Chương 25 -1
Tác giả: YURI VASSILIEVITCH Bondarep
Tên tù binh Đức ngồi trước bàn của chủ nhiệm trinh sát, y vận chiếc áo khoác lót bông với chiếc cổ bẻ bằng lông, cổ tay trái bị băng bó đặt trên đầu gối; đôi má sưng phù húp híp trắng bệch với những vết tím thẫm, cặp mắt đầy dử, nằm xa tinh mũi, mái tóc xõa trên đầu che lấp chỗ hói, y làm ra bộ dửng dưng với mọi việc chung quanh. Lýc Bét-xô-nốp bước vào hầm ngầm, y đứng dậy theo lệnh của người phiên dịch; nhìn thấy quân hàm của ông, y hơi vểnh cái cằm râu ria tua tủa lên và cố líu ríu nói cái gì đó. Người phiên dịch dịch cho Bét-xô-nốp nghe:
-Y rất sung sướng vì sẽ được một vị tướng Nga hỏi cung. Y chỉ cầu xin một điều: hoặc là đưa y tới bệnh viện hoặc là đem y ra xử bắn. Sau những đau khổ mà y đã phải chịu đựng, y chẳng sợ hãi gì hết.
-Cứ để cho y ngồi,-Bét-xô-nốp nói.-Chẳng có gì đe dọa y cả. Chiến tranh đối với y đã chấm dứt. Y sẽ được đưa tới bệnh viện dành cho tù binh.
-Thiếu tá Ê-rích Đi-sơ, sĩ quan liên lạc của phòng tham mưu sư đoàn xe tăng số 6 thuộc tập đoàn quân xe tăng số 57,-trung tá Cu-rư-sép, chủ nhiệm trinh sát của sư đoàn báo cáo.
Đã lâu chưa khi nào Cu-rư-sép lo lắng trước số phận ban trinh sát của mình như trong mấy ngày đêm ấy. Vốn rất dè dặt ông khêu bấc ngọn đèn dầu một cách thận trọng như một con người biết rõ công việc của mình trong chiến tranh thường chẳng dễ dàng, hay gây bực mình, và có nhiều nguy hiểm, ông đưa mắt nhìn quyển sổ mở rộng trên chiếc bàn nhỏ ghi chép cuộc hỏi cung có lẽ bắt đầu từ trước khi Bét-xô-nốp tới. Sau đó ông đọc một cách mệt mỏi, hơi kiểu cách, những điều ghi trong sổ, thông báo cho tư lệnh biết rằng tù binh là tên thiếu tá Đi-sô-sinh ở Đuy-xen-đoóc-phơ, bốn mươi hai tuổi, đã được thưởng huân chương Chữ thập sắt hạng Hai do tham gia các trận đánh ở gần Mát-xcơ-va, đảng viên đảng Quốc xã từ năm ba mươi chín. Ông hạ giọng nói thêm rằng căn cứ theo những chi tiết này có thể biết rằng rạng sáng hôm qua anh em trinh sát của chúng ta đã bắt được một tên cáo già trong chiếc xe con của y trên đường cái khi y nhận nhiệm vụ từ ban tham mưu quân đoàn trở về phòng tham mưu sư đoàn.
Với cách giải thích đó, chừng như Cu-rư-sép muốn gợi ý trước cho tư lệnh là khi hỏi cung có lẽ nên đề phòng khả năng tên tù binh khai nhảm để đánh lạc hướng, ấy thế nhưng Bét-xô-nốp dường như bỏ qua không chú ý gì tới những chi tiết được nhấn mạnh trong tiểu sử tên tù binh, ông trầm ngâm đi lại cho giãn căng chân, từ đầu vách này tới đầu vách kia của căn hầm ngầm, vừa đi ông vừa hướng về phía người phiên dịch, một đại uý có cặp má hồng hào.
-Y khai rằng sư đoàn 6 đã được đưa vào trận hôm qua à?
-Thưa đồng chí tư lệnh, không phải thế. Theo lời khai của y, hôm qua sư đoàn xe tăng số 17 đã tham chiến. Nó thuộc lượng dự bị của tập đoàn quân “Sông Đông”.
Im lặng. Trong hầm ngầm phảng phất mùi thuốc gì đó, mùi da lạnh lẽo của thứ áo khoác xa lạ, mùi mồ hôi không quen thuộc; ngọn lửa phần phật trong lò sưởi để ngỏ ô cửa nhỏ, những tia lửa màu đỏ thẫm bay lả tả trên những thanh sắt lò bị nung cháy. Anh em trinh sát lặng lẽ chờ đợi câu hỏi tiếp của Bét-xô-nốp. Đại uý phiên dịch trẻ măng nổi bật bởi đôi mắt sôi nổi, linh hoạt, đã được ngủ đẫy giấc, vươn thẳng người quá mức cần thiết, chiếc cổ áo giả bằng xen-luy-lô-ít có rẩy nước thơm Ô-đơ-cô-lô-nhơ ánh lên trên cổ anh lúc anh quay đầu khi thì về phía Bét-xô-nốp, khi thì về phía tên Đức. Mặt anh đỏ rừ chắc là vì chờ mãi vẫn chẳng thấy Bét-xô-nốp nêu lên câu hỏi gì, chỉ thấy ông lộc cộc chống gậy bước đi tập tễnh trong căn hầm yên tĩnh, chiếc áo choàng ngắn khoác trên vai, thỉnh thoảng lại đưa đôi mắt sưng húp đỏ khè nhìn tên Đức.
“Vậy thì đây là một tên Đức như thế nào đây? Y thuộc hàng sĩ quan? Y đã đánh nhau ở gần Mát-xcơ-va? Y đã bắt đầu từ năm bốn mốt…”.
Còn tên Đức vẫn không thay đổi tư thế trước đây: dửng dưng với tất cả, cặp mắt lụi tắt nhìn bao tay lót lông đỡ cổ tay trái mới được băng lại. Y vẫn còn mong muốn giữ cho được vẻ đĩnh đạc của một viên sĩ quan Đức đã bị tước đoạt vũ khí, bị bắt làm tù binh, ấy vậy nhưng hoàn toàn dửng dưng với sô phận của mình-người Nga hẳn đã phải hình dung y đúng như vậy. Nhưng cái cung cách y hồi hộp đớp không khí trong hầm ngầm qua đôi lỗ mũi mở rộng đã bộc lộ cho Bét-xô-nốp biết một cách chắc chắn tên Đức này đang chuẩn bị cái gì.
Từ năm bốn mươi mốt, Bét-xô-nốp luôn luôn cảm thấy vẫn cái cảm giác tò mò thầm kín và không được thỏa đó khi tình cờ hoặc không tình cờ hỏi cung tù binh. Ngoài lòng mong ước tìm hiểu những điều cần thiết, những điều quan trọng mà ông phải nắm được một cách chi tiết, về những hành động dự định của quân đội đối phương mà ông đã chiến đấu chống lại trong hơn một năm nay, bao giờ ông cũng đặc biệt thiết tha mong ước am hiểu cặn kẽ, chính xác sự thật, tâm trạng của đối phương: các ngươi là hạn người như thế nào vậy, hỡi những tên Đức đã từng chiếm hầu hết châu Âu, đang đánh nhau ở châu Phi và đã gây nên cuộc chiến tranh chống chúng ta? Tên thiếu tá Đức lực lưỡng này, với thân hình chắc nịch và bàn tay bị cóng, đôi má bị cóng, bị bắt đêm hôm trước trong xe của mình sẽ nói gì và nghĩ gì trong giây phút này?
Nhưng kìm mình không nêu câu hỏi về việc tên thiếu tá Đức nghĩ gì vè các cuộc chiến đấu ở gần Mát-xcơ-va về các cuộc chiến đấu hiện nay ở Xta-lin-grát, Bét-xô-nốp hỏi:
-Sư đoàn xe tăng số 6 đã được biên chế vào tập đoàn quân “Sông Đông” ở Xta-lin-grát khi nào? Sư đoàn đó từ đâu tới?
Viên đại uý có cặp má hồng sôi nổi dịch.
Tên Đức bắt đầu trả lời một cách dửng dưng lạnh lùng, dè xẻn buông ra từng tiếng, bàn tay đeo găng lót lông đỡ lấy cổ tay bị băng bó, còn viên đại uý phiên dịch thì sung sướng một cách vô cứo, mỉm cười với Bét-xô-nốp, bắt đầu dịch lại với vẻ thỏa mãn rõ rệt vì mình hiểu rõ câu trả lời của tên tù binh:
-Mười ngày trước đây sư đoàn đã đi từ Pháp tới Cô-ten-ni-cô-vô. Người ta không chở chúng tôi đi ngang qua Pa-ri mà đưa chúng tôi đi đường vòng. Không dừng chân lại ở Béc-lin. Đến Ba-ra-nô-vít-sơ tất cả đều cảm thấy đã ở gần chỗ du kích của các ông lắm vì thấy những đầu tầu và toa tầu đổ ngổn ngang bên lề đường xe lửa. Chẳng ở chỗ nào có điện bình thường cả. Các trạm phát điện không hoạt động. Bri-an-xcơ chìm ngập trong tuyết. Xe chúng tôi băng ngang qua Cuốc-xcơ và Ben-gô-rốt, thế rồi bắt đầu là thảo nguyên. Thảo nguyên mênh mông, man rợ. Chúng tôi đoán là mình đang đi về phía Xta-lin-grát.
-Từ nước Pháp tới à?-Bét-xô-nốp hỏi lại.
-Ở Pháp sư đoàn được bổ sung và trang bị lại sau những trận chiến đấu ở gần Mát-xcơ-va… Chúng tôi tưởng như về mùa đông những thảo nguyên mênh mông này rộng gấp hàng chục lần nước Pháp. Những thảo nguyên trống rỗng và những vạt tuyết vô tận. Còn cái lạnh ở Xta-lin-grát thì cũng y như ở Mát-xcơ-va vậy.
“Phải, gấp hàng chục lần người Pháp,-Bét-xô-nốp cay đắng đồng ý. Ông hình dung trên bản đồ cái khoảng không gian im lìm ngưng đọng trong tuyết trắng, bị vây bọc giữa rừng rú và thảo nguyên, khoảng không sâu thẳm đồ sộ bị quân đội Đức chiếm đóng và như lệ thường, khi quay trở lại vấn đề đó bao giờ ông cũng bị ám ảnh bởi ý nghĩ:-Nhưng chúng cảm thấy điều gì? Nỗi sợ hãi trước khoảng không mênh mông mà chúng đã chiếm được chăng? Sợ hãi vì chúng không giữ nổi một lãnh thổ như thế và sớm muộn rồi đằng nào chúng cũng phải cuốn gói rút lui chăng? Tại sao tên thiếu tá này lại nhớ tường tận con đường nó đi trên nước Nga như vậy?”.
Vừa đi lại trong hầm ngầm, Bét-xô-nốp vừa hướng về người phiên dịch:
-Anh hãy hỏi y xem tại sao y lại bực bội như vậy khi nghĩ tới con đường đi từ người Pháp tới đây?
-Zigaretten! Meine zigaretten! (Thuốc lá, thuốc lá của tôi)-Tên Đức nói, hàm răng va vào nhau lập cập khi vừa nghe đại uý dịch câu hỏi của Bét-xô-nốp. Lần đầu tiên cặp mắt mờ đục của y rời khỏi góc hầm lướt trên mặt bàn, đồng thời y nuốt nước bọt, bực bội nói một thôi một hồi cái gì đó. Người phiên dịch im lặng.
-Y nói gì thế?-Bét-xô-nốp hỏi. Viên đại uý má hồng bối rối, mặt đỏ lựng đến tận cổ áo giả bằng xen-luy-lô-ít, nhún một bên vai, bắt đầu dịch một cách ấp úng:
-Binh lính của ông đã tước mất của tôi bao thuốc lá Pháp và chiếc bật lửa. Cái chính là họ đã tước quyền hút thuốc lá của tôi. Các ông đã bắt tôi làm tù binh và các ông có thể muốn làm gì tôi thì làm. Nhưng tôi xin thỉnh cầu các ông một sự rộng lượng nho nhỏ: hãy cho tôi dù chỉ một điếu thuốc thôi. Ở Pháp ngay đến người tù bị kết tội tử hình cũng được người ta cho hút thuốc và uống rượu trước khi chết. Cố nhiên người Pháp… Người Pháp đó là mặt trời, phương Nam, niềm vui… Còn ở nước Nga thì tuyết cháy bỏng. Nhưng mà tôi đã không được hút thuốc suốt cả một ngày đêm trong cái hố đó, nơi binh lính của ông giữ chặt lấy tôi trong nhiều giờ như là một con lợn thảm hại bị dây thừng trói chặt. Xin rộng lượng cho tôi một chút, trong năm phút thôi. Để hút một điếu thuốc.
“Rộng lượng…-Bét-xô-nốp cười khẩy trong lòng khi nghe nói tới cái khái niệm tốt đẹp từ xửa xưa đó, cái khái niệm đã bị chính tên thiếu tá Hit-le này hủy hoại từ hơn một năm trước đây.-Y cầu xin rộng lượng ư? Sau khi đã ở người Pháp rực nắng…”.
-Đưa bao thuốc lá cho y,-Bét-xô-nốp nói với giọng không bằng lòng.-Hình như y đã có lần hỏi xin rồi phải không? Thuốc lá của y đâu? Tại sao không trả cho y hở trung tá?
-Đây là lần đầu tiên y hỏi xin, thưa đồng chí tư lệnh. Khi giải y tới đây và băng bó cho y, y chỉ nghiến răng trèo trẹo và chửi bới. Thưa đồng chí tư lệnh, đồng chí thấy đấy, tên Đức này không phải là đứa thường. Mọi đồ vật của y đều đã để trước mặt y.
Dường như để chứng tỏ điều đó, chủ nhiệm trinh sát khêu cho ngọn đèn cháy to lên và sắp xếp lại một cách vô ích các đồ vật và tài liệu của tên tù binh choán chỗ trên một phần mặt bàn: một chiếc ví bỏ ngỏ đựng thư từ và những tấm ảnh, chiếc huy chương, con dao díp nhỏ xíu đeo ở đầu dây chuyền-đó là tất cả những thứ anh em pháo binh đã trao lại khi giải tên tù binh tới; không thấy họ trao lại thuốc lá. Mệt bã người sau một đêm mất ngủ, thái dương hóp lại, lốm đóm vàng, mắt bụng bịu, Cu-rư-sép nghiêm khắc nhìn chằm chằm chiếc huy chương của tên thiếu tá, hít một hơi mạnh, vẻ mặt của ông như có ý nói với Bét-xô-nốp; “Anh em trong phân đội của tôi đã hy sinh, thưa đồng chí tư lệnh. Nhưng giá như họ còn sống khỏe mạnh, chắc có lẽ tôi đã trừng phạt họ vì sự cẩu thả này!”. Rõ ràng là tên Đức đã đánh giá sự nghiêm khắc và tiếng thở sâu này của Cu-rư-sép theo kiểu của y: khóe miệng rộng hoác của y nhăn lại thành cái cười khẩy, y tức giận đối với bản thân và căm thù người Nga, những người đã bắt y phải hạ mình, suốt cả ngày đêm khổ sở vì cái rét, đái cả ra quần trong lòng cái hố bom đó.
-Nào, nhanh lên, đưa thuốc cho y nhanh lên,-Bét-xô-nốp nói.
-Có thể đưa thuốc của tôi được không ạ, thưa đồng chí trung tướng?-Đại uý phiên dịch hỏi và có vẻ sẵn lòng rút bao thuốc lá “Pu-sca” ở trong túi áo choàng ra, thoạt đầu anh đã toan chìa cả bao thuốc cho tên tù binh để y tự rút lấy một điếu nhưng nghĩ lại, anh lắc lắc bao thuốc rồi đặt nó ở trên bàn, mỉm cười, mặt đỏ lựng.
Tên Đức vươn người về phía trước, nuốt nước bọt đánh ực, chìa những ngón tay chưa duỗi hẳn ra được về phía bao thuốc lá đã bóc, đờ đẫn chộp lấy một điếu, miệng thốt lên một điếu gì đó.
-Y xin lửa. Người ta cũng tước mất cả bật lửa của y,-đại uý má hồng bối rối nói rồi có phần do dự rút chiếc bật lửa của mình ra, cũng là chiếc bật lửa Đức, bật lửa lên, chìa cho tên tù binh châm thuốc miệng càu nhàu: “Bitte sche” (Xin mời).
-Anh em trong đơn vị tôi thuộc điều lệnh lắm,-chủ nhiệm trinh sát nói, vẫn xem xét chiếc huy chương của tên tù binh để trên bàn.-Chắc là anh em pháo binh xử sự tùy tiện, thưa đồng chí tư lệnh.
“Rộng lượng”, Bét-xô-nốp tức giận nghĩ.-“Không, chúng ta rộng lượng quá rồi. Chúng ta quá tốt bụng và quá hiền rồi. Quá ư rồi”.
-Thế ra là binh lính Nga đã xúc phạm tới anh hả? Họ đã tước đoạt một cách tàn nhẫn và độc ác thuốc lá của một sĩ quan Đức tốt bụng đi từ Pháp sang Nga với những mục đích tốt đẹp nhất chăng? Tiếc thay họ không biết rằng quyền hành cao hơn sức mạnh,-Bét-xô-nốp mỉa mai thốt lên, ông thấy không cần thiết bày tỏ sự không tán thành đối với hành động của các chiến sĩ của mình, những người không am hiểu điều lệnh và bằng cách này hay cách khác đã khiến cho trung tá Cu-rư-sép kiểu cách hơi bực bội.-Hãy cầu Chúa đi vì anh đã gặp may, ngài thiếu tá ạ.
Đại uý má hồng vội vã dịch còn khuôn mặt to bè đặc a-ri-ăng của tên thiếu tá Đức chìm trong khói thuốc, giãn ra khi y thèm khát rít thật sâu hơi thuốc lá đầu tiên, thở khói qua lỗ mũi; nhưng vừa nghe đại uý trẻ dịch những lời của Bét-xô-nốp, tên Đức bất chợt dứt ngay điếu thuốc lá khỏi môi, vò nát, không hút tiếp và điên khùng giận dữ vứt xuống dưới chân mình. Từ bộ ngực ưỡn ra của y phát ra tiếng cười hự hự nửa điên rồ.
-Không, tôi không gặp may, thưa ngài trung tướng. Binh lính của ngài đã không giết tôi trong hố bom mà giữ rịt lấy tôi như một con lợn trong giá lạnh và bản thân họ cũng lạnh cóng,-đó là những kẻ cuồng tín. Họ tàn nhẫn đối với chính bản thân mình! Tôi đã cầu xin để họ giết tôi đi. Bởi vì giết tôi tức là làm một việc thiện, nhưng họ đã không giết. Đây không phải là câu đố hóc hiểm về tâm hồn người Xla-vơ, đây chẳng qua vì tôi là một chiến lợi phẩm của họ. Chả phải thế hay sao? Các ông coi chúng tôi là những kẻ độc ác và tàn nhẫn, chúng tôi coi các ông như những sản phẩm của địa ngục… Chiến tranh, đó là một trò chơi được khởi đầu từ thời thơ ấu. Con người tàn bạo từ khi còn quấn tã. Lẽ nào ngài không nhận thấy, ngài trung tướng, mắt đám thiếu niên lóe lên, sôi sục khi nhìn thấy đám cháy ở thành phố? Hay là khi chúng nhìn thấy bất kỳ một tai họa nào. Những con người yếu đuối tự khẳng định bằng bạo lực, cảm thấy mình là thần thánh khi phá hoại… Đó là một điều éo le, đó là một điều quái gở nhưng sự tình là như vậy đó. Khi chém giết, người Đức sùng bái thủ lĩnh của mình, người Nga chém giết nhân danh Xta-lin. Chẳng ai coi làm như thế là độc ác cả. Ngược lại, việc giết chóc lẫn nhau đã được nâng lên thành một việc thiện. Vậy phải tìm chân lý ở đâu thưa ngài trung tướng? Ai là kẻ nắm được chân lý thần thánh? Ngài, một vị tướng người Nga, cũng chỉ huy binh lính để cho họ đi giết chóc!... Trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào cuũn chả ai có lẽ phải cả, chỉ có bản năng đẫm máu của chủ nghĩa Xa-đich (Chủ nghĩa Xa-đich-tên một người Pháp, khuyến khích sự tàn bạo quái gở, lấy việc giày vò, hành hạ, đày đọa người khác làm khoái lạc), có phải thế không?
-Ngài muốn tôi trả lời ư, ngài thiếu tá?-Bét-xô-nốp hỏi một cách khô khan, dừng lại trước mặt tên Đức.-Vậy thì ngài hãy trả lời tôi: ý nghĩa của cuộc đời ngài là gì một khi ngài đã nói tới điều thiện và điều ác?
-Tôi theo chủ nghĩa Quốc xã, thưa ngài trung tướng… một người theo chủ nghĩa Quốc xã đặc biệt. Tôi tán thành việc thống nhất dân tộc Đức nhưng chống lại phần cương lĩnh của đảng Quốc xã nói về bạo lực. Nhưng tôi sống trong xã hội của mình và tiếc thay, cũng như nhiều đồng bào mình, tôi thuộc kiểu người của chủ nghĩa Mô-da-khít (Chủ nghĩa Mô-da-khít lấy việc tự đày đọa, hành hạ mình làm khoái lạc), nghĩa là tôi phục tùng. Tôi không phải là kỵ sĩ mà là một con ngựa, thưa ngài trung tướng. Tôi đã bị đóng dây cương…
-Sự phân vai rất lạ lùng đấy,-Bét-xô-nốp nhếch mép cười, toàn thân ông mệt mỏi tựa vào chiếc gậy.-Sự phân vai éo le giữa con ngựa và người kỵ sĩ. Một tên Quốc xã đem bạo lực tới nước Nga, chống lại bạo lực nhưng lại hoàn thành các mệnh lệnh, lại đi cướp phá và đốt chát đất đai của người khác. Đó quả thực là một điều éo le, thưa ngài thiếu tá! Nhưng vì ngài đã nêu câu hỏi với tôi, tôi sẽ trả lời ngài, ngài thiếu tá ạ. Tôi căm thù sự khẳng định cá nhân bằng việc làm tàn bạo nhưng tôi tán thành bạo lực đối với điều ác và tôi thấy trong đó có ý nghĩa của việc thiện. Khi người ta xông vào nhà tôi để giết chóc… đốt phá, khoái chí trước cảnh tượng đám cháy và sự phá hoại, như ngài nói, thì tôi phải giết chúng bởi vì lời nói ở đây chỉ là một âm thanh trống rỗng. Những trữ tình ngoại đề, thưa ngài thiếu tá!
Bét-xô-nốp chưa nghe người đại uý má hồng dịch hết câu trả lời của ông cho tên Đức thì thấy cánh cửa ra vào hầm ngầm cọt kẹt mở toang, giá lạnh từ hào giao thông ùa vào.
-Xin phép đồng chí, thưa đồng chí tư lệnh…
Không chờ cho phép, Bô-gi-scô vội vã bước vào hầm ngầm. Cứ trông anh vươn người thẳng tắp, lặp lại lần thứ hai mấy tiếng “thưa đồng chí tư lệnh” bằng giọng cố nén lại, trông thấy khuôn mặt quả quyết, luôn luôn mỉm cười của anh giờ đây tái nhợt, trông cặp mắt củ anh đờ đẫn liếc nhìn tên Đức trước khi bước ra khỏi hầm ngầm, Bét-xô-nốp cảm thấy trái tim mình thắt lại, ông hiểu rằng đã xảy ra điều gì vô cùng hệ trọng.
-Đồng chí hãy tiếp tục hỏi về những điều chính yếu,-Bét-xô-nốp nói với lại chủ nhiệm trinh sát đang lo lắng nhìn theo rồi ông tập tễnh bước ra cửa.-Đừng có triết lý lôi thôi,-ông nói thêm khi đã đứng trên ngưỡng cửa.
Sau lưng ông tất cả đều im lặng.
Bô-gi-scô lách mình đi trong hào giao thông, cẳng chân giận dữ nghiền nát những cục đất vô Tri-bi-xốp. Khi đối mặt với người sĩ quan tuỳ tùng, linh cảm về một tai họa đã xảy ra càng ám ảnh Bét-xô-nốp da diết hơn, ông giục giã:
-Sao lại im lặng thế Bô-gi-scô, báo cáo đi! Có chuyện gì thế?
-Ve-xnin… thưa đồng chí tư lệnh.
-Ở đâu? Không thể thế được! Anh hãy giải thích rõ ràng xem nào! Đồng chí ấy đâu?
-Thưa đồng chí tư lệnh… thiếu tá Tít-cốp vừa tới đài quan sát, anh ấy bị thương… anh ấy báo tin rằng uỷ viên Hội đồng quân sự…
-Sao? Bị thương à? Hay bị giết?
Mái đầu Bô-gi-scô rũ xuống, anh dùng đế giày đè nát một cục đất ở dưới chân. Bét-xô-nốp vã mồ hôi nóng rực, chân lại đau nhói rát bỏng, lần đầu tiên trong thời gian đó ông không kìm được mình, quát to:
-Tôi hỏi anh: đồng chí ấy bị thương hay bị giết? Anh câm hay sao thế? Đồng chí ấy bị giết rồi à?
-Thưa đồng chí tư lệnh, vâng… Trên đường đi họ vấp phải bọn Đức. Thiếu tá Tít-cốp đang chờ đồng chí trong hầm ngầm thông tin,-Bô-gi-scô nói-Anh ấy muốn được tự mình báo cáo với chính đồng chí.
“Ve-xnin đã bị giết rồi sao? Trên đường đi họ đã vấp phải quân Đức? Ở đâu? Trong làng ư? Bô-gi-scô nói gì nhỉ? Chuyện xảy ra như thế nào?”-Lý chí của Bét-xô-nốp gạt bỏ tin tức về nỗi bất hạnh không lường trước được, bất ngờ ập tới, như tuyết lở; ông không tin rằng quả thực đã xảy ra chuyện đó và chỉ mấy phút nữa thôi, ông sẽ gặp thiếu tá Tít-cốp, đội trưởng đội bảo vệ, chứng cớ không thể bác bỏ được về cái chết của Ve-xnin. Ông đùng đùng nổi giận trước với Tít-cốp vì chuyện đã xảy ra, vì bản thân Tít-cốp lại có thể là một nhân chứng như vậy.
-Nào thì đi, Bô-gi-scô,-Bét-xô-nốp thốt lên.-Đi…
Những ngọn đèn, những chiếc máy điện thoại, máy liên lạc vô tuyến, tấm bản đồ trên bàn, các khuôn mặt dường như bồng bềnh trôi trong không khí im lìm, ấm áp của căn hầm ngầm; mọi người im lặng khi thấy Bét-xô-nốp xuất hiện. Ngay lúc đó, một bóng người thâm thấp động đậy bên cạnh ông và một giọng nói nhẹ bỗng toát lên nỗi bất hạnh qua mấy tiếng “thưa đồng chí tư lệnh…”, Bét-xô-nốp ngồi xuống cạnh bàn, rút khăn mùi soa lau cằm, cố để kéo dài thời gian, không sổ tung ngay cơn giận dữ đã bóp ngẹt ông lên bóng người bất động không sinh khí đã thốt ra giọng nói có âm điệu ảm đạm xám xịt, giọng nói sẽ phải báo tin cho ông về cái chết của Ve-xnin. Bét-xô-nốp lau mồ hôi và sau lúc lâu im lặng, ông hỏi:
-Các anh vấp phải bọn Đức ở đâu, thiếu tá Tít-cốp?
-Ở rìa làng phía Tây Bắc, thưa đồng chí tư lệnh… Chiếc xe chở đội bảo vệ đi ở phía trước…
Phải cố gắng lắm ông mới quay được đầu về phía con người đang nói một cách cô đơn và như có ý biện bạch trước tòa án đó, con người giờ đây trông như một cái bóng màu xám; ông bỗng muốn nhìn toàn bộ con người Tít-cốp-khuôn mặt, cặp mắt của anh,-muốn xuyên qua lời lẽ thấu hểu sự thật về chuyện đã xảy ra, muốn hình dung những giây phút cuối cùng mà anh ta là người chứng kiến.
Thiếu tá Tít-cốp lảo đảo như một cái bóng từ bên phải cửa ra vào hầm ngầm, trông thật khó nhận ra: mái đầu tròn của anh quấn băng đến tận sát sống mũi, vóc người thấp với bộ ngực to bè trông giống như một khối thép, vận chiếc áo choàng ngắn tả tơi, tà áo rách bươm, nhầu nát, cánh tay áo tòi cả những đám lông ra ngoài, chắc là bị đạn xuyên thủng: dưới lớp băng bẩn thỉu trông như một chiếc mũ chụp màu xám là đôi mắt vằn tia máu, tuyệt vọng; và một lần nữa anh lại cất lên giọng nói đầy tuyệt vọng:
-Đội trinh sát Đức đi về phía xe của ta. Đồng chí uỷ viên Hội đồng quân sự từ chối không chịu rút lui về phía các ngôi nhà. Khoảng cách từ xe tới các ngôi nhà đó chừng hai trăm mét. Khoảng đất trống… đồng chí đã hạ lệnh chiến đấu…
-Đồng chí ấy đã hy sinh như thế nào?... Bét-xô-nốp ngắt lời. Ve-xnin đã hy sinh như thế nào?
-Chúng tôi đã bắn trả chừng mười phút. Sau đó tôi quay người lại và thấy đồng chí uỷ viên Hội đồng quân sự nằm ngửa bên cạnh chiếc xe, tay cầm khẩu súng ngắn ép chặt và ngực, máu trào ra từ cuống họng…
-Thế ròi sau đó?-Không kìm được, Bét-xô-nốp lên tiếng giục giã, dường như ông muốn giải thích cho mình điều chính yếu về cái chết này, nhưng điều chính yếu đó lai trượt đi mất, không xác định được rõ rệt, không thấu hiểu được bằng ý thức. Người ta báo cáo với ông rằng Ve-xnin đã hy sinh vậy mà ông không thấy cái chết của đồng chí ấy và không hình dung ra Ve-xnin đã chết bởi vì không có gì khó hiểu hơn tin bất ngờ đó, không có gì lờ mờ hơn những mối quan hệ đã hình thành giữa họ-giữa hai con người trong tập đoàn quân, cùng chịu trách nhiệm như nhau về tất cả mọi chuyện,-những quan hệ ngắn ngủi mà do khuyết điểm của ông, Bét-xô-nốp, do thái độ ngờ vực, không mặn mà lắm với quyền lực thứ hai bên cạnh mình nên đã không được như ý Ve-xnin mong muốn và không được ổn thỏa. Có lẽ Ve-xnin không muốn tranh luận, tỏ ra mềm mỏng, đưa ra những lời khuyên nhẹ nhàng tựa như tiện thể thì nêu lên, không muốn nhấn mạnh vị trí của mình bên cạnh ông, tư lệnh tập đoàn quân, có lẽ đó là cách thức của Ve-xnin; một người có kinh nghiệm, để không chạm đến lòng tự ái của ông, để khẳng định ông trong tập đoàn quân mới, giữa những người còn chưa quen biết. Có phải mọi sự là như vậy không? Cho dù mọi sự không phải là như vậy đi nữa thì chính ông chứ không phải Ve-xnin đã ngăn trở tất cả những gì có thể có giữa hai người và giờ đây ông không thể tha thứ cho mình về việc đó…
Giọng nói rè rè của thiếu tá Tít-cốp vang lên từ đâu đó rất xa, từ ánh sáng của các ngọn đèn, từ bầu không khí nóng rực như trong nhà tắm:
-… Lúc thì đại tá Ô-xin, lúc thì tôi cõng đồng chí uỷ viên Hội đồng quân sự đi. Vào đến trong làng thì đại tá Ô-xin bị thương ở vai. Viên đạn nổ làm xương bả vai bị vỡ nát. Khi chúng tôi tới được chỗ xe tăng của quân ta, người ta đã lấy một chiếc xe chở súng đạn để đưa chúng tôi tới trạm quân y của sư đoàn 305. Huân chương và tài liệu của đồng chí uỷ viên Hội đồng quân sự tôi vẫn giữ cả đây. Chúng tôi đã để đại tá Ô-xin nằm lại trạm quân y, đồng chí ấy bảo phải giữ nguyên vẹn mọi tài liệu và chuyển tới tay đồng chí. Giờ đây tôi phải làm gì, thưa đồng chí tư lệnh?... Tôi phải đi đâu bây giờ?
Nỗi đau khổ vì bất lực trước chuyện đã xảy ra toát lên qua mỗi lời nói của thiếu tá Tít-cốp, có lẽ anh thấy không cần thiết phải phơi các huân chương và tài liệu của Ve-xnin ra nữa. Cái gói bạc bằng khăn mùi soa trông như một cục máu để trên bàn là thực tế không chối cãi được và không cưỡng lại được, là một đòn đập vào mắt, là sự khẳng định với tất cả sự thật tàn nhẫn về cái chết của Ve-xnin. Bất giác Bét-xô-nốp đưa một tay lên chắn ánh sáng đèn chói chang, tránh cái nhìn của mọi người chằm chằm hướng về ông rồi không hiểu vì sao ông vươn tay kia với cuốn lý lịch quân nhân ẩm ướt của Ve-xnin, mãi vẫn không đủ sức mở quyển sổ đó, các trang giấy bị dính máu, rộp lên, thẫm lại, bết vào nhau.
Tuy nhiên, cuối cùng Bét-xô-nốp vẫn giở cuốn lý lịch quân nhân đó và vật đầu tiên mà ông nhìn thấy là một tấm ảnh nhỏ chụp nghiệp dư kẹp giữa các trang của cuốn sổ, tấm ảnh cùng bị loang lổ những vết máu nâu sậm nhưng vẫn còn có thể trông rõ hình. Có lẽ đây là ảnh Ve-xnin chụp cùng với đứa con gái. Ông mặc áo sơ mi trắng, quần mùa hè máu trắng, hoàn toàn trẻ trung như hồi trước chiến tranh, đang mỉm cười với ai đó bằng nụ cười linh hoạt trẻ thơ của mình, mũi nhăn lại vui vẻ. Ông ngồi sau mái chèo trên một chiếc thuyền trong vịnh biển chan hòa ánh nắng, tòa nhà an dưỡng màu trắng thấp thoáng giữa những cây trắc bá trên bờ biển, ở phía đằng lái là một em gái chừng bảy tuổi, gầy gò, từ dưới chiếc mũ pa-na-ma xòa xuống má, cặp xương quai xanh yếu ớt nhô ra dưới cổ chiếc áo choàng nhỏ, cô gái khom mình qua mạn thuyền, theo sự bố trí, thò bàn tay nhỏ nhắn xuống nước, dưới bóng chiếc mũi pa-na-ma, cặp mắt dè chừng của em liếc về cùng một phía với nụ cười của Ve-xnin, trông ông trẻ trung đến là lạ, khóe môi của em bó đỏng đảnh chụm lại, em bé không muốn mỉm cười với một người nào đó xa lạ nhưng có lẽ người chụp ảnh ra lệnh, khẩn khoản với em: “Cười đi nào!”.
Ở góc tấm ảnh nổi bật mấy dòng chữ màu trắng: “Xô-tri, năm 1938”.
“Tại sao anh ấy lại mang theo chính tấm ảnh này nhỉ? Em bé gái này là con gái anh ấy chăng? Trong những tài liệu này có ảnh vợ anh ấy không, nếu có thì điều đó cắt nghĩa thêm được cái gì? Không, mình không thể nhìn, không thể tìm hiểu chi tiết về cuộc đời của anh ấy sau khi anh ấy đã chết! Tại sao chúng ta bao giờ cũng muốn tìm hiểu về một con người sau khi người đó đã chết nhiều hơn là biết về người đó lúc còn sống”.
-Thưa đồng chí tư lệnh…
Ông nhấc tay khỏi trán, tiếng ro ro trầm trầm của chiếc máy cao tần vang lên trong hầm ngầm. Người phụ trách điện thoại nhấc ống nghe, đôi mắt mời chào rụt rè nhìn Bét-xô-nốp rồi nói khẽ:
-Thưa đồng chí tư lệnh, ban tham mưu phương diện quân gọi điện cho đồng chí.
-Được, được… Tôi nghe ngay. Được, được…-Ông tì khuỷu tay lên mặt bàn, quờ quạng tìm chiếc gậy dựa ở cạnh bàn, tựa vào gậy đứng lên dưới ánh mắt của tất những người có mặt và giữa sự im lìm lặng lẽ. Khi ông bước tới bên máy, chiếc gậy kêu lọc cọc. Ống nghe ấm áp vì được bàn tay người giữ điện thoại sưởi nóng nhưng trong ống nghe rung lên những âm thanh loạt xoạt khe khẽ của không gian, của sự trống trải vô tận và Bét-xô-nốp lên tiếng với mong ước không cưỡng được muốn phá tan bầu không khí trong hầm ngầm:
-Số Năm ở bên máy.
-Đồng chí số Năm, xin chờ một chút. Tôi báo cáo đồng chí số Một biết ngay.
Ở đằng kia, ở đầu bên kia của không gian bị ngăn cách bởi bóng đêm, người ta nhanh chóng trao ống nghe cho nhau và lập tức vẳng lên một giọng nói khác, tràn đầy sức sống mãnh liệt của một con người kỏe khoắn và đang bận rộn những công việc cấp bách, giọng nói đầy kích động:
-Xin chào Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích! Thế nào, ông đã chuẩn bị dép vỏ cây chưa? Ông để râu à? Đã thắt đai lưng vào áo choàng rồi đấy chứ?
Đó là tư lệnh phương diện quân. Bét-xô-nốp nhận ra ông qua giọng nói U-crai-na mềm mại, lối phát âm du dương của miền Nam. Họ chưa bao giờ xưng hô “ông ông, tôi tôi”, cách xưng hô mới mẻ, thân mật này qua điện thoại làm cho Bét-xô-nốp hơi bối rối, dường như đã tước mất của ông một cái gì đó, tước mất của ông tính tự chủ nào đó dẫu chỉ là trong buổi đầu giao tiếp: còn tư lệnh phương diện quân thì đã nói chuyện với ông một cách thoải mái như nói với một người bạn đồng ngũ đã quen biết từ lâu, bằng một câu hỏi của mình đồng chí ấy có ý nửa đùa nửa thật, ám chỉ việc tập đoàn quân của Bét-xô-nốp chừng như đã bị coi là lâm vào tình thế “bị bao vây”.
Nhưng Bét-xô-nốp lúc đó chẳng còn lòng dạ nào mà đùa bỡn và cũng không dám chuyển sang cách xưng hô “ông ông, tôi tôi”, nên đáp:
-Lưỡi dao cạo thì theo thói quen tôi vẫn mang theo thưa đồng chí số Một. Còn dép bện bằng vỏ cây và áo choàng thì đồng chí chủ nhiệm hậu cần không bảo đảm đầy đủ. Về tình hình của chúng tôi, hai giờ trước đây tôi đã có dịp báo cáo với đồng chí, thưa đồng chí số Một.
-Tôi biết, tôi đã nghiên cứu và tán thành! Tư lệnh cười vang giòn giã, không để ý tới giọng điệu khô khan và trịnh trọng của Bét-xô-nốp.-Tình hình là thế này, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích ạ. Tôi cho rằng bây giờ ông sẽ dễ thở hơn. Ở phía Tây Bắc những người láng giềng của ông đã đưa bốn quân đoàn xe tăng vào trận đột kích, các quân đoàn này đã triển khai thắng lợi với mục đích tiêu diệt lượng dự bị chiến thuật của địch, đánh tạt sườn và tiến vào sau lưng tập đoàn quân “Sông Đông” của chúng… Đấy tình hình diễn biến như vậy. Tôi tán thành các phán đoán của ông. Nếu như người ta định đan dép cỏ thì đã tới lúc rồi đấy. Ông sẽ bắt đầu sau khi có thêm những chi tiết chính xác. Ông sẽ nhận được mệnh lệnh. Còn về phần các ông đã cầm cự vững, tôi thật lòng siết chặt tay ông cùng với Vi-ta-li I-a-ê-vích. À nhân tiện, tôi cho ông biết một tin vui nữa: Chập tối có điện thoại của Tổng Tư lệnh tối cao, đồng chí ấy quan tâm tới tình hình của tập đoàn quân của ông, tỏ ra hài lòng và giục giã…
Ở ban tham mưu phương diện quân vẫn chưa ai biết gì. Ở ban tham mưu phương diện quân, người ta tưởng Ve-xnin vẫn còn sống. Rốt cuộc các phương diện quân Tây nam và Vô-rô-ne-giơ sau một lần thử làm không thành công, đã đột kích trận địa phòng ngự và đưa các quân đoàn xe tăng ra đột phá. Đại bản doanh tỏ ra quan tâm, hài lòng và giục giã. Bét-xô-nốp cho rằng người ta sẽ quan tâm tới tình hình của tập đoàn quân mình…