Chương 27
Tác giả: Nguyên Đỗ
Tôi đi nhanh trên đường mòn về làng Ea Nang và lách mình theo lối nhỏ xuống thác nước. Trời đang nắng nên việc xuống suối tắm là chuyện thường tình. Vả lại, mấy ngày nay, tôi đã đi tới đây và quen thuộc dạn dĩ vì khu thác nước này hẻo lánh ít người đi lại. Cả mấy ngày không thấy bóng một người Thượng nào. Nhưng dù sao, tôi lúc nào cũng phải cẩn thận, bỏ ba lô xuống, cởi quần áo ra, bơi vòng vòng một hồi, ngó qua ngó lại, không thấy ai rình rập rồi mới dám lách mình qua màn nước để vào trong hang.
Từ ngoài trời vào trong hang, hang mờ tối, không thấy dáng một ai. Tôi nhắm mắt lại rồi mở ra cho quen với bóng tối trong hang. Tiếng nước thác đổ ào ào, tôi nhìn quanh quất cũng không thấy anh Trung và anh Tâm đâu. Tôi dụi mắt và đi sâu vào hang, vào góc tối, chỗ hai anh thường nằm ngủ. Ba lô đồ đạc cũng không còn. Hay các anh có việc gì?
Không thể được vì chiều qua các anh thật vui vẻ vì anh Tâm đã bình phục và mừng là tôi tự nguyện dẫn các anh đi một đoạn đường. Không có dấu vết giằng co, hay giết chóc. Tôi vấp phải cục đất to, suýt ngã. Tôi cúi xuống xoa bàn chân bị đau thì thấy một phong bì dầy. Tôi nhặt lên, đoán rằng đó là thư các anh viết để lại. Vừa thất vọng là các anh đã không chờ tôi, vừa mừng là các anh không việc gì. Tôi ra ngoài gần cửa hang, nơi có ánh sáng, bóc thư ra đọc:
Anh Q.
Bọn này tối qua đã bàn luận với nhau và quyết định không nên phiền lụy anh quá nhiều. Anh đã giúp T và T rất chân tình như một người trong gia đình làm bọn này cảm động và biết ơn lắm. Bọn này thành thật cám ơn anh đã tận tình giúp đỡ những ngày qua.
Sơ đồ anh phác hoạ cũng như bản đồ, địa bàn, lương thực và những lời hướng dẫn của anh sẽ giúp bọn này rất nhiều. Bọn này được anh chuẩn bị như vậy thật là chu đáo, mọi sự phó mặc vào số phận. Nếu chẳng may không thành công thì đó là tại số chứ không phải vì anh hay bọn này thiếu chuẩn bị.
Chúc anh thành công với mộng ước anh theo đuổị
T & T
Tái bút: Xin gởi anh ít tiền còn lại, bọn này sẽ không còn dịp xài tiền đó nữa.
Tôi mở phong bì coi lại, đếm ra được 500 đồng tiền mới. Tổng cộng hơn một năm lương giáo viên của tôi mỗi tháng được 36 đồng. Tôi tiếc hai anh đã không ghi lại gì cho gia đình hai anh hay để địa chỉ để sau này có dịp tôi liên lạc. Tôi định bụng sẽ hỏi Nhung và các bạn của nàng, may ra sẽ có người biết chỗ ở của hai anh. Số tiền này không phải nhỏ, tôi sẽ giữ và đưa lại cho gia đình hai anh ấy. Tôi định bụng lúc bấy giờ vậy, chứ không biết phải chi vào việc khác sau này.
Tôi lách ra khỏi hang, đem tiền và bức thư nhét vào túi nhỏ trong ba lô. Tôi sẽ phải đốt bức thư đó càng sớm càng tốt kẻo lỡ có người nào đọc được thì khổ. Trời vẫn đang trưa, tôi lại không phải đưa anh Trung và anh Tâm đi nên tôi thong thả bơi dưới suối một hồi.
Giòng nước mát lạnh. Chỉ có tôi bơi như con rái cá cô đơn, bỗng nhiên tôi thấy nhớ hai người bạn mới của tôi. Không biết giờ này hai anh đã đi tới đâu rồi, có vững vàng tự tin như trong thư đã viết không. Tôi cũng thầm cảm ơn Trời và cầu nguyện cho hai anh ra đi bình an. Mọi việc như đã được xếp đặt trước. Nếu hai anh chờ, tôi sẽ đưa hai anh đi tới ngày hôm sau, và làng Kờ Mông sẽ thiếu giáo viên đêm nay. Thế nào rồi cũng bị phản ảnh lên trên là chúng tôi không tận tình dạy học. Tôi thì không hề gì, nhưng cô Liễu sẽ bị kiểm điểm và phiền toái vì đi quá phép. Tôi cầu mong cô Liễu sớm lên trở lại vì tôi chỉ có thể thay cô dạy thế mấy ngày chứ tôi phải lo công việc của tôi nữa. Tôi định sẽ chỉ trách nhẹ thôi chứ không kiểm điểm chi cho lớn chuyện khi cô Liễu lên. Cũng là giáo viên cả, đôi khi cũng phải linh động chứ! Tôi nhủ thầm.
Tôi đi tới làng Nang định đi theo đường nhỏ trong rừng dẫn tới làng Kờ Mông chứ không ra đường cái chính phải đi ngang Phòng Giáo Dục lỡ gặp người nào phải giải thích lôi thôi. Tôi ghé nhà cô Hạnh để nghỉ mệt khi cô đang chuẩn bị nấu cơm chiều trước khi ăn rồi lên lớp dạy buổi tối. Khi cô Hạnh biết tôi đi qua làng Kờ Mông dạy thế cô Liễu, cô Hạnh mời tôi ở lại:
-- Quang ở lại ăn cơm chiều rồi hãy đi nhé!
Hôm nay tôi cũng lười vì nhiều chuyện suy nghĩ nên đáp nửa đùa nửa thật:
-- Được, cám ơn chị Hạnh. Mà có đủ phần ăn không đấy?
Tôi mở bao lô lấy phần còn lại của mớ gạo nếp mới đổi ở làng Ea Rông để cho anh Trung và Tâm dùng để nấu cơm ống dễ ăn khi đi đường. Các anh chỉ cần chặt lồ ô hoặc nứa rồi bỏ gạo nếp vào một phần ba ống nứa, đổ nước đầy vào, rồi nướng. Cơm ống có thể giữ lại cả ba bốn ngày, khi nào ăn thì chẻ ống nứa ra, cơm áo dài chắc ăn lâu tiêu. Những người ở vùng cao, lạnh thường ăn cơm nếp nhiều hơn cơm tẻ vì no lâu. Hai anh Trung và Tâm đã xếp đồ vào ba lô nặng đầy nên phần còn dư tôi đem về. Hôm nay đưa cho cô Hạnh. Cô Hạnh nói thấy gạo nếp nói:
-- Vậy để Hạnh nấu xôi nha! Có ít đậu xanh xay sẵn nè! Mấy hôm rồi ông Đoàn ra đây bọn này nấu chè ăn hoài. Hôm thì ở đây, hôm thì ở làng Kờ Mông. Vui phải biết!
-- Ừ nhé! Vui vậy có quên dạy học không?
-- Đâu có! Bọn này biết điều mà đâu dám để phiền toái đến Quang đâu.
Tôi cười:
-- Chọc anh chị vậy thôi, chứ có dịp thuận tiện Quang sẽ sắp xếp cho anh chị ở gần nhau để động viên tinh thần lẫn nhau.
-- Nhớ đó nha! Quang mà thất hứa, hổng mời dự đám cưới bọn này đó!
-- Chao ơi, đã tính đám cưới rồi sao?
-- Ừ, bọn này tính càng sớm càng tốt đó! Sức khoẻ ông Đoàn cũng không tốt lắm, nếu có người chăm sóc ổng, chắc ổng đỡ hơn!
-- Suy nghĩ kỹ dữ ha! Mà gia đình hai bên đồng ý chưa ?
-- Chưa hỏi, nhưng bọn này trên hai mươi mốt hết rồi, không còn con nít như Quang mà phải có sự đồng ý của gia đình.
-- Ngon dữ, dám coi Quang là con nít! Chị không sợ Quang trả thù sao?
-- Quang mà thù ai!
-- Biết đâu đó! Đụng tới nồi cơm chén gạo của Quang, Quang trù chết luôn cho coi!
Chúng tôi đùa qua đùa lại trong khi chờ nồi xôi chín. Tôi nhủ lòng sẽ tạo dịp cho hai người về thị xã cùng một lúc, biết đâu gia đình hai bên đồng ý, hai người sẽ nên duyên vợ chồng. Tôi thấy chị Hạnh rất tốt, có lẽ anh Đoàn là người may mắn mới gặp chị ở đây. Chị Hạnh là người khoẻ mạnh, có nét đơn nhu thuần hậu không bon chen, biết chăm sóc cho anh Đoàn là người có vẻ yếu đuối bệnh tật. Tôi suy nghĩ tới luật mâu thuẫn tự nhiên, luật bù trừ mà hoá công đã dựng nên, "Được vợ mất chồng, được chồng mất vợ!" Có phải tại hai thái cực thu hút, hấp dẫn nhau hay không?