watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cô gái thành Rome-CHƯƠNG CHÍN - tác giả Alberto Moravia Alberto Moravia

Alberto Moravia

CHƯƠNG CHÍN

Tác giả: Alberto Moravia

Cuộc đời tôi tất tả xoay vần. Trước mắt tôi thấp thoáng hết khuôn mặt nọ tiếp khuôn mặt kia, như chiếc vòng quay ở công viên Mặt Trăng mà tôi đã thấy hồi còn nhỏ khi tôi nhìn qua cửa sổ phòng mình, trái tim tôi rộn vui trước ánh đèn nhấp nháy.
Chiếc vòng quay gắn độc mấy hình và quay mãi lần lượt thế nhau. Thoạt đầu là hình thiên nga, sau đó là quả trứng nhuộm màu, con rồng và cứ như thế mãi cho tới khuya, chiếc đu thấp thoáng cạnh ta dưới làn nhạc the thé, rầu rĩ và tiếng chuông con đơn điệu. Trước mắt tôi thấp thoáng những khuôn mặt đàn ông, cũng đơn điệu hệt như vậy, đại bộ phận tôi có quen biết, một số mới gặp lần đầu, nhưng chẳng khác nhau mấy. Giacinti từ Milan về và tặng tôi những đôi bít tất lụa, tôi gặp anh ta mấy tối liền, sau đó Giacinti ra đi, tôi lại gặp Gino một tuần hai bận. Nhưng tối còn lại, tôi sống với mấy người đàn ông, kẻ gặp ngoài phố, người thì do Gisella giới thiệu. Thôi thì đủ loại: trẻ có, trung niên có, cả già nữa. Một số dễ chịu, xử sự đúng mực, một số khó chịu, coi tôi như đồ vật, nhưng một khi tôi đã quyết định thay đổi tình nhân thì xét cho cùng, điều ấy chẳng có ý nghĩa gì... Tôi bắt đầu quen với đàn ông ở ngoài phố hoặc trong tiệm cà phê, đôi lúc cùng nhau ăn tối ở một chỗ nào đấy rồi dẫn về nhà. Chúng tôi ngồi vào phòng tôi, khóa trái cửa lại, làm cái việc mà ông khách tình cờ của tôi tới đây cũng chỉ nhằm mục đích đó, trò chuyện dăm ba câu, sau đó khách hàng trả tiền rồi đi, còn tôi bước vào căn phòng may đo, nơi mẹ tôi đang đợi tôi. Nếu thấy đói, tôi ăn tối và đi ngủ. Hãn hữu, nếu chưa muộn, tôi lại ra phố, quay về thành phố tìm khách khác nữa. Nhưng đôi lúc tôi ngồi nhà, chẳng làm gì cả mấy giờ liền. Tôi đâm ra lười, tôi buồn bã song thấy thinh thích đắm mình trong sự nhàn rỗi uể oải, điều này chắc biểu lộ không những sự khát khao nghỉ ngơi và yên tĩnh của tôi, mà cả nỗi nghèo khó và mệt mỏi từ lâu của mẹ và cả của tôi. Rất nhiều bận, chỉ khi nào thấy chiếc hộp để tiền tiết kiệm bị rỗng không, tôi mới rời nhà và đi dạo trên các đường phố để kiếm khách, song đôi lúc quá lười, tôi quyết định chẳng đi đâu hết và vay tiền của Gisella hoặc bảo mẹ đến các cửa hàng bán chịu mua hàng.
Dẫu sao tôi cũng không thể bảo mình chẳng thích thú gì cuộc sống như vậy. Tôi đã rất nhanh chóng nhận ra rằng mối quan hệ giữa tôi và Gino chẳng có gì lạ lẫm khác thường, xét cho cùng tôi thấy thích tất cả đàn ông ở một điểm nào đấy. Không rõ tất cả chị em hành nghề như tôi cũng vậy hoặc tôi là đặc biệt, tôi biết độc mỗi một điều là lần nào tôi cũng tò mò đến nóng lòng, tôi chờ đợi một điều gì đấy khác thường và chỉ hãn hữu mới bị thất vọng. Đàn ông trẻ, tôi thích ở dáng người cao gầy, ở vẻ tươi mát, ở sự chưa từng trải rụt rè, ở cặp mắt trìu mến, mớ tóc mềm mại, cặp môi nóng bỏng của họ, tôi thích đàn ông trung niên do chỗ tay họ nổi bắp, ngực rộng và chắc nịch, vai, cơ bụng, chân tay họ đều mang dấu ấn của sức mạnh và thể lực góp qua năm tháng, cuối cùng, người già tôi cũng thích, vì với phụ nữ chúng tôi, họ không bị thời gian nhanh chóng khuất phục và không những vẫn giữ được vẻ đẹp của mình qua bao năm tháng họ còn có được một vẻ hấp dẫn độc đáo. Những buổi gặp gỡ thường xuyên và những lần làm quen mới đã dạy cho tôi mới thoạt nhìn đã xác định được ngay ưu, khuyết điểm của con người một cách chính xác và sắc xảo mà chỉ người dày dạn mới có được. Ngoài ra, tôi thấy cơ thể con người ta là nguồn khoái cảm bất tận, bí ẩn và không nhàm chán. Nhiều bận tôi bất giác nhận ra rằng khi khẽ chạm đầu ngón tay vào cơ thể những người khách đêm của mình, tôi dường như muốn đưa mắt ngó nhìn một chốn sâu thẳm nào đó, nhìn về phía bên kia những mối quan hệ hàng ngày của chúng ta, hiểu rõ thực chất sức mạnh của đàn ông và tự giải thích tại sao nó lại có sức hấp dẫn đối với tôi như vậy. Nhưng tôi cố che giấu bằng mọi cách sức lôi cuốn này, vì với tính cách hiếu danh bất diệt của mình, người đàn ông có thể nhầm lẫn và cứ ngỡ tôi phải lòng họ, thật ra tôi chẳng có tình ý gì thậm chí đến cả thứ tình yêu theo họ hiểu cũng chẳng có. Nói đúng hơn, điều này giống như sự sùng mộ và nỗi dạo dực xâm chiếm lòng tôi khi tôi làm những nghi lễ tôn giáo ở nơi thánh đường.
Tôi kiếm được chẳng bao lăm, ít hơn nhiều so với tôi dự kiến. Và hơn nữa, tôi không keo kiệt và chi ít như Gisella. Tất nhiên, tôi cho rằng người ta phải trả tiền cho tôi vì tôi đã lựa chọn cái nghề này đâu vì vui thú, mà do đặc điểm của bản thân, tôi làm, nói cho đúng hơn, vì dư thừa sức sống hơn là vì lợi lộc. Tôi chỉ nhớ tới tiền vào lúc cần phải chi tiêu, nghĩa là đã quá muộn. Tôi cứ bị đeo đuổi bởi một cảm giác lờ mờ nào đó cho rằng tôi giới thiệu với đàn ông một món hàng chẳng có giá trị gì với bản thân mình và thường không phải trả tiền, còn tôi coi những khoản tiền ấy, đúng hơn là một món quà tặng, chứ không phải là tiền kiếm ra được. Tôi cứ hình dung ra tình yêu là một thứ không tiền bạc nào mua nổi hoặc chẳng phải trả gì hết. Tôi lưỡng lự giữa sự không đòi hỏi cao như vậy sự đòi hỏi cao như vậy, nên không biết đòi giá đúng bao nhiêu. Do đó, khi được trả nhiều, tôi vô cùng biết ơn, còn khi bị trả ít thì cũng không lấy thế làm phật lòng mà phản đối. Mãi sau này, khi đã học được những kinh nghiệm cay đắng, tôi bắt chước Gisella và sơ bộ thỏa thuận về giá cả. Nhưng hồi đầu, tôi thấy ngượng và lí nhí nói lên những con số, đến nỗi nhiều người không nghe rõ và buộc tôi phải nhắc lại.
Tôi không có tiền còn vì một nhẽ nữa. Chẳng là hiện nay tôi ít để ý hơn trước đây tới những khoản chi, ngược lại, tôi phải may cho bản thân mấy chiếc áo dài, mua nước hoa, sắm những đồ trang sức, trang điểm và những thứ linh tinh cần thiết cho một người đàn bà hành nghề như tôi, thế mà túi tiền nhận từ khách không bao giờ đủ chi dùng cả, chẳng khác gì hồi tôi làm người mẫu và mẹ khâu áo sơ mi. Do đó, tuy đã phải hy sinh danh dự của mình tôi cũng chẳng giàu có hơn được chút nào. Hệt như trước đây, và thậm chí số ngày trong nhà không có một đồng xu nào còn nhiều hơn. Nỗi lo cho tương lai của mình thậm chí còn giày vò tôi mãnh liệt hơn. Song, do bản chất, tôi luôn luôn vô tư và bị động, nên nỗi lo chẳng bao giờ trở thành những ý nghĩ ám ảnh trong tâm trí tôi như thường thấy ở những người ít điềm đạm và ít bình tĩnh hơn. Những dẫu sao nỗi lo này tồn tại ở một chốn sâu thẳm nào đó trong nhận thức của tôi và gặm nhấm tôi hệt như một con mọt gặm nhấm đồ đạc cũ. Tôi thường oán giận mọi chuyện, vì một mặt tôi không thể yên tâm và lãng quên tình cảm của mình, mặt khác, tuy đã lựa chọn nghề này, thế mà cuộc sống bản thân cũng chẳng khấm khá hơn.
Mẹ tôi đúng là chẳng thấy lo lắng hoặc ít ra đã khéo léo che giấu nỗi lo. Thoạt đầu khi tôi báo với mẹ rằng bây giờ mẹ chẳng cần phải mờ mắt ngồi khâu từ sáng đến tối thì, tựa như cả đời mẹ chỉ đợi có vậy, mẹ liền quăng ngay việc và hạn chế không nhận may nhiều, va may với vẻ miễn cưỡng, cho đỡ buồn, chứ không phải để kiếm sống. Xem ra, những năm tháng cực nhọc dài đằng đẵng - bắt đầu từ khi mẹ còn là một cô bé phục dịch trong gia đình một quan chức - bỗng vĩnh viễn biến mất không để lại dấu vết như tường các ngôi nhà cũ sụp đổ và thế vào đấy chỉ còn là những đống gạch vụn. Với những người như mẹ, tiền có nghĩa trước hết là ăn no và nghỉ ngơi thoải mái. Bây giờ, mẹ ăn nhiều hơn trước và cho phép mình được thư thái, theo mẹ, đó là sự khác biệt giữa kẻ giàu và người nghèo: ngủ dậy muộn, nghỉ ngơi sau khi ăn sáng, thỉnh thoảng dạo chơi. Tôi phải nói như vậy chẳng hay ho tốt đẹp gì. Có lẽ, ai quen sự lao động suốt đời cũng không nên bỏ công việc: sự nhàn cư và ấm no làm hư hỏng con người, thậm chí ngay cả khi họ rất xứng đáng được hưởng. Chẳng mấy bữa sau khi hoàn cảnh của chúng tôi có khấm khá hơn, mẹ trông béo đẫy, nói một cách chính xác hơn, cơ thể gầy guộc và suy kiệt của mẹ chẳng hiểu sao liền đầy lên một cách bệnh hoạn, tôi thấy hình như đây là một triệu chứng không hay, tuy bản thân tôi chẳng rõ tại sao. Mông gầy đét của mẹ bỗng nhiên nở nang, đôi vai còm nhom đầy hẳn lên, cặp má mẹ lúc nào cũng hõm và nhũn nhẽo đã căng da và hồng hào. Nhưng nếu những sự thay đổi này diễn ra ở mẹ không có một chi tiết khó chịu thì chẳng sao cả. Tôi muốn nói tới cặp mắt mẹ. Mắt mẹ luôn mở to, vẻ sinh động và đầy thiện cảm. Bây giờ chúng húp híp và ánh lên một cách ký quặc và đáng ngờ vực. Mẹ béo ra, nhưng chẳng vì vậy mà xinh đẹp và trẻ ra. Tôi có cảm giác cuộc sống của hai mẹ con tôi không để lại dấu vết cho tôi mà cho mẹ, trên khuôn mặt và dáng vẻ của mẹ, nhìn mẹ tôi không thể không thấy lương tâm bị cắn rứt và lòng tôi thấy xót thương, ghê tởm. Niềm hạnh phúc và sự tự mãn đầy khoan khoái của mẹ đã làm cho tôi mất tự chủ hơn cả. Là một người trong đời phải lao động nhiều và đói ăn, lẽ ra mẹ chẳng nên tin mọi nỗi gian truân của mình đã kết thúc.
Tất nhiên tôi giấu không để mẹ thấy được tình cảm của tôi: thứ nhất, vì tôi không muốn xúc phạm mẹ, thứ hai, tôi thấy mình không có quyền quở trách mẹ, vì bản thân tôi đâu phải vô tội. Nhưng đôi lúc, cơn tức giận của tôi nguôi lắng, và vào những giây phút đó tôi có cảm giác khi mẹ béo tốt , đi lạch bạch thì tôi chẳng còn yêu mẹ được như khi mẹ gầy còm và lôi thôi lếch thếch, hò hét, tất tưởi và ngày nào cũng than thân trách phận. Tôi thường tự hỏi: “Thế nếu cứ cho rằng tôi lấy được một tấm chồng khấm khá, liệu mẹ có đẫy đà như thế này không?”. Bây giờ thì tôi có thể trả lời câu hỏi ấy một cách khẳng định, còn hồi đó tôi thấy việc mẹ béo ra là một sự đê tiện, tôi giải thích điều đó như sau: tôi bất giác coi mẹ là kẻ tòng phạm mà lương tâm cắn rứt không để cho yên.
Tôi chẳng phải che giấu lâu với Gino tình cảnh mới của mình. Mọi việc bị lộ quá sớm, mười ngày sau cuộc gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi tại ngôi biệt thự. Một hôm, mẹ vào đánh thức tôi và bảo, giọng khẩn khoản xúc động:
- Con có biết ai đến và muốn nói chuyện với con không? Gino đấy.
- Mẹ bảo anh ấy vào đi – Tôi bình tĩnh đáp.
Mẹ hơi thất vọng trước lời đáp dè dặt này, mẹ mở cửa sổ rồi ra ngoài. Một lát sau, Gino vào, tôi liền nhận ra anh ta đang lo lắng và tức giận, thậm chí chẳng chào tôi, lẳng lặng vòng qua giường đến ngay trước mặt tôi. Tôi nằm trong chăn vẻ còn rất ngái ngủ.
- Em này, không biết em có vô tình cầm nhầm một vật ở trên bàn trang điểm của bà chủ không – Gino hỏi.
“Bắt đầu rồi đấy” – Tôi thầm nghĩ nhưng không cảm thấy sợ, cũng như chẳng hề thấy ăn năn. Ngược lại, tôi sửng sốt trước cái vẻ thảm hại và ương hèn của Gino.
- Chuyện gì vậy – Tôi hỏi.
- Một thứ rất quý... một cái hộp đựng phấn... bằng vàng có gắn một hạt hồng ngọc... signora đã làm lộn tùng phèo lên... vì, có thể nói, người ta giao phó biệt thự cho anh, anh biết họ nghi cho anh, tuy không nói ra... Cũng may mà mãi hôm qua mới phát hiện thấy mất, họ về đã được một tuần rồi, nên có thể một cô hầu nào đó đã ăn cắp... Chứ không thì anh đã bị tống cổ từ lâu, và người ta đã báo cảnh sát bắt anh - Việc gì mà họ chẳng làm được?
Hốt hoảng khi thấy một con người vô tội bị hành hạ vì tội của tôi, tôi bèn nói:
- Thế người ta đã làm gì đám người hầu?
- Chưa đụng tới – Gino cáu kỉnh đáp - Mới chỉ thấy cảnh sát tra hỏi bọn này, sang ngày thứ hai, bọn anh mới sống dở chết dở.
Tôi lưỡng lự trong giây lát rồi nói:
- Em đã lấy hộp đựng phấn ấy.
Anh ta trợn mắt, mặt méo xệch.
- Em đã lấy? ... Mà em nói chuyện ấy cứ thản nhiên như không ấy à.
- Thế anh bảo em nói sao hả?
- Thế có nghĩa là ăn cắp.
- Tại sao?
Anh ta nhìn tôi và bỗng trông đến dữ tợn: có lẽ anh ta sợ hậu quả của hành động do tôi gây nên, cũng có thể lơ mơ đoán rằng tôi quy cho anh ta một phần trách nhiệm lớn về việc ăn cắp này.
- Em... em làm sao vậy?... À, té ra là vì vậy mà cô cứ nằng nặc đòi vào phòng signora... Bây giờ tôi mới vỡ lẽ... nhưng cô em thân mến ơi, tôi chẳng liên quan gì trong chuyện này, nếu muốn xoáy, thì cứ việc xoáy ở đâu, tùy, cái đó tôi không cần biết, có điều đừng có giở cái trò này ở nhà tôi đang hầu hạ... Quân ăn cắp... Nếu tôi cưới cô thì thật đẹp mặt... Đi lấy một đồ ăn cắp.
Tôi cứ để cho anh ta nói cho sướng mồm và chăm chú nhìn anh ta. Bây giờ tôi sững sờ là sao mình có thể lú lẫn như vậy, cứ một mực coi anh ta là một con người lý tưởng. Lý tưởng gì mới được cơ chứ? Cuối cùng, khi thấy anh ta hình như đã tuôn cạn nguồn chửi rủa của mình, tôi mới lên tiếng:
- Sao anh lại nổi cáu, anh Gino?... Nào ai dám bảo anh lấy đâu? Nói chán vài ngày, sau đó quên đi... vì cái loại hộp phấn như vậy bà chủ anh muốn có bao nhiêu mà chẳng được?
- Nhưng tại sao em lại lấy cắp?
Tôi thấy anh ta đoán ra động cơ thúc đẩy việc tôi lấy cắp hộp đựng phấn, nhưng cứ muốn nghe chính mồm tôi giải thích. Tôi đáp:
- Tiện tay, thế thôi.
- “Tiện tay”, đấy không phải là một câu trả lời.
- Vậy nếu anh cứ một mực muốn biết rõ thì – Tôi bình tĩnh đáp – Tôi ăn cắp, chẳng phải vì tôi thích hoặc thèm muốn cái hộp đựng phấn ấy, mà vì từ nay tôi có thể làm được cả việc ăn cắp nữa.
- Thế nghĩa là thế nào?... – Anh ta nói.
Song tôi không để anh ta nói hết lời.
- Bây giờ tối tối tôi ra phố kiếm khách, dẫn về đây, khách trả tiền cho tôi... một khi tôi có thể làm được việc đó thì cũng có thể ăn cắp, đúng không nào?
Anh ta hiểu và trả lời đúng những điều tôi mong đợi ở anh ta:
- Cô làm cả được việc ấy nữa đấy... đẹp mặt chưa nào. Tôi mà lấy cô làm vợ thì đúng là bị sa lầy.
- Trước đây em đâu có thế - Tôi phản đối – Nhưng từ khi biết anh có vợ, có con em mới đổ đốn ra như vậy.
Chắc ngay đầu câu chuyện anh ta đã chờ nghe những lời này, nên sẵn sàng phản đối ngay:
- Không đâu, cô bạn thân yêu ơi, đừng có mà đổ lỗi cho tôi... Một khi cô không muốn đánh đĩ và ăn cắp thì ai bắt nổi.
- Nghĩa là em là một con người như vậy, có điều bản thân không hề hay biết – Tôi đáp – Anh đã giúp em quyết định vấn đề này.
Qua dáng vẻ bình tĩnh của tôi, anh ta nhận thấy có tranh luận của vô ích. Do đó anh ta đã thay đổi sách lược.
- Thôi được... em là người thế nào và làm gì vấn đề này không liên quan tới anh... nhưng em phải trả lại anh cái hộp phấn... nếu không sớm muộn anh cũng sẽ mất việc... Em phải trao cho anh cái hộp đựng phấn, anh sẽ giả vờ như đã tìm thấy nó, chẳng hạn, cứ cho là ngoài vườn đi.
Tôi đáp:
- Sao anh không nói ngay? Nếu anh cần cái hộp để khỏi bị mất chỗ làm, thì cứ việc mà lấy lại... Nó nằm ở ngăn tủ phía đằng kia kìa.
Anh ta thở dài nhẹ nhõm vội vàng đi đến bên tủ, kéo ngăn kéo ra, cầm lấy cái hộp phấn và bỏ vào túi. Sau đó, anh ta nhìn tôi, nhưng với con mắt hoàn toàn khác hẳn lúc nãy, vẻ ngượng nghịu, chắc định làm lành. Song tôi đâu còn tâm địa đón nhận cái nhìn của anh ta. Tôi nói:
- Xe anh ở dưới kia à?
- Ừ.
- Muộn rồi đấy... anh nên đi đi. Lần sau gặp ta sẽ nói chuyện nhiều.
- Em giận anh à?
- Không, không giận.
- Không, em giận.
- Em bảo với anh là không mà.
Anh ta thở dài, cúi xuống giường và tôi để anh ta hôn tôi.
- Em sẽ gọi điện cho anh chứ? – Anh ta hỏi khi đã ra đến ngưỡng cửa.
- Tất nhiên.
Nguyên do tại sao Gino lại biết được cuộc sống mới của tôi là như vậy đấy. Nhưng hôm chúng tôi gặp lại nhau, chúng tôi không hề đả động đến cái hộp đựng phấn lẫn công việc của tôi, tựa hồ như đấy là những công việc bình thường nhất và không đáng bận tâm, tất cả ý nghĩa của chúng chỉ ở chỗ chúng mới mẻ mà thôi. Tóm lại, Gino xử sự gần giống như mẹ tôi, có điều anh ta không giây phút nào tỏ ra ngạc nhiên sửng sốt, tôi nhớ lại cái buổi tối đầu tiên khi găp Giacinti về cùng với mình, mẹ đã hoảng lên như thế nào, và tuy bây giờ mẹ trông có vẻ thỏa mãn và béo đẫy ra, đến nay tôi vẫn nhận đoán được nỗi lo của mẹ. Gino là một người ranh mãnh - bản tính của một kẻ thiển cận, nông cạn. Tôi cho rằng sau khi biết rõ do lỗi của anh ta, tôi đã có những thay đổi cơ bản trong cuộc sống, anh ta nhún vai tự bảo: “Tuyệt, như vậy mình sẽ giết ngay một lúc hai chú thỏ... cô nàng thôi không trách cứ mình và mình vẫn cứ là tình nhân của cô nàng”.
Có những người đàn ông cố sống cố chết bám chặt lấy những gì thuộc về họ, dù là tiền tài hay phụ nữ, ấy là chưa kể mạng sống của mình - để giữ được những cái đó, họ sẵn sàng trả bằng mọi giá, thậm chí bằng chính cả nhân phẩm của chính bản thân mình, Gino thuộc loại người này.
Tôi vẫn đi lại với anh ta, vì trong số những người đàn ông, tôi thích anh ta hơn cả - và tuy coi mọi chuyện giữa chúng tôi đã chấm dứt - tôi không muốn sự đoạn tuyệt giữa chúng tôi quá đột ngột và để lại một cảm giác khó chịu. Tôi không thích những cuộc tuyệt giao đột ngột với những lời chia tay buồn bã. Tôi cho rằng những tình cảm tự nó nảy sinh và tự nó lụi tàn vì buồn chán, vì vô tình, hờ hững hoặc do thói quen – cũng là một loại buồn chán thâm căn cố đế - và tôi mừng rằng những tình cảm ấy dẫu chết một cách tự nhiên, không có sự can thiệp nào của bản thân tôi và của người nào khác, nhường chỗ dần dần cho những tình cảm khác không gây nên những thay đổi rõ rệt và đột ngột trong cuộc sống, còn ai muốn giải thoát ngay lập tức khỏi gánh nặng ấy thì có cơ giữ nguyên mọi thói quen mà mình hy vọng rũ bỏ. Tôi muốn mình dửng dưng trước những ve vuốt của Gino, cũng hệt như những lời nói của anh ta, và nhận thấy rằng cần phải chờ khi nào sự việc đó tự nó sẽ đến, nếu không bất kỳ lúc nào anh ta cũng có thể xông vào cuộc đời tôi và lại ràng buộc tôi như trước.
Còn một con người nữa cũng quay về với cuộc đời của tôi, ý tôi muốn nói tới Astarita. Đối với anh ta, mọi việc giản đơn hơn nhiều so với Gino. Gisella bí mật gặp anh ta, tôi cho rằng anh ta kệt bạn với cô ta chỉ vì muốn thăm dò tường tận một đôi điều về tôi. Gisella chờ lúc thuận tiện để nói với tôi về Astarita, và khi cho rằng thời gian qua đi như thế đã quá đủ và tôi đã yên lòng cô ta gọi điện cho tôi, và nói xa nói gần mãi mới bảo là đã gặp Astarita và anh ta hỏi thăm tôi.
- Anh ta chắng nói cụ thể với mình một vấn đề gì cả - Gisella nói tiếp – nhưng mình nhận thấy anh ta vẫn phải lòng câu như trước... thật ra mà nói, mình thương thương anh ta đấy... Anh ta xem ra đến là bất hạnh... Mình nhắc lại với cậu là anh ta chẳng nói gì với mình, song dẫu sao mình cũng đoán được rằng anh ta rất muốn gặp cậu... lúc này, sau tất cả những gì đã xảy ra...
Nhưng tôi ngắt lời cô ta:
- Gisella này, nếu cứ tiếp tục nói chuyện kiểu ấy thì chẳng ăn thua gì đâu.
- Kiểu nào?
- Thì đấy, toàn những ẩn ý cả... tốt hơn hết cậu cứ nói thẳng ra vơi ra anh ta bảo cậu đến gặp mình, anh ta muốn gặp mình, còn cậu nhận chuyển lời của anh ta tới mình.
- Cứ cho là như vậy – Cô ta thú nhận – Thì sao?
- Thì – Tôi bình tĩnh đáp - cậu có thể nói lại với anh ta rằng mình đồng ý gặp anh ta như những người khác, tất nhiên là không cam kết gì hết, nhưng thỉnh thoảng thôi.
Gisella cực kỳ sửng sốt trước thái độ bình tĩnh của tôi, cô ta cứ ngỡ rằng tôi căm giận Astarita và không bao giờ chịu gặp lại anh ta nữa. Cô ta không thể nào hiểu được rằng từ nay tôi còn không biết thế nào là căm giận lẫn yêu thương, và cô ta nghĩ rằng tôi, cũng như bản thân cô ta, đang theo đuổi một mục đích nào đó.
- Cậu xử sự như vậy là đúng đấy – Sau một giây suy nghĩ, cô ta bèn lên tiếng, giọng đầy ý nghĩa - Nếu ở cương vị cậu, mình cũng xử sự như vậy... mình phải cao tay chứ... Astarita thực lòng yêu cậu, anh ta có thể ly dị vợ và lấy cậu... Song cậu phải khôn ngoan cơ... nếu không mình cho cậu là đồ ngốc đấy.
Như vậy Gisella không hiểu rõ tôi, và qua kinh nghỉệm, tôi biết rõ rằng có cố mở mắt cho cô ta cũng bằng thừa. Do đó tôi làm bộ suồng sã khẳng định:
- Đúng thế đấy – Câu trả lời đã làm cho cô ta ghen tị và thán phục tôi.
Cô ta chuyển lời đồng ý của tôi cho Astarita và tôi nhận lời đến gặp anh ta ngay tại quán cà phê nơi tôi đã gặp Giacinti lần đầu. Như Gisella đã nói, mãi đến lúc này anh ta vẫn yêu tôi, mê mệt. Khi thấy tôi, chẳng biết dũng khí của anh ta biến đằng nào, chứ trông mặt anh ta tái mét thậm chí không mở miệng ra nói được nữa. Chắc tình cảm này mãnh liệt hơn cả bản thân anh ta, và tôi đồng ý với ý kiến của một số phụ nữ bình dân, mẹ chẳng hạn, cho rằng một số cô nhân tình có thể bỏ bùa mê một số đàn ông. Như vậy, tôi vô tình và không chủ tâm làm mê hồn anh ta, và tuy biết điều đó, anh ta vẫn không tài nào bứt ra được khỏi bùa mê của tôi, dù anh ta cố sức vùng vẫy bao nhiêu chăng nữa. Tôi đã dứt khoát biến anh ta thành một kẻ nô lệ ngoan ngoãn và nhẫn nhục của tôi, tôi đã dứt khoát tước đoạt vũ khí, làm tê liệt và bắt anh ta phải phục tùng ý muốn của tôi.
Sau này anh ta đã kể lại với tôi rằng lúc có một mình anh ta diễn tập những động tác tẻ nhạt chẳng ra sao để sau đó diễn trước mặt tôi, thậm chí còn học thuộc lòng những điều định nói với tôi, nhưng cứ hễ thấy tôi là mặt cắt không còn hột máu, tim thót lại, đầu óc mụ đi, lưỡi cứng đờ ra. Do không chịu nổi ngay cả cái nhìn của tôi, anh ta mất bình tĩnh và những muốn lao tới quỳ sụp trước mặt tôi, tới tấp hôn chân tôi.
Astarita chẳng giống những người đàn ông khác một chút nào, anh ta điên điên cuồng dại. Gặp nhau, ăn tối tại tiệm ăn, cả hai đều im lặng, rồi về nhà tôi và anh ta yêu cầu tôi kể tỉ mỉ lại không hề bỏ sót gì hết cuộc đời tôi, từ lúc đi tới Viterbo tới lúc đoạn tuyệt với Gino.
- Nhưng tại sao anh quan tâm tới điều đó? – Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Chẳng sao cả - Anh ta đáp – cho biết thế thôi... chuyện đáng buồn lắm phải không em? Coi như không có anh, kể đi.
- Thôi được, anh đã muốn vậy thì em sẽ kể - Tôi nhún vai đáp.
Theo yêu cầu của anh ta, tôi kể tỉ mỉ lại mọi chuyện xảy ra với tôi từ sau chuyến đi ấy: tôi đã giải thích với Gino ra sao, đã nghe những lời khuyên của Gisella như thế nào, đã gặp Giacinti ra sao. Có điều tôi không hề đả động tới cái hộp đựng phấn, bản thân không rõ vì sao nữa, chắc không muốn lôi anh ta vào chuyện đó, chẳng là anh ta làm việc bên ngành cảnh sát mà. Anh ta hỏi tôi một số vấn đề, đặc biệt căn vặn tỉ mỉ về cuộc gặp gỡ của tôi và Giacinti. Xem ra anh ta thỏa mãn với những câu trả lời sơ sài, anh ta như muốn tận mắt chứng kiến tất cả và nhận biết, nói tóm lại, muốn đích thân tham gia vào mọi việc. Anh ta luôn nêu lên những câu hỏi và ngắt lời tôi: “Thế em đã làm gì?” hoặc “Thế anh ta thì sao?”. Khi tôi im lặng, anh ta ôm vai tôi và thầm thì:
- Đấy là lỗi tại anh tất.
- Đâu có – Tôi buồn bã đáp – Chẳng ai có lỗi trong chuyện này cả.
- Không, anh có lỗi, anh đã hại em, nếu lúc ở Viterbo anh không xử sự như vậy thì đâu đến nông nỗi này.
- Anh nhầm rồi, - tôi đáp giọng sôi nổi - Kẻ có lỗi chính là Gino, anh chẳng có lỗi trong vấn đề này... Anh thân yêu ạ, ở Viterbo anh đã dùng vũ lực để cưỡng đoạt em mà đã phải dùng đến vũ lực thì chẳng kể làm gì... Nếu Gino không lừa dối em, em đã lấy anh ta, sau đó sẽ kể hết với anh ta, và mọi việc cứ diễn ra như anh và em không hề gặp nhau.
Xem ra anh ta nắm được cái ý này, song tôi thấy anh ta hoàn toàn không bị cắn rứt, ngược lại, anh ta thậm chí còn thích thú khi nghĩ rằng đấy là do anh ta đã quyến rũ và hại tôi. Hơn nữa, anh ta không những thích thú với cái ý nghĩa như vậy, mà thậm chí còn thấy xúc động nữa, chắc nó nuôi dưỡng những tình cảm của anh ta đối với tôi. Sau này tôi mới hiểu điều đó – không phải vì vô tình mà trong những lần chúng tôi gặp nhau, anh ta thường yêu cầu tôi kể chi tiết và tất cả những gì diễn ra giữa tôi và các tình nhân của tôi. Những lúc đó, mặt anh ta căng thẳng đến kỳ lạ, cặp mắt xúc động và chăm chú làm cho tôi bối rối và rất ngượng. Và liền ngay sau đó, anh ta nhảy bổ vào tôi, thì thào những lời thô tục, suồng sã nghe rất chướng, đến cả người đàn bà dâm đãng nhất cũng phải tức giận, nên tôi không dám nhắc lại ở đây. Tôi không thể nào hiểu được hành vi kỳ lạ ấy đã hòa hợp như thế nào với tình yêu say đắm của anh ta - gần như sùng bái tôi – theo tôi, không thể yêu thương một người đàn bà mà không kính trọng chị ta, song ở anh ta tình yêu và sự tàn nhẫn cùng chung sống bên nhau, tình cảm nọ truyền thêm sức mạnh và nỗi đam mê cho tình cảm kia. Đôi lúc tôi nghĩ anh ta sở dĩ có khoái cảm kỳ lạ ấy (khi cho rằng vì lỗi lầm của anh ta mà tôi đã trở thành một người đàn bà sa ngã) là do anh ta làm việc ở ngành cảnh sát an ninh và chính trị, nơi người ta tìm kiếm chỗ yếu của phạm nhân, rồi lợi dụng để dọa dẫm và làm vô hiệu hóa phạm nhân suốt đời. Tự anh ta đã bảo tôi – tôi chẳng còn nhớ nhân chuyện gì - rằng mỗi lần bắt được phạm nhân thú nhận tội lỗi của họ, anh ta lại có một khoái cảm đặc biệt về thể xác, tựa như khi chiếm được một người đàn bà.
- PHạm nhân giống như một phụ nữ - Anh ta giải thích với tôi - Chừng nào chống chọi được, phạm nhân còn dương dương tự đắc... nhưng một khi đã nhượng bộ, phạm nhân chỉ còn là một thứ rẻ rách, ta muốn làm gì thì làm.
Nhưng chắc sự nhẫn tâm và tính tàn bạo là những nét bẩm sinh trong tính cách của anh ta, nên anh ta đã lựa chọn nghề cảnh sát, chứ không phải ngược lại.
Astarita không có hạnh phúc. Tôi cho rằng nỗi bất hạnh của anh ta rất lớn và khó sửa, vì nó không phải là hậu quả của nguyên nhân ở bên ngoài nào đó, mà là do sự kỳ quặc hay tính đồi bại – khó hiểu đối với tôi – của chính bản thân anh ta. Khi không bắt tôi kể lại những công việc của tôi, anh ta thường tụt xuống sàn nhà, rúc đầu vào hai đầu gối tôi và đôi lúc lặng người đi cả tiếng đồng hồ trong tư thế ấy, chốc chốc tôi lại phải vuốt ve đầu anh ta như người mẹ âu yếm con mình. Và lần nào anh ta cũng rên rỉ, có lẽ thậm chí còn khóc nữa. Tôi chưa bao giờ yêu Astarita, nhưng trong những giây phút ấy tôi thấy thương hại Astarita, tôi biết Astarita đau khổ và không có cách gì giảm nhẹ được nỗi đau trong lòng mình.
Anh ta nói với giọng cay đắng về gia đình mình: về người vợ mà anh ta ghét bỏ, về những cô con gái mà anh ta không yêu thương về bố mẹ đã làm hư hỏng thời thơ ấu của anh ta và ép anh ta – một thanh niên chưa có kinh nghiệm - lấy một người anh ta không yêu. Anh ta hầu như chẳng bao giờ đả động đến nghề nghiệp của mình. Độc một lần anh ta nói với một nét mặt lạ lùng khó hiểu:
- Trong mỗi ngôi nhà có những đồ vật hữu ích, tuy chẳng phải thứ nào cũng sạch sẽ... anh chính là một thứ đồ ấy... anh là cái xô đựng rác để người ta quẳng rác vào đấy.
Nhưng nói chung tôi có cảm giác anh ta coi công việc của mình là trung thực. Anh ta có tinh thần công việc cao, thấy anh ta ở bộ và trò chuyện với anh ta, tôi nhận ra anh ta là một quan chức mẫu mực: cần mẫn, kín đáo, liêm khiết, sắc sảo và khắt khe. Tuy làm ở ngành cảnh sát an ninh chính trị, song theo lời anh ta, anh ta chẳng hiểu chút nào về chính trị.
Astarita sẵn lòng tối nào cũng gặp tôi, nhưng như tôi đã nói, tôi không muốn ràng buộc mình với bất kỳ một người đàn ông nào, và hơn nữa, tôi chán ốm cái tính buồn rầu của Astarita và với những trò kỳ quặc của anh ta, tôi cảm thấy mình bị gò bó trước anh ta, tôi cảm thấy thương hại anh ta, song cứ mỗi lần anh ta rời chỗ tôi là tôi lại thở dài nhẹ nhõm. Do đó, tôi gặp Astarita càng thưa càng hay, không quá một tuần một lần. Tất nhiên là dù ít gặp nhau, anh ta vẫn giữ những tình cảm say mê và tha thiết đối với tôi, còn nếu đồng ý tới sống ở chỗ anh ta, như anh ta đã nhiều lần đề xuất với tôi thì dần dần anh ta sẽ quen với sự có mặt của tôi và rồi sẽ nhận ra tôi đúng như trên thực tế: một cô gái nghèo khổ bình thường. Anh ta cho tôi số máy điện thoại đặt trên bàn mình ở bộ. Đấy là số điện thoại mật, chỉ có sếp cảnh sát, người đứng đầu chính phủ, bộ trưởng và một vài nhân vật quan trọng nữa mới biết số này. Khi tôi gọi điện, anh ta liền nhấc ngay ống nghe, nhưng nhận ra tôi, anh ta bắt đầu nói lắp và lải nhải những gì gì đó, giọng anh ta, một phút trước đây vẫn rõ ràng và bình tĩnh, đã thay đổi chẳng còn nhận ra được nữa. Anh ta thực sự lệ thuộc và phục tùng tôi như một kẻ nô lệ. Tôi còn nhớ một lần tôi vô tình vuốt mặt anh ta, anh ta liền nắm tay tôi và hôn tay vẻ biết ơn. Sau này anh ta nhiều lần yêu cầu tôi lặp lại động tác đó. Nhưng lẽ nào lại có thể vuốt ve theo đơn đặt hàng được?
Như tôi đã nói, tôi chẳng muốn ra phố tìm kiếm người đàn ông và thế là tôi ngồi lì ở nhà. Tôi không muốn ngồi với mẹ: tuy giữa hai mẹ con có sự thỏa thuận ngầm là không nói tới nghề nghiệp của tôi, song câu chuyện lại cứ xoay quanh về đề tài này, hai mẹ con cứ nói xa nói gần và cả hai đều cảm thấy mình thiếu tế nhị, một khi cơ sự đã thế thì tôi cho rằng nên nói thẳng mọi chuyện, chẳng cần úp mở. Tôi thường khóa cửa nằm lì trong phòng mình, yêu cầu mẹ không quấy rầy tôi. Những cửa sổ phòng tôi trông ra sân, không một tiếng động nào có thể lọt vào được cửa phòng khép kín. Tôi chợp mắt một lát, sau đó dậy, đi lại trong phòng, làm những việc vớ vẩn như quét bụi trên đồ đạc hoặc sắp xếp lại đồ đạc. Công việc này đã gây nên một sự chấn động cho những suy nghĩ của tôi và xung quanh tôi, đã tạo dựng được một bầu không gian ngăn cách tôi với toàn bộ thế giới bên ngoài. Tôi suy ngẫm, cố luồn lách vào tận những nơi sâu thẳm trong tâm hồn, và cuối cùng đi đến kết luận rằng tốt hơn là không suy nghĩ gì hết, tất cả những gì tôi thấy trên đời sau bao cay đắng và bài học của số phận thế cũng đủ lắm rồi.
Vào những giờ phút cô đơn ấy, thường có lúc tôi bị lúng túng và bỗng với vẻ sáng suốt lạ lùng, tôi bắt đầu cảm thấy như mình đứng ngoài nhìn bản thân và cuộc đời mình. Mọi hành vi và suy nghĩ của tôi đều bị phân đôi, mất đi ý nghĩa chân thực của chúng và có một dáng vẻ lạ lùng không thể hiểu nổi. Tôi tự bảo: “Mình dẫn về đây một người đàn ông không hề quen biết, không hề hò hẹn với mình tối nay... hai người đáng vật với nhau như hai kẻ thù trên giường này... sau đó anh ta đưa mình một tờ giấy màu có triện có dấu... Ngày hôm sau mình đổi tờ giấy ấy lấy đồ ăn thức uống, áo xống và cả những vật dụng khác”. Những suy nghĩ lộn xộn này mới chỉ là bước đầu, sau đó kéo theo một sự rối loạn và còn nặng nề hơn. Do đó tôi cố thoát ra khỏi định kiến về cái nghề đã giày vò tôi, cố tự ám thị mình rằng nghề của tôi cũng như bao nghề khác là tổng hòa của các hành động không có ý nghĩa. Và liền ngáy sau đấy, tiếng ồn ào của thành phố xa xăm vẳng lại hoặc tiếng cọt kẹt của đồ đặc trong phòng nổi lên đã buộc tôi ngỡ ngàng, băn khoăn rằng tại sao mình lại rơi vào những chốn này. Tôi tự khẳng định: “Mình ở đây, nhưng cũng có thể ở chốn khác... có thể sinh ra một ngàn năm trước đây hoặc một ngàn năm sau này. Có thể là một bà lão da đen, cũng có thể là một em bé tóc vàng...”. Tôi có cảm giác mình xuất hiện từ chốn tối tăm dày đặc và rồi chẳng bao lâu nữa cũng lại đi vào chốn âm u vô tận ấy, và sự tồn tại ngắn ngủi của tôi trên đời được đánh dấu chỉ bằng những hành vi vô nghĩa và ngẫu nghiên. Lúc đó, tôi bắt đầu nhận thấy rằng tình trạng chán nản của tôi nảy sinh không phải từ việc tôi đã làm, mà là do một nguyên nhân nghiêm trọng hơn – do chính cuộc sống không thể gọi là xấu hoặc tốt được mà chỉ có buồn chán và vô nghĩa đối với tôi.
Tôi thấy rờn rợn như có kiến bò khắp người, tôi rùng mình và cảm thấy tóc trên đầu dựng ngược cả lên. Tôi cảm giác tường nhà, thành phố và cả thế giới đã biến mất, còn tôi chơi vơi trong khoảng không rỗng tuyếch, đen ngòm, vô hạn: nguyên cả bộ quần áo này, với những suy nghĩ này, cái tên tuổi này và cái nghề này. Cô gái tên là Adriana bị treo trong khoảng không trống rỗng. Cái khoảng không trống rỗng này là một cái gì đó long trọng, kỳ lạ và khó hiểu, vì cảnh tượng buồn rầu nhất trong cái khoảng không trống rỗng ấy lại là chính bản thân tôi đã rơi tõm vào đấy trong hình ảnh tối tối tôi tới quán cà phê, nơi Gisella đang đợi tôi. Tôi không thấy khuây khỏa khi nghĩ rằng người khác cũng đang sống và đang hoạt động một cách vô dụng và vô nghĩa, cũng dấn vào cái khoảng không trống rỗng ấy, nằm ở bên trong ấy, dang rộng tay ôm nó vào lòng. Tôi còn thấy sửng sốt là hoặc họ không thấy điều đó, hoặc như thường thấy khi người ta đồng thời phát hiện ra cùng một điều kỳ lạ mà không cho nhau biết, ai cũng cố gắng im lặng không đả động đến chuyện ấy.
Vào những giây phút đó, tôi chỉ muốn quỳ sụp xuống và cầu nguyện, có lẽ, đấy là do thói quen từ thời thơ ấu chứ không phải do ý nguyện hoàn toàn rõ ràng và có ý thức. Tôi thường không đọc những bài kinh cầu nguyện cụ thể, vì đang trong tâm trạng tinh thần bối rối, tôi thấy chúng quá dài. Tôi điên dại quỳ sụp xuống, đến mức chân tôi nhức nhối mấy ngày liền, rồi tuyệt vọng lớn tiếng kêu cầu: “Lạy đức chúa Jesus, xin người hãy mở lòng thương con!”. Tôi cầu không đúng theo một bài kinh cầu nguyện, nói chính xác hơn, đấy là một lời cầu xin mà tôi hy vọng sẽ xua tan nỗi bối rối trong lòng và lấy lại được cảm giác thực tế. Sau khi tôi toàn tâm toàn ý nhiệt thành kêu cầu như vậy, tôi úp mặt vào lòng bàn tay một hồi lâu. Cuối cùng, khi trấn tĩnh lại, tôi thấy mình không hề suy nghĩ gì và tuy trống trải thế nào đi nữa thì tôi vẫn là Adriana, sống vẫn trong căn phòng này, tôi sờ nắn cơ thể tôi, hầu như không tin là nó có thực, rồi đứng dậy, tôi đi đến bên giường. Tôi cảm giác toàn thân mệt mỏi và đau nhừ, tựa hồ như một trận mưa đá vừa đổ ập xuống người tôi. Và thế là tôi liền ngủ thiếp đi.
Tuy vậy trạng thái tinh thần lúc này không ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của tôi. Tôi vẫn là Adriana như trước đây, tính tình vẫn như trước, tôi vẫn đưa đàn ông về nhà, vẫn gặp gỡ Gisella và chuyện trò tào lao với mẹ và với những người khác. Và đôi lúc tôi cảm thấy kỳ lạ là Adriana một thân một mình chẳng giống chút nào với Adriana được người ta xúm xít vây quanh. Nhưng tôi hầu như không cho rằng mình tôi phải trải qua nỗi tuyệt vọng với những nỗi thống khổ tàn ác như vậy. Chắc ai cũng đã trải qua cảm giác này, dù chỉ là một lần trong đời, khi con người cảm thấy cuộc sống của mình lọt vào một ngõ cụt kinh khủng, ngu xuẩn và không thể hiểu nổi. Song nhận thức này không thể để lại cho họ một dấu vết rõ ràng nào. Họ giống tôi, họ rời nhà giải quyết công việc và tự nguyện sắm cái vai chân thực của mình. Ý nghĩ này đã khẳng định niềm tin của tôi cho rằng mọi người - không loại trừ ai – đáng được thương hại vì đã sinh ra trên cõi đời này.
Cô gái thành Rome
Phần thứ nhất - CHƯƠNG MỘT
CHƯƠNG HAI
CHƯƠNG BA
CHƯƠNG BỐN
CHƯƠNG BỐN ( tt)
CHƯƠNG NĂM
CHƯƠNG SÁU
CHƯƠNG BẢY
CHƯƠNG TÁM
CHƯƠNG CHÍN
Phần hai - Chương một
Chương Hai
Chương Ba
Chương bốn
Chương Năm
Chương Sáu
Chương Sáu (tt)
Chương Bảy
Chương Tám
Chương Chín
Chương Chín (tt)
Chương Mười
Chương Kết
Lời giới thiệu