P 4: Chương 34
Tác giả: Ted Brusaw và Siegfried Knappe
Trong suốt mùa đông 1946-1947, người Nga làm phim về trận đánh Moscow xảy ra vào tháng 12 năm 1941, và họ bắt tất cả chúng tôi mặc đồ lính để đóng vai lính Đức.
Đã tham dự trong trận đánh thật sự, tôi không muốn tham gia đóng phim, nhưng tất nhiên tôi không có sự chọn lựa. Họ đặt cánh quạt máy bay để thổi tuyết vào mặt chúng tôi và tạo ra gió mùa đông. Tất nhiên, quân phục tồi tàn của chúng tôi làm chúng tôi giống như một "đội quân" thảm não, những điều đó có thể rất thích hợp cho mục tiêu tuyên truyền của họ.
Một ngày đầu năm 1947, Refior đến Krasnogorsk từ nhà tù Butyrka. Ông là một người cao và khá mập, nhưng dĩ nhiên bây giờ ốm như tất cả chúng tôi. Ông ta nói tôi là Weidling và von Dufving vẫn ở Butyrka. Chúng tôi không nói chuyện với nhau nhiều. Chúng tôi chưa bao giờ thân nhau, và bây giờ ông ta mau chóng có dấu hiệu trở thành người "hoạt động", nên tôi tránh ông ta. Tôi nhớ sự ưa thích của ông ta về thịt ham và đọt măng, cùng với cà phê đậm và rượu mạnh. Tôi không nghi ngờ là ông đã trở thành "hoạt động".
Trại có một thư viện nhỏ cho chúng tôi đọc, và có lúc vào năm 1947 nó được mở rộng vì có một loạt sách được đưa đến từ một thư viện lớn ở Đông Đức. Những thùng lớn được đem vào trại, và bọn "hoạt động" bắt đầu có thái độ bí mật. Chúng tôi được biết những thùng đó đựng sách. Tất nhiên, người Nga phải lấy ra những cuốn sách không ủng hộ chế độ của họ, và những người "hoạt động" coi qua và lấy đi tất cả những cuốn sách mà chúng tôi không nên coi. Tuy nhiên, không phải ai trong số họ cũng thông minh, nên họ để vài cuốn sách lọt qua mặt họ; tất nhiên, họ cũng có thể loại ra một số sách không đụng chạm đến người Nga. Nhưng chúng tôi cũng có khá nhiều sách để đọc, hầu hết là văn học cổ điển Đức và vài nhà triết gia viết dựa theo những gì Marx và Engels đã xây dựng.
Tôi bỏ ra nhiều thì giờ để đọc. Tôi cảm thấy là rất quan trọng để giữ đầu óc hoạt động và sáng suốt. Những người không làm như vậy rở nên lừ đừ và qua một thời gian cứ như người sống vô vị. Họ thường ngồi ôm đầu và nhìn sửng về phía trước. Chúng tôi nhận thấy là cứ để họ sửng và đừng để ý đến họ. Chúng tôi gọi là "ngủ gật". Tôi đọc sách tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, và tiếng Ý bất cứ khi nào có thể để trau dồi ngoại ngữ. Tôi cố gắng tìm hiểu nhiều về triết lý xã hội và kinh tế Nga. Triết lý "duy vật biện chứng" tỏ ra không hợp lý đối với tôi.
Tháng 6 năm 1947, người Nga quyết định đưa hầu hết chúng tôi từ trại tù Krasnogorsk đến trại khác. Chúng tôi đã được giữ gần Moscow để gần các tù nhân chính trị, những tù nhân quan trọng bị giam. Khi họ có hết những gì họ nghĩ là họ lấy được từ chúng tôi, chúng tôi bị gởi đi trại khác để lấy chỗ cho người mới bây giờ làm cho họ chú ý đến. Tất nhiên, họ có thể dễ dàng mang chúng tôi trở lại bất cứ lúc nào nếu họ cảm thấy cần chúng tôi.
Đêm trước khi đi, tên chúng tôi được gọi và chúng tôi được thông báo sẵn sàng lên đường vào sáng hôm sau, mặc dù chúng tôi không được nói đi đâu và tại sao. Họ khám chúng tôi trước khi rời trại, điều này chưa bao giờ xảy ra trong suốt 2 năm ở Krasnogorsk. Vấn đề không phải ở chỗ lính gác tịch thu nhẫn và những vật có giá trị (mặc dù có trường hợp lính gác thích món gì đó và anh ta lấy mất, nói "không được phép"). Họ tìm những gì được ghi chép. Người Nga luôn lo sợ sức mạnh của chữ nghĩa. Họ sợ đầu óc của chúng tôi.
Lính Nga giải chúng tôi đi đến nhà ga, và chúng tôi đợi xe lửa. Cuối cùng một tàu chở hàng đến và chúng tôi lên tàu. Toa chở hàng không có cửa sổ, nhưng chúng có những khe hở thông gió gần mái soi một ít ánh sáng vào. Rơm đã được trải trên sàn cho chúng tôi ngồi và nằm, và nhà xí (một cái xô để dưới sàn có một cái lỗ) nằm ở giữa toa. Khoảng 500 người lên tàu, khoảng 40 người một toa; toa tàu của Nga lớn hơn toa tàu ở tây âu vì đường sắt họ rộng hơn. Chúng tôi ngồi xe lửa 2 ngày, dừng lại ở các làng mạc để lấy nước và thực phẩm.
Chúng tôi xuống xe lửa ở một ga trong vùng Tambov, khoảng giữa đường từ Moscow đi Stalingrad. Sau đó đi bộ 1 giờ rưỡi từ ga đến trại mới, tên là Morshansk. Chúng tôi bị khám một lần nữa và chia khu. Morshansk, nằm trong một khu rừng lớn, rộng hơn trại Krasnogorsk, nhưng cũng hoang sơ hơn. Tất cả các ngôi nhà được làm bằng gỗ. Kiểu trại cũng như ở Krasnogorsk: nó không phải là trại lao động, mà là trại chính trị được đặt biệt đàn áp về tâm lý. Các khu trại không đông lắm, vì trại rộng hơn, và có không gian rộng hơn để đi hay chạy bộ. Bên cạnh 500 người chúng tôi, Morshansk có vài ngàn tù Nhật Bản, khoảng 100 người Ba Lan, và khoảng 100 nữ tù nhân Đức (trong một khu riêng biệt).
Chúng tôi tiếp tục chuỗi ngày đói nữa với khẩu phần ăn giống như ở Krasnogorsk. Và tất nhiên, cũng những người "hoạt động" đã cầm đầu chúng tôi ở Krasnogorsk tiếp tục làm ở Morshansk. Cuộc sống hàng ngày ở Morshansk giống y như ở Krasnogorsk. Cuộc sống của chúng tôi tồi tệ không chỉ vì bị mất tự do mà con vì cuộc sống đơn điệu. Thời gian như ngừng lại, chúng tôi nhìn ngày, tuần, tháng, năm trôi qua vô nghĩa. Ở thế giới bên ngoài, một người bình thường đi qua những thay đổi, tiến thân trong cuộc sống. Trong trại, chúng tôi phải cố gắng giữ khỏi bị mụ mẫm, mặc dù so sánh với trại tù lao động, sự "mụ mẫm" của chúng tôi có thể là xa xỉ.
Khi con người theo một trình tự giống nhau quá lâu, sự đơn điệu làm thời gian chán ngắt và mệt mỏi. Tôi bắt đầu một ngày vào sáng sớm, rồi chợt nhận ra là trời đã chiều. Rồi bóng đêm đổ xuống, và ban mai lại bất ngờ ập đến. Tôi tự hỏi là lam thế nào mà tôi có thể để ngày trôi qua trong trạng thái hôn mê, và có lúc tôi tìm cách thăng bằng. Rồi tôi bắt buộc tôi phải tập trung vào các hoạt động - cờ vua, bài bridge, các lớp học, thủ công.
Mặc dầu ngày có 24 giờ, nó bằng 0. Một tháng không có thời gian trong cuộc sống của chúng tôi. Một năm kết thúc và một năm mới bắt đầu giống nhau đối với chúng tôi như bất cứ ngày nào. Và năm tháng trôi qua. Chúng tôi không đếm thời gian như một người quý trọng nó. Cuộc sống của chúng tôi đã được tổ chức và trình tự nên có nhièu lúc tôi tự hỏi là có ai trong số chúng tôi có thể hoạt động trong xã hội bắt buộc có trách nhiệm cho chính mình được không. Chúng tôi sống khép kín trong một khoảng không - không thời gian. Tôi học được ra những bài học. Tôi cảm thấy đạt được những hiểu biết về cuộc đời mà tôi không thể học được dưới hoàn cảnh bình thường, nhất là giá trị của sự nhẫn nại.
Cuối năm 1947, người Nga bắt đầu cho những người tù lớn tuổi về, và Count Schwerin trong số họ. Tôi rất vui mừng cho ông. Ông dự định sẽ về Bremen, và ông ta ngỏ lời giúp tôi bắt đầu cuộc đời ở đó nếu tôi được thả và có thể qua được Tây Đức.
Chúng tôi ở Morshansk cho đến giữa năm 1948, và chúng tôi di chuyển 1 lần nữa - lần này đến Kikhailovka, khoảng 400km về phía đông bắc của Moscow. Như mọi khi, chúng tôi không được nói tại sao chúng tôi bị đưa đến đó. Nó gần Gorki, bên sông Volga. Điều kiện sống ở đây tốt hơn ở Morshansk, nhưng đàn áp tâm lý tệ hơn; ví dụ, chúng tôi bị từ chối không được gởi bưu thiếp nửa năm một lần trong năm đầu tiên ở đây.
Mikhailovka chứa khoảng 1000 tù nhân, và không có thường dân hay binh lính ở đây - chỉ có sĩ quan Đức. Mikhailovka không rộng rải như Morshansk hay đông như Krasnogorsk. Mặc dù các cuộc hỏi cung vẫn tiếp tục ở Mikhailovka, nhưng không có gì khác thường lúc đầu.
Tôi không bị bắt đi làm việc trong trại nào, nhưng ở Mikhailovka người Nga thỉnh thoảng yêu cầu nếu như có ai muốn đi làm việc ở trên một đảo nhỏ giữa sông Volga để cắt sậy để đan giỏ. Vài người đi về và nói nó cũng lý thú, không làm gì nhiều và bạn có thể tắm trên sông Volga. Nên vài người bạn và tôi xung phong. Chúng tôi phải đi bộ khoảng 1 giờ, với vài lính canh, để đến đó. Nó giống như một cuộc đi chơi ngoài trời lúc còn đi học. Lính gác thân thiện, và khi đến nơi chúng tôi phải chỉ chặt sậy đủ để mang về và rồi chúng tôi được tự do tắm sông. Đó là một cái gì khác, và đó là lần duy nhất tôi làm như vậy.
Một lần trong suốt 1 năm rưỡi ở Mikhailovka, khoảng 40 sĩ quan bị đưa đến một trại nhỏ ở Ivanovo, không xa lắm. Tôi nằm trong số người bị chọn. Chúng tôi đi bằng xe lửa như mọi khi, nhưng vì 40 người quá ít để có một đoàn xe lửa đặc biệt nên chúng tôi đi bằng xe lửa thương mại. Khi chúng tôi đổi xe lửa, chúng tôi phải đợi khoảng 2 giờ cho chuyến xe thứ hai. Chúng tôi bị áp giải bởi một đại úy Nga và một hạ sĩ quan; người đại úy bỏ chúng tôi ở sân ga với người hạ sĩ quan và đi vào làng. Phía bên kia đường sắt là sân ga với khoảng 40 tù thường dân Nga - đàn ông, đàn bà, trẻ em. Họ có ít nhất là 12 người lính giải với súng máy và họ không được phép nhúc nhích - và bên này chúng tôi, tất cả là nam giới, chỉ với một lính canh. Tất nhiên, chúng tôi không thể chạy đi đâu, hàng trăm cây số từ biên giới gần nhất, và với giới hạn ngôn nghữ, trốn thoát là điều không xảy ra. Nhưng cũng ghê gớm khi thấy cách họ đối xử với chính dân của họ. Họ chắc là tù chính trị, vì có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Rồi chúng tôi đến trại gần Ivanovo và được biết rằng chúng tôi đến đó để làm việc. Hầu hết chúng tôi từ chối, vì có lệnh của Stalin, và chúng tôi trích dẫn cho họ. Họ nghĩ là chúng tôi sẽ làm việc, vì trại chỉ có 1 khu với hàng rào xung quanh và chúng tôi không có bất cứ thứ gì để làm nếu chúng tôi không làm việc, nhưng hầu hết chúng tôi từ chối theo nguyên tắc. Người Nga không quấy nhiễu chúng tôi. Những ai muốn làm việc thì đi làm, và những người còn lại chúng tôi thì không. Nếu họ hỏi ở Mikhailovka, họ đã có thể chỉ lấy những người muốn làm việc, nhưng họ không hành xử cách đó. Hình như chỉ là một công việc tạm thời họ muốn làm, và chúng tôi ở đó ít hơn 2 tháng.
Đầu năm 1949, chúng tôi cuối cùng nhận được thư (chúng tôi không thể viết thư, nhưng có thể nhận được). Vì Lilo ở Đông Đức nên cô biết cô có thể viết thư cho tôi. vì người Nga đang quảng bá lòng quảng đại của họ. Trong một thời gian, cô có thể viết mỗi tháng 1 thư, nhưng tôi không bao giờ nhận được hết thư của Lilo, vì người Nga dùng nó như là vũ khí chống lại chúng tôi. Nếu ai đó làm điều gì họ không thích, họ sẽ nói là có thư đến từ gia đình, nhưng họ không đưa cho anh ta. Họ cũng dùng điều này để ép buộc, để bắt người ta hợp tác với họ - và họ dùng thư từ, bao gồm như thư họ không bao giờ đưa ra, để lấy thông tin về những gì nhân dân nghĩ về nước Đức. Họ cũng kiểm duyệt thư của chúng tôi, xoá bất cứ điều gì tiêu cực về họ hay hệ thống của họ. Ví dụ, nếu Lilo viết về nạn đói ở Đông Đức, họ sẽ xoá chỗ đó hay không đưa lá thư đó cho tôi.
Sau khi ở Mikhailovka khoảng 1 năm, có lời đồn lan trong trại là uỷ ban quân sự sẽ đến từ Moscow để đưa một số người ra toà vì "tội phạm chiến tranh". Lời đồn khá đúng. Người trưởng trại rất lo lắng về sự có mặc của uỷ ban, vì những ai đến từ Moscow đều rất quan trọng. Mọi thứ phải sạch sẽ, như trại lính trước cuộc thanh tra.
Phiên toà bắt đầu vào mùa hè năm 1949. Tất nhiên, người Nga không đủ lòng nhân đạo để đưa tên những người bị ra toà để chúng tôi biết từ lúc đầu. Thay vào đó, họ chỉ gọi từng nhóm nhỏ, và những người trong nhóm đi từng người một. Nó kéo dài hàng tuần, mọi người ai cũng căng thẳng không biết tên mình có trong nhóm tới không. May mắn, tôi không bị gọi ra toà.
Trong số 1000 tù nhân ở Mikhailovka, khoảng một nửa bị gọi ra toà, hầu hết là sĩ quan cao cấp. Mọi người đều bị hỏi cung ít nhất một năm 2 lần từ năm 1945, và người Nga giữ hồ sơ của tất cả các cuộc hỏi cung. Họ luôn đặc biệt chú ý đến kinh nghiệm quân sự của chúng tôi ở Nga trong cuộc chiến. Họ so sánh hồ sơ chúng tôi trong các cuộc hỏi cung khác nhau, và nếu có sự khác nhau, họ muốn biết tại sao. Họ không công nhận rằng trí nhớ có thể bị mờ hay sự khác nhau giữa ngôn ngữ Nga và Đức có thể làm cho thông dịch có vấn đề. Những người họ gội đều bị kết án "tội phạm chiến tranh" và bị kêu án 5, 10, 15, 20 hay 25 năm trong trại lao động.
Một "tội ác" đã ăn một con gà Nga trong cuộc chiến hay cho ngựa ăn rơm Nga. Điều đó bị cho là ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, và vì đó mà người ta bị kết tội ít nhất 5 năm trong trại lao động. Tất nhiên, Mikhailovka không giam giử tội phạm chiến tranh thật sự nào. Những người đã hành xử du kích hay những chuyện tương tự đã bị bốc ra và hành xử ở Krasnogorsk từ lâu.