CHƯƠNG 3
Tác giả: QUỲNH DAO
C hí Tường và Chí Viễn rút cuộc cũng đã ngồi xuống đối diện nhau, Chí Viễn lại đốt một điếu thuốc, chiếc gạt tàn thuốc nhỏ nằm trên chiếc bàn bên cạnh chỗ chàng ngồi đã chất đầy tàn thuốc, trong phòng bị khói thuốc làm cho trở nên mờ mờ ảo ảo. Xuyên qua màn khói thuốc dày đặc đó, Chí Viễn lặng lẽ quan sát Chí Tường; hai mươi bốn! Thằng em trai chàng không còn là một thiếu niên mười sáu tuổi nữa rồi! Cũng bằng một tuổi với chàng khi vừa đến La Mã năm xưa, cũng giống như chàng năm xưa mang đầy lòng phấn khởi, hùng tâm, tráng chí, hào phóng và hiếu kỳ! Chí Tường, thằng em trai chàng, với mái tóc đen mềm mại, hơi có chút quăn tự nhiên, với gương mặt trẻ trung, hồng hào, mang đầy sức sống, đôi mắt sáng ngời và vầng trán rộng mênh mông... ồ, trông Chí Tường đẹp trai biết mấy, giống y hệt chàng của tám năm về trước! Đúng vậy! Chí Tường vốn là hình ảnh của chàng mà!
Chí Tường ngẩng đầu lên, nói một cách cả quyết:
- Anh Hai, bây giờ em đã biết, bao nhiêu năm nay, anh không hề sống một cách đắc ý như ở nhà đã nghĩ, thế mà anh cứ không ngừng gửi tiền về nhà, không ngừng giúp đỡ gia đình, lại phụ trách cả phí tổn đi du học của em... bây giờ, em đã đến đây, đã hiểu ra hoàn cảnh của anh, em muốn nói với anh rằng, em muốn đi làm một thời gian trước...
Chí Viễn hút một hơi thuốc vào thật mạnh, ngắt ngang lời chàng, nói một cách đơn giản và rõ ràng:
- Tuần sau, trường em bắt đầu khai giảng rồi, học phí anh đã đóng rồi, ngày mai em đem cái passport, đi theo anh đến trường để làm thủ tục nhập học, em đến La Mã, là để đi học, chứ không phải để đi làm công cho thiên hạ! Em sẽ phải ở chật một chút, ăn uống kham khổ một chút, thế nhưng, anh bảo đảm, học phí và sinh hoạt của em, anh vẫn có thể gánh vác nổi!
Chàng trừng mắt nhìn em trai, trong giọng nói chàng mang đầy mệnh lệnh, bắt người nghe phải phục tùng.
Chí Tường nhìn thẳng vào đôi mắt của anh:
- Anh Hai, anh nghe em nói...
Chí Viễn đứng phắt dậy, bắt đầu đi vòng vòng quanh căn phòng, một mặt cố gắng sắp xếp lại những tư tưởng của mình:
- Em đừng nói nữa! Tất cả những chuyện của em, trước khi em đến đây, đều đã được sắp xếp xong xuôi hết rồi! Đến đất La Mã này, em phải nghe theo anh, không phải anh nghe theo em đâu!...
Đột nhiên, chàng dừng lại trước mặt Chí Tường, nét nghiêm trọng trên khuôn mặt lúc nãy đã biến mất không còn một chút dấu vết, nhướng cao đôi chân mày, chàng cười:
- Tiểu họa sĩ, đừng nên nghĩ rằng thằng anh đầy thiên tài này của em quá nghèo nàn như thế, được không? Đúng vậy, anh không hề được thủ những vai quan trọng, anh chỉ là một diễn viên phụ trong những diễn viên phụ, đúng vậy, lương của anh không nhiều... thế nhưng, đường đi là do con người làm thành, phải không? Chí Tường, em có tin anh không?
Chí Tường nhìn Chí Viễn, cái ánh sáng rực rỡ đột nhiên hiện lên trên gương mặt của Chí Viễn, và cái không khí vui nhộn do chàng mới vừa tạo nên, làm cho Chí Tường bất giác dựng thẳng người lên:
- Dĩ nhiên là em tin chứ, anh Hai!
Chí Viễn cố gắng làm cho giọng nói của mình mang đầy nét thoải mái, nhẹ nhàng, chàng vừa cười, vừa nói:
- Như vậy, thì hãy vui vẻ lên đi, đừng có nhăn mặt nhíu mày như thế! Hôm nay là ngày đầu tiên em đến La Mã, do đó, anh có chút sắp xếp cho em...
Nói chưa dứt lời, ngoài cửa đã vang lên tiếng gõ nhè nhẹ, tinh thần Chí Viễn phấn chấn hẳn lên, nửa vui vẻ, nửa thần bí, chàng nói rằng:
- Nàng đến rồi!
CHí Tường hỏi bằng một giọng thắc mắc:
- Ai?
Chí Viễn không trả lời, mà chỉ nhìn chàng cười cười, nụ cười trông đầy vẻ bí mật, và chứa đầy nét mong đợi không giải thích được. Đi đến bên cửa, chàng mở toang cửa phòng. Chí Tường nhìn ra, chàng vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy một cô gái Đông Phương, gương mặt mang đầy nét tươi cười, đang đứng ngay trước cửa phòng nhìn vào. Mái tóc đen dài, óng ánh như tơ của nàng, rẻ ngôi ở giữa, từ hai bên mặt đổ dài tự nhiên xuống hai bờ vai nhỏ. Ánh mắt dịu dàng, trầm lặng và hàm chứa muôn nét cười đầy đặn của nàng đang lặng lẽ ngưng đọng trên gương mặt của Chí Viễn, chỉ trong khoảnh khắc, ánh mắt đó đã dời ra khỏi gương mặt của Chí Viễn, rơi trên gương mặt của Chí Tường. Chí Viễn nhích sang một bên, nhường chỗ cho nàng vào, ánh mắt chàng phát ra những tia sáng long lanh, chàng nói với cô gái rằng:
- Ức Hoa, em xem, anh không có nói ngoa đấy nhé! Có phải là thằng em của anh đẹp trai hết xẩy không?
Thì ra đây là một cô gái người Trung Hoa! Chí Tường đứng dậy, chàng bị cách giới thiệu đó của anh mình làm cho vô cùng ngượng ngập. Sao lại có người "khen" em mình một cách trắng trợn đến như thế! Người con gái mang tên Ức Hoa đó đi vào phòng, rất tự nhiên, rất phóng khoáng, nàng đưa mắt tươi cười nhìn Chí Tường một cái, lại đưa ánh mắt nhìn trở sang gương mặt của Chí Viễn, tròng mắt nàng thật đen, thật sâu, thật dịu dàng.
Nàng cất tiếng nói, giọng nói thật nhẹ nhàng, trong trẻo như nước chảy, bằng tiếng Quan Thoại thật lưu loát:
- Phen này thì anh vui rồi nhé! Đêm trông ngày ngóng, rút cuộc thì em trai anh cũng đến rồi đấy!
Chí Viễn đưa tay vẫy Chí Tường:
- Chí Tường! Đến đây, đến đây gặp Ức Hoa, cô ấy tên là Cao Ức Hoa, Ức là nhớ, Hoa là Trung Hoa, cha cô ấy nói, từ lúc sinh cô ấy ra đến giờ, lúc nào ông cũng muốn đem cô ấy trở về thăm quê hương, do đó mới đặt tên là Ức Hoa, từ nhỏ, ông đã dạy cô ấy nói tiếng Quan Thoại, thế nhưng, cho đến nay, cô ấy vẫn chưa trở về bao giờ, cô ấy là dân Hoa kiều, sinh ra và lớn lên ở Ý này đấy! Em đừng nên xem thường chuyện này, những Hoa Kiều sinh ra và trưởng thành ở ngoại quốc, mười người có hết chín người không nói được tiếng Quan Thoại đấy! Phải không? Ức Hoa?
Ức Hoa vẫn mĩm cười, ánh mắt từ đầu chí cuối vẫn tập trung trên khuôn mặt của Chí Viễn. Chí Tường rất nhạy cảm mà nghĩ rằng, quan hệ giữa anh mình và nàng, nhất định là không đơn giản chút nào, và vì nghĩ như thế, bất giác chàng đưa mắt chăm chú nhìn vào cô nàng Cao Ức Hoa hơn nữa! Nàng thật trẻ! Chỉ khoảng chừng trên dưới hai mươi tuổi! Một chiếc áo sơ mi bằng vải thô đơn giản, bên dưới là chiếc váy đầm hoa nhỏ màu xanh nhạt, trong nét đơn sơ vẫn mang đầy sự tự nhiên, trong sự đoan trang vẫn không mất nét yêu kiều, điều đặc biệt nhất là, cả người nàng như toát ra một vẻ đằm thắm và dịu dàng, rất nữ tính! Hay nhỉ! Chàng mơ hồ nghĩ ngợi, bất giác cảm thấy vui mừng, phấn khởi, như vậy, anh chàng ở ngoại quốc, cũng không đến đổi bỏ qua những ngày tháng vàng son của tuổi thanh xuân!
Dưới cái nhìn soi mói của Chí Tường, hình như Ức Hoa cảm thấy hơi bất an, nàng quét mắt nhìn sang Chí Tường một cái thật nhanh, trong khoảnh khắc của ánh mắt hai người chạm vào nhau, không hiểu vì sao Ức Hoa lại đỏ ửng mặt lên, nàng nói thật nhanh:
- Thôi được rồi! Chí Viễn! Thuức ăn thức uống ở nhà đã chuẩn bị sẵn sàng cả rồi, các anh cũng nên sang nhà đi, đừng để cho Ba em cứ ngồi đợi mãi!
Chí Viễn không hề sơ suất về việc Ức Hoa đỏ mặt. Chàng đưa tay ra, một tay kéo Chí Tường, tay kia dìu lấy Ức Hoa, nói:
- Chí Tường, anh là đàn ông con trai, không có cách gì nấu được thức ăn ngon miệng, do đó, anh đã làm phiền Ức Hoa nấu hộ dùm mấy món ăn, coi như đãi em ngày đầu đến Ý. Những món ăn do Ức Hoa nấu là số một, bảo đảm em không thể nào tìm được ở những quán ăn bên ngoài đâu! Đó cũng là lý do tại sao anh không cho em dừng lại ở dọc đường đấy! Không thể nào để cho Ức Hoa làm xong thức ăn, rồi đợi mãi vẫn không thấy người đến, phải không? Sau khi ăn trưa xong, chiều nay, nếu như em vẫn còn khỏe khoắn, ba đứa chúng ta, có thể leo lên chiếc xe cũ nát của anh, đi một vòng tham quan thành phố La Mã.
Chí Tường không biết phải nói như thế nào, chàng lại đưa mắt nhìn Ức Hoa:
- Anh! Anh thật là... sao lại làm phiền chị Hoa như thế...
Chí Viễn la lên thật to:
- Thôi được rồi! Mới không gặp em có tám năm, sao em lại trở thành khách sáo đến như thế? Ức Hoa là Ức Hoa, sao lại gọi là chị này, chị nọ như thế, cô ấy còn có một cái tên tiếng Ý là Florence, kêu lên nghe mệt lắm, em cứ gọi cô ấy là Ức Hoa được rồi, chúng ta không phải là người Ý! Thôi đi! Chúng ta đến nhà của Ức Hoa, Chí Tường, em đứng ngại gì cả, nhà của Ức Hoa cũng giống như là nhà của anh thôi, em đến đây, phải xem nhà cô ấy như là torng gia đình vậy, không cần phải khách sáo, và cũng không cần phải giữ kẻ, biết không?
Anh ấy đã biểu lộ quá rõ ràng rồi còn gì nữa, Chí Tường hơi mĩm miệng cười một mình. Từ lúc gặp Chí Viễn ở ngoài phi trường đến giờ, chàng chưa hề thấy anh mình tỏ ra sốt sắng, hăng hái như bây giờ.
Đi ra khỏi phòng, xuống khỏi lầu, bọn họ đều đã đứng dưới vùng sáng chan hòa của ánh mặt trời, mặt trời của La Mã, ánh sáng của La Mã! Chí Tường quan sát cảnh tượng chung quanh, trong lòng mơ hồ nghĩ ngợi, có phải tất cả những thành phố nổi tiếng trên thế giới, đều có những góc phố lộn xộn ồn ào như thế này chăng? Thế nhưng, lộn xộn thì lộn xộn, ồn ào thì ồn ào, cái không khí đặc biệt của xứ người vẫn vô cùng đậm đà, nồng hậu. Lề đường được lót bằng đá, phía cuối con hẽm là một ngôi giáo đường nhỏ, cây thánh giá dựng thẳng đứng bên trời, lẽ loi, cô độc. Hai bên đường có đủ loại quán nho nhỏ, quán bánh mì, quán rượu, quán café, tiệm bán Pizza, một người đàn bà Ý to lớn, mập mạp, đang đứng trước quán ăn Pizza, Chí Tường kinh ngạc nhìn bà ta kéo những sợi cheese ra thật dài, lại quấn vòng vào cái bánh, đưa trở vô miệng ăn tiếp.
Chí Viễn vừa cười, vừa giải thích:
- Người Ý thích ăn cheese nhất hạng! Cheese và rượu bia! Do đó, trong mười người Ý, có hết tám người là người mập!
Bọn họ dừng lại trước một cửa tiệm đóng giày nho nhỏ, cửa tiệm rất nhỏ, phía trước treo lủng lẳng những miếng da bò, da trừu thật to, vài đôi giày nằm vắt vẻo, trên cửa có một tấm biển, viết bằng tiếng Ý và tiếng Anh, có nghĩa là, "Tiệm giày Joseph, chuyên sửa giày, làm giày đặt, giao hàng đúng hẹn".
Ức Hoa mĩm cười nói:
- Tới rồi!
Chí Tường kinh ngạc nhìn tiệm giày, không hiểu vì sao họ lại đến tiệm giày làm gì!
Ức Hoa nói thật trầm tĩnh và dịu dàng:
- Cha tôi làm nghề này từ khi còn bé, bắt đầu từ lúc mới học nghề, ông đã làm thợ đóng giày suốt cả cuộc đời ông, Joseph là tên tiếng Ý của ông!
Chí Viễn nhìn Chí Tường, nói tiếp:
- Em cũng biết đó, giày da của Ý, nổi tiếng trên thế giới đấy nhé!
Giày da nổi tiếng trên thế giới của Ý, thợ đóng giày người Trung Hoa! Chí Tường cảm thấy hơi mơ mơ hồ hồ, không biết trong đầu mình đang nghĩ gì, trong lúc còn đang do dự, Ức Hoa đã đưa tay đẩy cánh cửa kính phía bên ngoài, trên cửa có một chùm chuông treo lủng lẳng, lập tức phát ra một loạt tiếng kêu "ting tong" thật thanh tao, trong trẻo. Đồng thời, Ức Hoa cũng cất tiếng kêu to lên:
- Ba ơi! Khách đến rồi!
Chí Viễn lầm bầm trong miệng:
- Đáng phạt!
Ức Hoa quay đầu lại nhìn Chí Viễn:
- Gì vậy?
- Mới vừa nói là người trong nhà cả, vậy mà bây giờ em lại nói là khách đến! Khách! Khách! Ai là khách của em thế?
Chàng mĩm cười, hỏi tận mặt nàng.
Gương mặt của Ức Hoa lại đỏ bừng lên, đôi tròng mắt nàng phát ra ánh sáng long lanh. Chí Tường chú ý thấy nàng rất dễ đỏ mặt. Nhìn thần sắc giữa nàng và Chí Viễn, chàng bất giác thấy ngẩn ngơ trong lòng. Còn đang xuất thần nghĩ ngợi, trong nhà đã vang lên một loạt tiếng nói thật rộn rã, vui vẻ, thâm trầm và mang nét già nua, kêu lên:
- Chí Viễn, có phải là Chí Tường đến rồi không?
Xuất hiện ngay sau tiếng nói đó, là một ông già có thân hình trung bình, vai rộng, đầu tóc bạc phơ. Gương mặt ông mang đầy nếp nhăn, đầu mày cuối mắt, đều in hằn dấu thời gian và nét phong sương lận đận. Thế nhưng, đôi mắt của ông lại hừng hực có thần, đôi gò má cũng rất hồng hào, khỏe mạnh. Trông ông tuy đã già, nhưng vẫn còn nét tráng kiện, và nhất là, cả người ông như toát ra một sức sống vững chải khôn cùng. Ngang eo ông vẫn còn mang chiếc khăn quấn bằng da, vừa đi tới, đã nghe mùi da thuộc bưng nồng cả mũi.
Chí Viễn trịnh trọng đẩy Chí Tường về phía trước, như một thứ báu vật hiếm hoi, giọng chàng vui như ngày hội Tết:
- Bác Cao, đây là Chí Tường! Một đại nghệ thuật gia tương lai! Bác trông kỷ nó xem, có phải là đẹp trai "hết xẩy" không?
Chí Tường lại có cái cảm giác ngượng ngập, chàng nghiêng người xuống, chào ông già, kêu lên thật cung kính:
- Chào bác ạ!
Ông già gật gù, cười lên thật sảng khoái:
- Cứ gọi bác là bác Cao, mọi người đều gọi bác như thế, tụi Ý thì gọi bác là Joseph. Tên thật của bác là Cao Tổ Âm, nhưng lâu rồi chẳng còn ai gọi tên thật của bác nữa. Ngày trước, chỉ có mẹ của Ức Hoa gọi bác là Tổ Âm thôi, từ lúc mẹ nó mất đi, không còn ai gọi bác với cái tên đó nữa!
Ức Hoa đi tới cạnh cha, đưa tay tháo chiếc khăn quấn ngang eo ông, nàng nói thật dịu dàng, nửa như trách móc, nửa như nũng nịu, giọng nói nàng biểu lộ nét thân mật và quan tâm thật tự nhiên:
- Ba, đừng nhắc chuyện cũ nữa! Mà sao giờ này ba vẫn còn đeo cái này vậy?
- Ờ, ờ, không nhắc chuyện cũ nữa! Hôm nay là ngày vui, Chí Viễn, chúng ta phải làm một ly mới được! Con bé Ức Hoa này, nấu nhiều món ăn lắm đó, nó làm như Chí Tường nhà cậu là cái thùng cơm vậy...
- Ba!
Ức Hoa lại đỏ mặt lên, nàng liếc Chí Tường một cái thật nhanh.
Ông Cao nói:
- Sao vậy? Sao vậy? Hôm nay tôi nói cái gì cũng sai hết cả! Được rồi! Vào đây! Vào đây! Chúng ta vào đây ăn cơm!...
Ông đưa tay kéo Chí Tường một cách thân mật, lại đứng dừng lại. Nhìn sửng chàng một cái, ông quay đầu sang nói với Chí Viễn rằng:
- Cậu ấy trông giống cậu lắm đấy nhé! Chí Viễn!
Ánh mắt ông chứa đầy một thứ tình cảm xúc động nào đó, không nói nên lời.
- Giống cháu hồi tám năm về trước, phải không?
Chí Viễn hỏi, trong giọng nói đột nhiên như có một nét gì chua chát.
- Chí Viễn!
Ức Hoa kêu lên một tiếng, thanh âm nhẹ nhàng uyển chuyển, uyển chuyển đến độ làm rung động lòng người. Ánh mắt nàng nhìn thẳng vào Chí Viễn, hàm răng nàng cắn cắn lấy vành môi, hình như muốn nói nhưng lại thôi, cuối cùng, nàng cũng nói:
- Anh muốn để cho thức ăn nguội lạnh hết rồi mới vào ăn, phải không?
Ông Cao kêu lên thật nhanh:
- Vào đây! Vào đây! Vào phòng ăn để bắt đầu ăn đi đã! Chí Tường, nhà của bác tuy vừa cũ, vừa nhỏ, nhưng sự đón tiếp thì vừa thật, vừa nhiều! Thấy chưa, con bé nhà này làm biết bao nhiêu thức ăn đây!
Băng qua căn phòng phía ngoài vừa là mặt tiệm, vừa là phòng làm việc, bọn họ vào đến một phòng ăn nho nhỏ, vì cả bốn bên đều không có cửa sổ, nên tuy là ban ngày, trong phòng ăn vẫn phải thắp đèn. Ở giữa phòng ăn, là một chiếc bàn ăn hình chữ nhật, bên trên có trải chiếc khăn bàn kẻ ô vuông màu hồng phấn, phía trước bốn phần chén dĩa, có bốn chiếc khăn ăn cùng màu. Đúng vậy, nguyên một bàn thức ăn, gà vịt thịt cá, gần như đều có đủ cả, đang bốc khói lên nghi ngút. Ở giữa những món ăn bày la liệt trên bàn đó, còn có một chai rượu nho màu đỏ chưa mở nút.
Ông già kêu lên inh ỏi:
- Ê! Con bé này! Sao vậy? Sao con càng lúc càng hà tiện vậy? Không dám lấy rượu ngon ra đây hả? Chai Napoleon của mình đâu rồi?
Ức Hoa nhìn cha, lắc nhẹ đầu:
- Ba! Cả ba và Chí Viễn, đều không nên uống rượu mạnh!
Chí Tường nãy giờ không mở miệng, cũng phụ họa theo nàng:
- Đúng vậy! Cháu không hề biết uống rượu, anh Hai cũng không nên uống rượu, rượu sẽ ảnh hưởng đến thanh quản của anh ấy!
Chí Viễn ho nhẹ một tiếng, bất giác lùi lại phía sau một bước, hơi rút cổ lại, làm như trong phòng có khí lạnh thổi ngay vào chàng. Ông già và Ức Hoa đều ngẩng đầu lên thật nhanh, nhìn ngay chàng một cái. Chí Viễn dùng lưỡi liếm liếm môi, đột nhiên, cảm thấy cổ họng mình vừa khô, vừa đắng, chàng khàn giọng nói:
- Mới vừa đến ngày đầu tiên, đã lo kềm anh rồi!
Ức Hoa nói thật nhẹ:
- Anh cũng cần phải có một người kềm anh lại rồi đấy chứ!
Ông già vỗ tay độp độp mấy cái thật mạnh, dương cao chân mày, ông kêu to lên:
- Ăn cơm, ăn cơm! Bác đã đói gần chết rồi đây! Bé con cùng mọi người ngồi vào bàn đi!
Tất cả mọi người ngồi xuống, Chí Tường ngẩng đầu lên, vừa lúc gặp ngay Chí Viễn đang đưa mắt ra hiệu cho Ức Hoa, Ức Hoa ngồi ngẩn ngơ ở đó, đôi mắt nhìn trừng trừng vào Chí Viễn, trong ánh mắt nàng hình như có nghìn lời vạn tiếng. Giữa họ có chuyện gì không nhỉ? Chí Tường cũng ngẩn ngơ suy nghĩ. Còn ông già thì sao? Như thể không biết gì, ông cầm chai rượu lên, cười hề hề, "bốc" một tiếng, nút chai rượu bật ra, không biết đó là loại rượu gì? Một luồng bọt từ trong chai sùi lên nhanh chóng, ông già vội vàng dùng ly đón ngay lấy.
Rượu được rót vào ly, màu đỏ thắm, như máu.