Chương 19 -3
Tác giả: YURI VASSILIEVITCH Bondarep
-Dôi-a, Đa-vla-chi-an thế nào? Có thể nói chuyện được với cậu ấy không?
-Lúc này thì không. Tôi đã định nói với anh… Lúc tỉnh, anh ấy cứ luôn luôn hỏi anh còn sống không, trung úy ạ. Các anh cùng học ở một trườn ra à?
-Cùng ở một trường ra… Nhưng liệu có hy vọng không? Cậu ấy có qua khỏi được không? Cậu ấy bị thương vào đâu?
-Anh ấy bị nặng hơn tất cả mọi người. Bị thương vào đầu và vào hông. Nếu không lập tức đưa anh ấy tới viện quân y thì anh ấy sẽ rất gay go. Và với những người khác cũng vậy. Tôi chẳng giúp họ được gì. Quả là bất lực! Tôi đánh lừa họ là sắp có xe tải tới. Nhưng theo tôi, chúng ta đã hoàn toàn bị cắt đứt với hậu phương. Chở họ đi đâu? Ai biết viện quân y ở đâu được?
-Này, có liên lạc được với ai ở đài quan sát không?
-Không có liên lạc. Họ vẫn đương chữa máy vô tuyến điện. Tôi biết thế. Các chiến sĩ thông tin ở đằng ấy, chỗ Đrô-dơ-đốp-xki. Sau lúc tôi chạy lại chỗ khẩu pháo của Tru-ba-ri-cốp anh ở đâu trung úy? Anh đã trông thấy chiếc xe tăng nghiền nát khẩu pháo của ta chứ?
-Tôi không biết rằng cô…
-Hãy quên điều đó đi, trung úy ạ. Tôi chẳng nhớ gì cả. Thật khủng khiếp, thậm chí đầu gối tôi run lên. Chà, hình như tôi đã hỏi về khẩu “Van te” của tôi. Điều đó cố nhiên thật nực cười. Tôi muốn sống đến trăm tuổi, đẻ hàng chục đứa con để trêu ngươi mình và mọi người. Anh thử hình dung xem, mười cái miệng mê hôn ngồi quanh bàn, tóc tất cả đều trắng ra và mồm chúng bê bết cháo. Giống như hình vẽ trên hộp đựng bột ngô ấy, anh biết không?
-Tôi không biết… Dôi-a, hình như cô đã bị cóng? Ta đi đi, đừng đứng lại nữa.
-Trung úy ạ, lúc ấy ta phải bỏ thương binh lại gần thành phố Khác-cốp đấy. Tôi còn nhớ họ la hét như thế nào…
-Đây không phải là Khác-cốp, Dôi-a ạ. Chúng ta sẽ không thoát đi đâu được. Ta chỉ còn có bảy trái đạn nữa. Sẽ chẳng ai bỏ ai cả. Thậm chí cũng chẳng phải nghĩ tới chuyện đó.
Họ dừng lại trên con đường mòn, hẹp do nhiều vết ủng giẫm dọc mép bờ sông, cách căn hầm đất khoảng hai chục bước chân. Mặt băng trên sông toát ra cái buốt lạnh như kim châm, từ những hố băng đen ngòm to tướng-hậu quả của trận ném bom ban sáng-hơi nước bốc lên dày đặc. Quầng sáng ở bờ sông bên kia đã nhạt đi, thấp xuống; vào giờ này, lúc đêm khuya, dường như quầng sáng đó đã bị băng giá cứng như thép bóp nghẹn. Mặt sông ban đêm im lặng như tờ và cả hai người đều nói và thở một cách chật vật trong cái giá lạnh dữ dội đó. Bản thân Cu-dơ-nét-xốp cũng chẳng hiểu vì sao anh lại trấn an tinh thần Dôi-a trong cái tình thế bấp bênh mơ hồ mà chính anh cũng không hiểu rõ, khi không biết điều gì sẽ xảy ra sau một, hai giờ đồng hồ nữa trong đêm nay, người nào trong bọn họ sẽ sống được tới sáng, nhưng anh không dối mình cũng như dối cô khi anh tin chắc rằng: không thể rút lui, thoát khỏi đây đi đâu được cả vì trước mặt và sau lưng đều là xe tăng địch, còn tít về phía xa, sau lưng họ cũng là bọn Đức đã bị siết chặt trong vòng vây, nơi mà cuộc tiến công hôm này của địch-tưởng như kéo dài hàng năm-nhằm hướng tới.
-Tình hình ở phía đó, ở Xta-lin-grát ra sao? Tại sao bọn Đức lại ngưng chiến ban đêm? Chúng đã đột kích được tới đâu?...
-Lạnh buốt khủng khiếp!-Anh thốt lên.-Hình như cô đã bị cóng rồi?
-Không, đó là do thần kinh thôi. Tôi biết chắc rằng bây giờ tôi sẽ không rời bỏ để đi đâu cả. Anh bảo: không đi đâu được à?...
Cố giữ cho răng khỏi run cầm cập, cô bẻ cổ áo choàng lên, nhìn quan đầu Cu-dơ-nét-xốp về phía quầng sáng, phía bờ bên kia đã bị quân Đức chiếm, khuôn mặt trắng bệch của cô bị cổ áo bằng lông cừu thu hẹp lại, hàng lông mày lá liễu, đôi mắt sẫm lại một cách kỳ lạ và tách rời tất cả biểu lộ sự mệt mỏi và nỗi đau khổi sâu lắng.
-Tôi không muốn bỏ thương binh lại lần thứ hai nữa. Tôi không muốn… không có gì khủng khiếp hơn việc đó.
Cu-dơ-nét-xốp cảm thấy toàn thân ớn lạnh, anh bỗng tưởng tượng ra cảnh bọn Đức sau khi đã bao vây đơn vị, chúng vừa chạy vừa thét truyền mệnh lệnh cho nhau, cắp tiểu liên vào hầm đất để thương binh, còn cô, không kịp rút khẩu “Van te” ra, cô lùi vào góc, ép lưng vào vách hầm, dang tay ra như bị đóng đânh câu rút.
Anh hạ thấp giọng hỏi;
-Này, cô có biết sử dụng vũ khí không, có biết bắn súng ngắn, súng tiểu liên không?
Cô nhìn anh và cười vang khó hiểu, ấp làn môi trong cổ áo lông, chỉ thấy đôi lông mày giật giật.
-Rất tối!... À này anh, tại sao lúc ở gần khẩu pháo, khi tôi tỏ ra nhát gan, anh đã ôm tôi chặt lạ lùng, để bảo vệ tôi phải không? Cám ơn anh, trung úy? Tôi đã quá nhát gan.
-Tôi không để ý.
-Khoan đã!...-Cô rời môi khỏi cổ áo, lông mày cô không còn giật giật vì tiếng cười bất ngờ nữa.-Thế chuyện gì đã xảy ra lúc tôi rời chỗ đó đi tới khẩu pháo của Tru-ba-ri-cốp?
-Xec-gu-nen-cốp đã hy sinh ở đó.
-Xec-gu-nen-cốp à? Anh chàng coi ngựa bé bỏng nhút nhát ấy à? Con ngựa của anh ta bị gãy chân chứ gì? Khoan đã, để tôi nhớ lại. Khi họ tới đây Ru-bin đã nói với tôi một câu khủng khiếp: “Ngay cả thế giới bên kia, Xec-gu-nen-cốp cũng sẽ không tha thứ cho kẻ nào gây nên cái chết của mình”. Thế là thế nào?
-Không tha thứ cho kẻ nào à?-Cu-dơ-nét-xốp hỏi lại và quay người đi, cảm thấy có mảnh sương giá trên cổ áo cọ cọ vào má anh như một hòn đá mài ẩm ướt.-Chỉ có điều là anh ta nói với cô như thế để làm gì?
“Phải, cả mình cũng có lỗi và mình sẽ không tha thứ cho mình về việc đó,-Cu-dơ-nét-xốp nghĩ.-Giá lúc ấy mình có đủ nghị lực để phản đối… Nhưng mình sẽ nói gì với cô ấy về cái chết của Xec-gu-nen-cốp? Vì đã nói đến chuyện đó thì phải nói lên tất cả sự thật. Nhưng tại sao mình lại nhớ đến chuyện đó khi hai phần ba số anh em trong đơn vị đã hy sinh? Không, chẳng hiểu sao mình không thể nào quên được!...”.
-Tôi không muốn nói về cái chết của Xec-gu-nen-cốp,-Cu-dơ-nét-xốp quả quyết đáp-Lúc này nói chuyện đó chẳng có ý nghĩa gì.
-Trời ơi,-cô thì thào,-tôi thương các anh quá chừng, những chú bé đáng thương…
Còn anh, khi nghe giọng nói đau khổ và xót thương đối với tất cả mọi người, nghĩa là đối với cả anh, anh nghĩ: “Chả lẽ cô ấy lại yêu Đrô-dơ-đốp-xki! Chả lẽ anh ta đã chạm được vào đôi môi cô chẳng hiểu sao nứt nẻ, mọng lên? Và chẳng lẽ cô đã không nhận ra được rằng Đrô-dơ-đốp-xki có đôi mắt lạnh lùng, tàn nhẫn khiến ta nhìn vào thấy khó chịu hay sao?”.
-Sao anh cứ nhìn tôi chằm chằm như thế, trung úy thân yếu?-Anh nghe thấy tiếng cô thì thào, giọng mượt mà.-Cứ làm như là anh mới trông thấy tôi lần đầu ấy… Anh đáp giọng khàn khàn:
-Tôi sẽ ghé thăm Đa-vla-chi-an sau. Đừng gọi tôi là trung úy thân yêu. Cô thương cả tôi nữa à? Tôi chưa chết và còn chưa bị thương. Hơn nữa tôi không muốn chết một cách vô nghĩa và ngu xuẩn.
-Thế ra có thể có cái chết thông minh ư, trung úy? Tôi muốn anh còn sống, anh thân mến ạ. Muốn anh sống lâu. Đến một trăm năm mươi tuổi. Lời tôi nói thiêng lắm. Anh sẽ sống đến một trăm năm mươi tuổi. Và anh sẽ có vợ với năm đứa con. Thôi tạm biệt. Tôi đến chỗ anh em thương binh đây… Mà này, sao anh cứ nhìn tôi chằm chằm như thế, trung úy? Chắc anh hơi thích tôi phải không? Đúng không nào? Thế mà toi không biết!-Cô nhích lại bên anh, đưa một tay lên bẻ cổ áo lông khỏi môi, nhìn anh với vẻ tò mò háo hức.-Ôi, tất cả những chuyện đó mới ngốc nghếch và lạ lùng làm sao, Cu-dơ-nét-sích?
-Tại sao lại “Cu-dơ-nét-sích” (Cu-dơ-nét-sích có nghĩa là con dế, đọc gần giống với họ của Cu-dơ-nét-xốp).
-Cu-dơ-nét-xốp, Cu-dơ-nét-sích… Thế chả lẽ anh không thích con dế à? Khi nghe tiếng chúng kêu, tôi cảm thấy rất dễ chịu. Chả hiểu sao tôi cứ tưởng tượng ra một đêm ấm áp, đụn cỏ khô trên cánh đồng và vầng trăng đẹp ở trên hồ. Và khắp nơi là tiếng dế…
Gió lạnh ở mặt sông đóng băng thốc lên lay động tà áo choàng của Dôi-a. Đôi mắt cô mỉm cười, long lanh, thẫm đen trên lần cổ áo lông mà bàn tay đeo găng trắng của cô đã kéo xuống; sương giá làm trắng cặp lông mày và khiến hàng mi trĩu nặng. Cu-dơ-nét-xốp lại tưởng như hàm răng cô vẫn khẽ run cầm cập và đôi vai cô hơi co giật như thể toàn thân đã bị cóng. Anh có cảm tưởng rất rõ hàm răng run cầm cập đó không phải của cô và lúc này, một người nào khác nói bằng giọng khác chứ không cô, rằng chẳng có bờ sông, quầng sáng trên trời cũng như xe tăng Đức và anh đang đứng với ai đó gần cổng ra vào trong một đêm tháng Chạp sau khi đi trượt tuyết về; gió thổi tuyết mịt mù như khói từ trên mái nhà xuống và những ngọn đèn lồng sáng lên giữa sương mù dăng khắp trên những hàng rào tuyết phủ trong một ngõ hẹp… Cảnh đó đã xảy ra bao giờ nhỉ?
-Anh có muốn hôn tôi không?... Tôi thấy hình như anh muốn… Anh không có chị em gái à? Hai ta rồi cũng có thể bị giết, Cu-dơ-nét-xốp ạ…
-Làm thế để làm gì? Có coi tôi là thế nào-một chú bé à? Đó là lối õng ẹo làm duyên chăng? Hay là cái gì khác?
-Lời õng ẹo làm duyên nào cơ? Hoàn toàn không phải thế.-Cô bẻ cổ áo lên bịt tiếng cười, cổ áo che khuất nửa mặt, mắt mở to.-Thoạt đầu người ta thường làm duyên bằng đôi mắt. Người ta đưa mắt nhìn vào một góc, nhìn vào mũi mình rồi nhìn đối tượng. Nếu như có đối tượng thì đó là anh… Nhưng tôi không làm như vậy, anh thấy không? Không, anh đã che chở cho tôi như một người em gái ở cạnh khẩu pháo, trung úy ạ. Thậm chí tôi đã cảm thấy như vậy. Chả lẽ anh không có em gái à?
“Ở gần khẩu pháo… xe tăng địch tiến. Chúng mình đã bắn. Ca-xư-mốp bị giết. Cô ấy ở bên cạnh, sau đó cô ấy chạy về chỗ khẩu pháo của Tru-ba-ri-cốp lúc xe tăng địch thọc vào. Rồi một tràng súng máy hất tung Xec-gu-nen-cốp lên mấy lần phía trước khẩu pháo tự hành… Khói bốc trên lưng áo choàng. Và khuôn mặt méo xệch, choáng váng của Đrô-dơ-đốp-xki: “Chả lẽ tôi muốn cậu ấy chết à?...”.
-Cô nhầm rồi!
“Đrô-dơ-đốp-xki! Tôi không thể tưởng tượng nổi cô đứng bên cạnh Đrô-dơ-đốp-xki!”-Anh suýt buột miệng nói ra nhưng một dải ánh sáng đỏ lừ đột ngột rọi vào khuôn mặt cô đang hướng về phía anh có ý cảnh giác thăm dò, soi sáng rực đôi mắt mở to, làn môi, sương giá trên cặp lông mày thanh tú, khiến anh chưa hiểu ngay được chuyện gì đã xảy ra.
-Trung úy!...-Cô thì thào.-Bọn Đức à?
-Trung úy!...-Cô thì thào.-Bọn Đức à?
Đúng vào lúc ấy, ở đâu đó phía trên bờ sông cao, những loạt đạn súng máy nổ tung tóe, đạn pháo sáng lại vọt lên, anh lập tức muốn thét lên bảo cô rằng trận đánh lại bắt đầu, bọn Đức đã khởi sự và chắc chắn đây sẽ là trận cuối cùng kết thúc tất cả nhưng bằng giọng như lệnh vỡ, anh đã hét lên không phải điều anh nghĩ;
-Cô chạy vào hầm trú ẩn đi!... Chạy ngay đi! Cô hãy nhớ rằng tôi không có em gái! Tôi không có em gái! Và đừng có nói chuyện ngớ ngẩn! Tôi chẳng bao giờ có em gái cả!...
Và chẳng hiểu sao mình lại nói dối để báo thù cô, anh căm ghét mình vì việc đó và hầu như gạt cô ra, anh đi trên lối mòn, còn cô lảo đảo, cất bước về phía sau, thốt lên khe khẽ, vẻ mặt thay đổi, thảm hại:
-Anh hiểu sai tôi rồi, trung úy! Hiểu sai rồi, Cu-dơ-nét-sích…
Anh đã chạy trên mép bờ sông tới hầm của anh em pháo thủ, nghe thấy tiếng tiểu liên rền rĩ kéo dài ở phía trên. Phía tay trái anh, dưới ánh sáng đạn tên lửa chập chờn mặt băng trên sông khi thì sáp lại gần chân khi thì bật nhanh ra xa, chìm vào đêm tối. Tiếp đó ở phía trên nơi đặt khẩu pháo có tiếng súng các bin nổ, rồi một tiếng súng khác; từ phía trên có tiếng ai la gọi, giọng chin chít như thỏ. Đó là súng bắn báo hiệu của Tri-bi-xốp.
“Thế nghĩa là cuộc tiến công… nghĩa là ngay bây giờ!... Bọn mình chỉ còn có bảy quả đạn, chỉ còn có bảy…”.
Cu-dơ-nét-xốp chạy lại căn hầm đất, gạt phắt tấm vải bạt che cửa, anh nhìn thấy ngọn đèn tim tím, mẩu bánh mì đã cắt để trên vải bạt, U-kha-nốp, Ru-bin, Nết-trai-ép như đã hiểu ra chuyện gì đó, cùng ngước mắt lên nhìn anh và anh hô to:
-Tới bên pháo!...