Chương 13
Tác giả: Nguyên Đỗ
Hôm sau, thật bất ngờ, tôi gặp hai chị em Nhung và Phượng ở trạm xe đò. Nhung đưa cho tôi một phong bì dầy cộm, dặn kỹ là chờ khi một mình trống vắng rồi hãy đọc. Phượng chỉ nhìn tôi cười, chúc tôi đi bình an và trở về khoẻ mạnh, dặn dò:
- Khi anh Quang về nhớ ghé lại thăm gia đình tụi em nhé!
- Còn phải dặn! Quang nhất định sẽ trở lại thăm mà!
Chúng tôi nói chuyện được một lúc thì chú công an Phiếm tới. Chú gật đầu chào chị em Nhung và tôi. Chú hỏi, "Trở lại huyện rồi sao?"
- Dạ còn được một ngày phép nữa, nhưng ... em lên sớm để chuẩn bị. Chứ vừa lên đi dạy ngay mệt chết.
- Thôi ráng phấn đấu lên nhé! Việc gì khó có thanh niên! Khoẻ như các cậu thì phải xung phong vào những nơi gian khó!
Tôi cười, nghĩ thầm phải chi đổi chỗ, cho những người đã quen chịu khổ vào những nơi rừng sâu nước độc, còn cho lớp người mới chúng tôi tiếp tục học để sau này tiếp tục sự nghiệp cách mạng, đem những kiến thức khoa học ra xây dựng đất nước sau này thì có phải hay hơn không!
Cũng may mà chú Phiếm không tò mò xem xét trong ba lô và xách tay của tôi có đựng thứ gì, còn không thì khó mà giải thích. Tôi đi lên huyện sớm hơn một ngày để đi thẳng vào thác nước, không trình diện phòng giáo dục, để tránh những phiền phức bất ngờ có thể xảy ra.
Tôi đã sống cả năm trời dưới chế độ mới, đã hiểu phần nào những bất ổn thất thường, những chiêu bài tố cáo luận tội với chỉ một tí chứng cớ, hay hoàn toàn do vu khống. Linh mục quản xứ Thăng Thiên ở thị xã Pleiku, cha Nguyễn Trí Thước, đã bị rêu rao lăng mạ hằng ngày trên loa phóng thanh. Cha bị quản thúc 24/24 trong nhà xứ chỉ vì ôn hoà đòi lại các bất động sản của giáo hội. Tiền bạc quyên góp để xây nhà thờ chính đã bỏ vào xây dựng trường Minh Đức, bấy giờ đã bị nhà nước quản lý và đổi tên là trường Trung Học Cấp III Thị Xã Pleiku.
Hồi đó đang học lớp 12, sáng sớm nào anh em tôi cũng phải đi quanh vườn, quanh nhà, xem có gì khả nghi không, vì bố tôi đã từng đi tù cộng sản tại khu tư và làm việc với lực lượng Bảo An dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm, nên bố tôi thường nói phải cẩn thận với các mánh khoé có thể thành bằng cớ để người khác buộc tội mình. Có lần tôi thấy được một khẩu súng ngắn đã cũ nằm trong hàng rào của vườn nhà tôi. Tôi vội vàng lấy bao nhựa gói kỹ và liệng xuống mương nước mưa bên đường. Quả nhiên trưa đó một số du kích và công an đến nhà tôi, đi xục xạo trong vườn nhưng chẳng tìm được gì. Họ hỏi kỹ lắm nhưng bố tôi, đã già, cứ nhất mực nói là bố tôi chẳng biết gì! Tôi lúc đó ở trường học nên khi về nghe bố mẹ tôi kể, tôi sợ điếng người, nhưng việc tôi làm càng ít người biết thì càng dễ dàng cho mọi người.
Tôi ngồi trên mui xe đò đi vào huyện Chư Pah mà lòng băn khoăn với những điều tôi bất đắc dĩ dấn thân vào. Hy vọng là hai người bạn mới biết chịu khó chờ, và nếu có bị bắt học cũng không khai báo gì. Tôi nôn nao muốn gặp lại Du, tôi cũng bâng khuâng không ít khi nghĩ về Nhung, Hải, chú Phiếm. Hình như là chuyện tình tay ba, tôi đang đóng vai người thứ tư trước mắt mọi người. Cũng cảm thấy khó xử. Chủ quan mà xét, tôi thấy Nhung, và cả gia đình Nhung nữa, dành nhiều tình cảm cho tôi, nhưng chuyện tình yêu mấy ai mà rành rọt.
Tôi muốn mở phong bì của Nhung cho tôi để đọc ngay, nhưng đường đi gió bụi mù nên tôi giữ nguyên trong ba lô. Hành trang mới của tôi đó, một hành lý bí mật sẽ gắn tôi vào cuộc đời Nhung, Hải và chú Phiếm! Chiếc xe đó cứ dồng dềnh chạy trên con đường đất đầy ổ gà, bụi mù. Những hàng cây cúc quì vàng bên đường bị lớp bụi đất đỏ phủ lên hoa, lá trông đến thảm thương. Tôi mong một cơn mưa lớn rửa sạch lớp bụi đỏ, để cho hoa lá tươi sắc màu, để con đường hoa quì thêm đẹp và thêm thơ mộng.
Khi xe tới trạm dừng ở xã B 9 thì trời đã xế trưa. Tôi mặt mày lem lũ, khoác ba lô và xách tay đi vào làng Plei Nang, các thác nước chừng một tiếng đi bộ. Tôi là giáo viên chuyên trách ai cũng biết nên chẳng ai nghi ngờ việc đi lại của tôi. Tôi ghé lại chỗ cô giáo Hạnh, bạn thân của cô giáo Liễu, gởi lại cái xách tay, nói tôi sẽ ghé lại buổi tối hoặc sáng hôm sau, bây giờ tôi phải kịp lên làng khác.
- Quang lúc nào cũng bận! Sao không ở lại đây tối nay rồi mai đi được không?
Ở lại làm sao được khi có hai người có lẽ đang nôn nóng chờ tôi dưới thác nước. Thời giờ là vàng bạc, nhưng thời gian chờ đợi trong lo âu còn quí hơn ngọc ngà châu báu nữa, chậm một giây cũng có thể nguy cơ tới tính mạng mà. Tôi đâu nhẫn tâm để người ta phải sống trong cảnh hồi hộp đó. Càng rời nơi này sớm chừng nào hay chừng đó!
Tôi biết cô Hạnh muốn tôi ở lại chơi, để cô biên thư cho anh Đoàn, một giáo viên, đang dạy ở B 8, cách làng Nang khoảng 3, 4 tiếng. Để tránh sự nghi ngờ của cô Hạnh, tôi nói với cô:
- Thôi chị viết thư cho anh Đoàn đi, Quang chờ! Quang sẽ đưa thư cho anh, và tối nay ngủ tại đó. Sáng mai Quang về thế nào anh Đoàn cũng sẽ viết thư cho chị!
- Quang sao hiểu tâm lý người ta quá! Thảo nào không làm chuyên trách một cách mau chóng!
- Mèo mù đớp cá rán đó chị! Tại Quang may mắn học tiếng Thượng với anh Ít đó! Thầy giỏi thì trò nhờ đó!
- Để Hạnh nấu cơm chiều ăn xong rồi Quang đi!
- Thôi, khỏi đi. Quang chờ chị viết thư xong là đi, chứ không tối mất!
- Ừ vậy để Hạnh ngồi viết thư cho anh Đoàn liền!
Trong khi cô Hạnh ngồi viết thư, tôi đi vòng ra ngoài trường học, gọi là trường chứ thật ra chỉ là một phòng có bàn ghế thô sơ làm bằng cây bằng tre, nứa, đủ chỗ cho 30 người thôi. Ban ngày dân làng đi rẫy, mang theo các em, nên giáo viên siêng thì soạn giáo án, soạn bài lên lớp, hoặc siêng hơn nữa thì đi theo dân làng lên nương phụ làm với người ta, giảng giải về cách thức trồng trọt của người Kinh. Cái này tôi đã làm theo trực giác và đã rất thành công, chứ không đòi hỏi các giáo viên phải rập khuôn làm theo. Việc gì cũng vậy, mình phải tuỳ thuộc tình hình mà biến chế, canh tân. Ông bà chẳng phải nói, "Nhập sông tùy khúc, nhập gia tùy tục" đó sao?
Tôi ghi nhận sơ qua về tình trạng bàn ghế. bảng, lớp học, rồi trở lại nhà cô Hạnh. Cô Hạnh viết thư đã xong, mắt cô long lanh:
- Quang nhớ chờ anh Đoàn hồi âm nhé! Sáng mai về mà không có thư anh Đoàn, Hạnh nhéo Quang sứt tai!
- Trời ơi, chị nhờ người ta, mà lại còn hăm doạ nữa!
Cả hai giáo viên chúng tôi cười vang. Đàn chim đang đậu trước sân nhà giật mình tung bay vù lên câỵ Tôi vội vàng từ giã cô Hạnh, khoác ba lô chứa đầy những vật dụng, thức ăn cần thiết cho hai người bạn mới đang chờ dưới thác nước. Chắc giờ này họ đang nóng lòng chờ đợi, không biết là tôi có trở lại hay không? Tôi mong muốn họ được vạn sự bình an, tuổi thanh niên chúng tôi đã mất mát quá nhiều, tôi không muốn thấy tuổi trẻ của chúng tôi bị sa lầy trong tuyệt vọng. Phải có một lý tưởng để sống, cho dù đó là một sự ra đi bấp bênh, cho dù đó là một lý tưởng khó thành đạt, cho dù đó là một tình yêu trong cảnh khó nghèo, như những người bạn đồng nghiệp của tôi.