Chương 33
Tác giả: Nguyên Đỗ
Gà rượu sắp sẵn sàng thì dân làng đi làm về. Thấy du kích và bộ đội chuẩn bị ăn uống, bác thôn trưởng và các ông khác cũng về nhà ôm mỗi người một ghè rượu ra chung vui. Du kích thủ thỉ với dân làm sao đó nên ông thôn trưởng và dân làng cứ lại vỗ vai tôi nói:
-- Nai pơ tho (Thầy giáo ) tốt lắm! Cho đồng bào nhum pai (uống rượu)!
Ban đầu tôi còn cười trừ ôm vai từng người chào hỏi, sau thấy nhiều người cứ tới, tôi nghĩ chắc đêm nay chẳng có ai muốn học vì mọi người ai nấy sẽ say sưa hát hỏng tới khuya, tôi phải đứng lên nói:
-- Hôm nay tôi có tin vui báo cho đồng bào là còn chỉ hơn một tuần lễ nữa chúng tôi sẽ huấn luyện một số giáo viên Jrai để dạy đồng bào viết chữ Jrai. Đây đúng là nguyện vọng của đồng bào. Ai trong đồng bào biết viết chữ Jrai, xin lên Phòng Giáo Dục để đăng ký. Các giáo viên Jrai sẽ được hưởng qui chế giáo viên. Tiệc hôm nay là để vui cùng các anh bộ đội, du kích và đồng bào đã cùng nhau hợp tác làm việc và học hỏi. Tôi sẽ không ở lại đây đêm nay được vì còn phải đi các làng khác lấy tình hình để báo lên Phòng Giáo Dục. Lớp huấn luyện giáo viên Jrai sẽ bắt đầu 9 ngày nữa, đồng bào biết ai biết viết tiếng Jrai, xin báo cho họ để họ có thể dạy đồng bào viết tiếng mẹ đẻ của mình.
Trong lúc đồng bào Thượng xôn xao bàn tán vui vẻ, tôi giải thích bằng tiếng Việt cho các anh bộ đội đang há hốc miệng nhìn tôi kinh ngạc vì tôi nói tiếng Thượng một tràng dài như tôi vừa đọc xong diễn văn. Tôi quay sang thầy Tường nói:
-- Hôm nay Quang phá lớp của thầy rồi!
-- Không sao! Tường cũng mệt, nghỉ một hôm không hề gì!
-- Tường nhớ nhắc ông thôn trưởng vụ kiếm người gởi lên Phòng Giáo Dục dự lớp huấn luyện nhé!
Tôi lại hỏi chuyện các anh Quốc, anh Lý, anh Tiến, anh Công và các anh bộ đội khác. Các anh hình như cũng quên cuộc săn lùng vất vả hôm nay, cứ thay phiên nhau hút rượu cần, nhón thịt gà chấm muối, tiêu và chanh bằng tay không chứ không có đũa đang gì cả. Nồi cơm chín ít ai đụng tới, ai có ăn cơm thì lấy bầu nước rửa tay rồi lấy cơm bỏ vào tay, vắt lại thành cục cơm hình tròn hoặc dài thon thon ăn ngon lành, chẳng phân biệt Kinh - Thượng. Đúng là Kinh - Thượng một nhà.
Anh Quốc nói:
-- Tớ cứ tưởng rượu cần dở, uống ngang phè phè như hôm nọ. Ai ngờ ghè này ngon đếch chịu được. Phải uống cho đã hôm nay.
-- Ghè này ngon nên giá mới mắc đó! Họ làm bằng gạo nếp, bông cỏ,
hoặc khoai mì thượng hạng là mì già đúng cỡ! Rượu cần dở làm bằng mì non!
-- Mìlà gì?
-- À khoai mì là củ sắn đó! Em nói tiếng Nam pha lẫn tiếng Bắc. Người miền Nam gọi sắn là mì!
-- Đồng chí công tác vùng này bao lâu rồi?
-- Gần một năm rồi! Còn các anh?
Anh Quốc nói:
-- Đa số mới thôi, còn tớ từ hồi còn chiến tranh, từ năm 1972 giờ!
-- Vậy là anh đã trải qua những trận đánh kinh hoàng ở các nơi năm 1972.
-- Ừ mẹ nó! Giặc Mỹ ném bom chạy không được, chết không biết bao nhiêu đồng chí!
Tôi thật tình thương xót anh Quốc:
-- Cũng may mà anh còn sống và không việc gì!
-- Lúc đó tớ làm hậu cần lo việc nấu nướng cho các ông lớn ở trong hang núi nên thoát nạn. Bao nhiêu bạn bè cùng làng chết cả vì bom B 52 trong trận đánh Kontum.
-- Thế anh đã về Bắc lại chưa?
-- Bố dám về đồng chí ạ! Mình là người sống sót duy nhất trong cả trăm đứa đi cùng một chuyến thì còn mặt mũi nào mà về! Mình là thằng chết nhát, bám đít ông lớn mà sống sót thôi! Nhục nhã lắm!
Tôi đoán anh Quốc ngà ngà say rồi, tại anh là người uống cang rượu đầu ngay lúc đói. Khi uống rượu cần, người Thượng thường dùng ống tre nhỏ cắm sâu xuống ghè rượu rồi đổ nước trên mặt. Họ dùng cành tre nhỏ để trên mặt ghè hoặc chum rượu bẻ xuống chừng một đốt tay làm dấu một ngấn hay một cang theo tiếng Thượng. Mỗi người uống một cang xong đổ thêm nước lạnh trên mặt, rồi mời người khác uống. Du kích Thượng và dân làng nói tôi uống trước, tôi nói xin để xếp bộ đội, rồi tới thôn trưởng, rồi các anh bộ đội, du kích rồi mới tới tôi vì tôi còn phải đi các làng khác. Khi tới lượt tôi uống, cũng khoảng là người thứ ba mươi mấy rồi mà khi hút rượu vào miệng tôi biết là rượu thứ mạnh, chứ không phải loại xoàng, Thứ rượu này làm bằng bông cỏ, chỉ dùng khi người ta muốn say ngất ngây. Tôi cười thầm. Không khéo anh du kích sợ bộ đội bắt đi truy lùng người buổi tối nên khi tôi mua rượu anh đã ra giá cao để phục bà con rượu đêm nay cho khỏi phải đi tìm người.
Tôi uống một ngấn bên ghè rượu ngon rồi đổi qua các ghè khác nhẹ hơn uống cầm chừng vì tôi định chuồn khi mọi người đã thấm say hoặc say sưa ca hát. Khi uống rượu người Thượng thường hát chọc đùa nhau hoặc ri hay khan là lối kể chuyện bằng thơ như ngâm truyện thơ như truyện Kiều, truyện Lục Vân Tiên ... của người Việt. Người Thượng rất tự do phóng khoáng, họ không thích ràng buộc. Đời sống họ đơn sơ, đói ăn khát uống, ít khi nghĩ tới ngày mai. Với họ miếng cơm giấc ngủ là quan trọng hơn là lý tưởng chủ nghĩa xa vời. Để họ tự do thoải mái tự lo cơm ăn áo mặc, có lẽ họ sẽ cả đời hồn nhiên hạnh phúc. Họ chưa có lòng tham vô đáy, chưa có thù hận ngập trời như những nơi gọi là gần gũi với văn minh tiến bộ, những nơi xã hội đã bị tham vọng cá nhân bóp méo lương tâm và lòng tốt bẩm sinh.
Sau khi hỏi đủ mọi thứ chuyện tôi cần biết, tôi rời anh Quốc và các anh bộ đội để đi nói chuyện với du kích và dân làng. Tôi nói chuyện thay uống rượu vì tôi còn phải đi xa, mỗi giờ trôi qua là các anh Trung anh Tâm lại đi xa hơn nữa, tôi có thể câu giờ một đêm nay thôi, chứ không thể cầm chân các anh bộ đội và du kích mãi được. Tôi không muốn thấy các anh phải chết dưới họng súng thời bình. Trong chiến tranh chết chóc có thể là chuyện thường, nhưng chết khi chiến tranh đã kết thúc là một điều tôi không thể chấp nhận được. Nếu có lỗi lầm nặng chi nữa thì đã có nhà tù. Giết chóc một cách bừa bãi, thù cá nhân là những điều không thể không lên án.
Anh Quốc mang mặc cảm của một kẻ sống sót khi các bạn anh đã tử trận, anh sống sót chỉ vì anh làm hậu cần, chui rúc trong hang hố lo cần vụ cho các cán bộ lớn ẩn mình trong hang hốc. Những cái bếp Hoàng Cầm đã cứu vớt họ. Hang động lớn nằm ở sườn núi phía đông, các anh bộ đội đào hang nhỏ dẫn khói tỏa bền sườn núi phía tây, nên bao nhiêu bom đạn B 52 cứ nhằm sườn núi phía tây mà thả. Tiếng bom chỉ đinh tai nhức óc, chứ họ dựng cây treo võng trong hang núi phía đông nên không hề hấn gì. Chỉ có các anh bộ đội tấn công vào các làng xã thị trấn Kontum, Dakto ... là lãnh đủ. Chỉ có núi rừng bị bom đan và thuốc độc da cam làm trơ trụi cây cành. Những người chủ tâm nắm đầu cuộc chiến tranh vẫn tồn tại trước những chết chóc và khổ đau của đồng loại.
Tôi không thù hằn người cộng sản mặc dù ông, cha và anh tôi chiến đấu chống chủ nghĩa cộng sản bao nhiêu năm trời. Tôi chỉ ghét chủ nghĩa cộng sản đã đưa lại tang thương cho đất nước. Trên đời này có gì tồn tại, những chủ nghĩa ngoại lai rồi sẽ qua đi, đức nhân ái của một dân tộc đã trường tồn từ bao nhiêu thế kỷ hy vọng sẽ biến đổi tất cả những ý thức hệ khác để hoà nhập với sự kiêm ái lấy người dân làm căn bản của dân tộc Việt từ đời Trần Hưng Đạo hay trước đó nữa.
Sự đoàn kết của người Kinh - người Thượng đã có tự ngàn xưa như thần thoại Âu Cơ hay gần đây hơn vào cuối thế kỷ 18, dưới sự lãnh đạo của anh em Tây Sơn, đã có những đoàn quân cỡi voi của người Thượng trong việc đánh phá quân Thanh. Mối quan hệ miền xuôi miền ngược, người đồng bằng và người vùng núi là những mối giây đoàn kết đã làm đẹp quê hương hình chữ S từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau, làm phong phú cho nền văn học của nước nhà.
Tôi biết tôi đã ngà ngà mặc dầu đã từ chối uống nhiều lần nên mặc cho dân làng và các anh bộ đội cản tôi từ giã để ra đi, hy vọng có thể tìm ra được anh Trung và anh Tâm, dẫn họ tới một khu vực an toàn hơn, vì hướng hai anh đi là hướng bộ đội sẽ truy lùng nếu họ tìm không ra kẻ khả nghi ở vùng này ngày mai.