Chương 28
Tác giả: Nguyên Đỗ
Mọi người đã đi hết sau khi vệ sinh và ăn sáng. Già trẻ lớn bé đều đi cả, người thì đi làm, người thì đi học, chỉ còn một mình tôi. Lúc người Thượng đi vắng, người ta chỉ khép cửa chứ không có khoá. Mọi người tôn trọng tài sản và qúi trọng lẫn nhau. Chỉ có những người bệnh mới ở nhà hay những trẻ nhỏ đang tuổi đi học nếu có giáo viên phổ thông ở gần đó. Làng Kờ Mông nằm dọc theo đường chính lên Phòng Giáo Dục và có hai làng khác gần đó, cũng như khu vực kinh tế mới Thạnh Đức của người Kinh mới thành lập nên trường lớp phổ thông tương đối đầy đủ. Có đủ các lớp Cấp I, tức là tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 5. Cấp II thì chỉ có học sinh tới lớp 8. Học sinh cấp II toàn là người Kinh từ dưới Qui Nhơn đi lên.
Tôi đang soạn bài cho kỳ huấn luyện giáo viên Thượng thì có tiếng người đi lên. Tôi ngưng viết ngẩng mặt lên xem có phải là cô Liễu trở lại không. Tôi nghe thấy tiếng cô Liễu:
-- Đây là nhà Liễu ở. Mời anh Tài lên nhà!
Có tiếng người nói lại, chắc là tiếng thầy Tài, một giáo viên ở B 3.
-- Nhà lớn đó chứ! Hình như dài và rộng hơn các nhà khác!
-- Có lẽ vậy, nhà này là của ấp trưởng mà!
Cô Liễu giật mình khi thấy tôi đang ngồi trong góc nhà, chỗ cô ở:
-- Anh Quang, tới đây hồi nào vậỷ
-- Quang tới chiều hôm qua, khi thầy Đoàn vào làng Ea Rông lại và báo là Liễu chưa thấy lên.
Tôi đứng dậy chào và bắt tay thầy Tài
-- Anh Tài lên chơi hở?
Anh Tài ngần ngừ gãi đầu trả lời:
-- Tài muốn xin đổi chỗ dạy với Liễu. Hôm trước Lực và Tài gặp Liễu và Mai ở thị xã nói chuyện vui chơi, rồi chuyện này sang chuyện khác... Liễu có lên B3 và gặp giáo viên chuyên trách trên đó.
Tài bỏ ba lô xuống, lấy thư giới thiệu đưa cho tôi:
-- Tóm tắt lại là Tài gặp khó khăn không thể tiếp tục dạy trên đó nữa. Thấy Liễu và Lực hai người ăn ý nhau muốn dạy gần nhau nên Tài mời Liễu lên trên đó gặp giáo viên chuyên trách cũng như dân làng để đề nghị đổi chỗ dạy.
Tôi đọc lướt qua giấy đồng ý cho thầy Tài đổi chỗ với cô Liễu vì thầy Tài gặp khó khăn trong việc dạy ở làng anh. Anh đã thuyên chuyển qua ba làng khác nhau rồi mà ở đâu cũng gặp trở ngại. Anh Phúc, giáo viên chuyên trách vùng đó, đề nghị đổi cô Liễu hay một giáo viên khác hoặc trả thầy Tài về Phòng Giáo Dục vì anh thấy thầy Tài không thể hoàn thành công tác trên B3 được.
Tôi thấy có điều gì không ổn vì lý do không rõ rệt nhưng lờ đi để dịp khác tôi sẽ tìm hiểu thêm. Tôi nhìn thầy Tài hỏi:
-- Thế hồi nãy đi ngang Phòng Giáo Dục anh đã vào nói chuyện với anh Nhật, trưởng phòng, chưa?
Cô Liễu xen vào:
-- Hồi nãy xe vừa lên tới đầu làng Kờ Mông là Liễu với anh Tài nói tài xế cho xuống liền. Liễu không muốn đi bộ giữa trời nắng chang chang này.
-- Vậy nếu Liễu muốn cũng phải viết một đơn xin đổi chỗ liền đi rồi Quang đưa hai người lên Phòng Giáo Dục nói chuyện với anh Nhật giúp hai người thuyên chuyển. Được hay không là tuỳ ở Phòng Giáo Dục, chứ Quang không dám tự quyết định hay thuyên chuyển người ra ngoài khu vực của Quang.
Cô Liễu nài nỉ:
-- Ráng giúp Liễu và anh Tài đi nghen!
Tôi nhìn vào mắt cô Liễu. Tôi thấy Liễu có vẻ linh hoạt hơn, dễ thương hơn, và hạnh phúc hơn. Có lẽ là dấu hiệu của tình yêu đây. Chắc cô Liễu trúng tiếng sét ái tình của anh Lực rồi.
-- Liễu tính bỏ làng trốn nhà đi theo ai vậy?
-- Có trốn hồi nào đâu, Liễu thích giúp anh Tài mà!
-- Liễu đi thì đị Quang không cản, nhưng phải nhớ Liễu đã quen nước, quen cái ở đây rồi. Phong thổ mỗi nơi mỗi khác, không cẩn thận sẽ ngộ độc đó!
-- Không sao, Liễu thích lên đó mà!
-- Thôi vậy đi, Liễu viết đơn xong thì ba người chúng ta lên Phòng Giáo Dục. Liễu cứ để đồ đạc ở đây vì hôm nay không kịp xe về thị xã đâu. Còn anh Tài, mang ba lô đi. Nếu anh Nhật đồng ý anh thay Liễu, Quang muốn anh lên thay anh Đoàn để anh Đoàn về đây cho gần bệnh xá huyện vì trông thấy anh kỳ này bệnh suyễn của anh nặng hơn. Hơn nữa anh ấy cũng quen với dân ở làng này. Tuần rồi, anh Đoàn dạy thế Liễu ở đây!
Ba người chúng tôi đi bộ lên Phòng Giáo Dục vừa đi vừa nói chuyện đời giáo viên miền núi với những vui buồn lẫn lộn. Làng thầy Tài nằm trong góc núi Chư Pao (Núi Con Trâu) vì nhìn từ xa dãy núi trong cũng hơi hơi giống hình còn trâu nhất là lúc về chiều. Chu Pao trước đây đã xảy ra những trận đánh kịch liệt giữa quân đội miền Bắc và miền Nam nằm giữa thị xã Pleiku và thị trấn Kontum. Dọc theo quốc lộ 14 từ vùng Chu Pao trở lên Kontum lỗm chỗm những hố bom B52 thả vào mùa hè đỏ lửa 1972. Những hố bom đó bây giờ là những chuôm ao xanh có ếch nhái và có khi có cả cá nữa. Không biết có phải người Thượng thả những con cá con, còn quá bé để ăn không, nhưng những hố bom xưa đã được nước mưa đọng lại thành những ao chuôm thành môi sinh mới của cá và ếch nhái. Phép lạ của thời hoà bình! Sự sống sẽ thắng cái chết, hoà bình sẽ thắng chiến tranh, ánh sáng sẽ thắng bóng tối và chánh nghĩa sẽ thắng gian tà! Tất cả phải phụ thuộc vào thời gian!
Phải để thời gian băng bó những vết thương, phục hồi hy vọng, và hồi sinh sự sống. Quân võ phu Mông cổ trên lưng chiến mã đã đánh thắng và hùng cứ Trung Hoa nhưng đã hội nhập nền văn hoá nhà Tống để Trung hoá hoàn toàn. Tôi thầm hy vọng văn hoá, lòng yêu thương dân tộc, sự yêu chuộng hoà bình và tự do của miền Nam sau này sẽ đánh bại và thuần hoá được mọi ý thức hệ ngoại lai. Mỗi cố gắng, đóng góp của thanh niên chúng tôi sẽ xoa dịu, và xoá bỏ được những sự khác biệt tưởng như không thể dung hoà được.
Tôi không cần biết thầy Tài đã làm gì khiến thầy thất bại cả ba nơi, tôi sẽ cố gắng tranh đấu cho thầy Tài được chuyển về đây. Cô Liễu dạy rất tốt nhưng tôi không thể cầm giữ cô ở lại được. Hồn cô đã để ở B 3 rồi, nếu tôi không thuyên chuyển cô, cô sẽ miễn cưỡng dạy mà thôi, như vậy không ai được lợi cả. Chi bằng nhân nhượng những cái có thể nhân nhượng để mọi người cùng vui vẻ hăng say trong công tác giáo dục của mình.