Chương 40
Tác giả: Nguyên Đỗ
Trong lúc mọi người lục đục nấu nướng thịt trâu rừng, thì chú Minh dẫn tôi tới nhà kho, nói anh cần vụ tìm ít đồ quân phục giao cho tôi, vì mặc dù có áo đi mưa, nhưng quần áo tôi đã bị ướt, người tôi bắt đầu thấm lạnh, môi thâm và nổi da gà. trên tay chân. Chú cần vụ đưa cho tôi một bộ mặc vào người, rồi lấy thêm một bộ nữa:
-- Quà của các chú cho cháu đó! Thủ trưởng cho phép chú tặng cháu hai bộ quân phục!
Tôi thực tình cám ơn chú Minh và chú cần vu, cám ơn rối rít! Áo quần hơi thụng thịnh một chút nhưng khô ráo nên đỡ phần nào lạnh. Chú Minh gọi tôi lên phòng riêng của chú, mở ngăn kéo lấy một tờ giấy đã đánh máy sẵn đặt lên bàn. Chú hỏi tôi:
-- Giấy chứng minh nhân dân cháu đâu để chú điền cho đúng, để cháu khỏi lo lung tung về chuyện chú giao khẩu súng AR-15 cho cháu?
-- Cháu thực sự không cần súng mà! Chỉ thỉnh thoảng đi săn cháu mượn của dân làng hay của các chú là được rồi!
Chú Minh nhìn thẳng vào mặt tôi:
-- Cháu có máu thợ săn, thấy súng đương nhiên là ham rồi, nhưng tại sao cháu lại từ chối không nhận súng?
Tôi thật thà:
-- Cháu sợ bị đi cải tạo vì chuyện không đâu!
-- Chú đã nói là có giấy tờ đàng hoàng, hơn nữa chú chỉ có cháu có hai băng đạn thôi, thì lấy gì mà lo. Chiến tranh đã hết rồi, cháu có khẩu súng và hai băng đạn này thì làm gì ai được. Đảng và nhà nước còn chủ trương giao súng ống cho các thanh niên phường xã rộng rãi hơn nữa kìa, nhưng chỉ giao cho ít đạn dược thôi, mà đôi khi còn là đạn giả. Những khẩu súng AR-15, M-16 của Mỹ Nguỵ hồi xưa còn để lại nhiều lắm. Trung ương đã có chủ mưu giao súng Mỹ Nguỵ lại cho các thành phần chống đối để dễ bề tóm bắt một cách dễ dàng.
-- Trung ương không sợ phản loạn sao?
-- Sợ cái gì? Các thành phần cốt cán có âm mưu phản loạn là người của mình gài vào trong đó hết rồi, nhúc nhích một chút là trung ương đã biết ngay. Chú giao súng cho cháu là chú thấy cháu thật tình với chú , hết lòng dạy dỗ dân làng.
Cháu mà có manh nha vớ vẩn là chú bắn thẳng tay chứ không có phải chuyện trò như thế này đâu.
Tôi đưa giấy chứng minh nhân dân ra cho chú Minh, chú loay hoay điền họ, tên tôi, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân vào một tờ giấy vàng nhạt đã in sẵn có hàng chữ Tổng Cục Tình Báo Trung Ương in đậm trên đầu trang. Tôi trố mắt nhìn thấy chú ghi lý do được cấp súng: Đương sự thi hành công tác đặc biệt. Mọi thắc mắc liên lạc thẳng với cục tình báo trung ương. Tôi giật mình mặt tái xanh vì tôi thực sự không muốn dính líu gì tới cơ quan phản gián trong khi tôi chỉ là một dân sự, con em của những người đã tham gia chính quyền và quân lực Việt Nam Cộng Hoa, chỉ là một giáo viên đi công tác trong miền núi xa xôi mà thôì. Chú Minh loay hoay lấy ra mười mấy con triện, chú thử ít cái, rồi mới đóng mộc một con vào. Chú đưa cho tôi rồi cười nói:
-- Cháu là nhân viên chính thức của sở tình báo trung ương rồi đó!
Tôi cầm lấy tờ giấy, đọc lại kỹ thêm, rồi đưa trả lại:
-- Cháu không dám nhận đâu, cháu chỉ muốn làm một giáo viên quèn thôi, không muốn dính líu tới chính trị hay quân sự
-- Chú có đòi cháu làm gì đâu, giữ tờ giấy này, có lợi cho cháu chứ không có hại đâu mà sợ.
-- Cháu không làm tình báo được đâu thật sự đó!
-- Đã bảo là chỉ có danh mà thôi, chứ chú có trả lương hay đòi cháu làm gì đâu, nhà nước còn tốn phí bao nhiêu tiền, bao nhiêu giờ cho những chuyện, những người không đáng, mà chú chỉ tốn một mảnh giấy, một khẩu súng trước sau gì cũng giao cho người khác để giao cho cháu, một người đi đâu cũng được người mến, người thương thì có gì đâu. Ngay cả chú chính trị viên y sĩ cũng thích và thay đổi ý định đi vào làng với cháu kìa. Việc này chú đã tham khảo với chú Dũng rồi. Nhận lấy đi!
Cực chẳng đã, tôi đành nhận lấy thẻ công tác đặc biệt, tôi nói:
-- Trước khi rời nhiệm sở này, cháu sẽ giao súng và thẻ lại cho các chú!
-- Việc đó nói sau đi!
-- Chú Minh à, hồi nãy cháu thấy chú thử mấy con triện rồi mới chọn một cái để đánh dấu, sao vậy chú? Bộ chú làm cho nhiều cơ quan khác nhau hở?
-- Không, con dấu là của một cơ quan thôi đấy, nhưng tùy thuộc vào ngày giao chú ghi xuống mà chọn một con dấu cho đúng để tránh người ngoài đánh dấu bậy.
-- Cháu không hiểu.
Chú Minh cầm mấy con triện lên, đóng mộc xuống một tờ giấy trắng, rồi chỉ tôi:
-- Cháu thấy vị trí của các ngôi sao khác nhau không? Cháu để ý các chòm sao đứng bên phải tượng trưng cho tháng. Cũng mười hai ngôi sao, nhưng cái này một con đứng rời là tháng giêng, cái kia năm sao đứng chung là tháng năm, cái kia chín sao đứng chung là tháng chín... Chú cấp cho cháu tháng Giêng dương lịch, nên có một ngôi sao nằm riêng hẳn không dính liền với mười một ngôi sao kia. Nếu chú ghi xuống ngày cấp giấy là tháng Hai, công an cầm tờ giấy này có thể còng cháu ngay tại chỗ vì biết là giấy tờ giả mạo.
Tôi giật mình sợ hãi vì tính cách tỉ mỉ dù rất mộc mạc thô sơ này, nhưng phải là những người trong ngành mới hiểu được, lơ xơ như tôi cứ lấy đại con triện nào rồi đóng dấu để dành xài bậy thì có ngày đi tù dễ dàng như chơi. Tôi thắc mắc không biết Phòng Giáo Dục có làm theo hệ thống này không, nhưng giữ kín trong lòng không dám hé răng. Tôi nói:
-- Nhà nước và các chú chu đáo quá, bảo sao mà Mỹ không thua!
Chú Minh nói:
-- Đảng và nhà nước tính toán kỹ lắm, muốn chạy cũng không được. Trong đám người chạy ra khỏi nước năm 1975, cháu biết có bao nhiêu người của ta gài vào trong đó không?
-- Cháu sao biết được chuyện đó, ngay cả con số người đi ra nước ngoài cháu cũng không biết nữạ
-- Một trăm hai mươi mốt ngàn người, trong đó hơn hai mươi ngàn người là của ta. Những người này một số ít đã ra mặt trong vụ đấu tranh đưa người về Việt Nam, số đông còn lại phải nằm vùng, bám sát vào dân, tạo uy tín trong các cộng đồng để làm các nhiệm vụ đặc biệt sau này.
-- Sao mà nhà nước tính kỹ thế? Họ đã rời Việt Nam thì đâu liên quan gì tới mình nữa.
-- Phải như vậy mới được cháu ạ! Phải cô lập và bất hiệu hoá những hành động không có lợi cho đất nước mình! Cháu cứ hỏi chú Dũng, chú ta là đảng viên chính trị viên, chú ấy sẽ nói cặn kẽ cho mà nghe! Trong hàng ngũ địch hồi xưa, người của ta có người làm tướng, tá, cố vấn, trong cả bộ tham mưu của tụi nó nữa đó cháu ạ! Đảng và nhà nước dùng tiền, dùng gái, dùng liên hệ gia đình, dựa vào những điểm yếu của mỗi người để đưa người ta vào tròng.
Không biết sao hôm nay chú Minh nói nhiều chuyện cơ mật vậy, có phải chú định đưa tôi vào vòng hoạt động cho nhà nước không. Tôi đã tự hứa với bản thân là không bao giờ tham gia lực lượng mà cha anh tôi đã suốt một đời phản kháng, gia đình bố mẹ tôi đã bỏ Bắc vào Nam, lẽ gì tôi lại vì một khẩu súng mà làm chuyện tồi bại gì để cắn rứt lương tâm sau này, hay bị mang tiếng là hoạt động cho một tổ chức đã bắt thân nhân tôi đi cải tạo. Có thể nào tôi dùng gậy ông đập lưng ông được không trước một guồng máy chính trị tinh xảo như thế này. Tôi phải làm sao đây? Đang suy nghĩ chưa kịp hỏi gì thêm thì chú Tiến đã thay đồ và chuẩn bị xong ít thuốc men ghé đầu vào hỏi:
-- Mình đi được chưa, chú còn phải về cho kịp.
-- Dạ được, cháu dẫn chú đi!
Khi bước ra ngoài tôi ngạc nhiên thấy năm chú bộ đội khác cũng sẵn sàng, súng ống và mọi thứ cần thiết. Chú Minh cũng bước ra khỏi văn phòng. Chú Dũng trịnh trọng hô:
-- Thao tác nghiêm!
Năm chú bộ đội trước văn phòng đứng thẳng người trong tư thế nghiêm. Chú Dũng cầm khẩu súng AR-15 hồi trưa đưa lại cho chú Minh, nói đồng chí thủ trưởng giao súng cho lính mới.
Chú Minh cầm súng đứng trước mặt tôi lúc này trông không khác gì bộ đội, chỉ thiếu cái nón cối thôi.
-- Tân binh, nhận súng!
Tôi luýnh quýnh cầm khẩu súng giữa tiếng vỗ tay và cười vui vẻ của mọi người. Có lẽ họ sực nhớ tới ngày đầu được nhận súng mà tháng năm dạn dày chinh chiến đã làm họ lãng quên.
Tôi nhớ lại những lần anh cả tôi kể chuyện lúc anh ra trường sĩ quan Đà Lạt trước khi anh tử trận khi nhảy dù xuống cánh đồng Chum trong chiến dịch Hạ Lào. Lần nào cũng rưng rưng nước mắt hồi tưởng lại một thời mộng bay cao phụng sự tổ quốc. Bố tôi dạo ấy đã về hưu nói với anh vài tháng trước khi anh về phép thăm vợ con và bố mẹ tôi:
-- Mày chuẩn bị hồn xác trong sạch! Chúa có thể gọi về bất cứ lúc nào!
Mẹ tôi trách bố:
-- Cái ông này, chỉ nói qưở!
Lúc đó tôi còn nhỏ, nhưng trong bữa ăn cuối cùng, tôi thấy chị dâu và anh tôi buồn lắm, nhưng cũng cứ gượng vui với mọi người. Tôi vội vàng ăn mau rồi cõng cháu tôi đi ra đường chơi vì không khí ngột ngạt trong gia đình người nào hình như cũng muốn khóc.
Bây giờ tôi lại mặc trên người bộ quân phục của những người đã bắn chết anh tôi, tự dưng nước mắt tôi trào ra!
Chú Minh vỗ vai tôi nói:
-- Lúc chú lần đầu đeo súng, cũng muốn khóc như cháu!
Tôi yên lặng không trả lời, khoác lên vai giây đạn với ba băng đạn và đeo súng lên vai. Tôi chià tay bắt tay chú Minh nói:
-- Cám ơn chú! Cháu sẽ trở lại!
Chiến tranh là gì? Kẻ thù là ai? Tôi thấy bố tôi, anh tôi không hề sai lầm, tôi thấy chú Minh, các chú, các anh bộ đội khác, ngay cả chú Dũng cũng đáng mến. Con người với con người, nếu đối xử với nhau trong tình người, không phải để phục vụ một lý tưởng nào một cách mù quáng sẽ có thể ngồi lại được và giao thiệp với nhau một cách thân mật, chứ không để thù hận làm biết thái bản tính con người. Tôi sẽ phải làm gì đã xoá lấp hố sâu ngăn cách giữa người cộng sản và người quốc gia, người Thượng và người Kinh. Tôi phải làm gì để chứng minh cho người cộng sản biết rằng người quốc gia cũng là những người yêu nước chân chính, biết yêu quê hương, yêu tự do, yêu độc lập không kém gì họ, chỉ có một điều khác là người miền Nam không hề tôn sùng một chủ nghĩa nào, một lãnh tụ nào một cách mù quáng để vấp ngã nghiêm trọng trong cuộc đời.