tôi cũng thấy lạ chỉ mấy tháng thôi, mà tình bạn học của chúng tôi như xa cách. Tôi thấy mình trưởng thành, chín chắn hơn, còn Hải vẫn bồng bột bốc đồng như thuở nào. Thời đại và cuộc sống làm con người đổi khác. Chúng tôi nói chuyện một tí rồi tôi từ giã vì ngày mai tôi lại phải lên đường về huyện, về quê hương đồi núi của tôi, tìm lại anh Trung và anh Tâm với những dụng cụ và lương thực cho chuyến Tây du của các anh.
Trước khi chia tay, Hải còn có vẻ hằn học:
"Tôi nói cho ông biết Nhung thuộc về tôi! Đã thuộc về tôi rồi!"
Đêm đó mặc dù khó ngủ vì những lời nói của Hải, những băn khoăn lo ngại cho những người bạn vừa quen, những thắc mắc về Nhung, nhưng tôi cũng ráng nằm thiêm thiếp để sáng mai còn lên đường. Kệ nó, chuyện gì phải đến sẽ đến! Tôi còn quá nhiều việc để lo làm sao có thể nát óc vì chuyện vẩn vơ của Hải. Nếu có gì thì Nhung sẽ báo cho tôi haỵ Chúng tôi chỉ là bạn bè giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn thôi. Buổi tiệc thân mật chẳng qua là để hai gia đình quen biết nhau chứ có phải đám hỏi gì đâu, nó giống như một màn kịch mà mọi diễn viên đều biết vai trò của mình. Tôi có yêu Nhung đâu, tôi còn có Du đang chờ ở trên làng Ea Blang, còn có những học trò, còn có những dân làng đang ngóng trông, có những giáo viên đang cần sự giúp đỡ và hướng dẫn.