Chương 3
Tác giả: nhiều tác giả
Chúng ta thường nói rằng, khi nói phải chú ý từng trường hợp, phải nhận rõ đối tượng, tuyệt đối không được chỉ dựa vào mồm miệng nhanh nhẩu của mình, mà không để ý đến khả năng chịu đựng về tâm lý của đối tượng đối với những lời nói của bạn. Đặc biệt là khi bạn đối mặt với lãnh đạo của cơ quan mình, thì bạn ăn nói phải cẩn thận hơn một chút, phải chú ý đừng nên nói năng tuỳ tiện, càng không nên nói năng bừa bãi, nếu không bạn sẽ gặp hoạ lớn đó.
Trong truyền thuyết, dưới cổ của rồng có một lớp vẩy lớp vẩy này lại mọc ngược, nên gọi là “vẩy ngược“, lớp “vẩy ngược“ này tuyệt đối không được sờ vào Chỉ cần bạn sờ vào nó, thì rồng sẽ đau thấu tim, nhất định sẽ giãy giụa đến đảo lộn trời đất.
Đối với lãnh đạo, đối với cấp trên, khi nói tốt nhất không nên đối đầu, đối đầu không phải là biện pháp giải quyết vấn đề tốt nhất, ngược lại có lúc còn làm cho sự việc trở nên xấu đi. Bởi vì, đã là lãnh đạo, thì đều muốn duy trì uy quyền của mình, để không cho nó bị tổn hại. Nếu như bạn đối đầu trực tiếp với ông ta, chỉ trích ông ta, chỉ ra hết các lỗi sai của ông ta, thì nhất định ông ta sẽ vì hình tượng và quyền uy của bản thân bị tổn hại mà trút giận sang bạn, bạn sẽ bị dồn vào chân tường. Đúng vậy, những người cứ hễ một cái là thích phê bình, chỉ trích thì đều bị lãnh đạo cho là những người điên, không biết trời cao đất dầy là gì.
Thời xưa, các đại thần khi khuyên can hoàng thượng đều rất chú ý đến điểm này, không tuỳ tiện xúc phạm đến uy quyền của bậc quân vương, không đối đầu trực tiếp với hoàng thượng, mà thường nói vòng, ngữ khí nói cũng rất chậm rãi, từ từ như nước chảy, bình tĩnh để khuyên giải. Bởi vì, rốt cục thì những bậc quân vương sáng suốt, khiêm tốn, tấm lòng khoan dung, độ lượng như Lý Thế Dân rất hiếm. Cho nên, Hán Phi có nói: “khuyên đấng quân vương, điều cấm kỵ nhất là xúc phạm trực tiếp“.
Danh tướng nước Tề là Án Tử rất thông hiểu đạo lý này, cho nên lời khuyên của ông thường xuyên được tiếp thu. Chúng ta hãy xem câu chuyện dưới đây:
Nghệ thuật khuyên của Án Tử
Tục ngữ nói: “Làm bạn với vua như làm bạn với hổ“, nhưng tể tướng nước Tề là Án Tử vẫn bình an vô sự sống qua 3 đời vua: Tề Linh Công, Tề Trang Công và Tề Cảnh Công. Bí quyết của ông là gì? Đó là ở chỗ ông hiểu được cách khuyên “không chạm vẩy ngược“.
Tề Linh Công thích ngắm phụ nữ mặc quần áo của nam giới, nên bắt tất cả các phi tần và người hầu gái của mình đều mặc đồ của nam giới. Ít lâu sau, khắp cả nước đều rộ lên kiểu mốt này. Tề Linh Công rất tức giận, ông cho rằng điều này làm tổn hại đến phong hoá, tự mình sẽ bị các nước chư hầu chê cười, nên mới ra lệnh rằng: “Tất cả những người nào ăn mặc giả trai, thì đều bị xé rách đai lưng, xé nát quần áo“. Mặc dù như vậy, nhưng phong trào này vẫn không tài nào cấm được.
Một hôm nọ, Tề Linh Công nhìn thấy Án Tử, mới hỏi rằng: “Quả nhân đã áp dụng các biện pháp cứng rắn, nhưng tại sao vẫn không cấm được?“. Án Tử trả lời rằng: “Không biết là đại vương đã nhìn thấy chưa, có cửa hàng thịt ở ngoài cửa thì treo đầu dê, nhưng trên bàn lại bán thịt chó. Làm sao có thể thế được? Nếu muốn bên dưới không theo thì trước tiên bên trên phải không làm mới được!“
Tề Linh Công làm theo như vậy. Quả nhiên, 1 tháng sau, phong trào gái giả trai ở nước Tề đã được chặn đứng. “Treo đầu dê, bán thịt chó“ và việc gái giả trai vốn dĩ là những chuyện hoàn toàn khác xa, chẳng có điểm gì giống nhau nhưng Án Tử đã khéo léo nối kết 2 việc này lại với nhau, tự nhiên mà lại xác đáng, không có vẻ gì là gượng ép. Án Tử mượn việc này để nói việc kia, vừa uyển chuyển lại vừa hàm súc, vừa nói được với Linh Công đạo lý “xà trên mà không thẳng thì xà dưới sẽ cong“, lại vừa chú ý đến thân phận làm thần tử của mình, vừa giữ được thể diện là đấng quân vương cho Tề Linh Công lại vừa đạt được mục đích khuyên can của mình.
Trong vườn hoa sau của Tề Cảnh Công có nuôi rất nhiều chim, người quản lý việc nuôi chim tên là Chúc Trâu. Một hôm, Tề Cảnh Công phát hiện thấy mấy con chim quý đã bay mất, nên rất tức giận, bắt vệ sỹ cầm dao để chặt chân tay của Chúc Trâu.
Lúc đó, Án Tử đang đứng cạnh để hầu hạ, khi vệ sĩ của Cảnh Công vâng lệnh cầm dao đi, thì Án Tử đã ngăn họ lại, sau đó mới hỏi Tề Cảnh Công rằng: “Không biết là việc chặt chân tay bắt đầu từ đâu?“ Tề Cảnh Công đột nhiên tỉnh ngộ và nói rằng: “Đó là lỗi của ta, nếu phải chặt chân tay thì phải bắt đầu từ ta“.
Và thế là, ông ta đã từ bỏ ý nghĩ chặt chân tay của Chúc Trâu, và nói rằng: “Vậy thì hãy nhốt hắn vào trong ngục? “ Án Tử nói: “Nếu đại vương làm như vậy sẽ làm cho ông ta không hiểu là mình đã phạm tội gì mà chết oan, xin hãy để thần kể tội của ông ta, để cho ông ta hiểu rốt cục là ông ta đã phạm tội gì, rồi sau đó hãy tống ông ta vào trong ngục“. Cảnh Công đồng ý, thế là án Tử liền nói: “Chúc Trâu, ngươi có 3 tội, ngươi có biết không?“
“Thần, thần không biết“. Chúc Trâu trả lời.
Án Tử nghiêm mặt nói: “Ngươi có 3 tội: đại vương bảo ngươi nuôi chim nhưng ngươi lại để chim bay mất, đây là tội đáng chết đầu tiên. Con chim bay mất lại là con chim đại vương thích nhất, đây là tội đáng chết thứ 2 mà ngươi phạm phải, hơn nữa ngươi lại khiến cho đại vương vì mấy con chim mà giết người. Nếu dân chúng mà nghe thấy chuyện này, thì sẽ cho rằng đại vương là kẻ bất nhân. Nếu các nước chư hầu nghe thấy chuyện này, thì nhất định sẽ coi thường nước ta. Ngươi không những để chim bay mất mà còn làm cho dân chúng cho rằng đại nhân là người trọng vật chứ không trọng người, họ sẽ trở nên căm phẫn và oán hận, từ đó khiến cho quân đội của ta yếu hơn quân của các nước láng giềng. Đây là tội đáng chết thứ 3 mà ngươi phạm phải. Xong rồi, bây giờ có thể tống Chúc Trâu vào ngục rồi“.
Tề Cảnh Công nghe xong, liền thở dài mà nói rằng: “Tiên sinh hãy thả cho ông ta đi. Đừng nên làm hại danh tiếng nhân đạo của trẫm“.
Tề Cảnh Công vì mấy con chim yêu quý của mình bay mất mà muốn chặt tay chặt chân của người nuôi chim. Đây vốn dĩ là một việc làm quá đỗi hoang đường, nhưng khi Tề Cảnh Công đang tức giận mà phản đối ra mặt, thì nhất định sẽ đổ thêm dầu vào lửa. Do vậy, án Tử đã dùng cách khác, tức là dùng phương pháp “Vu hồi“ để nhắc nhở Tề Cảnh Công nên làm một vị thánh hiền, từ đó mà cứu được tính mạng của người nuôi chim. Sau đó, ông lại lợi dụng cơ hội kể tội của người nuôi chim, để nói tội Tề Cảnh Công một cách khéo léo và hàm súc, không “chạm vào vẩy ngược“, không làm cho Tề Cảnh Công tức giận, cuối cùng đã làm nguội được cơn tức giận trong lòng của Cảnh Công và xá miễn cho người nuôi chim.
Án Tử rất biết dùng cách “thế thân“ lấp liếm tội của vua, để khuyên vua, câu chuyện sau đây cũng giống như vậy.
Tề Cảnh Công thích ăn mặc, chỉ một mình mà có biết bao quần áo đẹp và sang trọng. Án Tử đã muốn khuyên can từ lâu nhưng vẫn chưa tìm được cơ hội thích hợp. Mùa đông năm nọ... Tề Cảnh Công sai người làm một đôi giày đặc biệt, giày được dùng những sợi vàng để bện thành, mặt giày giát đầy vàng bạc xung quanh còn trang trí rất nhiều ngọc trai nữa. Tề Cảnh Công đặt tên cho đôi giày của mình là “giày kim ngân bảo“ .
Một hôm, Tề Cảnh Công có ý đi đôi giày này để tiếp kiến Án Tử. “Giày Kim ngân bảo“ vừa rộng lại vừa to, Tề Cảnh Công đi lại rất khó khăn, khi đi được đến đại sảnh thì đã thở hổn hà hổn hển rồi. Trên mặt ông ta tỏ ra khó chịu về đôi giày này. Án Tử thấy thời cơ đã đến, liền nhân cơ hội này mà khuyên rằng: “Thưa đại vương, mọi người mùa đông thì mặc áo bông, mùa hè thì mặc áo đơn, quần áo mùa hè làm mỏng là để cho mát, nay lại đang là mùa đông, vậy mà đại vương lại không đi giầy bông mà lại đi loại giày 4 mặt đều thông gió này, hơn nữa giày lại vừa to vừa nặng, đi lại thật bất tiện biết bao? Việc này nếu truyền ra ngoài, thì trẻ con sẽ cười“. Tề Cảnh Công bị nói đến phát ngượng nhưng lại không dám nổi giận. Án Tử lại nói tiếp: “ Thực ra thì chuyện này không thể trách đại vương được, mà là do thợ giầy làm ra thứ đồ kỳ quái này, nên mới để cho đại vương bị xấu mặt như vậy. Nếu việc này truyền ra nước ngoài, người ta sẽ chế giễu đại vương không hiểu được tình hình của những người ở dưới, không thương xót lê dân trăm họ. Và cũng vì vậy mà khinh thường nước Tề. Theo thần thì nên giết tên thợ giày này đi“. Tề Cảnh Công trong lòng chợt nghĩ, đóng đôi giày vốn là chủ ý của mình, giết tên thợ giày để làm gì, nhưng ông ta ngại không dám nói ra, chỉ làm ra vẻ như 1 ông vua nhân từ, và nói với án Tử rằng: “Người thợ giày này đã làm giày cho trẫm nhiều năm rồi, hãy nể tình ông ta lần đầu phạm tội mà tha cho ông ta, quả nhân từ nay về sau không đi đôi giày này thế là được chứ gì”. Án Tử thấy mục đích khuyên can đã đạt được rồi, liền chĩa mũi nhọn, nói sang các vấn đề khác. Án Tử làm bạn với vua đã hơn 30 năm nhưng ông vẫn được an toàn ở trong miệng hổ, đó là nhờ nghệ thuật khuyên giải cao siêu của ông ta, vừa khéo léo, hàm súc, lại vừa đạt hiệu quả ngay, đánh trúng chỗ lợi hại, khiến cho “3 vua“ đều buộc phải nghe theo lời khuyên.
Mỗi một người lãnh đạo đều có sự uy nghiêm và tự tôn của mình. Là người cấp dưới thì phải biết căn cứ vào tình hình, căn cứ vào đối tượng và không nên trực tiếp kịch liệt khuyên can, dù cho đó là những lời trung thành rất có lợi cho dân cho nước lại không hề có hại, cũng không được tuỳ tiện nói ra trực tiếp. Bởi vì, người lãnh đạo cũng còn có một vấn đề nữa, đó là khả năng chịu đựng về tâm lý! Tốt nhất là nên ít nói những lời trung nghĩa chướng tai, nên vận dụng đầu óc nhiều, để cho “những lời trung nghĩa“ này nghe xuôi tai. Như vậy thì vừa có lợi cho nước cho dân, lại vừa có lợi cho người khuyên can và người bị động. Nếu nói thẳng quá cho dù là ý kiến ban đầu có tốt thế nào đi chăng nữa thì cũng khó tránh khỏi làm cho người khác thấy không vui, thậm chí còn mang đến cái hoạ sát thân.
Nói thêm về việc khuyên can của Nguỵ Chinh
Can gián, không phải là một chuyện dễ dàng, đặc biệt là trong thời kỳ chuyên chế phong kiến do các bậc đế vương nắm quyền, càng không nói đến những “hôn quân“ chỉ thích nghe quần thần a dua, nịnh hót. Ngay cả những bậc minh chủ như Đường Thái Tông có lúc cũng vì những lời nghịch tai mà trở nên tức giận.
Một lần nọ, khi Nguỵ Chinh lên triều, chỉ vì một chuyện mà tranh luận với Thái Tông đến nỗi mặt đỏ dừ. Đường Thái Tông quả thực không muốn nghe tiếp nữa, muốn nổi giận, nhưng lại sợ mất đi danh tiếng biết nghe lời hay lẽ phải, tấm lòng khoan dung độ lượng của mình trước mặt quân thần, nên đành phải nén cơn giận lại. Sau khi thoái triều, về đến hậu cung, ông vẫn chưa hết tức giận, không kìm được mới tự nhủ rằng: “Đến một ngày nào đó, nếu như ngươi còn làm ta tức giận thì ta nhất định sẽ giết chết cái đồ nhà quê này!“
Hoàng hậu Trường Tôn ở bên cạnh nghe thấy vậy liền hỏi: “ Đồ nhà quê là ai vậy?“
Đường Thái Tông nói; “Đó chính là Nguỵ Chinh. ông ta thường xuyên chọc ngoáy ta trước mặt nhiều người khiến ta rất khó xử“.
Hoàng hậu Trường Tôn nghe xong, lập tức lui ra ngoài thay triều phục rồi đi đến trước mặt Đường Thái Tông khấu đầu chúc mừng. Thái Tông ngạc nhiên hỏi nguyên cớ. Hoàng hậu Trường Tôn đáp: “Thiếp nghe nói, bệ hạ anh minh thì đại thần mới dám nói thẳng. Giờ đây Nguỵ Chinh dám thẳng thắn khuyên can, đó là do bệ hạ hiền minh, sao thiếp lại ... không chúc mừng cho được?“
Đường Thái Tông nghe xong, liền tỏ ra vui vẻ, không bận tâm đến chuyện nguỵ Chinh thẳng thắn khuyên can khiến ông khó xử nữa.
Trong lịch sử, những người do thẳng thắn khuyên can nên bị quân vương trừng phạt nhiều không kể xiết.
Long Phùng, Tỉ Vu, Phù Sai đều là những trung thần hết lòng trung thành, tấm lòng trong sáng như nhật nguyệt nhưng do sự ngu dốt, bạo ngược của đối tượng được khuyên mà gặp phải bất hạnh. Đương nhiên, trong xã hội phong kiến, tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá trung thần đó là: “Quan văn liều chết để khuyên nhủ, quan võ liều chết để chinh chiến“. Tức là khi đấng quân vương có sai lầm, thì các quan văn phải liều chết để can gián, khi sự an toàn của quốc gia bị uy hiếp, thì các quan võ phải liều chết để chiến đấu.
Nhưng để thực hiện tiêu chuẩn đánh giá trung thần e cũng hơi khó. Một là nếu như nội dung liều chết mà can gián không hợp với lòng vua thì tất sẽ mang lại nguy hiểm cho mình, hơn nữa nếu vua cũng có vấn đề về khả năng chịu đựng tâm lý, mà bạn lại nói thẳng không chút kiêng nể, sẽ làm cho quyền uy của ông ta bị tổn thương, không biết chừng còn nảy sinh tâm lý ngược lại. Điều mà bạn nói, ông ta sẽ không nghe, sẽ “tranh cãi“ với bạn, đối đầu với bạn, lúc đó nếu bạn không chịu được mả bỏ đi thì bạn sẽ thật thảm hại.
Nguỵ Chinh cũng hiểu rất rõ về điểm này. Chính vì ông biết rất rõ tính cách của Thái Tông nên mới dám khuyên thẳng, mới dám chạm “vẩy rồng“, nói những lời mà vua không muốn nghe. Nếu như ông gặp phải những hôn quân như Kiệt, Trụ, thì hẳn sẽ không dại gì mà thẳng thắn khuyên can cả. Nguỵ Chinh thực ra rất biết cách bảo vệ mình. ông đã từng xin Đường Thái Tông cho ông làm lương thần, chứ đừng cho ông làm trung thần. Thái Tông hơi nghi ngờ, mới hỏi rằng: “Trung thần và lương thần lẽ nào lại có điểm khác nhau sao?“ Nguỵ Chinh đáp: “Tắc Khiết, Cửu Đào thời Nghiêu Thuấn là lương thần, Long Phùng vì khuyên can Hạ Giả mà bị giết, Tỉ Vu vì khuyên Thương Trụ mà bị moi tim, họ đều là những trung thần. Làm lương thần thì bản thân cũng được tiếng tăm, bậc quân vương cũng được tiếng, con cháu nối tiếp, vận nước tốt lành. Làm trung thần thì bản thân bị sát hại, bậc quân vương thì bị tiếng xấu, đất nước bị diệt vong, chẳng qua cũng chỉ là được cái danh hão mà thôi. Điểm khác nhau giữa 2 cái là ở đó. Chính vì Nguỵ Chinh hiểu rất rõ điều này, ông mới có thể “bản thân được tiếng tăm“, mới có thể làm cho “bậc quân vương cũng được tiếng“. Có thể thấy rằng, Nguỵ Chinh cũng rất hiểu cách “sáng suốt giữ mình“, sở dĩ ông dám thẳng thắn can gián vì ông biết Thái Tông là “minh chủ“.
Nếu Thái Tông là hôn quân giống như Kiệt, Trụ, thì hẳn ông sẽ không muốn làm Long Phùng và Tỉ Vu.
Những suy nghĩ về bi kịch của Ngũ Tử Tư
Năm thứ 36 đời Chu Kính Vương, Việt Vương Câu Tiễn cử đại phu Chu Kê dẫn 3 nghìn quân sang giúp nước Ngô đánh Tề. Ngô vương Phù Sai lập tức huy động quân của 9 quận, tấn công ào ạt vào nước Tề. Đúng vào lúc quân Ngô chuẩn bị tiến quân thì Ngũ Tử Tư đã thẳng thắn khuyên can Ngô Vương rằng: “Nước Việt là mối đại hoạ trong lòng của nước Ngô chúng ta, còn nước Tề thì lại không phải là mối nguy hiểm chính của chúng ta. Vậy mà nay đại vương lại dẫn 10 vạn đại quân đi xa ngàn dặm để đánh nước Tề, quên cái đại hoạ trong lòng là nước Việt, thần chỉ sợ rằng đại vương không đánh thắng được nước Tề, trái lại còn khiến cho nước Việt nhân lúc chúng ta yếu mà xông vào để uy hiếp nước Ngô!“
Ngô Vương tức giận nói: “Ta sắp sửa xuất chinh mà ngươi lại nói những lời không tốt lành này, ngươi đáng tội gì?“. Nhân lúc tức giận muốn giết Ngũ Tử Tư. May mà có Bá Nam khéo léo khuyên can, nhắc nhở Ngô Vương rằng Ngũ Tử Tư là lão thần của tiên vương, không thể giết được, nên Ngô Vương mới không giết Ngũ Tử Tư.
Ngô Vương Phù Sai đích thân làm tướng của đại quân, thái tế Bá Tài làm phó tướng, Tiền Môn Sào làm tướng thượng quân, vương tử Cô Tào làm tướng hạ quân, 10 vạn đại quân, rầm rầm rộ rộ tiến sang nước Tề. Khi tấn công nước Tề, Ngô Vương đích thân lâm trận, dũng khí của quân Ngô tăng gấp bội, nên đã đánh bại nước Tề. Ngô Vương khải hoàn trở về.
Khi Phù Sai mang quân trở về, bá quan đều ra chúc mừng, chỉ có Ngũ Tử Tư là trầm mặc không nói. Phù Sai nói với Ngũ Tử Tư rằng: “Ngươi nói quả nhân không nên đánh nước Tề, còn nói rằng ta đánh Tề có thể sẽ thất bại, giờ ta thắng lợi trở về, duy chỉ mình ngươi là không có công lao gì, ngươi có thấy xấu hổ không?“
Ngũ Tử Tư lạnh lùng trả lời rằng: “Khi ông trời muốn diệt một nước, thì thường cho nước đó có được một số chuyện vui nhỏ, sau đó mới làm cho nó gặp đại hoạ. Lần này thắng Tề chẳng qua cũng chỉ là một chuyện vui nhỏ, thần e rằng đại hoạ của chúng ta sắp đến rồi“.
Ngô Vương tức giận nói: “Lâu không gặp tướng quốc như ngươi, tai ta cảm thấy rất yên tĩnh, nay ngươi lại đến lải nhải, làm mất cả nhã hứng của ta“.
Vài ngày sau, Việt Vương Câu Tiễn dẫn quần thần sang nước Ngô để triều bái Ngô Vương. Việt Vương Câu Tiễn hối lộ hết các quan dưới trướng của Ngô Vương. Ngô Vương Phù Sai bày rượu ở trên bàn, Việt Vương Câu Tiễn ngồi cạnh hầu rượu, Phù Sai nói rằng: “Ta nghe nói: Vua không quên thần có công, phụ không quên tử có công. Nay Bá Hỉ trị bệnh cho quả nhân có công nên ban cho chức thượng khanh. Việt Vương Câu Tiễn hiếu sự với quả nhân, nay ban cho danh hiệu Tài năng kỳ quốc, để cảm ơn công lao của Việt Vương đã giúp ta đánh Tề“.
Các quần thần đều a dua, nịnh hót rằng: “Đại vương anh minh, đại vương anh minh“.
Phù Sai rất vui, liên tục cười lớn. Nụ cười vừa tắt, đột nhiên nhìn thấy Ngũ Tử Tư quỳ trước mặt mình, mà nói rằng: “Thưa đại vương, ngài đừng nên nuôi hổ để họa về sau, gây họa cho bản thân, đừng nên gây ra hoạ vong quốc khiến đất nước hoang tàn, cỏ dại mọc đầy điện“.
Đang lúc vui, lại nghe thấy Ngũ Tử Tư nói như vậy Phù Sai cảm thấy rất ngứa tai, tức giận mà nói rằng: “Lão tặc đầy gian xảo kia, là yêu nghiệt của nước Ngô, lại muốn chuyên quyền tự động ra uy, nay bãi chức cho về tự mưu sinh“.
Tử Tư vẫn thẳng thắn khuyên can “Lão thần nếu bất trung bất tín, thì sẽ không được làm thần của tiên vương. Cũng như Long Phùng gặp phải Kiệt, Tỉ Vu gặp phải Trụ vậy, thần khó tránh khỏi phải chết, vua sẽ bị diệt. Thần may mắn nhờ phúc của vua nên không gặp phải yêu nghiệt“.
Phù Sai nghe xong, tức giận không để đâu cho hết, bèn ban thanh kiếm “Thuộc Lâu“ cho Ngũ Tử Tư, để ông tự kết liễu đời mình. Tử Tư nhận lấy thanh kiếm, đứng ở trung đình, ngửa mặt lên trời mà kêu to rằng: “Đại vương ơi, hôm nay ngài không nghe theo lời khuyên của thần, lại còn ban cho thần cái chết. Hôm nay, thần chết đi thì ngày mai binh mã của nước Việt sẽ kéo đến, họ sẽ tiêu diệt giang sơn xã tắc của ngài“.
Nói xong, Ngũ Tở Tư liền vung kiếm tự sát.
Ngũ Tử Tư một lòng trung thành với Phù Sai, nhưng lại gặp phải kết cục bi thảm như vậy, chủ yếu là ở chỗ ông không xem xét kỹ trường hợp, không phân biệt đối tượng nên đã nói thẳng thắn quá. Điều đáng tiếc hơn là rõ ràng ông đã phát giác ra Phù Sai là một hôn quân giống như Kiệt, Trụ nhưng vẫn liều chết can gián, vẫn không chùn bước mà làm 1 “trung thần“ giống như Long Phùng, Tỉ Vu, cuối cùng rơi vào cảnh bị ban cho cái chết. Thật là đáng thương, những trung thần “ngu trung“, không biết tiến thoái, không biết sáng suốt giữ mình như vậy trong xã hội phong kiến đã phải mất không tính mạng của mình mà không hề được bù đắp. Họ thật không đáng bị như vậy.
Muốn sáng suốt giữ mình, muốn “tạm thời giữ được tính mạng“ trong xã hội phong kiến, thì đừng nên giống như Ngũ Tử Tư và Khuất Nguyên. “Người đời say chỉ riêng ta là tỉnh“ mà hãy làm theo “Người đời say thì ta cũng say“. Trước tiên là phải giữ được tính mạng “Giữ được núi xanh thì không sợ không có củi đốt“ mà.
Thời phong kiến, những người thông hiểu đạo lý sáng suốt giữ mình cũng rất nhiều, Ki Tử chính là một người trong số đó. Ki Tử là thần tử của Thương Trụ Vương. Trụ Vương thích ban ngày thì đóng cửa sổ, kéo kín rèm, thắp nến, rồi uống rượu để làm vui không kể ngày hay đêm để đến nỗi quên cả ngày tháng. Ông ta hỏi người hầu rằng, bây giờ là ngày mấy tháng mấy, người hầu chẳng ai biết cả, ông liền sai người hỏi Ki Tử. Ki Tử trả lời người đến hỏi rằng: “Ta say quá, đầu óc cứ mơ hồ, giờ là ngày bao nhiêu ta cũng không nhớ được nữa“.
Sau khi người đó ra về, người nhà mới trách Ki Tử là đã không trả lời thật. Ki Tử liền nói: “Các ngươi hiểu gì chứ! Trụ Vương là bậc trí tôn thiên hạ, nay đã không biết ngày tháng là gì thì chứng tỏ thiên hạ giờ đã nguy cấp lắm rồi. Cả nước từ trên xuống dưới đều quên hết ngày tháng, nếu chỉ có mình ta tỉnh táo mà biết được ngày tháng thì ta sẽ gặp phải đại hoạ“.
Câu trả lời của Ki Tử có thể nói là thật sự sáng suốt. Là người như thế nào thì nói những lời như thế ấy. Thế mới gọi là “Gặp người thì nói tiếng người, gặp quỷ thì nói tiếng quỷ” (Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy). Nếu không căn cứ vào tình hình, không xem xét kỹ đối tượng, nói những lời trung nghĩa thẳng thắn với những kẻ ngu dốt, bạo ngược thì chỉ mất mạng mà thôi.
Trong thế giới đầy rẫy sự xảo quyệt và gian trá thì cần phải để ý 1 chút, nếu bạn không quá thẳng thắn, bạn sẽ không bị người khác gây khó dễ, không bị nguy hiểm đến tính mạng. Phạm Văn Tử, người nước Tần thích nói thẳng, đến nỗi bố của ông là Phạm Vũ Tử đã dùng gậy đánh và giáo huấn rằng: “Người nói thẳng thắn quá thì không được người khác quý. Không ai dám tiếp nhận con, chứng tỏ hoàn cảnh của con rất nguy hiểm, thậm chí còn liên quan đến cả cha nữa“.
Đúng vậy, nếu nói thẳng thắn quá sẽ không được người khác quý. Nếu chỉ chú ý đến bản tính thẳng thắn của mình mà không chú ý đến khả năng chịu đựng về tâm lý thì sẽ khó tránh khỏi làm cho người khác tức giận, đắc tội với người khác. Từ câu chuyện dưới đây, có lẽ chúng ta sẽ được gợi mở đôi phần:
Chuyện thị phi của cô gái thẳng thắn
Cô gái thẳng thắn trong “Khoái chảy Lý Thúy Liên ký“ (Lý Thúy Liên - Cô gái nhanh nhẩu) là người thông minh, đảm đang, kiên cường, dám nghĩ, dám nói, thẳng thắn nhưng cuối cùng bị ép phải làm ni cô.
Khi đến lúc trai khôn lấy vợ, gái lớn gả chồng, người mai mối đến bàn chuyện hôn nhân, điều mà cha cô lo lắng chính là tính “nói thẳng“ của cô. Cha cô nói rằng: “Con tôi là người nhân hậu, chỉ có điều là hay nói thẳng... tôi không yên tâm“. Quả nhiên, khi đi lấy chồng, cô vì tính khí ưa nói thẳng nên đã chửi mắng người mai mối, đắc tội với em chồng, bác, đốp chát với mẹ chồng. Mới 3 ngày mà mẹ chồng cô đã bắt con trai phải li dị vợ. Sau khi về nhà mẹ đẻ, bị bố mẹ, anh trai, chị dâu oán trách, bản thân cô trong lúc tức giận đã đi làm ni cô.
Mặc dù “mồm miệng thẳng thắn“ hay “không thẳng thắn“ không phải là giới hạn của cái đúng, cái sai, sai hay đúng là do nội dung của bản thân sự vật quyết định nhưng trong xã hội hiện thực, sự việc không hề đơn giản như vậy.
Cô phản đối lễ tiết phiền phức trong lễ giáo phong kiến. Khi lên kiệu, bà mối dặn rằng: “Tiểu nương tử, khi cô đến cửa nhà mẹ chồng thì đừng có nói gì“. Đến cửa nhà chồng, bà mẹ chồng lại bưng 1 bát cơm ra, và nói rằng: “Tiểu nương tử, con hãy há miệng ra để nhận cơm nào“.
Lý Thúy Liên vì thẳng thắn nên đã nói ngay “Bảo con ngậm miệng rồi lại bảo con há miệng, dặn con không được mở miệng, vừa mới ngồi kiệu đến cửa nhà chồng sao lại bảo há miệng ra?“
Hàng ngàn hàng vạn cô gái trong thời đại phong kiến vào ngày kết hôn, đều bị người ta tuỳ ý sai bảo, sắp đặt, chẳng ai dám phản đối, chỉ có Lý Thúy Liên là không chịu nghe theo “luật lệ phép tắc“, lớn tiếng kêu gào vì phụ nữ. Do vậy, trong con mắt của những kẻ thế tục, cô là một “người phụ nữ xấu xa“ không giữ đạo của người phụ nữ, không tuân theo tập tục.
Cô phản đối những tập tục hôn lễ nhạt nhẽo, ví dụ như “rắc giường“ rắc ngũ cốc đầy lên giường cô dâu, làm cho vung vãi khắp nơi rồi bắt cô dâu phải quét. Ông thầy xem âm dương còn nói là: “Từ xưa đến nay chồng hát thì vợ phải hoạ theo, chưa từng có ai gầm lên như sư tử hà Đông cả.“ Lý Thúy Liên lại nói luôn: “Rắc giường? Đậu, gạo, lúa mạch rắc đầy giường, thử nghĩ xem, nó ra cái thể thống gì“.
Cái cách nói không chút kiêng nể này của cô, trong ánh mắt của những kẻ thế tục thì cô đương nhiên là một người không được giáo dục. Nhà chồng bàn với nhau phải dạy bảo cô. Bố chồng bắt cô phải hầu trà. Cô chẳng hề phàn nàn, cởi ngay bộ quần áo cô dâu ra, mặc quần áo vải thô vào, đi xuống bếp rửa nồi và bát; rồi lại đến tận phòng lấy một ít hoa quả, pha một ấm trà, bê đến phòng khách, bày ghế ra rồi cung kính mời bố mẹ chồng, bác trai và bác gái dùng trà. Tất cả người trong nhà chồng đều ngồi cả, chỉ để mình cô đứng phục vụ. Bố mẹ chồng thấy cô tay chân nhanh nhẹn, thái độ khiêm tốn, đang lúc cho rằng là được rồi thì cô em chồng và em trai chồng cũng đòi uống trà. Cô không chịu được, nói luôn: “Bố mẹ uống trà, bác trai, bác gái cũng đến uống trà. Cô chú nếu muốn uống thì đến lấy 2 cái bát ở trên bếp ấy“ Cô vừa vào nhà chồng chưa đầy 3 ngày thì em gái và em trai chồng đã nói ra nói vào, thường xuyên nói xấu cô, nay lại sai cô làm cái này làm cái kia thì làm sao cô chịu nổi đây?
Lý Thúy Liên có năng lực, hiểu lễ nghĩa, biết ăn nói, lý thuộc về cô, nhưng hiệu quả lại không tốt. Chủ yếu là do cô không chú ý đến trường hợp nói, không phân biệt rõ đối tượng nói, nói thẳng khiến người khác phải bực mình đắc tội với người khác. Vì vậy làm cho bản thân ở vào thế bất lợi, cuối cùng rơi vào cảnh bị buộc phải làm ni cô.
Người nói thẳng nói thật phải thận trọng !
Vậy thì, nên nói năng thế nào với cấp trên? Làm sao để có thể đối thoại không bình đẳng?
Điều quan trọng của đối thoại không bình đẳng
Thời đại đối thoại đã tới rồi, nhưng thời đại của đối thoại bình đẳng vẫn còn xa lắm. Dù là phái lạc quan mang đậm nét chủ nghĩa lý tưởng, trên sân khấu giao tiếp ngày nay, e rằng cũng không dám mong đến “đối thoại bình đẳng“. Bởi vì, trong thế giới mà sự giàu có và quyền lực vẫn là trục chi phối, là nguyên nhân của thị phi, thì mong muốn giao tiếp ngôn ngữ hoàn toàn bình đẳng, chẳng qua cũng chỉ là chàng ngốc nói mê mà thôi, bởi vì chàng ta không đối mặt với xã hội hiện thực.
Trên thế giới không có hai chiếc lá hoàn toàn giống nhau. Con người rơi vào những vòng xoáy rắc rối thì còn phức tạp hơn lá cây rất nhiều. Xã hội do con người hợp thành rất phức tạp nên hai bên nói chuyện không hoàn toàn giống nhau, không thể tương đương. Cho nên, dù hai bên trò chuyện thân mật, cử chỉ như nhau, tay bắt mặt mừng hay vòng tay nhau nâng cốc, cùng lắm cũng chỉ là sự bình đẳng có tính hình thức.
Vì thế mà “đối thoại “ có nghĩa là không bình đẳng. Hiểu được điều này, đối với người ở vào thế yếu, mong muốn bảo vệ bản thân là cực kỳ quan trọng. Nó có thể làm cho người mong muốn bảo vệ bản thân tỉnh táo lại, không còn ảo tưởng nữa.
Vậy thì nên đối thoại không bình đẳng như thế nào để bảo vệ bản thân? Điều quan trọng khi đối thoại không bình đẳng là gì?
Đừng vội, hãy xem từng điều sau:
Điều quan trọng thứ nhất: phải thừa nhận mình ở vào thế yếu, chứ đừng tự lừa mình như tinh thần A.Q. Bạn phải thừa nhận điểm yếu của mình là kém hơn đối phương hoặc đang mong muốn được như đối phương. Điểm yếu của bạn chính là điểm mà đối phương thích công kích, tự nhận thấy yếu điểm của mình, bạn mới có thể có những phòng ngự tích cực đối với nó.
Điều quan trọng thứ hai: luôn điều chỉnh tâm lý của mình, duy trì tự tin. Yếu thế gây cho người ta có cảm giác đau khổ, sẽ làm cho bản thân không thích ứng nữa, căng thẳng, tâm lý chịu áp lực nặng, rất dễ mất tự tin, dẫn tới suy nghĩ bị bế tắc, dao động lòng tin. Để cân bằng, loại trừ áp lực tâm lý, bạn phải xác nhận tính chân thực, tính đúng đắn và tính khả thi của mục tiêu đối thoại, luôn cổ vũ để bản thân lạc quan, tự tin. Tinh thần tràn trề sức sống, không để đối phương áp đảo, lấy sức mạnh đạo nghĩa, sức mạnh nhân cách và sức mạnh lô-gíc để quật ngã đối phương.
Điều quan trọng thứ ba: cần xoay quanh mục tiêu đã định trước, bám sát năm chữ “Lí, Nghĩa, Lợi, Tình, Uy“ mà nói, tức là làm cho đối phương hiểu cái lý, truyền cho đối phương cái nghĩa, dụ cho đối phương cái lợi, khiến cho đối phương xúc động, hạn chế cái uy của đối phương. Thông thường, nói chuyện hay nói chen thêm, hi vọng người khác nghe rồi sẽ phục tùng, làm theo yêu cầu của mình. Mọi người nghĩ đến cái “Lợi“ trước tiên, sau đó là “Lí“, “Nghĩa“, “Tình“, cuối cùng mới đến “Uy“. Nhưng so sánh với đối phương có thế mạnh, “nguồn vốn“ chủ yếu người thế yếu khi đối thoại là “Lí“ và “Nghĩa“, chứ không phải là “Lợi“ và “Uy“, (đây chính là nguyên nhân bên yếu lâm vào thế yếu, nếu không đã có thế mạnh rồi).
Vì vậy chú trọng, dành công sức cho “lý“ và “nghĩa“, khiến đối phương hiểu được cái lý, truyền cho đối phương được cái nghĩa là điều quan trọng cho bên yếu thế tạo bước đột phá. Nhất định phải nói rõ đạo lý, nói đúng nội dung, nói sao cho đối phương xúc động, thích nghe, nói tới mức lòng tự tôn, niềm vinh dự, lòng chính nghĩa của đối phương trỗi dậy và cảm thấy hài lòng. Lúc đó, khéo léo tác động tình cảm sẽ đạt hiệu quả cao. Tất nhiên, không có nghĩa là dùng “Lợi“ và “Uy“ thì vô tác dụng đối với bên yếu thế. Chẳng qua là, bên yếu thế cần phải tính toán kỹ về cái “Lợi“ này, thận trọng như khi dùng dao vậy. Còn với “Uy”, bên yếu thế cũng phải cẩn thận, trường hợp bất đắc dĩ mới được sử dụng. Bởi vì điều này tạo ấn tượng áp đặt đối với người khác, đưa mà cố bẻ sẽ không ngọt, tuy người khác sẽ nhất thời sợ “Uy” của bạn nên nghe theo ý kiến của bạn, nhưng khó tránh khỏi không hận ghét bạn, giả như đến lúc đó phản kích lại bất ngờ, thì chắc khiến bạn thật thảm hại. Giống như cách “Tử gián“ lấy cái chết để bắt ép nhau, áp đặt ý chí cho người khác, nên tỉ lệ thành công không cao, có khi còn uổng phí tính mạng.
Tóm lại, khi bày tỏ ý kiến với cấp trên của mình, tuyệt đối không được làm thương tổn đến sự tôn nghiêm và quyền uy của họ, cố gây khó dễ cho người khác, không được áp đặt ý chí đối với họ, mà phải chú ý tới địa vị của họ, cân nhắc trong từng lời nói.