Chương 2- 2
Tác giả: YURI VASSILIEVITCH Bondarep
Có lẽ anh sẽ chẳng bao giờ cắt nghĩa được rành rọt cho chính mình vì sao hầu như cứ mỗi lần Dôi-a xuất hiện tại tiểu đoàn là tất cả mọi người lại đâm ra có cái vẻ tầm thường, đáng ghét, như cái vẻ của chính anh lúc này, cái vẻ suồng sã kiểu đóng kịch, ngầm ám chỉ rằng việc cô tới đây dường như đã bộc lộ cho mỗi người thấy một điều gì đó, tựa hồ như người ta có thể đọc thấy trên khuôn mặt hơi ngái ngủ, đôi khi trên những quầng mắt thâm, trên đôi môi của cô một cái gì đó hứa hẹn, tội lỗi, bí ẩn đã có thể xảy ra giữa cô với các bác sĩ trẻ ở toa quân y, nơi cô sống phần lớn thời gian của cuộc hành trình. Nhưng Cu-dơ-nét-xốp đã đoán ra rằng, ở mỗi trạm dừng chân cô đều đến tiểu đoàn không phải chỉ để kiểm tra vệ sinh. Anh tưởng như cô tìm cách làm quen với Đrô-dơ-đốp-xki.
-Ở khẩu đội mọi việc đều đâo vào đấy cả Dôi-a,-Cu-dơ-nét-xốp lên tiếng.-Chả cần phải kiểm tra gì đâu. Hơn nữa lại đang ăn sáng.
Dôi-a nhún vai.
-Toa đặc bi-iệt gơ-ớm! Và chằng có một lời phàn nàn nào. Các anh đừng làm bộ ngây thơi, cái đó không hợp với các anh đâu!-Cô nói, dướn mi mắt lên xét nét Cu-dơ-nét-xốp, mỉm cười một cách kỳ lạ.-Cò trung úy Đrô-dơ-đốp-xki đáng yêu của anh thì tôi nghĩ rằng sau các thứ liệu pháp đáng ngờ này, anh ấy đang tỏ ra là mình hiện ở bệnh viện chứ không phải ở tiền tuyến!
-Một là, anh ấy không phải là người đáng yêu của tôi-Cu-dơ-nét-xốp đáp.-Hai là…
-Cám ơn Cu-dơ-nét-xốp về sự trung thực. Còn hai là? Hai anh nghĩ về tôi thế nào?
Trung úy Đrô-dơ-đốp-xki đã mặc quần áo xong xuôi, siết chặt áo choàng bằng chiếc dây lưng có đeo lủng lẳng bao súng ngắn mới, nhẹ nhàng nhảy xuống dưới tuyết, đưa mắt nhìn Cu-dơ-nét-xốp, nhìn Dôi-a rồi thong thả nói tiếp:
-Đồng chí cứu thương, đồng chí muốn nói là tôi giống một tên đào ngũ hả?
Dôi-a ngửa đầu ra, vẻ thách thức:
-Có thể là như thế… Ít ra thì cũng không loại trừ khả năng đó.
-À ra thế!-Đrô-dơ-đốp-xki tuyên bố thẳng thừng.-Cô không phải là cô giáo, còn tôi không phải la anh học trò. Tôi yêu cầu cô đi về toa quân y. Rõ chưa?… Trung úy Cu-dơ-nét-xốp ở lại thay tôi. Tôi lên chỗ sư đoàn trưởng.
Mặt hầm hầm, Đrô-dơ-đốp-xki đưa tay lên mang tai. Nịt chặt người bằng chiếc dây lưng và chiếc đai chéo mới, và bằng dáng đi mềm mại, uyển chuyển của một chiến binh cừ khôi, anh sải bước giữa các chiến sĩ đang náo nhiệt tụ tập dọc đường ray. Họ giãn ra cho anh đi, chỉ cần thấy mặt anh là họ im lặng, còn anh vừa bước đi vừa như thể dùng cái nhìn để giãn mọi người ra đồng thời khẽ khoát tay một cách tuềnh toàng để đáp lại những lời chào. Mặt trời nằm giữa những quầng sáng lạnh giá lơ lửng trên thảo nguyên trắng toát chói chang. Vẫn như trước đây đám đông dày đặc tụ tập xung quanh giếng rồi lại tản ra ngay; người ta đến đó lấy nước và rửa ráy, bỏ mũ ra, vừa kêu ồ, à, phì phì, vừa rúm người lại; sau đó người ta chạy tới những cái bếp đặt ở giữa đoàn tàu đang nhả khói vẫy gọi, vô luận thế nào họ cũng đi vòng để tránh nhóm các sĩ quan chỉ huy của sư đoàn đang ngồi gần một toa hành khách bị phủ sương muối.
Đrô-dơ-đốp-xki đi tới chỗ nhóm sĩ quan đó.
Cu-dơ-nét-xốp thấy Dôi-a với vẻ mặt bất lực thế nào ấy dõi theo anh ta bằng cặp mắt mở to, hơi hiếng của mình. Anh hỏi:
-Có lẽ chị sẽ ăn sáng với chúng tôi chứ?
-Gì cơ?-Cô lơ đãng hỏi.
-Đồng chí trung úy ơi! Đông cứng hết cả rồi! Chúng tôi đang đợi đồng chí.-Nết-trai-ép từ cửa to xe hét to.-Có món cháo đậu nghiền.-anh vừa nói thêm vừa dùng cùi dìa múc cháo trong cặp lồng và liếm ria mép.-Tuyệt lắm nếu như không phát nghẹn lên!
Đằng sau lưng anh, các chiến sĩ ồn ào, chia khẩu phần trên chiếc áo choàng trải rộng, một só to vẻ hả hê chế giễu, số khác cau có ngồi tản ra trên các phản, ngoáy thìa vào cặp lồng, bập răng vào những mảnh bánh mì đen lạnh cứng. Và bây giờ chả còn ai chú ý tới Dôi-a nữa cả.
-Tri-bi-xốp!-Cu-dơ-nét-xốp gọi.-Này đưa cặp lồng của tôi cho cô cứu thương!
-Cô em!… sao lại thế hả cô?-Tri-bi-xốp hưởng ứng bằng một giọng nói du dương.-Ở chỗ bọn tôi có thể nói là vui đấy chứ?
-Vâng… vui,-cô lơ đãng nói.-Có lẽ… Hẳn rồi, trung úy Cu-dơ-nét-xốp ạ. Tôi chưa ăn sáng. Chỉ có điều… tại sao lại lấy cặp lồng của anh? Thế còn anh?
-Tôi ăn sau. Tôi sẽ không đói đâu.-Cu-dơ-nét-xốp đáp. Vừa nhai ngấu nghiến, Tri-bi-xốp vừa bước lại phía cửa toa như cố ý một cách quá quắt phô trương bộ mặt râu ria lởm chởm của mình nhô ra khỏi cái cổ áo dựng lên; khổ người gày gò, bé nhỏ của bác bơi trong chiếc áo choàng ngắn cũn cỡn rộng thùng thình lạ lùng, bác gật đầu ra hiệu cho Dôi-a như trong trò chơi của trẻ em với một vẻ cảm thông nhã nhặn.
-Leo lên đây cô em! Có sao đâu!...
-Tôi sẽ ăn một chút ở cặp lồng của anh,-Dôi-a nói với Cu-dơ-nét-xốp.-Chỉ có điều là ăn cùng với anh. Nếu không tôi sẽ…
Các chiến sĩ húp cháo soàm soạp, tóp tép, và sau mấy thìa cháo nóng đầu tiên, sau máy ngụm nước nóng pha đường họ lại bắt đầu chằm chằm nhìn Dôi-a một cách tò mò. Mở cổ chiếc áo choàng ngắn mới, để lộ cái cổ trắng, cô thận trọng múc thức ăn trong chiếc cặp lồng của Cu-dơ-nét-xốp đặt trên đầu gối, mắt nhìn xuống trước bao con mắt đổ dồn về phía cô.
Cu-dơ-nét-xốp ăn cùng với cô, cố không nhìn xem cô cầm thìa đưa lên môi một cách gọn ghẽ như thế nào, cổ họng cô chuyển động khi nuốt ra sao; hàng lông mi cụp xuống bị ẩm vì sương giá tan, dính lại, đen nhánh, che giấu ánh mắt bộc lộ sự xúc động của cô. Ngồi bên lò sưởi cháy rực cô cảm thấy nóng. Cô bỏ mũ lông, mái tóc màu hạt dẻ xõa trên chiếc cổ áo bằng lông màu trắng và không có mũ, cô bỗng trở nên yếu đuối đáng thương ngay với gò má cao cao, miệng rộng, khuôn mặt chăm chú như trẻ con, thậm chí bẽn lẽn, nổi bật một cách kỳ quặc giữa anh em pháo thủ vã mồ hôi và mặt đỏ bừng vì mới ăn xong; lần đầu tiên Cu-dơ-nét-xốp nhận thấy cô không đẹp. Trước đây chưa bao giờ anh nhìn thấy cô không đội mũ.
-Hoa hồng nở trong công viên Trai-ia, mùa xuân đến trong công viên Trai-ia…
Hạ sĩ Nết-trai-ép choãi chân đứng ở lối đi, cuộn một điếu thuốc sau khi uống nước, khe khẽ vừa hát vừa nhếch mép cười trìu mến nhìn Dôi-a, còn Tri-bi-xốp đặc biệt ân cần rót một ca nước chè đầy đưa cho cô. Cô đỡ ca nước nóng bằng đầu ngón tay, bối rối nói:
-Cám ơn bác Tri-bi-xốp.-Cô ngước cặp mắt ươn ướt lóng lánh nhìn Nết-trai-ép.-Hạ sĩ này, anh hãy nói cho biết những hoa hồng với công viên ấy là thế nào? Tôi không hiểu tại sao anh cứ luôn hát như thế?
Các chiến sĩ xôn xao, cổ vũ, khuyến khích Nết-trai-ép:
-Nào trả lời đi, hạ sĩ, thành chuyện rồi đấy. Những bài hát ấy từ đâu ra?
-Vla-đi-vốt-xtốc,-Nết-trai-ép mơ mộng đáp.-Tờ giấy phép để lên bờ, nơi khiêu vũ-và “Trong công viên Trai-ia…”. Tôi đã phục vụ ba năm, lúc nào cũng được nghe bài tăng gô đó. Đáng mê lắm Dôi-a, các cô gái ở Vla-đi-vốt-xtốc ấy mà-đều như những nữ hoàng, những vũ nữ ba lê cả! Tôi sẽ nhớ suốt đời.
Anh sửa lại chiếc khóa thắt lưng hải quân, đưa cánh tay làm động tác như thể ôm người bạn nhảy, bước đi một bước, uốn éo hông và hát:
-Mùa xuân đến trong công viên Trai-ia… Mơ thấy những bím tóc vàng của em…. tra-pa-pa-pia-pa-pi…
Dôi-a cười to gượng gạo.
-Những bím tóc vàng… Những bông hồng. Những từ khá là tầm thường, hạ sĩ ạ… Các nữ hoàng và các vũ nữ ba lê. Thế chả lẽ có lúc anh trông thấy các nữ hoàng à?
-Qua khuôn mặt của cô, thật đất. Cô có khuôn mặt của một nữ hoàng,-Nết-trai-ép mạnh dạn nói và nháy mắt với các chiến sĩ.
“Hắn chế giễu cô ấy để làm gì thế nhỉ?-Cu-dơ-nét-xốp nghĩ.-Sao trước đây mình không nhận thấy cô ấy không đẹp nhỉ?”
-Nếu như không có chiến tranh-Ồ. Dôi-a, cô đánh giá thấp tôi đấy,-chắc tôi sẽ bắt cóc cô trong đêm tối, lấy tắc xi chở cô đến một nơi nào đó, chắc tôi đã ngồi trong một khách sạn ngoại ô, dưới chân cô cùng với một chai rượu sâm banh, như ngồi trước mặt nữ hoàng… Và lúc đó-muốn ra sao thì ra! Cô đồng ý chứ hả?
-Đi bằng tắc xi à? Lãng mạn thật,-chờ cho mọi người ngớt tiếng cười, Dôi-a nói.-Tôi chưa trải qua bao giờ.
-Với tôi chắc cô sẽ được nếm mùi tất cả…
Hạ sĩ Nết-trai-ép nói điều đó như thể nửa đùa cợt, cặp mắu màu nâu ve vuốt Dôi-a nhưng Cu-dơ-nét-xốp đã cảm thấy sự châm chọc lộ liễu trong những lời nói đó, anh nghiêm khắc cắt ngang ngay:
-Chuyện tào lao đủ rồi đấy Nết-trai-ép! Anh nói huyên thuyên quá! Khách sạn ở đây là cái quái gì! Nó có liên quan gì?… Uống nước đi Dôi-a.
-Anh buồn cười thật,-Dôi-a nói và tựa như nỗi đau thể hiện trong nếp nhăn mờ trên vầng trán trắng của cô.
Đầu ngón tay cô vẫn cầm ca nước nóng để trước môi nhưng cô không uống từng ngụm nhỏ như trước đây; và nếp nhăn sầu muộn đó, tưởng như xuất hiện trên làn da trắng, không mất đi, không phẳng ra trên vầng trán của cô. Dôi-a đặt ca nước lên lò sưởi và hỏi Cu-dơ-nét-xốp với một vẻ táo tợn cố ý:
-Anh nhìn gì dữ vậy? Anh tìm gì trên khuôn mặt của tôi? Muội khói lò sưởi chăng? Hay là cũng như Nết-trai-ép, anh nhớ tới những nữ hoàng bỉ ổi nào đó?
-Về các nữ hoàng tôi chỉ đọc thấy trong các chuyện cổ tích dành cho trẻ em,-Cu-dơ-nét-xốp đáp và chau mày để che giấu sự lúng túng vì câu hỏi bất ngờ.-Tôi không trông thấy họ ở trong đời.
-Tất cả các anh đều buồn cười thật,-cô nhắc lại.
-Thế cô bao nhiêu tuổi hả Dôi-a, mười tám hả?-Nết-trai-ép quan tâm thử đoán.-Nghĩa là, như người ta nói trong hải quân, cô đã ra khỏi triền đà vào tuổi hăm tư? Tôi hơn cô bốn tuổi Dô-e-sca ạ. Khác nhau cơ bản đấy.
-Không, anh không đoán được đâu,-cô mỉm cười nói.-Tôi ba mươi tuổi, đồng chí triền đà ạ. Ba mươi tuổi cộng thêm ba tháng.
Khuôn mặt rám nắng của hạ sĩ Nết-trai-ép tỏ vẻ ngạc nhiên cao độ, anh thốt lên bằng cái giọng có ý đùa cợt:
-Thế chả lẽ cô muốn mình ba mươi thật ư? Thế mẹ cô bao nhiêu tuổi nào? Bà cụ giống cô chứ? Xin cô cho tôi được biết địa chỉ của bà.-Anh ta mỉm cười, nhếch hàng ria mép thưa trên hàm răng trắng lóa.-Tôi sẽ từ mặt trận viết thư cho bà cụ. Chúng tôi sẽ trao đổi ảnh.
Dôi-a lướt nhanh mắt nhìn vóc dáng đanh chắc của Nết-trai-ép và nói bằng giọng run run:
-Những nơi khiêu vũ đã nhồi nhét cho anh biết bao điều tầm thường! Địa chỉ ư? Thì đay: thành phố Pê-rê-mư-xlơ, nghĩa trang số 2 của thành phố. Anh ghi lại hay nhớ lấy? Sau năm bốn mươi mốt tôi không còn bố mẹ,-cô nói nốt một cách tàn tệ.-Nhưng anh biết không, Nết-trai-ép, tô có chồng… Sao các ngài lại nhìn tôi như thế? Thật đấy anh em ạ, quả thật là như thế? Tôi có chồng…