watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cô gái thành Rome-Chương Chín - tác giả Alberto Moravia Alberto Moravia

Alberto Moravia

Chương Chín

Tác giả: Alberto Moravia

Ra khỏi bộ, tôi bước vội gần như chạy tới quảng trường ở cạnh đó. Mãi khi đến quảng trường rồi tôi mới nhận ra rằng mình không biết đi đâu và nương tựa tại nơi nào. Thoạt đầu tôi định về nhà Gisella, nhưng cô ta ở xa đây, còn hai chân tôi thì đã mỏi nhừ rồi. Hơn nữa chắc gì cô ta đã chịu vui lòng tiếp nhận tôi. Còn lại chỗ Gielinda – chủ các căn phòng có trang bị đồ đạc mà tôi đã bảo mẹ trước khi rời khỏi nhà. Tôi với bà ta là chỗ bạn bè của nhau, vả lại bà ta ở ngay cạnh đây, nên tôi quyết định tới đó.
Nhà Gielinda rộng, quét vôi màu trắng, mặt trông ra quảng trường gần ga như mọi ngôi nhà lân cận khác. Một trong những đặc điểm của ngôi nhà đó là cầu thang suốt ngày đêm chìm trong bóng tối như bưng. Thang máy chẳng có, cửa sổ cũng không nữa, phải lên thang dưới bóng tối mù mịt, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ người trên gác xuống – do cùng bấu vào thanh vịn – sẽ va vào mình. Căn nhà nồng nặc cái mùi thâm căn cố đế của nhà bếp, tựa hồ lâu nay không ai nấu ăn, nhưng mùi hôi này cứ ám vào trong làn không khí lạnh và ẩm ướt.
Lòng trĩu nặng, tôi lê bước lên cầu thang mà đã bao lần leo lên trong vòng tay ôm ấp của một tình nhân nào đó đang nóng vội. Thấy Gielinda mở cửa, tôi liền bảo:
- Tôi cần một phòng… trong đêm nay.
Gielinda là một phụ nữ béo ị, tuổi chưa cao lắm, xem ra bà ta già trước tuổi chính vì cái dáng người một quá béo của mình. Bà ta bị bệnh thống phong, má ửng một màu hồng không được khỏe mạnh, cặp mắt xanh lơ kèm nhèm cứ lờ đờ, còn bộ tóc vàng lơ thơ thì lúc nào cũng rối tung như sơ cây lanh, tuy vậy mặt bà ta ngời sáng một mối tình cảm hữu ái như mặt nước tù rực sáng dưới ánh hoàng hôn.
- Có phòng đấy – Bà ta bảo – cô đi một mình thôi à?
- Một mình thôi.
Tôi bước vào nhà, bà ta chốt cửa lại, rồi lạch bạch đi theo tôi, bà ta béo lùn, mặc một chiếc áo dài cũ, búi tóc xổ ra lõa xõa trên vai còn găm tóc đâm ra tua tủa. Căn phòng cũng lạnh lẽo và tối như ngoài cầu thang, nhưng mùi nhà bếp còn thơm phức tựa như nơi đây người ta vừa xào nấu những món sơn hào hải vị ngon tuyệt.
- Tôi nấu bữa tối - Gielinda mỉm cười giải thích.
Gielinda - người cho thuê phòng trong vài tiếng - quý mến tôi, cũng chẳng rõ vì sao nữa và thường khi khách của tôi ra về bà ta giữ tôi lại, ngồi nói chuyện phiếm với nhau và thường bà ta đãi tôi bánh và nước ngọt. Gielinda chưa chồng, chẳng ai yêu bà ta vì có lẽ ngay từ lúc còn trẻ đã quá béo, và qua cung cách bà ta hỏi tôi về những lần chung đụng của tôi với một vẻ e lệ và ngượng ngùng, tôi đoán biết bà ta còn trong trắng và trinh tiết. Bà ta có dư lòng đố kỵ và sự giảo hoạt nhưng tôi nghĩ, trong thâm tâm mình bà ta tiếc vì không làm được cái việc mà khách thuê phòng của bà ta đã làm. bà ta cho thuê phòng không chỉ vì tiền, mà có lẽ do ý muốn thầm kín là được tham gia gián tiếp vào cõi cấm của những quan hệ luyến ái.
Cuối hành lang có hai cánh cửa tôi biết rất rõ. Gielinda mở cánh cửa bên trái rồi dẫn tôi vào phòng. Bà ta bật đèn chum có lắp ba chao đèn trần bằng thủy tinh giống hình hoa tulip rồi buông rèm. Căn phòng rộng rãi, sạch sẽ. Song cái sạch sẽ đã tô đậm hơn cái nghèo nàn của căn phòng: thảm chùi chân ở bên giường rách lỗ chỗ, chăn phải mạng vá, bình nước và chậu thau đều bị sứt men. Gielinda nhìn tôi và hỏi:
- Em bị mệt à?
- Em rất khỏe chị ạ.
- Thế sao đêm nay em không ngủ nhà?
- Em muốn vậy.
- Thôi chị đoán ra rồi - Bà ta đáp có vẻ láu lỉnh và hiền hậu - rõ ràng em đang buồn… em đợi một người, cậu chàng đã hò hẹn nhưng không tới.
- Có thể thế, chị ạ.
- Và cậu chàng là anh chàng sĩ quan cùng tới lần trước với em à?
Gielinda nhiều lần nêu với tôi câu hỏi này. Tôi làm ra vẻ không có chuyện gì, nhưng cứ thấy nghẹn ngào.
- Chị nói đúng đấy, nhưng sao cơ?
- Không sao cả, song em thấy đấy, thoáng nhìn em chị đã hiểu rõ lòng dạ của em rồi… chỉ cần nhìn em, chị đã đoán ngay ra em có chuyện gì rồi… nhưng em đừng buồn… một khi anh ấy không tới, hẳn có lý do thôi… lính mà, bản thân em cũng rõ đấy, đâu được tự do?
Tôi không đáp gì cả. Gielinda đưa mắt nhìn tôi trong giây lát, rồi ngập ngừng nhưng chân tình mời:
- Em ăn tối với chị nhé? Hôm nay chị chuẩn bị bữa tối ngon lắm.
- Không ạ, cám ơn chị - Tôi vội đáp - em đã ăn rồi.
Bà ta nhìn tôi và âu yếm vỗ nhẹ má tôi.
Sau đó, với một giọng đầy hứa hẹn và bí ẩn, như các bà già thường nói với cháu nhỏ của mình, bà ta bảo:
- Bây giờ chị sẽ mời em một thứ, tất nhiên em sẽ không từ chối.
Bà ta lôi chùm chìa khóa ra, đi đến bên tủ commốt đứng quay lưng về phía tôi, mở ngăn kéo ra.
Tôi mở cúc áo vét, tay chống nạnh và cúi người trên bàn nhìn Gielinda lục đáy ngăn kéo. Tôi chợt nhớ rằng Gisella cũng thường đưa nhân tình tới đây, nhưng Gielinda không có chút tình cảm nào với cô ta cả. Bà ta yêu mến tôi vì tôi là tôi, chứ không phải yêu mến mọi người như nhau. Điều đó đã cổ vũ tôi. Cuối cùng khi tôi nghĩ rằng trên đời này đâu phải chỉ có cảnh sát, bộ, nhà tù và những chốn khủng khiếp tương tự. Gielinda không lục ngăn kéo nữa, bà ta đóng ngăn kéo cẩn thân lại, rồi đi đến bên tôi và nhắc lại:
- Tất nhiên là em không từ chối cái này - Bà ta đặt lên khăn trải bàn một vật gì đấy. Tôi nhận ra đó là năm điếu thuốc lá loại ngon có gắn đốt vàng, một nắm kẹo caramen gói trong giấy đủ màu sắc và bốn chiếc bánh hạnh đào nhỏ, có hình hoa quả.
- Thế nào, được không? - Bà ta hỏi và vỗ nhẹ má tôi.
- Được ạ, cảm ơn chị.
- Có gì đâu… chuyện vặt… nếu cần em cứ gọi chị, đừng ngại em nhé.
Còn lại một mình, tôi thấy rét run và lo lắng. Tôi không muốn ngủ, không muốn nằm xuống giường, nhưng trong căn phòng lạnh lẽo - cái lạnh trong nhưng ngày đông dường như đọng lại ở đây quanh năm tựa như ở nhà thờ hay nhà mồ - thì chẳng còn cách nào khác cả. Khi trước, mỗi khi đến đây, vấn đề này chẳng bao giờ được đặt ra cả vì cả tôi lẫn người đàn ông đi cùng đều muốn mau mau nằm xuống giường để làm tình, tuy tôi không có chút tình cảm nào với những người khách ngẫu nhiên của mình thế nhưng bản thân vẫn bị những sức mạnh huyền diệu của những khoái lạc luyến ái cuốn hút và làm đắm say. Bây giờ tôi không thể tin rằng mình có thể yêu và được yêu trong khung cảnh tăm tối, trong căn phòng lạnh lẽo này. Nhục dục lần nào cũng lừa dối tôi lẫn những người cùng đi với tôi bằng cách đã khoác gắn cho cái khung cảnh và căn phòng xa lạ, kỳ quặc này một tính cách thân thương và đáng yêu. Tôi nghĩ rằng nếu chẳng bao giờ còn được gặp Mino nữa thì cuộc sống sẽ giống như căn phòng này, nếu nhìn lại cuộc đời tôi một cách khách quan, không ảo tưởng thì từ nay nó chẳng còn gì là tốt đẹp và thầm kín nữa, nó như căn phòng của Gielinda, chất đầy những đồ vật sứt mẻ, xấu xí và lạnh lẽo. Tôi rung mình và bắt đầu cởi áo xống.
Vải trải giường lạnh như băng thấm ẩm gây cho tôi cảm giác như mình đang nằm trong đất sét ướt để lấy khuôn. Trong khi vải trải giường từ từ nóng ấm tôi nằm đắm mình trong suy nghĩ. Tôi nghĩ về trường hợp xảy ra đối với Sonzogno và bắt đầu phân tích nguyên nhân, hậu quả của cái vụ ảm đạm này. Bây giờ thì tất nhiên Sonzogno cho rằng tôi đã tố cáo gã, mọi tình tiết đã tiến triển rất nguy hại cho tôi. Nhưng liệu chỉ có những tình tiết ấy thôi ư? Tôi chợt nhớ lại câu nói của gã: "Anh có cảm giác đang bị theo dõi", và tôi tự hỏi liệu cha cố đã nói lộ ra chưa. Chắc ông ta chưa nói lộ ra đâu, nhưng dẫu sao vẫn cần phải xác minh xem.
Nghĩ tới Sonzogno, tôi hình dung mọi diễn biến xảy ra ở nhà tôi sau khi tôi bỏ trốn: chờ hoài phát chán, Sonzogno liền mặc quần áo, thì liền ngay lúc đó hai người cảnh sát ập tới, gã liền lấy súng lục ra bắn rồi bỏ chạy. Như lần trước, khi nghĩ tới tội ác của Sonzogno, lúc này cảnh tượng đó đã khơi gợi cho tôi một niềm vui sướng mơ hồ và đầy thèm muốn. Đầu óc tôi quẩn quanh với cái cảnh bắn nhau và tôi tỉ mỉ tưởng tượng lại và tận hưởng mọi chi tiết, tất nhiên là trong cuộc đụng độ giữa cảnh sát và Sonzogno thì tôi luôn đứng về phía Sonzogno. Cuối cùng, tôi mệt mỏi và tắt đèn.
Tôi nhận thấy giường tôi kê sát với cánh cửa đã bị khóa dẫn sang phòng bên. Trong bóng tối tôi thấy cánh cửa không khép kín, để lộ một vạt ánh đèn qua kẽ hở giữa hai cánh. Tôi nhỏm dậy, chống khuỷu tay lên gối, thò đầu qua các thanh sẳt ở thành giường và ghé mắt nhìn qua khe hở. Tôi làm vậy không chỉ vì do tò mò - chẳng là tôi biết trước những gì sẽ thấy và nghe được bên cánh cửa - mà chủ yếu do sợ phải đối mặt với những suy nghĩ của mình, sợ cô đơn, nên tôi đành phải sử dụng biện pháp đê tiện này để tìm kiếm xã hội con người tại phòng bên. Thoạt đầu tôi trông thấy một chiếc bàn tròn, ánh đèn chùm rọi xuống mặt bàn, nằm trong bóng tối là một chiếc tủ gương. Tuy vậy tôi còn nghe rõ tiếng trò chuyện: những lời thường lệ mà tôi biết rất rõ, những câu hỏi thường lệ về nơi sinh, về tuổi tác, về tên họ. Giọng người phụ nữ bình tĩnh và thận trọng, còn giọng người đàn ông - sốt ruột và xúc động. Họ trò chuyện với nhau ở trong một góc phòng, có lẽ họ đã lên giường nằm. Do đang ở trong tư thế không thuận tiện nên rất mỏi gáy, tôi định thôi không quan sát nữa thì bỗng một phụ nữ mình không mặc áo xống xuất hiện trong tầm mắt tôi và dừng lại bên chiếc gương ở phía mạn bàn nằm trong bóng tối. Cô ta đứng quay lưng về phía tôi, tôi chỉ nhìn thấy từ lưng trở lên. Chắc cô ta còn rất trẻ, mái tóc dày quăn xõa xuống chiếc lưng gầy, xương xẩu, nằm dưới làn da tái nhợt. Cô ta chắc chưa tới hai chục tôi, tôi nghĩ, nhưng đã có con, ngực đã bị chảy xệ. Có lẽ cô ta thuộc loại các cô gái đói khổ, mình không áo bành tô, đẩu trần, ăn mặc nhem nhuốc và rách rưới, chân đi giày có cổ to xù dạo chơi trên các vườn hoa của thành phố chỗ gần ga. Còn khi cô ta cười, tôi nghĩ, chắc trông rõ cả lợi. Tất cả những ý nghĩ này nẩy ra trong đầu tôi một cách vô ý thức, vì khi tôi thấy tấm lưng gầy guộc ấy tôi trấn tĩnh lại, thậm chí tôi còn thấy yêu mến cô gái này và hiểu rõ những tình cảm đang rộn lên trong lòng vào giây phút cô đứng ngắm mình trước gương. Nhưng một giọng đàn ông thô tục dội lên:
- Em đang làm gì ở đấy thế?
Cô gái rời khỏi gương. Tôi thoáng thấy cô ta từ phía bên: vai xuôi và ngực bị chảy xệ đúng như tôi đã nghĩ. Sau đó cô ta mất hút và ánh đèn trong phòng vụt tắt.
Tình cảm xao xuyến thiết tha mà cô gái đã khơi gợi trong tôi cũng vụt tắt và tôi lại có cảm giác cô đơn trong chăn đệm lạnh lẽo giữa cảnh tối tăm và đồ đạc xa lạ cũ kỹ. Tôi nghĩ tới hai người kia ở sau bức tường này: cả hai ngủ thiếp đi, cô gái nằm cạnh bồ của mình, cằm tựa vào vai anh ta , chân quặp chặt chân anh ta, tay ôm ngang lưng anh ta, bàn tay đặt nơi bẹn, còn các ngón tay lần dưới những lớp gần nơi bụng tựa rễ cây bò tìm nhựa sống ở dưới sâu trong đất và bỗng tôi cảm thấy mình là một cái cây bị nhổ bật rễ và bị quăng lên lớp đá phẳng trơn ngoài vỉa hè, cây bị héo khô và chết. Mino không ở bên tôi, khi vươn tay ra, tôi cảm thấy mình đụng vào khoảng không lạnh giá, không sức sống bao quanh tôi, còn chính giữa là bản thân tôi, yếu đuối cô đơn, nằm co quắp. Tôi có ý muốn đau xót và không kìm nén được là nằm bên Mino, nhưng anh đâu có ở cạnh tôi, tôi có cảm giác mình góa bụa, tôi bật khóc và vươn tay ra tựa như đang ôm Mino. Tôi chẳng còn nhớ mình thiếp đi lúc nào nữa.
Giấc ngủ của tôi luôn là một giấc ngủ sâu và khỏe khoắn có thể sánh ngang với cái ăn ngon miệng của một người dễ nuôi và dễ làm đã cái đói. Do đó, sáng hôm sau, vừa tỉnh dậy tôi đã hơi ngạc nhiên là mình đang ở trong phòng của Gielinda và nằm trên giường chan hòa ánh nắng lọt qua khe rèm lung linh trên gối và trên tường. Chưa tỉnh hẳn tôi đã nghe thấy tiếng chuông điện thoại từ hành lang vọng vào. Gielinda trả lời một câu gì đó, tôi có nghe nhắc đến tên mình, sau đó có tiếng gõ cửa. Tôi vùng dậy và tuy mặc độc chiếc áo lót, tôi chạy ra mở cửa.
Ngoài hành lang không có ai cả, ống điện thoại nằm trên chiếc bàn con. Gielinda đã xuống bếp. Tôi cầm ống nghe và giọng mẹ vang lên. Mẹ hỏi:
- Adriana, con đấy à?
- Vâng, con đây.
- Tại sao con lại bỏ đi thế? Có chuyện gì vậy… ít ra con cũng nên báo cho mẹ biết trước chứ… ôi khủng khiếp quá.
- Dạ, con biết rõ mọi chuyện rồi ạ… - Tôi vội đáp - mẹ chẳng cần phải giải thích làm gì.
- Mẹ lo cho con quá chừng - Mẹ bảo - À mà signor Diodatti đang ở nhà ta đấy.
- Signor Diodatti hả mẹ?
- Ừ, anh ấy đến lúc sáng sớm nay… vì muốn gặp con bằng được, anh ấy bảo sẽ đợi con ở đây.
- Mẹ bảo anh ấy rằng con về ngay bây giờ… mẹ bảo con về ngay đấy mẹ nhé.
Treo ống nghe lên, tôi chạy trở lại phòng và mặc vội áo xống. Tôi không thể ngờ rằng Mino lại được thả nhanh như vậy và không hiểu sao, tôi cảm thấy nếu tôi phải chờ đợi vài ngày hay thậm chí suốt một tuần thì sự phóng thích này còn mang đến cho tôi niềm vui trọn vẹn hơn. Do anh được phóng thích nhanh như vậy nên tôi cảm thấy khả nghi thế nào ấy và bất giác thấy lo lo. Mỗi sự đều có ý nghĩa riêng, nhưng ý nghĩa của việc được thả nhanh như vậy còn là mơ hồ. Song tôi cảm thấy an tâm là Astarita chắc đã giữ lời hứa và can thiệp để người ta thả Mino ra. Thế nhưng tôi tha thiết được gặp lại Mino và sự nóng lòng chờ đợi ấy dẫu sao cũng là một niềm hạnh phúc, tuy bị nỗi lo âu gây u buồn.
Mặc áo xống xong, để Gielinda không phật ý, tôi giấu thuốc lá, kẹo caramen và bánh ngọt mà tối qua tôi không hề đụng tới vào túi xách tay, rồi đi qua bếp chào bà chủ nhà.
- Bây giờ thì yên tâm rồi hả? - Bà ta hỏi - Tâm trạng em ra sao?
- Chiều tối qua em bị mệt… thôi chào chị nhé.
- Đi đi, em tưởng chị không nghe rõ câu chuyện qua máy điện thoại của em à?... Signor Diodatti… ở lại với chị một giây phút đã nào… ta uống một tách cà phê.
Bà ta còn nói những gì gì nữa, nhưng tôi đã chạy vụt ra cầu thang.
Tôi ngồi sát ngay bên cửa xe taxi, tay cầm sẵn túi để chực khi xe vừa đỗ là lao ngay ra khỏi xe, tôi sợ phải chạm trán với đám đông đứng bàn tán ngay bên cửa ra vào về mấy phát súng của Sonzogno. Tôi còn tự hỏi xem nói chung, mình có nên về nhà hay không, vì bất cứ lúc nào Sonzogno cũng có thể ập đến đề trừng trị tôi, nhưng tôi đã thầm nhận thấy mình hoàn toàn chẳng sợ gì chuyện đó. Nếu Sonzogno quyết định trả thù thì cứ việc trả thù, tôi không có ý định lẩn tránh con người mà tôi chẳng có lỗi gì với anh ta cả.
Không một bóng người nào lảng vảng gẩn nhà, cầu thang cũng vậy. Tôi chạy như bay vào phòng may và thấy mẹ đang ngồi đạp máy bên cửa sổ. Mặt trời ùa vào phòng qua lớp kính cáu bẩn, chú mèo ngồi trên bàn say sưa liếm chân. Mẹ liền ngừng may và bảo:
- Cuối cùng thì con đã về… ít ra thì con cũng nên báo trước với mẹ rằng con đi tìm cảnh sát.
- Cảnh sát nào? Mẹ nói gì vậy?
- Mẹ cũng đã nói với con rồi… ở nhà khủng khiếp quá.
- Con đâu có tìm cảnh sát - Tôi tức giận bảo - con bỏ đi, có vậy thôi… cảnh sát truy lung một người khác… đúng, chắc hẳn lương tâm người đó bất chính.
- Thậm chí con chẳng buồn cho mẹ biết thực hư ra sao - Mẹ nói và nhìn tôi vẻ trách móc.
- Vả lại nói gì mới được chứ?
- Mẹ sẽ không đi bép xép đâu… Nhưng mẹ cứ ngỡ con ra ngoài phố… nhưng thực ra, con vừa đi mấy phút thì cảnh sát xuất hiện ngay.
- Nhưng không phải là con…
- Vả lại, con xử sự đúng đấy… để cho loại người như vậy không nhởn nhơ tự do lượn lờ… con có biết một người cảnh sát đã bảo gì không?... Tôi đã thấy hắn ở đâu rồi thì phải.
Tôi nghĩ rằng tôi không thể khuyên can mẹ từ bỏ ý nghĩ cho rằng tôi đã đi tố cáo Sonzogno.
- Thôi được rồi, được rồi - Tôi xẵng giọng cẳt ngang - thế còn người bị thương, làm thế nào đưa ra khỏi đây được?
- Người nào bị thương?
- Con nghe nói một cảnh sát bị thương gần chết.
- Con bị lừa rồi… thật ra một cảnh sát bị đạn trầy da tay… tự tay mẹ băng bó cho anh ta… anh ta vẫn đi lại được mà… song mẹ nghe có tiếng súng nổ, bắn nhau ở cầu thang… mẹ nghĩ cái nhà này sẽ nổ bung lên… sau đó người ta vặn vẹo hỏi mẹ, nhưng mẹ chẳng hay biết gì hết.
- Signor Diodatti đâu, mẹ?
- Ở kia kìa, trong phòng con ấy.
Tôi cố tình nán lại trong phòng mẹ chủ yếu là vì chưa muốn gặp Mino vội vì linh cảm có chuyện chẳng lành. Tôi rời khỏi phòng may và đi về phòng mình. Trong phòng tối om, trước khi vặn được núm bật đèn, tôi nghe thấy tiếng Mino bảo:
- Mong em đừng bật điện.
Tôi sửng sốt trước giọng nói kỳ lạ của anh, thật ra mà nói, chẳng có gì là vui cả. Tôi hé mở cửa mò mẫm xuống bên giường và ngồi xuống mép giường. Chắc anh nằm nghiêng, mặt quay về phía tôi.
- Anh bị mệt à? - Tôi hỏi.
- Anh khỏe lắm.
- Có lẽ anh bị mệt đấy.
- Không, không bị mệt đâu.
Tôi chờ đợi một cuộc gặp mặt hoàn toàn khác cơ. Niềm vui không thể tách rời khỏi áng sáng được. Há dễ gì trong cảnh tối tăm này tôi lại có thể vui mừng, ngời sáng, giọng nói tôi lại vui vẻ dội vang, đến tay tôi thậm chí của chẳng thể đụng vào khuôn mặt thân thương.
- Anh định làm gì đấy, anh? Anh muốn ngủ à?
- Không.
- Anh có muốn em đi đi không?
- Không.
- Em ở lại nhé.
- Ừ.
- Anh có muốn em nằm bên anh không?
- Ừ.
- Ta yêu nhau anh nhé.
- Ừ.
Câu trả lời này làm tôi sửng sốt vì, như tôi đã nói, anh không bao giờ có được nhu cầu thực sự trong tình yêu. Tôi lo ngại và âu yếm hỏi:
- Ngủ với em anh có thích không?
- Có.
- Thế bây giờ vẫn thích chứ?
- Vẫn.
- Thế chúng mình sẽ mãi mãi bên nhau chứ anh?
- Ừ.
- Có lẽ để em bật đèn nhé.
- Không.
- Không sao, em cởi áo xống trong tối vậy.
Tôi bắt đầu cởi áo xống, lòng rộn vui trước thắng lợi. Một đêm trong nhà tù, tôi nghĩ, đã làm cho anh nhận ra rằng anh đang yêu và không thể sống không có tôi. Sau này, tôi mới vỡ lẽ là tôi lầm to, tuy tôi đoán ra rằng sự nhượng bộ bất ngờ ấy có liên quan đến việc anh bị bắt, tôi vẫn không hiểu rõ rằng sự thay đổi như vậy trong hành vi của anh hoàn toàn không thể quyến rũ tôi hay thậm chí làm tôi vui mừng. Nhưng vào giây phút đó, tôi khó nhận biết được tất cả những chuyện ấy.
Tôi cởi bỏ áo xống với những động tác mãnh liệt tựa như một con ngựa đứng tù chân cố giằng bỏ dây cương. Tôi khao khát muốn truyền sang cho Mino toàn bộ nỗi niềm say đắm của mình và niềm vui được gặp lại anh mà mấy phút trước đây không thể nào thực hiện được do trong bóng tối và hành vi của tôi đã làm anh chán nản.
Song khi vừa lại gần anh và cúi xuống giường để nằm xuống bên anh, tôi bỗng thấy anh đưa hai bàn tay ôm lấy đầu gối tôi và cắn sườn tôi đến bật máu. Tôi bị nhói đau và đồng thời nhận thấy rằng hành động này bộc lộ một nỗi tuyệt vọng vô hạn tựa hồ hai chúng tôi không phải là tình nhân của nhau mà là hai kẻ phạm tội bị thù ghét, phẫn nộ và tuyệt vọng xô đẩy xuống đáy cảnh địa ngục mới, vì vậy họ túm lấy nhau và dùng răng cắn xé nhau. Tôi thấy anh cắn tôi lâu tưởng chừng như vô tận, cứ như muốn bứt một miếng thịt ra khỏi cơ thể. Tuy tôi thây thinh thích khi anh làm như vậy, nhưng hiểu rõ hành động của anh chẳng hề mang một chút yêu thương nào, cuối cùng tôi không chịu nổi, đẩy anh ra và bảo, giọng khe khẽ đầy tuyệt vọng:
- Bỏ em ra… anh làm gì thế anh? Đau em.
Mọi ảo tưởng về thắng lợi của tôi bị sụp đổ sạch. Sau đó đắm mình trong ái ân, hai chúng tôi không ai nói một lời nào, nhưng dẫu sao tôi đã lờ mờ đoán ra được lý do thực sự trong tâm trạng hờ hững và đắm say mà sau này anh tự giải thích với tôi. Tôi nhận thấy rằng từ trước tới nay anh không hẳn chi khinh bỉ tôi, đúng hơn còn khinh bỉ cả cái phần của chính bản thân mình mà tôi khao khát vuốt ve, còn bây giờ thì ngược lại, vì lý do gì thì chỉ mỗi anh rõ, anh đã hoàn toàn buông thả cái phần nho nhỏ trong bản chất của mình, mà cho tới nay bị anh căm ghét biết bao, chỉ riêng điều này cũng đủ rõ tất cả. Tôi chẳng liên quan gì đến việc ấy, vẫn như trước đây, anh không yêu tôi. Dù tôi có là một con người đổi khác đi nữa, anh đâu có biết, trước đây anh vẫn chỉ coi tôi như một công cụ hoặc để trừng phạt hoặc để thưởng cho bản thân mình. Nằm bên anh trong bóng tối, tôi hiểu rõ ràng điều đó không chỉ qua lý trí mà còn qua cả thể xác, do cảm thấy qua bản năng, hệt như hồi tôi cảm thấy Sonzogno là một kẻ giết người, tuy lúc đó tôi vẫn chưa hề biết gì về tội ác của gã. Nhưng tôi yêu Mino, và tình yêu của tôi mạnh hơn cái ý thức đó.
Dẫu sao tôi cũng thấy sửng sốt trước sự mãnh liệt và sự thèm muốn không thấy đã của anh mà trước đây anh vốn rất dè dặt. Tôi luôn luôn nghĩ rằng anh giữ mình còn vì do anh không được khỏe lắm. Bởi vậy, khi anh lại vuốt ve tôi, tôi không kìm được đã lên tiếng bảo:
- Em thì chuyện này xem chừng chẳng sao đâu… còn anh có lẽ có hại đấy.
Anh mỉm cười, rồi thì thầm bên tai tôi:
- Từ nay trở đi không còn gì làm hại anh được nữa.
Mấy chữ "từ nay trở đi" nghe đến là gở, nên niềm vui của tôi liền vụt tắt, tôi sốt ruột chờ đợi giây phút có thể trò chuyện cùng Mino và biết rõ mọi việc. Sau đó, anh ngủ thiu thiu chứ không hề thiếp giấc. Tôi im lặng chờ đợi một lúc, cuối cùng tự gượng ép mình - tuy tim thót lại vì sợ hãi - khẽ nói:
- Bây giờ anh kể em nghe xem có chuyện gì vậy?
- Chẳng có chuyện gì cả.
- Dù sao thì hẳn cũng có chuyện gì đó xảy ra anh ạ.
Anh im lặng trong giây phút, rồi lên tiếng tựa như nói với chính bản thân anh:
- Xét cho cùng anh thấy chuyện này cũng nên cho em biết thì hơn... chuyện là thế này: kể từ mười một giờ tối qua anh đã là một tên phản bội.
Nghe những lời ấy tôi thấy nổi cả da ốc, thật ra không phải vì chính những lời ấy, mà vì âm hưởng giọng nói của anh. Tôi khe khẽ thì thầm:
- Tên phản bội? Tại sao?
Anh đáp, giọng lạnh lùng buồn bã và đượm chất mỉa mai:
- Signor Mino nổi tiếng trong những người cùng tư tưởng chính trị với mình là kiên quyết về quan điểm và không thỏa hiệp... họ coi signor Mino là lãnh tụ tương lai của mình... còn signor Mino tin chắc rằng mình biết cách tự làm nổi trội trong mọi tình huống và gần như khao khát muốn bị bắt và bị tra tấn... đúng, signor Mino coi việc bắt bớ, tù đày và những nhục hình khác là không thể tránh khỏi được trong cuộc đời của một chính khách, cũng như cuộc đời của một thủy thủ không thể tránh được những cuộc hành trình nguy hiểm, những trận phong ba, những lần đắm tàu... nhưng vừa bị sóng lắc một cái, chàng thủy thủ đã đầu hàng như một mụ đàn bà yếu hèn nhất... signor Mino vừa bị điệu đến một chốn cảnh sát nào đó, chẳng cần phải đợi đến dọa dẫm và tra tấn đã phun ra hết... Tóm lại, signor đã đầu hàng... như vậy, từ chiều tối qua signor Mino đã rời bỏ lĩnh vực một chính khách và bước vào cái gọi là con đường công danh của một tên mật báo.
- Anh đã sợ mà! - Tôi thốt kêu lên.
Anh bình tĩnh đáp:
- Không, có lẽ, anh không sợ... có điều sự việc xảy ra tựa hồ như lần anh định giải thích với em các quan điểm của anh... tự dưng anh thấy hờ hững với mọi chuyện... và anh thậm chí còn cảm thấy cái tên hỏi cung đến là dễ thương... anh ta chỉ cần biết rõ một đôi điều... còn anh lúc đó thấy chẳng cần phải giữ kín làm gì... có vậy, hay nói đúng hơn - Mino suy nghĩ trong giây lát, rồi nói tiếp - không phải như vậy đâu... nếu anh đã nói một cách chân thành, vội vã nhiệt thành... thậm chí lại quá mức làm anh ta phải dừng lại.
Tôi nghĩ tới Astarita, nhưng anh ta không thể là một con người dễ thương với Mino:
- Thế ai đã hỏi cung anh?
- Anh không rõ nữa... một người còn trẻ, mắt đen, mặt vàng bủng, hói trán... ăn mặc rất chững chạc, chắc là một nhân vật quan trọng.
- Anh thấy anh ta dễ thương à? - Tôi không thể không thốt lên một tiếng kêu sửng sốt khi thấy sự mô tả ấy trùng khớp với Astarita.
Anh bật cười ngay bên tai tôi:
- Yên tâm... không phải cá nhân anh ta đâu... mà là hành động của anh ta cơ... khi một con người từ bỏ chính bản thân mình hoặc mất khả năng là người mà đáng nhẽ anh ta phải là như vậy thì kể cũng lạ là chính trong những hoàn cảnh tương tự lại bộc lộ bản chất thực sự của mình... anh chẳng là con nhà giàu đấy ư? Cái con người đó chẳng đứng ra bảo vệ quyền lợi cho anh đấy sao? Thế đấy, anh và anh ta đã hiểu rõ rằng hai người có cùng nguồn gốc xuất thân... gắn bó với nhau bằng cùng những nút thắt... Em nghĩ rằng anh không thích thú với cái bản thân cá nhân anh ta à? Không, không đâu... anh thích thú về những hành vi của anh ta... anh cảm thấy mình đã nuôi dưỡng và trả tiền cho anh ta để làm cái nhiệm vụ bảo vệ ấy, anh là người anh ta bảo vệ, chủ của anh ta, tuy đang đứng trước anh ta với tư cách bị cáo.
Anh cười, hay nói đúng hơn là cười sằng sặc như đang lên cơn ho làm tôi nhức nhối tai. Tôi chỉ biết mỗi một điều: đã xảy ra một chuyện chẳng có cách nào vớt vát được nữa, và cuộc đời tôi trở nên mờ mịt và bất định. Một phút sau anh nói tiếp:
- Có lẽ anh đã vu oan giáng họa cho bản thân... anh đã phản bội chẳng qua vì anh hờ hững... vì anh bỗng thấy mọi chuyện đến là kỳ cục và vô lý, anh chẳng còn hiểu rõ những gì anh phải tin tưởng.
- Chẳng còn hiểu rõ? - Tôi bất giác nhắc lại.
- Đúng... hay nói đúng hơn là anh hiểu, như anh đã luôn luôn từng hiểu, lời nói chứ không phải hành động mà những lời ấy định nói tới... lẽ nào lại đau khổ như vậy vì những lời nói sao? Lời nói chẳng qua chỉ là một sự ghép âm, nếu người ta bỏ tù anh vì tiếng rống của một con lừa hay tiếng cọt kẹt của một bánh xe... thì cũng bất cần, âm thanh của lời nói anh coi chẳng có ý nghĩa gì, đối với anh chúng kỳ cục và vô lý, con người cần lời nói, cần bao nhiêu anh cho tuốt bấy nhiêu.
- Nếu vậy - Tôi vặn lại - Nếu đây chỉ là âm thanh của lời nói... thì tại sao anh phải bồn chồn làm vậy?
- Đúng, nhưng tiếc rằng lời nói vừa rồi nói ra thì chúng chẳng còn là lời nói nữa mà trở thành hành động.
- Tại sao?
- Tại vì anh liền bị giày vò ngay... tại vì vừa nói xong anh liền hối hận... tại vì anh hiểu rõ và cảm thấy rằng nói ra những lời ấy, anh đã có hành vi mà người đời gọi là phản bội.
- Thế tại sao lúc đó anh lại nói ra?
Anh uể oải đáp:
- Tại sao trong khi ngủ con người trò chuyện? Có lẽ anh đã ngủ... còn bây giờ anh đã tỉnh giấc.
Chúng tôi cứ quanh đi quẩn lại về một vấn đề. Tim tôi thắt lại vì đớn đau, còn bản thân tôi, sau khi cố dằn lòng, tôi nói:
- Có lẽ anh nhầm đấy thôi... anh cứ ngỡ mình đã thốt lên những lời có trời mới hiểu nổi, nhưng thực tế anh chẳng nói gì cả.
- Không, anh không nhầm. - Anh cộc lốc đáp.
Im lặng một lát, tôi bèn lên tiếng:
- Này anh, thế còn các bạn anh thì sao?
- Bạn nào cơ?
- Tullio và Tomasso ấy.
- Anh không biết chút gì về họ cả - Anh làm bộ thờ ơ đáp - Họ đã bị bắt rồi.
- Không, họ chưa bị bắt - Tôi kêu lên.
Tôi cho rằng tất nhiên Astarita không lợi dụng giây phút yếu đuối ấy của Mino. Nhưng lúc này, sau khi nghe nói đến việc bắt hai người bạn của anh, tôi mới thực sự hiểu rõ toàn bộ tính chất nghiêm trọng của tình thế.
- Tại sao họ lại không bị bắt nhỉ - Anh hỏi - Anh đã nêu tên họ của họ mà, chắc họ sẽ bị bắt mất.
- Ôi, Mino! - Tôi đau xót kêu lên - Tại sao anh lại làm vậy?
- Anh cũng đang tự hỏi mình đây mà.
- Nhưng nếu họ không bị bắt - Tôi vớ luôn lấy cái hy vọng duy nhất còn lại - thì như vậy vẫn chưa phải là mất tất. Họ không khi nào biết được rằng anh...
Anh ngắt lời tôi:
- Đúng, nhưng anh sé bỉết... anh sẽ mãi mãi biết rõ... sẽ mãi mãi biết rõ rằng anh không còn là một người như trước đây mà là một con người khác, và chính bản thân anh đã sản sinh ra con người đó khi anh đã nói ra, cũng tựa như người mẹ sinh ra đứa con của mình... bây giờ tiếc rằng con người đó không vừa ý anh... tất cả tai họa là ở chỗ đó... thì đã chẳng có những ông chồng giết vợ mình vì không thể chung sống nổi đó sao?... Bây giờ em cứ thử tưởng tượng mà xem, có hai sinh vật sống cùng trên một thân mình mà lại căm ghét không đội trời chung với nhau thì rõ... còn các bạn anh, tất nhiên là họ sẽ bị bắt thôi.
Không kìm được, tôi nói:
- Nếu thậm chí anh không nói gì, đằng nào chúng cũng thả anh... và bè bạn anh chẳng bị nguy cơ nào đe dọa cả.
Tôi vắn tắt kể lại cho anh nghe toàn bộ mối quan hệ của tôi với Astarita, việc tôi có thể giải thoát anh khỏi nhà tù ra sao và lời Astarita đã hứa với tôi. Anh im lặng nghe tôi nói, sau đó anh nói:
- Mỗi lúc một rối rắm thêm... như vậy, anh được thả không chỉ do công lao làm kẻ tố giác mà còn do quan hệ luyến ái của em với cảnh sát.
- Mino, anh không nên nói thế! Anh...
- Tuy vậy - Một phút sau anh lên tiếng nói tiếp - anh mừng là các bạn anh may mắn đã thoát được... ít ra lương tâm anh không bị cắn rứt về chuyện đó.
- Anh thấy đấy - Tôi sốt sắng nói - bây giờ, về thực chất không có sự khác biệt nào giữa anh và các bạn anh nữa nhé. Họ cũng nhờ em và nhờ có sự việc là Astarita yêu em say đắm nên đã không bị bắt.
- Xin lỗi đi... có sự khác biệt đấy em ạ... họ đã không phản bội một ai.
- Làm sao anh biết được?
- Anh tin họ, song trong những trường hợp như thế này, mất liên lạc quả là một điều chẳng lấy gì làm thú vị cả.
- Thì anh cứ làm như chẳng có chuyện gì xảy ra cả - Tôi lại thuyết phục anh - anh đến với họ như không xảy ra chuyện gì hết... biết làm sao được? Ai cũng có giây phút yếu đuối.
- Đúng, nhưng không phải ai cũng gặp dịp chết mà cứ sống sờ sờ ra đấy - Anh đáp - em có biết chuyện gì xảy ra vào lúc anh khai không? Anh đã chết... đã chết... chết hẳn rồi.
Một nỗi buồn làm tim tôi thắt lại, nước mắt tôi lại tuôn trào.
- Sao em khóc? - Anh hỏi.
- Vì anh nói những chuyện khủng khiếp - Tôi đáp và lại càng bật khóc to hơn - cứ như anh đã chết thật rồi ấy... em sợ quá.
- Em không thích nằm với người đã quá cố à?- Anh giễu cợt hỏi - Song điều đó không đến nỗi đáng sợ như em nghĩ đâu... thậm chí chẳng có gì đáng sợ cả... anh không chết theo đúng nghĩa của từ này... về thể xác, nó vẫn sống, vẫn sống... Em cứ thử sờ xem, anh vẫn sống, còn với em, em tin rằng anh chưa bao giờ sống như lúc này... đừng sợ, khi anh sống chúng mình ít làm tình với nhau, lúc này khi anh đã chết chúng mình sẽ bù lại mà.
Cô gái thành Rome
Phần thứ nhất - CHƯƠNG MỘT
CHƯƠNG HAI
CHƯƠNG BA
CHƯƠNG BỐN
CHƯƠNG BỐN ( tt)
CHƯƠNG NĂM
CHƯƠNG SÁU
CHƯƠNG BẢY
CHƯƠNG TÁM
CHƯƠNG CHÍN
Phần hai - Chương một
Chương Hai
Chương Ba
Chương bốn
Chương Năm
Chương Sáu
Chương Sáu (tt)
Chương Bảy
Chương Tám
Chương Chín
Chương Chín (tt)
Chương Mười
Chương Kết
Lời giới thiệu