Chương Ba
Tác giả: Alberto Moravia
Tôi cho rằng mình đã vĩnh viễn mất Giacomo và thề rằng không bao giờ tôi nghĩ tới anh ta nữa. Tôi nhận thấy tôi yêu anh, và nhận thấy nếu anh quay lại, tôi sẽ là người hạnh phúc và sẽ yêu anh mãnh liệt hơn. Nhưng tôi biết rõ tôi sẽ không bao giờ cho phép anh được quyền làm bẽ mình. Nếu anh quay lại, tôi sẽ lấy cuộc đời tôi rào chắn vây anh, như bức tường thành kiên cố và vững chắc bảo vệ tôi cho tới khi chưa vượt qua phạm vi của nó. Tôi sẽ bảo anh: “Em sẽ mãi mãi là cô gái làm tiền, nếu anh thấy thích em, em có sao xin anh cứ đón nhận em như vâyh”. Chỗ mạnh của tôi không phải ở chỗ tôi mạo hiểm nhận mình là người khác, mà là ở chỗ tôi thành thật thú nhận bản thân mình đúng như trong thực tế. Chỗ mạnh của tôi là sự nghèo túng của hai mẹ con tôi, cái nghề của tôi, mẹ, ngôi nhà của chúng tôi, áo xống giản dị của tôi, nguồn gốc xuất thân bình dị của tôi, những nỗi bất hạnh và trước hết là cái tình cảm buộc tôi phải cam chịu tất cả những điều đó và cái tình cảm ẩn sâu trong tâm hồn tôi, như một kho báu vùi chặt trong lòng đất. Nhưng tôi tin chắc rằng mình chẳng bao giờ gặp lại Giacomo, vì vậy đã yêu anh theo một cách khác: bình tĩnh, buồn buồn và dịu dàng kiển người ta yêu người đã khuất và người đó sẽ không bao giờ trở về nữa.
Thời gian này tôi đoạn tuyệt hẳn với Gino. Như tôi đã nói, tôi không phải là người tán thành những cuộc chia tay đột ngột và tôi thích sao cho tất cả đều sống một cuộc sống tự nhiên và chết một cách tự nhiên. Mối quan hệ giữa tôi và Gino là thí dụ tiêu biểu về nguyên tắc này. Mối quan hệ giữa chúng tôi đã chấm dứt, vì nó đã chết - cả tôi và Gino đều không có lỗi trong chuyện đó - tự nó đã chấm dứt mà không để lại nỗi tiếc thương và sự dằn vặt trong lòng tôi.
Cho tới lúc này, tôi vẫn ít gặp Gino, độ hai ba lần một tháng, tuy chẳng còn kính trọng, nhưng tôi vẫn thích anh ta. Một bận, qua điện thoại, anh ta hẹn gặp tôi ở cửa hàng sữa, tôi đồng ý.
Cửa hàng sữa nằm ở khu chúng tôi. Gino đợi tôi trong căn phòng không có cửa sổ, tường lát gạch tráng men. Khi mới vào cửa hàng, tôi nhận thấy anh ta không chỉ đi một mình. Ngoài anh ta ra tôi còn thấy một người ngồi quay lưng về phía tôi. Người này mặc chiếc áo khoác ngoài màu xanh lá cây, tóc màu bạch kim, húi cua. Tôi tiến lại gần, Gino đứng dậy nhưng người đi cùng anh ta vẫn ngồi im. Gino nói:
- Giới thiệu với em, đây là Sonzogno, bạn anh.
Lúc đó Sonzogno mới đứng dậy, tôi đưa mắt nhìn, rồi chìa tay cho anh ta. Anh ta bóp mạnh tay tôi như càng cua cắp, làm tôi bất giác thốt kêu lên vì đau. Anh ta vội rọt tay lại, tôi ngồi xuống và mỉm cười:
Anh bóp tay tôi đau quá... bao giờ anh cũng làm vậy à?
Anh ta chẳng nói gì, thậm chí cũng không đáp lại nụ cười của tôi. Mặt anh ta trắng bệch như tờ giấy, trán rộng và dô, mắt nhỏ màu xanh nhạt, mũi hếch, môi mỏng. Tóc màu bạch kim cứng đơ và nhợt nhạt, cắt ngắn, hai bên thái dương hõm vào. Các đường nét trên mặt anh ta đều có vẻ to thô, cằm bạnh và nặng nề. Hình như lúc nào anh ta cũng nghiến răng, tựa hồ như nhai cái gì đó, trên má anh ta nổi lên những cục nhỏ cứ đay đi đay lại. Theo tôi nhận xét, Gino nhìn anh ta có vẻ cung kính, thậm chí khâm phục, Gino cười hô hố:
- Chưa thấm vào đâu... nếu em biết anh ấy khỏe như thế nào... anh ấy có quả đấm bị cấm đấy.
Tôi có cảm giác Sonzogno đưa mắt nhìn Gino vẻ ác cảm, rồi anh ta nói, giọng khàn khàn:
- Không phải thế đâu... tôi không có quả đấm bị cấm, nhưng tôi có thể có đấy...
- Nhưng “quả đấm bị cấm” là gì? – Tôi hỏi.
Sonzogno đáp, giọng nhát gừng:
- Khi một người bị đấm một quả có thể chết người... lúc đó người ta cấm anh ta không được sử dụng quả đấm... chuyện đó giống như chuyện súng ống ấy mà...
- Em xem này, anh ấy khỏe thật đấy – Gino nói, rõ ràng là định phỉnh nịnh Sonzogno - Để cô ấy nắn thử bàn tay cậu xem.
Tôi lưỡng lự, nhưng Gino cứ nài nỉ, còn bạn anh ta hình như xem tôi xử sự như thế nào. Tôi rụt rè giơ tay ra định nắm bàn tay Sonzogno. Anh ta gập tay lại và lên gân, trông anh ta có vẻ trang nghiêm và thậm chí buồn bã. Thật bất ngờ, nhìn vẻ ngoài anh ta gầy gò ốm yếu, nhưng tôi bỗng cảm thấy mình đang sờ phải một búi dây cáp bằng thép. Tôi bèn rụt tay lại và thốt kêu lên, giọng không ra ngạc nhiên, cũng chẳng ra vẻ gớm ghiếc. Sonzogno hả hê nhìn tôi, miệng khẽ nhếch cười. Gino giải thích:
- Anh ấy là chỗ bạn bè cũ của anh... đúng không, Primo, mình và cậu quen biết nhau từ đời nảo đời nào rồi? Bọn mình cứ như một anh em ấy – Gino vỗ vai Sonzogno và nói tiếp: - Ông bạn già Primo.
Nhưng Sonzogno liền so vai, như muốn hất tay Gino ra, rồi đáp:
- Chẳng bạn bè, chẳng anh em gì với anh hết... chẳng qua chúng ta làm việc cùng với nhau ở một nhà xe, có vậy thôi.
Gino chẳng hề bối rối:
- Đúng, mình biết cậu chẳng muốn kết bạn với ai... bao giờ cũng thui thủi một mình... cậu chẳng cần cả đàn ông lẫn phụ nữ.
Sonzogno đưa cặp mắt nghiêm nghị và sắc như dao nhìn Gino chằm chằm. Gino bất giác ngoảnh đi chỗ khác.
- Ai bảo với anh cái chuyện vớ vẩn ấy? – Sonzogno hỏi – Thích ai, tôi kết bạn với người ấy, kể cả đàn ông lẫn đàn bà.
- Ấy là mình nói vậy thôi – Xem ra Gino đã mất tất cả lòng tự tin của mình - Chẳng qua mình chưa hề gặp cậu đi với ai cả.
- Nói chung, anh chẳng hiểu gì về tôi hết.
- Đúng, thế mà ngày nào chúng mình cũng thấy mặt nhau từ sáng đến tối.
- Ngày nào cũng thấy mặt nhau... thì sao?
- Lúc nào mình cũng thấy cậu đi một mình, nên mình nghĩ cậu chẳng kết bạn với ai – Gino bối rối cãi – khi một người đàn ông có phụ nữ hay bạn thi ai chẳng rõ.
- Thôi, giở cái trò ngốc nghếch thế là đủ rồi đấy – Sonzogno cắt ngang.
- Bây giờ cậu bảo mình là đồ ngốc – Gino đỏ mặt, làm ra vẻ tức giận, giọng buồn bực, nhưng rõ ràng là anh ta nhát gan.
Sonzogno nhắc lại:
- Phải, đừng có giở cái trò ngốc nghếch ấy ra nữa, không tao đấm vỡ mồm ra đấy.
Tôi nhận thấy ngay rằng đây không phải là một lời đe dọa đơn thuần, anh ta lăm le thực hiện nó. Tôi giơ tay khẽ đụng vào vai Sonzogno và bảo:
- Nếu các anh định đánh nhau, tôi tha thiết mong các anh nên tránh mặt tôi... tôi không thể chịu đựng nổi một vụ ẩu đả.
- Mình giới thiệu với cậu một signorina quen biết của mình – Gino nói, giọng buồn bã - thế mà cậu lại dở những trò dớ dẩn chẳng đâu vào đâu làm cô ta sợ, hẳn cô ta nghĩ bọn mình như kẻ thù ấy.
Sonzogno quay về phía tôi, và lần đầu tiên trong suốt thời gian này tôi thấy một nụ cười chân thật xuất hiện trên bộ mặt anh ta, do đó không những để lộ hàm răng nhỏ và xấu, mà cả lợi nữa. Anh ta nheo mắt lại, trán phủ đầy những nếp nhăn.
- Signorina không hoảng sợ, đúng không? – Anh ta hỏi.
Tôi lạnh lùng đáp:
- Tôi đâu có hoảng sợ... nhưng tôi nhắc lại là tôi không chịu đựng được chuyện ẩu đả.
Mọi người im lặng một lúc lâu. Sonzogno ngồi im không động đậy, tay thọc vào túi áo khoác ngoài, mắt nhìn chăm chăm vào một điểm, những cục trên gò má nổi hẳn lên. Gino hút thuốc lá, đầu cúi gằm xuống, khói thuốc che phủ mặt và tai, cho tới lúc này, vẫn đỏ bừng lên. Sau đó, Sonzogno đứng dậy nói:
- Thôi, tôi đi đây.
Gino đứng bật dậy, rồi chìa tay ra và hỏi:
- Cậu không giận chứ, Primo?
- Có gì đâu mà phải giận? – Sonzogno nói lí nhí qua kẽ răng.
Anh ta bắt tay tôi, lần này không làm cho tôi bị đau, rồi bỏ đi. Anh ta người gầy gò, không cao lớn, tôi không hiểu tại sao anh ta lại khỏe đến vậy.
Anh ta vừa đi khỏi, tôi liền hỏi Gino, giọng khôi hài:
- Thế đấy, hia người là chỗ bạn bè, thậm chí còn là anh em của nhau... thế mà anh ấy lại nói oan cho anh như vậy đấy.
Thoát khỏi cơn bối rối, Gino lắc đầu:
- Tính hắn thế... song hắn không phải là người xấu... vả lại giữ quan hệ tốt với hắn, anh sẽ có lợi... hắn sẽ giúp anh mọi việc.
- Việc gì vậy?
Tôi nhận thấy Gino run hết cả người, và anh ta không thể cho tôi biết một đôi điều gì đấy. Một nụ cười vui sướng và xúc động bỗng rạng nở trên mặt anh ta.
- Em có nhớ chiếc hộp đựng phấn của bà chủ anh chứ?
- Còn nhớ, nhưng sao?
Mắt Gino ánh lên một vẻ vui tươi, anh ta khẽ bảo:
- Thế này này, anh đã suy nghĩ và không đem trả lại bà chủ nữa.
- Không đem trả lại à?
- Không, nói chung anh cho rằng giàu có như bà chủ thì thêm hay bớt một chiếc hộp đựng phấn có nghĩa lý gì đâu... Vả lại, việc đã rồi – Anh ta nói thêm, giọng đầy ý nghĩa – Xét cho cùng, anh cũng đâu có lấy cắp.
- Em lấy cắp – Tôi bình tĩnh nói.
Anh ta làm ra vẻ như không nghe thấy gì, rồi nói tiếp:
- Song, sau cái việc ấy thì nảy ra một khó khăn là biết bán cái hộp đựng phấn ra sao đây... Nó rất quý, đập ngay vào mắt thôi, anh chẳng biết phải giải quyết nó ra sao, đành giữ nó ở chỗ anh một thời gian... sau đó, anh gặp Sonzogno, kể tuốt cho anh ta nghe...
- Kể cả về em à – Tôi ngắt lời.
- Không, không kể về em... anh bảo anh ta rằng một người bạn gái đã cho anh, anh không nói tên ai cả... và anh ta... anh ta, em có biết không, ba ngày sau đã bán chiếc hộp phấn, chẳng rõ bằng cách nào, rồi mang tiền lại cho anh... tất nhiên anh ta đã nhận phần của mình như đã thỏa thuận từ trước.
Vẫn còn run lên vì bị kích động, Gino đưa mắt ngó quanh rồi lôi trong túi ra một tập tiền.
Trong giây phút đó, chẳng hiểu sao tôi thấy ghét cay ghét đắng anh ta. Không phải vì tôi không tán đồng hành động của anh ta, chuyện này tôi đâu có quyền hành gì, nhưng tôi bực cái giọng sung sướng của anh ta, hơn nữa tôi đoán anh ta không kể tất cả với tôi và im lặng, tất nhiên, ở chỗ cốt lõi nhất. Tôi thận trọng nói:
- Anh khá lắm!
- Em cầm lấy này – Gino lật lật tập tiền và nói tiếp - Của em đấy, anh đếm rồi.
- Đừng... đừng, - tôi vội phản đối – em hoàn toàn chẳng cần gì hết.
- Tại sao vậy?
- Em chẳng cần gì hết.
- Em muốn sinh chuyện làm anh bực mình đấy à? – Anh ta hỏi.
Một thoáng nghi ngờ và lo ngại lướt trên mặt anh ta, và tôi hoảng sợ là quả thực mình đã làm anh ta bực. Tôi nắm tay anh ta và cố dằn lòng bảo:
- Nếu anh không bảo em nhận số tiền này thì em nào có giận, chỉ ngạc nhiên thôi... Bây giờ mọi chuyện đã ổn cả rồi, em không muốn nhận tiền, vì em coi chuyện ấy đã chấm dứt, có vậy thôi... em mừng cho anh.
Gino đưa mắt nhìn tôi vẻ dò xét, nghi ngờ, tựa hồ như muốn đoán biết ý nghĩa thực sự những lời nói của tôi, mà anh ta lờ mờ chẳng hiểu. Về sau, khi nhớ tới Gino, tôi nghĩ anh ta không thể hiểu tôi, vì anh ta sống trong một thế giới suy nghĩ và tình cảm khác biệt hẳn với tôi. Tôi không rõ cái thế giới ấy tốt hơn hay tồi hơn của tôi, tôi chỉ biết rằng anh ta đã hiểu một số từ khác hẳn cách hiểu của tôi, và đại bộ phận hành vi của anh ta là đáng chê trách, nhưng anh ta coi là dung nạp được, thậm chí còn cần thiết. Anh ta coi trọng trí tuệ, àm dấu hiệu chủ yếu là sự ranh mãnh. Và khi chia con người ta thành loại ranh mãnh và loại không ranh mãnh, anh ta cố bằng mọi giá và trong mọi hoàn cảnh lọt vào loại người thứ nhất. Nhưng tôi không ranh mãnh, thậm chí cũng chẳng thông minh nữa: tôi chẳng bao giờ biết chống chế phân bua một hành vi xấu xa - ấy là tôi không nói đến chuyện hân hoan trước một hành vi như vậy - chỉ vì nó được thực hiện một cách lén lút.
Nỗi nghi ngờ chi phối anh ta chắc bỗng chốc bị xua tan nên anh ta thốt lên:
- Bây giờ anh mới vỡ lẽ tại sao em không muốn nhận số tiền này, em sợ... em sợ chuyện bán sẽ bị vỡ lở... Đừng sợ, mọi chuyện đã được thu xếp đâu vào đấy rất tuyệt.
Tôi chẳng sợ gì hết, nhưng tôi không muốn phản đối anh ta, vì tôi cảm thấy những lời cuối lạ lẫm thế nào ấy. Tôi chỉ hỏi:
- Anh bảo sao? “Mọi chuyện đã được thu xếp đâu vào đấy rất tuyệt” là thế nào?
Anh ta đáp:
- Đúng, mọi chuyện đã được thu xếp đâu vào đấy rất tuyệt. Em còn nhớ anh đã nói mọi chuyện nghi ngờ đều đổ lên đầu mụ người hầu không?
- Nhớ.
- Thế này nhé, anh chúa ghét cái mụ người hầu đó, lúc nào mụ cũng đơm đặt chuyện về anh... Sau khi chiếc hộp đựng phấn bị mất mấy hôm, anh nhận thấy công việc của anh thật bi đát... cảnh sát đến hai bận, anh có cảm giác đang bị theo dõi. Đáng lưu ý là lúc đó chưa có một cuộc lục soát nào. Thế là anh liền nảy ra một ý nghĩ tuyệt vời, phải xoáy một vật gì nữa, như vậy người ta sẽ tiến hành lục soát, anh sẽ bố trí thế nào để tội ăn cắp cũ và mới rơi vào đầu mụ ấy.
Tôi im lặng, còn anh ta đưa cặp mắt to, long lanh nhìn tôi tựa hồ muốn thấy tôi tỏ vẻ khâm phục sự ranh mãnh của anh ta. Gino nói tiếp:
- Trong ngăn kéo bàn viết của bà chủ có mấy đô la... Anh lấy mấy đô la này giấu vào chiếc va li cũ ở buồng mụ người hầu. Tất nhiên là người ta tiến hành lục soát, tìm thấy số đô la và tóm cổ mụ. Mụ ta thề sống thề chết là mình vô tôi. Không ai tin được. Người ta đã tìm thấy số đô la ở buồng mụ.
- Thế người đàn bà đó ở đâu rồi?
- Ở trong tù và chẳng thú nhận gì hết... Em biết viên cảnh sát đã nói gì với bà chủ không? Xin quý signora cứ yên tâm, ông ta nói, cuối cùng mụ sẽ phải thú nhận tội lỗi. Rõ không hả? Em có biết “cuối cùng” là thế nào không? Mụ sẽ bị choảng.
Tôi bối rồi nhìn Gino bị kích động, kiêu căng và cảm thấy lòng tôi giá lạnh. Tôi hỏi:
- Tên người ấy là gì?
- Luiza Fellini... mụ không còn trẻ trung, chẳng hiểu làm sao cứ vênh vênh váo váo, cứ theo mụ nói thì mụ làm người hầu do tình cờ thôi, và trên đời này không ai trung thực hơn mụ. – Anh ta bật cười, hài lòng về cách giải quyết của mình.
Tập trung toàn bộ sức lực và như một người thở dốc, tôi nói:
- Anh là một tên hèn mạt.
- Sao? Tại sao cơ? – Anh ta ngạc nhiên hỏi.
Bây giờ, sau khi đã gọi anh ta là tên hèn mạt, tôi cảm thấy mình tự do hơn và dũng cảm hơn. Tôi run lên vì tức giận:
- Thế mà anh còn muốn tôi nhận số tiền này... Tôi thấy ngay là không nhận được mà...
- Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra đâu – Anh ta nói, cố lấy lại tinh thần - Mụ ấy sẽ không nhận ra tôi... Người ta sẽ thả mụ...
- Anh chẳng bảo chị ta bị giam trong tù và sẽ bị đánh là gì?
- Anh nói là nói thế thôi.
- Không quan trọng... anh bỏ tù một người vô tội, sau đó còn xấc láo đến kể với tôi mọi chuyện... Anh là một tên hèn mạt nhất trên đời này.
Anh ta bỗng tái mặt và giận dữ nắm tay tôi.
- Không được gọi tôi là đồ hèn mạt.
- Tại sao? Tôi thấy anh là đồ hèn mạt và nói thẳng điều đó vào mặt anh.
Anh ta hoàn toàn mất bình tĩnh và cư xử rất kỳ quặc: anh ta vặn tay tôi như muốn bẻ ngoéo rồi cúi xuống và cắn mạnh tay tôi. Tôi rút được tay ra, đứng bật dậy.
- Anh đúng là điên rồi! – Tôi bảo – Anh làm sao vậy?... Ai lại đi cắn thế?... Anh vốn dĩ là một tên hèn mạt thì vẫn sẽ cứ là một tên hèn mạt.
Anh ta không đáp gì mà đưa tay lên vò đầu như tự bứt tóc mình.
Tôi gọi bồi bàn đến thanh toán tiền suất của tôi, suất của Gino và suất của Sonzogno. Sau đó, tôi nói:
- Tôi đi đây... và xin anh nhớ rằng giữa tôi và anh không còn gì nữa... Đừng cố tìm cách gặp tôi... Tôi không muốn biết tới anh nữa.
Anh ta lại im lặng, thậm chí không ngẩng đầu lên. Rồi tôi bước ra ngoài.
Cửa hàng sữa nằm ngay đầu phố, không xa nhà tôi. Tôi chậm dãi bước dọc vỉa hè, bên kia bức tường thành. Đêm đã xuống, trời đầy mây đen, mưa nhỏ lất phất bay trong làn không khí ấm áp, bất động. Bức tường thành, như thường lệ, chìm trong màn đêm, chỉ những ngọn đèn thưa thớt rọi một cách yếu ớt vào tường. Nhưng vừa bước ra khỏi cửa hàng sữa, tôi nhận thấy một bóng đen rời khỏi cột đèn và chậm dãi đi dọc theo bờ tường cùng hướng với tôi. Qua chiếc áo khoác thắt bó ngang lưng và mái tóc màu sáng cắt ngắn, tôi nhận ngay ra đó là Sonzogno. Lúc này, trên nền tường thành, anh ta xem ra bé nhỏ, chốc chốc lại lẩn khuất trong bóng tối, rồi lại xuất hiện dưới ánh sáng đèn đường, tôi liền thấy, có lẽ đây là lần đầu tiên, ghê tởm lũ đàn ông, tất cả lũ đàn ông trên đời này chạy theo tôi, như bầy chó đực chạy theo chó cái. Tôi vẫn còn run lên vì tức giận khi nghĩ tới người đàn bà mà Gino đã nhẫn tâm bỏ tù. Tôi thấy lương tâm mình bị cắn rứt, vì dẫu sao, nghĩ cho cùng, tôi mới là kẻ ăn cắp chiếc hộp đựng phấn. Nhưng có lẽ nỗi phẫn uất và lòng căm giận còn mạnh hơn cả lương tâm bị cắn rứt. Song do phẫn uất trước nỗi bất công và do ghê tởm Gino, tôi chẳng đem lòng thù ghét hắn ta và tiếc rằng mình đã biết cái chuyện bất công ấy. Thật ra mà nói, tôi đâu sinh ra để gây thù chuốc oán, tôi thấy lòng quặn đau và lo lắng. Tôi rảo bước, hy vọng về đến nhà trước khi Sonzogno đuổi kịp tôi, và chắc hẳn anh ta cũng có ý định ấy. Tôi nghe thấy từ phía sau tiếng Gino hổn hển gọi:
- Adriana... Adriana.
Tôi giả vờ như không nghe thấy và bước vội hơn nữa. Hắn nắm lấy tay tôi.
- Adriana... chúng mình đã cùng chung sống êm đẹp biết bao... Không thể chia tay nhau như thế này được.
Tôi vùng ra và bước tiếp. Thân hình thấp nhỏ của Sonzogno từ trong tối nhoi ra vùng ánh sáng dưới ngọn đèn đường ở hè bên kia. Gino chạy theo tôi và nhai đi nhai lại:
- Nhưng anh yêu em mà, Adriana.
Hắn gây cho tôi cảm giác vừa thương hại, vừa căm giận, và cái nước đôi ấy của tôi làm tôi nổi cáu hơn cả những lời của hắn ta. Do đó, tôi cố nghĩ tới một chuyện gì khác. Bỗng không hiểu sao, tôi trở nên sáng trí. Tôi chợt nhớ tới Astarita. Anh ta đã nhiều lần tỏ ý muốn giúp đỡ tôi và cho rằng anh ta có khả năng giải thoát cho người đàn bà khốn khổ ra khỏi tù. Ý nghĩ như vậy làm tôi phấn chấn hẳn lên, tựa hồ như hất được một tảng đá đè nặng trong lòng, và tôi thậm chí cảm thấy lúc này chỉ còn thương hại Gino và hoàn toàn không còn căm giận anh ta nữa. Tôi dừng lại, bình tĩnh hỏi:
- Gino, tại sao anh còn chưa chịu đi đi, hả?
- Anh yêu em mà.
- Tôi cũng đã yêu anh... nhưng giờ thì hết rồi... Đi đi, như vậy tốt hơn cho cả hai ta.
Chúng tôi đứng ở một đường phố tối om, không đèn, không quầy kính thắp sáng. Gino ôm ngang thắt lưng tôi và cố hôn tôi. Tôi có thể thừa sức giải quyết hắn, vì tôi khỏe, với lại khi người đàn bà không muốn thì chẳng người đàn ông nào có thể hôn được chị ta. Song, theo tiếng gọi của tình cảm độc ác nào đó, tôi cầu cứu Sonzogno lúc này thọc tay vào túi áo khoác, đang đứng im không nhúc nhích ở bên kia đường và đưa mắt nhìn chúng tôi. Tôi gọi Sonzogno một phần vì muốn trị Gino, phần vì do tò mò. Tôi quyết định giở trò làm duyên làm dáng. Tôi gọi:
- Anh Sonzogno! Anh Sonzogno!
Sonzogno liền sang đường.
Gino bối rối buông tôi ra.
Khi Sonzogno vừa tới bên chúng tôi, tôi liền lấy giọng bình tĩnh nói:
- Anh bảo anh ta để cho tôi yên, tôi không còn yên anh ta nữa... Anh ta không tin tôi, có lẽ anh là bạn anh ta, anh ta sẽ nghe anh.
Sonzogno nói:
- Mày có nghe thấy signorina nói gì không?
- Nhưng tôi... – Gino mở đầu.
Tôi cho rằng họ có đôi co với nhau một chút cũng chẳng việc gì. Dẫu sao Gino cũng phải làm lành và bỏ đi. Nhưng bỗng Sonzogno làm một động tác khó nhận biết nào đấy, Gino im lặng trong giây lát, nhìn Sonzogno vẻ sửng sốt, rồi lăn đùng ra đất, tụt khỏi vỉa hè ngã xuống rãnh. Nói đúng hơn, tôi chỉ nhìn thấy Gino ngã, sau mới biết là Sonzogno đã làm gì. Động tác nhanh như chớp và không hề phát ra một tiếng động nên tôi nghĩ mình có cảm giác thế thôi. Tôi lắc đầu và đưa mắt nhìn: Sonzogno đứng trước mặt tôi, hai chân dang rộng và nhìn bàn tay nắm chặt của mình. Gino nằm sấp ở dưới đất. Hắn ta chống khuỷu tay và hơi ngóc đầu lên khỏi rãnh. Song hắn tựa hồ như không muốn đứng dậy, xem ra hắn chăm chú nhìn một tờ giấy trắng rơi xuống bùn sền sệt dưới rãnh. Sau đó Sonzogno bảo tôi:
- Ta đi thôi.
Tôi như người bị bỏ bùa mê đi theo anh ta về phía nhà tôi.
Sonzogno im lặng khoác tay tôi dẫn đi. Anh ta thấp hơn tôi, tôi có cảm giác các ngón tay anh ta bóp khuỷu tay tôi như một đai thép. Lát sau tôi bảo:
- Anh đánh Gino làm gì? Như vậy không hay... Chẳng cần phải làm như vậy hắn cũng sẽ bỏ về nhà.
- Tuy nhiên từ bây giờ hắn sẽ không làm cô phát ốm lên nữa – Anh ta đáp.
Tôi hỏi:
- Anh làm thế nào thế?... Tôi chưa kịp thốt lên... mới nhìn đã thấy Gino ngã lăn ra.
Anh ta cộc lốc đáp:
- Tất cả cũng là do thói quen thôi.
Anh ta thốt lên những từ này, tựa hồ như ngay từ đầu đã nhai đi nhai lại chúng một hồi lâu hoặc lấy răng thử thách độ bền chắc của chúng. Anh ta mím chặt hai hàm, và tôi có cảm giác các răng nanh hàm trên của anh ta đâm qua các kẽ răng của hàm dưới, như ở con mãnh thú. Tôi rất muốn đụng vào vai anh ta để cảm thấy ở dưới ngón tay mình các bắp thịt rắn chắc và cứng cáp. Anh ta gây cho tôi cảm giác tò mò hơn là ham muốn, nhưng chủ yếu là sợ. Sự sợ hãi cũng có thể làm ta thấy dễ chịu, và trong một số trường hợp khi chưa hiểu rõ mình sợ cái gì, thậm chí ta lại thấy xúc động.
Tôi nói:
- Tay anh ghê thật! Khó mà tin được đấy.
- Thì tôi đã chẳng để cô nắn các bắp tay rồi đấy sao – Anh ta đáp, vẻ rầu rầu tự mãn chẳng hứa hen điều gì tốt lành.
- Nhưng tôi chưa sờ nắn kỹ... có Gino ở đấy... để tôi thử lại xem nào.
Anh ta dừng lại, co tay lên và đưa mắt nhìn tôi vẻ nghiêm trang và thậm chí có phần hơi ngây thơ. Nhưng đây không phải là sự ngây thơ của con trẻ. Tôi giơ tay ra và bắt đầu từ từ sờ nắn các bắp tay, bắt đầu từ vai. Tôi thật sự ngạc nhiên thấy dưới những ngón tay mình các cơ bắp cứng rắn đến như vậy. Tôi dịu dàng nói:
- Anh quả là một người khỏe kinh khủng.
- Đúng, tôi khá khỏe – Anh ta xác nhận, vẻ vững tin.
Và chúng tôi lại đi tiếp.
Bây giờ tôi thấy hối hận là đã gọi anh ta. Tôi không thích anh ta, hơn nữa cái vẻ khó đăm đăm và thái độ của anh ta làm tôi thấy sợ. Chúng tôi cứ lặng lẽ bước cho tới lúc về tới nhà. Tôi lấy khóa trong túi xách ra.
- Cảm ơn anh đã tiễn tôi – Tôi chìa tay ra cho anh ta bắt.
Anh ta tiến sát đến bên tôi:
- Tôi sẽ ghé vào chỗ cô.
Tôi muốn khước từ, nhưng anh ta nhìn chăm chăm và khẩn khoản vào mắt tôi, nên tôi đâm lúng túng.
- Tuy anh, em thì thế nào cũng được – Tôi ngoan ngoãn nói và mãi tới lúc này mới nhận ra mình đang “anh anh em em” với anh ta.
- Em đừng ngại – Anh ta nói, khi đã giải thích được sự bối rối của tôi theo cách của mình – Anh có tiền, anh sẽ trả em gấp đôi người khác.
- Tiền nong không liên quan gì trong vấn đề này – Tôi đáp. Bộ mặt anh ta biến đổi một cách kỳ lạ, tựa hồ như đang bị một nỗi ngờ vực khủng khiếp nào đó giày vò. Nhận thấy vậy, tôi mở cửa và nói tiếp: - Chẳng qua là em hơi bị mệt.
Anh ta đi theo tôi.
Vào tới phòng tôi, anh ta bắt đầu cởi quần áo, và với những động tác cẩn thận, chính xác, xếp chúng lại. Anh ta thận trọng gỡ khăn quàng ra khỏi cổ, cuộn lại và bỏ vào túi áo khoác ngoài. Anh ta treo áo vét vào lưng ghế, còn quần thì treo sao cho không bị mất nếp. Anh ta đặt đôi giày bốt dưới ghế, bít tất nhét trong giày. Anh ta mặc toàn đồ mới, nhưng không quá bảnh bao, tuy các thứ đều bền và chắc. Sonzogno lẳng lặng làm tất cả những việc ấy, không quá chậm chạp và cũng không quá vội vã, vẻ bình tĩnh và cầu kỳ, mắt không hề nhìn tôi. Trong lúc đó tôi đã cởi xong áo xống và đi nằm. Nếu thậm chí có khát khao mong muốn thì anh ta cũng không để lộ ra. Có chăng những cục nho nhỏ trên má cứ di động liên tục dưới lớp da để lộ rõ hơn nỗi xúc động của anh ta, thế nhưng ngay cả lúc Sonzogno không nghĩ tới tôi thì những cái cục ấy vẫn nổi lên trên gò má anh ta. Tôi rất thích sạch sẽ và ngăn nắp, theo tôi, chúng xác nhận những phảm chất tinh thần thích đáng của con người. Nhưng sự cẩn thận và cầu kỳ của Sonzogno tối đó đã khơi gợi cho tôi một tình cảm khác nửa như ghê tởm, nửa như sợ hãi. Thấy anh ta cẩn thận đến vậy, tôi bất giác nghĩ tới một nhà ảo thuật chuẩn bị cho một ca mổ phức tạp hoặc một anh hàng thịt mài dao trước khi mổ thịt một chú cừu non tội nghiệp, nằm trong chăn, tôi cảm thấy mình bất lực và yếu đuối, tựa như một xác chết người ta sắp mổ xẻ để nghiên cứu. Sự im lặng và bình thản của Sonzogno làm tôi thấy bối rối, tôi chẳng hiểu anh ta định làm gì tôi sau khi cởi áo quần. Ngay sau đó, anh ta tiến đến bên giường, dùng hai tay nắm chặt vai tôi, như buộc tôi phải nằm im. Tôi bất giác giật mình vì hoảng sợ. Anh ta nhận thấy điều đó và rít qua kẽ răng:
- Em làm sao vậy?
- Không sao, chẳng qua là vì tay anh lạnh... thế thôi – Tôi đáp.
- Em không thích anh à? – Anh ta đứng cạnh giường, hai tay vẫn giữ vai tôi và hỏi – Em thích những người đàn ông trả tiền cho em hơn à?
Khi nói những lời này, anh ta dán cặp mắt quả thực rất khó chịu vào tôi.
- Tại sao? Anh cũng như mọi người đàn ông khác... Và anh đã chẳng bảo sẽ trả tiền cho em gấp đôi đấy sao? – Tôi đáp.
- Anh hiểu – Anh ta nói – Những người như em không thích những kẻ giàu sang và thanh cao... còn anh đây không thuộc loại để cô em đoái hoài... Lũ gái điếm nhà cô chỉ thích các signor thôi.
Trong giọng nói của anh ta để lộ một vẻ gì khăng khăng buồn chán của một người thích sinh chuyện cãi vã, và tôi chợt nhớ anh ta đã bẻ họe và làm nhục Gino vì một vấn đề dớ dẩn chẳng đâu vào đâu. Lúc đó tôi nghĩ anh ta “thù ngầm” Gino, còn bây giờ tôi nhận thấy những cơn bẳn tính đó có thể lặp lại vào bất kỳ giây phút nào, do đó tôi cố lựa xem nên xử sự ra sao với anh ta. Tôi đáp, vẻ hờn giận:
- Tại sao anh cứ bực mình với em? Thì em đã chẳng bảo rằng với em, mọi người đàn ông như nhau cả đấy sao?
- Nếu thế thì cô đã chẳng có cái bộ mặt rầu rĩ như vậy... Cô không thích tôi à?
- Nhưng em đã chửng bảo với anh...
- Cô không thích tôi – Anh ta nhắc lại - rất tiếc, nhưng cô em vẫn cứ phải ân cần với anh.
- Anh để cho em được yên đi! – Tôi bỗng khó chịu hét lên.
- Khi cô em cần đến anh và anh đã giúp cho thoát khỏi tay tên nhân tình nhân ngãi của cô em thì chẳng thấy cô em tức giận – Anh ta nói tiếp – Sau đó, cô em muốn xua đuổi anh... nhưng dẫu sao anh vẫn đến... chà, cô em không thích anh.
Tôi thực sự hoảng sợ. Những lời nhẫn tâm, giọng nói bình tĩnh và tàn nhẫn, cái nhin chăm chăm qua ánh mắt xanh lơ bỗng đỏ ngầu của anh ta - tất cả những điều đó cho thấy anh ta đã suy nghĩ tới một chuyện ghê gớm nào đây. Tôi nhận ra quá muộn rằng khả năng ngăn anh ta cũng chẳng khác nào chặn một tảng đá lớn đang lăn xuống triền dốc. Tôi cố hất tay anh ta ra khỏi vai tôi. Nhưng anh ta nói tiếp:
- Ái chà, cô em không thích anh... Khi đụng vào người cô em, cô em để lộ nét mặt ghê tởm... Bây giờ cô em yêu quý ơi, bộ mặt ấy sẽ thay đổi ngay thôi mà.
Anh ta nhấc tay ra và vung lên định tát tôi. Tôi đã đoán ra là sẽ như vậy và định lấy tay che mặt. Anh ta thoạt đầu tát mạnh vào một bên má tôi, sau đó, khi tôi xoay người liền bồi luôn một cái nữa vào bên má kia. Lần đầu tiên trong đời tôi bị một người đàn ông đánh. Và tuy bị rát cả má, tôi vẫn thấy ngạc nhiên hơn là đau. Tôi không đưa tay ôm mặt nữa mà nói:
- Anh là một con người bất hạnh, đó là điều em sẽ nói với anh.
Xem ra những lời của tôi làm anh ta sửng sốt tận đáy lòng. Anh ta ngồi ở mép giường, hai tay bấu lấy đệm và ngật ngưỡng ngả người ra phía trước, rồi lại phía sau. Và không đưa mắt nhìn tôi, anh ta nói:
- Tất cả lũ chúng ta đều bất hạnh.
Còn tôi đáp:
- Anh dũng cảm gì mà lại đi đánh đàn bà.
Bỗng nước mắt dâng trào, tôi im không nói gì nữa. Tôi khóc không phải vì bị tat, mà bị chấn động thần kinh: trong chiều nay, tôi đã gặp bao nhiêu chuyện khó chịu và xấu xa. Tôi nhớ tới Gino nằm sõng sượt trên bùn, nhớ lại mình thậm chí không buồn ngó ngàng tới anh ta, đã bình tĩnh bỏ đi cùng Sonzogno, chỉ với một ý nghĩ duy nhất là nắn các cơ bắp tay khác thường của hắn. Bỗng tôi thấy lương tâm bị cắn rứt, thấy thương Gino, thấy bất bình về bản thân mình. Tôi nhận ra rằng chính bàn tay đã trừng phạt Gino giờ đây đã lên án sự nhẫn tâm và thái độ xằng bậy của tôi. Lúc đó tôi đã cổ vũ bạo lực, còn bây giờ nó quay lại chống lại tôi. Tôi đưa mắt nhìn Sonzogno qua hai hàng nước mắt. Anh ta ngồi hơi so vai rụt cổ ở nơi mép giường, nước da anh ta trắng và mịn. Nhìn hai cánh tay anh ta buông thõng như mấy cây roi, không thể đoán biết được chúng mạnh mẽ chừng nào. Do muốn san bằng cái hố ngăn cách giữa hai chúng tôi, tôi bèn lên tiếng hỏi:
- Cho phép em hỏi tại sao anh lại đánh em như vậy.
- vì bộ dạng rất rầu rĩ của em. – Những cục nho nhỏ trên má anh ta lại di động, chắc anh ta đang suy nghĩ.
Tôi thấy rằng nếu muốn biết rõ hơn nữa về anh ta thì trước hết phải thổ lộ tất cả những suy nghĩ của tôi về anh ta, không giấu giếm gì hết.
- Anh cho rằng em không thích anh, anh đã nhầm đấy – Tôi đáp.
- Cũng có thể.
Anh đã nhầm... thật ra không hiểu sao anh làm em sợ, đấy là lý do em có bộ mặt ấy.
Anh ta quay ngoắt người lại và nhìn tôi, vẻ ngờ vực, nhưng liền thấy yên lòng, anh ta đổi giọng đượm vẻ tự mãn.
- Anh làm em sợ à?
- Vâng.
- Thế bây giờ vẫn còn sợ anh à?
- Không, bây giờ thì dù anh có giết... em cũng thế thôi.
Tôi nói đúng sự thật. Vào giây phút ấy tôi hầu như muốn anh ta giết tôi đi còn hơn, vì tôi bỗng nhiên chẳng muốn sống nữa. Song anh ta tức giận bảo:
- Chẳng ai định giết ai cả. Tại sao em lại sợ anh đến thế?
- Em làm sao mà biết được... em chỉ biết em sợ anh... không thể giải thích được những điều như vậy đâu.
- Thế em có sợ Gino không?
- Em việc gì phải sợ anh ấy?
- Thế tại sao em lại sợ anh? – Anh ta mất hết vẻ tự mãn, giọng anh ta rầu rĩ và bực bội.
- Em sợ anh, vì theo em, anh không ngần ngại trước bất cứ việc gì – Tôi muốn làm anh ta yên lòng nên nói như vậy.
Anh ta không đáp gì và ngồi suy nghĩ một lát rồi quay lại hỏi, giọng nạt nộ:
- Thế nghĩa là bây giờ anh phải mặc quần áo và ra về chứ gì?
Tôi đưa mắt nhìn anh ta, anh ta lại sẵn sàng nổi khùng lên. Tôi nhận thấy nếu từ chối anh ta thì sẽ chuốc lấy một trận lôi đình mới, có lẽ còn dữ dội hơn, do đó tôi quyết định giữ anh ta ở lại. Nhưng tôi nhớ tới đôi mắt sắc của anh ta và thấy ghê tởm khi nghĩ rằng đôi mắt ấy lại nhìn như dán vào tôi. Tôi khẽ bảo:
- Không... nếu anh muốn, anh có thể ở lại... nhưng trước hết anh ta tắt đèn đi đã.
Anh ta có nước da trắng, vóc người không cao lớn, vạm vỡ, thậm chí cổ ngấn nhưng không gây khó chịu. Anh ta đứng dậy, rón rén đi tới chỗ tắt đèn ở bên cửa ra vào. Nhưng tôi liền nhận ngay ra rằng yêu cầu anh ta tắt đèn là một việc hết sức ngu xuẩn, vi căn phòng vừa chìm trong bóng tối, tôi lại nhận thấy một nỗi sợ hãi vô định nổi lên xâm chiếm tôi, thế mà tôi cứ ngỡ mình thoát khỏi nỗi sợ ấy. Tôi cảm thấy ở trong phòng dường như không phải là một con người mà là một con báo hay con thú dữ nào đấy, và chẳng rõ nó đang làm gì - hoặc đang ẩn vào xó, hoặc đang xông vào tôi để xé tan tôi ra từng mảnh. Trong lúc đó Sonzogno mò mẫm hồi lâu trong bóng tối, xếp lại các ghế và cố lần tới giường tôi, và có lẽ do sợ hãi, tôi thấy thời gian trôi đi chậm chạp làm sao, hình như phải mấy phút sau anh ta mới tới được chỗ tôi, vì khi thấy bàn tay anh ta đụng vào người, tôi lại run lên. Tôi hy vọng anh ta không nhận thấy gì, song anh ta như một con vật, có linh cảm rất nhạy nên liền hỏi:
- Em vẫn còn sợ à?
Đúng là thần hộ mệnh đã đứng cạnh tôi trong bóng tối dày đặc. qua giọng nói của Sonzogno, tôi đoán chừng anh ta đã giơ nắm tay ở trên đầu tôi và tùy thuộc vào cách tôi trả lời, sẽ giáng nắm đấm xuống tôi, hoặc rụt tay lại. Tôi nhận ra anh ta biết rõ anh ta đã làm tôi hoảng sợ, thế mà anh ta chẳng muốn người ta sợ mình, mà muốn được yêu thương như mọi người đàn ông khác. Nhưng để đạt được mục đích đó, anh ta chẳng tìm ra được một cách nào khác ngoài cách gây nên một nỗi sợ hãi mới còn mạnh mẽ hơn. Tôi vươn tay ra như muốn ôm chặt lấy cổ anh ta. Và đụng vào vai phải anh ta, tôi liền nhận thấy đúng như mình nghĩ, nghĩa là anh ta đã vung tay lên chuẩn bị nện vào mặt tôi. Tôi ghìm mình cố lấy giọng mềm mỏng như thường lệ và bình tĩnh đáp:
- Không... chẳng qua em thấy ớn lạnh, ta đắp chăn đi.
- Như vậy thì tốt hơn – Anh ta bảo.
Mấy từ “tốt hơn” anh ta nói với giọng dọa dẫm đã khẳng định rằng tôi sợ không phải là không có lý do xác đáng. Và giữa bóng tối dày đặc, khi anh ta ôm tôi trong chăn, tôi trải qua những giây phút buồn vô hạn, một giây phút nặng nề nhất trong đời tôi. Nỗi hoảng sợ làm tê cứng cơ thể tôi. Tôi bất giác rùng mình và né tránh không đụng vào cơ thể nhẵn trơn tuồn tuột như rắn của anh ta, nhưng đồng thời tôi cũng lại cố tự vỗ về mình. Lúc này tỏ ra sợ hãi anh ta thì thật là ngu ngốc, tôi cố hết sức dằn nén tình cảm đó và xử sự với anh ta như với người mình sẽ trao thân vì tình. Cuối cùng anh ta chiếm được tôi, và tôi cảm thấy một khoái cảm mãnh liệt tới mức không kìm nén được đã thốt lên một tiếng kêu dài và ai oán, tựa hồ cả cuộc đời đã lìa khỏi tôi qua tiếng kêu ấy như hồn lìa khỏi xác.
Sau đấy chúng tôi nằm im lặng trong bóng tối. Lát sau tôi ngủ thiếp đi. Tôi cảm thấy một khối nặng nào đó đè trên người như thể sau khi ôm đôi đầu gối trần của tôi và gục đầu vào đấy Sonzogno đã ì ạch trèo lên ngực tôi và dùng toàn bộ tấm thâm to lớn đè lên cổ họng tôi. Anh ta ngồi tỳ cả hai chân vào bụng tôi. Tôi cảm thấy anh ta mỗi lúc một nặng hơn. Tôi dãy dụa trong cơn mê, cố hất cái khối nặng đó xuống. Tôi thở hổn hển và định hét toáng lên. Tiếng kêu la của tôi cứ mắc trong cổ họng một hồi lâu, tường chừng không tài nào thoát ra được. Sau đó tôi cố thúc cho nó thoát ra ngoài và tỉnh dậy vẫn thấy mình rên la.
Đèn trên chiếc tủ kê đầu giường được bật sáng, Sonzogno tay chống cằm nhìn tôi:
- Em ngủ có lâu không? – Tôi hỏi.
- Độ nửa tiếng – Anh ta nói lí nhí trong miệng.
Tôi đưa mắt nhìn vội anh ta, chắc hẳn cơn ác mộng vừa qua hằn rõ trong đôi mắt tôi, vì anh ta cất tiếng hỏi giọng kỳ cục, chắc lại định tiếp tục cuộc trò chuyện của anh ta:
- Thế nào, vẫn còn sợ à?
- Em chẳng rõ nữa.
- Nếu cô em biết anh là ai – Anh ta bảo - hẳn sẽ còn sợ gấp bội.
Sau khi được thỏa mãn, người đàn ông nào cũng nói về bản thân mình, thỏa sức dốc bầu tâm sự. Tất nhiên Sonzogno cũng không bị loại ra khỏi quy luật ấy. Lúc này, giọng anh ta hoàn toàn khác, mềm mỏng gần như dịu dàng, song đượm vè hiếu danh và dương dương tự đắc. Tôi lại phát hoảng lên, tim đập mạnh, tưởng như sắp bật tung ra khỏi lồng ngực.
- Tại sao? Anh là ai vậy? – Tôi hỏi.
Anh ta im lặng nhìn tôi, chắc khoan khoái nghĩ tới ấn tượng do lời anh ta sắp nói sẽ gây nên.
- Anh chính là nhân vật ở phố Palestro - Cuối cùng anh ta chậm rãi nói – Anh là thế đấy.
Anh ta nhận thấy chẳng cần phải tốn hơi kể lể sự việc diễn ra tại phố Palestro, ngay cả chuyện này anh ta cũng tỏ ra khá hiếu danh. Gần đây, một vụ án ghê rợn đã xảy ra trong một ngôi nhà tại đường phố đó. Tất cả báo chí đều đăng tin về vụ án đó. Nhiều người chuyên săn lùng những tin giật gân đại loại như vậy đã kháo nhau về nó. Mẹ tôi dành phần lớn thời gian trong ngày để đọc báo, do đó khi chắt lọc các tin giật gân, mẹ là người đầu tiên kể cho tôi nghe sự cố xảy ra ở đấy. Một thợ kim hoàn trẻ tuổi sống độc thân đã bị giết chết trong căn hộ của mình. Người ta giả thiết thủ phạm đã dùng một chiếc chặn giấy nặng bằng đồng để hành hung. Lúc này tôi đã rõ tên thủ phạm ấy là Sonzogno. Cảnh sát không hề phát hiện ra một tang chứng nào. Nghe đâu tay thợ kim hoàn này đã mua những của ăn cắp và người ta phỏng đoán rằng hắn đã bị giết trong một vụ câu kết bất hợp pháp như vậy, sau đó, phỏng đoán ấy được xác nhận là đúng.
Tôi thường nhận thấy rằng khi nghe xong một tin lạ hoặc khủng khiếp, người ta thường không hề tập trung nghĩ tới nó, mà bị cuốn vào một vật đầu tiên đập ngay vào mắt, nhưng họ nhìn vật đó với con mắt tựa hồ như muốn xuyên thấu qua lớp vỏ bọc ngoài để được thấu hiểu điều thầm kín bên trong. Chuyện này đã xảy ra với tôi vào cái buổi tối khi Sonzogno thú nhận việc làm của mình. Tôi mở mắt trừng trừng, song mọi suy nghĩ buột tung ra khỏi đầu óc tôi, tựa hồ như một chất lỏng hoặc cát mịn chảy ra khỏi bình chứa khi đáy bỗng bị bục. Tuy đầu óc trống rỗng, tôi vẫn nhận thấy mình đang chú ý tản mạn vào những điều vặt vãnh. Tôi cố buộc mình phải suy nghĩ vào những điều chủ yếu, nhưng tôi không thể làm được như vậy. Cặp mắt tôi dừng lại nơi cánh tay Sonzogno đang chống khuỷu lên gối cạnh tôi. Cánh tay anh ta trắng, mịm màng, đầy đặn, chẳng hề có chút gì lộ rõ các cơ bắp kỳ lạ của anh ta. Cổ tay cũng trắng và tròn trịa buộc một sợi dây da như dây đeo đồng hồ. Nhưng Sonzogno không đeo đồng hồ. Cái nịt màu đen và lấm mỡ ấy che phủ một mẩu nhỏ cái thân trắng trần truồng dường như đã tạo cho toàn bộ dung mạo Sonzogno một dáng vẻ khác thường. Tôi đưa mắt nhìn chiếc vòng đeo tay bằng da đen ấy. Nó giống như cái cùm của người tù khổ sai. Trong cái vật trang sức màu đen đơn sơ ấy ẩn náu một điều khủng khiếp nào đấy và đồng thời có một sự cuốn hút như thể nó bỗng mở ra cho tôi thấy rõ tính khí độc ác bất trị của Sonzogno. Tôi bị sao nhãng khỏi điều chủ yếu trong một khoảnh khắc. Sau đấy, cả một loạt những suy nghĩ lo âu bất chợt dội lên trong ý thức tôi, và chúng quay cuồng trong đầu óc, như những chú chim trong chiếc lồng chật hẹp. Tôi nhớ lại giây phút đầu tiên Sonzogno đã làm tôi khiếp sợ, nhớ lại mình đã gần gũi với anh ta và khi nhượng bộ anh ta, tôi nhận ra – không phải bằng tâm trí mà bằng cả tấm thân đang run lên của mình – cái điều khủng khiếp anh ta đã che giấu, và chính vì vậy tôi đã thốt lên tiếng kêu ấy.
Cuối cùng, tôi hỏi anh ta một câu đầu tiên nảy ra trong đầu.
- Tại sao anh lại làm điều ấy?
Anh ta đáp, môi hầu như không hề mấp máy:
- Anh có một vật quý nho nhỏ cần bán... Anh biết rõ cái tay gian thương ấy là một tay đại bịp, song chẳng còn biết trông vào ai nữa... Hắn đã trả một cái giá thấp nghe đến lố lăng... Anh căm ghét tên ấy từ lâu, hắn đã lừa anh nhiều lần... Anh đòi lại vật đó và gọi hắn là một tên bịp bợm... Lúc ấy hắn đã nói với anh một điều bậy bạ và anh không kìm được mình.
- Hắn đã nói gì? – Tôi hỏi.
Tôi ngạc nhiên khi nhận thấy trong khi Sonzogno kể câu chuyện đó, cơn sợ hãi của tôi tan biến dần còn lòng tôi ngập một nỗi cảm thông. Gạn hỏi xem tên thợ kim hoàn đã nói gì, tôi hy vọng được nghe những lời có thể làm giảm nhẹ và biết đâu bào chữa được tội của Sonzogno. Anh ta nói, giọng rời rạc:
- Tên gian thương ấy tuyên bố nếu anh không đi khỏi thì hắn sẽ tố cáo anh... tóm lại, anh quyết định: nhịn hắn thế đủ rồi... và khi hắn quay người lại...
Sonzogno không nói hết câu và đưa mắt nhìn tôi chằm chằm.
- Thế hắn ta trông ra sao? – Tôi hỏi và nhận thấy ngay câu nói của tôi thật dớ dẩn.
Nhưng anh ta sẵn lòng đáp:
- Đầu hói, người loắt choắt, mõm trông tinh quái chẳng khác gì mõm cáo.
Giọng Sonzogno đầy ác cảm với tên gian thương tới mức, tôi hình dung ra rõ cái mõm cáo của tên mua đi bán lại đồ ăn cắp ấy và thậm chí còn căm giận hắn. Tôi hình dung thấy hắn làm bộ vờ vĩnh lãnh đạm cân nhắc trên tay cái vật Sonzogno định bán cho hắn. Lúc này tôi chẳng còn sợ hãi gì nữa, vả lại Sonzogno đã biết cách làm lây lan sang tôi nỗi căm giận của anh ta đối với tên bị giết, và tôi không lên án hành động của anh ta. Tôi thấy mình hiểu thấu mọi chuyện đã xảy ra, thậm chí cho rằng nếu đó là trường hợp của mình, mình cũng sẽ có hành động tương tự. Tôi hiểu rất rõ thế nào là: “Lúc ấy hắn đã nói với anh một điều bậy bạ và anh không kìm được”. Đã có lần Gino, và lần khác lại là tôi làm anh ta mất bình tĩnh và kể cũng thật ngẫu nhiên bất ngờ thế nào mà tôi và Gino vẫn không bị anh ta giết. Tôi hiểu anh ta tới mức đã rung động trước những xúc cảm của anh ta. Lúc này tôi không những không sợ anh ta mà còn có tình cảm kỳ lại đối với anh ta. Anh ta không hề gây cho tôi cảm giác này, khi tôi chưa rõ tội ác và khi trước mắt tôi anh ta chỉ là một gã đàn ông bình thường tôi đã gặp rất nhiều.
- Thế anh không hối hận à? Lương tâm anh không bị cắn rứt à? – Tôi hỏi.
- Biết nói sao bây giờ? Việc đã rồi mà – Anh ta đáp.
Tôi chăm chú nhìn anh ta và bất giác - bản thân tôi cũng ngạc nhiên chẳng hiểu thế nào nữa - gật gù tán thưởng. Tôi liền nhớ lại Gino - nếu cứ theo ngôn từ của Sonzogno – cũng là một tên bịp bợm, tuy hắn đã yêu tôi và tôi yêu hắn. Tôi nghĩ rằng do đó, ngày mai tôi sẽ tán thành để Sonzogno giết Gino, vì cái tay thợ kim hoàn nọ cũng chẳng tốt đẹp hay tồi tệ hơn Gino, điều khác biệt duy nhất ở chỗ tôi không quen biết tay gian thương kia và đã biện minh cho vụ án mạng ấy chỉ vì nghe Sonzogno bảo rằng anh ta có cái mõm giống mõm cáo. Một nỗi ngờ vực và kinh hoàng xâm chiếm lòng tôi. Nhưng tôi không sợ Sonzogno. Trước khi lên án, cần phải hiểu rõ tính khí của anh ta. Tôi sợ chính bản thân mình, vì tôi cho là tôi đã hoàn toàn phải khác, thế mà chính tôi lại bị lây lan lòng căm hờn và sự khát máu của anh ta. Tôi xao xuyến, chồm dậy và ngồi trên giường:
- Ôi lạy Chúa! Tại sao anh lại làm vậy?... Và tại sao anh lại kể tất cả những chuyện đó với em?
- Em không hay biết gì anh, thế nhưng em đã sợ anh – Anh ta đáp, giọng dung dị - Anh thấy điều ấy kỳ cục thế nào ấy, nên anh kể tuốt với em... Cũng may, - Anh ta mỉm cười trước những lời của mình và nói tiếp – Cũng may chẳng phải ai cũng như em cả, nếu không anh đã bị tóm cổ từ lâu.
- Thôi anh đi đi, và để mặc một mình em... anh đi đi – Tôi nói.
- Cô lại làm sao vậy? – Anh ta hỏi và giọng lại đầy đe dọa như trước. Nhưng đây không chỉ là do giận mà còn mang nặng nỗi đau của con người cô đơn bị cự tuyệt, tuy rằng mấy phút trước tôi đã hiến thân cho anh ta. Tôi vội nói tiếp:
- Anh chẳng nên nghĩ rằng em sợ anh!... Em chẳng hề sợ anh một chút nào... nhưng em muốn làm quen với ý nghĩ này... cần phải suy nghĩ về mọi lẽ... sau này anh trở lại đây, em sẽ hoàn toàn khác.
- Cô có cái gì đâu mà phải đắn đo suy nghĩ? Định tố cáo hẳn? – Anh ta hỏi.
Tôi lại có ngay cái cảm giác do câu chuyện của Gino gây nên khi hắn kể tôi nghe hắn dàn dựng vụ bắt giam chị giúp việc ra sao. Tôi thấy mìnhl à một con người thuộc về thế giới khác. Tôi phải cố hết sức tự ghìm mình và đáp:
- Thế em đã chẳng bảo anh có thể trở lại đây đấy ư? Anh có biết một người đàn bà khác sẽ bảo sao không? Chị ta sẽ nói: tôi không muốn biết gì thêm nữa, tôi không muốn thấy anh... Đấy, một người đàn bà khác sẽ nói với anh như vậy đấy.
- Nhưng em cứ một mực đuổi anh.
Thì về sớm hay muộn một phút có nghĩa lý gì đâu... Nếu anh muốn ở lại, xin mời anh ở lại... Anh muốn ngủ tại đây đêm nay à? Anh cứ việc ngủ lại, sang mai hãy về... Anh muốn không?
Thật ra, những lời này tôi nói khẽ, giọng bối rối và không mặn nồng lắm, có lẽ, ánh mắt tôi đã để lộ một vẻ luống cuống. Nhưng dẫu sao tôi vẫn tiếp tục thuyết phục anh ta và thấy vui vui trước việc làm này. Tôi thấy hình như anh ta nhìn tôi có vẻ biết ơn, tuy tôi có thể nhầm. Sau đó, anh ta lắc đầu và đáp:
- Không, ấy là anh nói thế thôi... Quả thực đã đến lúc phải đi.
Anh ta đứng dậy và đến bên bàn, chỗ để quần áo của mình.
- Tùy đấy – Tôi nói – Nhưng nếu anh muốn ở lại, xin cứ việc ở lại... và nếu... – Tôi phải cố ép mình mới nói tiếp được – Anh cần có một chỗ ngủ, xin mời anh cứ việc lại đây.
Sonzogno lặng lẽ mặc áo quần. Tôi cũng trở dậy và choàng lên người chiếc áo khoác.
Tôi đi đi lại lại như người đang ngái ngủ. Tôi có cảm giác căn phòng rộn tiếng người thầm thì bên tai mình những lời khủng khiếp và điên dại. Chắc trong trạng thái mất trí ấy, tôi đã có hành động không thể giải thích được. Khi đang từ từ đi lại ở trong phòng, đầu óc mê dại, tôi thấy Sonzogno cúi xuống buộc dây giày. Tôi liền quỳ xuống trước mặt anh ta và nói:
- Để em buộc cho.
Chắc anh ta sửng sốt, nhưng không phản đối. Tôi nhấc chân phải của anh ta lên, đặt lên đầu gối mình, rồi buộc dây thắt hai nút. Giày trái tôi cũng làm như vậy. Anh ta chẳng có một lời cảm ơn và cũng chẳng nói năng gì, chắc cả hai chúng tôi đều không rõ lý do dẫn tới hành động này. Anh ta mặc áo vét, rút ví ra và đưa tiền cho tôi.
- Không, em không cầm đâu – Tôi nói giọng nhát gừng - đừng đưa cho em gì hết, không nên thế.
- Tại sao? Lẽ nào tiền của anh tồi hơn tiền của những kẻ khác? – Anh ta hỏi, giọng lạc đi vì tức giận.
Tôi thấy kỳ lạ là anh ta không hiểu rõ sự ghê tởm của tôi đối với những đồng tiền có thể moi trong túi cái xác hãy còn chưa lạnh giá kia. Có lẽ anh ta đã hiểu, song muốn biến tôi thành kẻ tòng phạm của mình và đồng thời kiểm tra thái độ chân thực của tôi đối với anh ta. Tôi phản đối:
- Không nên, anh ạ... khi cầu cứu tới anh, em đâu có nghĩ tới tiền bạc... chấm dứt câu chuyện này đi.
Anh ta yên lòng và nói:
- Thôi được rồi... Em cầm lấy cái này làm kỷ niệm.
Anh ta rút một vật ra và đặt lên trên tủ gỗ giả cẩm thạch kê đầu giường. Đưa mắt xa nhìn tặng vật, tôi nhận ngay ra chiếc hộp đựng phấn bằng vàng mà vài tháng trước đây tôi đã từng lấy cắp của bà chủ chỗ Gino làm. Tôi lắp bắp:
- Cái gì thế?
- Gino đã cho anh đấy. Đây chính là cái vật quý anh định mang bán... Tên gian thương đã trả rẻ như cướp không ấy... nhưng anh cho rằng nó có giá... vì nó bằng vàng mà.
Cố nén nỗi xúc động, tôi nói:
- Cám ơn anh.
- Có đáng gì đâu – Anh ta đáp. Sau đó anh ta mặc áo khoác ngoài và thắt đai áo. Ra tới ngưỡng cửa, anh ta quay lại nói: - Thôi! Tạm biệt.
Một phút sau, tôi nghe thấy tiếng cửa ra vào đóng sập lại.
Còn một mình, tôi tiến đến bên chiếc tủ kê đầu giường và cầm lấy chiếc hộp đựng phấn. Tôi bối rối, nhưng có lẽ càng thêm sửng sốt. Chiếc hộp đựng phấn lấp lánh trong tay tôi, còn viên hồng ngọc gắn nơi bấm lẫy chốt cứ phình to lên, và tôi có cảm giác nó lẫn toàn bộ phần bằng vàng. Một vệt máu tròn và lấp lánh trên lòng tay tôi và dồn ép xuống đấy toàn bộ trọng lượng của nó. Tôi lắc đầu, cái vệt đỏ biến mất, và tôi lại thấy chiếc hộp đựng phấn thông thường bằng vàng có gắn viên hồng ngọc. Tôi lại đặt nó lên mặt tủ kê đầu giường và đi nằm, mình quấn trong chiếc áo choàng. Tôi tắt đèn và bắt đầu suy nghĩ.
Nếu một ai đó kể cho tôi nghe chuyện xảy ra với chiếc hộp đựng phấn, tôi nghĩ hẳn tôi sẽ giễu cợt như người ta vẫn giễu cợt khi nghe chuyện gì đó lạ thường, không có thật. Nó thuộc những loại chuyện người ta bảo: “Trông kìa, nó quay mới tuyệt làm sao!”. Còn những người phụ nữ như mẹ, có thể “đánh” trong trường hợp ấy, như đánh xổ số, số này rơi vào kẻ này bị giết, số này – chiếc hộp phấn bằng vàng, số này – tên kẻ cắp. Lần này mọi chuyện xảy ra với chính bản thân tôi, và tôi rất ngạc nhiên nhận ra rằng khi tự bản thân bị cuốn và tham gia vào những chuyện nào đó thì đấy chẳng còn là chuyện đùa nữa. Chuyện xảy ra với tôi hệt như một người ném hạt giống xuống đất, rồi quên khuấy mất chúng, một thời gian sau bỗng thấy một cái cây sum suê những lá và những nụ sắp nở. Câu hỏi đặt ra chỉ còn là ở chỗ mọi sự bắt đầu từ đâu: từ hạt giống, từ cái cây, từ những nụ. Tôi suy nghĩ lùi dần vào quá khứ và không tài nào tìm ra được ngọn nguồn. Tôi đã trao thân cho Gino và hy vọng sẽ lấy hắn, nhưng hắn lừa dối tôi. Và để trêu tức Gino, tôi đã ăn cắp chiếc hộp phấn. Sau đó, tôi thú nhận tội của tôi, hắn rất hoảng sợ, và để cho hắn khỏi bị đuổi việc, tôi đã đưa cho hắn cái vật đã bị đánh cắp và đề nghị trả lại cho chủ của nó. Nhưng Gino không trả lại mà lại giữ làm của riêng, và do sợ bị trừng phạt đã tìm cách tống giam chị người hầu vô tội. Trong khi đó, Gino đưa chiếc hộp phấn cho Sonzogno đem đi bán. Sonzogno đến chỗ tay thợ kim hoàn, tên này làm gã nổi giận và do quá phẫn nộ, Sonzogno đã giết hắn. Tay thợ kim hoàn chết, Sonzogno trở thành kẻ sát nhân. Tôi nhận thấy chuyện này không phải do lỗi của mình, vì chẳng lẽ nguyện vọng muốn lấy chồng và lập gia đình lại là nguyên nhân của ngần ấy chuyện rủi ro? Tuy vậy, tôi vẫn thấy lương tâm bị cắn dứt và khiếp sợ. Cuối cùng, suy nghĩ một hồi lâu, tôi đi đến kết luận, toàn bộ tội lỗi là do cặp đùi, bộ ngực và hông của tôi, sắc đẹp của tôi – nói chung tất cả những gì mẹ đã tự hào, tất cả những gì không mang dấu vết của tội ác, tất cả những gì mà thiên nhiên đã sáng tạo ra. Song suy nghĩ như vậy là do tôi tuyệt vọng và bối rối, tôi đã bấu víu vào suy nghĩ ấy như người ta bấu víu vào bất kỳ điều nhảm nhí nào đấy chỉ nhằm giải quyết một vấn đề còn phức tạp và vô lý gấp trăm lần. Vì vậy, tôi nhận thấy không ai có lỗi cả, và mọi chuyện xảy ra như đã phải xảy ra, tuy rất khủng khiếp, và nếu phải tìm ra kẻ có lỗi thì tất cả đều có lỗi và vô tội cũng vô tội như nhau.
Bóng tối từ từ lọt vào tâm hồn tôi như trong trận lụt, thoạt đầu nhấn chìm một tầng của ngôi nhà, rồi dâng cao dần. Tất nhiên, sự thận trọng chín chắn của tôi bị nhấn chìm trước hết. Song, trí tưởng tượng của tôi - bị mê hoặc trước bởi câu chuyện của Sonzogno – vẫn tiếp tục hoạt động. Tôi không lên án và không sợ hãi tội lỗi này. Trước mắt tôi, nó xem ra đến là khó hiểu và do đó mang vẻ hấp dẫn riêng của nó. tôi hình dung Sonzogno đi dọc phố Palestro, tay đút trong túi áo khoác, gã bước vào nhà và đợi tên thợ kim hoàn ngoài phòng khách nhỏ. Tôi thấy tên thợ kim hoàn bước vào phòng, bắt tay Sonzogno. Tên thợ kim hoàn đứng cạnh bàn làm việc. Sonzogno chìa cho hắn xem chiếc hộp đựng phấn, hắn xem xét rất kỹ, rồi khinh khỉnh lắc đầu. Sau đó hắn vểnh cái mõm cáo lên và đưa ra một cái giá thấp đến nực cười. Sonzogno giương cặp mắt phẫn nộ nhìn hắn chằm chằm và giật phắt chiếc hộp trong tay hắn, rồi lớn tiếng mắng hắn là đồ bịp bợm. Tên này dọa sẽ tố cáo Sonzogno và yêu cầu gã rời khỏi phòng ngay. Rồi với điệu bộ của một người cho rằng câu chuyện đến đây là chấm dứt, hắn quay ngoắt người, có lẽ hắn hơi cúi người xuống. Sonzogno vớ chiếc chặn giấy bằng đồng và định choảng cho hắn một cái vào đầu. Hắn định bỏ chạy, lúc đó Sonzogno đuổi theo tóm được hắn và choảng cho hắn mấy cái nữa. Tin chắc tên thợ kim hoàn đã chết, Sonzogno vứt xác hắn sang một bên, mở tất cả các ngăn kéo vơ tiền bạc và bỏ trốn. Nhưng trước khi đi, như tôi được biết qua báo chí, gã lại nổi xung lên dùng gót giày cao cổ đạp vào mặt kẻ đã bị giết nằm trên sàn.
Tôi xem xét tỉ mỉ mọi chi tiết của tội ác. Tôi lần theo các hành động của Sonzogno với một vẻ gần như thích thú: gã chìa tay cầm chiếc hộp đựng phấn ra, tay gã vớ chiếc chặn giấy và choảng lên đầu tên thợ kim hoàn. Còn đây, gã nổi xung lên lấy chân đạp lên bộ mặt biến dạng của kẻ bị giết. Phác họa lại trong trí tưởng tượng tất cả các cảnh này, tôi không thấy sợ hãi, tôi không lên án, cũng không tán thành sự việc đã xảy ra. Tôi có cảm giác đặc biệt thích thú như trẻ con ngồi nghe chuyện cổ tích: các cháu ngồi chỗ ấm áp, nép bên mẹ, theo dõi những điều rủi ro của các nhân vật trong chuyện cổ tích với một vẻ thán phục. Song câu chuyện cổ của tôi ảm đạm và đẫm máu, nhân vật chính là Sonzogno, và trong nỗi thán phục của tôi bất giác có xen cảm giác sửng sốt và buồn rầu. Do muốn đi sâu vào ẩn ý của câu chuyện cổ tích này, tôi lại xem xét với một vẻ khoan khoái bâng quơ mọi chi tiết của tội ác, và lại vấp phải những điều bí ẩn nan giải. Sau đó, tôi bỗng ngủ thiếp đi, tựa hồ như rơi xuống vực thẳm như một người muốn nhảy qua vực, nhưng không lựa được sức nên rơi tõm ngay vào chỗ trống.
Có lẽ tôi đã ngủ được độ khoảng hai tiếng, sau đó tôi thức dậy. Nói đúng hơn cở thể tôi bắt đầu thức tỉnh, còn lý trí vẫn còn chìm đắm trong một sự mơ màng đờ đẫn nào đó. Tôi như người mù, tay quơ ra phía trước xem mình đang ở đâu. Tôi ngủ thiếp đi ở trên giường, thế mà lúc này lại thấy đang đứng trong một góc chật hẹp vây quanh giữa mấy bức tường nhẵn thín, thẳng đứng và kín mít. Đúng vào giây phút ấy tôi nghĩ ngay đến căn phòng giam, tôi chợt nhớ tới chị người hầu mà Gino đã bỏ tù. Tôi ở vào địa vị của chị ta, tâm hồn tôi đau đớn trước sự bất công, mà nạn nhân là chị ta. Do nỗi đau này, tôi gần như cảm thấy về mặt thể xác mình chính là chị người hầu nọ, tôi có cảm giác nỗi đau đã cải biến tôi, khoác cho tôi khuôn mặt của chị ta, ấn tôi vào cái vỏ xác thịt của chị, ép tôi phạm những hành vi của chị. Tôi đưa tay che mặt, thanh thản, lòng nghĩ rằng mình bị giam một cách bất công và hiểu rõ rằng mình không đời nào vượt ngục. Nhưng đồng thời tôi cảm thấy rằng mình vẫn là Adriana như trước, chẳng bị ai ngược đãi và chẳng bị ai bỏ tù cả. Tôi hiểu rằng mình chỉ cần một động tác thì sẽ được giải thoát và không còn là chị người hầu. Song phải làm gì, tôi cũng chẳng rõ nữa, tuy tôi bị hành hạ một cách khó tả và muốn thoát ra khỏi cảnh giam cầm trong xót thương và buồn chán này. Rồi bỗng cái tên Astarita lóe lên trong đầu tôi, tựa như sau một đòn đau vào mắt làm nảy đom đóm, người ta thấy đau nhức nhối.
“Mình đến chỗ Astarita và yêu cầu anh ta xin tha cho chị ấy” – Tôi nghĩ, sau đó chìa tay ra, tôi liền cảm thấy tường buồng giam tách ra, tạo nên một lối hẹp và tôi có thể bước ra ngoài. Tôi mò mẫm bước trong bóng tối, đụng phải nút bật đèn, tôi liền xoay mạnh một cái. Một làn ánh sáng chói chang tỏa khắp căn buồng. Hơi thở hổn hển, tôi trần truồng đứng cạnh cửa, toàn thân và mặt ướt đẫm mồ hôi lạnh toát. Chỗ tôi cứ ngỡ là phòng giam ấy chẳng qua chỉ là một khoảng trống giữa tủ đứng, bức tường và tủ commốt ngăn một phần phòng ngủ, tạo thành một góc nhỏ hẹp. Trong lúc ngủ gà ngủ gật, tôi đứng dậy, bước lên phía trước và thế là đâm ngay vào cái góc đó.
Tôi lại tắt đèn và thận trọng tiến đến bên giường. Trước khi ngủ thiếp đi, tôi nghĩ rằng tất nhiên tôi không thể làm sống lại tên thợ kim hoàn, nhưng ít ra cũng có thể cứu được chị người hầu và lúc này không có chuyện gì quan trọng hơn chuyện ấy. Bây giờ khi nhận thấy rằng mình chẳng nhân hậu như thường nghĩ, tôi có trách nhiệm phải làm bằng được việc này. Dù sao đi nữa, lòng nhân hậu của tôi chung sống yên vui một cách tuyệt vời với những thích thú do vụ đổ máu gây nên, với sự khâm phục bạo lực và thậm chí với niềm vui khó hiểu khi nghe lại quá trình thực hiện tội ác.