CHƯƠNG NĂM
Tác giả: Alberto Moravia
Tôi không rõ liệu có thật như thế không, nhưng bây giờ tôi cảm thấy rằng giấc ngủ dài và sâu đêm ấy đã xóa sạch khỏi ký ức của tôi mọi chuyện xảy ra ở Viterbo. Ngày hôm sau, tôi ngủ dậy, với niềm tin thanh thản rằng mình vẫn sẽ như trước đây, bền gan vươn tới một cuộc sống gia đình êm ấm. Sáng ra tôi gặp Gisella, cô ta không hề hé một lời nào nói đến chuyến đi hôm trước của chúng tôi, có thể cô ta bị lương tâm dằn vặt, nhưng chắc là, cô ta im lặng chẳng qua để đề phòng, song dẫu sao tôi vẫn biết ơn cô ta vì điều này. Tôi lo lắng nghĩ tới cuộc gặp sắp tới với Gino. tuy cảm thấy mình không hề có lỗi gì cả, tôi vẫn thấy cần phải nói dối anh ta, điều này làm tôi khó chịu, hơn nữa, tôi cũng không biết liệu có che giấu được không, vì từ trước tới nay, tôi đối xử chân thành với anh và đây là lần đầu tiên tôi phải sử dụng đến thủ đoạn lừa dối. Đúng là tôi đã giấu không cho anh biết tôi vẫn gặp gỡ Gisella, nhưng vị tất có thể coi sự dối trá ấy là lối thoát được, vì tôi buộc phải nói dối như vậy là do Gino có ác cảm với Gisella một cách vô lý.
Tôi bồn chồn lo lắng, và khi thấy Gino, khó khăn lắm tôi mới kìm được khỏi bật khóc, mới cố nén không buột miệng kể lại cho anh nghe mọi chuyện và xin anh tha thứ. Chuyến đi Viterbo là gánh nặng đè trĩu lòng tôi, tôi những muốn vứt bỏ gánh nặng ấy và kể rõ sự thật. Nếu Gino xử sự khác đi và không đến nỗi ghen tị như vậy, tất nhiên là tôi sẽ kể tất cho anh, sau đấy như tôi nghĩ, chúng tôi sẽ yêu thương nhau mãnh liệt hơn trước, tôi sẽ coi anh như người che chở cho tôi và chúng tôi sẽ gắn bó với nhau bền chặt hơn cả tình yêu. Sáng hôm ấy, như mọi lần, Gino cho xe dừng lại trên xa lộ quen thuộc ở ngoại thành. Anh nhận thấy tôi lo lắng liền hỏi:
- Em có chuyện gì vậy?
“Mình sẽ nói hết ngay bây giờ... – Tôi thầm nghĩ – dù anh có đuổi mình xuống xe, mình sẽ đi bộ vào thành phố”.
Nhưng tôi không đủ can đảm, đáng lẽ phải trả lời tôi lại hỏi:
- Anh có yêu em không?
- Tất nhiên là có – Anh đáp.
- Và anh sẽ mãi mãi yêu em chứ? – Tôi đưa cặp mắt đầy lệ nhìn nah và hỏi.
- Mãi mãi.
- Chúng mình sắp lấy nhau phải không anh?
Rõ ràng anh chán ngấy cái kiểu căn vặn của tôi.
- Nói thật hình như em không tin anh... Thì chúng ta đã chẳng quyết định đến Lễ Phục sinh sẽ cưới nhau đấy sao?
- Ừ, đúng vậy.
- Thì anh đã chẳng đưa em tiền để thu xếp nhà của chúng ta đấy ư?
- Anh có đưa.
- Nghĩa là, dẫu sao, anh cũng là một người trung thực? Khi nào anh hứa gì, anh sẽ giữ đúng lời hứa... Tất nhiên, đấy là mẹ em đã xui em chống lại anh.
- Không, không, mẹ em chẳng liên quan gì đến chuyện này đâu – Tôi vội đáp – Anh ạ, chúng ta sẽ chung sống với nhau chứ?
- Tất nhiên.
- Và sẽ sống hạnh phúc?
- Cái đó còn tùy thuộc vào chính bản thân chúng ta.
- Nghĩa là chúng ta sẽ chung sống với nhau? – Tôi hỏi lại vì những suy nghĩ đầy lo âu dằn vặt tôi như lúc trước.
- Ôi dào... Em đã hỏi và anh đã trả lời em rồi.
- Bỏ qua cho em – Tôi nói - Nhưng đôi lúc, em thấy những chuyện đó xem ra viển vông thế nào ấy.
Tôi không kìm được, lại òa khóc, Gino rất ngạc nhiên và thậm chí bối rối trước nước mắt của tôi, sự bối rối ấy hình như do lương tâm bị cắn rứt. Nhưng chỉ mãi sau này tôi mới hiểu rõ được nguyên nhân.
- Thôi, thôi nín đi nào – Anh bảo – Sao em khóc?
Thật ra tôi khóc vì giận thân, vì ngay ngáy lo rằng không thể kể hết với anh và thông qua sự ăn năn chân thành mà làm vơi nỗi lòng mình. Tôi còn khóc vì đắng cay, cảm thấy mình không xứng đáng với con người tốt bụng và rất mực trung thực này.
Cuối cùng tôi trấn tĩnh lại và nói:
- Anh nói đúng, em đến là ngốc...
- Anh không nói vậy, nhưng anh chẳng thấy có lý do gì để phải khóc cả.
Toàn bộ gánh nặng đó vẫn đè nặng trong lòng tôi. Ngày hôm ấy, sau khi chia tay Gino, tôi đến nhà thờ để xưng tội. Gần một năm nay tôi không xưng tội, tôi cho rằng việc này làm bao giờ mà chẳng được, nên yên tâm. Tôi thôi không xưng tội từ khi Gino hôn tôi lần đầu. Tôi nhận thấy rằng tôn giáo coi những mối quan hệ tồn tại giữa tôi và Gino là tội lỗi, nhưng tin rằng chúng tôi sẽ lấy nhau, tôi không còn cảm thấy lương tâm bị cắn rứt và hy vọng sẽ được xá tội ngay trước lúc cưới.
Tôi đến ngôi nhà thờ nhỏ ở trung tâm thành phố, nằm giữa rạp chiếu bóng và một cửa hàng. Điện thờ chính và điện thờ Đức Mẹ nổi bật lên như một vệt sáng giữa bóng tối nhờ nhờ trong nhà thờ. Nhà thờ bẩn thỉu, ghế mây để ngổn ngang, người đến dự lễ để thế nào thì sau buổi lễ chúng cứ y nguyên như vậy, tựa hồ như nơi đây đã có một cuộc họp buồn chán lắm và người ta thở dài nhẹ nhõm khi ra về, chứ không hẳn là một cuộc làm lễ nữa.
Một làn ánh sáng yếu ớt hắt qua cửa sổ nằm ngay dưới vòm mái, rọi sáng sàn nhà đầy bụi và các hình đắp nổi bằng vữa trên các cột quét sơn màu cẩm thạch. Nhiều mảnh giấy bạc cắt hình các trái tim đang bốc cháy được treo trên khắp các mặt tường ứng với các lời thề và lời nguyền đã thốt ra và tất cả quang cảnh này gợi cho ta nghĩ tới một quầy bán đồ hàng thiếc buồn tẻ. Nhưng không khí đậm mùi trầm hương đã làm tôi an tâm. Hồi nhỏ, tôi thường ngửi hương thơm ấy nên lúc này nó thức tỉnh trong tôi những hồi ức thơ ngây và dịu ngọt. Tuy lần đầu tiên bước vào nhà thờ này, song tôi có cảm giác như mình đã đến đây nhiều lần.
Trước khi xưng tội, tôi rất muốn ghé vào điện lớn ở bên cạnh, nơi có đặt tượng Đức Mẹ Đồng Trinh. Ngày mới lọt lòng tôi đã được dâng Đức Mẹ bổn mạng, và ngay mẹ tôi cũng bảo rằng những đường nét thẳng trên khuôn mặt và cặp mắt đen, to và dịu dàng của tôi giống Đức Mẹ. Tôi kính yêu Đức Mẹ vì Người đã bồng một đứa trẻ sau này trở thành người đàn ông bị giết hại. Đức Mẹ đã sinh ra và yêu thương người này như người mẹ có thể yêu thương con trai mình, nên đã đau đớn biết bao khi thấy con mình bị đóng đinh câu rút trên cây thánh giá. Tôi thường nghĩ bản thân Đức Mẹ mới hiểu thấu nỗi buồn của tôi, vì vậy ngay từ nhỏ tôi chỉ cầu nguyện mỗi Đức Mẹ. Tôi còn thích Đức Mẹ vì một lẽ nữa là Người bình thản và điềm tĩnh, ăn mặc đẹp. Người không giống mẹ tôi. Người đưa mắt nhìn tôi một cách dịu dàng, và tôi coi người mẹ thực sự của tôi là Đức Mẹ, chứ không phải là người mẹ luôn mồm hò hét, lúc nào cũng tất bật hối hả, hơn nữa lại ăn mặc lôi thôi.
Vì vậy tôi quỳ xuống, đưa hai tay ôm mặt và cúi đầu đọc một bản kinh dài. Tôi cầu xin Đức Mẹ tha thứ và che chở cho tôi, cho mẹ và cho Gino. Sau đó tôi nhớ là mình chẳng cần che giấu lâu hơn nỗi hờn giận của con người, nên tôi cầu xin người che chở cho Gisella, do ghen ghét và phản bội tôi, cho Ricardo, do khờ khạo tiếp tay cho cô ta, và cuối cùng cho Astarita. Tôi cầu nguyện đặc biệt sốt sắng cho Astarita vì đã giận anh ta nhiều nhất, tôi muốn quên đi nỗi giận này, muốn yêu mến anh ta như yêu mến những người khác, muốn tha thứ cho anh ta và chẳng bao giờ nhớ tới nỗi đắng cay mà anh ta đã gây cho tôi. Cuối cùng, tôi mủi lòng đến nỗi nước mắt cứ trào ra. Tôi nhìn bức tượng Đức Mẹ trên điện thờ và qua dòng nước mắt – đã làm mờ mắt tôi – tôi thấy Đức Mẹ bồng bềnh chập chờn như đang ở dưới nước, còn nến cháy quanh tượng gợi tôi liên cảm tới những nét điểm vàng trông thích mắt những buồn buồn, hệt như lúc ta nhìn lên các vì sao – chúng san sát nhau, ta những muốn với tới chúng song không biết làm cách nào. Tôi đứng hồi lâu, đưa mắt nhìn song hầu như không trông rõ Đức Mẹ, sau đó nước mắt tuôn trào và chảy ròng ròng trên má tôi, còn Đức Mẹ bồng đứa trẻ đang nhìn tôi, ánh nến rọi sáng vào khuôn mặt người. Tôi có cảm giác Đức Mẹ đang nhìn tôi vẻ thông cảm và yêu thương. Cảm tạ Người, tôi đứng dậy và lòng thanh thản đi xưng tội.
Tất cả các phòng xưng tội đều vắng ngắt, tôi đưa mắt nhìn quanh tìm một linh mục và bỗng một người từ phía sau cánh cửa nằm ở bên trái bước ra, đi qua điện thờ, quỳ xuống làm dấu thánh và lại đi tiếp. Đấy là một cha cố. Tôi không phân biệt được cha thuộc dòng tu nào. Tôi cố lấy can đảm và khẽ chào cha. Cha ngoái lại và liền đến bên tôi. Cha còn trẻ, người cao lớn, lực lưỡng, mặt hồng hào, sung sức và gan dạ, mắt xanh lơ, trán cao và trắng mịn. Tôi bất giác nhận thấy cha đẹp trai. Dễ gì gặp những người đàn ông như thế này, không những trong nhà thờ mà cả ở ngoài đường phố nữa. Tôi thấy vui vì được xưng tội với chính cha. Tôi khẽ trình bày lý do đến đây, cha hơi gật đầu mời tôi vào phòng nghe xưng tội.
Cha bước vào cabin, tôi chuẩn bị quỳ trước lớp chấn song. Trên một tấm tráng men gần nơi tường trong phòng xưng tội có thấy ghi một cái tên Pater Elia, Illi – nhà tiên tri – một cái tên tôi thích, tình tiết này đã động viên tôi. Tôi quỳ xuống, cha cố đọc một bài kinh ngắn và hỏi:
- Con không xưng tội đã bao lâu rồi?
- Thưa Cha, gần một năm ạ.
- Lâu đấy, khá lâu đấy... Sao vậy?
Tôi nhận thấy cha phát âm chữ “r” như một người Pháp nói tiếng Ý chưa thật nhuần. Ngoài ra cha mấy lần bị nhầm: cha nói lái từ nước ngoài theo kiểu tiếng Ý. Do đó, tôi dứt khoát khẳng định rằng cha là người Pháp. Điều này làm tôi cảm thấy vui vui, bản thân chẳng rõ vì sao nữa. Có thể, khi ta định đi một bước đi quan trọng thì mọi điều ngẫu nhiên được coi là điềm lành.
Tôi đáp đấy chính là lý do vì sao tôi muốn xưng tội với cha và giải thích rõ nguyên do đã lâu tôi không đến phòng xưng tội. Sau một lúc im lặng không lâu, cha hỏi xem tôi định nói gì, tôi liền chân thành thẳng thắn kể lại mối quan hệ của tôi và Gino, tình bạn của tôi với Gisella, chuyến đi Viterbo và hành động ti tiện của Astarita. Tôi kể đến đây, nhưng bản thân vẫn nghĩ xem lời tôi có gây ấn tượng gì với cha không. Cha chẳng giống như một vị linh mục thông thường, mà dáng vẻ từng trải của cha buộc tôi phải đoán xem vì sao cha lại khoác áo nhà tu. Kể cũng lạ là sau khi cầu nguyện Đức Mẹ, tôi thấy trong lòng tôi dâng lên một nỗi xúc động dịu ngọt biết nhường nào, tôi nhanh chóng yên tâm tới mức liền để ý ngay đến người nghe mình xưng tội, song tôi cho rằng nỗi xúc động và sự tò mò không mâu thuẫn nhau. Tất cả những điều này được giải thích thông qua bản chất thiên tính của tôi, trong đó lòng sùng đạo và tính đỏng đảnh, sự trầm ngâm và tính đa tình quyện chặt vào nhau thành một khối.
Ngẫm nghĩ về cha cố, tôi cảm thấy nhẹ nhõm dễ chịu và cứ muốn kể hết với cha. Tôi thấy rũ sạch được gánh nặng hãi hùng ở trong lòng và tươi tỉnh lại như một bông hoa được hấp thụ những giọt mưa đầu tiên sau đợt oi bức kéo dài, mòn mỏi. Thoạt đầu tôi nói, giọng e dè và lưỡng lự, sau đó cứ lưu loát, lưu loát dần, cuối cùng sôi nổi và chân thành, tràn đầy hy vọng tươi sáng. Tôi chẳng che giấu điều gì, tôi kể câu chuyện Astarita đã đưa tôi tiền và những cảm giác mà món quà ấy đã gây ra cho tôi, cùng dự định của tôi chi tiêu món tiền đó. Cha nghe và không ngắt lời, khi tôi ngừng kể, cha bảo:
- Do muốn tránh những điều phiền phức, do sợ phải đoạn tuyệt với người chồng chưa cưới, con đã làm hại bản thân gấp ngàn lần...
- Thưa cha, vâng, đúng như vậy – Tôi vui sướng đến run rẩy nói như vậy, tôi có cảm giác cha đã dùng bản tay dịu dàng cởi mở cõi lòng tôi.
- Thành thực mà nói – Cha nói tiếp, tựa hồ như đang thầm nghĩ - Chuyện này chẳng liên quan gì đến chuyện đính hôn của con, con nhượng bộ con người đó chẳng qua là do bị tính hám lợi quyến rũ.
- Thưa cha, vâng, đúng thế ạ.
- Dẫu phải từ bỏ đám cưới, còn hơn hành động như vậy.
- Con cũng nghĩ thế.
- Nghĩ chưa đến đầu đến đũa... Rồi con sẽ lấy chồng, song sẽ phải trả giá ra sao? Con sẽ chẳng bao giờ trở thành một người vợ tốt.
Tôi sửng sốt vì sự nghiệt ngã và kiên quyết trong lời cha, thốt lên giọng buồn bã:
- Nhưng tại sao ạ? Chuyện ấy chẳng có ý nghĩa gì với con cả... Con tin rằng con sẽ trở thành một người vợ tốt.
Có lẽ thái độ chân thực của tôi đã làm cho cha mủi lòng. Cha im lặng hồi lâu, sau đó dịu dàng hỏi:
- Con có thành tâm sám hối không?
- Tất nhiên, tất nhiên ạ - Tôi thổn thức đáp.
Bỗng tôi chợt nghĩ rằng cha muốn tôi hoàn lại tiền Astarita, và tuy thấy trước tôi sẽ buồn, song dẫu sao tôi cảm thấy mình sẽ ngoan ngoãn phục tùng theo lệnh cha, lệnh của một người tôi có cảm tình và làm cho tôi tin tưởng đến như vậy. Nhưng cha không hề đả động đến khoản tiền, mà nói tiếp, giọng chắc nịch lơ lớ tiếng nước ngoài đã gây cho tôi một cảm tình đặc biệt.
- Bây giờ con phải nhanh chóng lấy chồng đi, tổ chức như đã quy định... phải giải thích với chồng chưa cưới của con rằng không thể tiếp tục cách ăn ở như trước đây được.
- Thưa cha, con đã bảo với anh ấy thế rồi ạ.
- Thế anh ta đáp sao?
Tôi bất giác mỉm cười khi thấy vị cha cố đẹp trai, có mái tóc vàng hoe hỏi câu ấy trong căn buồng xưng tội mờ tối. Tôi đáp:
- Thưa cha, anh ấy bảo chúng con sẽ lấy nhau vào dịp lễ Phục sinh ạ.
- Thế thì tốt. Đến lễ Phục sinh cũng chẳng con bao lâu... – Cha suy nghĩ một lát rồi nói tiếp, lúc này tôi cảm thấy cha nói với tôi không phải với tư cách một tu sĩ mà là một người tao nhã lịch sự đã chán ngấy việc của tôi.
- Thưa cha, chúng con không thể tổ chức đám cưới sớm hơn được... con phải chuẩn bị... còn anh ấy phải về quê gặp bố mẹ.
- Dù thế nào đi nữa – Cha nói tiếp – Con cũng phải tổ chức nhanh lên, cho đến ngày cưới, con không được có quan hệ tầm thường nào với chồng chưa cưới, đấy là một tội nặng, con rõ chưa?
- Thưa cha, vâng, con sẽ giữ ạ.
- Sẽ giữ à? – Cha hỏi lại, giọng ngờ vực – Dù thế nào đi nữa, con hãy cầu nguyện để không bị sa ngã, con cố mà cầu nguyện.
- Thưa cha vâng, con sẽ cầu nguyện.
- Với người đàn ông kia – Cha nói tiếp – Dù bất luận thế nào con cũng không được gặp lại... Kể cũng không khó, vì con không yêu anh ta... Nếu anh ta năn nỉ và đến với con, con phải xua đuổi anh ta.
Tôi đáp tôi nhất định sẽ cư xử như vậy, cha dạy tôi thêm một đôi lời nữa, vẫn với giọng chắc nịch nghe thật dễ chịu va lơ lớ tiếng nước ngoài và đượm vẻ tao nhã, sau đó, cha dặn tôi phải cầu nguyện ngày vài lần để sám hối và làm nhẹ tội. Nhưng trước khi cho tôi về, cha bảo muốn cùng tôi đọc bài “Kính lạy Cha”. Tôi vui vẻ nhận lời vì chưa muốn về, tôi cứ muốn nghe mãi giọng cha. Cha đọc:
- Lạy Cha, chúng tôi ở trên lời.
Tôi nhắc lại theo cha:
- Lạy Cha, chúng tôi ở trên lời.
...
Tôi nhắc lại từng lời bài kinh để một lần nữa ở trong nỗi xúc động đã từng cảm thấy khi cùng cha cầu nguyện. Tôi cảm thấy mình bé tí tẹo, còn cha cầm tay tôi dẫn lần qua câu này đến câu kia. Song tôi nhớ tới khoản tiền Astarita cho tôi và hơi buồn là cha không bắt tôi phải trả lại. Thực tình mà nói, tôi muốn cha ra lệnh cho tôi phải trả lại tiền, vì như vậy tôi có dịp tỏ rõ trên thực tế lòng thành tâm, sự phục tùng và ước muốn sám hối của tôi, tôi muốn vì cha sẽ hy sinh một cái gì đấy.
Cầu nguyện xong tôi đứng dậy. Cha bước ra khỏi buồng kín và trước khi bỏ đi, khẽ gật đầu chào nhưng mắt không nhìn tôi. Lúc đó, tôi vô tình – chính bản thân cũng không nhận rõ hành vi của mình – kéo nhẹ tay áo cha. Cha dừng lại và đưa cặp mắt trong sáng, lạnh lùng và bình tĩnh nhìn tôi.
Vào giây phút ấy, tôi thấy cha đặc biệt đẹp trai và hàng ngàn ý nghĩ điên rồ vụt qua trong đầu óc. Tôi nghĩ làm sao có thể bày tỏ nỗi lòng với cha và xem liệu có thể yêu cha được không? Song tiếng nói của lý trí đã ngăn tôi lại, nhắc nhủ tôi rằng mình đang ở trong nhà thờ và cha là một linh mục và là linh mục nghe tôi xưng tội. Tất cả những ý nghĩ ấy xâm chiếm lòng tôi và làm tôi xao xuyến không nói được lời nào. Lúc ấy, chờ một lát, cha cất tiếng hỏi:
- Con còn điều gì muốn hỏi nữa à?
- Thưa cha, con muốn biết xem có phải trả lại tiền cho người đó không?
Cha liếc mắt nhìn tôi, vẻ cay độc như xuyên xoáy tận đáy lòng tôi, sau đó cha hỏi, giọng nhát gừng:
- Con nghèo túng lắm phải không?
- Thưa cha, vâng ạ.
- Như vậy con có thể chẳng cần phải trả lại... bất kỳ thế nào, con cố sống như lương tâm nhắc bảo.
Cha nói những lời này với giọng đặc biệt, ý muốn cho biết rằng cuộc trao đổi đã chấm dứt.
- Cảm ơn cha – Tôi nhìn thẳng vào mắt cha và khẽ nói.
Đúng lúc đó, tôi gần như mất bình tĩnh và hy vọng rằng cha có ý muốn tỏ rõ, dù chỉ là một dấu hiệu hay lời nói là tôi không phải không đáng để cha chú ý tới. Tất nhiên cha hiểu rõ cái nhìn của tôi, và một chút ngạc nhiên thoáng qua trên nét mặt cha. Cha gật đầu chào từ biệt, quay người bỏ đi, để lại một mình tôi bối rối và ưu tư bên buồng nghe xưng tội.
Tôi không hề hé răng nói với mẹ một tí gì về buổi đi xưng tội cũng như chuyến đi Viterbo. Tôi thừa biết ý kiến của mẹ về các linh mục và tôn giáo, mẹ bảo: tất cả những vấn đề ấy đều tốt cả thôi, song người giàu thì vẫn giàu, còn kẻ nghèo thì vẫn xác xơ.
- Chắc hẳn người giàu biết cách cầu nguyện - Mẹ nói thêm.
Mẹ coi vấn đề tôn giáo hệt như vấn đề hôn nhân và gia đình, đã có hồi mẹ sùng đạo, không bỏ một buổi lễ nào, nhưng tuy vậy công việc của mẹ vẫn chẳng đâu vào đâu, nên mẹ bỏ cả tín ngưỡng. Một lần, tôi bảo trên đời này mọi sự đều được đền bù xứng đáng, mẹ cười chế giễu tôi và tuyên bố rằng mình muốn có ngay mọi thứ ở trên đời, còn nếu không thì tất cả những điều đó chỉ là chuyện tào lao. Song như tôi đã nói, mẹ đã giáo dục tôi hoàn toàn vâng lời Chúa mà có hồi chính bản thân mẹ đã tin. Có điều gần đây nỗi bất hạnh làm mẹ trở nên ác nghiệt và mẹ đã thay đổi cách nhìn nhận của mình.
Sáng hôm sau, khi tôi lên xe ngồi cạnh Gino, anh bảo rằng ông bà chủ đi vắng mấy ngày, chúng tôi có thể hẹn hò nhau ở biệt thự. Thoạt đầu tôi rất vui, vì như tôi đã nói, tôi thích đắm mình trong những thứ luyến ái, cụ thể là với Gino. Sau nhớ lại lời hứa với cha linh mục, tôi bảo:
- Không, không được đâu.
- Tại sao?
- Vì không được.
- Thôi, đành vậy – Anh thở dài nhượng bộ - Thế mai nhé.
- Không, mai cũng không được, chẳng bao giờ được nữa đâu.
- Chẳng bao giờ - Anh hạ giọng nhắc lại, vẻ vờ vịt ngạc nhiên – Chà, ra là thế đấy? Chẳng bao giờ, nhưng em cho anh biết rõ lý do chứ? – Anh nhìn tôi với con mắt nghi ngờ.
- Anh Gino – Tôi vội bảo – Em yêu anh và lúc này yêu ạnh mãnh liệt hơn bao giờ hết... song chính vì vậy em quyết định chừng nào ta chưa tổ chức kết hôn thì tốt hơn hết chúng ta phải giữ... Anh ạ...
- A, bây giờ thì rõ rồi – Anh tức giận thốt lên – Em sợ anh không lấy em làm vợ.
- Không, em tin chúng mình sẽ lấy nhau, nếu không em đã chẳng bàn tính với anh mọi chuyện ấy và chi tiêu món tiền mẹ em suốt đời đã dành dụm.
- Chà, em quá quan tâm đến khoản tiền đó đấy! – Gino bảo. Tôi không còn nhận ra anh nữa, khuôn mặt Gino đã thay đổi trông thật đáng ghét.
- Em đã đi xưng tội, cha nghe xưng tội ra lệnh cho em phải biết giữ mình trước những mối quan hệ luyến ái, chừng nào chưa tổ chức kết hôn.
Gino cau mày vẻ không bằng lòng và buột miệng ra những lời gần như là một sự xúc phạm đối với tôi:
- Thế cái ông linh mục đó có quyền gì mà lại chõ mũi vào công việc của chúng ta? – Tôi thấy nên im đi là hơn cả - Nói xem nào, tại sao em không trả lời?
Chắc hẳn anh nhận thấy tôi đã quyết định việc gì thì khó có thể lay chuyển được, nên bỗng đổi giọng bảo:
- Thôi được rồi... sẽ như ý em vậy... nghĩa là chở em vào thành phố phải không?
- Tùy anh.
Cần phải nói rằng đây là lần đầu tiên Gino để lộ mặt xấu của mình và sỗ sàng đối với tôi. Ngay hôm sau, anh lại có thái độ khiêm nhường và đối xử với tôi dịu dàng ân cần, chăm sóc như mọi lần. Chúng tôi lại gặp nhau hàng ngày như trước đây, có điều lúc này không làm tình nữa mà chỉ hạn chế trong những câu chuyên trao đổi với nhau. Đôi lúc tôi hôn Gino, tuy thành thực mà nói, anh không yêu cầu tôi. Tôi cho rằng hôn không phạm tội, vả lại, dẫu sao chúng tôi cũng đã đính hôn và chỉ ít bữa nữa sẽ cưới mà thôi. Lúc này, nghĩ lại thời đó, tôi cho rằng Gino đã nhanh chóng chịu nhập cái vai anh chồng chưa cưới nhũn nhặn chẳng qua anh ta hy vọng làm nguội lạnh những mối quan hệ giữa chúng tôi và lẳng lặng dồn tôi đến chỗ phải đoạn tuyệt. Thường xảy ra sau một cuộc đính hôn dài dằng dặc và bẽ bàng, người ta bỏ rơi cô gái vào những năm tháng tươi đẹp nhất của thời trẻ trung đã trôi qua. Do đó, nghe theo lời vị linh mục, tôi vô tình tạo cho Gino lý do - chắc hẳn anh ta tìm kiếm từ lâu - để phá bĩnh đám cưới của chúng tôi. Bản thân anh ta, tất nhiên, do nhu nhược và ích kỷ, chẳng bao giờ dám quyết định những chuyện như vậy. Vả lại, khoái lạc mà anh ta tận hưởng trong những buổi gặp gỡ giữa hai chúng tôi còn mãnh liệt hơn cả ý định bỏ rơi tôi. Nhưng sự can thiệp của cha cố cho phép anh ta sử dụng cái lý do giả nhân giả nghĩa và khoác áo vô tư ấy.
Một thời gian sau, anh bắt đầu đến gặp tôi không thường xuyên – nghĩa là hàng ngày – mà chỉ khi nào có điều kiện. Tôi nhận thấy những cuộc dã ngoại trên xe ôtô ngày một thu ngắn lại và anh càng có vẻ lơ đễnh khi nghe bàn bạc đến đám cưới. Tuy nhận thấy sự thay đổi, tôi vẫn không hề nghi ngờ gì cả, tôi coi tất cả những điều ấy là vặt vãnh, chủ yếu anh vẫn đối xử dịu dàng và tôn trọng tôi như trước đây. Cuối cùng, một hôm anh rầu rầu tuyên bố với tôi rằng theo yêu cầu của hai cụ đằng nhà, đành phải hoãn đám cưới của chúng tôi đến mùa thu.
- Em buồn lắm phải không? – Gino hỏi, giọng lúng túng vì thấy tôi không bộc lộ nỗi buồn của bản thân mà chỉ im lặng và ủ rũ nhìn chăm chăm một điểm phía trước.
- Không, không – Tôi bừng tỉnh và đáp – Không quan trọng anh ạ... em sẽ đợi, vả lại thời gian ấy em mới chuẩn bị kịp.
- Em nói không đúng sự thật... Em rất buồn.
Kể cũng lạ khi thấy Gino cứ ép tôi phải thú nhận là tôi buồn trước sự việc hoãn đám cưới lại.
- Thì em đã bảo với anh là em chẳng thấy buồn phiền mấy mà.
- Thế nghĩa là em không thực sự yêu anh, và chắc hẳn em chẳng đau buồn nếu thậm chí chúng mình không lấy nhau.
- Đừng nói vậy – Tôi hốt hoảng bảo - Thế thì thật là khủng khiếp... Em chẳng muốn nghĩ tới điều đó.
Gino cau mày, tôi chẳng rõ vì sao. Chắc Gino thử xem tôi gắn bó với anh tới mức độ nào và trái với ý muốn của bản thân, anh thấy tôi còn rất gắn bó với anh.
Thậm chí việc hoãn đám cưới lại cũng không làm tôi nghi ngờ song nó khẳng định thêm ý kiến trước đây của mẹ và của Gisella. Thoạt đầu, như đôi lúc thường thấy ở mẹ (kể cũng là một điều hoàn toàn kỳ lạ với một người bẳn tính và hay nổi cáu) mẹ không hề có phản ứng khi nghe cái tin này. Nhưng vào một buổi tối nọ, khi cho tôi ăn tối mẹ lẳng lặng đứng bên bàn, chờ lúc tôi ăn, bỗng lên tiếng đáp lại những lập luận của tôi về việc hoãn cưới xin.
- Con có biết vào thời của mẹ, người ta gọi các cô gái đại loại như con, chờ đợi mãi, chờ đợi hoài đám cưới, nhưng chẳng thấy tổ chức là gì không?
Tôi tái mặt, giật thót người:
- Là gì ạ?
- Một cô gái để phòng xa - Mẹ bình tĩnh đáp – Nó giữ chân mày để phòng xa, kiêu như người ta dự trữ thịt ấy... Khi nào thịt thối, người ta quẳng vào sọt rác.
Lời mẹ làm tôi cáu điên và bảo:
- Không đúng đâu mẹ, xét cho cùng đây mới là lần đầu anh ấy hoãn cưới... mới lại vỏn vẹn có vài tháng thôi... chẳng qua mẹ ghét Gino vì anh ấy là lái xe chứ không phải là một Signor quan trọng.
- Mẹ hoàn toàn không phản đối anh ta.
- Không, có đấy... hơn nữa còn vì mẹ đã phải chi tiền cho căn phòng của chúng con, nhưng mẹ đừng lo...
- Con gái mẹ ơi, con hoàn toàn bị mù quáng vì yêu rồi đấy.
- Con bảo mẹ đừng lo, anh ấy sẽ đóng góp nốt chỗ tiền phải chi cho việc mua sắm đồ gỗ, còn tiền của mẹ bỏ ra, chúng con xin hoàn lại... Đây, mẹ xem.
Tôi xúc động mở ví xách tay, lấy số tiền đã nhận của Astarita ra đưa cho mẹ xem:
- Đây là tiền của anh Gino – Tôi sôi nổi nói tiếp, đến nỗi bản thân chẳng còn tin là mình nói dối – Anh ấy đưa cho con và hứa đưa thêm nữa.
Mẹ nhìn số tiền với vẻ mặt thất vọng và hối hận tới mức tôi thấy lương tâm bị cắn rứt. Lần đầu tiên trong thời gian gần đây tôi đã đối xử với mẹ chẳng ra sao cả, tôi đã lừa dối mẹ, vì đây đâu phải là tiền Gino đưa. Mẹ lẳng lặng thu dọn bàn, rồi ra khỏi phòng. Mẹ đứng bên bồn rửa, lưng quay về phía tôi và đang rửa bát đĩa, rồi xếp lên chiếc bàn lát đá hoa để cho khô, mẹ so vai rụt cổ, tôi thấy thương mẹ. Tôi đột ngột ôm cổ mẹ và nói:
- Con xin lỗi mẹ, con chẳng muốn làm mẹ phải giận... Song cứ hễ nghe mẹ nói tới Gino là con lại mụ cả người.
- Thôi được, được rồi, buông mẹ ra - Mẹ đáp và cố gỡ khỏi vòng tay tôi.
- Nhưng mong mẹ hiểu cho – Tôi hăng say nói tiếp - Nếu Gino không cưới được con thì hoặc con sẽ tự sát, hoặc con sẽ làm gái điếm.
Khi nghe tin hoãn cưới, Gisella có thái độ giống hệt mẹ. Chúng tôi có mặt ở phòng được trang bị đồ gỗ của cô ta. Tôi ngồi trên giường còn cô ta mặc độc chiếc áo cánh lót đang trải đầu trước gương. Sau khi nghe tôi kể, Gisella bình tĩnh nói, giọng thỏa mãn:
- Mình nói có sai đâu.
- Nói gì?
- Hắn chẳng muốn lấy cậu làm vợ và chẳng bao giờ cưới đâu... Bây giờ hắn hoãn đám cưới từ lễ Phục sinh đến ngày lễ Các Thánh... còn từ lễ Các Thánh sang lễ Giáng Sinh... cuối cùng một ngày nào đó cậu sẽ chán ngấy tất cả các trò ấy và bản thân phải bỏ hắn.
Tôi đau buồn và nổi khùng trước những lời ấy. Nhưng tôi đã trút cơn giận lên mẹ, và ngoài ra tôi thấy rằng nếu nói toạc ra cho Gisella biết rằng tôi đang nghĩ gì về cô ta, ắt chúng tôi sẽ phải xa nhau, mà tôi thì chẳng muốn vậy vì Gisella là người bạn gái duy nhất của tôi. Còn về chuyện đó tôi nghĩ như sau: chẳng qua Gisella không muốn tôi lấy Gino, do biết chắc rằng chẳng bao giờ Ricardo lấy cô ta. Sự thật vẫn cứ là sự thật, nhưng nói ra điều đó với cô ta thì kể cũng quá đáng. Tôi nhận thấy mình không có quyền giữ Gisella chỉ vì khi nói với tôi về Gino, cô ta bị lòng đố kị và ghen ghét cám dỗ, có lẽ cũng do vô tình thôi. Vì vậy tôi chỉ nói:
- Thôi đừng nói đến chuyện đó nữa. Xét cho cùng, việc mình lấy chồng hay không chẳng quan trọng đối với cậu... Mình không thích nói tới chuyện đó.
Gisella bỗng dưng đứng dậy đến ngồi bên tôi.
- Tại sao lại chẳng quan trọng đối với mình? – Cô ta hết sức phản đối, rồi ngồi ôm lưng tôi và nói tiếp: - Ngược lại thấy cậu bị xỏ mũi mình cứ lộn tiết lên.
- Chẳng ai xỏ được mũi mình cả - Tôi khẽ bảo.
- Mình muốn cậu sống hạnh phúc – Gisella im lặng một lát, rồi như thể tiện nói luôn – Nhân đây, Astarita cứ lẵng nhẵng tới hành tội mình, yêu cầu được gặp cậu. Hắn ta bảo không thể sống thiếu cậu được, hắn nói hắn yêu cậu tha thiết... Cậu có muốn mình thu xếp để hai người gặp nhau không?
- Đừng nói chuyện với mình về Astarita – Tôi đáp.
- Hắn ta biết lúc ở Viterbo đã xử sự chẳng ra sao cả - Gisella nói tiếp – Nhưng sở dĩ hắn làm như vậy vì quá yêu cậu... Bằng mọi giá, hắn ta muốn được nói chuyện với cậu. Tại sao hai người lại không gặp nhau, chẳng hạn như trong tiệm cà phê, cả mình cùng đi nữa?
- Không – Tôi kiên quyết từ chối – Tôi không muốn thấy mặt anh ta.
- Sau sẽ hối cho mà xem.
- Cậu đi mà sống với anh ta.
- Chẳng phải bàn đâu cô bạn thân mến ạ... Anh ta là một người hào phóng, tiêu tiền không tiếc... Anh ta yêu cậu, chẳng qua bị bỏ bùa mê.
- Nhưng mình có yêu anh ta đâu?
Gisella còn tâng bốc Astarita một hồi lâu, song tôi không nhượng bộ, hồi ấy, nguyện vọng lấy chồng và sống một cuộc đời êm đềm trong gia đình mãnh liệt tới mức tôi kiên quyết không để bất kỳ một sự rủ rê hay tiền bạc nào quyến rũ. Tôi thậm chí quên mất cái cảm giác dễ chịu đã vô tình cảm thấy khi Astarita cố giúi tiền vào tay tôi lúc đi trên đường từ Viterbo về. Tôi càng khăng khăng và hy vọng bấu víu vào chuyện hôn nhân còn là sợ rằng Gisella và mẹ đã nói đúng và nói chung sẽ chẳng bao giờ tổ chức được hôn lễ.