Chương 16 -2
Tác giả: YURI VASSILIEVITCH Bondarep
Ô-xin đứng dậy, đi về phía cửa hầm ngầm, dứng lại đó một lát, rồi lại quay vào ngồi xuống ghế, mặt ghế cọt kẹt dưới sức nặng thân hình chắc nịch của anh. Và một lần nữa cặp mắt như đeo cái mạng bằng thủy tinh cùng với giọng nói hạ thấp của Ô-xin chờn vờn quanh Ve-xnin.
-Xin đồng chí hiểu đúng ý tôi, thưa đồng chí ủy viên Hội đồng quân sự. Vì sao đồng chí và tư lệnh tập đoàn quân lại quên mất cảnh giác khi mà không thể quên được? Tôi biết tính khí của tư lệnh, chắc đồng chí ấy không muốn nghe tôi, vì vậy tôi nói với đồng chí, với đại diện có uy tín của Đảng, nói một cách hoàn toàn cởi mở.
-Được. Anh nói tiếp đi,-Ve-xnin nói và nghiêng người thấp hơn nữa trên mặt bàn, nhìn vào tròng mắt Ô-xin và cũng vẫn chưa đoán được hết cái gì đó lấp lửng mà trưởng phòng phán giản không nói ra có lẽ do thói quen dè dặt hoặc là do e ngại ông, ủy viên Hội đồng quân sự, người nắm quyền lực hết sức lớn.
-Thưa đồng chí ủy viên Hội đồng quân sự,-Mắt Ô-xin vẫn chưa hết vẻ đắn đo, đôi lông mày màu sáng hơi cụp xuống.-Đối với đồng chí chẳng có chuyện gì bí mật, đồng chí biết rất rõ những biến cố tai hại xảy ra trên mặt trận Vôn-khốp vào tháng sáu năm nay. Chắc đồng chí hãy còn nhớ.
-Nghĩa là thế nào?-Ve-xnin đột ngột nhấc ngón tay khỏi bàn, thọc tay vào túi áo choàng, đi vài bước trong hầm ngầm, ông bỗng chốc cảm thấy cóng lạnh và không rút tay ra khỏi túi.-Rốt cuộc tôi càng không hiểu gì cả! Anh muốn nói về tập đoàn quân xung kích số Hai phải không?
-Vâng, về những biến cố xảy ra tại tập đoàn quân xung kích số Hai. Không thể nào quên chuyện đó được. Chính là…-Ô-xin nhắc lại một cách đầy ý nghĩa và nhìn lên nóc hầm ngầmệnh lệnh: nóc hầm kẽo kẹt vì những tiếng đạn nổ gần trên điểm cao, ngọn đèn “con dơi” chao đảo ở trên đầu.-Đồng chí hãy nhìn xem: Xe tăng địch vẫn đang nã súng vào đài quan sát…
Ve-xnin ngồi phắt xuống ghế, rút ngay tay ra khỏi túi áo và vươn người về phía bao thuốc lá dính đất rơi ở trên trần xuống nhưng lập tức ông đẩy ngay bao thuốc ra, xoa thái dương như thể làm cho đầu đỡ đau và bất ngờ ngạc nhiên nhìn thẳng vào Ô-xin. Có một cái gì đó đã bung ra trong người ông, ông cảm thấy mình sắp nổi khùng lên, sắp đấm tay xuống bàn nhưng ông chỉ tức giận thốt lên:
-Vậy thì tất cả những chuyện đó có quan hệ gì? Anh, Ô-xin, anh lo ngại… anh sợ rằng nếu như sư đoàn bị bao vây hoàn toàn thì chưa biết sẽ xảy ra chuyện quái quỉ gì với Bét-xô-nốp và tôi chứ gì? Do đâu anh có sự thận trọng này?
-Ấy, sao lại thế, thưa đồng chí ủy viên Hội đồng quân sự?
Ô-xin cụp đôi lông mi trắng xuống, nói một cách thành thực và có ý dỗi:
-Sao đồng chí lại nói thế? Tôi biết rõ tinh thần dũng cảm của tướng Bét-xô-nốp và biết rõ đồng chí, và tôi không thể hiểu được tại sao đồng chí, xin thứ lỗi cho, lại coi tôi là một kẻ quá ngu ngốc như vậy, thưa đồng chí ủy viên Hội đồng quân sự? Tôi không muốn bị hiểu lầm.
-Thế nghĩa là phải hiểu như thế nào?
-Tôi muốn nói về những sự ngẫu nhiên. Chắc đồng chí còn chưa biết rõ về số phận bi thảm của con trai tư lệnh, thiếu úy Bét-xô-nốp?
Tiếng đạn trái phá nổ xô mạnh căn hầm ngầm, ngọn đèn lại chao đảo dưới nóc hầm vặn mình răng rắc, những mảnh đất vụn rơi bồm bộp trên mặt bàn. Có tiếng chân người bước nặng nề, có người thét to, chạy dọc theo đường hầm gần căn hầm ngầm, những giọng đáp lại không rõ vang lên, nhưng Ve-xnin không chú ý đến những tiếng ồn ào trong đường hầm.
-Không,-ông đáp.-Tôi có biết chuyện con trai của tư lệnh bị mất tích trên mặt trận Vôn-khốp. Thế anh có tin gì thêm.
Ô-xin quay đầu về phía cửa vào hầm ngầm, lắng nghe tiếng nổ trên điểm cao, những giọng nói trong đường hầm, rồi không thật quả quyết lắm anh đặt lên bàn chiếc túi dã chiến căng phồng, mới tinh, không một vết xước rồi mở túi ra. Ngón tay anh lục lọi đám giấy tờ sột soạt.
-Đồng chí hãy xem, thưa đồng chí uỷ viên Hội đồng quân sự, một tài liệu mới nhất. Tờ truyền đơn này tôi vừa mới nhận được và quyết định báo tin ngay để đồng chí biết. Đồng chí hãy xem đi…
Ô-xin thận trọng rút tờ truyền đơn từ kẹp giấy để trong túi và chìa sang bên kia bàn đưa cho Ve-xnin, tờ truyền đơn hình chữ nhật màu vàng nằm trên mặt bàn xù xì trước mặt ông. Trên tờ truyền đơn, tấm ảnh như một vết sẫm mầu, in trên giấy báo rẻ tiền, đập ngay vào mắt cùng những hàng chữ đậm nét phía trên bức ảnh: “Con trai của một vị chỉ huy quân sự Bôn-sê-vich nổi tiếng đang điều trị tại một bệnh viện quân y Đức”. Trên ảnh là một chú bé gày gò, như thể đã phải chịu đựng một căn bệnh làm cho kiệt sức, đầu cạo trọc, mặc áo va rơi có đeo quân hàm thiếu uý, chẳng hiểu sao cổ áo lại mở banh ra để lộ rõ chiếc cổ giả mới tinh đính xiên xẹo vào, chú bé ngồi trong chiếc ghế bành đặt sau cái bàn nhỏ, xung quanh là hai sĩ quan Đức quay mặt về phía chú, mỉm cười gượng gạo. Chú bé cũng mỉm cười một cách đau khổ, kỳ quặc, đưa mắt nhìn những ly rượu chân cao đặt ở giữa bàn, một chiếc nạng tựa vào tay vịn của ghế bành.
-Đây không phải là đồ giả mạo chứ? Hay đây đúng là con trai của tướng Bét-xô-nốp?-Ve-xnin thốt lên còn cố cưỡng lại mình, chưa tin rằng chú bé cạo trọc dường như bị kiệt sức vì bệnh thương hàn đó có thể là con trai của Bét-xô-nốp và sau khi hỏi, ông đưa mắt nhìn Ô-xin như ngầm báo trước cho anh biết rằng ông sẽ không tha thứ cho sự lầm lẫn.
-Tất cả đều đã được kiểm tra, thưa đồng chí uỷ viên Hội đồng quân sự,-Ô-xin với cái vẻ trang trọng và nghiêm nghị của một con người biết rõ trách nhiệm của mình.-Riêng về tấm ảnh thì tuyệt đối không có sự nhầm lẫn. Đồng chí hãy đọc đoạn văn xem, thưa đồng chí uỷ viên Hội đồng quân sự.
Ô-xin ngả người ra đằng sau khiến chiếc ghế làm bằng hòm đạn cọt kẹt, mũi thở mạnh ra.
Ve-xnin đưa mắt lướt qua đoạn văn ngắn ở phía dưới tấm ảnh, chật vật mãi vẫn không hiểu ngay được ý nghĩa của nó, ông đọc đi đọc lại mấy lần những câu nói cay độc quen thuộc, xông lên cái mùi vị xa lạ, lối tuyên truyền dối trá quen thuộc, đã thành nếp của bọn phát xít, ông không thể nào tập trung, chăm chú đọc đoạn văn đó được. Ông ngừng đọc, nhìn vào tấm ảnh trông như một vết sẫm đen đó, nhìn nụ cười đau khổ của chú bé đầu cạo trọc, chiếc nạng dựa vào tay vịn ghế bành, cái cổ áo giả sạch sẽ đính xiên xẹo vào chiếc cổ áo không cài khuy và nhìn vào cái cổ trẻ trung gầy gò đến thảm hại của con trai tướng Bét-xô-nốp. Đoạn văn có mấy câu khiến Ve-xnin chú ý: “Con trai nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng Bét-xô-nốp-như mọi người đều biết, ông từng chỉ huy một trong những cánh quân từ hồi đầu chiến tranh-đã tuyên bố với các đại biểu của bộ chỉ huy Đức rằng người ta đã ném cái đại đội huấn luyện và trang bị kém do anh ta chỉ huy, vào lò sát sinh. Trận đánh cuối cùng thật không thể nào chịu đựng nổi… Thiếu uý Bét-xô-nốp bị thương nặng, đã chiến đấu dũng cảm, hầu như cuồng tìn, anh cũng đã tuyên bố rằng: “Tôi rất ngạc nhiên khi được đưa vào điều trị tại viện quân y. Tôi đã thấy nhiều tù binh Xô viết ở đây. Họ được điều trị chu đáo. Lối tuyên truyền của chính phủ Xô-viết về sự man rợ của người Đức là không phù hợp với thực tế. Tại đây, trong viện quân y tôi có thì giờ để hiểu rằng người Đức là một dân tộc nhân đạo, có trình độ văn minh cao, muốn khôi phục tự do ở nước Nga sau khi lật đổ chế độ Bôn-sê-vich…”.
-Đồng chí đã xem rồi chứ ạ, thưa đồng chí uỷ viên Hội đồng quân sự?--Giọng nói trang trọng của Ô-xin vang lên, anh đã theo dõi thấy Ve-xnin đọc lâu.-Xin đồng chí cho phép tôi lấy lại tờ truyền đơn.
“Thế ra là con trai Bét-xô-nốp đây, nó hãy còn sống và bây giờ thì rõ quá rồi,-Ve-xnin nghĩ, ông vẫn chưa đủ sức rời mắt khỏi tấm ảnh xám, in mờ của chú bé hốc hác đeo quân hàm thiếu uý đó.-Bét-xô-nốp không biết chuyện này. Có lẽ anh ấy đoán ra nhưng không biết rõ. Thế nghĩa là thế nào? Đoạn văn rõ ràng là giả mạo. Chắc chắn là giả mạo, chúng nó thiếu gì cái trò này. Một thằng khốn nạn nào đó bị bắt làm tù binh cùng với thằng bé đã chỉ cho bọn Đức biết: ấy, tay đại đội trưởng ấy là con trai một vị tướng đấy. Phải, chắc là như thế. Đúng hơn cả là như thế. Không thể nào khác được. Rồi sau đó nó bị đưa vào viện quân y. Ngay trong cuộc hỏi cung đầu tiên, chúng nó đã chụp ảnh và bịa ra đoạn văn này. Không thể nào khác được! Nó là chú bé học sinh được Đoàn thanh niên cộng sản, được chính quyền Xô-viết giáo dục kia mà! Không, mình không tin vào một cách lý giải khác, mình không thể tin được!”.
-Thưa đồng chí uỷ viên Hội đồng quân sự, chính đồng chí cũng hiểu rõ ràng không thể đem tờ truyền đơn này ra phổ biến được. Nghĩa là… tôi rất không muốn để tư lệnh biết việc này.
-Khoan đã.
“À phải, Bét-xô-nốp, Bét-xô-nốp… Anh ấy đã nói là người ta chỉ thông báo cho anh ấy biết rằng con trai anh ấy đã bị mất tích. Nó không có tên trong danh sách những người bị chết và bị thương… Mà tờ truyền đơn này đề ngày tháng nào nhỉ? 14 tháng Mười năm 1942. Gần hai tháng trước”.
-Thưa đồng chí uỷ viên Hội đồng quân sự, xin đồng chí thứ lỗi cho. Đồng chí hãy trả lại cho tôi tờ truyền đơn. Tư lệnh có thể bất chợt vào đây.-Chúng ta không có quyền làm cho đồng chí ấy chấn thương về tinh thần…
“Lúc Bét-xô-nốp ở Mát-xcơ-va người ta đã biết việc này hay chưa biết? “Tờ truyền đơn này, bản thân đồng chí cũng biết đấy, không phải để phổ biến”… ”Chúng ta không có quyền làm chấn thương”. Thế nghĩa là có một người nào đó đang bằng cách này hay cách khác ngăn chặn không để tư lệnh biết tấn thảm kịch thật sự đã ụp lên đầu con trai ông. Nhưng để làm gì? Ý nghĩa của việc làm đó.
-Đồng chí Ô-xin này, đồng chí tin vào tờ truyền đơn này à?-Ve-xnin hỏi khẽ.-Đồng chí tin rằng chú bé này… đã phản bội?...
-Tôi không suy nghĩ,-Ô-xin đáp và khoát tay một cách khinh khỉnh. Sau đó anh ta chữa lại:-Nhưng… trong chiến tranh mọi việc đều có thể xảy ra. Tất tật mọi sự, tôi cũng biết rõ như vậy.
-Anh cũng biết?-Ve-xnin nhắc lại và cố không để lộ các ngón tay đang run, ông gấp tờ truyền đơn làm tư, mở khuy áo choàng, đút nó vào trong túi ngực.-Tôi sẽ giữ tờ truyền đơn, như anh nói, “không phải để phổ biến”.-Ve-xnin đặt những nắm tay siết chặt lên bàn.-Bây giờ tôi khuyên anh thế này: anh hãy lập tức rời khỏi đây! Anh hãy đi khỏi đài quan sát ngay lúc này. Như thế sẽ hay hơn. Anh hãy đi ngay đi!
Rồi tựa nắm tay lên bàn, Ve-xnin đứng lên.
Ô-xin cũng đứng dậy nhưng vì quá vội vã nên cụng đầu gối vào bàn; khuôn mặt hơi bầu bĩnh, đỏ đắn khoẻ mạnh chợt trắng bệch, da mặt căng lên.
-Còn nếu như có xảy ra chuyện gì trong vòng vây, đại tá Ô-xin…-Ve-xnin dằn giọng nói tiếp,-nếu như có xảy ra chuyện gì thì sự an toàn… là ở đây,-và ông đưa tay ra vỗ vỗ vào bao súng ngắn đeo trên dây lưng ở cạnh sườn.-Ở đây này…
Họ đứng im lặng hồi lâu ở hai đầu bàn. Xe tăng địch bắn như giã gạo lên điểm cao, tưởng như đạn pháo đã xê dịch căn hầm ngầm về một phía, đất chảy như suối từ nóc hầm xuống vách hầm, rơi rào rào lên phản, ngọn đèn “con dơi”, lúc lắc trên nóc hầm mờ tối đi, thông phong bị ám khói. Ve-xnin đã định rời khỏi hầm ngầm đi ra đường hầm nơi có nhiều người đứng, có tiếng ra lệnh, và giọng người nói sôi nổi, ra để hít thở chút khí trời lạnh giá sau cuộc trò chuyện này, ông trông thấy cặp môi dày của Ô-xin hơi mỉm cười còn cặp mắt xanh xanh của anh chẳng cười chút nào, ông bèn thốt lên, ghê sợ ngay cả giọng nói gay gắt của mình:
-Bét-xô-nốp sẽ không biết một tí gì về cuộc trò chuyện này!
Ô-xin im lặng một cách lễ độ. Không một giây phút nào anh ta quên trọng trách của Ve-xnin, những quan hệ tốt đẹp của ông với uỷ viên Hội đồng quân sự phương diện quân Gô-lup-cốp, anh ta không hề quên rằng Ve-xnin có quyền liên lạc trực tiếp với Mát-xcơ-va và đồng thời anh ta cho rằng Ve-xnin là một người quá nóng nảy, thiển cận, thiếu thận trọng, thậm chí nhu nhược,-những người như thế không thể làm cho người ta tin vào địa vị vững chắc của họ. Ô-xin biết rất rõ về ông, anh ta biết rằng Ve-xnin không phải là sĩ quan chuyên nghiệp mà là cán bộ dân sự, ông vốn là cán bộ giảng dạy ở trường Đảng cao cấp và Học viện chính trị; anh ta nhớ rõ rằng bà vợ thứ hai của ông, người Ac-mê-ni-a là giáo viên hoá học, đứa con gái bà vợ trước tên là Nhi-na lên mười, anh ruột người vợ trước của ông bị kết án vào cuối những năm ba mươi, do việc đó Ve-xnin đã bị cảnh cáo nghiêm khắc và mãi trước khi xảy ra chiến tranh việc cảnh cáo đó mới bị bãi bỏ; anh ta biết rằng năm bốn mươi mốt ông đã là chính uỷ sư đoàn, đã vượt khỏi vòng vây của địch ở gần E-nhi-a và dẫn theo hầu như cả một trung đoàn nguyên vẹn; anh ta còn biết có và còn nhớ nhiều điều mà có lẽ chính bản thân Ve-xnin đã quên từ lâu. Nhưng sau khi cân nhắc tất cả cái đó trong trí nhớ ngồn ngộn và dai dẳng của mình, theo thói quen Ô-xin đã náu mình sau một nụ cười mỉm không biểu lộ cảm xúc gì. Và anh ta đã trả lời Ve-xnin bằng một thái độ mập mờ như vậy:
-Bản thân tôi không hề nhấn mạnh vào một điểm nào cả, thưa đồng chí uỷ viên Hội đồng quân sự. Tôi chỉ làm tròn trách nhiệm của mình… Trách nhiệm của sĩ quan và của người đảng viên.
-Và một khi trách nhiệm của anh đã được hoàn thành, anh chẳng còn việc gì để làm ở đây nữa,-Ve-xnin rầu rĩ nói.-Tôi nhắc lại lần nữa: anh hãy đi ngay khỏi đài quan sát và đừng lo sợ những chuyện ngẫu nhiên! Tôi không thể tưởng tượng được một cái gì vô lý hơn sự thận trọng của anh! Chả lẽ chỉ có mỗi một tiếng “bao vây” đủ để gây ra những nỗi khiếp sợ huyền bí hay sao!
Ve-xnin bước lại gần bàn, mắt kính loé sáng nhìn đại tá Ô-xin, với tay cầm bao thuốc lá dính đất ở bàn rồi khom người qua cửa hầm ngầm bước ra ngoài bóng tối lờ mờ dưới ánh sáng đạn pháo sáng, bước giữa tiếng ầm ầm của những loạt đạn súng máy, của những phát đại bác bị gió cuốn trên bờ luỹ đất của đường hầm.