Bài 5
Tác giả: nhiều tác giả
Một anh trong Ban biên tập nói tôi viết cho báo mấy ý kiến nhân đọc cuốn Chân Dung Và Đối Thoại của Trần Đăng Khoa. Trót nhận lời với anh, rồi mới thấy rằng mình không hề quen với thể loại này, tôi bèn phải cầu cứu tới một gã bạn. Gã này cũng vào loại khá là chịu đọc sách và hay có ý kiến này nọ. Tôi nói chuyện với gã qua điện thoại, và sau đây xin gửi tới Ban biên tập lại toàn bộ cuộc phỏng vấn từ cuốn băng ghi.
*****
- Hallo! Chào ông độc giả thân mến.
- Không dám! Cũng xin chào ông nhà văn, nhà báo, nhà phê bình... một mùa. Có âm mưu gì chăng mà sao tự nhiên hôm nay ông lại có vẻ tôn trọng tử tế với tôi thế?
- Âm mưu gì đâu? Còn việc nào thấy cần phải tôn trọng thì tôn trọng, khi nào phải tử tế thì tử tế chứ. Ông thừa biết trong các thứ độc giả, khán giả, thính giả... còn có học giả nữa chứ? Đừng có mà tự ti.
- Biết... Biết... Cũng như trong số các nhà văn, nhà báo, nhà chính trị các ông... còn có cả nhà lông bông, nhà ăn bám, nhà nói phét... Đừng có mà tưởng bở.
- Có ai tưởng tiếc gì đâu? Thực chất tôi rất muốn trở thành một nhà nông. Thửa ruộng, mảnh vườn với con trâu, cái cày tự cung tự cấp, mình làm mình ăn. Còn chút thời gian rảnh rang nào thì sách, đọc báo, nghe đài, xem ti vi...
- Và đi hát Karaoke nữa chứ?
- Tất nhiên! Tại sao lại không?
- Một ước muốn lành mạnh. Tôi chỉ sợ ông lại muốn thành một nhà độc tài đè đầu cưỡi cổ dân tộc thì khốn nạn.
- Đời nào lại thế được. Nhưng có điều này phải hỏi ông ngay kẻo quên mất: - Ông đã đọc cuốn Chân Dung Và Đối Thoại của Trần Đăng Khoa chưa?
- Biết ngay là ông có âm mưu gì với tôi mà. Nhưng không hề gì. Đọc rồi. Sao?
- Ông có nhận xét gì về cuốn sách ấy không?
- Có một nhận xét là có quá nhiều nhận xét về cuốn sách không đáng nhận xét ấy!
- Câu cú quá lủng củng nhưng cũng tạm hiểu được. Thế là thế nào? Ông không sợ người ta đánh giá là không thời thượng, không am hiểu, không biết thưởng thức à?
- Chẳng việc gì mà tôi phải sợ ai.
- Ông đọc cuốn sách ấy mấy lần?
- Ý là ông nói cuốn Chân Dung Và Đối Thoại?
- Còn gì nữa? Từ nãy đến giờ tôi với ông chả nói về cuốn sách ấy là gì?
- Thế hả? Nói thật với ông tôi đọc đúng một lần.
- Một lần? Ông không nói dối đấy chứ?
- Tại sao lại phải nói dối? Tại sao lại phải bắt tôi đọc một cuốn sách đến hai lần? Khi mà nó không đáng đọc. Khi mà mỗi phút trên thế giới có cả triệu triệu ấn phẩm ra đời. Mà này, nói thật với ông nhé: Có nhiều cuốn sách vừa mở ra đọc được mấy dòng là phải quẳng ngay, cuốn Chân Dung Và Đối Thoại này đọc được một mạch một lần cũng đã là khá lắm đấy.
- Thế nghĩa là ông đánh giá nó hơn nhiều cuốn sách khác?
- Hẳn! Hơn nhiều cuốn chứ.
- Hơn ở chỗ thế nào?
- Đọc thấy ngô nghê hơn và đến buồn cười hơn.
- Thật thế chăng?
- Thật thế! Nếu không có cái ngô nghê buồn cười, nói như những nhà phê bình là xuyên suốt tác phẩm, thì có lẽ cuốn sách mà ông nói chẳng được in đến chín-mười lần, chẳng được nhiều nhận xét đến thế, chẳng trở thành một hiện tượng.
- Theo riêng ông thì nó có đáng trở thành hiện tượng không?
- Theo riêng tôi thì nó không đáng trở thành một hiện tượng.
- Thế mà nó cũng cứ trở thành đấy.
- Thật là đáng buồn.
- Sao mà buồn?
- Vì cái thị hiếu hưởng thụ văn học quá thấp kém của đa số quần chúng.
- Ông đừng có đánh giá quần chúng một cách mơ hồ phiến diện như thế mà có ngày mang vạ vào thân nhé. Nên nhớ là ở trong nước nó đã được in đi in lại đến hơn mười lần và ở hải ngoại cũng có khối ông bà, cơ sở định nhăm nhe in lại nữa đấy nhé.
- Không phải cứ cái gì được in nhiều đều là tốt đâu.
- Thử cho vài thí dụ đi xem nào?
- Thì đấy! Thí dụ như những cuốn Mao Tuyển hoặc...
- Thôi! Thôi... Khỏi phải hoặc hiếc thêm làm gì nữa. Những cuốn mà ông vừa nói bầy trên giá sách năm này qua năm khác chẳng ai thèm động đến. Còn đằng này ra cuốn nào là hết cuốn ấy kia mà.
- Ông phải biết thế nào là thời buổi kinh tế thị trường. Còn có lãi thì đến phải in một trăm lần người ta vẫn cứ in. Tôi không nói quá đâu: Bây giờ có ở đâu in được cuốn Tiếu Lâm Hiện Đại cũng đảm bảo đắt như tôm tươi. Cũng sẽ lại phải tái bản đi tái bản lại.
- Công nhận là ông có lý. Nhưng...
- Còn gì nữa?
- Dù sao thì cuốn sách cũng khơi lên một cái gì đó.
- Như lửa rơm mà thôi. Tôi đảm bảo với ông như thế. Số phận của nó mà chẳng như những cái Cù Lao thì tôi chết. Mà thế là may đấy.
- Ông có nghe một bà nhà thơ nói rằng nếu gặp Trần Đăng Khoa thì sẽ cho gã một cái tát?
- Có. Nhưng không phải nghe mà là đọc trong báo.
- Thế thì ông nghĩ sao?
- Nghĩ rằng: Nếu bà ấy tát má bên này thì Trần Đăng Khoa nên chìa nốt má bên kia và ngược lại. Cái chính là phải biết nhịn nhục.
- Thế còn trường hợp một nhà phê bình nói Trần Đăng Khoa phải học lại kiến thức về văn.
- Không phải chỉ về văn mà là mọi thứ. Và không chỉ một mình Trần Đăng Khoa mà là tất cả mọi người đều phải liên tục xem lại kiến thức của mình.
- Chẳng muốn nói chuyện với ông nữa.
- Thì có ai muốn nói chuyện với ông đâu.
Nguyễn Hoài Phương
Một anh trong Ban biên tập nói tôi viết cho báo mấy ý kiến nhân đọc cuốn Chân Dung Và Đối Thoại của Trần Đăng Khoa. Trót nhận lời với anh, rồi mới thấy rằng mình không hề quen với thể loại này, tôi bèn phải cầu cứu tới một gã bạn. Gã này cũng vào loại khá là chịu đọc sách và hay có ý kiến này nọ. Tôi nói chuyện với gã qua điện thoại, và sau đây xin gửi tới Ban biên tập lại toàn bộ cuộc phỏng vấn từ cuốn băng ghi.
*****
- Hallo! Chào ông độc giả thân mến.
- Không dám! Cũng xin chào ông nhà văn, nhà báo, nhà phê bình... một mùa. Có âm mưu gì chăng mà sao tự nhiên hôm nay ông lại có vẻ tôn trọng tử tế với tôi thế?
- Âm mưu gì đâu? Còn việc nào thấy cần phải tôn trọng thì tôn trọng, khi nào phải tử tế thì tử tế chứ. Ông thừa biết trong các thứ độc giả, khán giả, thính giả... còn có học giả nữa chứ? Đừng có mà tự ti.
- Biết... Biết... Cũng như trong số các nhà văn, nhà báo, nhà chính trị các ông... còn có cả nhà lông bông, nhà ăn bám, nhà nói phét... Đừng có mà tưởng bở.
- Có ai tưởng tiếc gì đâu? Thực chất tôi rất muốn trở thành một nhà nông. Thửa ruộng, mảnh vườn với con trâu, cái cày tự cung tự cấp, mình làm mình ăn. Còn chút thời gian rảnh rang nào thì sách, đọc báo, nghe đài, xem ti vi...
- Và đi hát Karaoke nữa chứ?
- Tất nhiên! Tại sao lại không?
- Một ước muốn lành mạnh. Tôi chỉ sợ ông lại muốn thành một nhà độc tài đè đầu cưỡi cổ dân tộc thì khốn nạn.
- Đời nào lại thế được. Nhưng có điều này phải hỏi ông ngay kẻo quên mất: - Ông đã đọc cuốn Chân Dung Và Đối Thoại của Trần Đăng Khoa chưa?
- Biết ngay là ông có âm mưu gì với tôi mà. Nhưng không hề gì. Đọc rồi. Sao?
- Ông có nhận xét gì về cuốn sách ấy không?
- Có một nhận xét là có quá nhiều nhận xét về cuốn sách không đáng nhận xét ấy!
- Câu cú quá lủng củng nhưng cũng tạm hiểu được. Thế là thế nào? Ông không sợ người ta đánh giá là không thời thượng, không am hiểu, không biết thưởng thức à?
- Chẳng việc gì mà tôi phải sợ ai.
- Ông đọc cuốn sách ấy mấy lần?
- Ý là ông nói cuốn Chân Dung Và Đối Thoại?
- Còn gì nữa? Từ nãy đến giờ tôi với ông chả nói về cuốn sách ấy là gì?
- Thế hả? Nói thật với ông tôi đọc đúng một lần.
- Một lần? Ông không nói dối đấy chứ?
- Tại sao lại phải nói dối? Tại sao lại phải bắt tôi đọc một cuốn sách đến hai lần? Khi mà nó không đáng đọc. Khi mà mỗi phút trên thế giới có cả triệu triệu ấn phẩm ra đời. Mà này, nói thật với ông nhé: Có nhiều cuốn sách vừa mở ra đọc được mấy dòng là phải quẳng ngay, cuốn Chân Dung Và Đối Thoại này đọc được một mạch một lần cũng đã là khá lắm đấy.
- Thế nghĩa là ông đánh giá nó hơn nhiều cuốn sách khác?
- Hẳn! Hơn nhiều cuốn chứ.
- Hơn ở chỗ thế nào?
- Đọc thấy ngô nghê hơn và đến buồn cười hơn.
- Thật thế chăng?
- Thật thế! Nếu không có cái ngô nghê buồn cười, nói như những nhà phê bình là xuyên suốt tác phẩm, thì có lẽ cuốn sách mà ông nói chẳng được in đến chín-mười lần, chẳng được nhiều nhận xét đến thế, chẳng trở thành một hiện tượng.
- Theo riêng ông thì nó có đáng trở thành hiện tượng không?
- Theo riêng tôi thì nó không đáng trở thành một hiện tượng.
- Thế mà nó cũng cứ trở thành đấy.
- Thật là đáng buồn.
- Sao mà buồn?
- Vì cái thị hiếu hưởng thụ văn học quá thấp kém của đa số quần chúng.
- Ông đừng có đánh giá quần chúng một cách mơ hồ phiến diện như thế mà có ngày mang vạ vào thân nhé. Nên nhớ là ở trong nước nó đã được in đi in lại đến hơn mười lần và ở hải ngoại cũng có khối ông bà, cơ sở định nhăm nhe in lại nữa đấy nhé.
- Không phải cứ cái gì được in nhiều đều là tốt đâu.
- Thử cho vài thí dụ đi xem nào?
- Thì đấy! Thí dụ như những cuốn Mao Tuyển hoặc...
- Thôi! Thôi... Khỏi phải hoặc hiếc thêm làm gì nữa. Những cuốn mà ông vừa nói bầy trên giá sách năm này qua năm khác chẳng ai thèm động đến. Còn đằng này ra cuốn nào là hết cuốn ấy kia mà.
- Ông phải biết thế nào là thời buổi kinh tế thị trường. Còn có lãi thì đến phải in một trăm lần người ta vẫn cứ in. Tôi không nói quá đâu: Bây giờ có ở đâu in được cuốn Tiếu Lâm Hiện Đại cũng đảm bảo đắt như tôm tươi. Cũng sẽ lại phải tái bản đi tái bản lại.
- Công nhận là ông có lý. Nhưng...
- Còn gì nữa?
- Dù sao thì cuốn sách cũng khơi lên một cái gì đó.
- Như lửa rơm mà thôi. Tôi đảm bảo với ông như thế. Số phận của nó mà chẳng như những cái Cù Lao thì tôi chết. Mà thế là may đấy.
- Ông có nghe một bà nhà thơ nói rằng nếu gặp Trần Đăng Khoa thì sẽ cho gã một cái tát?
- Có. Nhưng không phải nghe mà là đọc trong báo.
- Thế thì ông nghĩ sao?
- Nghĩ rằng: Nếu bà ấy tát má bên này thì Trần Đăng Khoa nên chìa nốt má bên kia và ngược lại. Cái chính là phải biết nhịn nhục.
- Thế còn trường hợp một nhà phê bình nói Trần Đăng Khoa phải học lại kiến thức về văn.
- Không phải chỉ về văn mà là mọi thứ. Và không chỉ một mình Trần Đăng Khoa mà là tất cả mọi người đều phải liên tục xem lại kiến thức của mình.
- Chẳng muốn nói chuyện với ông nữa.
- Thì có ai muốn nói chuyện với ông đâu.
Nguyễn Hoài Phương