Bài 15
Tác giả: nhiều tác giả
Nếu lấy tiêu chí văn nghệ sỹ là người nói năng nhỏ nhẹ, dáng vẻ khoan thai, tiêu pha hoang tàng thì Lê Lựu không được nết nào gọi là có. Lão nói thì dai và dài như đại bác bắn cầm canh, đi đứng thì tất bật như gái góa chạy loạn và chi li như mụ bán hành khô, mắm tép chợ chiều.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể rằng hồi ở Nga, Lê Lựu suốt ngày đi săn hàng bãi. Một lần từ sáng sớm, Lê Lựu đã mò sang gõ cửa: "Chú đi với tôi!" - "Đi đâu?" -"Ơ, cái thằng này, bảo đi thì cứ đi rồi biết!" Hai anh em lọ mọ đi từ đầu thành phố tới cuối thành phố trong cái băng giá của mùa đông Nga. Thì ra từ chiều hôm trước, Lê Lựu đã tìm được địa chỉ của một sinh viên Trường Lưu trữ Quốc gia Moskva có bán một chiếc máy hát cũ. Chiếc máy hát này cậu sinh viên nọ đã dùng hết một khóa học 4 năm, và theo lời cậu ta: "Em cũng mua lại của một sinh viên khóa trước." Nghĩa là nó đã được dùng bao nhiêu năm thì chỉ có giời mới biết. Nó cũ đến mức kim cảm âm mòn như kim khêu ốc, tiếng hát méo xệch méo xạc và thỉnh thoảng lại rít lên kèn kẹt như tiếng thìa nhôm cọ vào đít nồi gang. Lê Lựu sướng lắm, vì sau nhiều lần co kéo nó đã ngã giá 80 rúp. Hai anh em định khiêng ra tàu điện ngầm nhưng nặng quá, Lê Lựu đành ngậm ngùi vẫy taxi. Lại một hồi đàm phán có lúc đến mức gay gắt, người lái xe đã bằng lòng với giá 50 rúp. Thế là chiếc máy hát cũ đã được mua với giá thành 130 rúp. Thế nhưng trong khi đó, ở ngay dưới "ốp" Lê Lựu ở, chỉ cần nhấc máy alô là 5 phút sau sẽ có người mang đến tận nơi chiếc máy mới tinh với giá... 120 rúp. Song Lê Lựu vẫn hý hửng như mình vừa thắng quả đậm! Lão còn ghé tai Trần Đăng Khoa thì thầm: "Ta với chú hợp duyên làm ăn đấy. Khi về nước, ta với chú kết hợp thì chả mấy chốc mà giàu nhất Hội nhà văn". Giàu nhất Hội nhà văn thì không biết nhưng Lê Lựu là người mua nhiều đồ cũ nhất Hội nhà văn thì là cái chắc.
Cũng theo Trần Đăng Khoa, anh bạn Ivan- người cùng phòng với Khoa- nhận xét: "Lê Lựu là nhà kinh doanh không muốn bỏ vốn. Vì vậy, ông luôn mua đồ cũ; ở gầm giường ông có cả trăm đôi giày nhưng nếu phải vào vũ trường, ông sẽ đi... chân đất." Việc có giày hay không thì tôi không chắc nhưng việc đi chân đất vào vũ trường thì tôi dám chắc vì với lão nông dân Phủ Khoái này, vũ trường có khác gì... diệc mạ.
Hiện Lê Lựu còn 27 cái quần bò cũ, mỗi cái được mua với giá 1 USD ở Florida năm 1994 và 19 cái quần len mua ở biên giới Trung Quốc năm 1996. Theo lời lão: "Tớ mua về cho trẻ con ở nhà quê nhưng chẳng đứa nào chịu mặc". Lê Lựu cũng không mấy khi mặc. "Áo quần nào có hề chi - ở nhà Lê Lựu mấy khi... mặc quần". Vì vậy, 46 cái quần Lê Lựu mua về vẫn còn mới như... cũ!
Mặc cả là niềm vui vô tận của nhà văn Lê Lựu. Nghĩa là không mua cái gì mà Lê Lựu không mặc cả. Từ cái tăm tre, thanh đậu phụ và cả tấm vé qua phà. Hình như với Lê Lựu, mặc cả là nếp sống văn hoá. Có lần Lê Lựu đỏ mặt mắng một người bạn mình rằng: "Mày ngu như con bò! Không mặc cả thì còn chó gì là cái chợ. Nó bán đắt cho mình, nó còn bảo mình ngu".
Lê Lựu luôn coi hạnh phúc là mua được rẻ, nhưng không phải vì vậy mà Lê Lựu thích mặc cả. Lão thèm cái không khí chợ búa nơi cuộc đời. Một hôm Lê Lựu đi mua cá mè. Trả tiền xong, lão vẫn áy náy không yên. Thêm một con cá mè nữa thì không ổn. Lão bèn nài cho được thêm một con cua rồi lặng lẽ ngắm cái vẻ mặt thộn ra vì tiếc của bà bán cá; mặt lão thích thú như vừa phát hiện ra điều gì nghiêm trọng lắm. Có người còn kể gặp Lê Lựu mua áo dài ở siêu thị New York và lão cứ khăng khăng đòi thêm một cái... áo con. Không thêm được, Lê Lựu quay ra làu bàu: "Áo con không chịu theo... áo mẹ: đạo đức nước Mỹ xuống cấp thật!"
Cái tính chi ly của Lê Lựu ở trên giấy mới khiếp. Một lần, tôi viết bài báo có câu "Những vấn đề trên cần phải...", lão hằm mặt mắng tôi: "Đồ phí phạm! Viết 4 chữ các - việc - trên - cần... là đủ." Lại một lần tôi viết "Dòng sông hùng hục chảy...", lão quát tôi: "Hùng hục là cái gì, hừng hực nó mới ra dòng sông chứ." Thấy lão đang cáu, tôi không nói gì, lúc về mới ghé tai lão nói nhỏ: "Em viết về dòng sông lam lũ. Để chữ "hừng hực" nó khí thế quá. Hùng hục nó đời hơn, nó có vẻ lao động hơn". Lão ngồi thừ ra một lúc, rồi bảo: "Ừ... ừ... Mà nó còn bớt được hai dấu (ư ) nữa." Thì ra, ở trang viết Lê Lựu còn so đo, cò kè hơn ở chợ.
25-10-99
Bùi Hoàng Tám
Nếu lấy tiêu chí văn nghệ sỹ là người nói năng nhỏ nhẹ, dáng vẻ khoan thai, tiêu pha hoang tàng thì Lê Lựu không được nết nào gọi là có. Lão nói thì dai và dài như đại bác bắn cầm canh, đi đứng thì tất bật như gái góa chạy loạn và chi li như mụ bán hành khô, mắm tép chợ chiều.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể rằng hồi ở Nga, Lê Lựu suốt ngày đi săn hàng bãi. Một lần từ sáng sớm, Lê Lựu đã mò sang gõ cửa: "Chú đi với tôi!" - "Đi đâu?" -"Ơ, cái thằng này, bảo đi thì cứ đi rồi biết!" Hai anh em lọ mọ đi từ đầu thành phố tới cuối thành phố trong cái băng giá của mùa đông Nga. Thì ra từ chiều hôm trước, Lê Lựu đã tìm được địa chỉ của một sinh viên Trường Lưu trữ Quốc gia Moskva có bán một chiếc máy hát cũ. Chiếc máy hát này cậu sinh viên nọ đã dùng hết một khóa học 4 năm, và theo lời cậu ta: "Em cũng mua lại của một sinh viên khóa trước." Nghĩa là nó đã được dùng bao nhiêu năm thì chỉ có giời mới biết. Nó cũ đến mức kim cảm âm mòn như kim khêu ốc, tiếng hát méo xệch méo xạc và thỉnh thoảng lại rít lên kèn kẹt như tiếng thìa nhôm cọ vào đít nồi gang. Lê Lựu sướng lắm, vì sau nhiều lần co kéo nó đã ngã giá 80 rúp. Hai anh em định khiêng ra tàu điện ngầm nhưng nặng quá, Lê Lựu đành ngậm ngùi vẫy taxi. Lại một hồi đàm phán có lúc đến mức gay gắt, người lái xe đã bằng lòng với giá 50 rúp. Thế là chiếc máy hát cũ đã được mua với giá thành 130 rúp. Thế nhưng trong khi đó, ở ngay dưới "ốp" Lê Lựu ở, chỉ cần nhấc máy alô là 5 phút sau sẽ có người mang đến tận nơi chiếc máy mới tinh với giá... 120 rúp. Song Lê Lựu vẫn hý hửng như mình vừa thắng quả đậm! Lão còn ghé tai Trần Đăng Khoa thì thầm: "Ta với chú hợp duyên làm ăn đấy. Khi về nước, ta với chú kết hợp thì chả mấy chốc mà giàu nhất Hội nhà văn". Giàu nhất Hội nhà văn thì không biết nhưng Lê Lựu là người mua nhiều đồ cũ nhất Hội nhà văn thì là cái chắc.
Cũng theo Trần Đăng Khoa, anh bạn Ivan- người cùng phòng với Khoa- nhận xét: "Lê Lựu là nhà kinh doanh không muốn bỏ vốn. Vì vậy, ông luôn mua đồ cũ; ở gầm giường ông có cả trăm đôi giày nhưng nếu phải vào vũ trường, ông sẽ đi... chân đất." Việc có giày hay không thì tôi không chắc nhưng việc đi chân đất vào vũ trường thì tôi dám chắc vì với lão nông dân Phủ Khoái này, vũ trường có khác gì... diệc mạ.
Hiện Lê Lựu còn 27 cái quần bò cũ, mỗi cái được mua với giá 1 USD ở Florida năm 1994 và 19 cái quần len mua ở biên giới Trung Quốc năm 1996. Theo lời lão: "Tớ mua về cho trẻ con ở nhà quê nhưng chẳng đứa nào chịu mặc". Lê Lựu cũng không mấy khi mặc. "Áo quần nào có hề chi - ở nhà Lê Lựu mấy khi... mặc quần". Vì vậy, 46 cái quần Lê Lựu mua về vẫn còn mới như... cũ!
Mặc cả là niềm vui vô tận của nhà văn Lê Lựu. Nghĩa là không mua cái gì mà Lê Lựu không mặc cả. Từ cái tăm tre, thanh đậu phụ và cả tấm vé qua phà. Hình như với Lê Lựu, mặc cả là nếp sống văn hoá. Có lần Lê Lựu đỏ mặt mắng một người bạn mình rằng: "Mày ngu như con bò! Không mặc cả thì còn chó gì là cái chợ. Nó bán đắt cho mình, nó còn bảo mình ngu".
Lê Lựu luôn coi hạnh phúc là mua được rẻ, nhưng không phải vì vậy mà Lê Lựu thích mặc cả. Lão thèm cái không khí chợ búa nơi cuộc đời. Một hôm Lê Lựu đi mua cá mè. Trả tiền xong, lão vẫn áy náy không yên. Thêm một con cá mè nữa thì không ổn. Lão bèn nài cho được thêm một con cua rồi lặng lẽ ngắm cái vẻ mặt thộn ra vì tiếc của bà bán cá; mặt lão thích thú như vừa phát hiện ra điều gì nghiêm trọng lắm. Có người còn kể gặp Lê Lựu mua áo dài ở siêu thị New York và lão cứ khăng khăng đòi thêm một cái... áo con. Không thêm được, Lê Lựu quay ra làu bàu: "Áo con không chịu theo... áo mẹ: đạo đức nước Mỹ xuống cấp thật!"
Cái tính chi ly của Lê Lựu ở trên giấy mới khiếp. Một lần, tôi viết bài báo có câu "Những vấn đề trên cần phải...", lão hằm mặt mắng tôi: "Đồ phí phạm! Viết 4 chữ các - việc - trên - cần... là đủ." Lại một lần tôi viết "Dòng sông hùng hục chảy...", lão quát tôi: "Hùng hục là cái gì, hừng hực nó mới ra dòng sông chứ." Thấy lão đang cáu, tôi không nói gì, lúc về mới ghé tai lão nói nhỏ: "Em viết về dòng sông lam lũ. Để chữ "hừng hực" nó khí thế quá. Hùng hục nó đời hơn, nó có vẻ lao động hơn". Lão ngồi thừ ra một lúc, rồi bảo: "Ừ... ừ... Mà nó còn bớt được hai dấu (ư ) nữa." Thì ra, ở trang viết Lê Lựu còn so đo, cò kè hơn ở chợ.
25-10-99
Bùi Hoàng Tám