CHƯƠNG 18
Tác giả: QUỲNH DAO
Sinh hoạt lại đi vào quỹ đạo. Đan Lệ dọn trở về khu chung cư nữ sinh, dĩ nhiên, hai vợ chồng ông Đức lại từ Gevena bay sang La Mã một lần nữa, lần này, cả hai người không những gặp Đan Lệ, mà còn gặp luôn cả Chí Tường. Ông Đức biết rất rõ rằng, con gái mình đã bị tình yêu làm cho mù quáng, không còn cách gì cứu gỡ được nữa, ông đành phải trịnh trọng gửi gấm nàng cho Chí Tường:
- Chí Tường, cho dù thế nào đi nữa, cháu cũng không phải là chàng rể mà bác chọn! Bác không biết phải nói với cháu như thế nào, Đan Lệ là một đứa trẻ được nuông chìu từ tấm bé, không hề biết trời cao đất dày, cũng không hề biết đến khổ sầu của nhân gian. Đúng ra, bác đưa nó từ HongKong sang Thụy Sĩ, là muốn cho nó thoát khỏi chốn đau khổ, không ngờ, nó lại gặp phải cháu!
Chí Tường hỏi:
- Cháu là đại diện cho sự đau khổ hay sao?
Ông Đức trả lời:
- Bác không biết cháu có phải hay không? Bác chỉ biết một điều là, từ khi Đan Lệ quen biết cháu, nó gần như làm bạn với nước mắt mỗi ngày. Ngày trước, nó chỉ biết cười, bây giờ, cháu tự mình nhìn nó đi!
Chí Tường nhìn Đan Lệ, đúng vậy, nàng đã thay đổi! Nàng không còn là cô gái nhỏ vui vẻ, phóng khoáng, cười nói huyên thiên, bất cần đời ở bảo tàng viện Borghese ngày trước nữa. Nàng gầy sụt đi, tiều tụy đi, xanh xao và mệt mỏi, chàng cảm trái tim mình đau đớn như bị ai bóp chặt lại, gương mặt chàng bất giác biến sắc.
- Thưa bác, có thể cháu là đại diện cho sự đau khổ. Cháu không giống như bác, trên lưng cháu lúc nào cũng gánh một cột trụ to...
Chàng nghĩ đến chiếc cột trụ to tướng oằn nặng trên vai Chí Viễn, cảm thấy rằng ông Đức tuyệt đối không thể nào hiểu được thí dụ này. Chàng hơi dừng lại, đổi đi cách nói:
- ... Cho dù cháu có là đại diện cho sự đau khổ hay không, xin bác tin ở cháu, cháu không hề bao giờ muốn đem sự đau khổ đến cho người khác, nhất là Đan Lệ! Nếu như Đan Lệ vì cháu mà gặp phải sự bất hạnh...
Đan Lệ nãy giờ vẫn theo dõi những câu nói của ông Đức và Chí Tường, lúc này, nàng nhào đến, đứng chắn giữa hai người, gương mặt nàng mang đầy nét hoảng hốt, sợ hãi, đôi mắt nàng mở to ra, nhìn vào ông Đức bằng ánh mắt cầu khẩn, căng thẳng, nàng nói thật to tiếng:
- Ba! Ba nói ít đi vài câu dùm con, được không? Con nói cho ba nghe, nếu như Chí Tường là đại diện cho sự khổ đau, thì xa rời anh ấy là sự tuyệt vọng. Ba!...
Giọng nàng nhỏ xuống, thấp hẳn đi, như cầu khẩn, như van lơn:
- Ba hãy để yên cho tụi con đi mà! Khổ đau cũng được, hoan lạc cũng cam, tất cả đều là do tự con tìm lấy! Con không oán trách một ai cả! Ba! Ba làm ơn dùm con đi, con không dễ gì mới thuyết phục được anh Hai của anh ấy...
Ông Đức vừa kinh ngạc, vừa giận dữ:
- Con còn phải thuyết phục cả anh Hai của hắn nữa à! Ba xem, hắn ta đúng là một nhân vật quan trọng của thế giới đây mà!...
Đẩy con gái sang một bên, ông thật sự bị chọc giận, trừng mắt nhìn Chí Tường, ông gằn giọng hỏi:
- ... Cậu có thể bảo đảm là con gái tôi sẽ hạnh phúc hay không?
Chí Tường cũng nhìn thẳng vào ông Đức, trả lời ngắn gọn:
- Dạ không! Cháu chỉ có thể bảo đảm là cháu yêu nàng! Hạnh phúc hay không, nàng phải tự mình cảm nhận lấy!
Ông Đức giận đến đỏ mặt:
- Yêu? Người nào cũng biết nói chữ yêu! Yêu! Chỉ là một chữ trống rỗng, ngoài yêu ra, cậu còn có thể cho nó gì khác nữa?
- Con người của cháu!
- Con người của cậu hay lắm sao?
- Con người của cháu đối với bác, đối với thế giới này, có thể không có gì hay ho, cháu chỉ là một chiếc lá giữa dòng, như trăm ngàn chiếc lá khác. Thế nhưng, đối với cháu hoặc với Đan Lệ, có thể, đó là toàn bộ!... Ngoài ra, cháu còn có một thứ khác có thể cho nàng, thế nhưng, chưa chắc gì bác đã coi trọng thứ đó!
Chàng nhìn ông Đức chằm chằm. Ông Đức hỏi:
- Thứ gì?
- Quốc tịch của cháu!
Ông Đức đột nhiên cảm thấy mình bị đánh ngã quỵ, bị chàng trẻ tuổi, miệng còn hôi sửa này đánh ngã nhào! Chàng trai trẻ này chỉ dùng có mấy chữ, đã đánh trúng ngay nhược điểm của ông. Ông cứ đứng đó, trừng mắt lên, không biết nói gì cho phải. Đan Lệ đã lẹ làng nhào tới, ôm choàng lấy cổ cha, nàng để gương mặt mịn màng của mình, áp sát vào gương mặt của cha, nói bằng một giọng thân mật, dễ thương, dịu dàng, nũng nịu với ông rằng:
- Thôi mà ba, ba đừng giận mà! Cái tính của Chí Tường là như thế đó, nói chuyện lúc nào cũng chỏi người ta như vậy! Thôi đi ba, ba đừng nói nữa mà! Ba chọc cho anh ấy nổi sùng lên, anh ấy sẽ càng nói càng nổi nóng đấy! Thôi nhé ba, coi như con không phải, con xin lỗi ba vậy!
Trời ạ! Nói như vậy là thế nào? Hắn ta còn bị chọc cho "nổi sùng" lên nữa chứ! Lại còn "nổi nóng" nữa chứ! Ông Đức vừa giận dữ, vừa buồn cười, lại vừa có cảm giác chẳng đặng đừng. Nhìn vào gương mặt nửa như cuống quýt, nửa như van lơn, nửa như nũng nịu của Đan Lệ, ông biết rằng mọi chuyện coi như đã xong! Trái tim của con gái đã bị chàng trẻ tuổi này "Chụp bắt" mất tiêu rồi, làm cha mẹ có thể làm gì khác hơn được. Vả lại, khi ông đối diện với gương mặt bất khuất, tự hào của Chí Tường, sự tán thưởng và ưa thích của ông đối với chàng trai trẻ này lại tràn lan như nước vỡ bờ trong tận cùng trái tim. Cuối cùng, ông thở ra một hơi dài, đẩy nhẹ Đan Lệ vào vòng tay Chí Tường, ông nói:
- Thôi được! Chí Tường! Con đường của hai đứa còn dài lắm! Hy vọng là tình yêu của cháu và Đan Lệ, chịu đựng được sự thử thách của thời gian!...
Ông nhìn về phía con gái:
- ... Đan Lệ! Hãy nhớ, nếu như có bị ức hiếp, nhà, bao giờ cũng mở rộng vòng tay ra đón con trở về đấy nhé!
Và như thế, Đan Lệ ở lại La Mã.
Những ngày tháng tiếp theo sau đó, về phương diện tình cảm, cả hai anh em đều đã có chỗ nương tựa, cả hai đều có người yêu. Về phương diện sinh hoạt, thì lại gian khổ không thể tả.
Bài vở của Chí Tường càng lúc càng nặng nề, mỗi ngày chàng đều bận rộn đến nửa đêm, điêu khắc, hội họa, lý luận nghệ thuật... chàng gấp rút muốn học cho xong tất cả các tín chỉ, lấy cho được văn bằng tốt nghiệp trước khi mùa hè tới. Chí Viễn thì bận rộn đi làm, chàng có sự suy nghĩ của riêng mình, Chí Tường tốt nghiệp, cũng chưa thể xem là "thành công", cũng không thể kể là đã "hoàn tất việc học", chàng hy vọng Chí Tường có thể tiến thêm một bước, bằng cách học chuyên ngành về điêu khắc, La Mã có rất nhiều điêu khắc gia nổi tiếng, họ đều có thu nhận đệ tử. Nếu như Chí Tường có được một danh sư chỉ giáo, chưa biết chừng nó sẽ có thành tựu rất lớn! Thế là, chàng càng lúc càng làm việc cật lực hơn! Sau tháng ba, mùa của ca kịch viện kết thúc, chàng bèn làm việc ở công xưởng từ sáng cho đến tối, từ tám giờ sáng làm cho đến sáu giờ chiều! Chí Tường bị sự làm việc "cật lực" đó của chàng làm cho nổi nóng, chàng kêu lên:
- Anh Hai! Anh mà còn làm việc "lấy chết" như vậy nữa, bắt đầu ngày mai, em sẽ nghĩ học! Lúc gần đây, sắc mặt của anh càng lúc càng vàng hoạch ra, bệnh đau bao tử cũng không trị, bệnh ho cũng không trị, vừa hút thuốc, lại vừa uống rượu, anh cứ như thế, lỡ ngã bệnh nằm xuống thì làm sao? Em nói cho anh nghe, nếu như anh không xin nghĩ phép, ngày mai em sẽ không đi học nữa!
Chí Viễn cười lên:
- Ha! Đúng là gần mực thì đen!
Chí Tường hỏi:
- Anh nói vậy là sao?
- Em bây giờ nói chuyện, cũng quen cái thói làm nư, giống y như Đan Lệ!
Chí Tường cũng cười. Đặt tay lên vai Chí Viễn, chàng nói bằng một giọng nghiêm trang:
- Đừng có giỡn, anh Hai! Anh làm việc ở công xưởng đó cũng cầm bằng như bán sức lao động, chẳng lẽ anh không thể kiếm một công việc như dạy học chẳng hạn hay sao?
Chí Viễn nói một cách thẳng thắn:
- Anh không có kinh nghiệm dạy học, mà họ cũng không dùng một thày giáo người Đông Phương, nếu như anh không bán sức lao động của mình, anh chỉ có thể đi nhà hàng làm công, mà lương ở đó quá ít. Em biết đó, Chí Tường...
Giọng chàng thật dịu dàng:
- ... Tháng sau, ba sẽ làm lễ thượng thọ lục tuần, chúng ta làm thế nào cũng phải gửi một mớ tiền về cho ba mẹ nở mặt nở mày với người ta chứ, phải không? Cả hai đứa con trai đều đi hết trơn, ba mẹ chỉ có cái khoảnh khắc an ủi là lúc nhận được chi phiếu của chúng ta, biết rằng cả hai anh em ta đều không đến đổi tệ.
- Nếu như ba mẹ biết rằng, số tiền đó là do anh đổi lấy bằng sức lao động của chính mình, suốt ngày gánh đất gánh gạch...
Chí Viễn nhìn em nghiêm khắc, kêu lên bằng một giọng khàn đục:
- Chí Tường, em mà dám viết thư nhắc đến một chữ...
Chí Tường ngắt lời chàng:
- Dĩ nhiên là em không dám! Vì vậy, thư em viết về nhà cũng càng lúc càng ngắn đi. Thảo nào mà mẹ viết thư đến nói, ngày trước, có một mình Chí Viễn "đánh điện tín", bây giờ cả hai anh em cùng nhau "đánh điện tín" về nhà!...
Chàng chép miệng, thở ra:
- ... Cũng may, bây giờ đỡ rồi, chỉ còn không bao lâu nữa là em ra trường rồi, đợi khi em ra trường xong, anh chắc là không còn lý do gì để cản trở không cho em đi làm nữa chứ, lúc đó, cả hai anh em mình cùng nhau đi làm, để dành một mớ tiền, trả cho xong món nợ mà ba mẹ đã mượn cho mình đi du học, rồi về nhà là vừa rồi đấy!
- Về nhà?...
Chí Viễn lẩm bẩm lập lại hai chữ đó, như thể đó là hai chữ có ý nghĩa rất ảo diệu, sâu xa, gương mặt chàng hiển hiện lên nét mơ màng như đang nằm mộng.
Một lúc thật lâu sau, chàng mới nói:
- ... Chí Tường, tới chừng đó hai đứa chúng ta đừng nên cãi nhau, sau khi em ra trường rồi, vẫn chưa có thể đi làm được đâu! Em phải học bộ môn điêu khắc của em cho thật hoàn hảo! Vì vậy, anh đã suy nghĩ và sắp xếp xong cả rồi, tốt nghiệp ra trường chưa thể kể là thành công! Chính em đã nói đó thôi, những tác phẩm điêu khắc của em thiếu sót rất nhiều thứ, anh đã dò hỏi và tìm hiểu, em có thể theo học với một nhà điêu khắc nổi tiếng về bộ môn điêu khắc...
Chí Tường kêu to lên:
- Anh Hai, anh điên rồi! Anh có biết học phí sẽ đắt đến ngần nào không? Anh có biết...
Chí Viễn nói:
- Anh biết! Anh đều biết cả! Thế nhưng, anh muốn em làm như thế, em có thiên tài, em có thể học được! Còn như anh ấy à? Em xem, các bắp thịt của anh vẫn còn rất săn chắc, cơ thể anh cũng còn rất khỏe mạnh, một chút công việc đó không là gì đối với anh đâu! Nếu như em kính trọng anh...
Chí Tường giận dữ la toáng lên:
- Kính trọng! Kính trọng! Em không thể để mặc cho anh sắp xếp mãi như thế! Em sẽ không bao giờ nghe theo những lý luận như anh đã nói nữa đâu! Nếu như em cứ tiếp tục "kính trọng" anh mãi như thế, thì chẳng khác nào em giết anh chết dần chết mòn! Em nói cho anh nghe, em sẽ không bao giờ nghe lời anh như thế nữa! Không bao giờ! Không bao giờ!
- Chí Tường! Em nói chuyện phải có lý một chút!
Chí Tường xúc động đến mặt mày đỏ bừng lên, sợi gân xanh trên trán chàng giật lia lịa:
- Có lý? Em có lý bao nhiêu đó đã đủ rồi! Người không có lý chính là anh, chứ không phải em! Anh Hai, đừng bắt buộc em làm như thế nữa, hai năm nay, em đã sống một cách vô cùng đau khổ, cứ mỗi lần nghĩ đến chuyện anh nhẫn nhục đi làm cực khổ để nuôi em ăn học, là em cảm thấy mình sắp điên đến nơi! Anh Hai! Anh phải nghĩ đến mình một chút chứ! Anh lấy cái kiếng ra mà soi, tự nhìn lấy mình một tí đi, mặt vàng da bủng, hai con mắt lờ đờ...
Có tiếng cửa mở ra, Ức Hoa nhẹ nhàng đi vào, Chí Tường im bặt miệng, thế nhưng, sự giận dữ và xúc động vẫn còn hiển hiện rõ trên gương mặt của chàng, Ức Hoa ngạc nhiên trố mắt hỏi:
- Chí Tường, hai anh em lại cãi nhau nữa đấy à?
Chí Tường không nhịn được nữa, chàng la lên bừng bừng:
- Cải nhau, đúng vậy, chúng tôi đang cãi nhau!... Ức Hoa, cô nói chuyện với anh Hai đi, cô nói chuyện cho rõ ràng với anh Hai! Nếu như anh ấy cứ ngoan cố như thế, nếu như anh ấy không biết tự yêu thương bản thân mình, tôi nói cho cô nghe!... Trước khi cô trở thành chị Hai của tôi, là cô đã mặc áo gai đội khăn tang khóc anh ấy rồi!
Nói xong, chàng xông ra khỏi phòng, đóng cánh cửa nghe đánh bình một tiếng.
Ức Hoa nhìn Chí Viễn:
- Chuyện gì vậy anh?
- Anh muốn sau khi ra trường, nó tiếp tục theo học chuyên ngành điêu khắc.
Ức Hoa đi đến bên cạnh Chí Viễn, nàng đưa tay ra ôm lấy đầu Chí Viễn, nhìn chàng thật tỉ mỉ, sau đó, nàng ngồi phệch xuống sàn nhà ngay bên cạnh Chí Viễn, để gương mặt mình tựa thật nhẹ vào gối chàng, nước mắt từ từ chảy ra từ đôi mắt đen lay láy của nàng, thấm ướt chiếc quần của chàng. Chàng vội vàng dùng tay ôm lấy đầu nàng, nói cuống quýt:
- Em sao vậy? Ức Hoa? Em đừng nên bị ảnh hưởng của Chí Tường, anh còn khỏe lắm, thật mà, anh còn khỏe vô cùng, lúc gần đây, anh không còn bị đau bao tử nữa, mà cũng không hề bị ho, thật mà, Ức Hoa!
Ức Hoa dùng tay ôm chặt lấy cánh tay chàng:
- Chí Viễn, em không muốn khuyên anh một điều gì cả, em chỉ muốn biết rằng... cái gánh nặng chình chịch này, anh sẽ gánh cho đến bao giờ mới xong?
Giọng nàng như nghẹn lại khi nói những câu chót. Chí Viễn dùng tay vòng lấy đầu Ức Hoa:
- Ức Hoa, bao nhiêu năm nay rồi, chẳng lẽ em không hiểu tính tình của anh sao?
Ức Hoa ngẩng đôi mắt đẩm lệ lên nhìn chàng:
- Chính vì em hiểu anh quá rõ, nên em mới sợ...
- Sợ gì?
Nàng ôm lấy chàng thật chặt, như không muốn rời:
- Sợ... sợ những lời nói không may đó của Chí Tường!
Chí Viễn nói bằng một giọng giận dữ:
- Thật là tức cười! Tại sao em và nó lại trù ẻo anh chi vậy?
Ức Hoa nhìn chàng bằng đôi mắt van lơn:
- Vậy thì, anh hãy bỏ việc làm, nghĩ ngơi một thời gian đi, em và ba, cũng có dành dụm được một số tiền...
Chí Viễn nghiêm khắc ngắt lời nàng:
- Ức Hoa! Em xem anh là loại người gì vậy? Em nghĩ rằng anh sẽ bỏ việc làm, nghỉ ở nhà để dùng số tiền mồ hôi nước mắt đó của cha con em sao? Nếu như anh là loại đàn ông như thế, thì anh có còn xứng đáng để cho em yêu nữa hay không? Ức Hoa, đừng bao giờ nhắc đến chuyện này nữa hết, chuyện này chúng ta nói đến đây là chấm dứt! Đối với việc đi làm của anh, em đừng nên có thêm một ý kiến nào nữa hết! Em hiểu không?...
Chàng nhìn vào đôi mắt buồn bã và chan chứa thâm tình của Ức Hoa, bất giác không kềm lòng được, chàng ôm chầm lấy nàng vào lòng:
- ... Xin lỗi em, Ức Hoa, không phải anh cố ý muốn nói chuyện lớn tiếng với em. Yên tâm đi cưng! Thân hình anh còn rắn chắc vô cùng, anh sẽ không để cho em...
Chàng cười lên, nói đùa:
- ... trở thành quả phụ đâu!
Ức Hoa đột nhiên cảm thấy một luồng hơi lạnh lẽo chạy dài theo cột xương sống của mình, nàng rùng mình đưa tay ra, vội vàng bụm lấy miệng chàng lại, gương mặt nàng trắng bệch đi. Chí Viễn cười cười, lắc lắc đầu, nói:
- Thật là kỳ! Em với Chí Tường nói bậy thì được, anh mới vừa nói một câu, là em đã chịu không nổi rồi!...
Chàng hôn nàng đằm thắm, đôi môi lướt qua má nàng, kề sát vào tai nàng, thì thầm:
- ... Yên tâm đi, anh sẽ vì em mà sống lâu trăm tuổi, sống đến khi cháu nội, cháu chắt của chúng ta lấy vợ lấy chồng kia!
Đôi mắt nàng vẫn còn chan chứa những giọt lệ buồn, thế nhưng, nàng cũng bị câu nói đó của chàng làm cho bật cười lên:
- Như vậy là bao nhiêu tuổi nhỉ?
- Để anh tính xem, năm nay anh ba mươi bốn, nếu sang năm chúng ta lấy nhau, năm sau nữa là chúng ta có thể có con rồi, thằng con mình hai mươi tuổi sẽ có con, lúc đó là anh năm mươi sáu tuổi, cháu nội mình hai mươi tuổi có con, anh sẽ bảy mươi sáu tuổi, nếu cháu chắt mình cũng lấy vợ lúc hai mươi tuổi, anh sẽ...
Chàng làm ra giọng trệu trạo như ông già lụm cụm không còn răng, nói rằng:
- ... già này sẽ chín mươi sáu tuổi! Bà nó ơi, bà nghĩ xem chúng ta sống đến chín mươi sáu tuổi, đã đủ chưa vậy?
Ức Hoa không nhịn được nữa, nàng phì cười lên, xấu hổ vùi mặt mình vào lòng chàng, âu yếm.