Chương 30
Tác giả: Nguyên Đỗ
Thầy Tài và tôi rời Phòng Giáo Dục liền ngay khi thầy và cô Liễu lên chào và cám ơn anh Nhật. Tôi muốn làm việc gì thì làm cho xong, không muốn nấn ná ở lại. Tôi chỉ lấy gọn ghẽ những thứ căn bản một bộ đồ thay, khăn tắm, võng, màn, cà mên, đèn pin nhà binh... còn những thứ khác như mền, quần áo tôi để lại để việc đi lại được dễ dàng. Vừa đi tôi vừa nói qua tình hình dạy học ở khu vực và tình hình ở làng thầy Đoàn để thầy Tài nắm vững và hoạt động được tốt đẹp.
Một khu vực có thành công hay không là nhờ sự cộng tác của tất cả các giáo viên, chứ không tuỳ thuộc vào một cá nhân nào. Tôi không muốn mình độc đoán làm việc, những gì tôi biết, tôi đều chia sẻ với tất cả mọi giáo viên để họ cùng biết và giúp tôi dạy đồng bào Thượng. Thầy Tài lấy làm lạ tại sao tôi giải thích cặn kẽ từng chút một, tôi cười bảo thầy:
-- Mỗi một giáo viên là đại diện cho tập thể giáo viên. Thầy làm sai ở một làng, làng khác sẽ nghe tiếng và ảnh hưởng tới làng bên. Thầy hoạt động tốt ở một nơi sẽ động viên thầy cô giáo và đồng bào ở các làng lân cận.
Từ Phòng Giáo Dục lên làng Ea Nang chỗ cô Hạnh mất độ hơn hai tiếng đồng hồ. Thầy Tài và tôi đi độ hơn một tiếng rưỡi thì thấy mấy con nai chạy băng qua đường mòn. Nai rừng ít khi chạy, thường thong thả đi, trừ khi cháy rừng, bị bắn hoặc phát hiện người săn. Như linh tính báo có chuyện gì bất ổn, tôi thấy bên vầng thái dương giật giật vài cái. Thay vì đi thẳng tới làng Ea Rong, chỗ thầy Đoàn, tôi quyết định ghé lại chỗ cô Hạnh để hỏi xem có gì lạ.
Vừa thấy chúng tôi đến, cô Hạnh đã chạy ra, nói hớt hải:
-- Du kích và bộ đội đang truy lùng quân phiến loạn hay người vượt biên. Tối qua làng họp vì có người nấu nướng trên nhà kho ngoài rẫy của họ, khoai sắn nhổ tùm lum. Tro bếp còn ấm nên có lẽ mới đây thôi.
-- Du kích và bộ đội đi về hướng nào?
-- Về phía làng ông Đoàn đó!
-- Họ đi bao lâu rồi?
-- Chừng một tiếng thôi, vì du kích các làng và bộ đội họp chung ở đây rồi mới khởi hành.
-- Thế họ chia làm mấy nhóm?
-- Đi chung một nhóm thôi vì chỉ có 7 anh bộ đội còn đâu khoảng 20 du kích.
-- À thầy Tài sẽ lên thay thế thầy Đoàn ở trên làng Ea Rong. Thầy Đoàn sẽ về làng Kờ Mông sáng mai đó.
-- Thật không? Quang không nói giỡn chứ?
-- Giỡn làm chi? Chị hỏi thầy Tài là biết liền. Thầy Tài đổi chỗ cho cô Liễu, Quang đưa anh Đoàn về thế cô Liễu cho tiện việc đi lại bệnh xá nếu cần vì thấy anh bị suyễn hành nặng hơn.
-- Cám ơn Quang nha! Bọn này không quên Quang đâu!
-- Chuyện nhỏ mà, cám ơn thầy Tài nè! Không có thầy Tài, Quang đâu đổi chỗ ngay cho anh Đoàn được.
Cô Hạnh quay nhìn thầy Tài:
-- Cám ơn thầy Tài nha. Khi nào bọn này đám cưới thầy ráng đi dự đó!
-- Gì chứ ăn thì tôi nhanh lắm! Chừng nào vậỷ
-- Ồ chưa nhất định, nhưng bọn này chỉ làm đơn giản thôi, cũng dễ mà! Ăn chung là Quang cho bọ n này về sắp xếp!
-- Ấy ấy đừng đặt gánh nặng trên vai Quang nha chị, bộ tính làm áp lực hở? Nói chơi vậy thôi, sau vụ huấn luyện giáo viên Thượng, Quang sẽ tìm cách cho anh chị cùng về một chuyến!
-- Quang hứa rồi đó nha!
-- Dạ thì hứa đó, nếu Quang còn sống thì sẽ giữ lời! Thôi bọn này phải đi cho kịp, chị Hạnh vui vẻ nha!
-- Mấy anh đi cẩn thận, đừng lớ xớ bị bắn đó!
-- Khỏi lo, bọn này vừa đi vừa hát nhạc cách mạng.
Ra khỏi bìa làng, đường mòn quanh co, cây cối um tùm. Tôi nói với thầy Tài:
-- Thầy biết bài hát cách mạng nào không? Thầy hát trước đi, bọn mình thay phiên nhau hát!
Thầy Tài cười hỏi:
-- Thật hay giỡn vậy?
-- Thật đó, mình lùi lũi đi, đâu biết ai rình rập đâu đó, tưởng mình là FULRO thì chết bỏ sừ.
Thầy Tài lắc đầu:
-- Tài không biết bài hát nào cả, chỉ biết mấy bài hát của thiếu nhi thôi.
-- Kệ đi, mình hát bài nào mình biết! Cốt là để người ta biết mình không trốn tránh đó mà.
Thế là thầy Tài gân cổ vừa đi vừa hát:
"Ai yêu bác Hồ Chí Minh
Như thiếu niên nhi đồng ..."
Tôi thấy hay hay cũng hùa theo làm vang động cả khu rừng có lẽ vang vọng chu vi cả một cây số vì rừng núi âm vang tiếng hát của chúng tôi. Tôi mong tiếng hát vang vọng thật xa để mọi người nghe thấy, an toàn cho chúng tôi và báo động cho người đang lẩn trốn. Hát một hồi, thầy Tài nói:
-- Thôi anh Quang hát một mình bài gì khác đi, hát hoài khô cổ quá!
-- Để Quang dạy cho anh bài hát tiếng Thượng để anh lác mắt họ nghen! Cứ lập lại thôi, không cần biết nghĩa từng chữ.
Tôi hát một lượt bài Cách mạng thành công bằng tiếng Thượng, "Hơk kơ tơk jai ta jong ying eng ah kach mang ta eng ah oh tơ lơi ăm ah ..." giữa tiếng cười ngặt nghẽo của thầy Tài.
-- Thôi anh Quang ơi, Tài chịu thua. Hát tiếng Việt còn hát vớ vẩn nữa là tiếng Thượng.
-- Vậy thôi, mình ngưng hát. Cũng mỏi cổ rồi!
Chúng tôi im lặng, tôi đi trước, thầy Tài theo sau. Tôi thầm nghĩ không biết ai đã nhổ sắn và để lại dấu vết tùm lum để xảy ra chuyện này. Không lẽ anh Trung và anh Tâm vô ý đến thế sao khi mà tôi đã dặn dò chỉ vẽ kỹ lưỡng rồi. Tôi phải tìm ra hướng truy lùng của du kích và bộ đội. Không chừng tôi phải tìm cách liên lạc với anh Tâm và anh Trung. Bằng cách nào bây giờ, tôi ước lượng giờ này hai anh đã tới ranh giới B 12. Nếu tôi đi theo đường mòn cũng mất 6 tiếng nữa, lúc đó đêm đã phủ xuống, hơi lạnh trong núi bốc ra!
Tôi nghĩ có lẽ một nhóm người nào đó đã nhổ sắn chứ không thể nào là anh Tâm và Trung được, nhưng nếu bộ đội và du kích truy lùng về hướng các anh đi thì tôi phải kịp thời báo hiệu bằng cách vượt qua họ. Họ đi đông và chưa biết hướng các anh đi nên sẽ mất giờ truy lùng dấu vết, tôi được lợi điểm hơn nên có thể báo các anh đi về hướng khác an toàn hơn, nhưng bằng cách nào? Không thể xếp đá trên đường mòn vì dễ gây chú ý và các anh sẽ không đi theo đường mòn, mà chỉ đi dọc theo đường mòn để đỡ bị lạc nếu các anh theo đường tôi chỉ dẫn. Cách tốt nhất là bằng đèn pin chờ trời tối, dùng mật mã morse để liên lạc may ra nếu hai anh Tâm và Trung thay phiên nhau canh gác như lời tôi dặn họ có thể nhận ra tín hiệu của tôi. Dù với giá nào tôi cũng phải đưa hai anh ra khỏi vòng hiểm nguy.